Chị Quý Tác giả: Tống Thị Thanh Tôi về làm việc tại khoa nữ một bệnh viện tâm thần sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Khoa. Tôi gặp chị và chị đã kể cho tôi nghe khúc quanh cuộc đời chị. Khúc quanh ấy giống như con đường làng thân thuộc, có nhiều nhánh nhỏ, nhiều điểm gấp khúc và chỉ loanh quanh sau mấy rặng tre, bụi cây, cánh đồng, bờ ao, ruộng nước.. Bệnh viện tuyến tỉnh đông người. Thời tiết vào hè, bệnh nhân phát bệnh nhiều với đủ mọi lứa tuổi, thành phần khác nhau. Họ đến từ thành phố, nơi bệnh viện đang đóng trên địa bàn và từ các huyện vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có cụ già đã nhiều tuổi, các bác, các cô lớn tuổi, có chị làm lao động tay chân ở quê hoặc đi làm osin ở phố, có chị bị trầm cảm sau sinh rồi các cô thiếu nữ là công nhân của nhà máy may, máy giày, máy điện tử, có các em là sinh viên, học sinh. Tôi được chỉ định điều trị trực tiếp cho một số bệnh nhân ngoài việc quản lý về giờ tiêm, đơn thuốc, tiếp nhận bệnh nhân và tránh tình trạng bệnh nhân bỏ trốn. Trong số các bệnh nhân tôi theo dõi, tôi thấy chị ở một mình, không có người nhà ở lại chăm nuôi. Nhìn lướt qua, chị hoàn toàn bình thường, nhưng chị ít nói, trầm lặng và không sôi nổi. Chị bị mất ngủ đã nhiều ngày. Người nhà đưa chị lên đây, gửi chị lại bệnh viện để còn phải về lo công việc ở nhà, thi thoảng mới lên thăm chị được. Vào viện, uống thuốc, tiêm thuốc, nghỉ ngơi, chị lấy lại được giấc ngủ nhưng tinh thần vẫn u uất. Chị có vẻ mến tôi. Chị bảo, chị có cô em gái và cô ấy cũng từa tựa như tôi. Có lẽ sự liên tưởng mơ hồ ấy khiến chị dễ dàng bắt thân và nói chuyện với tôi. Sau những lần thăm khám bệnh, vấn an về mặt tinh thần, điều chỉnh đơn thuốc, nắm hồ sơ bệnh án cũng như các chuyển biến về bữa ăn, giấc ngủ, tình cảm của một bác sĩ mới ra trường và một bệnh nhân đặc biệt như chị đã trở nên thân thiết hơn. Qua nhiều lần lui lại phòng bệnh, chị đã kể cho tôi nghe uẩn khúc của đời chị. Chuyện chị kể với tôi.. Ngày ấy, chị là cô gái không có vẻ đẹp nổi bật rực rỡ. Nhưng lại hết sức đằm thắm, nhu mì và sâu lắng. Một vẻ đẹp không gây sự chú ý cho người mới gặp nhưng khiến ta nhớ mãi. Chị có tình yêu đẹp với anh. Người con trai chân quê, nhu mì và giản dị. Tình yêu ấy đến và cũng nhanh chóng bị biến thành một thảm kịch. Chị sinh ra vào thời điểm cuộc chiến tranh của toàn dân tộc đã sắp tới ngày chiến thắng. Tuổi thơ của chị là những ngày đến trường, những buổi học nhóm, sinh hoạt thiếu nhi và tham gia lao động. Chị lớn lên không còn phải nghe tiếng bom, tiếng máy bay gầm rú, cảnh đi trốn xuống hầm, cảnh người bị thương, bị chết, hay chứng kiến một lễ truy điệu khi nhà nào đó nhận giấy báo tử, cảnh người ta tiễn đưa người thân vào chiến trường.. Thế hệ chị là lớp thanh niên được hưởng nền hòa bình đầu tiên gần như trọn vẹn. Ở chị có vẻ đằm thắm của một cô gái sinh ra từ nông thôn. Nét chân quê toát ra từ dáng người, gương mặt, cách nói năng, cách cư xử và mái tóc đen nhánh. Trong gia đình, ngoài người em gái, em trai út, trên chị là người chị gái. Người chị gái hoàn toàn khác với chị về tâm hồn và vẻ bề ngoài. Sự trái ngược ấy đã dự báo những giông bão sẽ diễn ra mà cá nhân chị, người em ruột thịt với cô gái ấy không thể tránh khỏi được. Học hết phổ thông trung học. Thời kì đấy, ai học tiếp thì lên đại học, người thì đi lao động xuất khẩu theo chế độ của nhà nước, những ai không thoát ly thì đều được động viên tham gia các sinh hoạt đoàn thể tại xã để có thể trở thành lực lượng lãnh đạo địa phương hoặc những người lao động tại quê nhà. Không học tiếp và cũng không thuộc diện ưu tiên, chị ở nhà phụ giúp gia đình và sinh hoạt đoàn viên, thanh niên ở địa phương. Họ đã yêu nhau từ trong các hoạt động tập thể ấy. Vốn là những người bạn học, đang ở độ tuổi thanh xuân, tình cảm đến với họ tự nhiên như ánh trăng vương đầy trên các hàng cây sau mỗi buổi sinh hoạt đoàn, như những ngọn mạ non vào mùa vụ trên đồng ruộng, như tiếng cười đùa trên các con đường xóm ngõ mà họ đã thuộc nằm lòng từ thưở ấu thơ hay như âm thanh của các ngày lửa trại.. Anh thấy ở chị nguồn suối mát lành tỏa ra từ dáng vóc lẫn tư chất con người. Một nguồn suối lặng lẽ chảy và tràn đầy không khí buổi sáng mai. Chị thấy ở anh niềm tin, chỗ dựa về một người con trai hoàn hảo. Hai con người với những cảm xúc của tuổi trẻ và biết bao dự cảm về một tương lai hạnh phúc. Họ không biết rằng, có rất nhiều người trẻ tuổi và đang ở xung quanh họ cũng đang có những cảm xúc riêng khi gặp họ. Người chị gái của chị đã nhìn thấy ở anh nét hào hoa của một chàng trai quê và tư chất của một người đàn ông. Không có được sự chú ý từ người con trai ấy, lại biết được tình cảm giữa người con trai và em gái mình. Người chị gái quyết chiếm đoạt chàng trai. Ép buộc chàng trai nhưng không thể nắm giữ được tâm hồn và thể xác người đàn ông. Để trả thù cho mối hận cũng như sự ghen tức, khiến họ không thể đến với nhau được, người chị gái còn dựng lên một tình huống để người con trai giết đi tâm hồn và thể xác của người yêu mình và biến người anh ta vào vòng xoáy của mình. Cô ta đổ một vốc thuốc ngủ vào miệng chị và đẩy người yêu chị vào. Từ ngày ấy chị mang một tâm hồn rỗng, thể xác là đấy mà tâm hồn lơ lửng. Chị có thai. Người đàn ông cũng mang một tâm hồn hoang mang, thể xác lúc này chỉ toàn xương và thịt. Cô chị đã ép chị đẩy "cái thai ra ngoài". Chị bảo đã có lần nghe được tiếng động từ bụi dứa dại vọng đến. Người con trai đi xa. Chị ở lại quê nhà. Thời gian ngắn sau đó, có chàng trai cùng làng đến hỏi chị làm vợ. Người chị gái cũng không thể lấy được chàng trai mà mình mong muốn. Cô này cũng bỏ đi khỏi làng và đã có cuộc sống riêng. Đã gần năm mươi tuổi, nhưng ở chị vẫn còn đó bóng dáng của người con gái nền nã, mềm mại và mạnh mẽ, chủ động trong cuộc sống. Nhìn cách chị đi lại, cái cách chị cư xử, ăn nói, gương mặt chị, mái tóc chị mới biết đó là người con gái đẹp. Chị có vẻ đẹp của một cô gái vùng quê ở nông thôn cách đây hơn ba mươi năm sau thời kì đổi mới. Hai đứa con đang học cấp ba, một trai, một gái lên thăm chị. Người chồng hôm chị phát bệnh đã đèo chị về trả cho nhà mẹ đẻ lên thăm sau ít hôm chị đã ổn định hơn tại bệnh viện. Chị nằm viện một thời gian. Ngày mới đến, đôi mắt chị thâm tím lại. Dần dần vết tím ở mắt mất đi. Chị linh hoạt hơn trong mọi sinh hoạt đời sống. Chị ngủ như bỏ lại mệt mỏi ở đằng sau rất xa. Vợ chồng người em trai là người đưa chị lên viện cũng là người thanh toán viện phí và đưa chị về sau đó. Cuộc gặp ngắn ngủi và vô tình giữa chị và tôi ở viện tâm thần năm ấy qua đi. Kí ức câu chuyện đời chị như mới xảy ra ngày hôm qua. Chị là một trong vô số những bệnh nhân mà tôi tiếp xúc thời gian ấy. Chị là một cá nhân trong nhiều những cá nhân ở đời sống này. Câu chuyện của chị cũng không phải là hi hữu. Nhưng tôi gặp trong câu chuyện của chị, hình ảnh của chị, số phận một con người. Số phận của một cá nhân không do người đó tự định đoạt mà bị chi phối bởi rất nhiều các mối quan hệ từ gia đình cho tới xã hội. Không ai làm nên số phận một con người. Mà đấy là đời sống và chúng ta đang sống trong đời sống ấy. Tôi không biết cuộc sống của chị từ lúc rời bệnh viện đến nay như thế nào? Vẫn đó nét nền nã, sự dịu dàng và lặng lẽ của người con gái ngày nào. Tôi như thấy chị đi về mỗi ngày. Gia đình chị, chồng chị, các con chị, hàng xóm láng giềng, những người bạn cùng trang lứa.. Vị cán bộ xã mà chị kể với tôi có còn khóc mỗi lần gặp chị nữa không? Chị có quên đi quá khứ đau buồn để sống với hiện tại như lời khuyên của tôi hay không? Tôi không còn làm ở bệnh viện cũ nữa. Kỉ niệm về những ngày mới đi làm ở một bệnh viện tuyến tỉnh nóng bức, chật chội với những bệnh nhân cá tính, không bình thường với đủ các loại âm thanh từ tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng hát và cả sự im lặng đáng sợ nữa trở thành một phần trong công việc của tôi. Và chị, một bệnh nhân đặc biệt khiến tôi suy nghĩ, vậy con người là thế nào? Tôi không còn nhớ được nhiều về chị. Nhưng tên chị thì tôi không quên.