Ngôn Tình [Edit] Tháng Năm Cùng Em - Nhĩ Đông Thố Tử

Thảo luận trong 'Box Dịch - Edit' bắt đầu bởi Thanh Hiền 1293, 22 Tháng bảy 2025 lúc 10:58 AM.

  1. Thanh Hiền 1293

    Bài viết:
    12
    Tên truyện: Tháng Năm Cùng Em

    Tác giả: Nhĩ Đông Thố Tử

    Thể loại: Đô thị, Thanh mai trúc mã, Truyện ngọt, Đời thường.

    [​IMG]

    Tình trạng bản gốc: Đã hoàn

    Tình trạng edit: Đang cập nhật

    Tiến độ: 1 tuần 4 chương

    Giới thiệu:

    Kỳ thi đại học kết thúc, Lý Ánh Kiều (李映桥) và Du Tân Dương (俞津杨) mỗi người đi một ngả Nam - Bắc để học, cả hai đều buông lời thề thốt: Không thành danh thề không về quê. Mười năm thoáng chốc trôi qua, hai người đều tay trắng trở về, trùng phùng tại tiệm cắt tóc ở quê nhà. Lý Ánh Kiều nhìn người bạn kiêm kẻ thù năm xưa, đang đòi bồi thường cho cái đầu trông như bị chó gặm của mình. Cô không nén nổi tò mò, ghé sát lại lắng nghe lời tố cáo của anh, đang định bật cười thì-- Đối phương phát giác, liếc cô một cái, quay đầu nói thêm một câu: "Còn để cho thần tượng của tôi nhìn thấy nữa." "Đền ít tiền đi." Lý Ánh Kiều: "?"

    * * *

    Bạn bè hỏi Du Tân Dương: "Cậu và Lý Ánh Kiều là thế nào?" Du Tân Dương thản nhiên nói: "Bạn bè bình thường thôi, còn có thể là gì được."

    Mấy hôm sau bạn bè lại hỏi Lý Ánh Kiều: "Hai người từ nhỏ đã 'thanh mai trảo mã'¹ như thế, không có chút gì khác à?" Lý Ánh Kiều trả lời còn thản nhiên hơn: "Có thể có gì chứ, chỉ là người qua đường Giáp Ất Bính Đinh² thôi." Du Tân Dương không cảm thấy có vấn đề gì. Chỉ là buổi tối đang tắm thì mất nước, lúc anh đứng đợi nước với cái đầu đầy bọt xà phòng, trong đầu đột nhiên nảy ra một ý nghĩ-- Giáp Ất Bính Đinh. Anh xếp thứ mấy?

    Từ khóa: Thanh mai trúc mã / Lâu ngày gặp lại / Drama đời ông bà / Túc địch

    Nhân vật: Bướm xe tăng³ vs Trúc mã thuộc tính chồng người ta⁴

    Ghi chú của tác giả:

    • Chú thích: Bướm xe tăng (坦克蝴蝶 - tǎnkè húdié) xuất phát từ câu "Bướm và xe tăng có thể cùng tồn tại trong một người phụ nữ" của tác giả Giản Trinh (简媜).
    • Gợi ý khi đọc: Mạch truyện chậm (slow-burn), tình tiết nhẹ nhàng, cuộc sống thường nhật ở thị trấn nhỏ, có khắc họa dàn nhân vật phụ, nhân vật chính không hoàn hảo, không có bất kỳ nguyên mẫu nào.
    • Truyện miễn phí, một tuần 4 chương: Thứ Hai, Thứ Tư, Thứ Sáu, Thứ Bảy.

    Giải thích chú thích:

    ¹ Thanh mai trảo mã (青梅抓马) : Đây là cách nói lái của thành ngữ "thanh mai trúc mã" (青梅竹马), nghĩa là đôi bạn lớn lên cùng nhau. Chữ "抓马" (zhuā mǎ) đồng âm với từ "drama" trong tiếng Anh, ám chỉ mối quan hệ từ nhỏ của họ vừa thân thiết vừa đầy kịch tính, hay cãi cọ.

    ² Giáp Ất Bính Đinh (甲乙丙丁) : Là Thiên Can trong văn hóa Trung Quốc, thường được dùng để chỉ thứ tự A, B, C, D hoặc để chỉ những người/vật không xác định, tương tự như "người này người kia" trong tiếng Việt. Ở đây, Lý Ánh Kiều dùng nó để ám chỉ mối quan hệ của họ chỉ là người dưng nước lã.

    ³ Bướm xe tăng (坦克蝴蝶) : Cụm từ này dùng để miêu tả một người phụ nữ có cả hai mặt: Mạnh mẽ, kiên cường, cứng rắn như một chiếc "xe tăng" và đồng thời cũng dịu dàng, xinh đẹp, bay bổng như một con "bướm".

    Trúc mã thuộc tính chồng người ta (人夫竹马) : "Trúc mã" là cậu bạn thanh mai trúc mã. "Nhân phu" (人夫) vốn nghĩa là "chồng", nhưng trong ngôn ngữ mạng hiện đại, nó được dùng để chỉ một người đàn ông có những phẩm chất của một người chồng lý tưởng (đảm đang, đáng tin cậy, biết chăm sóc người khác). Cụm từ này ám chỉ Du Tân Dương là cậu bạn trúc mã nhưng lại có những đặc điểm của một người chồng tốt.
     
    Minh Anh 2701 thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. Thanh Hiền 1293

    Bài viết:
    12
    Chương 1

    Từ bé, Lý Ánh Kiều đã thấy chú Du nhà bên cạnh có vấn đề về đầu óc. Mà vấn đề lớn nhất, chính là cái tên của chú.

    Cuối cùng cũng có một ngày, cô bé thấy bóng chú Du từ xa xa đang tiến về phía tiệm tạp hóa nhà mình. Chú này cao ra phết, nhưng thằng con Du Miêu Miêu của chú trông như một con mèo chân ngắn bị đột biến gen, dù gương mặt thì giống hệt chú và dì Đường Tương.

    Dì Đường Tương cũng sở hữu chiều cao của người mẫu thời trang, ít nhất phải mét bảy lăm, thế mà Du Miêu Miêu giờ còn chưa cao bằng cô. Lý Ánh Kiều thấy cậu ta giống hệt một con mèo Napoleon, cái loại chân ngắn cũn cỡn ấy.

    Du Nhân Kiệt vừa bước một chân qua ngưỡng cửa, chân sau còn đang chuẩn bị nhấc lên thì chợt liếc thấy Lý Ánh Kiều đang buộc tóc hai bím sừng dê, nửa người nhoài trên tủ kính, mắt tròn xoe nhìn mình chằm chằm. Du Nhân Kiệt quá quen với cái ánh mắt có thể gọi là khát khao tri thức này của lũ trẻ con rồi. Đường Tương bảo bọn trẻ gần đây toàn khen tên chú ngầu bá cháy.

    Quả nhiên, chẳng đợi chú đến gần, con nhóc này đã như một chú sóc nhỏ phát hiện ra quả thông khổng lồ, nghển cổ lên hỏi với vẻ tò mò không thể kìm nén: "Chú ơi, chú tên là 'Cá Tháng Tư' thật ạ?"

    Mấy năm nay đi qua đi lại đây, Du Nhân Kiệt đã nhìn Lý Ánh Kiều lớn dần lên tới khi cao bằng cái quầy hàng, quen tay thoăn thoắt lấy thuốc lá, thối tiền cho người lớn, chưa thấy cô bé sai một lần nào. Rõ ràng là từ nhỏ đã theo người lớn học buôn học bán, lại còn học rất ra dáng.

    Với loại tiểu yêu tinh này, anh xin miễn cho kẻ bất tài. Hơn nữa, tiệm tạp hóa này lại do chị cả nhà họ Lý, Lý Thù Lỵ, mở.

    Mối thâm thù đại hận hơn hai mươi năm của hai nhà họ đã là bệnh cũ ăn sâu vào xương tủy. Đối với anh mà nói, Lý Võ Thanh hay nói rộng ra là cả nhà họ Lý, dường như đã biến thành dây chằng bên trong khớp gối của anh, tức là cái phản xạ đầu gối thường gọi. Ngoài việc chứng minh anh vẫn còn thở ra thì chẳng có ý nghĩa gì sất.

    Sau khi thị trấn giải tỏa, hai nhà họ đều chuyển đến đây. Chỗ này hẻo lánh, vốn dĩ Du Nhân Kiệt còn mừng thầm vì được yên tĩnh, ai ngờ mảnh đất này năm ngoái đã được quy hoạch thành một khu danh lam thắng cảnh tự nhiên, gọi là Tiểu Họa Thành. Cũng như bánh bà xã thì làm gì có bà xã, Tiểu Họa Thành cũng chẳng có bức tranh nào. Anh nghi ngờ cả cái xứ này chẳng có mấy người biết chữ, toàn một đám nhóc con loi choi như chim sẻ vỡ tổ. Chẳng phải đã có kế hoạch hóa gia đình rồi sao? Kế hoạch đi đâu hết cả rồi?

    Anh cũng lười giải thích với một con nhóc ranh tại sao mình lại có cái tên này. Nếu không phải lên cơn thèm thuốc, ngày thường anh thà đi bộ thêm hai con phố ra ngoài khu du lịch mua còn hơn. Tiêu tiền ở đây, khác gì ông nội đi thắp hương cho cháu, đúng là đảo ngược luân thường.

    Du Nhân Kiệt chẳng thèm để ý, lại còn với tâm lý khiến chúng nó kiếm ít được đồng nào hay đồng ấy, anh quăng ra năm đồng: "Cho một bao rẻ nhất."

    Lý Ánh Kiều nhìn bộ dạng vừa làm màu vừa bủn xỉn của chú ta, lựa tới lựa lui nửa ngày trời, như thể trên mỗi tờ tiền đều có khắc tên, còn khó khăn hơn cả lúc cô tìm bài kiểm tra. Cuối cùng, chú rút ra một tờ có mệnh giá nhỏ nhất trong ví.

    Thế là, cô bé cất cao giọng nói với chú: "Chú ơi! Lợi nhuận gộp của mỗi bao thuốc lá bọn cháu bán là như nhau cả, loại rẻ với loại đắt không khác gì đâu ạ. Chú cứ lấy loại chú muốn hút đi."

    "Thật không? Mẹ cháu bảo thế à?" Anh ta cũng không biết lấy đâu ra mặt dày mà hỏi ngay tắp lự.

    "Dạ đúng ạ, đây là quy định rõ ràng của cục thuốc lá, cũng không phải do nhà cháu tự quyết định được đâu." Lý Ánh Kiều gật đầu một cách nghiêm túc.

    Du Nhân Kiệt ngẫm nghĩ, một đứa nhóc sáu bảy tuổi chắc chưa bịa ra được lời nói dối chuyên nghiệp thế này. Thế là anh lại cất tờ năm đồng vào ví, nghe lời răm rắp mà gọi một bao Lợi Quần đen (Black Lisqun) vẫn hay hút.

    Lý Ánh Kiều tay chân lanh lẹ, lập tức lấy bao Lợi Quần đen cuối cùng từ trên kệ xuống. Cô bé đứng trên một chiếc ghế đẩu nhỏ sau quầy, lúc đưa bao thuốc qua, cô ngập ngừng một lát, rồi vẫn quyết không buông tha cho chú: "Chú ơi, chú tên là 'Cá Tháng Tư' thật ạ?"

    Du Nhân Kiệt: "..."

    Dù phát âm nghe y hệt nhau, nhưng anh biết con bé hỏi chắc chắn là cái ngày lễ kia, trẻ con chỉ tò mò về thứ đó thôi. Không thể chậm trễ, anh cầm lấy bao thuốc rồi co cẳng chạy, ném lại một câu: "Cá ông nội mày ấy, ai thèm chơi lễ Tây."

    Lý Ánh Kiều không hề tức giận, dù sao thì cô cũng không có ông nội. Nhưng cô chắc chắn một điều, chú này đúng là dễ lừa thật.

    Lợi nhuận gộp của thuốc lá vốn đã không cao. Lần đầu tiên giúp mẹ bán thuốc, cô đã tính rồi, mẹ bảo bán cả một cây thuốc mới lãi được bằng bán một bao thuốc, vậy thì tỉ suất lợi nhuận là mười phần trăm. Một câu nói của cô hôm nay đã giúp kiếm thêm chín đồng rưỡi. Bữa trưa ngày mai cô cũng muốn bảo mẹ cho thêm cái đùi gà, nhưng lại sợ mẹ vung dao một phát, người bị làm thịt lại là con gà cô đang nuôi.

    Đôi khi cô cảm thấy mẹ mình đặc biệt lạnh lùng. Với bất kỳ sinh vật sống nào trên đời, phản ứng đầu tiên của bà là "có ăn được đâu, mua về làm gì". Nhưng đôi khi lại cảm thấy, bà Lý Thù Lỵ chính là người phụ nữ dịu dàng nhất thế gian.

    Buổi tối, Lý Ánh Kiều nằm trên chiếc giường nhỏ của mình, đầu óc ngổn ngang suy nghĩ. Cô vừa nghĩ mãi không ra, vừa vô thức đá chân "cốp cốp cốp" vào thành giường. Lý Thù Lỵ đang quyết toán tiền thuốc nghe thấy, quay lại lườm cô một cái, rồi ánh mắt lại lướt qua kệ hàng để kiểm kê: "Nhẹ thôi, đừng làm ồn bà bên cạnh."

    Nói xong, ánh mắt bà dừng lại ở một ô trống trên kệ thuốc lá, "Kiều Kiều, hôm nay có người đến mua Lợi Quần đen à?"

    Lý Ánh Kiều hoạt bát như đội trưởng đội cận vệ ong mật, cần cù chăm chỉ lại luôn trong tư thế sẵn sàng. Nghe thấy mình bị réo tên, cô bé lập tức bật dậy như cá chép vượt vũ môn, gật đầu lia lịa với "sếp tổng" : "Dạ!"

    Chiếc giường nhỏ của cô được kẹp giữa hai dãy kệ hàng của tiệm tạp hóa. Ban ngày thì cất trong kho, tối đến mới lôi ra dựng lên, không rộng không hẹp, vừa khít lấp đầy lối đi giữa hai kệ. Đôi khi trở mình hơi mạnh, tấm ván giường bằng gỗ kêu lên một tiếng "kẽo kẹt", kệ hàng cũng rung theo. Lúc đó, trên đầu cứ như thể cái túi thần kỳ của Doraemon bị nghiêng, từng gói đồ ăn vặt nhỏ rơi xuống. Sau đó, cô sẽ nhân lúc bà Lý Thù Lỵ không để ý, lén giấu một gói vào trong chăn, đợi đến khi bà ngủ say như chết, cô sẽ trốn trong chăn, rón rén bóc túi đồ ăn vặt, coi như phần thưởng cho bản thân trong ngày hôm đó.

    Lý Thù Lỵ nghi hoặc: "Ai thế, Tiểu Họa Thành hôm nay có sếp lớn nào ghé qua à?"

    Khi đó, khu du lịch chẳng có mấy khách, người ngoài hiếm hoi, dân ở đây cũng cơ bản là người quen cũ từ hồi thị trấn giải tỏa chuyển đến. Nhà họ Lý vốn có tiếng là ác bá côn đồ trong trấn, thành ra cũng ảnh hưởng đến việc Lý Thù Lỵ mở tiệm tạp hóa. Mọi người thà đi bộ thêm vài bước ra ngoài khu du lịch mua đồ chứ không muốn mua ở chỗ của bà.

    Lý Ánh Kiều nói thật: "Bố của Du Miêu Miêu ạ."

    Lý Thù Lỵ không nói gì thêm, lấy tiền ăn sáng ngày mai từ trong tủ ra đưa cho Lý Ánh Kiều, khóa số tiền mặt còn lại và sổ sách vào tủ, rồi chuẩn bị kéo cửa cuốn.

    Lý Ánh Kiều vừa nhận tiền, đoán được hành động tiếp theo của Lý Thù Lỵ, mắt cô bé sáng rực lên.

    Cùng với tiếng cửa cuốn rung lên "loảng xoảng, loảng xoảng", Lý Ánh Kiều chớp lấy thời cơ nói ra chuyện cô đã lo lắng cả ngày: "Mai cô giáo bảo mẹ đến văn phòng một chuyến ạ."

    Tiểu Họa Thành vô cùng yên tĩnh, thời điểm có decibel cao nhất trong ngày có lẽ là tiếng đánh rắm như thổi kèn của ông ngoại nhà Diệu Gia lúc tập thể dục, và tiếng kéo cửa cuốn của tiệm tạp hóa nhà cô. Cô không thể đoán được lúc nào ông ngoại Diệu Gia xì hơi, nhưng giờ đóng cửa của tiệm tạp hóa thì cô có thể canh me mỗi ngày. Thế là cô đã nhịn cả một ngày trời, chỉ chờ khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc khi bà Lý Thù Lỵ đóng cửa cuốn.

    Nếu mẹ không nghe thấy, thì không thể trách cô chưa nói được nhé. Mà thôi, phần lớn thời gian tai mẹ cũng điếc lác lắm, ví dụ như vừa nãy cô hỏi tiền ăn sáng mai có thể tăng thêm hai đồng không, mẹ lại không nghe thấy.

    "Mày lại đánh nhau ở trường à?"

    Những lúc không nên linh thì lại thiêng đến lạ.

    "Không có," Lý Ánh Kiều tuột xuống giường, xỏ đôi dép lê loẹt quẹt, cố gắng để mẹ nhìn thấy vẻ mặt chân thành như muốn dát vàng từng chữ của mình, "Là Du Miêu Miêu ạ, trong giờ học cậu ta cứ đòi cho con ăn thạch của cậu ta, con nói không ăn không ăn, cái thứ đó ai mà thèm, lúc xô đẩy lỡ tay làm cậu ta chảy máu mũi."

    "Nó còn sống không?"

    Lý Ánh Kiều nghĩ một lát rồi nói: "Lúc tan học thì vẫn còn thở ạ."

    Lý Thù Lỵ ngồi xổm xuống, suy nghĩ một lát, rồi vừa thành thạo khóa chốt cửa cuốn dưới đất, vừa quay lại hỏi: "Con chắc cái ông 'Cá Tháng Tư' đó đến để mua thuốc lá không? Không nói gì khác à?"

    Lý Ánh Kiều lắc đầu quả quyết, "Không nói gì khác ạ."

    "Vậy mai con mang cho cái thằng 'Cá Tháng Tư' con mấy gói snack tôm Mimi, hai gói là đủ. Rồi hai đứa bắt tay làm hòa, bảo cô giáo dùng máy ảnh chụp một tấm gửi cho mẹ."

    Lý Ánh Kiều: "..."

    "Mẹ không có thời gian đến trường, nói với thầy của các con, bảo thầy tìm Du Nhân Kiệt ấy, rảnh rỗi cho con nhiều tiền làm gì," Lý Thù Lỵ lúc này đã đang dọn dẹp lại hàng hóa bị khách xem làm lộn xộn ban ngày, bà ra tối hậu thư, "Với lại, hai đứa mà còn quậy trong lớp nữa, mẹ sẽ bảo thầy chuyển chỗ cho hai đứa ra xa nhau đấy."

    Du Nhân Kiệt là sếp lớn của mấy nhà máy đồ chơi trong huyện. Thầy Hồ này tuy đối xử với học sinh công bằng, nhưng với phụ huynh thì vẫn có chút gió chiều nào che chiều ấy. Thầy không mấy khi làm khó bố của Du Miêu Miêu, chỉ toàn bắt mẹ cậu, một bà mẹ đơn thân vừa mở tiệm tạp hóa vừa kiêm nghề lái xe tải đường dài, phải chạy lên trường.

    Lý Ánh Kiều thề, sẽ không bao giờ nói chuyện với đồ gà giòn Du Miêu Miêu này nữa. Cô bé quay về chiếc giường nhỏ của mình, ngồi trên mép giường, đung đưa hai chân hỏi Lý Thù Lỵ: "Mẹ ơi, mẹ lại sắp đi lái xe tải nữa ạ? Lần này đi bao lâu, dì có đến ở với con không? Trước sinh nhật con, mẹ về kịp chứ ạ?"

    Lý Thù Lỵ đã ly hôn hai lần, sau lần thứ hai thì bà không tái hôn nữa. Cộng thêm việc Lý Ánh Kiều sắp đến tuổi đi học, bà liền chọn quay về Tiểu Họa Thành ở Phong Đàm, mở một tiệm tạp hóa trông "chim sẻ tuy nhỏ nhưng ngũ tạng đầy đủ", đã một thời gian dài không đi chạy xe đường dài nữa.

    Vào thời đó, một người phụ nữ độc thân dắt theo một đứa con đi lái xe tải dù sao cũng không tiện. Dù trong mắt người ngoài, tính cách bà thẳng thắn, đanh đá, nhưng tính cách càng như vậy lại càng dễ gây chú ý.

    Bản thân Lý Thù Lỵ thì không sợ, chỉ sợ Kiều Kiều bị người ta để mắt tới. Mấy năm đó, nạn buôn người cũng rất lộng hành.

    Lý Ánh Kiều rõ ràng là được đúc ra từ cùng một khuôn với mẹ, bản thân cũng là một đứa gan to bằng trời, lại cứ thích theo Lý Thù Lỵ đi chạy xe đường dài, sống những ngày "bôn ba phiêu bạt", nói là chỉ muốn cùng mẹ làm một cặp mẹ con "bỏ trốn giang hồ".

    Cảm động thì cảm động, nhưng cũng không cản được việc Lý Thù Lỵ muốn khâu cái miệng con bé lại. Làm mẹ rồi mới biết, đôi khi nói chuyện trên trời dưới biển với con nít nhiều quá, không uống một viên thuốc thì khó mà ngủ được. Bà quyết định không trả lời chuỗi câu hỏi như súng liên thanh của con gái. Dù gì một vỉ thuốc an thần cũng mất bốn đồng, lại còn phải nhờ người quen mới mua được. Thế là bà dỗ dành qua loa: "Cục cưng, ngủ mau đi con."

    Lý Ánh Kiều thấy mẹ không thèm để ý đến mình, hứ một tiếng, nhanh như một con cá trạch chui vào đầm sen, cô bé lập tức ngã đầu chui tọt vào chiếc chăn nhỏ của mình, trùm chăn kín mít cho đến khi bốn phía hoàn toàn chìm vào sự tĩnh lặng đen kịt.

    Lý Thù Lỵ giả vờ như đã ngủ, cố tình thở ra tiếng nặng nề. Mãi cho đến khi từ một góc nào đó, hay nói chính xác hơn là từ trong chiếc chăn đang trùm kín, dần dần vang lên tiếng nhai khoai tây chiên vừa rón rén cẩn thận lại vừa giòn tan "rôm rốp-rôm rốp-".
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...