48 Nguyên Tắc Chủ Chốt Của Quyền Lực - Robert Greene

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Vân Mây, 24 Tháng sáu 2018.

  1. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 19: Đừng Xúc Phạm Nhầm Người

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trên thế giới này có rất nhiều hạng người, và tất cả họ đều sẽ không phản ứng như nhau với chiến lược của ta. Chỉ cần ta đánh lừa hoặc tỏ ra láu cá với người nào đó, và hắn sẽ bỏ cả đời tìm ta mà báo thù. Hắn là con sói đội lốt cừu. Vì vậy hãy chọn lựa kỹ càng ai là con mồi, ai là địch thủ bao giờ xúc phạm nhầm người.

    ĐỐI THỦ, GÃ KHỜ VÀ NẠN NHÂN:

    LOẠI HÌNH HỌC SƠ ĐẲNG

    Trên đường mưu cầu quyền lực ta sẽ gặp phải nhiều loại đối thủ, kẻ cả tin và các nạn nhân. Muốn đạt đỉnh cao quyền lực, ta phải có khả năng phân biệt sói với cừu, cáo với thỏ, diều hâu với kền kền. Được như vậy ta sẽ thành công mà không cần o ép ai thái quá. Ngược lại nếu cứ nhắm mắt mà lao vào bất cứ ai trên đường, thì nếu may phước còn sống sót, cuộc đời ta sẽ là một chuỗi dài buồn tủi. Vậy vấn đề sinh tử là biết phân biệt nhiều dạng người để ứng xử cho thích hợp. Sau đây là năm loại mục tiêu nguy hiểm và khó xử nhất, được những bậc thầy lừa bịp đã xếp loại.

    Người kiêu căng ngạo mạn. Mặc dù thoạt tiên hắn có thể ngụy trang tính ngạo mạn, nhưng bạn nên nhớ rằng con người kiêu kỳ nhạy cảm này hết sức nguy hiểm. Chỉ cần cảm thấy bị xúc phạm, dù nhẹ thôi, cũng khiến hắn trả thù một cách tàn bạo. Bạn có thể tự bào chữa rằng “Nhưng tôi chỉ nói như thế như thế ở bữa tiệc, ai ai cũng xỉn cả…” Việc đó không quan trọng. Không có bất kỳ tí sáng suốt nào phía sau hành động phản ứng thái quái của hắn cả, vì vậy bạn đừng bất thì giờ tìm hiểu. Trong tiến trình giao tế với người nào đó, nếu cảm thấy hắn tự hào thái quá, bạn hãy tránh xa. Bất cứ điều gì bạn trông chờ từ con người này cũng không xứng đáng để đánh đổi.

    Người mất tự tin không còn phương cứu chữa. Người này cũng có bà con với dạng vừa kể trên, nhưng ít hung bạo hơn và khó nhận ra hơn. Cái tôi của hắn khá mong manh nên hắn không tự tin, và nếu cảm thấy mình bị lừa bịp hoặc tấn công, hắn sẽ cắn răng nuốt cơn nóng giận. Sau đó hắn sẽ trả đũa bằng những cú cắn vặt mà phải mất một thời gian lâu sau, đến khi thấm đòn thì bạn mới nhận ra. Nếu lỡ gây tổn thương cho hạng người này, bạn nên giấu mặt thật lâu. Bạn còn ở trong tầm với thì hắn sẽ rỉa bạn cho đến chết.

    Ông đa nghi. Một biến thể của hai loại trên, hắn là một Stalin sắp thành hình. Hắn chỉ thấy những điều muốn thấy ở người khác – và thường khi đó là những điều tệ hại nhất – rồi tưởng tượng rằng ai cũng tìm cách hại mình. Thật ra Ông đa nghi là một dạng ít nguy hiểm nhất trong cả ba: Đầu óc bị chênh một cách… chân thành, dạng người này dễ bị lừa, cũng như Stalin thường xuyên bị qua mặt. Bạn có thể thao túng tính đa nghi của dạng người này để đâm bị thóc chọc bị gạo. Nhưng nếu đã trở thành đối tượng của tính đa nghi ấy, bạn hãy coi chừng.

    Rắn độc thù dai. Một khi bị mắc lừa hay bị xúc phạm, loại người này sẽ không để lộ ra mặt, mà sẽ tính toán và chờ đợi. Khi được thời cơ lật đổ tình thế, hắn sẽ chăm chỉ trả thù với sự tinh quái lạ lùng. Cố gắng nhận biết dạng người này qua sự tính toán và khôn vặt ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống hắn. Thường thì hắn khá lạnh lùng và không biểu lộ cảm xúc. Nên cẩn thận gấp đôi với con rắn này. Nếu lỡ đụng chạm hắn, bạn phải nghiền cho nát luôn, còn không thì bạn nên biến đi đừng để hắn thấy mặt.

    Người thật thà, chất phác và thường là không mấy thông minh. A, hai tai bạn vểnh lên khi phát hiện ra loại nạn nhân hấp dẫn như vậy. Nhưng dạng người này không dễ bị dụ như bạn nghĩ đâu nhé. Để bị rơi vào bẫy, thì nạn nhân phải ít nhiều có tí đầu óc và tưởng tượng – đánh hơi được lợi lộc trước mũi. Còn người khờ quá thì sẽ không cắn câu vì không có khả năng nhận ra miếng mồi. Hắn vô tư đến thế cơ đấy. Dạng người này nguy hiểm không ở chỗ sẽ trả thù hay làm hại ta, nhưng đơn giản là hắn làm ta mất thời gian, tiền bạc, sinh lực và thậm chí cả cái đầu óc sáng suốt của ta, khi ta cố gắng bịp hắn. Bạn hãy thủ sẵn một trắc nghiệm cho đối tượng này dưới dạng một câu chuyện tiếu lâm, chuyện đùa. Nếu nghe xong mà hắn có vẻ ngờ nghệch, thì chắc chắn bạn trúng đài rồi. Còn tiếp tục hay không là tùy bạn, dám chơi dám chịu.

    VI PHẠM NGUYÊN TẮC

    Mất lòng Đại hãn

    Vào đầu thế kỷ XIII, shah (vua) Muhammad xứ Khwarezm sau nhiều cuộc chiến chinh đã mở rộng bờ cõi phía Tây từ vùng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay sang đến tận Afghanistan ở phía Nam. Trung tâm đế chế là ở thủ đô Samarkand. Shah có một đội quân hùng mạnh, thiện chiến và chỉ trong vài ngày là có thể động viên 200.000 quân.

    Năm 1219 Muhammad tiếp kiến sứ thần của một bộ tộc mới nổi ở phía Đông, mà lãnh tụ là Thành Cát Tư Hãn. Sứ thần mang rất nhiều loại quà tặng cho Muhammad, mỗi thứ đều đại diện cho những hàng hóa tốt nhất từ đế chế Mông Cổ của Đại hãn. Thành Cát Tư Hãn muốn mở lại Con đường tơ lụa sang châu Âu và gợi ý chia sẻ với Muhammad, đồng thời muốn thiết lập nền hòa bình giữa hai đế chế, Muhammad không biết gã mới phất ở phía Đông kia là ai, song cảm thấy hắn thật ngạo mạn khi muốn nói chuyện ngang hàng với mình. Ông ta không đếm xỉa gì đến lời chào mời ấy. Đại hãn thử chào mời lần nữa: Lần này ông gửi một đoàn hàng trăm con lạc đà chất đầy những món quý hiếm nhất đánh cướp được từ Trung Quốc. Tuy nhiên đoàn chưa kịp đi đến với Muhammad thì Inalchik, viên thống đốc vùng giáp ranh Samarkand, đã đánh cướp và giết sứ thần.

    Thành Cát Tư Hãn cho rằng Inalchik tự ý hành động không được Muhammad chấp thuận nên gửi đoàn sứ thần thứ ba đến gặp Muhammad kể lại mọi chuyện và đề nghị hợp tác. Lần này chính Muhammad ra lệnh giết sứ thần, hai sứ còn lại bị cạo đầu đánh đuổi về nước – một sự xúc phạm khủng khiếp đối với danh dự người Mông Cổ. Đại hãn gửi cho shah thông điệp: “Ông đã chọn lựa chiến tranh. Điều gì đến phải đến, và kết cục như nào chúng tôi không rõ, chỉ có Trời mới biết.” Năm 1220 Thành Cát Tư Hãn xua quân tiến chiếm thủ phủ của Inalchik, bắt sống hắn rồi sai quân nấu bạc chảy sôi đổ vào mắt và tai.

    Sang năm sau, Đại hãn tiến hành một loạt chiến dịch đánh nhanh rút gọn như du kích nhắm vào quân đội hùng mạnh hơn nhiều của shah. Vào thời đó, chiến thuật này hoàn toàn mới – chiến binh Mông Cổ di chuyển cực kỳ nhanh trên lưng tuấn mã, họ lại là những bậc thầy về môn cưỡi ngựa bắn cung. Chẳng bao lâu sau Samarkand bị bao vây phải quy hàng. Muhammad bỏ trốn và qua đời một năm sau đó, toàn thể đế chế rộng lớn bị cày nát. Thành Cát Tư Hãn trở thành chủ nhân duy nhất của Samarkand, của Con đường Tơ lụa và hầu hết Bắc Á.

    Diễn giải

    Đừng bao giờ cho rằng đối tác yếu hơn ta. Có những người phản ứng chậm khi bị xúc phạm nên khó lường được lòng dạ họ và ta không suy nghĩ gì sau khi lỡ lời xúc phạm. Nhưng sau đó nếu nhận ra rằng lòng tự hào và danh dự bị tổn thương, họ sẽ tấn công bạn thật vũ bão và chớp nhoáng, vì trước đó họ đã chậm nổi giận. Nếu muốn từ chối ai, bạn nên làm một cách lễ phép là lịch sự, ngay cả khi bạn cảm thấy lời đề nghị của họ khá trơ tráo và sự chào mời lại lố bịch. Đừng bao giờ từ chối họ bằng một lời xúc phạm, nhất là khi bạn chưa hiểu rõ về họ. Biết đâu bạn đang đối đãi với một Thành Cát Tư Hãn?

    Một mình chống lại Mafia

    Khoảng cuối thập niên 1910, những tay bịp bợm tài ba nhất nước Mỹ hợp thành một nhóm lừa đảo ở thành phố Denver bang Colorado. Vào mùa đông họ tràn xuống các bang miền Nam để làm ăn. Năm 1920, một trong những chỉ huy của hội nhóm đó là Joe Furey đang trổ tài ở Texas, gom được hàng trăm ngàn đôla bằng những mánh mung cổ điển. Ở Forth Worth, hắn gặp một con mồi mang tên J. Frank Norflect, chủ một trang trại gia súc rất to. Ông này sụp bẫy. Lóa mắt trước lời hứa hẹn những món tiền khổng lồ, ông ta vét sạch tài khoản ngân hàng được 45.000 đôla và trao cho “tập đoàn” Furey. Vài ngày sau bọn họ trao lại cho Norfleet tiền lời hàng triệu, nhưng khi xem lại mới biết chỉ có vài tờ đôla thật làm mặt, còn bên trong chẻ toàn giấy báo.

    Furey từng chơi mánh này hàng trăm lần và nạn nhân mắc cỡ vì quá ngu ngốc nên thường ngậm bồ hòn mà rút kinh nghiệm, chấp nhận tổn thất không dám hé răng. Nhưng Norfleet lại không giống những con mồi ấy. Khi ông đến trình báo tại đồn và cảnh sát trả lời là thủ phạm đã cao bay xa chạy khó mà bắt được, Norfleet khẳng định: “Vậy tôi sẽ đích thân săn đuổi chúng. Tôi quyết chí bắt chúng cho bằng được, cho dù phải bỏ hết cả đời”.

    Norfleet giao trang trại lại cho vợ chăm sóc để khởi hành chuyến Tây du, vừa đi vừa dò hỏi cho ra những nạn nhân trước đó. Nhờ vậy ông nhận dạng được một tên bịp đang hành nghề tại một khách sạn ở San Francisco. Ông khóa trái nhốt hắn trong phòng, sau đó hắn tự tử vì không muốn bị bỏ tù lâu năm.

    Norfleet tiếp tục, bắt trói tên bịp khác tại Montana, rồi sau đó sang tận Anh Quốc, Canada, và Mexico. Cánh tay phải của Furey là Spencer quá kinh hoàng trước cơn phẫn nộ của Norfleet nên chẳng thà nạp mình cho cảnh sát Canada còn hơn là bị Norfleet ăn thua đủ.

    Norfleet bắt Furey tại Florida và đích thân giao hắn cho luật pháp. Nhưng ông ta không dừng ở đó mà tiếp tục truy lùng để nhổ cho tận gốc mớ cỏ dại ấy. Norfleet không chỉ chịu tốn nhiều tiền của để săn đuổi, mà còn hy sinh vài năm đời mình cho đến khi tất cả băng nhóm lừa đảo kia vào tù hết.

    Sau 5 năm truy lùng, Norfleet đã đơn thương độc mã triệt hạ băng đảng lớn nhất nước Mỹ. Nỗ lực kiên trì này khiến ông phá sản và đổ vỡ gia đình, nhưng khi nằm xuống, ông mỉm cười mãn nguyện.

    Diễn giải

    Đa số nạn nhân đều chịu nhục chấp nhận. Họ học được một bài, nhìn nhận rằng không có gì là miễn phí cả và sở dĩ mình bị lừa là vì quá tham lam. Tuy nhiên có loại người không chịu uống thuốc đắng. Thay vì suy nghĩ về lòng tham và nhẹ dạ, họ tự cho mình là nạn nhân vô tội.

    Có thể loại người này là hiệp sĩ thập tự chinh chiến đấu tranh cho công lý và nhân nghĩa, song thật ra tâm lý họ cực kỳ bất ổn. Khi lỡ mắc mưu, họ tự hoài nghi cao độ và liều mạng sửa chữa sai lầm. Liệu việc nông trang khánh tận, hôn nhân tan nát, liệu những năm tháng phải đi vay mượn để lưu trú trong khách sạn rẻ tiền có đáng với hành động trả thù chỉ vì mình đã bị lừa? Với những ông Norfleet trên thế giới này, khắc phục được sai lầm, nghĩa là lấy lại sự tự tin thì giá nào cũng rẻ.

    Ai cũng có lúc bất an, và thông thường cách tốt nhất để lừa đảo là thao túng sự bất an của nạn nhân. Nhưng trong lĩnh vực quyền lực, mọi thứ đều phải có chừng mực, và những ai có tâm lý bất ổn cao độ hơn phần đông trong xã hội, thì những người ấy rất nguy hiểm. Bạn hãy nhớ: trước khi ra tay lừa đảo, hãy nghiên cứu kỹ con mồi. Nhiều người có cái tôi quá mong manh sẽ không thể nuốt trôi sự xúc phạm nhỏ nhất. Muốn biết mình có đụng phải dạng người như vậy không, bạn thử trắc nghiệm xem, chẳng hạn như câu nói đùa nhẹ nhàng. Người tự tin nghe xong cười xòa, còn nếu kẻ kia đổi sắc mặt thì… bạn nên tìm con mồi khác.

    Chờ thời phục hận

    Vào thế kỷ VII trước Công nguyên, Trùng Nhĩ chúa nước Tấn (697-628 TCN) bị buộc phải lưu đày. Ông ta sống đạm bạc, thậm chí kham khổ, để chờ thời hồi kinh và nối lại cuộc đời vương giả. Lần nọ khi đi ngang nước Trịnh, chúa nước này không biết ông là ai nên đối xử thô lỗ. Quan nước Trịnh bèn tâu “Người này là bậc vương giả sa cơ, xin chúa công đối xử rộng lượng để ông ta phải chịu ơn.” Nhưng chúa nước Trịnh phớt lờ lời khuyên và xúc phạm Trùng Nhĩ lần nữa. Quan nước Trịnh lại tâu “Nếu chúa công không chịu thu phục Trùng Nhĩ, chẳng thà giết hắn chết ngay để phòng ngừa hậu họa”. Chúa chỉ cười mỉa.

    Nhiều năm sau Trùng Nhĩ có cơ hội trở về nước và nắm lại quyền lực. Ông ta nhớ rõ trong thời kỳ lưu vong, ai đã tốt và ai đã bạc đãi mình. Và tất nhiên người ông không thể quên chính là chúa nước Trịnh. Khi vừa có thời cơ, ông dẫn ngay đại quân tiến chiếm và buộc chúa nước Trịnh phải chịu kiếp lưu đày.

    Diễn giải

    Ta không thể biết chắc người đối diện mình là ai. Người mà hôm nay thân phận còn nhỏ nhoi biết đâu mai sau sẽ nắm quyền lực. Trong đời, ta có thể quên nhiều thứ, nhưng hiếm khi quên lời thóa mạ.

    Làm sao chúa nước Trịnh có thể biết rằng Trùng Nhĩ thuộc dạng tham vọng, biết suy tính và tinh quái, một con rắn thù dai? Bạn có thể trả lời rằng không cách nào biết – nhưng đã không biết thì đừng thách thức. Ta chẳng được gì khi xúc phạm người khác một cách không cần thiết. Vừa bị xúc phạm, lại phải ngậm đắng nuốt cay, lúc đó người kia lại càng có vẻ yếu ớt hơn. Hạ nhục được người khác thật hả dạ, song sự hả dạ này thật quá nhỏ nhoi so với mối nguy mai mốt người ta sẽ trả thù.

    Vua xe hơi Henry Ford

    Năm 1920 là một năm đặc biệt tồi tệ đối với giới buôn tranh ở Mỹ. Những lão khách hàng đại gia lần lượt chết như ruồi, và chưa có nhà triệu phú nào nổi lên để thế chỗ. Tình hình tồi tệ đến mức một số con buôn quan trọng quyết định góp chung tài nguyên lại với nhau, một chuyện chưa bao giờ nghe thấy, bởi vì thông thường giới buôn tranh thương nhau như chó với mèo.

    Joseph Duveen là mối lái của những tay tài phiệt lừng lẫy nhất nước Mỹ, vào năm đó còn thất bại nhiều hơn các đồng nghiệp, nên cũng bấm bụng tham gia liên minh vừa kể, quy tụ năm đại gia bự nhất của giới buôn tranh. Quét radar tìm kiếm khách hàng, họ nhất trí rằng hy vọng cuối cùng chính là Henry Ford, vua xe hơi giàu nhất nước Mỹ. Ford chưa phiêu lưu vào thị trường tranh, và là mục tiêu quan trọng đến mức cả bọn năm người đều cảm thấy có ăn khi cùng hợp tác.

    Năm người đặt in bộ sách giới thiệu “Một trăm bức tranh tuyệt tác nhất thế giới” (mà do tình cờ nào đó đều thuộc sở hữu của nhóm). Nhóm bỏ ra nhiều tuần công sức để sản xuất bộ sách ba quyển thật đồ sộ, đầy đủ ảnh chụp các bức tuyệt tác, kèm với lời diễn giải học thuật cho mỗi bức. Sau đó họ xin cái hẹn đến tận tư gia để mang biếu cho Ford. Chỉ cần mua trọn bộ tranh này, Ford sẽ trở thành nhà sưu tập lớn nhất thế giới. Đến nhà Henry Ford ở Dearborn tại bang Michigan, cả bọn ngạc nhiên trước sự đơn giản của người giàu nhất nước Mỹ: rõ ràng đây là người hết sức chân chất.

    Ford tiếp cả nhóm ở phòng làm việc. Xem xét bộ ca-ta-lô, ông xuýt xoa lý thú và tấm tắc khen ngợi. Nhóm buôn tranh bắt đầu mơ tưởng về hàng triệu đôla sắp sửa chảy vào túi mình. Tuy nhiên khi xem xong, Ford đặt sách xuống và nói: “Thưa các vị, những quyển sách đẹp, với nhiều hình ảnh minh họa tuyệt vời như thế này hẳn phải đắt tiền lắm!”. “Ô nhưng thưa ông Ford,” Duveen kêu lên, “chúng tôi không định mời ông mua những quyển sách này. Chúng tôi chủ ý mang chúng đến cho ông xem hình chụp những bức tranh. Chúng tôi kính biếu ông bộ sách quý này.” Ford có vẻ bối rối: “Ô thưa các vị, các vị thật có lòng, nhưng tôi không biết làm cách nào để nhận một món quà tuyệt đẹp và đắt tiền như thế từ những người tôi chưa được quen”. Duveen giải thích Ford rằng những ảnh chụp trong sách chính là minh họa các bức tranh mà họ mời ông mua. Cuối cùng Ford cũng hiểu ra. “Nhưng thưa các vị,” Ford nói, “tôi cần làm gì những bức tranh đó, trong khi ảnh chụp trong sách lại tuyệt đẹp như thế này?”

    Diễn giải

    Joseph Duveen từng tự hào rằng mình nghiên cứu trước nạn nhân và khách hàng rất kỹ càng, nhằm phát hiện các nhược điểm và khẩu vị đặc biệt của họ trước khi tiếp xúc. Vì quá nóng ruột nên ông ta bỏ qua chiến thuật này chỉ một lần với Henry Ford. Sau khi phạm sai lầm, phải mấy tháng sau Duveen mới lấy lại được tinh thần và vốn liếng. Ford là loại người chất phác khiêm nhu không đáng cho Duveen bỏ nhiều công sức như vậy. Ford là điển hình của dạng người suy nghĩ giản đơn, trí tưởng tượng không đủ phong phú để bạn lừa đảo. Từ đó về sau, Duveen để dành công sức cho những Mellon và Morgan trên thế giới – những người đủ trình độ thông minh để lọt vào bẫy.

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Đánh giá để hiểu được người đối diện, đó là kỹ năng quan trọng nhất để mưu cầu và duy trì quyền lực. Nếu không đánh giá được, xem như ta mù: Ta không chỉ đụng chạm với loại người không nên đụng chạm, mà lại còn chọn sai đối tượng thao tác, chẳng hạn như đang xúc phạm người khác mà ta cứ nghĩ là mình làm đẹp lòng họ. Vì vậy, trước khi hành động bạn nên cân đo đong đếm thật kỹ đối phương. Nếu không bạn sẽ phí thời gian và phạm phải sai lầm. Hãy tìm hiểu nhược điểm của đối phương, khe nứt trong lớp áo giáp, tìm hiểu xem họ thường tự hào hoặc bất ổn về việc gì.

    Hai điểm cuối cần lưu ý: Thứ nhất, đừng dựa vào bản năng của mình để đánh giá đối phương, vì bản năng không được chính xác. Không gì có thể sánh được với sự hiểu biết cụ thể. Bạn cứ theo dõi và nghiên cứu đối phương cho dù có phải mất nhiều thời gian, vì về lâu dài sẽ rất đáng công bạn bỏ ra.

    Thứ hai, đừng tin vào vẻ bề ngoài. Khẩu phật tâm xà là chuyện dễ làm, còn kẻ ăn nói mạnh bạo lại là tên hèn nhát. Bạn hãy luyện cách nhìn xuyên qua vỏ bọc, đừng tin vào cái vẻ mà người khác muốn phô ra.

    Hình ảnh:

    Thợ săn. Đối với sói và chồn, thợ săn đặt bẫy khác nhau. Anh ta không đặt ở nơi mà sẽ không có con thú nào ăn. Anh ta biết rất rõ về con mồi, về thói quen và hang ổ, từ đó việc săn bắt mới hiệu quả.

    Ý kiến chuyên gia:

    Hãy tin là không có loại người nào quá tầm thường, quá hèn mọn, nhưng những người ấy sẽ có lúc lợi ích cho bạn; tuy nhiên nếu bạn đã có lần tỏ vẻ khinh miệt họ thì họ sẽ không giúp bạn. Người ta có thể quên đi những sai lầm, nhưng không bao giờ quên sự miệt thị. Lòng tự trọng của chúng ta sẽ nhớ lấy mãi mãi.

    (Lord Chesterfield, 1694-1773)

    >

    NGHỊCH ĐẢO

    Bạn có thể được lợi ích gì khi mù tịt về người khác? Hoặc bạn phân biệt được giữa sói và cừu, hoặc bạn phải trả giá. Hãy tuân thủ nguyên tắc này đến tận cùng phạm vi của nó; nguyên tắc này không có nghịch đảo, bạn đừng tìm kiếm mất công.
     
  2. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 20: Đừng Dấn Thân Với Phe Nào Cả

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chỉ có người dại dột mới nhanh nhảu kết bè tạo phái. Đừng dấn thân với bất kỳ phe nào hoặc “đại nghĩa” nào, ngoại trừ phe của chính bạn. Giữ vững được độc lập ta sẽ đứng trên các phe khác – làm cho họ đối đầu với nhau và tìm cách tranh thủ ta.

    PHẦN I:

    KHÔNG DẤN THÂN VỚI PHE NÀO,

    ĐỂ CHO CÁC PHE VE VÃN MÌNH

    Nếu để cho người khác có cảm giác rằng ta ít nhiều thuộc về họ, thì ta sẽ mất thế thượng phong đối với họ. Đừng đặt tình cảm vào họ, rồi họ sẽ cố gắng lấy lòng ta. Cứ giữ tư thế độc lập, sức mạnh của ta sẽ được tăng cường bởi họ muốn lôi kéo ta về phe, vì vậy họ phải ve vãn ta. Hãy đóng vai Virgin Queen (Nữ hoàng Trinh nguyên): cho họ khát khao, đừng cho thỏa mãn.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Khi Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi trị vì nước Anh vào năm 1558, mọi người cứ rùm beng về việc tìm cho nữ hoàng một tấm chồng. Vấn đề được Nghị viện luận bàn chính thức, và mọi tầng lớp dân chúng ở Anh cũng tranh cãi về việc này. Tuy chưa thống nhất được xem ai xứng đáng làm chồng nữ hoàng, song mọi người đều nhất trí là nữ hoàng phải có chồng càng sớm càng tốt, bởi vì hậu tất phải có vua và tất phải có con nối dõi. Bàn bạc tranh cãi như thế suốt nhiều năm. Nhiều vị độc thân đẹp trai và xứng đáng nhất đều mong mỏi lọt vào mắt xanh nữ hoàng – Sir Robert Dudley, Bá tước xứ Essex, Sir Walter Raleigh. Nữ hoàng không ngăn cản họ đến, nhưng hình như cũng không lấy gì làm khẩn trương, tha hồ để mọi người đoán già đoán non xem ai là người trong mộng. Năm 1566, Nghị viện cử phái đoàn đến giục nữ hoàng sớm lập gia đình trước khi quá tuổi sinh nở. Nữ hoàng không cãi, không bác bỏ ý kiến phái đoàn, nhưng nàng vẫn giữ nguyên tình trạng trinh nữ.

    Cái trò tinh tế của Elizabeth đối với những người theo đuổi dần dần khiến mọi người tưởng tượng đủ thứ khoái lạc tính dục, hoặc biến nữ hoàng trở thành đối tượng để tôn thờ. Quan ngự y Simon Forman ghi nhật ký rằng ông mơ thấy mình phá trinh nàng. Họa sĩ vẽ nàng là nữ thần Diana đang vui vầy với những thiên nữ khác. Thi sĩ Edmund Spenser và nhiều thi sĩ khác làm thơ ca ngợi Virgin Queen, gọi nàng là “nữ hoàng của thế giới”, “Trinh nữ thánh thiện” trị vì thế giới và làm các vì sao chuyển động. Khi hầu chuyện với Elizabeth, các phe đeo đuổi nói bóng gió về chuyện gối chăn nhưng nữ hoàng vẫn không làm mặt giận. Trái lại nàng cứ để cho cơn khao khát của họ nóng bỏng thêm, nhưng đồng thời vẫn giữ khoảng cách vừa đủ.

    Khắp châu Âu, các hoàng gia đều biết cuộc hôn nhân với Elizabeth sẽ bảo đảm cho sự giao hảo, liên minh giữa nước đó với nước Anh. Vua Tây Ban Nha ve vãn nàng, trong khi ông hoàng Thụy Điển và Thượng công nước Áo cũng vậy.

    Vấn đề ngoại giao hàng đầu đối với Elizabeth chính là sự nổi dậy ở các khu vực Lowlands vùng Flander và Dutch, lúc ấy thuộc sở hữu Tây Ban Nha. Liệu nước Anh có nên đoạn giao với Tây Ban Nha để chọn Pháp làm đồng minh chính ở châu lục, và như thế lại khuyến khích dân chúng hai vùng Flander và Dutch nổi dậy đòi độc lập? Đến năm 1570 tình hình có vẻ như chọn liên minh với Pháp là khôn ngoan nhất. Lúc ấy Pháp có hai ứng viên thuộc dòng quý tộc, hai công tước xứ Anjou và xứ Alencon, bào đệ của vua Pháp. Vậy ai sẽ được người đẹp chọn? Người nào cũng có điểm mạnh, do đó Elizabeth đều để cả hai nuôi hy vọng. Vấn đề âm ỉ suốt nhiều năm. Công tước Anjou nhiều lần viếng thăm nước Anh, công khai hôn Elizabeth, thậm chí gọi nàng bằng tên thân mật, và nàng có vẻ chấp nhận tình cảm ấy.

    Trong lúc nữ hoàng vờn cả hai anh em công tước, Pháp và Anh ký một hiệp ước hòa bình. Đến năm 1582 Elizabeth cảm thấy có thể chấm dứt sự tán tỉnh. Đặc biệt đối với công tước Anjou thì quả là nhẹ gánh cho nàng: Cũng vì ngoại giao mà nàng cắn răng cam chịu sự ve vãn của người mà chỉ nhìn thôi cũng muốn dội ngược. Một khi hòa ước được ký xong rồi, Elizabeth chọn cách lễ độ nhất để nói không với công tước.

    Lúc ấy nữ hoàng đã quá tuổi sinh sản, có thế sống hết phần còn lại của cuộc đời như ý muốn, và thanh thản nhắm mắt với tư cách là Virgin Queen. Mặc dù không con nối dõi, nhưng nữ hoàng đã trị vì suốt một thời kỳ yên bình và phong phú về văn hóa.

    Diễn giải

    Elizabeth có nhiều lý do chính đáng để không lập gia đình, vì đã từng chứng kiến những lỗi lầm của người chị em họ là Mary Nữ hoàng xứ Scotland. Vì không chịu bị trị vì bởi một người phụ nữ, dân Scotland mong muốn Mary thành thân, và với mối nào mang lại nhiều lợi ích. Nếu lấy người nước ngoài thì không được lòng dân, còn nếu chọn một quý tộc nào đó thì chỉ dấy lên ganh tỵ và đấu tranh nội bộ. Cuối cùng Mary chọn Lord Darnley, nhưng ông này lại theo Công giáo, vì vậy người Scotland Tin lành nổi trận lôi đình, bạo loạn liên tục tiếp diễn.

    Elizabeth biết hôn nhân thường chỉ mang lại tai họa cho một người trị vì thuộc nữ giới: Thành thân và dấn thân với một phe phái hoặc quốc gia, nữ hoàng sẽ sa lầy vào những xung đột không do mình gây ra, những cuộc xung đột có thể vượt quá tầm kiểm soát và đưa nữ hoàng vào một cuộc chiến vô ích. Ngoài ra lúc ấy về thực tế chính chồng của nữ hoàng mới nắm hết quyền hành, và có khuynh hướng loại bỏ vợ mình, như Darnley toan hất chân Mary. Elizabeth đã quá thuộc bài học này. Ngồi trên ngôi báu, bà có hai mục tiêu: tránh hôn nhân và tránh chiến tranh. Bà xoay sở kết hợp hai mục tiêu này bằng cách vờn vẽ khả năng hôn phối nhằm thiết lập liên minh. Bà biết giây phút gật đầu ưng thuận chính là giây phút mất hết mọi quyền lực. Vì vậy Elizabeth phải khơi gợi sự thèm muốn bằng một màn bí ẩn, không bao giờ phá tan hy vọng của ai, nhưng cũng không bao giờ quy phục.

    Qua một đời vờn mồi như vậy, Elizabeth đã kiểm soát được đất nước và những ai định chinh phục bà. Vì là trung tâm của chú ý nên bà nắm quyền. Đặt sự độc lập tự thân trên tất cả, Elizabeth đã bảo toàn được quyền lực và biến mình thành một đối tượng được tôn thờ.

    Chẳng thà làm ăn mày độc thân còn hơn nữ hoàng có chồng.

    (Nữ hoàng Elizabeth I, 1533-1603)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Vì quyền lực tùy thuộc rất nhiều vào vẻ bề ngoài, bạn phải học mánh khóe làm tôn hình ảnh mình lên. Giữ vững độc lập và không dấn thân với bất kỳ cá nhân hay đoàn thể nào chính là một trong những mánh khóe ấy. Mặc dù không về phe người khác, nhưng họ sẽ không giận, trái lại kính nể bạn. Trong phút chốc bạn có vẻ đầy quyền uy bởi vì bạn là người rất khả đắc, thay vì ngã vào vòng dây của nhóm, hoặc của một quan hệ nào đó như số đông thường làm. Theo thời gian, vầng hào quang quyền lực ấy sẽ tỏa rộng: Bạn càng được tiếng độc lập, sẽ càng có nhiều người muốn phủ dụ bạn, muốn là người lôi kéo được bạn. Sự thèm muốn giống như con virus: Thấy ai đó thèm muốn một đối tượng, người ta cũng thấy đối tượng ấy sao mà đáng thèm.

    Người ta sẽ thử mọi cách kín đáo để lôi kéo bạn. Từ quà tặng cho đến ưu đãi, mục đích là để bạn phải hàm ân. Hãy khuyến khích sự ân cần ấy, hãy kích thích mối quan tâm kia, nhưng đừng dấn thân với bất kỳ giá nào. Muốn nhận quà tặng hay ưu đãi hay không là tùy bạn, nhưng nhớ cẩn thận duy trì sự độc lập tinh thần. Đừng sơ hở lọt vào tình huống phải chịu ơn ai đó. Vì lúc vừa dấn thân thì vầng hào quang liền tắt, bạn trở thành tầm thường như bất kỳ ai.

    Tuy nhiên nên nhớ rằng mục đích của những lời khuyên trên không phải là chối bỏ người khác hoặc làm ta mang tiếng là không thể tận tâm với bất cứ ai. Giống như Virgin Queen, ta hãy khuấy động vụ việc, kích thích sự quan tâm, làm các phe nghĩ rằng họ sẽ lôi kéo được ta. Vì vậy thỉnh thoảng ta cũng phải mềm dẻo chiều họ một chút - nhưng nhớ là chỉ một chút thôi.

    Alcibiades, chiến binh và chính khách Hy Lạp, đã diễn trò vừa kể thật hoàn hảo. Chính ông ta đã động viên tinh thần và đứng đầu đại đoàn quân Athens xâm chiếm đảo Sicily vào năm 414 TCN. Khi hồi hương, bị nhân dân Athens ganh tỵ vu cái nên Alcibiades quy hàng thành bang đối thủ là Sparta, thay vì phải ra tòa. Rồi sau khi quân Athens thua ở Syracuse, Alcibiades lại rời Sparta đầu quân cho Persia. Đến lúc này cả hai thành phố Athens và Sparta đều ve vãn Alcibiades vì ông ta có ảnh hưởng đối với Persia. Và trước tình hình đó, người Persia lại càng thêm tôn kính Alcibiades. Với phe nào ông cũng hứa, nhưng không thật sự dấn thân, và cuối cùng Alcibiades trở thành người cầm chịch.

    Nếu mưu cầu quyền uy và thế lực, ta hãy thử chiến thuật của Alcibiades: đặt mình vào giữa hai thế lực đang găng nhau. Ta dụ phe này bằng lời hứa giúp đỡ, phe kia sẽ o bế ta để tranh thủ. Lúc này ta trở thành nhân vật quan trọng. Ta sẽ có nhiều quyền lực hơn nếu so với việc ta chỉ ngả về một phe. Để chiến thuật này chỉn chu hơn, ta cố gắng đừng để tình cảm vướng vào phe nào cả và xem các phe như là quân chốt để mình tiến lên.

    Giữa đợt vận động tranh cử tổng thống Mỹ hồi năm 1968, Henry Kissinger gọi điện đến nhóm Richard Nixon. Trước đó ông ta liên minh với Nelson Rockefeller, người vừa thất bại trong việc tìm sự đề cử của đảng Cộng hòa. Kissinger gọi điện đến chào mời nhóm Nixon nhiều thông tin nội bộ quý giá liên quan đến những đàm phán hòa bình cho Việt Nam. Ông ta có cài người trong toán hòa đàm để nắm bắt các thông tin sốt dẻo nhất. Nhóm Nixon vui mừng chấp nhận sự chào hàng ấy.

    Tuy nhiên cùng lúc đó Kissinger cũng tiếp cận ứng viên được đảng Dân chủ đề cử là Hubert Humphrey. Nhóm Humphrey cũng cần cùng loại thông tin đó và Kissinger cung cấp ngay. Ông ta bảo họ rằng mình ghét Nixon từ nhiều năm nay. Nhưng thật ra Kissinger chẳng ưa bên nào cả. Mong muốn thật sự của ông ta là cả hai phe Nixon lẫn Humphrey đều hứa bổ nhiệm ông ta vào một chức vụ cao cấp trong nội các mới. Cho dù phe nào thắng cử thì sự nghiệp của Kissinger cũng an toàn.

    Tất nhiên phe thắng cử là Nixon và Kissinger được cái ghế quan trọng. Ngay cả khi được nhậm chức rồi, Kissinger cũng cẩn thận không tỏ ra mình là người “đậm đà” Nixon. Khi Nixon tái đắc cử vào năm 1972, nhiều người còn trung thành với Nixon hơn Kissinger nhưng vẫn bị cho nghỉ việc. Ngoài ra ông ta cũng là viên chức cao cấp duy nhất của nội các Nixon đã sống sót qua vụ Watergate, và phục vụ tổng thống kế nhiệm Geral Ford. Nhờ giữ được một chút khoảng cách nên Kissinger vẫn ăn nên làm ra trong thời buổi nhiễu thương.

    Người nào áp dụng chiến lược này thường ghi nhận một hiện tượng lạ: Ai nhanh nhảu hùa theo ủng hộ phe nào đó thì thường lại ít được kính nể, bởi vì muốn được hắn giúp sức thì dễ quá. Trong khi đó ai đứng hơi lui một chút lại được nhiều người o bế. Khi tạo khoảng cách ta cũng tạo ra quyền thế, do đó phe nào cũng muốn ta về cùng.

    Vừa thoát khỏi những năm tháng nghèo túng khi khởi đầu sự nghiệp, Picasso trở thành nghệ sĩ thành công nhất trên thế giới. Nhưng ông không dấn thân với bất kỳ nhà buôn tranh nhất định nào, mặc dù họ vây chặt lấy ông để đưa ra nhiều lời hứa hẹn và chào mời hết sức hấp dẫn. Ngược lại ông tỏ vẻ không quan tâm nên lại càng làm họ muốn phát cuồng, bởi lẽ càng giành giật thì tranh của ông càng tăng giá.

    Khi muốn hòa hoãn với Liên Xô, Henry Kissinger (lúc ấy là ngoại trưởng Mỹ) không phát đi tín hiệu hòa khí hoặc nhượng bộ, nhưng lại ve vãn Trung Quốc. Việc này làm cho Liên Xô vừa tức vừa lo – lúc đó Liên Xô đang bị cô lập về mặt chính trị và sẽ càng bị cô lập hơn nếu Mỹ và Trung Quốc xáp lại gần nhau. Hành động này của Kissinger đã buộc Liên Xô ngồi vào bàn đàm phán. Trên tình trường, chiến thuật này có cùng tác động: Muốn chinh phục một phụ nữ, Stendhal khuyên, bạn hãy chinh phục em gái cô ta trước.

    Cứ giữ thế độc lập rồi mọi người sẽ đến với ta. Thách thức đối với họ là phải chinh phục được trái tim ta. Khi nào ta còn bắt chước được Virgin Queen và kích thích họ hy vọng, khi ấy ta còn là phiến nam châm thu hút sự chú ý và khát khao.

    >

    Hình ảnh:

    Virgin Queen. Đối tượng trung tâm của chú ý, thèm muốn, và tôn thờ. Không bao giờ dấn thân với phe nào, Virgin Queen khiến các phe luôn chờn vờn xung quanh như các hành tinh, không thể tách khỏi quỹ đạo nhưng cũng không thể tiến đến gần Mặt trời.

    Ý kiến chuyên gia:

    Đừng dấn thân với cá nhân hoặc nhóm nào cả, vì như thế sẽ là nô lệ. Bạn đừng nợ một cam kết hoặc một ân nghĩa nào cả - vì những thứ đó là mánh khóe của kẻ khác muốn đưa bạn vào phạm vi quyền lực của hắn…

    (Baltasar Gracián, 1601-1658)

    >

    PHẦN II:

    KHÔNG DẤN THÂN VỚI BẤT KỲ AI –

    HÃY ĐỨNG CAO HƠN CUỘC XUNG ĐỘT

    Đừng để người khác lôi kéo mình vào ba cái chuyện gấu ó và đấu tranh của họ. Cứ tỏ vẻ quan tâm ủng hộ nhưng vẫn tìm cách đứng ngoài, cử tọa sơn quan hổ đấu và chờ đợi. Sau khi chiến đấu đã đời và thấm mệt, họ sẽ như trái chín cây chờ được hái. Thật ra bạn còn có thể khuấy động cho các phe đối đầu nhau, sau đó mới tự nguyện đứng ra làm trung gian để gom thu quyền lực của nhà môi giới.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Vào cuối thế kỷ XV, những thị quốc hùng mạnh nhất ở Italia – như Venice, Florence, Rome, và Milan – đều thường xuyên đối đầu nhau. Lảng vảng phía trên những tranh chấp ấy là hai nước Pháp và Tây Ban Nha sẵn sàng tóm lấy bất cứ điều gì tóm được từ các thế lực mệt mỏi ở Italia. Và kẹt cứng ở giữa các anh cả đó là thị quốc Mantua bé xíu của vị công tước trẻ Gianfrancesco Gonzaga. Mantua nằm ở vị trí chiến lược phía Bắc Italia và trước sau gì cũng bị các đại gia nuốt chửng.

    Gonzaga là chiến binh dũng cảm, đồng thời là vị chỉ huy tài ba, vì vậy ông trở thành một loại tướng đánh thuê cho bên nào trả giá cao hơn. Năm 1490 ông cưới Isabella d’Este, con gái của Công tước vùng Ferrara, một lãnh thổ nhỏ bé khác ở Ý. Vì phần lớn thời gian phải xa Mantua để chiến chinh, Gonzaga giao toàn quyền trị vì lại cho Isabella.

    Với Isabella, trắc nghiệm đầu tiên ở tư thế một người trị vì xảy ra vào năm 1498, khi vua Louis XII nước Pháp chuẩn bị quân lực tấn công Milan. Theo một thói quen khả ố, các Nhà nước khác ở Italia lập tức nghiên cứu cách lợi dụng tình thế nguy nan của Milan. Giáo hoàng Alexander VI hứa không can thiệp, xem như phía Pháp toàn quyền hành động. Thành phố Venice cũng cho biết sẽ không tiếp cứu Milan với hy vọng là phía Pháp sẽ nhường cho mình lãnh thổ Mantua. Người đứng đầu Milan là Lodovico Sforza bỗng dưng thấy mình lẻ loi và bị bỏ rơi. Ông quay sang cầu viện Isabella d’Este, một trong những bạn hữu thân thiết nhất (và theo tin đồn đó là tình nhân của Sforza), nài nỉ cô thuyết phục chồng mang quân tiếp cứu. Isabella có nói với chồng nhưng không được sự ưng thuận, vì Gonzaga bảo tình thế của Sforza là hết cứu. Vì vậy vào năm 1499, Louis XII dễ dàng tiến chiếm Milan.

    Giờ đây Isabella phải đối diện tình trạng khó xử: Nếu vẫn giữ lòng trung với Sforza thì quân Pháp sẽ được thể tấn công Mantua luôn. Nhưng nếu liên minh với Pháp thì một khi Pháp rút quân, những Nhà nước khác ở Italia sẽ thù hận mình, kể cả nhân dân Mantua. Và nếu cầu cứu Venice hoặc Roma thì họ sẽ tiện thể nuốt chửng Mantua dưới cái bình phong mang quân tiếp viện. Nhưng Isabella buộc phải có thái độ. Vị vua hùng mạnh nước Pháp đang đứng sát sau lưng nên cô ta quyết định hữu nghị với ngài như đã từng hữu nghị với Sforza trước đó – bằng những món quà thông minh, những bức thư bóng gió, và tiềm năng cận kề người đẹp.

    Năm 1500 Louis mời Isabella tham dự buổi đại tiệc tại Milan để ăn mừng chiến thắng. Nhân cơ hội này Isabella trổ hết tài nghệ để quyến rũ nhà vua. Kết quả là Louis hứa bảo vệ sự độc lập của Mantua không để Venice mó vào.

    Tuy nhiên mối nguy này vừa qua thì mối nguy khác lại đến, lần này từ phương Nam, dưới bộ mặt của Cesare Borgia. Bắt đầu từ năm 1500, Borgia dẫn quân đều bước Bắc tiến, nhân danh thân phụ là Giáo hoàng Alexander để gom thu tất cả các lãnh thổ nhỏ. Isabella hoàn toàn hiểu rõ Borgia: Không nên tin cậy và cũng không nên xúc phạm hắn. Ta phải mơn trớn hắn, nhưng phải nhớ giữ hắn cách một tầm tay.

    Ngoài việc lấy lòng Borgia, Isabella còn dặn dò mọi người không được nói xấu hắn vì quân gián điệp có mặt khắp nơi và Borgia chỉ cần một cái cớ nhỏ nhất cũng xua quân tiến chiếm. Khi sinh con, Isabella mời Borgia làm cha đỡ đầu. Ngoài ra, bà còn úp mở khả năng thông gia giữa hai gia đình. Kế hoạch này ít nhiều thành công bởi vì Mantua được yên thân trong tiến trình xâm lược của Borgia.

    Vào năm 1530, cha của Cesare Borgia là Alexander qua đời, và vài năm sau tân giáo hoàng Julius II khởi chiến để đánh đuổi quân đội Pháp ra khỏi lãnh thổ Italia. Khi người đứng đầu Nhà nước Ferrara – Alfonso, anh của Isabella – liên minh với Pháp, Julius quyết định tấn công để làm nhục Alfonso. Một lần nữa Isabella lại lâm vào tình thế khó xử. Không dám liên minh với giáo hoàng và cũng không dám đứng về phe anh mình, Isabella một lần nữa phải chơi trò nước đôi. Một mặt cô thuyết phục chồng ủng hộ giáo hoàng, biết rằng ông ta sẽ chỉ đánh cho có. Mặt khác cô để cho quân đội Pháp mượn đường đi ngang qua Mantua để đến tiếp cứu Ferrara. Miệng lớn tiếng tố cáo người Pháp đã “xâm lăng” lãnh thổ mình, nhưng trên thực tế Isabella lại cung cấp cho họ nhiều tin tình báo quý giá. Để giáo hoàng tin vào một vụ xâm lăng, Isabella còn dặn người Pháp giả bộ cướp phá Mantua. Lần nữa cô lại thành công: giáo hoàng không đụng đến Mantua.

    Năm 1513 sau cuộc bao vây kéo dài, cuối cùng Justin cũng đánh bại Ferrara, và quân đội Pháp rút lui. Bị nỗ lực chinh chiến bào mòn, giáo hoàng chết vài tháng sau đó. Với cái chết ấy, chu kỳ những cuộc chiến và cãi vã vặt vãnh bắt đầu lặp đi lặp lại.

    Dưới thời trị vì của Isabella, Italia chứng kiến nhiều vật đổi sao dời: Các giáo hoàng đến rồi đi, Cesare Borgia lên voi xuống chó, đế chế Venice tan nát, Milan bị xâm lược, Florence suy tàn, Rome bị hoàng đế Charles V dòng họ Habsburg đánh phá. Qua cuộc nhiễu thương ấy, xứ sở Mantua nhỏ bé không chỉ tồn tại mà còn phát triển. Chủ quyền và sự giàu mạnh của Mantua đứng vững suốt một thế kỷ sau khi Isabella qua đời vào năm 1539.

    Diễn giải

    Isabella d’Este biết rất rõ tình thế chính trị của Italia: Một khi công khai đứng về phe bất kỳ ai, xem như ta tự kết liễu cuộc đời. Phe mạnh hơn sẽ xâm lăng ta, còn kẻ yếu hơn sẽ làm ta mỏi mòn. Liên minh mới sẽ tạo ra kẻ thù mới, rồi chu kỳ này lại khuấy lên nhiều xung đột nữa, nhiều thế lực khác sẽ nhập cuộc, cho đến lúc ta không thể nào rút chân ra khỏi vũng lầy ấy. Và cuối cùng bạn ta sụp đổ vì kiệt sức.

    Isabella lèo lái đất nước theo hướng duy nhất có lợi. Bà không tự cho phép mình dại dột phải trung thành với một vị vua hay công tước nào. Và bà cũng không định ngăn chặn những xung đột đang hoành hành – như thế chỉ tổ sa lầy vào đó mà thôi. Và trong trường hợp nào thì xung đột cũng có lợi cho Isabella. Nếu các bên cố diệt nhau cho bằng được và bào mòn sức lực thì họ sẽ không còn đủ mạnh để nuốt chửng Mantua. Suối nguồn quyền lực của Isabella chính là biết khôn ngoan tỏ vẻ quan tâm đến sự vụ và lợi ích của mỗi bên, trong khi thật ra không dấn thân với ai cả, ngoại trừ phe mình và đất nước mình.

    Một khi dấn thân vào một cuộc chiến không do mình chọn, ta sẽ mất hết mọi thế chủ động. Lợi ích của ta buộc phải phục tùng lợi ích các phe lâm chiến, ta trở thành công cụ của họ. Hãy học cách làm chủ bản thân, cưỡng lại khuynh hướng tự nhiên tạo bè kết phái để cắn hùa. Hãy tỏ ra hữu nghị và dễ thương đối với từng phe, rồi lui về một bước cho họ choảng nhau. Cứ sau mỗi trận đánh thì họ suy yếu thêm một chút, và ta lại mạnh lên thêm một chút nhờ bảo toàn lực lượng.

    Trai cò giằng co, ngư ông đắc lợi.

    (Tục ngữ Trung Quốc)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Muốn chiến thắng trong trò chơi quyền lực, ta phải biết làm chủ cảm xúc. Nhưng ngay cả khi làm chủ được bản thân, ta vẫn không thể kiểm soát được tính khí của các phe chung quanh. Và đó là mối nguy. Hầu hết mọi người đều hành động trong một cơn lốc cảm xúc, liên tục đối phó và tạo ra những cuộc đấu tranh và xung đột. Sự tự chủ và tự quyết của ta sẽ khiến họ băn khoăn và bất an. Họ sẽ cố lôi kéo ta vào cơn lốc để chiến đấu hoặc giảng hòa giúp họ. Nếu chiều theo những lời nài nỉ rất xúc động ấy, dần dà ta sẽ nhận ra rằng đầu óc mình bị vấn đề của họ chiếm mất. Đừng để cho bất kỳ dạng từ bi hay thương hại nào lôi kéo ta. Lỡ sa lầy rồi ta sẽ không bao giờ thắng cuộc, mọi xung đột chỉ có thể trầm trọng thêm mà thôi.

    Mặt khác, ta cũng không thể tuyệt đối đứng ngoài lề cuộc chiến, vì như thế ta tạo ra sự mất lòng không đáng có. Ta phải khôn khéo tỏ vẻ quan tâm đến vấn đề của các bên, thậm chí đôi khi làm bộ đứng về phe họ. Nhưng trong khi đóng kịch như vậy, ta vẫn phải giữ vững sức mạnh và đầu óc minh mẫn, không cho cảm xúc xen vào. Cho dù các bên có cố lôi kéo cách mấy, ta đừng bao giờ dấn thân sâu quá cái bề mặt ấy. Ta hãy biếu xén họ, nhìn họ bằng cặp mắt đầy vẻ cảm thông, thỉnh thoảng nếu cần cũng làm bộ đẩy đưa úp mở - nhưng bên trong, ta cố gắng giữ cho những vị vua thân thiết và những Borgia xảo quyệt cách xa một tầm tay. Không dấn thân nghĩa là giữ vững quyền tự quyết, ta giữ được thế chủ động: Hành động của ta do ta chọn, chứ không phải là những động thái đối phó với các thế lực quanh ta.

    Không dấn thân vào cuộc đấu tranh, ta có đủ thời gian suy tính lúc nào nhảy vào. Ta cũng có thể đi trước một bước bằng cách hứa hẹn với từng phe, trong khi mưu tính thế nào để kết cục kẻ chiến thắng vẫn là mình. Đó là chiến lược của Castruccio Castracani, thị trưởng Lucca thực hiện hồi thế kỷ XIV khi ông mưu đồ xâm chiếm Pistoia. Một cuộc bao vây sẽ hao phí rất nhiều, cả về sinh mạng lẫn tài chính, nhưng Castruccio biết trong trấn Pistoia có hai phe kình địch nhau, gọi là bên Trắng và bên Đen. Ông ta thương lượng và hứa giúp bên Đen, rồi lại lén hứa hẹn bắt bồ với bên Trắng. Và Castruccio giữ đúng lời hứa – phái một đạo quân đến cửa trấn nơi bên Đen kiểm soát, và đương nhiên binh đội của Castruccio được hoan nghênh. Một binh đội khác như vậy cũng được gửi đến cửa trấn dưới quyền kiểm soát của bên Trắng, và cũng được cho vào. Hai binh đội gặp nhau ở giữa trấn, hợp thành lực lượng hùng mạnh chiếm luôn trấn Pistoia, giết chết lãnh đạo các phe kình địch, chấm dứt chiến tranh khi Pistoia đã về tay Castruccio.

    Giữ vững quyền tự quyết, ta được lợi thế chọn lựa khi các phe đến với ta – ta có thể đóng vai trung gian hòa giải trong khi thật ra đang thủ lợi cho riêng mình. Sợ phe kia tranh thủ được ta, phe này sẽ trả giá cao hơn. Hoặc như Castruccio, ta giả vờ bắt bồ với từng bên để xơi gọn nguyên mâm.

    Thường khi xung đột vừa nổ ra, ta có khuynh hướng theo phe mạnh nhất, hoặc phe nào có vẻ lợi ích về mặt liên minh. Đây là hành động có rủi ro. Thứ nhất, rất khó tiên đoán về lâu về dài phe nào sẽ thắng thế. Ngay cả khi đoán đúng và liên minh với phe mạnh nhất, ta vẫn có khả năng bị nuốt chửng, hoặc tốt lắm cũng là bị phớt lờ khi phe đó chiến thắng. Còn nếu bắt bồ với kẻ yếu hơn thì xem như ta tận số. Hãy chơi tình chờ và chiến thắng.

    Vào thời Cách mạng tháng Bảy ở Pháp vào năm 1830, sau ba ngày bạo loạn, chính khách Talleyrand, lúc ấy đã già, đang ngồi gần cửa sổ lắng nghe chuông đổ báo tin kết thúc bạo loạn. Quay sang một phụ tá, Talleyrand nói “A! Chuông đổ rồi! Chúng ta thắng rồi!” Viên phụ ta hỏi “Chúng ta đây là ai, thưa mon prince?” Ra hiệu cho hắn im, Talleyrand bảo: “Đừng nói thêm lời nào! Ngày mai ta sẽ cho mi biết chúng ta chính là ai.” Ông ta biết rằng chỉ có kẻ dại dột mới đâm đầu vào tình huống – nhanh nhảu dấn thân ta sẽ mất thế thượng phong. Ngoài ra mọi người sẽ bớt kính nể ta: Họ cho rằng biết đâu mai kia ta sẽ lại ngả về phe khác, đại nghĩa khác, bởi vì rõ ràng trước mắt là ta dễ dàng dấn thân cho phe này. Thần may mắn là một vị thần không kiên định, thường xuyên đổi phe. Dấn thân sớm cho một bên, ta sẽ mất lợi thế về thời gian và cái thú chờ đợi khoái chí. Hãy để người khác ngả về phe này phe nọ, về phần mình ta đừng nóng vội, đừng mất bình tĩnh.

    Cuối cùng, có những lúc ta không được làm bộ về phe nào hết và phải lớn tiếng tuyên bố vị thế độc lập của mình. Vị thế đó rất cần thiết cho những ai muốn được kính nể. George Washington nhìn nhận điều này trong công cuộc củng cố thế đứng của nền cộng hòa Mỹ quốc còn non trẻ. Với tư cách tổng thống, Washington cưỡng lại sự cám dỗ về việc liên minh với Anh hoặc Pháp, mặc dù lúc ấy ông phải chịu rất nhiều áp lực. Ông muốn rằng qua sự độc lập đó, nước Mỹ sẽ được thế giới nể phục. Mặc dù trước mắt, một mình ước ký với Pháp sẽ rất hữu ích, nhưng về lâu dài Washington biết là sự tự trị của đất nước sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn. Châu Âu sẽ phải xem nước Mỹ như là một quyền lực ngang bằng.

    Bạn hãy nhớ rằng quỹ thời gian và năng lực của mình có giới hạn. Mỗi giây phút phí phạm vì việc của kẻ khác sẽ bòn rút sức lực của bạn. Có thể bạn e là mọi người bảo mình vô tâm, nhưng cuối cùng, việc giữ vững độc lập và tự lực sẽ khiến bạn được nể trọng, đồng thời đặt bạn vào vị trí quyền lực, từ đó bạn có thể chủ động chọn cách thức và thời điểm giúp đỡ người khác như ý muốn.

    Hình ảnh :

    Bụi dây gai. Trong rừng, cọng dây gai này quấn quít vào cọng dây kia đầy những gai nhọn, chầm chậm bành trướng vùng lãnh thổ bất khả xâm nhập của chúng. Chỉ loại cây nào đứng riêng và đứng xa chúng mới có cơ may vươn khỏi tầm với của chúng để phát triển.

    Ý kiến chuyên gia :

    Hãy xem việc không tham gia vào chiến trận là hành động còn dũng cảm hơn là thắng trận đó, và hễ đã sẵn có một đứa dại dột can thiệp vào rồi thì không nên có thêm đứa thứ hai.

    (Baltasar Gracián, 1601-1658)

    NGHỊCH ĐẢO

    Cả hai phần của nguyên tắc này có khả năng quật ngược vào lưng bạn nếu bạn làm quá trớn. Những thủ thuật được gợi ý trong chương này rất tế nhị và khó xài. Nếu bạn định giật dây quá nhiều phe, họ sẽ nhận ra cái trò của bạn và đoàn kết để chống lại bạn. Nếu số phe phái mà bạn ve vãn ngày càng nhiều và phải chờ đợi càng lâu, họ sẽ không muốn lôi kéo bạn nữa mà ngược lại sẽ bắt đầu nghi ngờ bạn. Họ cảm thấy mất hứng thú, mất lợi ích. Cuối cùng sau khi cân nhắc, có thể bạn sẽ ngả về một phe nhất định – chỉ để làm màu thôi, nhằm chứng tỏ là bạn cũng biết gắn bó.

    Tuy nhiên ngay cả khi đó, chủ yếu bạn phải duy trì độc lập tinh thần, tránh không để tình cảm vướng vào. Hãy bảo lưu quyền lựa chọn bất thành văn là bạn có thể từ giã bất kỳ lúc nào và lấy lại sự tự do của mình, khi cái phe liên minh với bạn bắt đầu suy sụp. Những bạn bè khác mà bạn đã kết giao trước đây khi họ ve vãn bạn, bây giờ họ sẽ chào đón bạn khi bạn đã nhảy tàu.
     
  3. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 21: Giả Điên Hạ Địch

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không ai muốn mình bị xem là ngu hơn người khác. Vì vậy mánh khóe ở đây là làm cho đối thủ cảm thấy khôn lanh – không chỉ khôn lanh mà phải khôn lanh hơn ta. Một khi đã tin chắc như vậy rồi, họ sẽ không thể ngờ rằng ta còn hậu ý.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Vào mùa đông năm 1872, lúc đang viếng thăm London thì nhà tư bản Mỹ Asbury Harpending nhận bức điện báo: Một mỏ kim cương được khám phá ở miền Tây nước Mỹ. Bức điện xuất phát từ nguồn uy tín – William Ralston, chủ Ngân hàng California – song Harpending cứ cho đó là chuyện đùa dai, có lẽ hùa theo thời sự nóng sốt là nhiều mỏ kim cương lớn được khám phá tại Nam Phi. Trước đây khi nghe báo cáo về những mỏ vàng được khám phá ở miền Tây nước Mỹ, ai ai cũng nghi ngờ, nhưng cuối cùng tin tức đó là xác đáng. Nhưng mỏ kim cương ở miền Tây thì…! Harpending trao bức điện cho đồng nghiệp là Nam tước Rothschild, bảo rằng đó có thể là chuyện đùa. Nhưng nam tước trả lời “Đừng nói cứng như thế. Mỹ quốc là đất nước rất rộng lớn. Nước Mỹ đã từng làm thế giới ngạc nhiên về nhiều chuyện rồi. Biết đâu trong bụng cũng còn nhiều điều thú vị”. Harpending nhanh chóng đáp chuyến tàu đầu trở về Mỹ.

    Xuống cảng San Francisco, ông cảm thấy cái vẻ xôn xao làm nhớ lại thời kỳ đổ xô đi tìm vàng hồi cuối thập niên 1840. Hai nhà khai thác cục mịch là Philip Arnold và John Slack đã khám phá ra mỏ kim cương ở bang Wyoming. Họ không tiết lộ vị trí chính xác, nhưng vài tuần sau đó đã hướng dẫn một chuyên gia rất nổi tiếng đến xem, và họ cẩn thận cho xe chạy ngoằn ngoèo cả buổi trời trước khi đến gần địa điểm. Tại hiện trường, chuyên gia nọ tận mắt chứng kiến hai người đào được kim cương. Trở về San Francisco, ông ta mang mấy viên đá quý đến nhiều nhà buôn khác nhau, và số kim cương được ước lượng đến khoảng 1,5 triệu đôla.

    Giờ đây Harpending và Ralston yêu cầu hai nhà khai thác cùng theo họ đến New York để nhà kim hoàn Charles Tiffany xác nhận. Hai người không có vẻ muốn đi, vì sợ mắc bẫy: Làm sao có thể tin được bọn thầy lừa ở thành phố? Rủi lão Tiffany nào đó bắt tay với hai nhà tài phiệt này để dụ dỗ và phỗng tay trên của họ nguyên cả mỏ kim cương thì sao? Ralson xoa dịu nỗi lo của họ bằng cách đưa trước 100.000 tiền mặt và gửi bên thứ ba giữ 300.000. Nếu mọi việc trôi chảy, hai người còn được nhận thêm 300.000 nữa. Hai nhà khai thác đồng ý.

    Cả bọn đến New York dự cuộc họp mặt với thành phần chọn lọc trong tầng lớp thượng lưu – tướng George Brinton McClellan, tướng Benjamin Butler và Horace Greeley, chủ bút tờ New York Tribune, và tất nhiên có cả Harpending, Ralston và nhà Tiffany. Vào giờ chót hai vị chủ nhân hầm mỏ không dự vì mải đi tham quan thành phố.

    Giới tài phiệt rất sửng sốt khi Tiffany tuyên bố rằng những viên kim cương kia là thật và đáng giá cả gia tài. Họ liền điện cho Rothschild cùng nhiều nhà tài phiệt khác để mời hùn vốn đầu tư. Rồi họ đề nghị hai nhà khai thác một thử nghiệm cuối cùng: Một chuyên gia hầm mỏ do họ chọn sẽ theo hai người đến tận hầm để kiểm tra độ chính xác. Hai người miễn cưỡng chấp nhận. Trong khi chờ đợi, họ phải trở về San Francisco. Số viên kim cương kia, họ giao cho Harpending giữ trong két sắt.

    Vài tuần sau, Louis Janin, chuyên gia hàng đầu về hầm mỏ gặp hai nhà khai thác tại San Francisco để cùng vài tay tài phiệt đến tận hiện trường xem xét. Như lần trước, hai ông dẫn họ vòng vo giữa bao rừng núi lũng đồi để tránh bị định vị. Đến nơi, chính tay Janin đào bới bất kỳ nơi nào ông ta muốn, để rồi cuối cùng phát hiện ra nào là ngọc lục, ngọc bích, ngọc hồng, nhưng trên hết vẫn là kim cương. Janin đào xới như thế suốt tám ngày và cuối cùng bảo với đám tài phiệt rằng họ hiện sở hữu khu khai thác có trữ lượng lớn nhất trong lịch sử ngành hầm mỏ. “Với khoảng trăm người và máy móc thích hợp,” ông ta nói, “tôi bảo đảm mỗi tháng khai thác được một lượng kim cương trị giá một triệu đôla.”

    Trở về San Francisco, Raltson, Harpending và các đồng nghiệp nhanh chóng hình thành công ty với vốn ban đầu là 10 triệu đôla. Tuy nhiên việc đầu tiên họ cần làm là tống khứ Arnold và Slack. Nghĩa là họ phải giấu kín cơn phấn khích, đừng tiết lộ giá trị thực của khu khai thác. Vì vậy họ giả điên. Họ bảo hai nhà khai thác rằng biết đâu Janin nhầm lẫn, biết đâu trữ lượng không như dự đoán. Hai ông kia tức điên người và không chịu tin sự thật ấy. Thử một chiến thuật khác, họ nói nếu hai ông cứ khăng khăng đòi có cổ phần trong công ty, rốt cuộc sẽ bị những gã tài phiệt cáo già kia lừa đảo cho trắng tay. Tốt hơn là hai ông nên vui lòng nhận số 700.000 đã được chào mời – vào thời đó số tiền này cực kỳ lớn – và đừng tham lam thêm. Về việc này thì hai nhà khai thác có vẻ hiểu, và cuối cùng bằng lòng nhận tiền để ký chuyển giao quyền sở hữu và bản đồ chỉ dẫn cho công ty.

    Tin tức về khu khai thác lan nhanh như lửa rừng. Giới thăm dò đổ xô về rải rác khắp bang Wyoming. Trong khi đó Harpending cùng công ty tân lập bắt đầu chi tiêu bạc triệu để mua sắm thiết bị và mướn những nhân công tài giỏi nhất, chưa kể việc trang bị hàng loạt văn phòng sang trọng tại New York và San Francisco.

    Vài tuần sau, khi trở lại thăm khu khai thác, Harpending và công ty phải đối diện sự thật đau lòng: Không còn tìm ra một viên ngọc hay kim cương nào nữa cả. Tất cả đều là ngụy trang. Họ đã vỡ nợ. Harpending đã vô tình đưa những người giàu nhất thế giới vào cú lừa lớn nhất thế kỷ.

    >

    Diễn giải

    Arnold và Slack thực hiện thành công cú lừa ngoạn mục mà không cần sử dụng một chuyên gia giả mạo, không cần hối lộ cho Tiffany: Mọi chuyện gia đều là tay sừng sỏ trong nghề. Tất cả bọn họ đều thành thực tin rằng khu khai thác là có tiềm năng thật. Yếu tố đánh lừa được họ không phải gì khác hơn chính bản thân hai ông Arnold và Slack. Hai người có vẻ quá quê mùa thô kệch, quá ngây thơ đến nỗi cả đám tài phiệt nọ không một giây phút nào tin rằng hai gã cục mịch đó có thể làm chuyện tày trời. Hai “nhà khai thác” chỉ đơn giản tuân thủ quy luật là giả bộ khù khờ hơn đối phương, hơn con mồi.

    Các phương án của hai thầy lừa kia rất đơn giản. Vài tháng trước khi loan báo tin khám phá mỏ kim cương, họ sang tận châu Âu mua lượng kim cương thật trị giá khoảng 12.000 đôla. Sau đó họ trở về Wyoming để muối hầm mỏ bằng những viên kim cương ấy. Tin vào tiềm năng khu hầm mỏ, cả bọn tài phiệt mờ mắt đặt cọc cho hai thầy kia 100.000. Hai thầy lập tức bay sang Amsterdam mua vài túi kim cương dạng thô rồi quay về muối khu hầm mỏ lần nữa.

    Cú lừa thành công không vì mánh khóe muối hầm, cái mánh mà ai ai cũng biết rồi, nhưng nhờ vào tài diễn xuất của cặp bài trùng quê kệch kia. Khi đến New York gặp gỡ tinh hoa của giới thượng lưu, họ vẫn ăn mặc luộm thuộm, ăn nói quê mùa, trầm trồ trước những thứ hay lạ của thành phố lớn. Không ai có thể tin là hai gã khờ lên tỉnh kia lại có thể qua mặt những tay tài phiệt quỷ quyệt và vô lương tâm nhất thời kỳ đó.

    Kết cục, uy tín của Harpending tiêu tan và ông ta không bao giờ phục hồi được nữa. Rothschild ngậm bồ hòn rút kinh nghiệm. Sclack nhận tiền xong thì biến đâu mất, không ai gặp lại nữa. Arnold trở về quê nhà Kentucky. Nói cho cùng thì việc ông bán quyền khai thác hầm mỏ là hợp pháp, trước đó người mua đã tranh thủ ý kiến các chuyên gia hàng đầu, và nếu sau này hầm không có kim cương thì đó là vấn đề của họ. Arnold dùng phần tiền mình để khuếch trương khu trang trại và mở một nhà băng.

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Cái cảm giác rằng người nào đó thông minh hơn mình quả là không chịu được. Chúng ta thường thử bào chữa bằng nhiều cách khác nhau: “Chẳng qua hắn chỉ sách vở thôi, còn mình thì hiểu biết thực tế hơn nhiều!” “Hắn nhờ có bố mẹ nuôi ăn học. Nếu bố mẹ mình cũng có ngần tiền ấy, nếu mình được may mắn hơn…” “Hắn tưởng hắn khôn lắm.” và “Cứ cho là hắn biết về cái lĩnh vực nhỏ bé của hắn rõ hơn mình đi, nhưng ra ngoài lĩnh vực ấy rồi thì cứ y như là cù lần. Ngay cả Einstein cũng thành gã khờ khi bước ra khỏi lĩnh vực vật lý”.

    Ý thức được tầm quan trọng của trí tuệ trong sự tự phụ của hầu hết mọi người, bạn nhớ đừng bao giờ vô ý xúc phạm hoặc chế giễu năng lực trí tuệ của người khác. Đó là một tội không thể nào tha. Nhưng nếu có thể vận dụng được quy luật sắt thép này, nó sẽ trở thành một chìa khóa bịp bợm vạn năng. Cứ ngầm làm cho người khác thấy họ khôn hơn ta, thậm chí cho họ thấy là ta khá ngô nghê, sau đó ta tha hồ qua mặt họ. Cảm giác vượt trội về mặt trí tuệ mà ta đã tặng cho họ sẽ khiến họ hạ thấp cảnh giác.

    Năm 1865 viên cố vấn người Phổ là Otto von Bismarck muốn nước Áo ký vào một hiệp ước. Hiệp ước này hoàn toàn có lợi cho Phổ, làm nước Áo thiệt thòi và Bismarck phải tính toán khuyến dụ sao cho đối phương đồng ý. Ông biết đại diện thương lượng phía Áo, Bá tước Blome, là người đam mê chiếu bạc. Loại bài Blome thích nhất là quinze, và ông ta thường bảo rằng mình chỉ cần nhìn cách đối phương chơi bài quinze là biết tính tình hắn như thế nào. Bismarck cũng biết cả câu đầu môi này của Blome.

    Đêm hôm trước khi diễn ra vòng thương lượng, Bismarck “tình cờ” mời Blome chơi quinze. Hồi ký của Bismarck sau này có viết: “Đó là lần cuối cùng trong đời mà tôi chơi quinze. Tôi chơi cẩu thả đến mức tất cả mọi người phải ngạc nhiên. Tôi thua hàng ngàn đồng thaler, nhưng lại làm mờ mắt được Blome, vì ông ta đã tin rằng tính tôi mạo hiểm hơn là người ta đồn, và tôi nhượng bộ.” Ngoài việc tỏ ra bất cẩn, Bismarck còn đóng vai người thiếu đầu óc, ăn nói linh tinh sẵn sàng gân cổ lên lảm nhảm đủ thứ.

    Blome cảm thấy mình vừa nắm được thông tin giá trị. Ông ta biết Bismarck là người hung hăng – bình thường thì tay người Phổ đã nổi tiếng hung hăng rồi, và cách hắn chơi bài đã khẳng định điều ấy. Blome biết những người hung hăng rất ngông cuồng và cẩu thả. Và nếu như thế, ông biết mình sẽ có lợi thế khi ngồi vào bàn ký hiệp ước. Blome cho rằng một người thiếu suy nghĩ như Bismarck sẽ không thể lạnh lùng tính toán và bày mưu lập kế, vì vậy ông chỉ đọc nhanh một lần bản hiệp ước rồi ký ngay – không cần đọc từng chi tiết tỉ mỉ. Mực chưa kịp ráo thì một Bismarck vui vẻ nói ngay vào mặt Blome: “Hay thật, tôi không bao giờ tin là sẽ có một nhà ngoại giao người Áo nào muốn ký vào văn bản này.”

    Người Trung Quốc có câu “Giả heo giết hổ”, mô tả kỹ thuật xưa khi người thợ săn đổi thủ lợn và trùm bộ da heo lên mình rồi bắt chước tiếng heo ủn ỉn. Mãnh hổ tưởng mình sắp được bữa no nê nên tiến đến gần để rồi ngay lập tức trở thành mục tiêu dễ dàng của người thợ săn.

    Giả heo là chiến thuật tuyệt vời để hạ những người quá tự tin đến mức ngạo mạn. Họ càng lầm tưởng là dễ xơi ta, thì ta lại càng nhiều cơ may thắng họ. Chiến thuật này cũng hiệu quả khi bạn có tham vọng nhưng chỉ được chức nhỏ. Hãy giấu bớt trí thông minh thực của mình, giả khờ một tí, dạng như con heo vô hại của tục ngữ, và sẽ không ai ngờ rằng bạn đang ủ những mưu đồ kinh thiên. Thậm chí thiên hạ còn có thể giúp bạn thăng tiến, vì nom bạn dễ thương và dễ sai bảo quá.

    Claudius trước khi trở thành hoàng đế La Mã, cũng như vị hoàng tử Pháp sau này trở thành vua Louis XIII, đều dùng chiến thuật đó để không ai nghi ngờ mình có tham vọng làm chủ ngai vàng. Không ai thèm để ý đến chàng thanh niên vớ vẩn ngô nghê. Khi cờ đến tay, họ phất thật dứt khoát và quyết liệt, khiến mọi người không kịp phản ứng.

    Trí thông minh là đức tính hiển nhiên mà ta phải giấu bớt, nhưng tại sao chỉ dừng ở đấy? Khiếu thẩm mỹ và óc tinh tế cũng nằm gần trí thông minh trên bậc thang kiêu hãnh, vì vậy hãy khiến người khác nghĩ rằng họ tinh tế hơn ta, họ sẽ hạ thấp cảnh giác. Như trường hợp của Arnold và Slack, nhóm tài phiệt có lẽ đã cười nhạo sau lưng họ, nhưng ai là người sau cùng đã cười to chiến thắng? Do đó nhìn chung thì ta cứ làm cho người khác tin rằng họ khôn ngoan hơn, tinh tế hơn. Họ sẽ muốn ta luôn quanh quẩn cạnh bên, vì ta giúp cho họ cảm thấy hơn người, và càng có dịp kề cận, ta lại càng có cơ may lừa bịp.

    >

    Hình ảnh:

    Chồn opssum. Vì có tài giả chết nên opssum được những con thú lớn săn mồi bỏ qua. Ai dám tin rằng một sinh vật xấu xí như thế, ngu ngốc và nhút nhát như thế lại có thể đóng kịch để đánh lừa?

    Ý kiến chuyên gia:

    Hãy học cách sử dụng vẻ ngờ nghệch: “Thỉnh thoảng người khôn nhất cũng sử dụng chiêu này. Có những lúc mà ra vẻ khờ nhất lại là chiêu khôn ngoan nhất. Thật không mấy lợi ích gì khi làm thằng khôn giữa đám khù khờ, và làm kẻ tỉnh giữa đám người điên. Ai giả điên thực sự không điên. Muốn ai ai cũng tin mình, thì cách tốt nhất là hãy khoác lên bộ da của tên cục súc ngớ ngẩn nhất.

    (Baltasar Gracián, 1601-1658)

    NGHỊCH ĐẢO

    Để lộ bản chất thực của trí thông minh, điều này chẳng mấy khi bổ ích. Bạn nên tập cho quen với việc che bớt, chứ đừng tỏa sáng. Nếu lỡ người khác có biết ra sự thật – rằng bạn thông minh hơn vẻ bề ngoài – thì họ sẽ khen bạn kín đáo không để trí tuệ phát tiết. Tất nhiên vào thời kỳ đầu bước lên bậc thang quyền lực, bạn không thể đóng vai gã khờ: Bạn nên tế nhị làm cho mấy ông chủ thấy rằng mình thông minh hơn những người cạnh tranh. Tuy nhiên sau này khi leo được kha khá, bạn nên che bớt sự thông minh ấy.

    Tuy nhiên có một tình huống bạn nên làm ngược lại – khi có thể nghi trang một cú lừa bằng màn biểu diễn trí khôn. Ở đây cũng như ở nhiều lĩnh vực khác, cái vẻ bề ngoài đóng vai trò then chốt. Nhìn vào vẻ thông thái đầy thẩm quyền của bạn, mọi người sẽ tin những gì bạn nói. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn lỡ kẹt vào thế khó xử.

    Lần nọ nhà buôn tranh Joseph Duveen tham dự buổi dạ tiệc tại tư gia nhà tài phiệt vừa mua bức tranh Drer của ông với giá cao. Trong số khách mời có một nhà phê bình nghệ thuật người Pháp khá trẻ, có vẻ rất thông thái và tự tin. Để tạo ấn tượng với nhà phê bình này, con gái nhà tài phiệt chỉ cho anh ta thấy bức Drer, lúc ấy chưa được treo lên. Xem xét được một lúc, anh ta bảo cô gái rằng mình không tin bức tranh này là đồ thật. Cô gái chạy ngay đến cấp báo phụ thân, và phụ thân thất thần quay sang Duveen chờ lời khẳng định. Duveen chỉ cười khẩy: “Vui thật đấy! Anh có biết không, chàng trai trẻ, có ít nhất hai mươi chuyên gia Mỹ và Châu Âu cũng đã lầm rồi đấy, họ cũng bảo đây không phải là tranh thật. Giờ đến lượt anh cũng sai lầm y hệt.” Giọng điệu tự tin và thái độ đầy thẩm quyền của Duveen khiến chàng trai người Pháp rụt chí, và sau đó đã phải xin lỗi.

    Duveen biết rõ trên thị trường đầy những tranh giả. Ông gắng làm hết sức mình để phân biệt thật giả, nhưng có khi vì áp lực phải bán cho bằng được bức tranh, ông thường phải thậm xưng. Điều quan trọng với Duveen là người mua tin rằng mình đã tậu được bức Drer thật, và bản thân Duveen cũng thuyết phục được mọi người bằng cái vẻ thẩm quyền không chê vào đâu được.

    Vì vậy điều quan trọng là bạn phải biết đóng vai chuyên gia khi cần thiết, chứ đừng bao giờ ra vẻ thông thái vì tự mãn.
     
  4. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 22: Chiến Dịch Quy Hàng "Biến Nhược Thành Cường"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi lực đang yếu, đừng bao giờ khăng khăng chiến đấu vì danh dự, ngược lại ta nên đầu hàng. Đầu hàng xong rồi ta có thì giờ phục hồi, thì giờ chọc tức và phiền nhiễu kẻ thù, chờ cho quyền lực đối phương tàn lụi. Đừng biếu cho hắn sự khoái chí khi đánh bại ta - hãy nhanh chóng quy hàng. Khi giơ luôn má bên kia cho hắn đánh, xem như ta làm cho hắn bất ngờ và tức tối. Hãy biến sự quy hàng thành vũ khí quyền lực.

    VI PHẠM NGUYÊN TẮC

    Đảo Melos có vị trí chiến lược giữa Địa Trung Hải. Vào thời Thượng cổ, thành phố Athens thống trị biển cả và vùng duyên hải quanh Hy Lạp, nhưng chính cư dân Sparta mới là những người đầu tiên khai hoang Melos. Vì vậy trong thời kỳ chiến tranh Peloponnese, cư dân Melos trung thành với Sparta và chống lại Athens. Năm 416 TCN phe Athens cho quân tiến công Melos. Tuy nhiên trước khi dốc hết toàn lực cho trận sống mái, họ gửi phái đoàn đến phủ dụ Melos quy hàng để trở thành đồng minh, còn hơn là chịu cảnh hoang tàn chết chóc.

    “Các vị cũng biết rõ như chúng tôi,” các phái viên nói, “rằng các chuẩn mực công lý tùy thuộc vào sự bình đẳng của quyền lực mà ta phải tuân thủ, và thật ra kẻ mạnh tùy ý hành động theo quyền lực của mình, và người yếu đành chấp nhận những gì phải chấp nhận”. Khi cư dân Melos bảo rằng như thế không phải là quân tử, phía Athens trả lời chính những ai nắm quyền lực mới định đoạt như thế nào là quân tử. Phía Melos lại lý luận rằng quyền định đoạt ấy thuộc về những vị thần, chứ không phải của loài người. “Quan niệm của chúng tôi về thần thánh và sự hiểu biết của chúng tôi về loài người,” một phái viên Athens đáp, “đưa chúng tôi đến kết luận rằng có một quy luật tự nhiên rất phổ quát và cần thiết, đó là hãy thống trị những đối tượng nào mình có thể thống trị”.

    Nhưng Melos vẫn khăng khăng vì tin rằng Sparta sẽ đến bảo vệ họ. Phái đoàn Athens nhắc nhở rằng cư dân Sparta là những người bảo thủ và thực dụng, rằng họ sẽ không cứu giúp Melos bởi vì họ chẳng được gì mà còn có thể mất mát nhiều.

    Cuối cùng khi phe Melos lại bắt đầu nói về danh dự và nghĩa cử chống lại hung tàn, đoàn Athens khuyên họ không nên chệch hướng vì cách hiểu sai lầm về danh dự: “Danh dự thường dẫn người ta đến chỗ diệt vong khi họ phải đối mặt với một nguy hiểm hiển nhiên ảnh hưởng ít nhiều đến sự tự hào của họ. Không có gì xấu khi các vị nhượng bộ thành phố hùng mạnh nhất Hy Lạp, nhất là khi thành bang này chào mời các vị bằng những điều kiện rất chính đáng”. Cuộc thương thảo chấm dứt. Phe Melos bàn bạc nội bộ và cuối cùng quyết định tin vào sự trợ giúp của Sparta, vào ý trời, và vào đại nghĩa của họ. Họ lịch sự từ chối đề nghị của Athens.

    Vài ngày sau Athens xâm chiếm Melos và cư dân đảo này chiến đấu rất anh dũng, nhưng Sparta tuyệt nhiên không cứu viện. Cuối cùng khi Melos đã đầu hàng, Athens lập tức tàn sát tất cả những ai trong độ tuổi cầm gươm, còn đàn bà và trẻ con bị bán làm nô lệ, kế tiếp đưa dân Athens đến định cư ở Melos.

    Diễn giải

    Dân Athens có tiếng là thực tiễn nên cố gắng đưa ra những lý luận thực tiễn nhất với cư dân Melos, và thuyết phục họ rằng khi anh yếu hơn thì không việc gì phải dấn thân vào một cuộc chiến hoàn toàn vô ích. Sẽ chẳng có ai đến cứu kẻ yếu, bởi vì như thế chỉ đưa mình vào thế kẹt mà thôi. Kẻ yếu luôn cô đơn và phải phục tùng. Chiến đấu sẽ không mang lại được gì, ngoài cái tiếng tử vì đạo và kèm theo đó rất nhiều người sẽ phải chết cho dù họ không tin vào cái đại nghĩa của bạn.

    Yếu không phải là cái tội, mà thậm chí còn có thể trở thành sức mạnh nếu ta biết vận dụng thế yếu cho đúng cách. Phải chi ngay từ đầu dân đảo Melos bằng lòng quy hàng, sau đó biết đâu họ sẽ có cơ hội phá hoại phe Athens một cách tinh vi và sau này họ sẽ trở cờ khi phe Athens suy yếu – điều đã xảy ra vài năm sau đó. Thời cơ luôn thay đổi và kẻ mạnh sẽ xuống chó. Động tác đầu hàng ẩn chứa một sức mạnh lớn: Dụ đối thủ vào trạng thái tự mãn, ta sẽ có cơ phục hồi, cơ phá hoại, cơ báo thù. Đừng bao giờ phí phạm những cơ hội ấy vì chút danh dự hão trong một cuộc chiến mà ta biết trước sẽ thua.

    Kẻ yếu không bao giờ hàng thuận khi lẽ ra họ phải hàng.

    (Hồng y De Retz, 1613-1679)

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Hồi thập niên 1920 nhà văn Đức Bertolt Brecht thay đổi chính kiến và theo chủ nghĩa Cộng sản. Từ đó về sau các tác phẩm của ông đều chuyển tải nhiệt tình cách mạng, và ông cố gắng làm rõ những tuyên bố mang tính ý thức hệ. Khi Hitler lên nắm quyền, Brecht và các đồng chí trở thành mục tiêu. Ông ta có nhiều bạn bè ở Mỹ - những người Mỹ có cảm tình với niềm tin của ông, cùng với nhiều nhà trí thức Đức trốn thoát gọng kềm của Hitler. Vì vậy năm 1941 Brecht di trú sang Mỹ, chọn thành phố Los Angeles làm nơi sinh sống bằng nghiệp điện ảnh.

    Vài năm sau đó Brecht sáng tác những kịch bản sắc bén với quan điểm chống chủ nghĩa tư bản. Ông không thành công ở Hollywood nên năm 1947 sau khi chiến tranh kết thúc, Brecht quyết định quay về châu Âu. Tuy nhiên cùng năm đó, tiểu ban chuyên trách các hành động chống Mỹ thuộc Quốc hội lại bắt đầu điều tra về những hoạt động được cho là Cộng sản thâm nhập Hollywood. Vì đã công khai cổ xúy thuyết Mác-xít, nên Brecht bị điều tra vào tháng 9 năm 1947, chỉ một tháng trước khi rời Mỹ theo kế hoạch, ông nhận trát buộc trình diện tiểu bang nói trên. Ngoài Brecht ra còn một số nhà văn, đạo diễn, nhà sản xuất cũng nhận được trát, và tập thể đó được mệnh danh là nhóm Hollywood 19.

    Trước khi đến Washington, nhóm Hollywood 19 cùng lập ra kế hoạch hành động. Họ sẽ dùng chiến thuật đối đầu. Thay vì xác nhận mình có là đảng viên Cộng sản hay không, họ sẽ có những phát biểu thách thức thẩm quyền của tiểu bang để chỉ rõ rằng hoạt động của tiểu bang là vi hiến. Cho dù sau đó có đi tù, song họ khẳng định như thế thì đại nghĩa của họ sẽ lại càng được nhiều người biết đến.

    Brecht không đồng ý. Ông hỏi liệu có ích gì khi sắm vai tử vì đạo để mua được tí cảm tình của công chúng, rồi sau đó lại không còn cơ hội dựng vở hoặc bán kịch bản? Ông nói nhóm Hollywood 19 chắc chắn là thông minh hơn tiểu ban của Quốc hội, vậy cớ gì tự hạ mình xuống thấp bằng với chúng qua việc lý luận với họ? Tại sao ta không qua mặt họ bằng cách giả hàng, rồi sau đó tinh vi châm biếm họ? Nhóm im lặng nghe lý giải của Brecht nhưng sau đó lại quyết theo kế hoạch đối đầu, để Brecht đi con đường của riêng ông.

    Cuối cùng Brecht phải trình diện tiểu ban vào ngày 30 tháng Mười. Họ dự kiến ông sẽ hành động hệt như những gì nhóm Hollywood 19 đã hành động: lý luận, từ chối trả lời các câu hỏi, thách thức quyền lực của tiểu ban, thậm chí la ó và chửi rủa. Tuy nhiên họ ngạc nhiên khi Brecht lại hết sức dễ thương. Hôm ấy ông mặc bộ com-lê (điều hiếm thấy), ngậm điếu xì-gà (vì nghe đồn là vị trưởng ban là người mê xì-gà), lễ phép trả lời các câu hỏi, và nói chung là tuân thủ thẩm quyền của tiểu ban.

    Ông khẳng định mình không là đảng viên cộng sản. Trước đó vì đã viết nhiều vở công khai chuyển tải thông điệp cộng sản nên Brecht bị hỏi điều này sự thật ra sao. Ông trả lời: “Tôi có viết một số thơ nhạc và vở kịch khi chiến đấu chống lại Hitler và tất nhiên vì vậy, những tác phẩm đó có thể được xem là mang tính cách mạng bởi vì, hẳn nhiên là tôi muốn lật đổ chính quyền ấy”. Tiểu ban không thể vặn vẹo gì đối với câu trả lời này.

    Mặc dù nói tiếng Anh rành rẽ, nhưng khi ra đối chứng Brecht vẫn sử dụng thông dịch viên, nhằm có thể vận dụng trò chơi tinh vi của ngôn ngữ. Khi tiểu bang chỉ ra những dòng mang khuynh hướng cộng sản trong tác phẩm của Brecht xuất bản bằng tiếng Anh, Brecht liền đọc lại bằng tiếng Đức cho thông dịch viên nghe. Khi anh chàng này dịch lại thì rõ ràng những câu đó vô thưởng vô phạt. Một thành viên tiểu bang liền đọc một bài thơ cách mạng của Brecht đã dịch sang tiếng Anh và hỏi phải chăng chính ông đã sáng tác. “Không,” ông khẳng định, “tôi viết bài đó bằng tiếng Đức, và nguyên văn rất khác điều ông vừa đọc”. Những câu trả lời đại loại như vậy làm cho cả tiểu bang hụt hẫng, nhưng họ không thể cáu với Brecht được vì ông có thái độ lễ phép và tỏ ra hợp tác hoàn toàn.

    Do đó chỉ sau một giờ chất vấn, tiểu ban đã chán phèo. “Cảm ơn ông rất nhiều,” vị chủ tịch tuyên bố, “ông là ví dụ tốt cho những nhân chứng khác”. Họ không chỉ trả tự do cho Brecht mà còn hứa sẽ can thiệp khi ông gặp rắc rối với các viên chức cơ quan di trú. Ngày hôm sau Brecht rời nước Mỹ để không bao giờ trở lại.

    Diễn giải

    Chiến thuật đối đầu của nhóm Hollywood 19 thu hoạch cho họ nhiều cảm tình và vài năm sau họ được xác minh. Nhưng trước đó họ bị lên danh sách đen, và đã mất đi nhiều năm tháng quý giá trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật. Về phía mình, Brecht biểu lộ sự chán ghét đối với tiểu bang điều tra bằng một cách gián tiếp hơn. Và rõ ràng là ông đâu có thay đổi chính kiến hoặc thỏa hiệp với đạo đức cá nhân. Ngược lại trong một giờ đối chất ngắn ngủi, ông luôn ở thế thượng phong, khi ra vẻ nhượng bộ nhưng thật ra là cứ vờn tới vờn lui bằng các câu trả lời mơ hồ, bằng những lời nói dối thẳng thừng mà không bị phanh phui vì chúng được bọc kỹ trong màn sương bí ẩn của chữ nghĩa. Cuối cùng Brecht gìn giữ được quyền tự do tiếp tục những bài viết cách mạng (thay vì phải ở nhà tù Mỹ) và tinh vi giễu cợt cả tiểu bang và quyền lực của tiểu bang bằng cái bộ dạng vâng dạ của mình.

    Bạn hãy luôn nhớ rằng người nào muốn chứng tỏ mình có quyền lực rất dễ bị lừa bởi chiến thuật quy hàng. Vẻ tuân phục của ta làm bản thân họ cảm thấy tăng phần quan trọng. Tự mãn vì được người khác nể phục, họ trở thành mục tiêu dễ dàng cho ta phản công, hoặc để ta chế giễu kiểu như Brecht đã làm. Hãy lấy thời gian làm tiêu chuẩn đánh giá quyền lực của mình, bạn đừng hy sinh kế hoạch dài hơi chỉ vì chút vinh quang phù du của việc tử vì đạo.

    Khi quan lớn ráo qua, người nông dân khôn ngoan cúi rạp

    mình chào và âm thầm đánh rắm. (Tục ngữ Ethiopia)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Ở lĩnh vực quyền lực, ta thường bị rắc rối là vì phản ứng thái quá đối với những hành động của địch thủ. Phản ứng thái quá đó tạo ra các vấn đề mà lẽ ra ta đã tránh được nếu biết suy xét kỹ hơn. Và hậu quả có thể nảy bật liên tục hoài hoài, bởi vì đối thủ cũng có thể phản ứng quá trớn, như trường hợp phe Athens phải ứng lại dân đảo Melos. Bản năng đầu tiên của ta là phản ứng, đáp lại sự gây hấn bằng một hình thức gây hấn khác. Nhưng lần sau nếu có ai đó huých cùi chỏ bạn một cái và bạn định huých lại, thì bạn thử toa này xem: Đừng kháng cự, đừng đánh lại, nhưng nhượng bộ, cúi mình, đưa luôn cái gò má bên kia ra. Bạn sẽ thấy phản ứng này thường khi lại làm cho cách ứng xử của đối phương bị vô hiệu hóa – họ dự đoán, thậm chí là họ muốn bạn phải phản ứng lại mạnh bạo, chính vì vậy họ sẽ rất hẫng và bối rối khi thấy bạn không thèm kháng cự. Khi nhượng bộ, thật ra ta lại kiểm soát tình hình, vì động tác quy hàng là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm dụ họ tin rằng họ đã thắng ta.

    Đó chính là cốt lõi của chiến thuật quy hàng: ngoài mềm trong cứng. Không còn lý do để nổi giận, đối phương sẽ hoang mang, và như thế sẽ ít có khả năng họ phản ứng mạnh bạo hơn. Qua đó ta sẽ có thời gian và không gian để bày mưu lập kế hạ gục họ. Trong cuộc chiến giữa trí thông minh và bạo lực, chiến thuật quy hàng là vũ khí số một. Vũ khí này đòi hỏi sự làm chủ bản thân: Ai thật thà đầu hàng xem như mất hết tự do và có thể bị sự nhục nhã nghiền nát. Hãy nhớ là ta chỉ giả vờ quy hàng, giống như con oppossum giả chết để bảo toàn mạng sống.

    Chúng ta đã thấy rằng giả vờ quy hàng thì hay hơn là chiến đấu. Đối diện với đối thủ hùng mạnh hơn, ta biết chiến đấu sẽ thua, vậy thường khi tốt hơn là nên hàng thuận thay vì bỏ chạy. Bỏ chạy thì có thể cứu ta thoát được trong lúc đó, nhưng cuối cùng kẻ hung bạo sẽ đuổi kịp ta. Ngược lại nếu quy hàng, sau này ta có thời cơ quấn quanh kẻ thù và bất ngờ cắm phập móng vuốt vào hắn ở tầm gần.

    Năm 473 TCN tại Trung Quốc, Việt Vương Câu Tiễn nước Việt bị vua nước Ngô đánh bại ở trận Thái Hồ. Câu Tiễn đã bỏ bộ hạ để tẩu thoát nhưng một cận thần khuyên ông nên quy hàng và đặt mình dưới trướng Ngô Vương Phù Sai, lợi dụng vị trí đó để nghiên cứu kẻ thù và mưu đồ phục hận. Nghe theo lời khuyên, Câu Tiễn dâng nộp tất cả tiền tài của cải rồi cúi đầu đi làm người rửa chuồng gia súc. Ba năm luồn cúi ròng rã của Câu Tiễn đã làm đẹp lòng vua Ngô nên vua cho Câu Tiễn hồi hương. Khi nước Ngô bị đại hạn, nội loạn nổi lên cùng khắp, Câu Tiễn dấy binh xâm chiếm ngay. Đó là sức mạnh nằm phía sau động tác vờ quy hàng: ta được thời cơ và sự linh hoạt để chuẩn bị phương cách giáng trả đòn báo thù khủng khiếp. Nếu lúc đó bỏ chạy, Câu Tiễn hẳn đã bỏ qua thời cơ đó rồi.

    Vào giữa thế kỷ XIX khi ngoại thương bắt đầu đe dọa nền độc lập của đất nước, dân Nhật bàn cách đánh trả ngoại bang. Đại thần Hotta Masayoshi viết một giác thư có tầm ảnh hưởng quan trọng suốt nhiều năm: “Vì vậy tôi tin rằng chính sách của ta là phải ký kết nhiều liên minh hữu nghị, phải gửi tàu thuyền đi đến tất cả các nước ngoài để tiến hành mậu dịch, để bắt chước những gì tốt nhất của ngoại nhân nhằm bổ sung những khiếm khuyết của ta, ta phải tập trung sức mạnh của cả nước và kiện toàn vũ trang và từ đó dần dà đặt bọn ngoại nhân trong tầm ảnh hưởng của ta, cho đến khi tất cả các nước trên thế giới biết ra những lợi điểm của tình hình yên ổn hoàn toàn, khi bá quyền của ta đã được nhìn nhận trên toàn cõi địa cầu”.

    Đây là một cách áp dụng khôn ngoan quy luật giả vờ nhượng bộ. Ta quan sát đường lối của địch, từ từ tiến sát đến bên hắn, bề ngoài ứng xử đúng theo thói quen của hắn, nhưng bên trong ta vẫn giữ bản sắc. Cuối cùng ta sẽ thắng, vì trong khi hắn tưởng ta yếu kém hơn nên không cẩn thận đề phòng, ta dùng khoảng thời gian này để đuổi kịp và vượt qua hắn. Hình thức xâm chiếm một cách mềm mỏng như vậy thường là cách tốt nhất, vì kẻ thù không có đối tượng nào để phản ứng, để chuẩn bị, hoặc để kháng cự. Và trước đây nếu đã dùng sực để kháng cự phương Tây, hẳn Nhật Bản sẽ phải chịu một cuộc xâm lăng tàn phá, có khả năng thay đổi vĩnh viễn nền văn hóa Nhật.

    Giả vờ quy hàng cũng là cách để chế giễu đối thủ, dùng gậy ông đập lại lưng ông, như Brecht đã làm. Trong tác phẩm The Joke (Trò đùa), Milan Kundera kể lại sinh hoạt trong trại cải tạo ở Séc, nơi các quản giáo tổ chức thi chạy đua giữa tù nhân và quản giáo. Đây là dịp để cho các cán bộ chứng tỏ mình khỏe hơn tù nhân. Các tù nhân biết là mình còn phải thua nên cố đóng kịch thật đạt – cố tình chạy chậm, giả vờ gắng sức nhưng vẫn thua. Chấp nhận tham gia cuộc đua và chịu thua, tù nhân đã làm hài lòng quản giáo, và sự “vâng lời cường điệu” đó đã biếm nhã cuộc thi chạy đua. Ở đây, sự vâng lời cường điệu – đầu hàng – là để chúng tỏ ai hơn ai, nhưng theo cách ngược lại. Nếu cứng đầu kháng cự, các tù nhân chỉ sa vào một chu kỳ bạo lực, và hơn nữa còn hạ mình xuống bằng trình độ những quản giáo. Sự vâng lời quá mức đó đã giễu cợt nhóm quản giáo mà họ không thể trừng phạt tù nhân, vì tù nhân đã làm theo lệnh.

    Quyền lực luôn đổi chiều – vì bản chất cuộc chơi là dòng chảy linh động và là đấu trường thường trực, những người ở đỉnh cao quyền lực hầu như rốt cuộc cũng trở về ở cuối cầu đu. Nếu ta tạm thời lọt vào thế yếu thì chiến thuật này ngụy trang tham vọng của ta, dạy ta kiên nhẫn và tự chủ, vốn là hai kỹ năng chủ chốt cho cuộc chơi – giúp ta trụ ở vị trí tốt nhất có thể, để vùng lên khi đối thủ bất ngờ tuột dốc. Nếu bỏ chạy hoặc kháng cự, về lâu về dài ta sẽ không thể chiến thắng. Nếu quy hàng, hầu như lúc nào ta cũng thắng cuộc.

    Hình ảnh:

    Một cây sồi. Cây sồi nào kháng lại cuồng phong sẽ bị tước mất từ cành lá, rồi cuối cùng sẽ bị bật gốc. Nhưng cây nào chịu oằn cong sẽ sống sót lâu hơn, thân cây ngày càng to ra, rễ đâm càng sâu.

    NGHỊCH ĐẢO

    Mục đích của việc đầu hàng là cứu lấy mạng sống của mình để sau này còn cơ mà phục hận. Ta đầu hàng chính là để tránh trở thành người tử vì đạo, nhưng có nhiều khi đối thủ vẫn không nương tay, và việc phải chết vì đại nghĩa có vẻ là cách duy nhất. Ngoài ra, nếu sẵn sàng hy sinh thì sự hy sinh của ta cũng có thể trở thành sức mạnh và nguồn cổ vũ cho nhiều người khác.

    Tuy nhiên việc tử vì đạo, nghĩa là điều ngược lại với hình thức quy hàng, lại là chiến thuật rối bời, không chính xác, và cũng tàn bạo như tính bạo tàn mà hành động tử vì đạo muốn chống lại. Trong số hàng ngàn người tử vì đạo thì chỉ có một người nổi tiếng, nhưng hàng ngàn người kia lại không cổ vũ được bất kỳ cuộc nổi dậy hay tạo cảm hứng hình thành một tôn giáo nào, vì vậy nếu đôi lúc việc tử vì đạo có tạo ra ít nhiều sức mạnh, thì đó cũng là điều không hoạch định trước được. Quan trọng hơn, lúc ấy bạn đâu còn trên cõi đời này để hưởng sức mạnh ấy. Và cuối cùng những kẻ tử vì đạo cũng có chút gì đó ích kỷ và ngạo mạn, chừng như họ cảm thấy những người theo gót mình lại không quan trọng bằng vinh quang của chính họ.

    Khi nào trong tay không còn quyền lực, tốt hơn ta nên phớt lờ phép nghịch đảo của quy luật này. Đừng đả động gì đến việc tử vì đạo. Trước sau gì thì quả lắc cũng đong đưa lại phía ta, và ta phải sống để nhìn thấy thời điểm ấy.
     
  5. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 23: Tập Trung Lực Lượng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Duy trì sức mạnh và năng lực bằng cách giữ chúng tập trung vào chỗ mạnh nhất. Nếu đào giếng hãy đào càng sâu càng tốt, thay vì đào qua loa giếng này rồi nhảy sang đào giếng mới. Khi mưu cầu nguồn quyền lực để đưa mình lên, ta hãy tìm một người đỡ đầu chủ chốt, một con bò sữa sẽ cho ta sữa trong khoảng thời gian dài sắp tới.

    VI PHẠM NGUYÊN TẮC

    Vào đầu thế kỷ VI trước Công nguyên tại Trung Quốc, vua nước Ngô là Hạp Lư lâm chiến với các lực lượng phía Bắc vùng Trung Nguyên. Tuy là thế lực đang lớn mạnh, song nước Ngô lại không có được bề dày lịch sử và văn hóa của Trung Nguyên, vốn là cái nôi văn hóa của Trung Quốc suốt hàng trăm năm. Nếu đánh bại được Trung Nguyên, nước Ngô sẽ lập tức nâng cao vị thế của mình.

    Vào đầu cuộc chiến quân nhà Ngô thắng trận liên tiếp nhưng chẳng bao lâu sau lại sa lầy. Hễ thắng ở mặt trận này thì lại thất thế ở mặt trận kia. Đại thần nhà Ngô là Ngũ Tử Tư cảnh báo vua rằng Việt vương Câu Tiễn ở phía Nam bắt đầu để ý các vấn đề của nước Ngô và có ý đồ xâm lược. Vua chỉ cả cười với những lo âu cỏn con ấy, bảo rằng chỉ cần một chiến thắng nữa là xem như thu phục trọn Trung Nguyên.

    Năm 490 Ngũ Tử Tư gửi con trai sang nước Tề lánh nạn. Qua hành động đó, ông muốn nhắn vua Ngô biết là mình không tán đồng chiến tranh và tin rằng tham vọng của nhà vua sẽ đưa nước nhà đến chỗ diệt vong. Vua nổi trận lôi đình, kết tội Ngũ Tử Tư bất trung và ra lệnh ông phải tự sát. Quân xử thần tử, Ngũ Tử Tư răm rắp nghe theo, nhưng trước khi tự vẫn, ông khóc ba tiếng: “Xin bệ hạ hãy móc mắt hạ thần và đặt trên cổng thành, để hạ thần có thể nhìn thấy binh đoàn Việt vương Câu Tiễn ca khúc khải hoàn bước vào thành chúng ta.”

    Như Ngũ Tử Tư đã dự đoán, thời gian sau quân đội nước Việt vinh quang bước qua cổng thành nước Ngô. Khi giặc đã bao vây vương cung, nhà vua nhớ lại những lời cuối của Ngũ Tử Tư. Nhà vua tự sát trong tư thế “tay che kín mặt để khỏi trông thấy tia nhìn trách móc của viên đại thần ở thế giới bên kia”.

    Diễn giải

    Câu chuyện nước Ngô là mô thức của tất cả các vương triều đi đến chỗ diệt vong vì mưu đồ bành trướng. Say men thành công và si mê vì tham vọng, những vương triều ấy đạt đến quy mô thô bỉ và phải diệt vong toàn bộ. Đó là điều đã xảy ra với thành phố Athens cổ đại, vốn luôn nhòm ngó hải đảo Sicily và cuối cùng phải mất luôn đế chế. Người La Mã cũng mở bờ cõi mình ra quá rộng nên càng để lộ những chỗ yếu, trở thành mục tiêu tấn công của các bộ lạc man rợ. Sự bành trướng vô ích đã dẫn các đế chế ấy đến chỗ diệt vong.

    Số phận của nước Ngô có thể là bài học sơ đẳng, cho ta thấy việc gì sẽ xảy ra khi dàn trải lực lượng trên quá nhiều mặt trận, vì cái lợi trước mắt mà quên cái hại từ xa. “Nếu tình thế không nguy nan,” Tôn Tử nói, “thì đừng đánh nhau.” Đó gần như là một định luật vật lý: Cái gì to hơn kích thước bình thường trước sau gì cũng sụp đổ. Trí tuệ ta không nên lan man từ mục tiêu này sang mục tiêu khác, đừng để chút thành công làm xao lãng mà quên đi tính mục tiêu và chừng mực. Cái gì tập trung, mạch lạc và cố kết với những điều trước đó thì sẽ có sức mạnh. Cái gì tản mát, chia rẽ và căng giãn sẽ mục rữa và ngã đổ. Phình càng to thì đổ càng nặng.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Gia đình giới chủ ngân hàng Rothschild khởi đầu rất khiêm nhường trong khi ghetto Do Thái ở thành phố Frankfurt nước Đức. Luật lệ hà khắc của thành phố không cho phép người Do Thái trà trộn với những người ngoài ghetto, nhưng họ đã khôn khéo biến sự cấm đoán đó thành thế mạnh – họ tự lực hơn và miệt mài bảo tồn nét văn hóa riêng biệt. Mayer Amschel, người đầu tiên của họ Rothschild trở nên giàu có nhờ việc cho vay vào cuối thế kỷ XVIII, hiểu rất rõ loại quyền lực xuất phát từ sức mạnh tập trung và cố kết ấy.

    Thứ nhất, bản thân Amschel liên minh với một gia đình, đó là các quý tộc Thurn und Taxis. Thay vì mở rộng đối tượng cho vay, ông ta chỉ tập trung phục vụ cho gia đình đó. Thứ hai, Amschel không phân cấp việc kinh doanh cho bất kỳ người ngoài nào mà chỉ nhờ con cháu và bà con cật ruột nhất. Gia đình càng đoàn kết và khăng khít sẽ càng hùng mạnh. Chẳng bao lâu sau năm người con trai của Amschel đã quản trị việc kinh doanh. Khi qua đời năm 1812, Amschel không di chúc cho một người thừa hưởng duy nhất, mà để cho cả năm đứa con cùng tiếp nối truyền thống kinh doanh của gia đình, có vậy họ mới luôn gắn bó với nhau và chống lại việc người ngoài xâm nhập và làm loãng quyền lực.

    Sau này khi khuếch trương kinh doanh sang các châu lục khác, hậu duệ của Amschel vẫn theo chiến lược cũ của gia đình khi còn ở ghetto: không cho người ngoài chen vào công việc, luôn đoàn kết và tập trung sức mạnh. Vào thời đó, tộc Rothschild thiết lập hệ thống thư tín nhanh chất châu Âu, nhờ đó họ nắm bắt tin tức sớm hơn nhiều so với các ngân hàng cạnh tranh khác. Gần như là họ độc quyền về thông tin. Về nội bộ, họ liên lạc với nhau bằng ngôn ngữ Yiddish đặc thù vùng Frankfurt, qua mã số đặc biệt mà chỉ anh em trong họ với nhau mới hiểu được.

    Hôn nhân tộc Rothschild cũng diễn ra trong họ hàng để giữ bí mật và của cải không lọt ra ngoài. Một người trong tộc nói: “Chúng tôi giống như bộ máy của đồng hồ, phần nào cũng không thể thiếu.”

    Diễn giải

    Các thành viên gia tộc Rothschild sinh ra ở những thời đại lạ lùng. Họ xuất thân từ một nơi chốn chưa hề thay đổi qua bao thế kỷ, nhưng lại sống trong thời đại đã khởi sinh cuộc Cách mạng Công nghiệp, Cách mạng Pháp và một loạt chuyển biến quan trọng. Tộc Rothschild gìn giữ cho quá khứ sống động, cưỡng lại những đường lối phân tán của thời kỳ đó và như vậy đã trở thành biểu tượng của quy luật tập trung.

    Đứa con mang tên James Rothschild là điển hình. Khi lập nghiệp ở Paris, ông đã chứng kiến Napoléon bị hạ bệ, chế độ quân chủ Bourbon phục hưng, chế độ quân chủ trưởng giả của Orléans, việc đổi sang chế độ cộng hòa, rồi cuối cùng là sự kiện Napoléon III lên ngôi. Phong cách và thời trang Pháp thay đổi xoành xoạch suốt giai đoạn nhiễu nhương ấy. James lèo lái gia đình và duy trì sức mạnh đoàn kết, giống như ghetto Do Thái sống mãi trong dòng họ. Nhờ giữ liên lạc với quá khứ, gia tộc Rothschild đã có thể phát triển được trong thời kỳ loạn lạc như vây. Sự tập trung và hội tụ chính là nền tảng của quyền lực, thịnh vượng, và ổn định của gia tộc Rothschild.

    Chiến lược tốt nhất là phải luôn hùng mạnh; đầu tiên là hùng mạnh nói chung, và sau đó là hùng mạnh ở những điểm then chốt... Không có quy luật chiến lược nào cao siêu và đơn giản hơn là phải giữ gìn lực lượng thật tập trung... Nói ngắn gọn, nguyên tắc là: hành động với sự tập trung cao độ nhất.

    (Carl von Clausewitz, 1780-1831)

    >

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Thế giới ngày càng chi rẽ trầm trọng – chia rẽ bên trong quốc gia, đảng phái, gia đình, thậm chí cá nhân. Chúng ta đang lâm vào tình trạng phân tán hoàn toàn, phải rất vất vả để tập trung đầu óc vào một hướng, trước khi bị hàng ngàn vụ việc khác đánh lạc hướng. Mức độ xung đột trong thế giới ngày nay hiện đang cao hơn bao giờ hết, và chúng ta đã đưa sự xung đột ấy vào cuộc sống của mình.

    Ở đây, giải pháp có dạng thu mình vào trong, nhìn lại quá khứ, hướng về những hình thức suy tư và hành động trung hơn. Như Schopenhauer đã viết rằng tài trí chính là cấp độ sức mạnh tập trung, chứ không phải cấp độ mở rộng. Napoléon biết rõ giá trị của việc hội tụ lực lượng đánh vào điểm yếu nhất của địch thủ, và đó là một trong những bí quyết giúp ông thành công trên chiến địa. Song song, sức mạnh tinh thần và trí não ông cũng rập theo khuôn mẫu vừa kể. Chuyên tâm vào mục tiêu, tập trung hoàn toàn vào đích ngắm, dùng năng lực ấy tác động đến những người ít tập trung hơn – sức mạnh này giống như mũi tên hễ bắn là trúng.

    Casanova nhìn nhận ông thành công trong đời là nhờ biết tập trung vào một mục tiêu duy nhất và ra sức thực hiện cho đến khi thành tựu. Tại sao phụ nữ nào cũng gục ngã khi được ông tán tỉnh? Vì hễ đã thích phụ nữ nào rồi thì Casanova luôn toàn tâm toàn ý với người ấy. Đã ngắm người nào thì suốt thời gian sau đó ông không hề nghĩ đến ai khác nữa. Lúc bị giam trong ngục thất ở Venice, nơi chưa một ai đào thoát được, Casanova chỉ nghĩ đến việc vượt ngục, ngày qua ngày chỉ tập trung vào một ý nghĩ duy nhất đó mà thôi. Và cuối cùng ông đã thành công. Hồi ký Casanova sau này có đoạn: “Tôi luôn tin rằng khi người nào đã dính cứng và đầu một quyết định thực hiện việc gì đó, và chỉ bận tâm duy nhất về một vấn đề nào đó, anh ta phải thành công, cho dù có khó khăn cách mấy.”

    Ở thế giới quyền lực ta luôn cần sự giúp đỡ của người khác, thường là người có quyền năng hơn ta. Kẻ ngu sẽ ve vãn từ người này đến người kia, vì tin rằng mình sẽ sống sót nhờ mở rộng quan hệ như thế. Tuy nhiên quy luật tập trung bảo ta nên tiết kiệm năng lượng để chú tâm vào một nguồn quyền lực duy nhất thích hợp. Nhà khoa học Nikola Tesla đã khánh tận vì tin rằng khi làm việc cho nhiều nhà tài trợ thì ông mới giữ được thế độc lập. Cuối cùng sự “độc lập” của Tesla có nghĩa là ông không thể dựa vào một người đỡ đầu nào nhất định mà luôn phải chiều ý hàng chục người cùng lúc.

    Tất cả các danh họa và văn sĩ thời Phục hưng đều gặp phải vấn đề này, chứ không riêng gì Pietro Aretino. Suốt đời, ông ta cứ khổ sở vì phải chiều lòng hết công tước này đến hoàng tử nọ. Cuối cùng khi đã chán ngấy, ông quyết định cố gắng tranh thủ Charles V, và như thế cuối cùng ông đã nếm mùi tự do khi chỉ tùy thuộc vào mỗi nguồn quyền lực duy nhất. Michelangelo khám phá được tự do này với Giáo hoàng Julius II, Galileo với gia tộc Medici. Rốt cuộc, người đỡ đầu duy nhất sẽ đánh giá đúng lòng trung của bạn và dựa vào sự phục vụ của bạn; về lâu về dài, chủ nhân sẽ phục vụ cho nô lệ.

    Cuối cùng, bản thân quyền lực luôn tồn tại dưới dạng tập trung. Trong bất kỳ tổ chức nào, quyền thao túng cũng thuộc về một nhóm nhỏ. Và thường khi đó không phải là nhóm gồm những người có chức danh chức vị. Trong cuộc chơi quyền lực, chỉ có kẻ khờ mới lăng xăng mà không tập trung vào mục đích. Ta phải tìm hiểu xem ai là người cầm chịch, ai thực sự là đạo diễn đứng sau cánh gà. Như Richelieu đã khám phá ở giai đoạn đầu chinh phục đỉnh cao quyền lực trên chính trường nước Pháp hồi đầu thế kỷ XVII, không phải vua Louis XIII ra lệnh, mà chính hoàng thái hậu mới là người quyết định sau cùng. Vì thế đức hồng y này mới khôn khéo chài mồi bà, nhờ vậy từ địa vị triều thần, ông mới vọt lên đỉnh cao chót vót.

    Bạn chỉ cần dò đúng mỏ dầu một lần thôi, thì tiền tài và quyền lực của bạn sẽ được đảm bảo suốt cả đời.

    Hình ảnh:

    Mũi tên. Ta không thể bắn hai đích bằng một mũi tên. Nếu tâm không định, ta sẽ chệch mục tiêu. Tâm và tiễn phải là một. Chỉ với sự tập trung cao độ cả trí lực vật lực như vậy thì mũi tên của ta mới xuyên thủng hồng tâm.

    Ý kiến chuyên gia:

    Nên chuộng chiều sâu hơn chiều rộng. Sự hoàn chỉnh nằm ở chất chứ không phải lượng. Chỉ với bề rộng thôi, ta không bao giờ vượt lên khỏi mức tầm thường, và đó là nỗi bất hạnh của những người quan tâm đến nhiều thứ nói chung, muốn bắt cá hai tay để cuối cùng chẳng được con cá nào.

    (Baltasar Gracián, 1601-1658)

    NGHỊCH ĐẢO

    Việc tập trung không phải là không có rủi ro, và nhiều khi phân tán mỏng mới là chiến thuật thích hợp. Trong cuộc chiến chống phe Dân quốc, Mao Trạch Đông và những người cộng sản tiến hành cuộc trường chinh trên nhiều mặt trận, với vũ khí chính là phá hoại và du kích. Phân tán mỏng thường khi lại thích hợp với kẻ yếu hơn, và trên thực tế đó là nguyên tắc cốt yếu của chiến tranh du kích. Khi đối đầu với binh lực mạnh hơn, nếu tập trung lực lượng ta sẽ trở thành mục tiêu dễ bắn phá. Tốt hơn ta nên hòa mình vào bối cảnh và làm kẻ thù hoang mang khi ta thoắt ẩn thoắt hiện.

    Gắn liền với một nguồn quyền lực duy nhất có thể đặt ta vào thế nguy nan tột cùng: nếu nguồn quyền lực đó diệt vong hoặc bị thất sủng, ta chắc chắn bị vạ lây. Đó là điều xảy ra cho Cesare Borgia, vốn dựa vào thế lực của người cha là Giáo hoàng Alexander VI. Chính giáo hoàng đã cấp binh đội cho Cesare và tạo ra những cuộc chiến nhân danh ông. Khi ông đột ngột qua đời, xem như Cesare tiêu tùng luôn. Qua năm tháng, Cesare đã tạo ra quá nhiều kẻ thù, và vào tình thế đó lại không còn chiếc ô dù nào nữa cả. Vì vậy để đề phòng trường hợp này, bạn có thể bám lấy nhiều nguồn quyền lực. Động thái đó phải được tiến hành cẩn trọng trong thời điểm bạo loạn nhiễu thương, hoặc khi kẻ thù đầy rẫy. Lúc đó, càng có nhiều sư phụ thì bạn sẽ càng ít rủi ro, nếu không may có sư phụ nào đó qua đời. Thậm chí tình trạng phân tán đó giúp bạn khích họ chống đối nhau. Ngay cả khi tập trung vào một nguồn quyền lực duy nhất, bạn cũng phải dự trù cái ngày mà sư phụ bạn không còn đó để bảo vệ bạn.

    Cuối cùng, nếu quá chăm bẵm vào một mục tiêu duy nhất có thể khiến bạn trở thành chán ngấy đến mức phát ốm, đặc biệt ở lĩnh vực nghệ thuật. Danh họa Paolo Ucello thời Phục hưng bị phối cảnh ám ảnh quá mức đến độ tranh ông vô hồn và không còn vẻ tự nhiên. Trong khi đó Leonardo da Vinci lại quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau – kiến trúc, hội họa, khí tài, điêu khắc, cơ khí. Chính sự dàn trải mới là nguồn sức mạnh của ông. Nhưng những thiên tài như vậy hiếm lắm, và phần còn lại của nhân loại, trong đó có chúng ta, tốt hơn nên chuyên sâu vào một điểm.
     
  6. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 24: Đóng Vai Triều Thần Thật Hoàn Hảo

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một triều thần sẽ phát đạt trong một thế giới mà mọi thứ đều bị chi phối bởi quyền lực và sự khéo kéo về chính trị. Triều thần đó đã nhuần nhuyễn với nghệ thuật quanh co; hắn nịnh bợ và quy phục cấp trên, sẵn sàng hạ gục tất cả các đồng liêu khác để bám lấy vị trí quyền lực bằng những phương thức cạnh khóe và mềm mỏng nhất. Hãy học và ứng dụng các quy tắc của một kẻ triều thần và sự thăng tiến của bạn trong triều sẽ không còn biên giới.

    XÃ HỘI CỦA MỘT TRIỀU ĐÌNH

    Đối với bản chất loài người, có một sự thật hiển nhiên là cấu trúc của một triều đình sẽ tự động hình thành quanh tâm điểm quyền lực. Trong quá khứ, triều đình hình thành chung quanh vị chúa tể và triều đình còn có nhiều chức năng: Ngoài việc làm đẹp hoàng gia, quý tộc, và các tầng lớp thượng lưu, để giữ giai cấp quý tộc gần bên và dưới tay chúa, tạo điều kiện cho chúa canh chừng họ. Triều đình phục vụ cho quyền lực ở nhiều mặt, nhưng chức năng chủ yếu vẫn là để tôn vinh chúa tể, tạo ra một thế giới thu nhỏ luôn bon chen để làm đẹp lòng chúa.

    Trong cuộc chơi này, vai trò triều thần rất nguy hiểm. Những ghi chú của một lữ khách Ả Rập hồi thế kỷ XIX cho biết ở triều đình Dafur, hiện nay là nước Sudan, mọi triều thần đều phải răm rắp làm y theo những gì vị sultan làm: Nếu trong buổi đi săn, ông ta có ngã ngựa thì cả bầy triều thần cũng phải ngã theo; nếu ông ta bị thường thì họ cũng phải chịu cùng loại thương tổn đó.

    Mối nguy lớn hơn là làm phật ý vị chúa tể, có thể dẫn đến hình phạt lưu đày hoặc xử trảm. Người ta ví một triều thần lọc lõi như một nghệ sĩ đi dây thăng bằng, biết làm hài lòng người xem nhưng đừng làm hài lòng thái quá, cúi đầu vâng dạ nhưng phải biết nổi bật giữa đám triều thần, tuy nhiên cũng đừng quá nổi bật đến mức làm cho chúa phải bất an.

    Các triều thần lừng danh kim cổ đều là bậc thầy của nghệ thuật vận động kẻ khác. Họ làm cho vua chúa cảm thấy mình vua chúa hơn, bằng cách làm cho tất cả mọi người phải e sợ quyền lực của kẻ trị vì. Họ là những tay phù thủy của vẻ bề ngoài, biết rằng hầu hết những sự việc ở triều đình đều được đánh giá qua vẻ bề ngoài. Những triều thần giỏi đều rất phong nhã lịch sự, đòn tấn công của họ được ngụy trang kỹ và không trực tiếp. Họ làm chủ sự phát ngôn và không nói ra lời thừa nào, có khen cũng khen với chủ đích, có chê cũng chê kín kẽ. Họ giống như thỏi nam châm thú vị - mọi người thích ở gần họ bởi vì họ biết cách chiều lòng mà không hạ thấp mình. Những triều thần giỏi giang nhất đều được chúa sủng ái và hưởng lợi từ vị trí ấy. Nhiều khi quyền lực của họ còn hơn vua, bởi vì họ xuất sắc trong việc gồm thu ảnh hưởng.

    Ngày nay nhiều người cho rằng sinh hoạt triều đình là di tích của quá khứ, một loại vật lạ của lịch sự. Đáp lại, Machiavelli cho rằng họ lập luận “như thể vũ trụ, mặt trời, các tinh tú, và loài người đã thay đổi trật tự chuyển động và quyền lực đã khác xa so với vũ trụ, mặt trời, các tinh tú, và loài người của thời xưa”. Ngày nay có lẽ là không còn vị Vua Mặt Trời nào song vẫn còn vô số người tưởng rằng mặt trời quay quanh họ. Hoàng triều có thể ít nhiều đã biến mất, hoặc giả giảm bớt quyền lực, song triều đình và triều thần vẫn hiện diện bởi vì quyền lực luôn hiện diện. Ngày nay hiếm khi một triều thần phải ngã ngựa cho giống chúa, nhưng những quy luật chi phối việc triều chính vẫn vô tận như quy luật của quyền lực. Vì vậy có rất nhiều điều ta nên học hỏi ở các triều thần của thời quá khứ và hiện tại.

    CÁC QUY LUẬT TRIỀU CHÍNH

    Đừng chơi nổi. Không nên huyên thuyên về bản thân hoặc về thành tích của mình. Càng nói nhiều, ta sẽ làm người khác càng nghi kỵ, từ đó sẽ có kẻ ganh tỵ muốn đâm sau lưng ta. Hãy cẩn thận, thực sự cẩn thận khi nói về những thành tựu của mình. Nói chung là ta nên khiêm nhường.

    Có phong cách ung dung. Đừng bao giờ tỏ ra vất vả với công việc. Phải để cho mọi người thấy là tài năng của bạn như dòng chảy tự nhiên, với phong thái ung dung khiến họ nghĩ rằng bạn là thiên tài chứ không phải kẻ cày cho hết việc. Ngay cả khi công việc đòi hỏi phải đổ mồ hôi hột, bạn vẫn phải làm ra vẻ không cần gắng sức – mọi người không thích mấy bạn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, vốn cũng là một cách thu hút chú ý. Chẳng thà để cho họ ngạc nhiên trước lượng công việc to lớn được bạn thực hiện thật nhàn nhã, còn hơn là họ ngạc nhiên là tại sao bạn phải vất vả như thế.

    Nịnh vừa phải thôi. Có thể đối với cấp trên của bạn, bao nhiêu sự nịnh hót cũng không đủ, nhưng nên nhớ cái gì nhiều quá cũng giảm giá trị. Nịnh hót quá lố sẽ làm các đồng liêu ganh tỵ. Hãy học cách nịnh bợ gián tiếp – chẳng hạn như biết rút lui vào bóng tối sau khi thành công, để cho sư phụ mình được nổi bật.

    Biết thu hút chú ý. Nghe qua có vẻ mâu thuẫn: Không được chơi nổi, nhưng đồng thời phải biết cách nổi bật. Ở triều đình Louis XIV, hễ vua chú ý nhìn ai thì lập tức người ấy xem như thăng một bậc trong tôn ti phẩm trật. Bạn sẽ không có cơ hội thăng tiến nếu không được chúa chú ý đến giữa đám quần thần. Nghệ thuật chính ở chỗ này. Ban đầu bạn chỉ cần được chúa nhìn thấy, đúng theo nghĩa đen. Vì vậy nên chăm sóc vẻ bề ngoài của bạn, tìm cách tạo ra phong cách và hình ảnh khác biệt – khác biệt một cách tinh vi.

    Thay đổi phong cách và ngôn ngữ cho hợp với người mình đang đối thoại. Việc tin vào sự bình đẳng – nghĩ rằng ta phải hành động và ăn nói y như nhau đối với tất cả mọi người, cho dù cấp bậc họ ra sao, thì như thế mới là quân tử - là một lỗi lầm to lớn. Những người dưới ta sẽ xem đó là biểu hiện trịch thượng, còn kẻ trên ta sẽ nghĩ ta là bất kính. Bạn phải thay đổi cách ăn nói xử sự tùy người đối diện. Đó không phải là nói láo, mà chỉ là đóng kịch, và đóng kịch là một nghệ thuật chứ không phải của trời cho. Hãy học nghệ thuật ấy. Điều này đúng với rất nhiều nét văn hóa khác ở triều đình hiện đại: Đừng bao giờ cho rằng chuẩn mực về ứng xử và cách đánh giá của bạn là phổ quát. Không thích nghi được với văn hóa người khác, đó không chỉ là đỉnh cao của sự thô lỗ, mà còn đặt bạn vào thế bất lợi.

    Đừng bao giờ là kẻ báo hung tin. Chúa tể sẽ giết kẻ báo hung tin: việc này vẫn lặp đi lặp lại trong lịch sử. Ta phải đấu tranh, và nếu cần nói láo và lừa bịp cũng được, nhưng phải làm sao cho gánh nặng báo hung tin phải đè lên vai người khác. Cố gắng thu xếp như thế nào để chỉ báo tin vui, để khi vừa thoáng thấy ta là chúa vui trong bụng.

    Đừng tỏ vẻ thân mật với chúa. Chúa cần có bề tôi chứ không cần bề tôi làm bạn. Ta không nên tiếp cận chúa theo cách thân mật hoặc hành động như thể hai người tâm đầu ý hợp, vì đó là đặc quyền của chúa. Nếu chúa muốn xử sự ngang bằng với ta, ta chiều lòng chúa nhưng nhớ giữ kẽ cẩn trọng, để tỏ rõ khoảng cách giữa hai người.

    Đừng trực tiếp phê phán cấp trên. Điều này thoạt nghe đã quá hiển nhiên, nhưng có nhiều khi ta phải biết cách góp ý, bởi vì cứ mãi câm như hến không bao giờ có ý kiến, ta lại lâm vào tình thế rủi ro khác. Ta phải học cách đưa ra lời góp ý càng gián tiếp và lễ độ càng tốt. Hãy suy đi nghĩ lại nhiều lần để cho sự góp ý đó đủ vòng vo. Hãy thật tinh vi và tế nhị.

    Đừng đòi hỏi quá nhiều đặc ân. Mỗi khi phải từ chối lời cầu xin của cấp dưới, kẻ bề trên hết sức buồn lòng. Chúa cũng biết áy náy. Càng ít khi xin xỏ đặc ân càng tốt, và phải biết đâu là giới hạn. Thay vì đặt mình vào thế xin xỏ, bạn hãy làm tốt để được chúa tự ý ban thưởng. Đặc biệt quan trọng: Đừng nhân danh người khác mà xin chiếu cố, nhất là nhân danh một người bạn.

    Đừng nói đùa về vẻ bề ngoài hoặc sở thích. Thái độ tươi vui và tính khí dí dỏm là đức tính chủ yếu đối với một triều thần tốt, và có nhiều lúc ta cũng nên bỡn cợt một tí cho được việc được lòng. Nhưng bạn nhớ đừng bao giờ bỡn cợt về vẻ bề ngoài hoặc sở thích, vốn là hai lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với kẻ bề trên. Ngay cả khi không có họ ở đó bạn cũng chớ. Nếu không bạn sẽ tự đào mồ chôn mình.

    Đừng nhạo báng. Hãy khen ngợi thành tựu của người khác. Nếu cứ chỉ trích bạn đồng liêu, thậm chí những kẻ dưới quyền, những lời chỉ trích ấy sẽ tác dụng ngược lại, lúc nào cũng lởn vởn trên đầu bạn như đám mây đen. Ai cũng tức giận vì một lời nhạo báng. Hãy biết cách khen ngợi vừa phải những thành tựu của kẻ khác, đổi lại bạn sẽ được chú ý thân thiện. Biết cách nói lên sự trầm trồ, và làm cho người ta nghĩ rằng mình trầm trồ thật, là một kỹ năng ngày càng hiếm.

    Biết tự nhận thức. Gương soi là một sáng chế kỳ diệu, không có nó ta sẽ phạm phải tội lớn đối với cái đẹp và sự lịch thiệp. Ta cũng cần có tấm gương cho hành động của mình. Đôi khi sự phản chiếu này đến từ lời góp ý của người khác, nhưng đó không phải là phương cách đáng tin cậy: Ta phải là tấm gương soi của chính mình, tập cho được kỹ năng nhìn thấy bản thân mình như người khác nhìn thấy. Liệu ta có quá khúm núm? Liệu ta có quá xum xoe? Liệu ta có cố thu hút sự chú ý quá lộ liễu, như thể ta đang xuống dốc? Hãy biết tự nhận thức và ta sẽ tránh được vô số lỗi lầm.

    Làm chủ cảm xúc. Như một diễn viên tài ba, ta phải biết cách khóc cười theo yêu cầu. Ta phải có khả năng che giấu cơn giận dữ cũng như nỗi thất vọng dưới vẻ mặt bình thản và hài lòng. Ta phải điều khiển được vẻ mặt của mình. Muốn gọi đó là dối trá thì cứ việc, nhưng nếu bạn không muốn dấn thân và lúc nào cũng làm người lương thiện và bộc trực, thì sau này nếu mọi người bảo bạn là khó chịu và ngạo mạn thì đừng hỏi tại sao.

    Thích ứng với tinh thần thời đại. Tỏ vẻ hoài cổ đôi chút cũng dễ thương, miễn là ta chọn giai đoạn nào đó cách nay ít nhất vài chục năm. Chứ nếu ăn mặc ứng xử như cách nay chừng mười năm thì thật là lố bịch, trừ khi ta thủ vai anh hề triều đình. Tinh thần và cách suy nghĩ của ta phải theo kịp thời đại, cho dù thời đại ngày nay có xúc phạm đến sự nhạy cảm của ta. Tuy nhiên cũng chớ nên đi trước thời đại quá xa kẻo không ai hiểu ta. Tốt nhất ta nên làm theo hay bắt chước tinh thần của thời đại.

    Hãy là nguồn vui. Điều kiện này là then chốt. Bản chất tự nhiên của con người là xa lánh những gì buồn bã đáng chán, trong khi sự duyên dáng và nguồn vui tiềm tàng sẽ thu hút ta như những con thiêu thân lao vào ngọn lửa. Hãy là ngọn lửa đó và ta sẽ lên đến địa vị đỉnh cao. Không phải ai cũng dễ dàng được sủng ái, bởi vì không phải ai cũng được trời sinh ra với vẻ duyên dáng và nét thông minh dí dỏm. Nhưng ta có thể kiểm soát được những nét khó ưa của mình và che giấu chúng đi khi cần thiết.

    Một người am tường triều đình là người làm chỉ được hành động, tia nhìn và gương mặt; hắn phải sâu sắc và khôn lường; hắn che đậy ý đồ xấu xa, mỉm cười với kẻ thù, kiểm soát cơn nóng giận, ngụy trang các dục vọng, biết làm điều tương phản với cõi lòng, nói và hành động ngược lại với tình cảm của mình.

    (Jean de La Bruyère, 1645 – 1696)

    MỘT SỐ HOẠT CẢNH VỀ CUỘC SỐNG Ở TRIỀU ĐÌNH

    Hoạt cảnh 1

    Alexander đại đế, kẻ chinh phục vùng lòng chảo Địa Trung Hải từ Trung Đông đến Ấn Độ, từng thọ giáo với vị thầy vĩ đại là Aristotle, và suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Alexander rất tận tâm với triết học và những lời dạy bảo của thầy. Ông từng than phiền với thầy rằng suốt những chiến dịch kéo dài, mình không có ai để đàm đạo về các vấn đề triết học. Aristotle đề nghị ông chọn Callisthenes, học trò cũ của mình đồng thời là một triết gia rất có triển vọng, làm người hầu chuyện trong chiến dịch sắp tới. Đã được Aristotle dạy cho những kỹ năng của một triều thần, nhưng trong lòng chàng thanh niên rất xem thường những kiến thức ấy. Chàng ta chỉ tin vào triết học thuần túy, vào chữ nghĩa mộc mạc, vào việc nói toạc ra sự thật. Callisthenes lý luận rằng nếu quả thật Alexander thích lắng nghe đến như vậy thì ông ta hẳn sẽ không phật ý khi có người nói thẳng. Trong một chiến dịch của Alexander, Callisthenes đã nói thẳng quá nhiều lần khiến Alexander phải kết liễu đời anh ta.

    Diễn giải

    Nơi triều chính, sự thẳng thắn là trò thiếu suy nghĩ. Đừng chủ quan đến mức cho rằng chúa sẽ thích nghe những lời gián nghị trung kiên, cho dù những lời khuyên ấy có đúng đắn cách mấy.

    Hoạt cảnh 2

    Cách nay khoảng hai ngàn năm vào đầu triều đại nhà Hán, các học giả Trung Quốc biên tập quyển Bộ Sử ký. Đó là quyển sách chính thức ghi lại từng triều đại trước đó, bao gồm nhiều chuyện kể, thống kê, điều tra dân số và biên niên chiến trận. Mỗi sử ký như thế có phần gọi là “Những sự kiện bất thường”, trong đó, giữa danh sách các trận động đất và lũ lụt, đôi khi còn có mô tả những hiện tượng lạ như cừu hai đầu, ngỗng bay ngược, những vì tinh tú đột nhiên xuất hiện trên bầu trời, vân vân. Những trận động đất có thể được kiểm tra về mặt lịch sử, nhưng những loài quỷ quái và hiện tượng lạ kỳ có lẽ được cố tình thêm vào, và chuyên xảy ra trong cùng một thời điểm nhất định. Việc này ý nghĩa ra sao?

    Hoàng đế Trung Quốc được xem là thiên tử, một sức mạnh của thiên nhiên. Đế quốc của ông ta là trung tâm của vũ trụ, và mọi thứ đều xoay quanh ông. Ông tượng trưng cho sự hoàn hảo của thế giới. Bình phẩm ông ta tức là xúc phạm đến trật tự của trời đất. Không vị quan nào dám bình phẩm hoàng đế, dù chỉ bằng một lời nhẹ nhàng nhất. Nhưng trên thực tế hoàng đế vẫn là con người với những nhược điểm riêng và đất nước vẫn suy vong vì những lỗi lầm của họ. Vì vậy người biên tập sử ký cố tình chen vào những hiện tượng lạ vào biên niên triều chính để cảnh giác những vị vua. Hoàng đế sẽ được thông tin về việc ngỗng bay ngược hoặc nhật nguyệt quá độ để tự cảnh tỉnh rằng hành động của mình làm cho vũ trụ mất quân bình, do đó phải liệu mà thay đổi.

    Diễn giải

    Với những quần thần Trung Quốc, việc khuyên răn vua là vấn đề rất quan trọng. Qua năm tháng, hàng ngàn chức sắc đã chết khi cố gắng can gián hoặc khuyên răn vua. Muốn được an toàn, họ phải tính sao để những lời lẽ đến tai vua một cách gián tiếp – nhưng nếu quá gián tiếp thì sẽ không được vua để ý đến. Vì vậy họ chế ra quyển biên niên: Không đề rõ ai là người lên tiếng cảnh báo, nhưng lại làm cho vua hiểu được tình hình hệ trọng như thế nào.

    Tuy kẻ bề trên của bạn hiện nay không phải là cái rốn của vũ trụ, nhưng ông ta vẫn cho rằng mọi việc quay quanh mình. Nếu bạn bình phẩm, ông ta chỉ thấy người bình phẩm chứ không thấy bản thân người bình phẩm. Giống như các triều thần Trung Quốc, bạn phải tìm cách ẩn mặt phía sau lời bình phẩm. Hãy dùng biểu tượng, cũng như các phương pháp gián tiếp khác để mô tả vấn đề, chứ đừng ló đầu ra chịu báng.

    Hoạt cảnh 3

    Vào thời kỳ đầu sự nghiệp, kiến trúc sư người Pháp Jules Mansart nhận đơn đặt phác họa thêm vài công trình nhỏ trong cung Versailles của vua Louis XIV. Với mỗi bản thiết kế, ông đều phác theo ý thích của vua, sau đó trình vua xem.

    Triều thần Saint-Simon mô tả kỹ thuật tiếp cận vua của Mansart: “Tài năng đặc biệt của ông ta chính là trình vua xem những bản vẽ có chứa điều gì đó chưa được hoàn hảo, thường là dính dáng đến việc thiết kế vườn ngự uyển, vốn là thế mạnh của ông ta. Như Mansart đã dự đoán, thế nào vua cũng chỉ ngay vào chỗ khiếm khuyết và đề nghị cách tu sửa. Mansart lập tức suýt xoa cho tất cả mọi người có thể nghe thấy rằng bản thân mình không thể nào phát hiện ra được vấn đề mà đức vua đã anh minh chỉ rõ. Ông ta sẽ trào dâng khen ngợi, thú nhận rằng so với đức vua thì mình chỉ đáng làm đứa học trò thấp kém”. Đến năm chỉ mới ba mươi tuổi, nhờ thỉnh thoảng sử dụng phương thức vừa kể, Mansart nhận được đơn đặt hàng của cả đời người: Mặc dù tài năng và kinh nghiệm kém hơn nhiều đồng nghiệp, ông ta được vua ban trách nhiệm mở rộng cung Versailles. Từ đó về sau Mansart chính thức trở thành kiến trúc sư riêng của Louis.

    Diễn giải

    Từ thời niên thiếu, Mansart từng chứng kiến nhiều nghệ thuật nhân hoàng gia đã phải mất đi vị trí ưu tiên của mình, không vì tài năng yếu kém mà do lầm lỗi ứng xử. Tự nguyện sẽ không bước vào vết xe đổ ấy, Mansart luôn làm cho vua tự tin hơn, làm cho vua ngạo nghễ hơn càng công khai càng tốt.

    Bạn đừng bao giờ cho rằng tài năng là chủ yếu. Ở triều đình, nghệ thuật ứng xử của một triều thần còn quan trọng hơn kỹ năng. Và kỹ năng lớn nhất chính là làm cho kẻ bề trên cảm thấy mình còn tài hơn những người chung quanh.

    >

    Hoạt cảnh 4

    Jean-Baptiste Isabey trở thành họa sĩ chưa chính thức của triều đình Napoléon. Trong hội nghị Vienna năm 1814, sau khi Napoléon bại trận và bị lưu đày trên đảo Elba, các thành viên hội nghị mời Isabey vẽ lại sự kiện lịch sử này bằng một bức họa sử thi.

    Khi Isabey tới Vienna, thương thuyết gia chủ chốt phe Pháp là Talleyrand đến viếng họa sĩ. Cho rằng mình đóng vai trò quan trọng trong cuộc thương thảo nên Talleyrand đề nghị họa sĩ vẽ mình ở vị trí trung tâm. Isabey vui vẻ nhận lời. Vài ngày sau thương thuyết gia chủ chốt phe Anh là Công tước Wellington cũng đến gặp họa sĩ với đề nghị tương tự. Isabey rất lễ phép nhất trí rằng tất nhiên công tước phải ở vị trí trung tâm.

    Trở về studio, họa sĩ xem xét tình thế khó xử này. Nếu ưu tiên cho một trong hai người, sẽ xảy ra bất hòa về mặt ngoại giao, dấy lên đủ loại đố kỵ ngay vào thời điểm hết sức cần có hòa bình và hòa hợp. Tuy nhiên đến lúc hạ tấm vải che bức tranh, cả Talleyrand và Wellington đều hài lòng. Tranh vẽ một đại sảnh rất đông các chức sắc ngoại giao và chính khách khắp châu Âu. Ở một phía bức tranh, Isabey vẽ Công tước Wellington đang bước vào phòng và mọi cặp mắt đều hướng về ông, như vậy ông đã trở thành “trung tâm” của mọi chú ý. Còn ngay chính giữa bức tranh, Isabey vẽ Talleyrand chễm chệ ngồi.

    Diễn giải

    Thường để cho một chủ hài lòng đã khó rồi, giờ phải làm đẹp dạ hai chúa thì triều thần đó phải là thiên tài. Đời triều thần lắm cảnh khó xử như vậy: Làm hài lòng ông này thì ông kia phật ý. Bạn phải khéo léo tìm ra cách tránh được vỏ dưa mà né cả vỏ dừa.

    Hoạt cảnh 5

    George Brummell, còn được gọi là Beau Brummel, từng nổi trội vào cuối thập niên 1700 nhờ dáng vẻ bề ngoài hào hoa phong nhã, nhờ cách thắt dây giày được đông đảo mọi người bắt chước, nhờ lối ăn nói lắm duyên. Ngôi nhà anh ta ở London được xem là trung tâm thời trang và Brummell là thẩm quyền về tất cả những gì liên quan đến lĩnh vực ấy. Nếu anh ta không thích loại giày của bạn thì lập tức bạn quăng chúng đi và mua ngay thứ anh ta đang mang. Brummell đã hoành chỉnh nghệ thuật thắt cà-vạt. Người ta đồn là Lord Byron từng thức nhiều đêm trước tấm gương để cố lần cho ra bí mật thắt cà-vạt của Brummell.

    Một trong những người hâm mộ Brummell là Hoàng tử xứ Wales, vốn tự cho là người am tường thời trang. Được gia nhập triều đình hoàng tử (và hưởng trợ cấp hoàng gia), chẳng bao lâu sau Brummell tự tin về thẩm quyền thời trang của mình đến mức pha trò về trọng lượng cơ thể của hoàng tử, gọi sư phụ mình là Big Ben. Vì sự thanh mảnh gọn nhẹ chính là đặc điểm quan trọng của một công tử bảnh bao, nên lời nói đùa của Brummell trở thành sự xúc phạm. Lần kia trong bữa ăn tối khi khâu phục vụ có vẻ chậm, anh ta bảo hoàng tử “Đổ chuông đi Big Ben!” Hoàng tử đổ chuông thật, nhưng là để gọi người hầu mời Brummell ra cửa và từ đó không bao giờ cho anh ta trở lại nữa.

    Mặc dù không còn được hoàng tử sủng ái, Brummell vẫn tiếp tục đối xử rất ngạo mạn với người khác. Không còn tiền trợ cấp của hoàng gia, anh ta bị nợ ngập đầu song vẫn láo xược nên mọi người dần xa lánh. Cuối cùng Brummell qua đời trong cảnh cùng cực nhất, cô đơn và mất trí.

    >

    Diễn giải

    Chính tài năng tuyệt luân của Brummell đã khiến hoàng tử từ hâm mộ anh ta và từ đó đưa anh ta vào triều. Nhưng ngay cả một người như Brummell, được xem là thẩm quyền về thời trang và khẩu vị, cũng không cưỡng lại được việc nói đùa về vẻ bề ngoài của hoàng tử, mà nguy hiểm hơn hết là lúc có mặt chủ nhân ở đó. Đừng bao giờ pha trò về vẻ mập mạp của người khác, ngay cả pha trò một cách gián tiếp – đặc biệt càng không nên khi kẻ đó là sư phụ bạn. Những ngôi nhà tế bần của lịch sử đầy rẫy loại người từng pha trò như thế đối với chủ nhân mình.

    Hoạt cảnh 6

    Giáo hoàng Urban VIII muốn được lưu danh về tài làm thơ, nhưng tiếc thay bài thơ hay nhất của ông cũng thuộc loại xoàng. Năm 1629, Công tước Francesco d’Este biết được tham vọng thi ca của giáo hoàng nên phái nhà thơ Fulvio Testi làm sứ giả đến Vatican. Một trong những bức thư của Testi gửi công tước cho biết lý do vì sao ông không được chọn: “Khi cuộc đàm luận chấm dứt, tôi khuỵu gối xuống chào kiếu từ nhưng giáo hoàng ra dấu và bước sang một phòng khác, nơi ngài ngủ và sau khi đến bên chiếc bàn nhỏ, ngài cầm một mớ giấy và mỉm cười quay sang tôi nói ‘Chúng tôi muốn ngài nghe một vài soạn phẩm của chúng tôi’. Liền đó giáo hoàng đọc cho tôi nghe hai bài thơ kiểu Pindar, một bài ngợi ca đức Mẹ đồng trinh, vài bài kia về nữ công tước Matilde.”

    Ta không biết biết chính xác Testi nghĩ gì về những bài thơ dằng dặc ấy, bởi vì sẽ rất nguy hiểm nếu ông ta nói ra ý kiến mình, ngay cả trong một bức thư. Song trong thư có đoạn tiếp theo như sau: “Tôi nương theo tâm trạng ngài và bình phẩm từng dòng với độ ngợi khen cần thiết, và sau khi hôn chân ngài vì được hưởng đặc ân đó [được nghe đọc thơ], tôi xin phép cáo lui”. Vài tuần sau, khi đến thăm giáo hoàng, công tước đã xoay xở khéo léo, học thuộc lòng bài thơ của giáo hoàng và ngợi khen nức nở khiến giáo hoàng “vui đến mức gần như mất trí”.

    Diễn giải

    Ở lĩnh vực sở thích, bạn có xum xoe với chủ nhân bao nhiêu cũng không đủ. Sở thích là một trong những điều nhạy cảm nhất của cái tôi. Sở thích là một trong những điều nhạy cảm nhất của cái tôi. Đừng bao giờ chỉ trích hoặc cật vấn về sở thích hoặc khẩu vị của chủ nhân – bài thơ của chủ nhân luôn tuyệt vời, y trang luôn hoàn chỉnh, và cung cách luôn là khuôn mẫu cho mọi người.

    Hoạt cảnh 7

    Ở Trung Quốc xưa kia, Chiêu, vua nước Hàn từ năm 358 đến 333 TCN nhậu say và ngủ quên trong ngự uyển. Viên quan chuyên trách giữ gìn vương miện lúc ấy đi ngang qua và thấy vua ngủ vùi không đắp chăn. Vì trời trở lạnh nên quan viên bèn lấy áo khoác của mình đắp đỡ cho vua.

    Khi tỉnh dậy trông thấy tấm áo, Chiêu hỏi của ai. Cận thần đáp của quan trông nom vương miện. Vua liền cho đòi quan trông nom áo khoác đến và phạt vì tội chểnh mảng. Vua cũng cho gọi quan trông nom vương miện đến và ra lệnh chém đầu.

    Diễn giải

    Đừng bao giờ vượt quá giới hạn của mình. Chỉ làm những việc được giao, làm cho thật tốt, và đừng làm gì khác. Nghĩ rằng làm hơn thế sẽ tốt hơn, quả là bạn sai lầm lớn. Đừng ra vẻ cố sức làm, vì như vậy trông như bạn đang cố gắng che đậy điểm kém cỏi nào đó. Làm một việc mà bạn không được giao sẽ khiến mọi người đánh dấu hỏi. Nếu là quan giữ vương miện, bạn hãy trông nom vương miện. Hãy tiết kiệm sinh lực cho những lúc không ở trong triều.

    Hoạt cảnh 8

    Ngày kia để giải trí, họa sĩ Fra Filippo Lippi (1406-1469) cùng bạn bè dùng thuyền buồm nhỏ ra ngoài khơi Ancona. Họ bị hai thuyền người Moor chặn bắt, tất cả đều bị trói gô lại đưa tới Barbary bán làm nô lệ. Suốt 18 tháng dài Filippo không còn hy vọng gì trở về Italia.

    Nhiều lần Filippo trông thấy người mua đi ngang qua, và một ngày kia họa sĩ quyết định phác lại chân dung ông ta bằng than củi đống lửa. Dù chân vẫn bị xiềng, Filippo tìm được bức tường trắng và vẽ chủ nhân bằng kích cỡ người thật, mặc y phục người Moor. Chẳng bao lâu sau chủ nhân nghe được, vì trọn vùng này không ai có biệt tài này cả, do đó họa sĩ có vẻ như là của trời cho. Chủ nhân hài lòng đến mức trả tự do cho Filippo và đưa ông ta vào triều. Tất cả các danh gia vọng tộc vùng duyên hải Barbary đều đến chiêm ngưỡng các bức chân dung do bàn tay tài hoa của Filippo thực hiện, và cuối cùng để tưởng thưởng công lao họa sĩ đã làm vinh danh mình, vị chủ nhân đã cho người đưa Filippo về Italia an toàn.

    Diễn giải

    Chúng ta đang vất vả làm việc cho người khác, và trong chiều hướng nào đó, cũng giống như bị cướp biển bắt đi bán làm nô lệ. Nhưng cũng giống như Fra Filippo (có thể ở cấp độ thấp hơn) phần lớn chúng ta đều có một tài mọn, một khả năng làm điều gì đó giỏi hơn người khác. Hãy mang tài mọn đó ra phục vụ chủ nhân và bạn sẽ vượt lên trên những triều thần khác. Nếu cần, hãy để cho chủ nhân hưởng hết tiếng thơm, vì đó chỉ là tạm thời: Bạn hãy dùng chủ nhân làm bàn đạp, một phương cách triển khai tài năng của mình, để cuối cùng lấy lại được tự do, thoát kiếp nô lệ.

    Hoạt cảnh 9

    Người hầu cận của vua Alfonso I vùng Aragon kể vua nghe rằng đêm trước anh ta nằm mơ thấy vua ban cho vũ khí, ngựa chiến, và y phục. Vốn là người rộng lượng, Alfonso nghĩ rằng rất thú vị nếu biến giấc mơ kia thành hiện thực nên liền truyền lệnh ban cho người hầu đúng những thứ anh ta thấy trong giấc mơ.

    Lấn sau anh ta lại báo Alfonso biết mình nằm mơ thấy được vua ban thưởng rất nhiều đồng tiền vàng. Lần này Alfonso mỉm cười và bảo “Từ nay về sau khanh đừng tin vào những giấc mơ, vì chúng nói láo đấy.”

    Diễn giải

    Khi xử lý giấc mơ đầu tiên của người hầu, Alfonso nắm quyền kiểm soát. Biến giấc mơ ấy thành hiện thực, Alfonso xem mình có quyền lực như trời, theo nghĩa nhẹ nhàng và dí dỏm. Tuy nhiên đến giấc mơ thứ nhì, mọi nét thần tiên đều biến mất, mà tất cả chỉ còn là một trò lừa đảo xấu xa. Vì vậy bạn đừng bao giờ đòi hỏi thái quá và biết khi nào dừng lại. Đặc quyền của chủ nhân là ban tặng – ban tặng cái gì và lúc nào là tùy ông ta, và đừng ai thúc giục gợi ý. Đừng tạo cho chủ nhân cơ hội chối từ lời thỉnh cầu của bạn. Tốt hơn là bạn đạt được các ân huệ vì chủ nhân nhận thấy bạn xứng đáng được hưởng, và lúc ấy bạn không cần xin cũng có.

    Hoạt cảnh 10

    Họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh J.M.W Turner (1755-1851) người Anh lừng danh vì tài dùng màu. Qua tay ông màu sắc trở nên rực rỡ và có độ phát sáng lạ lùng. Những màu sắc ấy sống động đến mức những họa sĩ khác không muốn treo tác phẩm của mình cạnh các bức họa của Turner.

    Họa sĩ Sir Thomas Lawrence có lần bị xui xẻo khi kiệt tác của Cologne của Turner nằm chình ình giữa hai bức của ông. Lawrence than phiền với chủ gallery, nhưng ông này lý luận rằng trước sau gì thì cũng phải có tranh của ai đó treo gần tranh của Turner. Nhưng khi nghe được chuyện này, trước khi khai trương cuộc triển lãm, Turner tự ý làm giảm bớt độ sáng màu vàng kim của bầu trời trong bức Cologne, để cho độ màu xỉn xuống bằng màu tranh của Lawrence. Một người bạn của Turner thấy vậy bèn tiến đến với cặp mắt trợn trừng vì kinh hãi: “Anh đã làm gì với bức họa?!” “Ờ thì, chàng Lawrence kia có vẻ đau khổ quá,” Turner đáp, “nhưng không sao đâu, chỉ là muội đèn thôi, sau triển lãm tôi rửa sạch ngay ấy mà.”

    Diễn giải

    Những âu lo của một triều thần phần lớn liên quan đến việc ứng xử với chủ nhân, vì hầu hết mọi nguy hiểm đều từ đó mà ra. Nhưng bạn đừng vội cho rằng chỉ có chủ nhân mới quyết định số phận bạn. Những đồng liêu và cấp dưới cũng có phần quyết định trong đó. Triều đình là một cái hầm lò vĩ đại với đủ thứ hỉ nộ ái ố. Bạn phải xoa dịu người nào mà bạn cho rằng mai kia sẽ có cơ hội hại mình, bằng cách làm lệch hướng lòng oán giận và ganh tỵ của họ sang kẻ khác.

    Là một “triều thần” tài ba, Turner biết rằng thanh danh và sự nghiệp của mình tùy thuộc vào các đồng nghiệp họa sĩ, cũng như vào giới buôn tranh và mạnh thường quân. Biết bao tài năng vĩ đại đã phải ngã đổ vì sự ghen ghét của đồng nghiệp! Chẳng thà tạm thời giảm bớt sự sáng chói của mình còn hơn là chịu búa rìu đố kỵ.

    Hoạt cảnh 11

    Winston Churchill là một họa sĩ không chuyên, và sau Thế chiến thứ hai, các nhà sưu tập tìm mua tranh của ông. Là chủ nhà xuất bản, cha đẻ của các tạp chí Time và Life, Henry Luce sở hữu một bức như thế và treo tại văn phòng ở New York.

    Có lần đi vòng quanh nước Mỹ, Churchill đến viếng Luce tại văn phòng và cả hai cùng ngắm bức tranh. Luce nhận xét: “Đây là bức tranh đẹp, nhưng tôi cho là nó cần có thêm gì đó ở tiền cảnh – có thể là một con cừu”. Luce rất sửng sốt khi thư ký riêng của Churchill điện cho ông ngay ngày hôm sau, và đề nghị ông gửi bức tranh sang Anh Quốc. Luce làm theo, nhưng hết sức áy náy vì biết đâu mình đã xúc phạm vị cựu thủ tướng. Tuy nhiên ít lâu sau Luce được nhận lại bức tranh, với một chút thay đổi: có một con cừu đang gặm cỏ yên lành ở tiền cảnh.

    Diễn giải

    Về tầm cỡ và thanh danh thì Churchill vượt xa Luce, nhưng Luce cũng là người quyền thế, vậy chúng ta hãy tưởng tượng hai người tầm tầm nhau. Nhưng ngay cả như vậy, hẳn Churchill cũng không có gì phải kiêng dè từ một nhà xuất bản người Mỹ. Vậy tại sao vị cựu thủ tướng lại chiều theo ý của một tay chơi nghệ thuật?

    Triều đình – trong trường hợp này là tập thể các nhà ngoại giao và chính khách, và kể cả các nhà báo luôn đeo bám họ - là nơi chốn phụ thuộc lẫn nhau. Sẽ là dại dột nếu đụng chạm đến cái “gu” của những người quyền thế, ngay cả khi họ thấp hơn hoặc bằng bạn. Một người như Churchill mà có thể nuốt trôi sự chỉ trích của một người như Luce, thì quả Churchill là một triều thần ngoại hạng. (Việc ông ta chịu sửa lại bức tranh cũng có thể hàm chứ tí ti trịch thượng, song ông đã làm thật tinh tế khiến Luce không nhận ra chút khinh thị nào). Hãy bắt chước Churchill: Luôn sốt sắng mỗi khi có thể, ngay cả nếu bạn không phục vụ cho bề trên nào, vì như thế rất lợi ích cho bạn.

    LỜI CẢNH BÁO VỀ KIẾP BỀ TÔI

    Talleyrand là một triều thần hoàn hảo, đặc biệt trong giai đoạn phục vụ ông chủ là Napoléon. Khi hai người mới biết nhau, nhân tiện trong câu chuyện Napoléon: “Tôi sẽ đến ăn trưa ở nhà ông vào một ngày đó”. Talleyrand có ngôi nhà ở Auteuil, vùng ngoại ô Paris. “Tôi rất hân hạnh, thưa tướng quân,” ông đáp, “và vì nhà tôi gần Bois de Boulogne, vào đầu giờ chiều ngài đi bắn súng để giải trí”.

    “Tôi không thích bắn súng,” Napoléon đáp, “nhưng tôi thích đi săn. Trong Bois de Boulogne có gấu không?” Napoléon xuất thân từ đảo Corsica, nơi bộ môn săn gấu được hâm mộ. Khi hỏi ở một công viên Paris mà có gấu không, ông ta chứng tỏ mình là kẻ quê mùa, thậm chí là người thô kệch. Tuy nín cười được, nhưng Talleyrand lại không cưỡng nỗi cái ý chơi khăm một vố. Tuy là quan thầy của Talleyrand về mặt chính trị, nhưng về huyết thống và dòng dõi quý tộc thì Napoléon không bằng Talleyrand. Ông ta cúi mình đáp: “Thưa tướng quân, có rất ít, nhưng tôi dám chắc là ngài sẽ xoay xở tìm thấy một con”.

    Hai người hẹn nhau là sáng hôm sau Napoléon sẽ đến Auteuil, và cuộc săn gấu sẽ bắt đầu vào đầu giờ chiều. Trong khi chờ đợi, Talleyrand bí mật sai người ra chợ mua hai con heo mọi thật to.

    Ăn uống no say và nghỉ ngơi xong, Napoléon bắt đầu cuộc đi săn. Nhận được hiệu lệnh, gia nhân của Talleyrand thả một con heo ra. “Ta thấy một con gấu!” Napoléon reo vui và lập tức phi ngựa đuổi theo. Phải mất nửa giờ sau nhóm đi săn mới bắt được “con gấu”. Tuy nhiên vào lúc sắp reo mừng, Napoléon thấy một sĩ quan phụ tá tiến đến bảo rằng đó chỉ là con heo.

    Nổi trận lôi đình, Napoléon tức thì phi ngựa trực chỉ ngôi nhà của Talleyrand. Dọc đường, ông ta hiểu ra rằng mình vừa bị chơi khăm, và nếu tức thì làm rùm beng thì mình chỉ thêm phần thô bỉ. Vì vậy Napoléon cố ra vẻ bình thản nhưng không đạt lắm.

    Talleyrand đề nghị Napoléon khoan vội bực mình trở về Paris, mà hãy nán lại săn thỏ, vì săn thỏ là trỏ giải trí ưa chuộng nhất của vua Louis XVI. Ông ta thậm chí còn dâng một bộ súng săn từng là sở hữu của Louis. Bằng những lời bợ đỡ và mơn trớn khéo léo, Talleyrand làm Napoléon nguôi giận và bằng lòng đi săn thỏ.

    Đến xế chiều cả nhóm mới khởi hành. Dọc đường. Napoléon nói với Talleyrand “Ta không phải là Louis XVI, chắc chắn là ta sẽ không bắn được con thỏ nào.” Nhưng thật lạ là trong khoảng xế chiều hôm đó công viên đầy dẫy những thỏ là thỏ. Napoléon bắn được ít nhất năm mươi con, và tâm trạng ông chuyển từ giận dữ sang hài lòng. Tuy nhiên đến cuối buổi đi săn, cũng tay sĩ quan phụ tá kia đến thì thầm với Napoléon: “Thưa ngài, nói cho thật lòng, tôi bắt đầu ngờ rằng chúng không phải là thỏ rừng. Tôi e là tên Talleyrand bất lương kia lại chơi mình thêm một vố nữa”. Người cận vệ này có lý, bởi vì trước đó Talleyrand đã sai gia nhân ra chợ mua mấy chục con thỏ nhà thả vào Bois de Boulogne.

    Napoléon lập tức phi ngựa một nước về Paris. Sau đó ông ta đe dọa và dặn Talleyrand chớ cho ai biết hai cú chơi khăm đó, nếu không Talleyrand sẽ biết thế nào là lễ độ.

    Phải nhiều tháng sau Talleyrand mới lấy lại được niềm tin nơi Napoléon, và sau này hoàng đế không bao giờ quên việc mình bị bẽ mặt.

    Diễn giải

    Triều thần giống như nhà ảo thuật: Họ đánh lừa bằng vẻ bên ngoài, chỉ để cho thấy những gì mà họ muốn những người chung quanh thấy. Và điều chủ yếu là không được để họ phát hiện cú lừa của mình.

    Thông thường, Talleyrand được xem là đấng bề tôi đệ nhất, và lẽ ra ông đã cùng lúc đạt được hai đích (vừa làm hài lòng Napoléon, vừa chơi xỏ ông ta) nếu không có sự can thiệp của tay sĩ quan phụ tá. Nhưng việc làm triều thần, làm bề tôi là một nghệ thuật tinh vi, nếu không phát hiện ra bẫy rập và vô tình lầm lỗi, bạn sẽ triệt tiêu những ngón đòn lợi hại nhất của mình. Đừng để xảy ra trường hợp rủi ro bị lật tẩy, nếu không dưới mắt mọi người, từ vị thế một triều thần phong lưu bạn sẽ chỉ còn là một kẻ lừa đảo khả ố. Đóng vai triều thần hoặc bề tôi là một cuộc chơi rất tế nhị, hãy cố gắng hết mình để ngụy trang dấu vết và đừng bao giờ để cho sư phụ lột mặt nạ bạn.
     
  7. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 25: Luôn Tái Tạo Mình

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đừng chấp nhận vai trò mà xã hội đã đặt để cho ta. Hãy tái tạo mình bằng cách dựng lên một đặc tính nhân dạng mới có khả năng thu hút chú ý và không bao giờ làm người ta chán. Hãy làm chủ hình ảnh của mình thay vì để người khác làm chủ. Hãy lồng nhiều mảng miếng sâu sắc vào những hành động và động tác nơi công cộng – quyền lực của ta sẽ được tăng cường, và tính cách của ta sẽ trông vĩ đại hơn đời thường.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Julius Caesar để lại dấu ấn quan trọng đầu tiên trong xã hội La Mã vào năm 65 TCN, khi ông nhận chức aedile, chuyên trách việc cấp phát ngũ cốc và tổ chức những cuộc vui chơi giải trí. Caesar bắt đầu xuất hiện trước mắt công chúng bằng cách tổ chức một loạt những cuộc biểu diễn được chăm sóc rất chu đáo – săn thú rừng, giác đấu, thi tài sân khấu. Đã nhiều lần ông tự móc tiền túi cho những cuộc vui như thế. Người dân thường lập tức đồng hóa Caesar với những cuộc vui ấy. Ông đã tạo ra hình ảnh của một bầu sô vĩ đại cho bản thân mình.

    Năm 49 TCN, La Mã đang trên bờ nội chiến giữa hai vị chỉ huy kình địch nhau là Caesar và Pompey. Trong giai đoạn căng thẳng lên đến đỉnh cao, một đêm kia khi đi xem kịch về không biết lơ đãng thế nào mà Caesar bị lạc trong đêm tối và mò mẫm về đến doanh trại bên bờ sông Rubicon. Rubicon là dòng sông biên giới giữa Italia và nước Gaul, nơi Caesar đang đóng đại quân. Nếu đưa quân vượt sông này trở về Italia thì có nghĩa là Caesar đã tuyên chiến với Pompey.

    Trước mặt bộ tổng tham mưu, Caesar đưa ra mọi lý lẽ, trình bày tựa như một diễn viên trên sân khấu, như một tiền thân của Hamlet. Cuối cùng để kết thúc màn độc thoại, ông ta chỉ tay về phía bờ sông – nơi một chiến binh cao to đang thổi dứt hồi còi rồi rảo bước trên chiếc cầu bắc qua sông Rubicon – và kết luận: “Hãy xem hình ảnh này như là dấu hiệu của thần linh vẫy tay réo gọi chúng ta, tiến quân đánh trả kẻ thù lòng dạ hai mang. Số phận đã an bài”.

    Tất cả những điều này, Caesar đều trình bày thật khéo, ngoạn mục và đậm màu sân khấu, khoa tay hùng tráng chỉ về hướng dòng sông và nhìn thẳng vào mắt các vị tướng lĩnh. Ông ta biết rằng họ không thật nhiệt tâm, nhưng tài hùng biện của ông đã phủ chụp lên họ một màn sương bi tráng của khoảnh khắc, và sự nhạy bén khi cờ đã đến tay. Nếu ai đó phát biểu một cách nôm na bình thường hơn hẳn đã không đạt hiệu quả tương tự. Tất cả các vị tướng nhất trí ủng hộ nghĩa lớn của Caesar. Ông đã cùng họ vượt qua dòng Rubicon, và từ đó đánh bại Pompey, đưa ông lên vị trí độc tài La Mã.

    Trong chiến sự, Caesar luôn đóng vai lãnh tụ với tất cả bầu nhiệt huyết. Cầm gươm cưỡi ngựa không thua bất kỳ binh sĩ hoặc tướng lĩnh nào, nhiều khi ông còn chứng tỏ mình gan dạ và chịu đựng giỏi hơn họ. Trên lưng tuấn mã, miệng động viên binh sĩ xung phong, ông luôn xông pha vào giữa trận mạc, nơi cuộc chiến đang cao trào nhất, tựa một biểu tượng thần thánh, làm gương cho tướng sĩ noi theo. Trong số tất cả các binh đoàn La Mã, binh đoàn của Caesar trung kiên nhất. Giống như những người dân thường khác từng tham dự các cuộc vui do ông tổ chức, tướng sĩ của Caesar cuối cùng đã đồng hóa mình với Caesar và với đại nghĩa của ông.

    Sau khi đại thắng Pompey, Caesar càng tổ chức giải trí đình đám gấp bội. Nhân dân thành La Mã chưa bao giờ chứng kiến những hội hè long trọng như vậy. Đua xe ngựa kéo khủng khiếp hơn, sa trường giác đấu đẫm máu hơn, sân khấu được tổ chức đến vùng sâu vùng xa của La Mã. Những đám đông từ khắp nơi đổ về xem những màn biểu diễn ấy, dọc đường dẫn về La Mã là hàng hàng lớp lớp những mái lều du khách. Vào năm 45 TCN, để cho việc nhập thành thêm phần long trọng bất ngờ, Caesar đưa Cleopatra từ Ai Cập về La Mã, kèm theo đó là nhiều màn trình diễn ngất trời.

    Những màn trình diễn đó còn mục đích khác hơn là giải trí đám đông. Chúng tăng cường nhận thức quần chúng về vai trò của Caesar làm chủ được hình ảnh công cộng của minh, một hình ảnh mà lúc nào ông cũng ý thức. Ông luôn xuất hiện trước công chúng trong cái áo khoác màu đỏ tía thật ấn tượng. Không ai có thể “ăn” sân khấu bằng ông. Ông nổi tiếng về việc chăm sóc dáng vẻ bên ngoài - người ta đồn sở dĩ nhân dân và viện nguyên lão trọng thị ông là vì mỗi lần ông xuất hiện trước họ, ông đều đội vòng nguyệt quế, chẳng qua là để cho bớt chỗ hói trên đầu.

    Ngoài ra Caesar còn là một nhà hùng biện tuyệt vời, biết dùng ít lời để nói thật nhiều điều, và trực giác bén nhạy cho biết lúc nào nên dừng bài nói để đạt hiệu quả tối đa. Ông luôn đưa vào một bất ngờ gì đó mỗi khi xuất hiện trước công chúng, chẳng hạn như một tuyên bố gây ngạc nhiên để tăng cường tính kịch.

    Được nhân dân yêu mến nhưng kẻ thù thì vừa ghét vừa sợ, Caesar bị ám sát vào ngày 15 tháng 3 năm 44 TCN. Sau khi bị đứa con nuôi Brutus đâm, ông vẫn giữ ý thức về sự bi tráng. Caesar cố gắng kéo áo choàng phủ cả người để ngay cả chết ông vẫn giữ vẻ lịch sự và tề chỉnh. Theo sử gia La Mã Suetonius, khi đang hấp hối và Brutus sắp đâm thêm nhát nữa, Caesar nói những lời sau cùng bằng tiếng Hy Lạp, như thể là những lời tập tuồng dành cho phút cuối: “Ngay cả người nữa sao, con của ta?”

    Diễn giải

    Sân khấu La Mã là một sự kiện quần chúng, với những đám đông khổng lồ tham dự mà ngày nay chúng ta không hình dung nổi. Dân chúng chen chúc nhau trong những hội trường mênh mông để xem đủ loại bi hài kịch. Sân khấu có vẻ như chứa đựng chất cốt yếu của cuộc sống ở dạng cô đọng và bi kịch. Tựa như một nghi lễ tôn giáo, sân khấu có sức mời gọi mạnh mẽ và tức thì đối với hạng phàm nhân trong xã hội.

    Julius Caesar có lẽ là gương mặt của công chúng đầu tiên thấy được mối liên kết sinh tử giữa quyền lực và sân khấu. Đó một phần cũng là vì ông quá mê kịch nghệ. Ông thăng hoa sự đam mê này bằng việc tự biến mình thành diễn viên và đạo diễn trên trường quốc tế. Những lời ông nói ra nghe giống như từ kịch bản, những động tác của ông giữa đám đông đều mang ý thức vai diễn. Caesar còn đưa sự bất ngờ vào tiết mục của mình, lồng tính bi tráng vào diễn văn, và dàn dựng những lần xuất hiện trước công chúng. Qua sự chuẩn bị như vậy, tính quần chúng của ông tăng lên mạnh mẽ.

    Caesar là hình ảnh lý tưởng của mọi lãnh tụ và người quyền lực. Bạn nên bắt chước ông để tăng cường hành động bằng các kỹ thuật sân khấu chẳng hạn như tính bất ngờ, sự hồi hộp, tạo ra sự đồng cảm và làm cho mọi người đồng hóa bạn với hình ảnh biểu trưng. Cũng như Caesar, bạn phải luôn ý thức về công chúng của mình, biết rõ những gì họ hài lòng và điều gì làm họ chán. Bạn phải xoay sở đặt mình vào tâm điểm chú ý, và đừng bao giờ để người khác “ăn” mất tính sân khấu của bạn.

    GEORGE SAND

    Năm 1831, một phụ nữ tên Aurore Dupin Dudevant bỏ nhà cửa chồng con ở tỉnh để lên kinh thành Paris. Bà ta muốn trở thành văn sĩ, và cảm thấy hôn nhân còn tệ hơn cả ngục tù, bởi vì bổn phận tề gia không bao giờ dành cho bà thời gian theo đuổi niềm đam mê. Tới Paris, bà dự định sẽ được độc lập hơn và sinh sống bằng ngòi bút.

    Tuy nhiên khi đến kinh đô rồi Dudevant mới chạm chán những sự thật chua cay. Bởi vì ở đó, muốn được bất kỳ cấp độ độc lập nào, bạn cũng phải có tiền. Đối với một phụ nữ, muốn có tiền thì phải làm vợ hoặc làm gái giang hồ. Hồi ấy chưa có phụ nữ nào có thể sinh sống bằng nghề viết lách. Phụ nữ có thể cầm bút vào những lúc rảnh rỗi, với điều kiện là có tài trợ của đức phu quân hoặc từ việc thừa hưởng gia tài. Lần đầu tiên khi trình bày tác phẩm cho chủ nhà xuất bản, ông ta bảo: “Thưa bà, bà nên thai nghén trẻ con, chứ đừng thai nghén văn chương”.

    Rõ ràng là Dudevant đã lên Paris để thử điều không thể. Tuy nhiên cuối cùng bà đã nghĩ ra một cách mà chưa phụ nữ nào dám làm – một chiến lược tái tạo hoàn toàn con người mình, tự tác một hình ảnh công chúng. Các nữ sĩ trước Dudevant đều buộc phải sắm một vai trò được dành sẵn, đó là cây bút hạng hai chủ yếu viết cho phụ nữ khác đọc. Về phần mình, Dudevant quyết định rằng nếu phải là con cờ, thì mình sẽ lật ngược thế cờ: Bà sẽ giữ vai đàn ông.

    Năm 1832 có nhà xuất bản chấp nhận quyển tiểu thuyết tầm cỡ đầu tiên của Dudevant, với tựa đề Indiana. Bà đã khéo chọn bút danh là George Sand, và tất cả Paris đều cho rằng văn sĩ tầm cỡ này là nam giới. Trước khi tạo ra nhân vật George Sand, Dudevant đã từng ăn mặc kiểu đàn ông, và cho rằng quần tây áo sơ-mi đàn ông thoải mái hơn y phục phụ nữ. Giờ khi trở thành hình ảnh của quần chúng, bà còn chơi đậm đà hơn nữa: áo khoác, nón xám, ủng to, cà-vạt dân chơi. Tác giả George Sand thậm chí còn hút cả xì-gà và phát biểu mạnh dạn như nam giới, không ngần ngại lớn tiếng khống chế một cuộc tranh luận bằng vài từ ngữ nặng ký.

    Nhà văn nửa nam nửa nữ lạ lùng ấy hấp dẫn được công chúng. Và không như những nữ sĩ khác, Sand được nhận vào tập thể những nghệ sĩ nam. Bà ăn nhậu hút hít với các đồng nghiệp nam, thậm chí còn dan díu ái tình với những người nổi tiếng nhất châu Âu như Musset, Liszt, Chopin. Chính bà ve vãn họ trước, và cũng chủ động bỏ rơi họ khi cần.

    Những người hiểu Sand sẽ hiểu rằng cái hình ảnh nam giới ấy đã bảo vệ bà chống lại những cặp mắt soi mói. Bước ra đường thì bà chơi xả láng, nhưng ở chốn riêng tư thì bà vẫn là mình. Bà còn ý thức rằng cái nhân vật “Geogre Sand” để lâu sẽ cũ và nhàm chán nên thỉnh thoảng bà đổi mới nó: thay vì luyến ái với những người nổi tiếng, bà bắt đầu đàm luận chính trị, dẫn đầu biểu tình, kích động sinh viên nổi loạn. Lâu sau khi bà qua đời, và khi hầu hết mọi người đều ngưng đọc tác phẩm của bà, nhân vật George Sand lớn hơn đời thường ấy vẫn tiếp tục mê hoặc và khơi nguồn cảm hứng ở nhiều người khác.

    Diễn giải

    Khi tiếp xúc với George Sand nơi công cộng, phần đông những người quen biết đều có cảm giác là mình đang đối diện với một nam nhi. Nhưng trong nhật ký và với những bạn bè thân thiết nhất, chẳng hạn như Gustave Flaubert, Sand luôn thú nhận rằng mình không muốn làm đàn ông chút nào, nhưng phải đóng một vai như thế cho đúng với nhu cầu của quần chúng. Điều bà thực sự cần thiết chính là cái quyền để khẳng định tính khí của mình. Sand không bằng lòng với những giới hạn mà xã hội áp đặt. Tuy nhiên bà biết nếu chỉ là chính mình thì sẽ không thể đạt được quyền lực, vì vậy bà tạo ra một nhân vật để có thể thay đổi tùy thích, một nhân vật có khả năng thu hút chú ý và giúp bà thực sự hiện diện.

    Bạn có thể hiểu như thế này: Thế giới này muốn gán cho bạn một vai trò và khi chấp nhận, xem như bạn đã bị kết án. Quyền lực của bạn sẽ bị giới hạn trong cái vai trò nhỏ bé mà bạn đã chọn hoặc bị gán cho. Nhưng nếu là diễn viên thì bạn sẽ được nhiều vai trò. Bạn hãy hưởng quyền lực muôn mặt ấy, và nếu trước mắt quyền lực đó vẫn còn ngoài tầm tay thì ít ra bạn vẫn có thể tạo một “lý lịch” mới, do chính bạn dựng lên, một nhân vật không phải hứng chịu những gì mà cái xã hội ganh tỵ và đố kỵ này gán cho. Được như vậy, bạn sẽ toàn quyền đối với nhân vật bạn đã tạo ra.

    Lý lịch mới ấy sẽ bảo vệ ta chính vì đó không thực sự là ta, mà chỉ là mớ nghi trang ta tùy lúc mặc vào và cởi ra, và nếu cần, ta tùy ý không để cái tôi mình trong đó. Lý lịch mới giúp ta nổi bật, tạo cho ta sự hiện diện mang tính sân khấu. Khán giả ngồi những hàng ghế sau cùng vẫn có thể nghe thấy ta, còn những ai ngồi hàng đầu sẽ trầm trồ vì sự táo bạo của ta.

    Há mọi người trong xã hội chẳng bảo kẻ kia là diễn viên xuất sắc đấy sao? Ý họ không ám chỉ điều anh ta cảm thấy, nhưng khen anh ta giỏi làm bộ, mặc dù anh ta chẳng cảm xúc gì.

    (Denis Diderot, 1713-1784)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Không nhất thiết ta phải là nhân vật mà có vẻ như luôn có mặt với ta từ khi ta chào đời. Ngoài những đặc điểm bẩm sinh, thì cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp đã góp phần định hướng tính cách ta. Việc làm sáng tạo của kẻ quyền lực là làm chủ được tiến trình định hướng đó, không cho phép người khác giới hạn và hình thành tính cách của riêng mình. Ta hãy tự tái tạo thành một tính cách quyền lực. Nhào nặn chính mình như thỏi đất sét nên là một trong những công việc vĩ đại và thích thú nhất của đời người. Công việc này làm ta trở thành nghệ sĩ – nghệ sĩ tạo ra chính mình.

    Ý tưởng tự tạo đến từ thế giới nghệ thuật. Từ nhiều ngàn năm nay, chỉ có vua chúa và những triều thần cao cấp nhất mới có điều kiện định dạng hình ảnh công cộng và xác định đặc tính của mình. Tương tự như vậy, chỉ có bậc đế vương và lãnh chúa hùng mạnh nhất mới có thể ngắm hình ảnh của chính mình qua nghệ thuật và chủ động thay đổi hình ảnh ấy. Phần còn lại của nhân loại phải chịu vai trò bị giới hạn mà xã hội gán cho họ, cái vai trò mà họ ít khi tự ý thức.

    Sự chuyển đổi vị trí như thế có thể thấy trong bức Las Meninas do Velázquez thực hiện vào năm 1656. Trong tranh, họa sĩ xuất hiện ở bên trái, đứng trước một khách hàng mà ông đang vẽ, nhưng chúng ta chỉ thấy được phần sau lưng của tranh nên không biết ông vẽ gì. Đứng cạnh ông là một công chúa, những người hầu, một trong vài anh lùn của buổi chầu, tất cả mọi người đều đang nhìn họa sĩ làm việc. Chúng ta không trực tiếp thấy những người làm mẫu cho họa sĩ, nhưng lại thấy họ lờ mờ qua phản chiếu từ tấm gương trên tường – đó là vua và hoàng hậu Tây Ban Nha, ngồi đâu đó ở tiền cảnh, xem như lọt ra ngoài bức tranh.

    Bức tranh này cho thấy một thay đổi lớn lao về mặt động lực học của quyền lực và khả năng xác định vị trí của mình trong xã hội. Với Velázquez thì người họa sĩ được định vị nổi bật hơn cả vua và hoàng hậu. Nhìn theo góc độ nào đó thì Velázquez có quyền lực hơn hai nhân vật kia, vì rõ ràng là ông đang kiểm soát được hình ảnh – hình ảnh của họ. Ông không còn xem mình là nô lệ, là người bị lệ thuộc. Ông tái tạo mình thành người quyền lực. Và hiển nhiên là ngoài giai cấp quý tộc ra, những người đầu tiên công khai tung hứng hình ảnh của họ trong xã hội Tây phương chính là họa sĩ và văn sĩ, rồi sau này mới đến những tay chơi công tử và những kẻ lãng du phóng túng. Ngày nay ý niệm tự tái tạo đã dần ngấm vào các tầng lớp còn lại của xã hội, và trở thành lý tưởng để vươn tới. Giống như Velázquez, bạn phải đòi được quyền lực xác định vị trí của mình trong bức tranh, để tự tạo hình ảnh của chính mình.

    Bước đầu tiên trong tiến trình tự tạo là tự nhận thức – biết rằng mình là một diễn viên, làm chủ bề ngoài và cảm xúc của mình. Như Diderot đã nói, người nào luôn trung thực thì người ấy là diễn viên tồi. Người nào bước vào xã hội mà ruột để ngoài da thì rất phiền hà và cản trở những người khác. Cho dù họ có trung thực thì ta cũng khó mà tin chắc. Những giọt lệ ở chốn đông người có thể gây thương cảm tạm thời, nhưng chẳng bao lâu lòng trắc ẩn ấy sẽ chuyển thành sự bực mình và khinh rẻ vì sự thái quá của họ - ta sẽ có cảm giác là họ khóc là để được cho bú và những người láu lỉnh trong chúng ta lại không muốn cho họ bú.

    Diễn viên giỏi thì sẽ làm chủ bản thân. Họ có thể làm ra vẻ trung thực và thành tâm, có thể vờ rơi nước mắt hoặc làm bộ thương cảm, nhưng thật ra họ không hề cảm xúc. Họ chỉ biểu lộ cảm xúc theo cách mà người khác có thể hiểu được. Đóng kịch đúng phương pháp là cực kỳ quan trọng trong thế giới này. Không có lãnh tụ hay vua chúa nào có thể thành công nếu tất cả những cảm xúc ông bày tỏ đều là cảm xúc thật. Vậy bạn hãy tập làm chủ mình. Hãy học sự mềm dẻo của họ để có thể sắm được khuôn mặt thích hợp với loại xúc cảm cần diễn tả.

    Bước thứ hai trong tiến trình tự tạo là một biến thể của chiến lược của George Sand: tạo ra một nhân vật khó quên, một nhân vật thu hút chú ý, nổi bật hơn hẳn khi so với các nhân vật khác trên sân khấu. Đó là tấn tuồng mà Abraham Lincoln đã đóng. Ông biết rằng trước đây nước Mỹ chưa bao giờ có một tổng thống nào dạng giản dị chân quê, và do đó sẽ thích thú đầu phiếu cho một người như vậy. Mặc dù đang sẵn có những nét đó một cách tự nhiên, Lincoln vẫn phóng đại chúng lên – bằng quần áo, kiểu nón, râu quai hàm chẳng hạn. (Trước Lincoln chưa có tổng thống nào để râu quai hàm). Ông cũng là vị tổng thống đầu tiên sử dụng ảnh chụp để quảng bá hình ảnh của mình về một “tổng thống chất phác”.

    Tuy nhiên đóng kịch giỏi không chỉ là có bề ngoài thu hút, hoặc một phút giây nổi bật. Tấn tuồng kéo dài theo thời gian như một tấm thảm trải dần ra. Bạn phải tính toán thời điểm cho thật nhịp nhàng. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của nhịp độ bi kịch chính là việc làm cho người khác hồi hộp đợi chờ, hay còn gọi là lũng tim. Chẳng hạn như Houdini, vốn có thể thoát thân chỉ trong vài giây, nhưng ông cố ý kéo dài màn diễn này đến vài phút để làm khán giả rịn mồ hôi.

    Muốn làm cho cử tọa phải thấp thỏm, bạn nên để cho sự kiện từ từ hé mở, rồi chờ đúng lúc bấm nút cho sự kiện diễn biến nhanh, theo một khuôn mẫu nhịp điệu mà bạn làm chủ. Những vị lãnh tụ lớn, từ Napoléon đến Mao Trạch Đông đều sử dụng nhịp điệu của kịch nghệ để làm cho công chúng ngạc nhiên vui thích. Franklin Delano Roosevelt hiểu rõ tầm quan trọng của việc tổ chức các sự kiện chính trị theo một thứ tự và nhịp độ nhất định.

    Năm 1932 vào thời điểm bầu cử tổng thống, nước Mỹ đang giữa hồi khủng hoảng kinh tế. Sau khi đắc cử, Roosevelt gần như rút lui về ở ẩn. Ông không nói gì về kế hoạch cải cách hoặc bổ nhiệm thành viên chính phủ. Thậm chí ông không chịu gặp tổng thống đương nhiệm là Herbert Hoover để thỏa luận việc bàn giao. Thời điểm Roosevelt nhậm chức là thời điểm cả nước đang hết sức lo âu.

    Trong diễn văn nhậm chức, Roosevelt sang số. Ông đọc một bài rất hùng hồn, tỏ rõ ý định lèo lái đất nước theo một hướng hoàn toàn mới, xua tan những động thái e dè của các vị tiền nhiệm. Kể từ thời điểm đó, nhịp độ diễn thuyết và hành động mạnh mẽ lần lượt diễn ra rất nhanh chóng. Sau này mọi người gọi giai đoạn sau khi nhậm chức là “Một trăm ngày”. Giai đoạn đó đã thành công trong việc chuyển đổi tâm trạng của cả nước, và có lẽ điểm xuất phát từ việc Roosevelt đã khôn khéo tính toán từng điểm rơi. Ông đã khiến toàn dân hồi hộp đợi chờ, rồi lại làm họ bất ngờ bằng một loạt những hành động táo bạo, vốn lại càng hiệu quả hơn khi chúng được thực hiện quá đột xuất. Bạn nên phối hợp các sự kiện theo cách ấy, không bao giờ cho người khác cùng lúc biết hết các lá bài, mà nên từ từ hé lộ chúng, sao cho hiệu ứng bi tráng của chúng đạt mức tối đa.

    Trong số những hiệu ứng đặc biệt dành cho ta diễn kịch còn có cái gọi là beau geste – một hành động thực hiện đúng lúc cao trào, tượng trưng cho vinh quang hoặc sự táo bạo của ta. Việc Caesar vượt sông Rubicon là một beau geste – một hành động vừa làm tướng sĩ sửng sốt, vừa phủ lên người Caesar một quy mô hùng tráng. Ta cũng nên biết tầm quan trọng của thời điểm bước ra sân khấu hoặc lui vào cánh gà. Lần đầu tiên khi diện kiến Caesar ở Ai Cập, Cleopatra cho người quấn mình vào một tấm thảm lớn rồi đặt nguyên cuộn dưới chân vị tướng. George Washington đã hai lần giã từ quyền lực theo cách thật hoa hòe và kèn trống (lần đầu với tư cách một vị tướng, lần sau như là một vị tổng thống từ chối nhiệm kỳ thứ ba), chứng tỏ ông biết tận dụng thời điểm, khiến cho hành động của mình tăng thêm tính bi tráng và biểu trưng.

    Nhưng hãy nhớ là nếu diễn thái quá thì sẽ phản tác dụng, giống như khi ta phí phạm quá nhiều công sức để thu hút sự chú ý. Ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp, diễn viên Richard Burton khám phá ra rằng nếu đứng hoàn toàn bất động trên sân khấu, ta sẽ thu hút chú ý về mình và làm cho khán giả bớt quan tâm đến những diễn viên khác. Rõ ràng là cách thức bạn thể hiện sẽ quan trọng hơn là nội dung thể hiện trên sân khấu xã hội.

    Điều cuối nên nhớ là bạn phải tập đóng được nhiều vai, vào bất kỳ lúc nào. Tùy tình thế mà bạn thay đổi màu da cho phù hợp, như một con tắc kè. Bismarck đóng kịch thật khéo: Đi với chính khách theo khuynh hướng tự do thì ông cổ xúy chính kiến này, còn đi với diều hâu thì ông cũng là diều hâu thứ thiệt.

    Hình ảnh:

    Thủy thần Proteus của Hy Lạp. Quyền lực ông ta xuất phát từ khả năng biến động tùy thích. Khi Menelaus định bắt ông, Proteus biến mình thành con sư tử, rồi thành con rắn, con beo, gấu, thành dòng nước chảy, và cuối cùng là một cái cây.

    Ý kiến chuyên gia:

    Hãy học cách biến đổi mình theo từng hoàn cảnh. Một Proteus kín đáo – giữa các học giả mình là học giả, giữa các thánh mình là thánh. Đó là nghệ thuật lôi cuốn mọi người, bởi vì người giống nhau sẽ tìm nhau. Hãy để ý tính tình người khác và tự thích nghi với tính tình của mỗi người bạn gặp – với người nghiêm chỉnh thì ta nghiêm chỉnh, với người vui nhộn ta cũng vui nhộn theo, ta kín đáo thay đổi nét tâm lý của mình.

    (Baltasar Gracián, 1601-1658)

    NGHỊCH ĐẢO

    Nguyên tắc này thực sự không có phép nghịch đảo. Diễn xuất tồi là diễn xuất tồi. Ngay cả tỏ vẻ tự nhiên cũng là một nghệ thuật – nói cách khác, đó là diễn xuất. Diễn xuất tồi thì tổ làm bạn lúng túng mà thôi. Tất nhiên bạn không được quá bi thảm – hay tránh những động tác quá kịch. Nhưng dù sao như thế cũng là diễn xuất tồi, vì những động tác như thế đã vi phạm quy tắc cổ xưa là không được phản ứng quá mức. Nguyên tắc này cốt yếu không có nghịch đảo.
     
  8. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 26: Sử Dụng Tay Sai Làm Việc Bẩn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bạn phải chứng tỏ mình là mẫu mực của những gì tốt đẹp và hiệu quả: Đôi tay bạn không bao giờ vấy bẩn bởi lỗi lầm và những chuyện dơ dáy. Bạn hãy giữ gìn một bề ngoài vô tội như thế bằng cách dùng người khác làm kẻ bung xung và sử dụng bàn tay người khác để ngụy trang sự dính líu của bạn.

    PHẦN I:

    CHE ĐẬY LỖI LẦM –

    CHUẨN BỊ SẴN MỘT KẺ BUNG XUNG CHỊU BÁNG

    Thanh danh của ta tùy vào những gì ta che giấu được hơn là những gì ta bộc lộ ra. Ai cũng mắc lỗi, nhưng những người khôn hơn thì biết giấu lỗi và xoay xở tìm người chịu báng. Bạn nên chuẩn bị sẵn một “vật tế thần” cho những lúc như vậy.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Khoảng cuối thế kỷ thứ hai ở Trung Quốc xưa kia, nhà Tây Hán từ từ suy tàn, quan đại thần Tào Tháo nổi lên như một gương mặt quyền lực nhất. Để mở rộng uy quyền và triệt tiêu những đối thủ cuối cùng, Tào Tháo khởi đầu một chiến dịch nhằm nắm quyền kiểm soát vùng Trung Nguyên có tầm chiến lược sinh tử. Trong khi vây hãm một thị trấn chủ yếu, ông ta tính toán sai việc vận chuyển quân lương từ thủ đô tới. Trong khi chờ đợi, ông ta lệnh cho quan phụ trách quân nhu phải giảm khẩu phần binh sĩ.

    Chẳng bao lâu sau tin tới tai Tào Tháo rằng binh sĩ kêu rêu, trách là bản thân ông ta vẫn béo tốt trong khi họ ăn không đủ no. Họ lầm bầm rằng có lẽ ông ta cắt bớt khẩu phần của họ để giữ cho riêng mình. Nếu những lời kêu rêu này lan rộng, Tào Tháo sẽ bị nguy cơ binh biến. Ông ta liền cho gọi quân nhu tới.

    “Ta muốn hỏi mượn ngươi một thứ mà người không được từ chối,” Tháo nói.

    “Mượn cái gì?” vị quan hỏi.

    “Ta muốn mượn đầu ngươi trưng cho binh sĩ xem.”

    “Nhưng tôi đâu có làm gì sai!?”

    “Ta biết,” Tháo thở dài, “nhưng nếu không bêu đầu ngươi thì binh sĩ sẽ nổi loạn. Ngươi đừng đau buồn, bởi vì ta sẽ hết lòng lo lắng cho gia đình ngươi”.

    Như thế thì rõ ràng là quan phụ trách quân nhu không có quyền chọn lựa, nên đành cúi đầu chịu trảm. Thấy đầu ông ta bêu trên ngọn giáo, binh sĩ thôi không kêu rên nữa. Cũng có người biết sự thật đằng sau cái chết đó, nhưng họ im mồm, quá sợ hãi trước sự tàn bạo của Tháo. Số đông binh sĩ chấp nhận việc ai lỗi ai phải trong việc cắt xén quân lương, và họ chẳng thà tin và sự khôn ngoan và tính công binh của ông ta hơn là sự kém cõi và bạo tàn.

    Diễn giải

    Tào Tháo lên nắm quyền trong thời buổi hết sức loạn lạc, kẻ thù nổi lên khắp nơi để tranh giành vương bá. Thế trận giành Trung Nguyên khó khăn hơn ông ta tưởng, nên quốc khố cạn dần, quân lương khó điều kịp lúc.

    Một khi biết rõ rằng sự chậm trễ là lỗi lầm chí tử và quân đội bất an, Tháo phải chọn một trong hai: hoặc nhận lỗi, hoặc đổ lên đầu kẻ khác. Biết rõ cách vận hành của guồng máy quyền lực và sự quan trọng của vẻ bề ngoài, ông ta không chần chừ giây phút nào: Tìm quanh đó xem cái đầu nào thích hợp nhất và sử dụng nó lập tức.

    Thỉnh thoảng phạm lỗi là điều không thể tránh. Tuy nhiên những người quyền lực lại không bị tổn thương vì lỗi họ đã phạm, nhưng vì cách mà họ xử lý. Họ phải cắt bỏ khối u thật nhanh gọn và dứt khoát. Lời xin lỗi và sám hối sẽ không thích hợp cho sự cắt bỏ đó nên những người quyền lực tránh không dùng. Khối u sẽ không thể biến mất bằng những lời xưng tội mà chỉ ăn sâu thêm và tấy lên mà thôi. Ta chẳng thà nhanh tay cắt bỏ để mọi người không tập trung vào mình mà chĩa mũi dùi về phía bật bung xung thích hợp, trước khi môi người đủ thì giờ suy nghĩ về trách nhiệm hoặc về sự bất tài của ta.

    Chẳng thà ta phụ thiên hạ chứ không để cho thiên hạ phụ mình. (Tào Tháo, khoảng 155-220)

    THỦ CẤP CỦA DE ORCO

    Suốt nhiều năm liền, Cesare Borgia nhân danh cha mình là Giáo hoàng Alexander để thôn tính từng vùng lãnh thổ rộng lớn ở Italia. Năm 1500 ông chiếm được Romagna ở miền Bắc. Nhiều năm trước đó vùng này nằm dưới ách thống trị của những lãnh chúa tham lam, đã vơ vét hết của cải dân lành. Giờ nếu không có lực lượng mạnh mẽ để lập lại kỷ cương, Romagna sẽ trở thành đất dụng võ cho bọn cướp và những gia tộc chống đối nhau. Để vãn hồi trật tự, Cesare chỉ định một vị tướng ở địa phương – Remirro de Orco, người mà Niccolò Machiavelli cho là rất mạnh tay và tàn bạo. Cesare trao cho De Orco toàn quyền.

    Bằng sự hung ác không thương tiếc, De Orco thiết lập loại công lý bạo tàn, và chẳng bao lâu sau vùng Romagna hầu như sạch bóng bọn xem thường pháp luật. Nhưng nhiều khi vì quá nhiệt tình nên De Orco làm quá mạnh tay và chỉ vài năm sau nhân dân địa phương lại thù ghét ông ta. Cesare liền ra tay bằng cách tuyên bố mình không tán thành những hành động tàn bạo của De Orco, sau đó ra lệnh tống giam ông ta. Sau lễ Giáng sinh, khi thức dậy dân chúng chứng kiến cảnh tượng lạ lùng giữa quảng trường chính: Cái xác không đầu của De Orco mặc quần áo sang trọng, trùm áo choàng đỏ tía, bên cạnh đó là thủ cấp ghim trên ngọn giáo, có kèm cả đao búa đồ nghề của đao phủ. Sau này Machiavelli kết luận bài bình luận bằng câu “Sự hung ác của cảnh tượng này làm dân chúng vừa ngỡ ngàng vừa hài lòng.”

    Diễn giải

    Cesare Borgia là tay chơi bậc thầy trong trò quyền lực. Luôn dự trù trước nhiều bước, ông ta đưa đối phương vào những cái bẫy ma mãnh nhất. Chính vì vậy mà trong tác phẩm The Prince, Machiavelli tôn vinh ông hơn hẳn những người khác.

    Tại Romagna, ông ta đã thấy rõ mồn một những gì sẽ diễn ra: Chỉ có pháp luật mạnh tay mới vãn hồi trật tự. Tiến trình này sẽ mất nhiều năm, thoạt đầu nhân dân sẽ hoan hô nhưng dần dà sẽ có nhiều kẻ thù, chưa kể nhân dân sẽ ghét bỏ việc áp đặt loại công lý không khoan hồng như vậy, nhất là khi được áp đặt bởi kẻ ngoại nhân. Tới lúc đó Cesare sẽ không được xem là người vãn hồi luật pháp, vì vậy ông ta khôn khéo chọn kẻ sẽ làm công việc bẩn thỉu ấy, biết trước rằng khi nhiệm vụ hoàn thành, đầu của De Orca sẽ bị bêu trên ngọn giáo. Trong trường hợp này, kẻ bung xung được trù tính ngay từ đầu.

    Với Tào Tháo, kẻ bung xung là một người hoàn toàn vô tội. Còn ở Romagna, kẻ đó được Cesare sử dụng làm vũ khí tấn công mà mình không phải vấy máu vào tay. Với loại bung xung thứ hai này, tốt hơn bạn đừng thèm nhúng tay vào mà hãy để hắn tự do nhảy múa hoặc, giống như Cesare, hãy đóng vai người mang hắn ra trước công lý. Lúc ấy bạn không chỉ chứng tỏ rằng mình không dính líu, mà ngược lại còn là người giải quyết vụ việc.

    Dân Athens thường dùng công quỹ để nuôi một

    số phần tử thoái hóa hoặc vô dụng, và khi nào có thiên tai,

    chẳng hạn như dịch bệnh, hạn hán, hoặc đói kém, áp xuống thành phố…những kẻ bung xung đó bị dẫn đi diễu hành…sau đó bị tế thần, thường là bị ném đá ở phía bên ngoài thành phố.

    (The Golden Bough, Sir James George Frazer, 1854-1941)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Sử dụng vật bung xung là việc làm đã có từ ngàn xưa, và chúng ta có thể thấy những ví dụ tương tự ở những nền văn hóa khắp thế giới. Ý tưởng chính đằng sau động tác hy sinh đó là việc tống khứ tội lỗi sang một hình ảnh bên ngoài – vật dụng, thú vật, hoặc con người – để rồi sau đó hình ảnh ấy bị lưu đày hay phá hủy. Người Do Thái cổ thường sử dụng một con dê (từ đó mới có chữ “con dê tế thần”) cho thầy tư tế đặt hai tay lên đầu trong khi xưng ra hết tội lỗi của Những người con Israel. Sau khi tội lỗi đã chuyển giao hết, con dê sẽ bị đuổi đi hoang ngoài sa mạc. Với người Athens và Aztec thì “dê tế thần” lại là con người, thường là người được nuôi dưỡng cho chính mục đích cụ thể ấy. Vì xưa kia mọi người tin rằng nạn đói và dịch bệnh là do trời trừng phạt con người tội lỗi, nên con người muốn tự giải phóng bằng cách chuyển hết tội lỗi ấy sang một người trong trắng, mà cái chết của người ấy sẽ vừa tống ôn vừa thỏa mãn các quyền lực siêu phàm.

    Sau khi phạm tội, loài người thường không nhìn vào trong chính mình mà nhìn ra ngoài để đổ lỗi cho một vật gì đó tiện lợi. Khi dịch bệnh hoành hành thành phố Thebes, Oedipus tìm kiếm nguyên nhân khắp nơi, chỉ trừ nhìn lại chính mình với cái tội loạn luân, vốn làm trời thần nổi giận và giáng dịch bệnh. Nhu cầu sâu xa cần phải tống tội ra ngoài, đổ lên đầu người khác hay vật khác, cái như cầu đó có sức mạnh vô biên, mà người khôn phải biết điều tiết để dùng. Hiến tế là một nghi thức, có lẽ là nghi thức cổ xưa nhất. Nghi thức cũng là nguồn quyền lực. Chúng ta để ý thất khi giết De Orco xong, Cesare trưng xác và thủ cấp lên trong một hành động mang tính biểu tượng và nghi thức. Qua hành động này, ông ta tập trung tội lỗi ra bên ngoài, và người dân Romagna lập tức đáp lại. Như đã nói, vì khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là tìm kiếm ở ngoài thay vì nhìn chính mình, nên ta sẵn sàng chấp nhận tội lỗi của kẻ bung xung.

    Việc hiến tế đẫm máu có vẻ như là một di tích man rợ của thời quá khứ, nhưng sự thực hành vẫn tồn tại đến ngày nay, tuy bằng hình thức gián tiếp và chỉ mang tính biểu trưng. Vì quyền lực dựa vào vẻ bề ngoài, và những người quyền lực hình như không bao giờ phạm lỗi, việc sử dụng vật tế thần vẫn rất phổ thông. Thời nay, có lãnh tụ nào lại đứng ra chịu trách nhiệm mỗi khi mình làm sai? Hắn luôn tìm người khác để đổ lỗi, một con dê để tế thần. Khi cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông thất bại thảm hại, ông ta không xin lỗi nhân dân Trung Quốc, ngược lại, cũng như Tào Tháo, ông ta đưa ra những kẻ bung xung, kể cả Trần Bá Đạt, vốn là thư ký riêng của ông ta và là đảng viên cao cấp.

    Franklin D.Roosevelt nổi tiếng là người lương thiện và công bình. Tuy nhiên trong các nhiệm kỳ tổng thống, ông phải đối mặt với những tình thế mà nếu ông đóng vai quân tử, ông sẽ tạo ra nhiều thảm kịch chính trị - nhưng ông không thể sắm vai kẻ chơi đểu. Vì vậy suốt hai mươi năm, thư ký riêng của ông là Louis Howe phải đóng vai trò của một De Orco. Chính Howe đã phải thực hiện những cuộc thương lượng hậu trường, giật dây báo chí, bí mật điều khiển các chiến dịch chính trị. Và mỗi khi xảy ra lỗi lầm, hoặc xảy ra một trò bẩn thỉu nào đó đi ngược lại với hình ảnh được chăm chút từng li từng lí của Roosevelt, thì Howe sẽ đứng ra nhận hết mà không bao giờ than phiền.

    Ngoài việc để cho người khác đổ tội, kẻ bung xung còn đóng vai trò cảnh báo những người khác. Năm 1631 có âm mưu lật đổ đức hồng y Richelieu, mà sau này mọi người gọi là “Ngày lừa bịp”. Âm mưu này gần như hoàn thành, vì có sự tham gia của nhiều thành viên cao cấp trong chính phủ Pháp, kể cả hoàng thái hậu. Nhưng nhờ may mắn và mạng lưới tình báo nên Richelieu thoát chết.

    Một trong những nhân vật chủ chốt trong cuộc âm mưu đảo chính là chưởng ấn Marillac. Không thể bắt ông này mà không để liên lụy đến hoàng thái hậu, Richelieu bèn nhắm đến anh của Marillac, vốn là một nguyên soái. Tuy ông này không dính dáng gì đến cuộc đảo chính nhưng Richelieu vẫn quyết định ra tay để dè chừng những cuộc nổi loạn tiềm năng khác, đặc biệt trong quân đội. Richelieu vu cáo nguyên soái Marillac và tử hình ông ta. Bằng cách này, hồng y đã gián tiếp trừng phạt kẻ chủ mưu, đồng thời cảnh báo mọi mầm mống khác rằng ông sẽ không run tay hy sinh người vô tội để bảo vệ quyền lực của mình.

    Trên thực tế, người khôn thường chọn kẻ ngây thơ vô tội nhất để làm vật hiến tế. Những kẻ như thế sẽ không đủ mạnh để chống lại ta, và những lời cải chính ngây thơ của họ sẽ khiến người khác nghĩ là họ cải chính quá nhiều, đồng nghĩa với có tội. Tuy nhiên bạn cẩn thận không khéo lại biến kẻ bung xung đó thành thánh tử đạo. Điều quan trọng là làm sao để mọi người nghĩ rằng ta mới là nạn nhân, là ông chủ tội nghiệp bị hại bởi những bề tôi bất tài. Nếu kẻ bung xung kia có vẻ quá yếu ớt và hình phạt quá nặng nề, có rủi ro ta sẽ sụp vào cái bẫy chính ta đã giăng. Đôi khi ta phải tìm một kẻ bung xung khá hùng mạnh – để về lâu dài mọi người ít thương cảm anh ta.

    Theo chiều hướng này, lịch sử vẫn thỉnh thoảng xảy ra việc sử dụng người cộng sự thân tín nhất làm vật bung xung. Mọi người gọi việc này là “ái khanh thất sủng”. Hầu hết vua nào cũng có một sủng thần, người được vua đặc biệt ưu ái, nhiều khi không vì lý do gì rõ rệt. Sủng thần này có thể đóng vai vật tế thần trong trường hợp có điều chi đe dọa thanh danh đức vua. Dân chúng sẵn lòng tin vào tội lỗi của vật tế thần – nhà vua sẽ không bao giờ hy sinh sủng thần nếu hắn vô tội. Và những triều thần khác, vì ganh tỵ vị ái khanh đó, hẳn sẽ vui mừng khi hắn bị thất sủng. Trong lúc đó nhà vua đã khử được một thành phần vốn biết quá nhiều về mình. Việc chọn một cộng sự thân tín làm kẻ bung xung cũng có giá trị như màn “ái khanh thất sủng”. Có thể ta mất đi một cộng sự, một người bạn, nhưng nếu tính theo hiệu quả lâu dài của kế hoạch, chẳng thà che đậy được lỗi lầm của mình còn hơn là giữ lại một thành phần mà ngày nào đó biết đâu sẽ phản ta. Hơn nữa, lúc nào ta cũng có thể tìm được một sủng thần khác để thế chỗ hắn.

    Hình ảnh:

    Con dê vô tội. Vào ngày đại xá, thầy tư tế đưa dê vào đền, đặt hai tay lên đầu dê rồi sám hối, chuyển hết mọi tội ác sang con dê vô tội, sau đó đuổi nó đi lang thang trong sa mạc, từ đó tất cả mọi tội lỗi của dân chúng sẽ biến mất theo con dê.

    >

    Ý kiến chuyên gia:

    Dại dột không phải là làm điều dại dột, nhưng ở chỗ không biết che dấu điều dại dột ấy. Ai ai cũng phạm phải lỗi lầm, nhưng người khôn biết giấu, trong khi kẻ dại lại công nhận. Thanh danh tùy thuộc vào những gì ta che đậy được, nhiều hơn là những gì được trông thấy. Nếu không thể tài ba, bạn vẫn có thể cẩn trọng.

    (Baltasar Gracián, 1601-1658)

    PHẦN II:

    SỬ DỤNG TAY SAI

    Trong chuyện ngụ ngôn, con khỉ cầm tay bạn mình là con mèo, dùng chân mèo để lấy hạt dẻ từ đống lửa ra, nhờ vậy khỉ được ăn hạt dẻ mà không bị phỏng tay. Nếu phải làm công việc nào đó không được nhiều người ưa chuộng và bản thân mình cũng không thích thì ta đừng làm. Ta cần có bàn tay của con mèo, mà ta gọi tắt là tay sai để thực hiện những chuyện bẩn thỉu hay nguy hiểm. Bàn tay đó sẽ túm lấy những gì ta cần, làm tổn thương những ai ta muốn tổn thương, mà người khác không thể ngờ được rằng chính ta mới là kẻ chịu trách nhiệm. Hãy để người khác thừa hành, hãy để người khác làm kẻ đưa hung tin, trong khi ta chỉ mang tới toàn là tin lành.

    >

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Năm 59 TCN, nữ hoàng Cleopatra tương lai lúc đó mới mười tuổi mà đã chứng kiến cảnh vua cha Ptolemy XII bị soán ngôi và lưu đày bởi bàn tay của chính các con gái mình - chị ruột của Cleopatra. Một trong những cô con gái đó là Berenice vượt lên lãnh đạo cuộc nổi loạn, và để đảm bảo là sẽ không ai giành quyền cai trị Ai Cập, cô ta bỏ tù hết những người chị khác và giết chết chồng mình. Nhưng một thành viên của hoàng gia, thậm chí lại là nữ hoàng mà lại công khai có những biện pháp tàn bạo như vậy đối với chính những người ruột thịt của mình đã khiến quan dân kinh tởm, từ đó dấy lên phong trào chống đối. Bốn năm sau, lực lượng đối lập này đủ lớn mạnh để khôi phục ngai vàng cho Ptolemy và vị vua lập tức xử trảm Berenice cùng tất cả những cô con gái chủ mưu tạo phản.

    Năm 51 TCN, Ptolemy băng hà, để lại bốn đứa con. Theo truyền thống Ai Cập, trưởng nam là Ptolemy XIII (lúc đó mới mười tuổi) phải cưới trưởng nữ Cleopatra (mười tám) và cả hai cùng lên ngôi với danh nghĩa vua và hậu. Cả bốn người con không ai bằng lòng kể cả Cleopatra vì muốn gom thu quyền lực riêng cho mình. Giữa Cleopatra và Ptolemy nảy sinh đấu tranh.

    Năm 48 TCN, với một số thành viên chính phủ đang e sợ tham vọng của Cleopatra, Ptolemy thành công trong việc buộc chị mình phải lưu đày biệt xứ. Trong giai đoạn lưu vong, Cleopatra miệt mài bày mưu tính kế. Cô ta muốn một mình trị vì Ai Cập và khôi phục thời oanh liệt của đất nước này, điều mà cô ta cho rằng anh chị mình chưa ai làm được, và khi nào họ còn sống thì Cleopatra không thể thực hiện giấc mộng vàng. Và ví dụ nhãn tiền về Berenice chứng tỏ sẽ không ai theo chân một nữ hoàng nỡ đang tâm ám sát máu mủ mình. Ngay cả Ptolemy XIII cũng không dám giết Cleopatra, mặc dù biết rằng chị mình đang mưu đồ ở nước ngoài.

    Chỉ một năm sau khi Cleopatra bị lưu đày, nhà độc tài La Mã là Julius Caesar đưa quân chiếm Ai Cập với ý định biến đất nước này thành thuộc địa. Cơ hội đã đến với Cleopatra: Bí mật trở về nước, nàng quyết chí gặp cho được Caesar tại Alexandria. Truyền thuyết kể lại rằng Cleopatra đã qua mặt được lính canh khi cho người quấn mình trong tấm thảm, đặt ngay dưới chân vị tướng, rồi nàng lăn tròn trải mở chăn ra một cách khêu gợi. Cleopatra sử dụng hết những mánh mung thủ đoạn của mỹ nhân kế và chẳng bao lâu sau Caesar đã chịu phép và lập nàng thành nữ hoàng trở lại.

    Anh em của Cleopatra tức sôi máu vì nàng đã qua mặt họ. Ptolemy XIII sai đại quân tiến công doanh trại của Caesar. Vị tướng này liền ra lệnh quản thúc Ptolemy và tất cả hoàng gia. Nhưng em gái của Cleopatra là Arsinoe trốn thoát, tìm đến đại quân Ai Cập, tự xưng là nữ hoàng và dẫn quân quyết chiến. Đánh giá thời điểm này là cơ hội ngàn vàng, Cleopatra thuyết phục Caesar trả tự do cho Ptolemy với điều kiện là nhà vua phải đứng ra trung gian hòa giải giữa hai phe Ai Cập và La Mã. Cleopatra biết tỏng là em mình sẽ làm điều ngược lại – đánh bại Arsinoe để nắm quyền kiểm soát quân đội. Điều này có lợi cho Cleopatra vì đối thủ đã chia rẽ. Và còn hơn thế nữa, sẽ biếu cho Caesar cái cớ để đánh bại và giết chết những thành viên cuối cùng của hoàng gia trong chiến trận.

    Cùng đoàn quân tiếp viện từ La Mã tới, Caesar tiêu diệt quân tạo phản. Khi tháo chạy, Ptolemy chết đuối dưới sông Nile. Arsinoe bị Caesar bắt đưa về La Mã. Để củng cố địa vị nữ hoàng mà không bị ai tranh chấp, giờ Cleopatra mới kết hôn với đứa em trai duy nhất còn lại là Ptolemy XIV (mới bảy tuổi). Bốn năm sau, vị vua con nít này bị trúng độc dược một cách bí ẩn và qua đời.

    Năm 41 TCN, Cleopatra lại mượn tay một vị lãnh tụ thứ nhì của La Mã là Marc Antony, cũng bằng những chiến thuật đã dùng với Caesar. Sau khi quyến rũ viên tướng trẻ này, nàng cho biết Arsinoe đang bị giam cầm ở La Mã nhưng vẫn rắp tâm tiêu diệt Antony. Viên tướng tin lời nàng và nhanh chóng cho người ám sát Arsinoe, từ đó khử luôn mối đe dọa cật ruột cuối cùng đối với Cleopatra.

    Diễn giải

    Truyền thuyết cho rằng Cleopatra thành công là nhờ tài quyến rũ, nhưng thật ra quyền lực của nàng là ở chỗ khiến mọi người làm điều nàng muốn mà họ không hề hay biết mình bị giật dây. Caesar và Antony không chỉ trừ khử những cật ruột nguy hiểm nhất của nàng trong chính phủ và quân đội Ai Cập. Hai người đã trở thành tay sai – bàn chân mèo. Họ sẽ bước vào lửa vì nàng, sẽ thực hiện những việc bẩn thỉu, khiến không ai ngờ rằng chính Cleopatra mới là thủ phạm chính. Và cuối cùng cả hai vị tướng đều chấp nhận trị vì Ai Cập với tư thế là một vương quốc độc lập liên minh, chứ không phải là một thuộc địa của La Mã. Họ làm tất cả những điều này mà không ngờ mình bị thao túng.

    Một nữ hoàng không bao giờ nên để tay mình bị vấy bẩn bởi những công việc xấu xa, cũng như một vị vua không thể xuất hiện trước thần dân với gương mặt dính máu. Nhưng quyền lực không thể nào trường cửu mà không tiêu diệt quân thù - sẽ luôn có những việc bẩn phải làm nếu ta muốn ngồi lâu trên ngai vàng. Như Cleopatra, ta cần có tay sai.

    Loại tay sai thường thấy nhất là người bên ngoài vòng thân mật nhất của bạn, vì như thế họ sẽ ít khả năng biết được mình bị lợi dụng. Những người như thế rất dễ tìm - họ thích giúp bạn việc này việc nọ, nhất là khi bạn thảy cho họ vài cục xương. Nhưng trong khi họ thực hiện những công việc đối với họ là vô tư, hoặc ít ra là hoàn toàn chính đáng, thật ra họ đang dọn sẵn sân bãi cho bạn, đi gieo rắc thông tin mà bạn cung cấp cho họ, làm suy yếu những người mà họ không ngờ là đối thủ của bạn, vô tình khuếch trương cơ nghiệp của bạn, và như thế tay họ vấy bẩn trước trong khi tay bạn sạch trơn.

    MAO VÀ TƯỞNG

    Cuối thập niên 1920, hai phe Cộng sản và Dân quốc đánh nhau ở Trung Hoa để giành quyền kiểm soát đất nước. Năm 1927 lãnh tụ Dân quốc là Tưởng Giới Thạch thề sẽ tàn sát tất cả những thành viên Cộng sản, điều mà ông ta suýt làm được cho đến giai đoạn 1934-1935 khi ông buộc họ phải thực hiện cuộc Trường chinh suốt sáu ngàn dặm, rút lui từ vùng Đông Nam về miền Tây Bắc hoang vu, khiến phe Cộng sản tổn hao lớn về lực lượng. Cuối năm 1936 Tưởng trù bị tấn công mạnh lần cuối để quét sạch đối thủ, nhưng đột nhiên nội bộ tạo phản và bắt ông hòa hoãn với phe Cộng sản. Xem như tàn đời.[10]

    Trong khi đó Nhật bắt đầu xâm lược Trung Quốc và Tưởng rất ngạc nhiên khi thay vì giết mình, Mao Trạch Đông lại đề nghị dàn xếp: Mao sẽ thả ông, và nhìn nhận ông là chỉ huy quân sự thuộc cả hai phe, nếu ông gắng sức chiến đấu chống kẻ thù chung. Tưởng bị tra tấn và hành quyết, giờ Tưởng không thể ngờ mình gặp may đến như thế. Vậy là Cộng sản này đã mềm lòng rồi. Khi khỏi phải tốn công sức chống lại phe Cộng sản tập hậu, Tưởng biết mình sẽ có cơ đánh lại bọn Nhật, rồi sau đó vài năm ta sẽ quay lại diệt Cộng sản một cách dễ dàng. Chấp nhận đề nghị của Mao, ông sẽ không mất gì mà lại được tất cả.

    Phe Cộng sản chống Nhật bằng chiến thuật du kích quen thuộc của họ, trong khi phe Dân quốc tiến hành những trận đánh quy ước hơn. Sau nhiều năm chung sức, cả hai phe Trung Quốc chiến thắng bọn Nhật. Đến thời điểm này Tưởng mới vỡ lẽ những gì Mao thật sự trù tính. Đại quân Dân quốc phải gánh chịu hỏa lực pháo binh dữ dội của Nhật nên hết sức suy yếu và phải mất nhiều năm mới phục hồi nổi. Trong khi đó quân Cộng sản không chỉ tránh được đòn trực tiếp của Nhật mà còn tranh thủ thời gian để dĩ dật đãi lao, bành trướng ra thành nhiều vùng ảnh hưởng khắp đất nước. Chiến tranh chống Nhật vừa dứt thì nội chiến tái bùng lên, nhưng lần này quân Cộng sản bao vây phe Dân quốc đã suy yếu. Quân Nhật đã trở thành tay sai của Mao, vô tình cày cấy mảnh ruộng cho phe Cộng sản và giúp họ chiến thắng Tưởng Giới Thạch.

    Diễn giải

    Có lẽ hầu hết những lãnh đạo nào có kẻ thù hùng mạnh như Tưởng sẽ ra lệnh giết ông ta khi bắt được. Nhưng như vậy họ sẽ đánh mất cơ hội mà Mao đã khai thác. Nếu không có một Tưởng đầy kinh nghiệm để lãnh đạo phe Dân quốc, hẳn cuộc chiến chống ngoại xâm phải kéo dài hơn và gây ra nhiều tổn thất sinh tử. Mao đã quá khôn ngoan, không để cho lòng căm ghét phá hỏng cơ hội một hòn đá giết hai chim. Cốt yếu là Mao đã dùng một lúc hai bàn chân mèo để đạt thắng lợi cuối cùng. Trước tiên, ông dụ Tưởng nhận lãnh trọng trách đánh Nhật. Ông hiểu rằng phe Dân quốc sẽ gánh chịu phần lớn những trận mạc quan trọng và sẽ đánh đuổi quân Nhật ra khỏi Trung Quốc, nếu họ không phải chia sức ra để cùng lúc chống lại phe Cộng sản. Vì vậy Dân quốc sẽ trở thành lực lượng đầu tiên để đuổi Nhật. Ngoài ra Mao cũng biết rằng trong khi đó pháo binh và không quân hùng hậu của Nhật sẽ tàn sát lực lượng quy ước của phe Dân quốc, gây ra những tổn hại mà có lẽ phe Cộng sản phải mất hàng chục năm mới làm nổi. Vậy tại sao ta lại phí thời gian và sinh mạng nếu bọn Nhật có thể thực hiện việc này nhanh chóng? Chính cách sử dụng khôn ngoan lần lượt từng thủ đoạn như vậy đã giúp Mao thắng lợi.

    Có hai cách sử dụng tay sai: Để cứu vãn vẻ bề ngoài, theo cách làm của Cleopatra và để tiết kiệm sinh lực. Trường hợp thứ hai này đòi hỏi ta phải trù tính trước nhiều nước đi, ý thức được rằng một bước tạm lùi (chẳng hạn như thả Tưởng Giới Thạch) có thể tạo điều kiện cho bước đại nhảy vọt. Nếu tạm thời suy yếu và cần thời gian phục sức, bạn hãy dùng cách thứ hai, tìm cách sử dụng những người xung quanh vừa làm bình phong vừa làm tay sai cho mình. Bạn để ý xem phe thứ ba nào cũng có kẻ thù chung với ta (vì nhiều lý do khác), rồi lợi dụng sức mạnh vượt trội của họ để đánh kẻ thù chung ấy, như thế bạn tiết kiệm được sinh lực, vì bạn là kẻ yếu hơn. Thậm chí bạn có thể khéo léo đâm bị thóc thọc bị gạo. Luôn tìm kẻ hết sức hung hăng để làm tay sai - họ thường xuyên sùng sục khí thế chiến đấu, lúc đó bạn chỉ cần chọn một trận đánh thích hợp với mục tiêu của mình.

    NGHỆ THUẬT TẶNG QUÀ

    Kuriyama Daizen là người tinh thông Cha-no-yu (Nước nóng pha trà, bộ môn trà đạo của Nhật) đồng thời là đại đồ đệ của sư phụ trà đạo Sen no Rikyu. Khoảng năm 1620 Daizen biết tiên người bạn là Hoshino Soemon đã phải vay một số tiền lớn (300 ryo) để giúp trang trải nợ nần cho một người bà con, nhưng như thế chỉ là chuyển gánh nặng nợ nần lên vai mình. Daizen biết Soemon rất rõ – ông ta không quan tâm mà cũng không hiểu biết nhiều về vấn đề tiền bạc, do đó sẽ gặp rắc rối to khi chậm trả khoản tiền vay từ tay phú thương Kawachiya Sanemon. Nhưng nếu Daizen đề nghị trả giúp Soemon món nợ thì ông ta sẽ thẳng thừng từ chối vì sĩ diện, thậm chỉ cảm thấy bị xúc phạm.

    Ngày kia Daizen đến thăm bạn, và sau khi đi thăm vườn để trầm trồ những chậu hoa mẫu đơn được giải, cả hai vào dùng trà. Trông thấy những bức tranh của danh họa Kano Tennyu, Daizen thốt lên “Ô, quả là bức tranh tuyệt đẹp… Chưa bao giờ tôi thấy cái gì mà tôi thích hơn bức này”. Chỉ sau vài lời khen ngợi nữa thì Soemon không còn lựa chọn nào khác là phải tặng tranh cho bạn.

    Tất nhiên Daizen từ chối lấy lệ, để khi bạn cố nài là ông ta nhận luôn. Hôm sau Soemon nhận được gói quà của Daizen. Đó là một bình hoa quý hiếm, kèm với bức thư giải thích rằng đây là biểu hiện tình tri kỷ và việc Daizen đánh giá cao bức tranh của Soemon. Ông ta viết thêm rằng chính Sen no Rikyu tự tay làm ra bình hoa, trên đó còn lưu thủ bút của Thiên hoàng Hydeyoshi. Daizen gợi ý rằng nếu không thích chơi bình hoa thì có thể tặng nó cho một môn đồ Cha-no-yu, chẳng hạn như tay phú thương Sanemon, người từng khao khát sở hữu chiếc bình. Daizen viết tiếp rằng, Sanemon đang sở hữu một loại giấy tờ cao cấp nào đó mà Soemon rất thích, “Biết đâu anh sắp xếp trao đổi được?”.

    Nhận thức hành động tế nhị của bạn mình, Soemon mang bình hoa tới nhà phú thương. Ông này thốt lên “Tôi đã nghe danh nó từ lâu nhưng nay là lần đầu tôi nhìn thấy. Đây là của quý hiếm đến mức không bao giờ cho mang ra khỏi cổng!”. Nói xong ông ta liền đề nghị trao đổi với tờ giấy nợ và còn tặng Soemon thêm 300 ryo. Nhưng vì không quan tâm đến tiền bạc nên Soemon chỉ nhận lại tờ giấy nợ.

    Diễn giải

    Kuriyama Daizen biết rằng việc giúp người không bao giờ đơn giản: Nếu ta cứ nhặng xị một cách thô thiển thì người nhận cảm thấy mình nặng gánh hàm ân. Việc này có thể góp cho người thi ân một ít quyền lực, nhưng là loại quyền lực chóng tàn bởi vì nó dấy lên sự ray rứt bất an và lực đề kháng âm thầm. Hành động thi ân gián tiếp và lịch sự sẽ mạnh gấp mười lần. Chính vì vậy mà Daizen xoay xở để bạn tặng mình bức tranh, từ đó ông mới có cơ sở tặng lại chiếc bình. Cuối cùng cả ba bên đều cảm thấy hài lòng theo cách riêng của mình.

    Điều cốt yếu là Daizen đã tự biến mình thành bàn chân mèo, thành dụng cụ để lấy hạt dẻ ra khỏi bếp lửa. Hẳn ông phải ít nhiều xót ruột khi chia tay với chiếc bình hiếm, nhưng ngược lại ông được bức tranh quý, và quan trọng hơn nữa là sức mạnh của một “triều thần”, hiểu theo nghĩa là người đang tìm kiếm sự ủng hộ. Triều thần dùng bàn tay trong găng để giảm nhẹ những cú tấn công, ngụy trang các vết thẹo và làm cho động tác cứu giúp trông lịch sự và sạch gọn hơn. Giúp người khác nhưng cuối cùng triều thần giúp chính mình. Ví dụ về Daizen đưa ra mô thức cho sự giúp đỡ qua lại giữa bạn bè và đồng nghiệp: Đừng bao giờ bắt người khác phải chịu ơn. Hãy tìm ra cách tự biến mình thành bàn chân mèo, gián tiếp gỡ bạn ra khỏi mớ bòng bong, đừng để họ cảm thấy mang ơn mình một cách thô thiển.

    Ta không nên quá bộc trực. Hãy đến rừng nhìn xem,

    cây ngay thẳng bị đốn, còn cây cong vẹo được chừa lại.

    (Kautilya, triết gia Ấn Độ, thế kỷ III TCN)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Với tư cách lãnh đạo, có lẽ bạn cho rằng sự siêng năng cần cù và ra vẻ làm việc cật lực hơn mọi người đồng nghĩa với quyền lực. Nhưng thật ra chúng có tác dụng ngược lại là làm mọi người thấy bạn yếu kém. Tại sao hắn lại phải làm nhiều như thế? Có lẽ hắn bất tài nên mới phải làm nhiều mới đuổi kịp. Có lẽ bạn thuộc về dạng người không biết ủy nhiệm nên phải mó tay vào mọi thứ.

    Người thật sự quyền lực có vẻ như không bao giờ vất vả hoặc vội vàng. Trong khi người khác làm việc tới mòn tay thì họ ung dung nhàn nhã. Họ biết tìm đúng người để giao đúng việc, trong lúc họ tiết kiệm năng lượng và không cho tay vào lửa. Còn bạn, bạn tưởng rằng khi chấp nhận việc bẩn, dấn thân vào những việc khó ưa, bạn sẽ chứng tỏ được sức mạnh và làm người khác e sợ. Thật ra bạn chỉ làm cho họ thấy bạn xấu xa và lạm quyền. Người quyền lực thật sự luôn giữ tay sạch. Quanh họ chỉ có điều tốt và chỉ những tuyên bố của họ mới là thành tựu vinh quang.

    Tất nhiên nhiều khi ta buộc phải sử dụng sinh lực, hoặc phải thực hiện một hành động xấu xa nhưng cần thiết. Tuy nhiên hãy nhớ đừng bao giờ để người khác thấy ta là kẻ ra tay. Hãy tìm một tay sai. Hãy phát triển nghệ thuật phát hiện, sử dụng và đúng lúc loại bỏ những tay sai ấy khi vai trò của họ đã xong.

    Vào đêm hôm trước khi diễn ra trận thủy chiến quan trọng, quân sư Gia Cát Lượng được lệnh trong vòng ba ngày phải cung cấp cho quân đội 100.000 mũi tên, nếu không sẽ bị tội chết. Thay vì cố làm ra số tên đó, vốn là việc không thể, Lượng sai người lấy cỏ bọc quanh khoảng chục con thuyền. Vào xế chiều, khi sương mù từ sông dấy lên, ông ta mới cho thuyền tiến về phía doanh trại địch. Sợ sa vào bẫy của quân sư Gia Cát Lượng lừng danh, địch không dám xuất quân ra chặn đánh những chiếc thuyền mờ ảo trong sương mà chỉ dám từ trên bờ bắn tên xuống như mưa. Thuyền Lượng đến càng gần thì mưa tên càng lớn. Chỉ sau vài giờ, người của Lượng ung dung xuôi về trại, gỡ tên ghim đầy hai bên mạn thuyền bọc cỏ, đếm đủ 100.000 giao cho cấp trên.

    Gia Cát Lượng không bao giờ tự tay làm việc gì mà người khác có thể làm thay ông – ông luôn nghĩ ra những mưu chước như vừa kể. Điểm cốt yếu cho việc sáng tạo này là phải nghĩ trước nhiều nước cờ, tưởng tượng cách nhử người khác làm thay cho ta.

    Ta phải che đậy mục tiêu, bao bọc nó trong màn bí ẩn, giống như những chiếc thuyền ma của Lượng trong sương. Khi đối thủ không biết rõ ta muốn gì, họ sẽ phản ứng theo cách mà về lâu về dài không có lợi cho họ. Thật ra họ đã trở thành bàn chân mèo cho ta.

    Cách dễ dàng và hiệu quả để sử dụng tay sai thường khi là cấy thông tin vào hắn để sau đó hắn lan tỏa sang mục tiêu ban đầu của ta. Thông tin giả hoặc thông tin được cài đặt là dụng cụ hùng mạnh, đặc biệt là khi được lan truyền bởi kẻ bịp mà không ai ngờ tới.

    Sau hết sẽ có những trường hợp ta chủ động biến mình thành tay sai để đạt được sức mạnh cuối cùng. Đó là mưu kế của một triều thần hoàn hảo. Biểu tượng ở đây là Sir Walter Raleigh, người từng lót áo khoác của mình lên đất bùn để Nữ hoàng Elizabeth bước qua mà không lấm giày. Đứng ra làm dụng cụ bảo vệ để sư phụ hay đồng nghiệp không bị nguy hiểm hoặc phiền phức, bạn được sự kính nể và trước sau gì cũng mang lợi lộc đến cho bạn. Và hãy nhớ: Nếu có thể bọc hành động của mình trong lớp vỏ lịch sự và hào hoa thay vì phô trương và cồng kềnh, phần thưởng của bạn sẽ càng lớn lao hơn nữa.

    Hình ảnh:

    Cái chân mèo. Nó có móng dài để vỗ, nó mềm mại và có miếng đệm. Hãy dùng chân mèo để gắp những đồ vật từ bếp lửa, để cào kẻ thù, để vờn chuột trước khi hạ sát. Đôi khi bạn sẽ làm mèo đau, nhưng thường khi nó chẳng hề nhận biết.

    Ý kiến chuyên gia:

    Cái gì tốt lành dễ chịu thì dành cho mình, cái gì xấu xa khó chịu thì để người khác. Thực hiện chiêu thứ nhất thì bạn được ưu ái, còn chiêu thứ hai bạn làm lệch hướng ác ý. Những vấn đề quan trọng thường phải có khen thưởng và trừng phạt. Hãy để điều tốt phát xuất từ mình và điều xấu từ kẻ khác.

    (Baltasar Gracián , 1601-1658)

    NGHỊCH ĐẢO

    Cả hai chiêu thức chân mèo và dê tế thần để phải được sử dụng một cách cẩn thận và tế nhị. Chúng như những màn khói che giấy việc ta nhứng tay vào những việc bẩn, vì vậy khi nào màn khói này tan và bị ta bắt quả tang là kẻ giật dây thì mọi người nhìn đâu đâu cũng thấy dấu ấn của ta, và ta sẽ bị đổ lên đầu những tội lỗi không dính dáng gì đến mình. Khi bị lộ tẩy rồi thì mọi việc sẽ bùng lên ngoài tầm kiểm soát.

    Năm 1572, hoàng hậu Pháp là Catherine de Médici âm mưu loại trừ Gaspard de Coligny, một đô đốc hải quân Pháp và lãnh đạo phe Huguenot Tin lành. Ông này rất thân với con trai hoàng hậu là Charles IX nên hoàng hậu sợ dần dà vua con bị ảnh hưởng. Vì vậy bà nhờ một thành viên gia tộc Guise, một trong những phe hoàng gia hùng mạnh nhất nước Pháp ám sát Coligny.

    Tuy nhiên hoàng hậu còn một kế hoạch bí mật khác: Làm sao cho phe Huguenot tin rằng chính dòng họ Guise đã ra tay ám sát Coligny, từ đó họ sẽ tìm phương trả thù. Với một đòn, hoàng hậu hy vọng diệt được cả hai phe. Nhưng chẳng may kế hoạch đi đoong. Sát thủ không giết được mà chỉ làm Coligny bị thương. Ông ta nghi ngờ hoàng hậu chủ mưu vụ này và báo cho vua biết. Cuối cùng vụ ám sát hụt này và những tình tiết liên quan đã dấy lên một chuỗi sự kiện, làm nảy sinh cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai phe Công giáo và Tin lành, mà cao điểm là cuộc tàn sát Đêm thánh Bartholomew khiến hàng ngàn người Tin lành bị sát hại.

    Vì vậy bạn hãy cẩn thận khi định sử dùng bàn chân mèo và con dê tế thần trong trận mạc nào có hậu quả lớn: Nhiều chuyện tồi tệ có thể xảy ra. Tốt hơn những trò đó nên được dùng vào những việc có quy mô hẹp hơn, nơi mà lỗi lầm hoặc những toan tính sai lệch sẽ không gây ra hậu quả thảm khốc.

    Cuối cùng, có nhiều trường hợp ta không nên che đậy sự dính líu hoặc trách nhiệm của mình, mà phải đứng ra nhận lỗi. Nếu đang nắm quyền lực và hoàn toàn làm chủ quyền lực ấy, thỉnh thoảng ta cũng nên đóng vai kẻ ăn năn: Ra vẻ khẩn thiết, ta xin người yếu hơn mình tha lỗi. Đó là thủ đoạn của vị vua làm bộ hy sinh vì lợi ích nhân dân. Tương tự như thế, đối khi bạn cũng nên thủ vai kẻ trừng phạt để làm cho cấp dưới run sợ. Thay vì tay mèo, ta dùng chính bàn tay hùng mạnh của mình trong một động tác đe dọa. Chiêu này nên sử dụng một cách dè sẻn. Dùng quá nhiều thì sợ hãi sẽ biến thành ganh ghét, có nguy cơ dấy lên sự chống đối quyết liệt, đến ngày nào đó sẽ hạ bệ ta. Vậy hãy học cho quen thói dùng tay sai – như vậy an toàn hơn.
     
  9. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 27: Thao Túng Nhu Cầu Về Niềm Tin

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Con người có nhu cầu khẩn thiết phải tin vào điều gì đó. Bạn hãy trở thành tâm điểm của nhu cầu ấy bằng cách giương cao một đại nghĩa, một niềm tin mới để họ tuân theo. Hãy nói với họ bằng những lời mơ hồ nhưng đầy hứa hẹn, nhấn mạnh sự nhiệt tâm thay vì lý trí và tư duy rành mạch. Hãy tạo cho môn đệ của bạn những nghi thức mới để họ thực hành, yêu cầu họ phải hy sinh vì bạn. Tận dụng sự thiếu vắng một tôn giáo có tổ chức và một đại nghĩa, hệ thống niềm tin mới do bạn đề ra sẽ mang đến cho bạn quyền lực vô song.

    KHOA LANG BĂM, HAY LÀ NĂM BƯỚC ĐỂ TẠO RA MỘT GIÁO PHÁI

    Khi đi tìm những phương pháp khả dĩ mang đến cho mình quyền lực hùng mạnh nhất nhưng chỉ cần nỗ lực ít ỏi nhất, bạn sẽ nhận thấy rằng việc tạo ra một cái gì đó na ná như giáo phái với một đám môn đệ sẽ là phương pháp hiệu quả nhất. Có được đông đảo môn đệ sẽ mở rộng nhiều khả năng lừa đảo: đám môn đệ ấy không chỉ tôn sùng bạn, họ còn bảo vệ bạn chống lại kẻ thù và sẽ tự nguyện gánh vác công việc rù quến người khác đi theo giáo phái mới ra ràng. Loại quyền lực này sẽ nâng bạn lên một tầng cao mới: Bạn sẽ không còn cần đấu tranh hoặc dùng thủ đoạn để củng cố ý chí của mình. Bạn đang được tôn sùng, và những môn đệ tin rằng bạn không thể làm sai.

    Có thể bạn nghĩ việc tạo ra đám môn đệ như vậy thật quá khó như dời núi, nhưng trên thực tế điều đó rất dễ. Con người chúng ta ai cũng khao khát điên cuồng phải tin vào điều gì đó, bất cứ điều gì. Vì vậy chúng ta rất nhẹ dạ: Đơn giản là ta không thể chịu đựng được khoảng thời gian nghi ngờ kéo dài, hoặc khoảng trống khi không có gì để tin cả. Chỉ cần phe phẩy trước mắt ta một chính nghĩa mới, một thần dược, phương pháp làm giàu mới, hoặc khuynh hướng công nghệ hay phong trào nghệ thuật mới là ta sẽ nhảy lên đớp mồi ngay. Hãy nhìn lại lịch sử: Những biên niên về khuynh hướng mới, giáo phái mới thu phục được đông đảo người theo, những biên niên ấy có thể chất đầy một thư viện. Sau vài thế kỷ, vài thập niên, vài năm, vài tháng, những khuynh hướng ấy có thể sẽ trông khá dị hợm, song vào lúc mới ra đời chúng hấp dẫn làm sao, phi phàm và thần thánh làm sao.

    Luôn đổ xô đi tìm cái gì đó để tin, chúng ta đã sản xuất ra các thánh thần và niềm tin từ con số không. Đừng bỏ phí nguồn nhẹ dạ ấy: Hãy tự biến mình thành đối tượng được ngưỡng vọng. Hãy khiến mọi người tạo nên một sự tôn thờ quanh ta.

    Những tay lang băm ở các thế kỷ XVI và XVII đều là bậc thầy về việc tạo ra sùng bái, giáo phái. Lúc ấy họ đang sống trong thời kỳ chuyển tiếp: khoa học đang thắng thế, còn tôn giáo buồn như vầng trăng khuyết. Dân chúng có nhu cầu tập hợp dưới lá cờ một đại nghĩa hoặc niềm tin mới. Bọn lang băm bắt đầu bằng việc bán rao những lọ thần dược trị bá bệnh. Đi từ thị trấn này sang làng mạc khác, thoạt tiên họ chỉ để ý từng nhóm nhỏ, mãi cho đến khi tình cờ họ phát hiện ra sự thật về bản chất con người: Quy tụ được càng đông quần chúng thì càng dễ bịp.

    Tay lang băm sẽ đứng trên một bục gỗ cao, rồi dân chúng bu quanh. Trong đám đông, mọi người sẽ có khuynh hướng tuân theo cảm xúc chứ không lắng nghe lý trí. Nếu tay lang băm nói chuyện riêng với từng người thì họ sẽ thấy hắn buồn cười, nhưng giữa đám đông, họ bị mắc trong cái bẫy tâm trạng tập thể là say mê chăm chú. Họ sẽ không có đủ cự ly cần thiết để ngờ vực. Mọi khiếm khuyết trong ý tưởng của tay lang băm đều bị nhiệt tình của đám đông che phủ. Niềm say mê và hăng hái quét qua đám đông như một trận dịch và đám đông sẽ phản ứng hung bạo với người nào dám gieo hạt giống nghi ngờ. Chủ động nghiên cứu động lực ấy suốt hàng chục năm kinh nghiệm và đồng thời áp dụng linh hoạt theo tình huống, giới lang băm đã hoàn chỉnh khoa thu hút và giữ chân đám đông, biến đám đông thành môn đồ và môn đồ thành giáo phái.

    Với chúng ta, những cái mánh của giới lang băm xưa kia có vẻ cổ lỗ sĩ, nhưng giữa chúng ta ngày nay vẫn đầy dẫy đủ hạng lang băm, họ vẫn dùng những cái mánh mà tổ tiên họ từng hoàn chỉnh cách nay nhiều thế kỷ, chỉ khác là đổi tên thần dược và hiện đại hóa dáng vẻ của giáo phái họ chế ra. Những lang băm như thế có mặt đều khắp các lĩnh vực – kinh doanh, thời trang, chính trị, nghệ thuật. Có thể là nhiều người trong số họ tuy theo truyền thống lang băm nhưng không biết về lịch sử lang băm; song về phần bạn, bạn có thể thẳng thừng hơn, hệ thống hơn. Bạn chỉ cần theo năm bước sau đây để tạo ra sự tôn sùng.

    Bước 1: Nói năng mơ hồ và đơn giản. Muốn tạo nên sự tôn sùng trước tiên bạn phải thu hút chú ý. Muốn vậy bạn không nên làm bằng hành động, vì hành động dễ thấy và dễ giải đoán, nhưng phải bằng lời nói, vốn mơ hồ và trí trá. Những lời nói, bài giảng, phỏng vấn đầu tiên của bạn phải có hai yếu tố: Một mặt hứa hẹn sự thay đổi lớn lao, mặt khác phải hoàn toàn mơ hồ. Sự phối hợp này sẽ dấy lên đủ loại mộng mơ huyền hoặc trong lòng người nghe, từ đó họ sẽ tự động thiết lập các liên kết và thấy điều họ muốn thấy.

    Muốn cho lời nói mơ hồ được hấp dẫn, hãy sử dụng những từ kêu to nhưng tối nghĩa, những từ nóng bỏng như có lửa. Với những điều đơn giản nhất bạn cũng đặt tên nghe thật kêu, hãy sử dụng các con số, hãy tạo ra nhiều tên mới cho những khái niệm mơ hồ. Tất cả những thứ vừa kể sẽ tạo nên ấn tượng về tri thức đặc biệt, khiến mọi người tôn sùng bạn vì sự uyên thâm. Vì vậy hãy cố làm cho sự tôn sùng đó có vẻ mới toanh để ít người có thể hiểu được. Nếu được phối hợp đúng, những lời hứa hẹn mơ hồ, các khái niệm gợi ý mù mờ và lòng nhiệt thành sôi nổi sẽ khuấy động tâm hồn mọi người, và họ sẽ tập hợp quanh bạn.

    Nếu nói quá mơ hồ thì mọi người khó tin. Nhưng nếu nói rõ thì càng nguy hiểm hơn. Chẳng hạn nếu bạn giải thích rõ những lợi lộc mà mọi người có được khi theo giáo phái của bạn thì sau này bạn buộc phải giữ lời hứa ấy.

    Lời kêu gọi của bạn cũng phải đơn giản. Vấn đề của hầu hết mọi người đều có căn nguyên phức tạp: Những triệu chứng thần kinh thâm sâu, các yếu tố xã hội đan kết nhau, những cội rễ xa xôi trong quá khứ rất khó lần ra. Ít người nào đủ kiên nhẫn ngồi lại nghiên cứu từng chi tiết như thế, họ muốn biết có một giải pháp đơn giản cho bài toán của họ. Khả năng đề ra giải pháp ấy sẽ mang đến quyền lực lớn lao và một đám môn đệ. Thay vì dùng những diễn giải của cuộc sống hôm nay, bạn hãy dùng lại các giải pháp sơ khai của tổ tiên ta, dùng lại những bài thuốc gia truyền, những thần phương trị bá bệnh.

    Bước 2: Đặt những cảm nhận của giác quan cao hơn lý trí. Một khi thiên hạ đã bắt đầu tụ hội quanh bạn, sẽ xuất hiện hai mối nguy: sự buồn chán và hoài nghi. Nếu buồn chán, thiên hạ sẽ đi chỗ khác; còn hoài nghi thì tạo cho họ một cự ly để suy nghĩ sáng suốt về những gì bạn rao giảng, thổi tan mất màn sương mà bạn đã dày công tạo dựng, từ đó lột trần những ý tưởng của ta. Vì vậy ta phải giải sầu với người buồn chán và phòng ngừa bọn hoài nghi.

    Ta hãy dùng những thủ thuật của sân khấu để tạo cho mình vầng hào quang rực rỡ, làm lóa mắt môn đồ bằng hiệu ứng thị giác, để cho họ được no con mắt. Thủ thuật này không chỉ làm cho họ không nhìn thấy sự lố bịch của các ý tưởng, những lỗ hổng trong hệ thống niềm tin của ta, mà nó còn thu hút thêm nhiều sự chú ý, hấp dẫn thêm nhiều môn đệ. Hãy mời gọi tất cả các giác quan: Sử dụng nhang khỏi huyền ảo, âm nhạc du dương, những hình ảnh hoặc màu sắc thích hợp để mê hoặc họ. Thậm chí ta có thể đùa một tí với trí não, chẳng hạn như sử dụng vài thiết bị công nghệ mới để làm cho giáo phái có mã khoa học – miễn là ta làm sao cho mọi người đừng có cơ hội tư duy đúng đắn. Hãy sử dụng văn hóa hương xa – phong tục kỳ thú, nghi thức lạ lùng – để tạo ra hiệu quả sân khấu, làm cho những gì tầm thường nhất cũng mang dấu ấn của đấng phi thường.

    Bước 3: Vay mượn từ các tôn giáo có tổ chức để cấu trúc hóa giáo phái của mình. Đám môn đệ ngày càng đông đảo nên ta phải thiết lập tổ chức hẳn hoi. Tìm ra cách cho mọi người hân hoan và an lạc. Từ lâu, các tôn giáo có tổ chức đã trao quyền lực cho một số người, và môn đồ không được phép chất vần về quyền lực này. Ngày nay các tôn giáo ấy vẫn tiếp tục truyền thống như vậy trong thời đại được xem là thế tục của chúng ta. Và mặc dù bản thân tôn giáo đã ít nhiều nhợt nhạt, song những hình thức ấy vẫn vang vọng quyền năng. Những tôn giáo đó có thể được khai thác mãi mãi. Hãy đề ra nghi thức cho đám môn đồ; tổ chức họ theo hệ thống tôn ti, xếp loại họ theo phẩm trật đạo hạnh và ban tặng họ những chức danh sặc mùi tôn giáo; yêu cầu họ phải hy sinh để chứng tỏ lòng thành, nhờ vậy ta mới vơ vét cho đầy két sắt và từ đó quyền lực tăng cao. Để nhấn mạnh bản chất gần như là tôn giáo của tập thể do ta tạo ra, ta hãy nói năng và hành động như đấng tiên tri. Nói cho cùng thì ta đâu phải là nhà độc tài, ta là thầy tế, là nhà hiền triết, là guru, là shaman, là bất cứ từ nào có khả năng che đậy quyền lực thực sự của ta trong màn sương tôn giáo.

    Bước 4: Ngụy trang nguồn thu nhập. Tập thể của ta lớn mạnh và ta đã cấu trúc nó giống như nhà thờ. Két sắt của ta bắt đầu đầy những tiền hiến cúng của các đồ đệ. Nhưng ta đừng bao giờ tỏ ra khát tiền và cần đến quyền lực của đồng tiền. Chính vào lúc này ta nên ngụy trang nguồn thu nhập.

    Các môn đồ muốn tin rằng khi theo ta, họ sẽ được mọi thứ tốt lành từ trên trời rơi xuống. Bằng cách sống trong sự xa hoa, ta trở nên bằng chứng sống động rằng hệ thống niềm tin do ta đề xướng là có giá trị thực tiễn. Đừng bao giờ để môn đồ biết rằng sự giàu sang của ta đến từ núi tiền của họ, ngược lại hãy diễn cho họ tin rằng ta phú quý là nhờ việc thực hành các phương pháp của giáo phái. Môn đồ sẽ răm rắp bắt chước từng cử chỉ của ta với hy vọng là họ sẽ được như ta, và lòng nhiệt thành sẽ che mắt khiến họ không phát hiện ra bản chất lừa bịp của ta.

    Bước 5: Thiết lập một động lực ta-chống-lại-chúng. Nhóm giáo phái của ta giờ đang ăn nên làm ra, tựa như nam châm hút sắt. Tuy nhiên nếu ta không cẩn thận thì nhóm sẽ bị tính ì, thời gian và sự buồn chán sẽ làm suy giảm lực hút của nhóm. Để giữ chất keo đoàn kết giữa các môn đồ, ta hãy làm điều mà bất kỳ tôn giáo hoặc hệ thống niềm tin nào cũng làm: Tạo ra một động lực ta-chống-lại-chúng.

    Trước tiên, làm cho môn đồ tin rằng họ thuộc về một tập thể đặc biệt, đoàn kết hướng về những mục tiêu chung. Rồi để củng cố sự đoàn kết ấy, ta hãy tạo ra ý niệm về một kẻ thù quỷ quyệt đang rắp tâm hãm hại giáo chủ. Vì luôn có kẻ ngoài đạo muốn phá rối ta, nên lúc ấy nếu có bất kỳ người nào muốn lật tẩy tính chất bịp bợm của hệ thống niềm tin của ta, thì ta tha hồ chỉ mặt đặt tên hắn là sứ giả của quỷ dữ.

    Nếu chưa có kẻ thù, hãy tạo ra kẻ thù. Nếu có được một mục tiêu để nhắm đến, các môn đồ của ta sẽ siết chặt hàng ngũ và đoàn kết lại. Họ có đại nghĩa của ta để tin và bọn ngoại đạo để tiêu diệt.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Borri thấy thánh hiện

    Vào năm 1653 có chàng trai 27 tuổi ở vùng Milan tên là Francesco Giuseppe Borri tuyên bố là mình vừa thấy thánh hiện. Anh ta đi khắp thị trấn loan truyền là thiên thần Michael vừa hiện ra và bảo rằng mình được chọn làm capitano generale cho quân đội của Giáo hoàng mới, đội quân sẽ tiến chiếm và mang lại sức sống mới cho thế giới này. Thiên thần còn cho biết là giờ đây Borri có được khả năng nhìn thấu lòng người, và mình sắp tìm ra viên đá hóa vàng, một vật lâu nay biết bao người đi tìm nhưng chưa thấy. Những bạn bè người quen nào nghe được Borri giảng giải viễn ảnh vừa kể, và chứng kiến được sự thay đổi của anh ta, họ đều rất ấn tượng. Trước nay cả đời sa đà cờ bạc rượu chè trai gái, nhưng giờ đây anh ta từ bỏ tất cả, lao mình vào nghiên cứu thuật giả kim, và nếu nói chuyện là chỉ nói về thần thông và bí pháp.

    Sự thay đổi sao đột ngột như phép mầu, và những lời Borri thốt ra nghe sao nóng bỏng nên nhiều người theo anh ta. Nhưng không may là ban thanh tra dị giáo của Giáo hội Italia cũng bắt đầu để ý nên Borri phải lang thang khắp châu Âu, bảo với mọi người rằng “Ai theo chân ta sẽ được ban thưởng hoan lạc”. Đi đến đâu anh ta cũng thu phục được đồ đệ. Phương pháp Borri khá đơn giản: Anh ta thuật lại cái viễn ảnh mình nhìn thấy, với mắm muối ngày càng thêm vào nhiều hơn. Ngoài ra Bori còn biểu diễn màn nhìn sâu vào tâm hồn những ai tin tưởng. Giả vờ xuất thần, anh ta nhìn trừng trừng vào mặt người đối diện và bảo là đã nhìn thấy linh hồn họ, cho biết họ chiêm nghiệm đến đâu và tiềm năng nên thánh. Nếu người này có tiềm năng hứa hẹn, Borri sẽ cho họ gia nhập giáo phái và đó tất nhiên là một vinh dự.

    Tất cả các môn đồ đều phải giữ đức khó nghèo, mọi tiền bạc của cải đều phải giao nộp cho sư phụ Borri. Nhưng họ cũng không mấy quan ngại bởi vì anh ta đã hứa sớm tìm ra viên đá hoá vàng, có nghĩa là tất cả mọi người đều muốn có bao nhiêu vàng cũng được.

    Với thu nhập ngày càng tăng, Borri bắt đầu thay đổi lối sống, đắm mình trong nhung lụa xa hoa, ngày càng thu thêm nhiều môn đệ và càng giàu sang gấp bội. Tăm tiếng Borri vang tận bốn phương, mặc dù anh ta chưa làm được điều gì cụ thể. Những người mới tới chứng kiến cảnh giàu sang thì đồn lại rằng anh ta đã tìm được viên đá hóa vàng, chứ không biết rằng những nhung gấm ấy xuất phát từ tiền tài của đám môn đệ cũ. Giáo hội tiếp tục săn đuổi Borri và anh ta chỉ đáp lại bằng thái độ im lặng đầy tôn quý, điều làm cho môn đồ càng thêm kính trọng và say mê.

    Đến ngày kia Borri ẵm hết tiền bạc và kim cương (anh ta tuyên bố mình có khả năng hàn gắn vết nứt trong kim cương bằng thần lực trí tuệ) của môn đồ rồi bỏ trốn khỏi Amsterdam. Cuối cùng thì ban thanh tra dị giáo cũng bắt được anh ta và suốt hai mươi năm còn lại Borri phải ngồi xà lim tại Rome. Nhưng cho đến ngày cuối cùng vẫn có người tin vào quyền lực thần bí của anh ta, và trong đoàn khách viếng còn có cả hoàng hậu Christina của Thụy Điển. Những người giàu có đó cúng cấp tiền bạc để anh ta tiếp tục truy tìm hòn đá hóa vàng.

    Diễn giải

    Trước khi thành lập giáo phái, hình như Borri vô tình vớ phải một khám phá sinh tử. Quá mệt mỏi với cuộc đời trác táng, anh ta quyết từ bỏ nó để tìm hiểu ma thuật, vốn là mối ham thích thật sự. Tuy nhiên có lẽ anh ta để ý là mỗi lần rêu rao rằng chính thần linh đã khuyên bảo mình thay đổi lối sống thì hình như thiên hạ muốn nghe thêm. Nhận thức được quyền lực mà mình có khả năng thủ đắc bằng điều thần bí, Borri lại thêm mắm muối bằng ba cái việc thấy nọ thấy kia. Thiên đàng càng khó tin, nhưng đòi hỏi hy sinh càng cao thì chuyện kể của anh ta càng hấp dẫn.

    Ta nên nhớ là mọi người không quan tâm đến sự thật trong những gì đang chuyển biến. Họ không muốn nghe rằng những chuyến biến ấy bắt nguồn từ công sức hoặc từ điều gì đó tầm thường như là vì buồn chán, vì nản lòng, hoặc kiệt sức vì tu luyện. Họ khao khát được nghe những gì lãng mạn hoặc thuộc thế giới bên kia. Hãy chiều lòng họ. Hãy nói về thần bí, về những màu sắc siêu nhiên và ta sẽ có người theo. Hãy thích nghi theo nhu cầu của thiên hạ: Đấng cứu thế phải phản ánh ao ước của môn đồ. Và ta luôn nhớ là phải nhắm thật cao. Ảo ảnh càng to lớn và táo bạo thì đích nhắm càng có hiệu quả.

    Bác sĩ núi Michael Schüppach

    Vào giữa thập niên 1700, giới a la mốt ở châu Âu đồn đại về chuyện một bác sĩ nông thôn người Thụy Sĩ tên là Michael Schüppach thường thực hành một dạng y khoa khác: Ông ta dùng sức mạnh của thiên nhiên để chữa trị thật ngoạn mục như phép lạ. Chẳng bao lâu sau những người khá giả từ khắp châu lục, cho dù bệnh nặng hay nhẹ đều đổ xô về ngồi làng Langnau trên núi Alpes, nơi Schüppach sống và làm việc. Lê bước suốt vùng núi quanh co, họ chứng kiến những cảnh quan hùng vĩ nhất châu Âu. Khi đến được Langnau, họ cảm thấy trong người đã có thay đổi và đang trên đà thuyên giảm.

    Được mọi người gọi là “bác sĩ núi”, Schüppach làm chủ một tiệm thuốc tây trong thị trấn. Tiệm thuốc luôn là một cảnh tượng lạ lùng: hàng hàng lớp lớp cư dân đến từ nhiều nước đứng ngồi chật cứng căn phòng nhỏ, với những kệ treo tường đầy những chai lọ nhiều màu dược thảo. Trong khi hầu hết các bác sĩ thời đó đều kê những phương thuốc hôi rình có tên viết bằng tiếng Latinh khó hiểu (mà thời nay cũng vậy), thì biệt dược của Schüppach mang tên nôm na như “Dầu của niềm vui”, “Tâm của chiếc hoa nhỏ bé”, hoặc “Chống lại quỷ dữ”, và chúng thơm tho ngọt dịu.

    Bệnh nhân đến Langnau phải kiên nhẫn chờ lâu mới tới phiên mình, bởi vì hàng ngày có khoảng tám chục tùy phái mang đến nhiều lọ nước tiểu lấy mẫu từ mọi vùng ở châu Âu. Schüppach bảo là mình có thể định bệnh chỉ bằng cách nhìn mẫu nước tiểu và đọc thư mô tả bệnh tình của bạn. Sau khi giải quyết xong hết những mẫu nước tiểu ấy, nếu còn trống được một phút thì bác sĩ mới cho bệnh nhân vào. Rồi ông cũng xem xét mẫu nước tiểu, bảo người bệnh rằng chỉ cần chừng đó ông cũng biết được điều cần biết. Schüppach nói người dân ở nông thôn có tri giác với những việc như thế - hiểu biết của họ đến từ một cuộc sống đơn giản và thanh bạch, không như cuộc sống phức tạp chốn thị thành. Phần chẩn đoán bao gồm cả việc bàn bạc với bệnh nhân về cách làm cho tâm hồn hòa hợp hơn với thiên nhiên.

    Schüppach đề ra nhiều hình thức xử lý, hình thức nào cũng khác xa với y học thường dùng thời bấy giờ. Chẳng hạn như ông ta tin vào liệu pháp sốc điện. Nếu có người hỏi liệu pháp này có hợp với niềm tin của ông vào năng lực thiên nhiên, ông sẽ giải thích rằng điện là hiện tượng tự nhiên, và đơn giản là ông chỉ phỏng theo sức mạnh của sấm sét.

    Một bệnh nhận tin rằng mình bị bảy con quỷ dựa. Bác sĩ dùng liệu pháp sốc điện, và trong khi thực hành, ông cho biết mình chứng kiến từng con quỷ bay ra khỏi thân xác bệnh nhân. Một bệnh nhân khác bảo là mình đã nuốt chửng một xe rơm luôn cả người cầm lái, vì vậy hiện anh rất đau ngực. Bác sĩ núi kiên nhẫn lắng nghe, phụ họa thêm rằng ông còn nghe thấy tiếng roi quất ngựa trong bụng anh ta. Ông hứa sẽ chữa khỏi, cho anh ta một liều thuốc xổ và thuốc an thần. Ra ngồi chờ bên ngoài tiệm thuốc, anh ta ngủ quên và khi tỉnh dậy liền ói tồ tồ. Cùng lúc đó một chiếc xe chở rơm chạy ngang qua (Schüppach đã mướn người điều khiển xe), và tiếng roi quất ngựa làm bệnh nhân tưởng là bác sĩ vừa giúp mình trục được nó.

    Thanh danh bác sĩ núi tăng dần theo năm tháng. Ngay cả những người nổi tiếng - chẳng hạn như văn hào Goethe – cũng hành hương tới tận làng Langnau, và bác sĩ trở thành trung tâm của việc sùng bái thiên nhiên, mà theo đó bất kỳ cái gì thiên nhiên cũng đáng để được tôn thờ. Schüppach chủ ý tạo ra những hiệu ứng vừa tiêu khiển vừa làm cho bệnh nhân hào hứng. Có vị giáo sư sau khi viếng bác sĩ xong đã viết “Người thì đứng hoặc ngồi chung từng nhóm, người thì chơi bài, đôi khi chơi với một thiếu nữ; rồi một buổi hòa nhạc diễn ra, hoặc bữa ăn trưa hay ăn tối, hoặc giải người ta biểu diễn màn ba lê nhỏ. Đâu đâu cũng đầy sự thong dong tự nhiên, hòa với niềm vui thú của giới thượng lưu, và cho dù vị bác sĩ không thể chữa được bệnh nào thì ít ra ông cũng trị được bệnh tưởng và chứng hay ngất xỉu.”

    Diễn giải

    Schüppach bắt đầu sự nghiệp như là một bác sĩ thôn làng bình thường. Đôi lúc ông cũng áp dụng vài bài thuốc địa phương mà ông từng biết từ thuở nhỏ và có vẻ như được vài kết quả, rồi từ đó các thảo dược và hình thức trị liệu tự nhiên trở thành chuyên môn của ông. Và quả thật hình thức trị liệu tự nhiên ấy đã tác động sâu xa đến tâm lý bệnh nhân. Trong khi những loại thuốc thời đó làm cho người ta vừa đau vừa sợ thì cách của Schüppach lại nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Kết quả là tâm trạng người bệnh được cải thiện, và đó chính là mấu chốt của việc trị liệu theo Schüppach. Bệnh nhân tin thầy thuốc đến mức ý chí giúp họ thuyên giảm. Thay vì mang những ý tưởng ấm ớ của họ ra làm trò cười, Schüppach lại sử dụng chính bệnh tưởng của họ để làm ra vẻ là vừa thực hiện được cuộc trị liệu lớn lao.

    Trường hợp bác sĩ núi dạy chúng ta nhiều bài học giá trị trong việc tạo ra một đám môn đồ. Trước tiên, ta phải tìm cách để nắm bắt tâm ý mọi người, làm cho lòng tin của họ vào quyền lực của ta đủ mạnh để tưởng tượng đủ thứ lợi lộc. Niềm tin đó sẽ tự hoàn thành ước nguyện, nhưng ta phải khéo sắp xếp như thế nào để họ tin rằng chính ta, chứ không phải tự họ đã làm nên sự thay đổi. Ta phải tìm ra loại niềm tin, đại nghĩa hoặc ý tưởng lạ lùng nào làm cho họ tin tưởng đam mê và họ sẽ tưởng tượng nốt phần còn lại, rồi tôn sùng ta như sư phụ, như đấng tiên tri, như thần y, như thiên tài, như bất cứ những gì ta muốn.

    Thứ hai, Schüppach dạy ta bài học về quyền lực vô tận của niềm tin vào thiên nhiên, vào những gì đơn giản. Thật ra thiên nhiên đầy những điều khủng khiếp – thú dữ, cây độc, thiên tai, dịch họa. Niềm tin vào đặc tính chữa lành và xoa dịu của thiên nhiên chỉ là một truyền thuyết nhân tạo, một khuynh hướng lãng mạn. Nhưng ta cứ nhân danh thiên nhiên để gom thu quyền lực, đặc biệt trong những thời buổi phức tạp và căng thẳng.

    Tuy nhiên bạn nhớ xử lý khéo léo lời kêu gọi hoặc nhân danh đó. Hãy tạo ra một thứ sân khấu của thiên nhiên mà trong đó bạn làm đạo diễn, để có cơ chọn lựa những đặc điểm nào phù hợp với tính lãng mạn của tình thế. Bác sĩ núi đã đóng vai này thật hoàn hảo, tận dụng sự khôn ngoan láu lỉnh của người địa phương. Thay vì biến mình làm một với thiên nhiên, ông nhào nặn thiên nhiên thành một thứ như là giáo phái, một cấu trúc nhân tạo. Muốn có được hiệu ứng “tự nhiên” bạn phải tốn công sức làm sao cho thiên nhiên thật kịch tính và mang màu lạc thú. Nếu không chẳng ai thèm để ý. Cả thiên nhiên cũng phải biết tiến bộ, biết theo thời.

    Từ tính Mesmer

    Vào năm 1788 khi đã 55 tuổi, bác sĩ Franz Mesmer đang đứng ở ngã tư đường. Ông là nhà tiên phong trong việc nghiên cứu từ lực động vật - niềm tin rằng động vật có vật liệu từ tính, và nếu biết cách tác động thích hợp, bác sĩ sẽ trị liệu như thần – nhưng tại Vienna nơi ông sinh sống, các lý thuyết của ông bị giới y học bêu riếu. Mesmer cho biết mình đã thành công trong một số trường hợp xử lý những phụ nữ bị co giật. Thành tựu mà ông tự hào nhất là phục hồi thị giác cho một cô gái mù. Nhưng một bác sĩ khác khám lại và tuyên bố cô gái vẫn còn mù, điều mà cô nhìn nhận. Mesmer tuyên bố rằng các đối thủ cố tình vu cáo ông bằng cách lôi kéo cô gái về phe họ. Tuyên bố này chỉ làm ông lố bịch thêm mà thôi. Rõ ràng là tâm lý dân Vienna không thích hợp với các lý thuyết của ông, do đó ông quyết dời đến Paris để làm lại từ đầu.

    Mesmer thuê một căn hộ và trang trí thật phù hợp. Hầu hết cửa sổ đều gắn kính mờ để tạo ra vẻ huyền bí thiêng liêng, và những tấm gương quanh tường tăng thêm hiệu ứng thôi miên. Vị bác sĩ mời mọi người, nhất là những ai bị chứng u sầu hãy đến phòng mạch xem ông chứng minh sức mạnh của từ tính động vật. Không lâu sau mọi tầng lớp dân Paris (nhưng hầu hết là phụ nữ) đến phòng mạch của Mesmer để trả tiền vào xem phép lạ mà ông đã hứa hẹn.

    Bên trong, mùi thơm hoa cam hòa lẫn với nhang khói hương xa được thổi ra từ những lỗ khó thấy. Tiếng đàn harp du dương và giọng ru êm của một nữ ca sĩ từ một phòng gần đó vang lên. Giữa phòng là một chậu nước to mà Mesmer cho biết đã được từ hóa, trong đó có nhiều thanh kim loại thò ra. Khách được mời ngồi quanh chậu, đặt một đầu thanh kim loại vào chỗ nào đau trên người, trong khi tất cả đều nắm lấy tay nhau thành một vòng khép kín để từ lực di chuyển từ người này sang người khác. Đôi khi họ còn được nối với nhau bằng dây. Sau đó Mesmer ra khỏi phòng, nhường chỗ cho các “phụ tá” đẹp trai và lực lưỡng ôm nhiều chậu nước từ hóa vào rải lên đám đông, chà xát chất lỏng thần kỳ đó lên người họ, xoa bóp cho thấm vào da, đưa họ tiến đến một trạng thái gần như là xuất thần. Chỉ sau vài phút, các phụ nữ gần như bị mê cuồng: Một vài người bật khóc, kẻ khác lại vừa thét vừa bứt tóc, đằng kia có người cười lên lanh lảnh. Khi cơn mê sảng lên đến đỉnh cao, Mesmer trở vào phòng trong bộ áo lụa thêu hoa vàng, tay cầm thanh kim loại từ tính. Ông đi quanh khẽ đặt thanh roi ấy lên từng người để giúp họ ổn định trở lại. Nhiều phụ nữ sau đó sẵn sàng công nhận quyền lực lạ lùng của tia nhìn Mesmer mà họ tin là có khả năng khuấy động hoặc bình ổn những chất lưu từ tính trong người họ.

    Chỉ vài tháng sau khi đến Paris, Mesmer đã trở thành cơn sốt của kinh thành. Trong số những người ủng hộ ông có cả đương kim hoàng hậu Marie Antoinette của vua Louis XVI. Cũng như tại Vienna, tập thể các chức sắc y học Paris lên án Mesmer, nhưng ông không hề hấn gì. Các đồ đệ và bệnh nhân của ông đều là những người trả sộp.

    Mesmer mở rộng các lý thuyết của mình, cho rằng từ lực có thể làm cho toàn thể nhân loại hài hòa, một ý niệm được rất nhiều người tán thưởng trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Sự tôn sùng “chủ thuyết Mesmer” tăng lên gần thành một giáo phái và lan rộng khắp nước Pháp. Tại nhiều thị trấn, những “Cộng đồng hòa hợp” mọc lên để thể nghiệm từ tính. Những cộng đồng này về sau rất nổi tiếng vì có khuynh hướng quá phóng túng, nhiều khi chuyển các buổi họp mặt thành một cuộc truy hoan tập thể.

    Vào lúc Mesmer nổi tiếng nhất, một ủy ban tại Pháp công bố bản báo cáo kết quả của nhiều năm thử nghiệm lý thuyết từ tính động vật: Các hiệu ứng từ tính đối với thể xác bắt nguồn từ việc tự kỷ ám thị và cuồng loạn tập thể. Báo cáo này dựa vào nhiều chứng cứ và thí nghiệm khoa học nghiêm chỉnh nên làm Mesmer sập tiệm. Ông phải lui về ở ẩn. Tuy nhiên chỉ vài năm sau nhiều người bắt chước ông hành nghề, và một lần nữa “giáo pháp Mesmer” (giờ được hiểu là thuật thôi miên) lại lan tràn, và số môn đồ đông đảo hơn bao giờ hết.

    Diễn giải

    Sự nghiệp của Mesmer có thể được chia thành hai giai đoạn. Khi còn ở Vienna, ông tin tưởng thật sự vào các lý thuyết của mình và làm mọi việc để chứng minh. Nhưng sự phản đối và dè bỉu của đồng nghiệp khiến ông đổi qua chiến lược khác. Ông sang Paris nơi không ai biết mình, và các lý thuyết lại đời của ông có đất sống mới. Rồi Mesmer tận dụng tính người Pháp hay ham mê kịch nghệ và những màn biểu diễn, ông biến phòng mạch của mình thành một thế giới kỳ diệu đầy những âm thanh màu sắc và mùi vị tê mê. Điểm đáng nói là từ nay trở đi ông chỉ ứng dụng từ tính lên cả nhóm người. Số đông thích hợp hơn cho tác động của từ tính, niềm tin người này sẽ lây lan sang người khác, áp đảo cá nhân nào còn chút nghi ngờ.

    Vì vậy từ tư thế một tín đồ của thuyết từ tính, Mesmer chuyển sang vai trò lang băm, sử dụng mọi mánh khóe giáo khoa để mê hoặc người xem. Mánh táo bạo nhất là thao túng những dục vọng sục sôi đang bị đè nén. Đặc tính truyền thống của nhóm là tìm kiếm sự hòa hợp nên họ dễ nhìn nhận sự tỉnh thức chung. Núp dưới bóng một sự nghiệp, một chính nghĩa hòa hợp, những dục vọng bị dồn nén ấy được thầy lang khai thác và thao túng để tư lợi.

    Đó là bài học mà Mesmer dạy ta: Khuynh hướng hay nghi, khoảng cách giúp ta tỉnh táo để suy xét, tất cả những thứ này đều bị quét sạch khi ta gia nhập nhóm. Sự ấm cúng và môi trường truyền lan của nhóm sẽ áp đảo cá nhân nào còn ngờ vực. Đó là loại quyền lực mà ta sẽ có khi tạo ra một sự tôn sùng. Ngoài ra khi tác động tới bản năng giới tính của thiên hạ, ta làm họ tưởng rằng những cảm xúc kích động đó là do quyền lực huyền bí của ta. Ta được quyền lực vô biên khi biết hướng những khát khao thầm kín của thiên hạ đến một hình thức hòa hợp lang chạ đầy lạc thú.

    Ta cũng đừng quên rằng các giáo phái hùng mạnh nhất đều pha trộn tôn giáo với khoa học. Hãy chộp lấy xu hướng công nghệ mới nhất đang được mốt, rồi pha vào một tí chính nghĩa, trộn thêm vài giọt lòng tin thần bí, ta sẽ được một hình thức chữa lành mới. Cái giáo phái hổ lốn của ta sẽ được người khác diễn giải rộng rãi, họ sẽ gán cho ta nhiều loại quyền lực mà ta sẽ ngạc nhiên là vì chưa bao giờ nghĩ tới.

    Hình ảnh:

    Thỏi nam châm. Một lực vô hình kéo những vật khác vào nam châm, chúng bị nam châm từ hóa, rồi chúng lại thu hút những vật khác, từ lực của cả khối luôn tăng lên. Nhưng chỉ cần lấy thỏi nam châm ban đầu đi là cả khối rã ra. Ta hãy trở thành thỏi nam châm là lực vô hình thu hút trí tưởng tượng của mọi người và liên kết họ lại. Khi họ đã tập hợp quanh ta rồi thì khó có sức mạnh nào kéo họ ra được.

    Ý kiến chuyên gia:

    Lang băm thành tựu được quyền lực lớn của mình đơn giản bằng cách mở ra một khả năng cho mọi người tin vào những gì mà họ đã muốn tin… Những người cả tin thì không thể giữ khoảng cách, họ bu quanh kẻ tạo phép lạ, họ bước vào vầng hào quang của hắn, tự động nộp mình cho ảo tưởng như bầy gia súc với thái độ rất trang trọng.

    (Grete de Francesco)

    NGHỊCH ĐẢO

    Một lý do để tạo ra môn đồ là vì một nhóm dễ bị bịp hơn là một cá nhân, và nhóm sẽ truyền ngược lại cho ta quyền lực đã được tăng cường. Tuy nhiên quyền lực này đi kèm với mối nguy: Một khi mà nhóm đã nhìn thấu được tim ta, ta sẽ phải đối mặt với không chỉ một cá nhân giận dữ mà cả một đám đông phẫn nộ sẵn sàng xé xác ta với nhiệt tình tận tụy ngang bằng với hồi họ theo ta. Bọn lang băm luôn đối mặt với nguy này và luôn trong tư thế sẵn sàng cuốn gói khi họ thấy những kẻ cả tin đã vỡ lẽ ra rằng mớ cao đơn hoàn tán hoàn toàn không tác dụng, còn ba thứ giáo điều đều láo toét. Hễ chậm chân thì họ trả giá bằng mạng sống. Lợi dụng đám đông tức là ta đùa với lửa, vì vậy luôn phải cảnh giác mọi tia lửa nghi ngờ, hoặc bất kỳ kẻ thù nào có khả năng vận dụng đám đông chống lại ta. Khi thao túng xúc cảm của đám đông, ta phải biết cách thích nghi, nhanh chóng rà đúng tần số của mọi tâm trạng và mong ước của nhóm. Ta phải nắm rõ tình hình, muốn sử dụng do thám cũng được, nhưng nhớ là khăn gói luôn phải sẵn sàng.

    Vì vậy có lẽ ta nên làm việc với từng người một. Cách ly họ khỏi môi trường quen thuộc cũng có cùng hiệu quả như việc đưa họ vào nhóm – lúc đó hẹ sẽ dễ bị ám thị và hù dọa hơn. Hãy chọn đúng kẻ khờ, và nếu lỡ hắn có phát hiện mưu đồ của ta thì ta cũng dễ thoát hơn là với đám đông.
     
  10. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 28: Phải Xuất Chiêu Thật Táo Bạo

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nếu không biết rõ chiều hướng sự việc, tốt hơn bạn không nên thử. Những nghi ngờ và do dự sẽ ảnh hưởng đến hành động của bạn. Nhút nhát sẽ là nguy hiểm, chẳng thà xuất chiêu thật táo bạo. Bất cứ lỗi nào lỡ phạm phải trong lúc táo bạo sẽ được dễ dàng sửa chữa bằng mức táo bạo cao hơn. Người nào cũng thán phục kẻ táo bạo, không ai tôn vinh kẻ nhút nhát.

    TÁO BẠO VÀ DO DỰ: SO SÁNH TÂM LÝ

    Sự táo bạo và do dự dấy lên những phản ứng tâm lý rất khác nhau nơi đối tượng: Sự do dự dựng nên nhiều chướng ngại trên đường đi của ta, còn táo bạo lại quét sạch chúng. Một khi hiểu điều này rồi, ta sẽ thấy cốt yếu là mình phải khắc phục tính nhút nhát bẩm sinh và thực hiện nghệ thuật của sự táo bạo. Dưới đây là những điểm tâm lý nổi bật nhất của sự táo bạo và nhút nhát.

    Lời nói dối càng táo bạo càng hiệu quả. Chúng ta ai cũng có điểm yếu, và nỗ lực của ta không bao giờ hoàn hảo. Nhưng nếu táo bạo ra tay, ta sẽ che giấu được nhược điểm. Các bậc thầy lừa đảo biết rằng lời nói dối càng táo bạo thì càng thuyết phục. Câu chuyện càng trơ tráo thì mọi người càng tin. Khi chuẩn bị lừa đảo hoặc sắp bước vào cuộc thương lượng, ta hãy nhấn sâu hơn dự kiến. Hãy đòi cho được mặt trăng và ta sẽ ngạc nhiên tại sao có được quá dễ dàng.

    Sư tử bao vây con mồi chần chừ. Giác quan thứ sáu của con người có thể phát hiện sự yếu đuối của kẻ khác. Nếu trong lần đầu tiên gặp gỡ mà ta đã tỏ ý muốn thỏa thuận hoặc thoái lui, ta sẽ mở cũi cho con sử từ trong lòng ngay cả những người không hề khát máu. Mọi thứ đều tùy vào tri giác ấy, và một khi bị phát hiện là người dễ bước lui, là người muốn mặc cả và dễ cúi đầu, ta sẽ bị xỏ mũi một cách không thương tiếc.

    Sự táo bạo giáng đòn sợ hãi, sợ hãi tạo ra uy quyền. Động tác táo bạo giúp ta trông lớn lao và mạnh mẽ hơn thực tế. Nếu động tác đó xảy ra đột ngột và nhanh chóng như rắn mổ, đối thủ còn sợ hơn nữa. Được như vậy, xem như ta thiết lập một tiền lệ: mỗi lần đụng độ, kẻ thù sẽ lâm vào thế thủ, lo âu về chiêu tiếp theo của ta.

    Đi không hết đường, làm không hết lòng là tự đào mồ. Nếu ra tay mà không được niềm tin trọn vẹn, ta đã tự dựng chướng ngại trên đường của mình. Khi gặp vấn đề, ta sẽ lúng túng, tưởng có nhiều lựa chọn nhưng thật ra thì không, từ đó tạo thêm nhiều vấn đề nữa. Nhác thấy thợ săn, chú thỏ rừng hoảng sợ đâm đầu chạy ngay vào bẫy sập.

    Do dự tạo kẽ hở, táo bạo bịt kín chúng. Khi phải mất thời gian suy nghĩ đắn đo, ta đã tạo ra kẽ hở, tạo cơ hội cho thiên hạ suy nghĩ. Cho dù đồng minh của ta có nhiệt huyết cách mấy thì sự nhút nhát của ta cũng lây sang họ, làm họ lúng túng. Rồi sự nghi ngờ sẽ bung ra từ mọi phía. Sự táo bạo sẽ bịt kín những khe hở ấy. Thao tác nhanh và hành động quyết liệt không chừa cho kẻ khác thời gian nghi ngờ và e ngại. Khi chinh phục, hễ do dự là ta chết – vì lúc đó đã bị nạn nhân phát hiện ý đồ.

    Sự táo bạo giúp ta nổi bật giữa đám cừu. Sự táo bạo giúp sự hiện diện của ta thêm phần cụ thể, biến ta to lớn hơn thực tế. Kẻ nhút nhát chìm mất trong nền giấy dán tường, còn người táo bạo thì thu hút sự chú ý, và điều gì thu hút chú ý thì thu hút quyền lực. Chúng ta không thể rời mắt khỏi kẻ gan dạ - ta luôn ngóng xem hành động táo bạo tiếp theo sẽ là gì.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Monsieur Lustig

    Vào năm 1925, năm trong số những đại gia thành công nhất trong ngành thu mua phế liệu ở Pháp bỗng được mời dự cuộc họp “chính thức” nhưng “hết sức bí mật” với ông phó một tổng cục thuộc Bộ Bưu điện. Cuộc họp được tổ chức tại Hotel Crillon, lúc đó là khách sạn sộp nhất Paris. Khi các đại gia tới, đích thân ông tổng cục trưởng, Monsieur Lustig, tiếp đón họ tại một dãy phòng sang trọng ở tầng chót.

    Các doanh gia không biết chủ đề của cuộc họp và tất cả đều thắc mắc. Sau tuần rượu khai vị, tổng giám đốc giải thích: “Thưa các vị, điều tôi sắp nói là vấn đề khẩn cấp, đòi hỏi bí mật tuyệt đối. Chính phủ sắp phải tháo dỡ nguyên ngọn tháp Eiffel.” Các đại gia sững sờ ngồi im lặng nghe tổng giám đốc nói tiếp rằng, như thông tin báo chí, hiện ngọn tháp hết sức cần được đại tu. Nhưng vì hiện nay nước Pháp đang trong giai đoạn khủng hoảng tài chính nên chính phủ không thể bỏ ra tiền triệu để trùng tu. Nhiều cư dân Paris coi bảo tháp này như cái gai đâm vào mắt và tỏ ý hoan hô nếu chính phủ dẹp quách nó đi. “Thưa các vị,” Lustig kết luận, “Chính phủ mời các vị đưa ra giá thầu hấp dẫn nhất cho tháp Eiffel.”

    Tổng giám đốc phát cho các doanh gia nhiều hồ sơ đầy số liệu, chủ yếu là khối lượng sắt thép của tháp. Họ trợn tròn mắt khi tính nhẩm số tiền kiếm được từ đống phế liệu ấy. Sau đó Lustig mời họ ra chiếc ô tô sang trọng đang chờ sẵn chở họ ra chân tháp. Mang vào một phù hiệu chính thức, ông ta dẫn họ tham quan một vòng khu vực, vừa đi vừa kể chuyện tiếu lâm. Đến lúc kiếu từ, ông cảm ơn và nhắc họ nhớ gửi hồ sơ dự thầu đến khách sạn trong vòng bốn ngày.

    Thời gian sau, đại gia P. nhận được thư thông báo mình là người trúng thầu, và để bảo đảm vụ mua bán, ông phải đến khách sạn trong vòng hai ngày, cầm theo tấm ngân phiếu hơn 250.000 franc (tương đương 1.000.000 USD hiện nay) - một phần tư giá bán. Điều kiện là khi giao ngân phiếu, ông sẽ nhận được tài liệu chứng nhận quyền sở hữu tháp Eiffel. Monsieur P. rất phấn khích, bởi lẽ lịch sử sẽ ghi nhận ông là người đã mua và tháo dỡ cái cột mốc khó ưa đó. Nhưng khi cầm ngân phiếu đến khách sạn, ông lại bắt đầu nghi ngờ về toàn bộ chuyện này. Tại sao lại gặp gỡ trong khách sạn thay vì trụ sở Nhà nước? Tại sao mình chưa nghe tăm hơi gì của các viên chức chính phủ khác? Hay đây chỉ là cú lừa? Trước khi Lustig đang bàn bạc các chi tiết tháo dỡ, doanh nhân do dự và tính chuyện rút lui.

    Nhưng đột nhiên ông nhận ra là ngài tổng cục trưởng vừa đổi giọng. Thay vì nói về ngọn tháp, ông ta lại than phiền về đồng lương không đủ sống, về việc bà xã ao ước có cái áo lông thú, nào là công việc nặng nhọc nhưng thu nhập không bao nhiêu. Ông P. chợt hiểu ra rằng ngài tổng cục trưởng đang muốn được hối lộ. Thay vì tức tối, đằng này ông nhẹ hẳn cả người. Giờ thì ông đã chắc ăn rằng nhân vật Lustig là thật, vì những quan chức Pháp trước đây ông từng liên hệ, người nào cũng đòi tí bôi trơn. Lấy lại được lòng tin, P. nhét cho ngài tổng cục trưởng vài vé, rồi trao ngài tờ ngân phiếu. Ngài Lustig giao cho P. toàn bộ hồ sơ tháp Eiffel, trong đó có một giấy chứng nhận mua bán trông thật ấn tượng. P. rời khách sạn với những hình ảnh vàng son về tiền tài và danh vọng sắp thu về.

    Tuy nhiên vài ngày sau trong khi chờ hồi đáp của chính phủ, ông ta ý thức rằng có điều gì đó không ổn. Chỉ vài cú điện thoại sau đó đã khẳng định là chẳng có tổng cục trưởng nào tên là Lustig cả, và cũng không có kế hoạch tháo dỡ Eiffel: Ông vừa bị bịp mất hơn 250.000 franc!

    Ông P. không bao giờ đến cảnh sát khai báo. Ông biết thanh danh mình sẽ ra sao nếu mọi người đồn đại rằng mình là nan nhận của một trong những cú lừa ngoạn mục nhất lịch sử. Ngoài sự nhục nhã nơi công cộng, còn là việc tự sát về mặt kinh doanh.

    >

    Diễn giải

    Nếu tay đại bịp Bá tước Victor Lustig thử rao bán Khải hoàn môn, một chiếc cầu trên sông Sein, một tượng bán thân của Balzac có lẽ sẽ không ai tin ông mà bị mắc lừa. Nhưng tháp Eiffel thì to lớn quá, không lẽ nào người ta lại trâng tráo lừa bịp bằng cách rao bán nó? Khả năng này thấp đến nỗi sáu tháng sau cú lừa kể trên, Lustig trở lại Paris để rao bán một lần nữa tháp Eiffel cho một tay buôn phế liệu khác với một giá cao hơn - số tiền đó ngày nay tương đương 1.500.000 USD!

    Mắt người ta bị lừa một khi quy mô quá lớn. Cái to lớn sẽ làm người ta phân tâm và sợ hãi, cái to lớn nó hiển nhiên đến mức chúng ta không thể tưởng tượng có ai đó mang ra lừa bịp. Vậy bạn hãy tự trang bị bằng sự to lớn và táo bạo - mở rộng cú lừa của bạn cho hết cỡ, rồi lại vượt qua cỡ đó. Nếu cảm thấy gã nhẹ dạ kia có nghi ngờ, bạn hãy làm như Lustig đã làm: Thay vì nhượng bộ, thay vì giảm giá, ông ta lại tăng giá, bằng cách yêu cầu và được hối lộ. Khi ta thừa thắng xông lên thì đối phương sẽ lui một bước, xem như ta đã loại trừ được tác động ăn mòn của sự thỏa hiệp và hiềm nghi.

    Ivan Bạo chúa

    Trong giờ phút lâm chung vào năm 1533, Vasily III, Thượng công vùng Moscow đồng thời là người trị vì một nước Nga bán thống nhất đã tuyên bố đưa con trai ba tuổi là Ivan IV làm người kế vị. Vợ ông là Helena được chỉ định nhiếp chính cho đến khi Ivan trưởng thành và có khả năng trị vì. Giới quý tộc - bọn boyar - mừng thầm trong bụng: Từ nhiều năm nay, các công tước vùng Moscow luôn ra sức mở rộng lãnh thổ sang lãnh địa của boyar. Với cái chết của Vasily, với đứa con mới ba tuổi và một thiếu phụ nhiếp chính, bọn boyar sẽ có cơ chiếm đoạt sở hữu của các vị công tước, giành quyền lãnh đạo đất nước và làm nhục hoàng gia.

    Sau 5 năm nhiếp chính, bỗng dưng Helena lăn đùng ra chết vì độc dược của gia tộc Shuisky, băng boyar đáng sợ nhất. Kế tiếp, bọn này giành chính quyền và giam lỏng Ivan trong cung điện.

    Và như thế năm lên tám tuổi, Ivan như một bóng ma thất thểu, rách rưới, đói khát ngay trong cung điện của mình, thường khi phải tránh mặt bọn Shuisky, nếu không sẽ phải ăn đòn. Thỉnh thoảng chúng lại truy cho ra Ivan, bắt nhà vua trẻ con mặc đủ long bào, cầm trượng và ngồi lên ngai vàng - một dạng chế giễu để chúng cười nhạo kỳ vọng làm vua của Ivan. Sau đó chúng lại suýt đuổi Ivan đi chỗ khác chơi. Tất cả những ai có quan hệ với Ivan đều bị ngược đãi tương tự, kể cả đức Tổng giám mục.

    Ivan phải liên tục ngậm đắng nuốt cay như thế. Bọn boyar xem như kế hoạch mình đã thành công: Ivan đã trở thành một thằng khờ khiếp đảm và ngoan ngoãn. Đến giai đoạn này thì chúng có thể yên tâm và bỏ mặc mà không cần theo dõi. Nhưng vào đêm 29 tháng 12 năm 1543, khi đó được 13 tuổi, Ivan mời vương tôn Andrei Shuisky đến phòng mình để tham vấn. Khi bước vào phòng, Shuisky kinh ngạc nhận thấy quân ngự lâm đông kín. Trỏ thẳng vào mặt Shuisky, Ivan ra lệnh bắt giam, sau đó hành quyết hắn rồi quăng thây cho đám chó săn trong cũi. Những ngày sau đó, tất cả những ai có liên quan mật thiết với Shuisky đều bị bắt. Không kịp trở tay vì sự táo bạo thần tốc, rất cả các boyar giờ đây sống trong sự khiếp đảm chết người đối với chàng trai đó, mà sau này được mệnh danh là Ivan Bạo chúa. Ivan đã trù hoạch và chờ đợi suốt 5 năm để thực hiện tiết mục táo bạo và thần tốc, bảo đảm quyền lực ổn định trong suốt nhiều thập niên tiếp theo.

    Diễn giải

    Thế giới này đầy dẫy các boyar - những người ghét bỏ ta, e sợ tham vọng của ta và khư khư ôm lấy cái vương quốc đang teo dần của họ. Ta muốn thiết lập quyền uy và nhận được sự kính trọng, nhưng khi vừa cảm thấy điều đó thì chúng lập tức ngăn cản bước tiến của ta. Khi gặp trường hợp tương tự, Ivan giả tảng, không tỏ ra giận dữ, không tiết lộ tham vọng. Khi thời cơ đến, Ivan ra đòn nhanh như chớp và bọn Shuisky không kịp phản ứng.

    Với bọn boyar, nếu thương lượng tức là ta tạo thời cơ cho chúng. Chúng sẽ biến sự thỏa thuận thành bàn đạp để tiến công ta. Ta phải ra tay nhanh chóng và táo bạo, không bàn bạc hoặc cảnh báo gì cả, như thế mới dẹp tan những bàn đạp ấy mà thiết lập uy quyền. Ta làm những ai từng hồ nghi và khinh miệt ta phải giật mình hoảng sợ, đồng thời chiếm được niềm tin của số đông luôn ngưỡng mộ và tôn vinh kẻ táo bạo.

    Tay biếm táo bạo

    Năm 1514, chàng trai Pietro Aretino 22 tuổi là kẻ giúp việc hèn mọn cho một gia đình La Mã giàu có. Anh có tham vọng trở thành cây bút sắc sảo, cho cả thế giới biết đến tên mình, nhưng làm sao mà một tên hầu vô danh lại có thể thành tựu những ước mơ ấy?

    Cùng năm đó, Giáo hoàng Leo X được Bồ Đào Nha gửi tặng nhiều món quà quý báu, mà nổi bật nhất là một con voi, con đầu tiên được nhìn thấy kể từ thời đế chế. Giáo hoàng rất thích con voi và làm mọi chuyện để săn sóc nó thật chu đáo. Nhưng dù vậy, thời gian sau voi Hanno vẫn bệnh nặng và chết.

    Chỉ vài ngày sau có bài viết được lưu truyền khắp La Mã khiến mọi người cười đau bụng. Với tựa đề “Ước nguyện cuối cùng và di chúc của voi Hanno”, sách có đoạn: “Tôi để lại cho người thừa kế là Hồng y Santa Croce cặp đầu gối để ông có thể bắt chước tôi quỳ… Để lại cho Hồng y Santi Quatro các quai hàm để ông dễ bề nhai nuốt tất cả tiền đóng góp… Để lại cho Hồng y Medici đôi tai, giúp ông nghe hết những chuyện của người khác...” Vì nổi tiếng háo sắc, Hồng y Grassi được voi truyền lại cho bộ phận tương ứng và to quá khổ trên thân thể.

    Bài viết cứ tiếp tục như thế và không chừa những gương mặt bự nào ở La Mã, ngay cả Giáo hoàng. Mỗi người đều bị biếm bằng chính cái thói hư tật xấu của họ. Bốn câu thơ cuối bài viết gián tiếp cho biết tác giả là Aretino xấu mồm xấu miệng.

    Diễn giải

    Chỉ với một bài chỉ trích, Aretino, một tên hầu và là con một ông thợ đóng giày đã nổi tiếng ngay. Tất cả mọi người ở La Mã đều đổ xô đi tìm hiểu xem ai là người táo bạo đó. Ngay cả Giáo hoàng cũng cảm thấy buồn cười vì sự dám làm ấy nên sai người tìm cho ra chàng trai và cuối cùng cũng cho anh ta một công việc trong tòa thánh. Sau này mọi người gọi Aretino là “Tai họa của các ông hoàng”, và ngòi bút chua ngoa của anh ta làm nhiều ông lớn phải e dè và ngán ngẩm, từ vua nước Pháp đến hoàng đế Habsburg.

    Chiến lược của Aretino thật đơn giản: Khi quá nhỏ bé và vô danh như David trước kia, ta hãy tấn công đối thủ cỡ Goliath. Mục tiêu càng to thì ta càng được chú ý. Cú tấn công càng táo bạo thì ta càng nổi bật khỏi đám đông và càng được ngưỡng mộ. Xã hội này đầy những kẻ dám nghĩ nhưng lại không dám làm. Bạn hãy nói lên những gì công chúng nghĩ - biểu lộ những cảm xúc được sẻ chia luôn là một sức mạnh. Hãy tìm ra mục tiêu to lớn nhất rồi bung cho hắn một phát ná mạnh bạo. Thế giới sẽ thích thú với cảnh này và hoan hô kẻ yếu thế - chính là bạn đấy.

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Hầu hết chúng ta đều nhút nhát. Ta tỏ ra dễ thương để tránh những căng thẳng và xung đột. Có thể ta muốn chuyện táo bạo nhưng ít khi dám ra tay. Ta sợ hậu quả, sợ ý kiến thiên hạ, sợ thái độ thù địch sẽ dấy lên nếu ta dám bước ra khỏi chỗ đứng thường lệ của mình.

    Mặc dù che giấu sự nhút nhát sau bức bình phong là nể nang người khác, là để không đụng chạm họ, nhưng thực tế lại khác – ta chỉ quan tâm đến bản thân, lo âu cho chính mình, e dè những gì người khác nghĩ. Ngược lại sự táo bạo lại hướng ra ngoài và làm cho chủ thể cảm thấy dễ chịu hơn, vì mức độ tự giác và dồn nén thấp hơn.

    Điều này dễ thấy ở lĩnh vực chinh phục. Kẻ tán gái giỏi nhất luôn là người mặt dày nhất. Sự táo bạo của Casanova không phải là việc ông ta dám xáp vô bất kỳ phụ nữ nào, không phải là những lời lẽ liều lĩnh để lung lạc nàng. Đó là khả năng dâng nộp mình hoàn toàn cho người đẹp và làm nàng tin rằng ông ta sẽ làm mọi thứ trên đời này vì nàng, thậm chí hy sinh cả tính mạng. Người phụ nữ được lựa chọn ấy biết rằng ông ta không giấu nàng bất cứ điều gì, và điều này rõ ràng là giá trị hơn những lời ca ngợi. Trong quá trình chinh phục, không bao giờ Casanova để lộ chút do dự hoặc hồ nghi, đơn giản bởi vì ông không có những xúc cảm ấy.

    Chúng ta thích thú khi được người khác ve vãn một phần là vì ta cảm thấy tràn ngập, không còn là mình và quên đi những hoài nghi thường nhật. Nếu kẻ chinh phục do dự trong chốc lát thì xem như sự mê hoặc tan mất, vì ta đã ý thức được những gì đang diễn ra, ý thức được chủ tâm chinh phục của hắn. Sự táo bạo hướng sự chú ý ra phía khác và giữ cho ảo tưởng luôn sống động. Sự táo bạo không bao giờ làm cho ta bị lọng cọng hoặc lúng túng. Vì vậy ta ngưỡng mộ người táo bạo, luôn muốn ở gần người ấy, bởi vì vẻ tự tin của họ lan sang ta và lôi kéo ta ra khỏi thế giới suy nghĩ hướng nội.

    Ít ai táo bạo bẩm sinh. Ngay cả Napoléon cũng phải tập thói quen ra chiến trường, mà ông ta biết rằng đó là vấn đề sống chết. Ở những nơi hội họp lịch sự, ông thường vụng về và e dè, nhưng sau đó ông tập vượt qua những điểm yếu ấy để trở nên táo bạo mọi lúc mọi nơi, vì ông đã nhận ra sức mạnh lớn lao của sự táo bạo, vốn làm cho một người trở nên lớn lao hơn. Chúng ta cũng thấy điều tương tự xảy ra nơi Ivan Tàn bạo: Một đứa bé hiền lành đột nhiên trở thành càng thiếu niên mạnh mẽ và quyền uy, đơn giản chỉ nhờ dám chỉ thẳng ngón tay và ra chiêu táo bạo.

    Bạn phải thực hành và phát triển tính táo bạo. Bạn sẽ thường xuyên dùng đến. Chỗ tốt nhất để bắt đầu là lĩnh vực tế nhị của việc thương lượng, đặc biệt là khi nào bạn được mời ra giá trước. Biết bao lần ta tự hạ thấp khi đưa ra yêu cầu quá nhỏ bé. Khi đề nghị triều đình Tây Ban Nha tài trợ cho chuyến hải hành đến châu Mỹ, Christopher Columbus đưa ra yêu cầu ngông cuồng là được phong chức “Đại đô đốc trùng dương”. Triều đình chấp thuận. Cái giá ông đưa ra là cái giá ông nhận được – ông đòi hỏi mọi người phải kính trọng mình thì ông được kính trọng. Henry Kissinger cũng biết rằng khi thương lượng, những yêu cầu táo bạo sẽ có lợi hơn là bắt đầu bằng những nhượng bộ từng phần để hy vọng gặp được phe bên kia ở nửa đường. Hãy đặt giá thật cao, và rồi như Bá tước Lustig đã làm, ta lại nâng giá cao thêm nữa.

    Bạn hiểu như thế này: Nếu tính táo bạo không bẩm sinh thì sự nhút nhát cũng không. Đó là thói quen mắc phải, hình thành từ ước mong né tránh sự đối đầu. Nếu lỡ đã bị nhút nhát bám rễ thì bạn hãy nhổ bật rễ nó đi. Việc bạn sợ hậu quả của việc làm táo bạo thì không cân xứng với thực tế, và thật ra hậu quả của sự nhút nhát còn tồi tệ hơn nữa. Giá trị của bạn bị hạ thấp và bạn tạo ra một cái vòng luẩn quẩn từ nghi ngờ sinh tai họa. Hãy nhớ: Những vấn đề gây ra bởi một hành động táo bạo rất dễ được ngụy trang, thậm chí sửa chữa được bằng hành động táo bạo hơn nữa.

    Hình ảnh:

    Hổ và thỏ. Bước tiến của hổ không có kẽ hở - động tác của nó quá lẹ làng, hàm răng nó quá nhanh và khỏe. Con thỏ đế sẽ làm mọi thứ để thoát nguy, nhưng trong khi vội vàng rút lui bỏ chạy, nó lại rơi tòm vào miệng hố.

    Ý kiến chuyên gia:

    Tôi tin chắc rằng hễ mãnh liệt thì hay hơn là cẩn trọng, bởi vì thần may mắn là một phụ nữ, và nếu muốn làm chủ nàng, nhất thiết bạn phải chinh phục bằng sức mạnh. Và ta có thể nói rằng nàng sẽ cúi đầu trước người táo bạo hơn là những kẻ rụt rè. Và vì thế, giống như một phụ nữ, nàng luôn là bạn của tuổi trẻ, bởi vì tuổi trẻ ít cẩn trọng, khí thế hơn và làm chủ nàng táo bạo hơn.

    (Niccolò Machiavelli, 1469-1527)

    NGHỊCH ĐẢO

    Ta không nên lấy tính táo bạo làm chỗ dựa cho tất cả mọi chiến lược. Táo bạo là một vũ khí chiến thuật, phải dùng đúng thời điểm. Ta phải suy nghĩa và trù tính trước, đến phút chót mới xuất chiêu táo bạo để giành thắng lời. Nói cách khác, vì táo bạo là một phản ứng phải rèn luyện mới có, nên ta phải tập làm chủ và sử dụng nó tùy ý. Trên đời này nếu chỉ dùng mỗi tính táo bạo, ta có thể suy yếu và mất mạng. Ta sẽ gặp rủi ro mất lòng quá nhiều người, điều mà những kẻ không làm chủ được sự táo bạo của mình đã chứng minh. Ví dụ như Lola Montez: Nhờ táo bạo nàng đã chinh phục được vua Bavaria và đạt đỉnh vinh quang. Nhưng vì không làm chủ được tính nết ấy nên sự táo bạo cũng làm nàng rớt đài. Chỉ cần táo bạo thêm chút nữa thì đã thành tàn ác, thậm chí điên rồ. Ivan Bạo chúa cũng bị cùng số phận: Khi sức mạnh của sự táo bạo đưa ông đến thành công thì ông lại sa lầy vào đó, đến mực sự táo bạo ấy đã trở thành một mô hình của tàn nhẫn và bạo dâm suốt một đời. Ivan đã không còn khả năng nhận biết khi nào nên táo bạo khi nào không.

    Sự nhút nhát không có chỗ trong lĩnh vực quyền lực. Tuy nhiên sẽ có lợi khi thỉnh thoảng ta làm bộ nhút nhát. Tất nhiên vào những thời điểm đó thì không còn là tính nhút nhát nữa mà là thứ vũ khí tấn công: Ta đang đánh lừa người khác bằng màn trình diễn e thẹn, với mục đích để sau đó xuất chiêu vũ bão hơn.
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...