Đọc hiểu: Mua nhà - Nam Cao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 24 Tháng tư 2025 lúc 11:20 PM.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    323
    Đọc hiểu: MUA NHÀ- Nam Cao

    1. Tóm tắt tiểu sử và con người Nam Cao

    Nam Cao (1915/1917 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri.

    Quê ông ở Lý Nhân, Hà Nam.

    Ông sinh ra trong một gia đình công giáo bậc trung.

    Thuở nhỏ ông học ở trường làng, sau đó được gửi xuống Nam Định học.

    Sau đó do thể chất yếu nên ông về nhà chữa bệnh rồi cưới vợ.

    Năm 18 tuổi ông vào Sài Gòn nhận làm thư kí cho một hiệu may.

    Khi trở ra Bắc ông dạy học tại Hà Nội.

    Năm 1943 ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc.

    Năm 1945 ông tham gia cướp chính quyền ở Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã.

    Năm 1946 ông gia Hà Nội hoạt động Hội Văn hóa cứu quốc

    Năm 1948 ông gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam.

    Năm 1950 ông làm việc cho Hội Văn nghệ Việt Nam, tại tạp chí văn nghệ.

    2. Sự nghiệp văn học

    Quan điểm sáng tác của Nam Cao

    Ông theo quan điểm "nghệ thuật vị nhân sinh" : "Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than"

    Ông quan niệm: Tác phẩm "phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng" và "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có."

    Phong cách nghệ thuật của Nam Cao

    Đề cao tư tưởng con người: Quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá "con người trong con người"

    Đi sâu khám phá nội tâm nhân vật

    Thường viết về những cái nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa triết lý sâu sắc

    Ông có phong cách triết lý trữ tình sắc lạnh.

    3 - Những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao

    Ông để lại khối lượng tác phẩm lớn với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện ký như các tác phẩm: "Sống mòn", "Lão Hạc", "Chí Phèo", "Giăng sáng", "Lão Hạc", "Chí Phèo", "Đôi mắt

    ĐỌC HIỂU MUA NHÀ - NAM CAO

    ĐỀ SỐ 1

    Đọc văn bản sau:

    Buổi tối hôm ấy, sau khi đưa các anh ra thuyền trở về Nam, tôi bực tức vô cùng. Tôi bực tức với tôi, tôi đay nghiến tôi trong một phút cao hứng quá, đã mời các anh về nhà.

    (Lược một đoạn: Nhân vật tôi xấu hổ, khổ sở với bạn bè về căn nhà tồi tàn, tình cảnh nghèo túng của gia đình. Tôi cũng muốn làm nhà mới. Nhưng khổ nỗi, dù" giết dần tôi đi để kiếm tiền "tôi vẫn không đủ tiền vì vật giá mỗi lúc một tăng cao, lại không dám liều vay lãi. Nhưng rồi sau một cơn bão, căn nhà sụp đổ, tôi quyết định bằng mọi giá phải dựng nhà mới. Ngay lúc đó, có một người cũng khốn đốn vì cơn bão, lại nghiện cờ bạc, muốn bán rẻ cho anh căn nhà của hắn chỉ để kiếm tiền gỡ gạc từ chiếu bạc)

    À! Nếu vậy thì tôi chưa lấy chi làm liều. Vay nợ lãi mà mua nhà là một cái liều bắt buộc. Bán nhà để gỡ bạc mới là cái liều thục mạng. Đã liều thì phải chết. Chẳng chết vì tay tôi thì chết vì tay người khác. Dù vậy tôi cũng chưa nỡ cầm dao đâm hắn. Thành thực hay giả trá? Tôi đã can kẻ liều lĩnh kia: Tôi tưởng bác không muốn ở nhà, hoặc cần tiền buôn bán nên mới bán nhà, chứ nếu chỉ bận để đi đánh bạc thì tôi can bác. Vào chiếu bạc, khó mà biết trước, tôi chỉ sợ gỡ ra chẳng được, bác lại bậm mãi vào thì sao?

    - Không có lý nào như vậy. Trước tôi thua, chỉ vì ít vốn, không dám đuổi. Trường vốn, không đời nào thua. Chú lấy giùm được là phần nhất, bởi vì tôi biết tiền chú sẵn, có thể xếp cho tôi chóng vánh. Nếu như không muốn lấy thì tôi để cho người khác.

    Tôi ngẫm nghĩ: Hắn đã muốn chết thì cho hắn chết. Tôi có quyền gì cấm hắn? Hắn không bán cho tôi thì bán cho người khác. Tôi để lỡ một dịp tốt là tôi ngu. Vậy thì tôi mua cái nhà.

    Tôi chạy ngược chạy xuôi. Chỗ thì lãi năm phân. Chỗ thì lãi sáu phân. Cùng quá, tám phân cũng lấy liều. Chỉ hôm sau là tôi đã có đủ ba trăm bạc. Đôi bên làm giấy má xong xuôi. Tôi trao tiền cho hắn. Vợ tôi đi mượn thợ để ngày mai dỡ nhà.

    Chưa có thợ. Sau ngày bão, thợ làm nhà bận lắm. Cái nhà ba bốn hôm sau vẫn chưa dỡ được. Một người bà con với tôi, một buổi tối đến nhà ông nhạc tôi mà bảo tôi:

    - Anh nên liệu dỡ phắt về. Ba trăm bạc của anh, nó nướng hết cả rồi. Vừa ở nhà ra chúng nó biết nó có một số tiền to, chúng nó đã thịt cu cậu hơn trăm bạc. Cu cậu còn nhiều nợ lắm. Vườn cũng cố mất rồi. Nếu anh không dỡ nhà ngay, nó thua quá, đi đâu mất sợ lôi thôi cho mình.

    Có thế. Nếu tôi chậm dỡ, sợ người khác hớt tay trên. Đã đành rằng mình mua bán có làm văn tự. Nhưng tiền tôi đã cạn. Không lẽ lúc ấy còn kiện nhau. Vậy tôi phải cố thuê cho được thợ. Chỉ ngày mai là dỡ luôn.

    Ngày hôm sau. Chúng tôi đến nhà hắn thì thấy hắn đang nằm thườn trên một cái giường tre, chiếu rách và bẩn thỉu. Đứa bé ngồi ngay dưới đất ôm lấy cái chân giường, rên. Nó đau bụng từ sáng sớm. Đứa con lớn vừa cạu nhạu vừa đấm cho em thùm thụp. Tôi chào hắn. Hắn khẽ hé môi đáp lại. Chúng tôi nhìn nhau ngượng nghịu như hai kẻ thù nhìn nhau. Sao lại thế? Tôi không dám nhìn lâu hai đứa con của hắn. Hình như tôi thẹn với lòng tôi thế nào..

    Tôi nhìn xuống đất mà bảo hắn:

    - Bác làm ơn cho tôi dọn đồ đạc để cho người ta dỡ..

    Hắn cười chua chát:

    - Đồ đạc thì có gì mà dọn? Chỉ có một cái giường này. Cứ quăng bố nó ra ngoài kia cho tôi, rồi dỡ đi.

    Hắn đứng dậy mà bảo con:

    - Chúng mày cũng đứng lên. Sang nhà bác Vi nằm nhờ.

    Con chị phải quát, gắt gỏng với em một lúc, hai đứa mới lếch thếch cõng được nhau sang nhà bác Vi. Vẫn một đứa làu bà làu bạu, một đứa oằn oại rên la. Thợ trèo lên mái, dỡ gianh quăng xuống. Tôi ngồi ở sân, trông họ..

    Một lúc sau, chẳng biết đã gửi em cho ai được, đứa con gái lân la gần tôi, xem dỡ nhà. Tôi có dịp trông gần nó. Nó gầy ốm quá. Cổ tay, cổ chân chỉ con con. Mặt chau chau. Quần áo rách lượt thượt. Hàm răng của nó cứ nhe ra một cách trông thương hại lắm. Tự nhiên tôi ngán ngẩm. Tôi thở dài một tiếng. Rồi tôi buột mồm hỏi nó:

    - Từ sáng đến giờ, em đã có gì ăn chưa?

    Nó không đáp, chỉ lắc đầu uể oải. Hình như nó đang bận nghĩ ngợi điều gì. Mắt nó nheo lại. Cái mặt nó cau cau. Có lẽ chỉ vì nắng quáng. Nhưng tôi cứ thấy nó có vẻ thù ghét tôi lắm lắm. Tôi nhắc thầm trong trí: Ta không mua thì người khác..

    Những mè, rui đã gỡ xong rồi. Người thợ mộc bắt đầu tháo gỗ. Tiếng dùi đục kêu chan chát. Những tiếng rắn chắc vang lên, lộng óc. Tôi thấy con bé con bừng mắt. Nó không nhe răng ra nữa. Đôi môi nó bụm lại. Hai má nó phình ra một phút. Cứ thế, nó chẳng nói chẳng rằng, chạy bình bịch sang nhà hàng xóm. Nó định làm gì vậy. Lòng tôi thắc mắc nỗi lo không rõ rệt. Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con khóc nức nở và hờ:

    - Mẹ ơi!..

    Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo. Bây giờ thì tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi được nữa. Tôi ác quá! Tôi ác quá! Tôi phải thú với tôi nhiều rồi.. Phải, tôi ác quá, anh Kim nhỉ. Rồi đây, hối hận sẽ tỏa một bóng đen vào trong cái nhà mới của tôi, rộng rãi và sạch sẽ hơn cái trước. Những chiều đông lạnh lẽo một con thạch sùng nấp trên một cái xà ngang, sẽ tặc lưỡi nhắc cho tôi biết: Tôi ác quá! Tôi ác quá!.. Nhưng mà thôi anh Kim ạ! Nghĩ ngợi làm gì nữa? Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở. Đâu phải tôi muốn tệ? Nhưng biết làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt đến ai?

    (Truyện ngắn Mua nhà, Tuyển tập Nam Cao, Nhà xuất bản Văn học, trang 288, 289)

    [​IMG]

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1. Xác định ngôi kể và điểm nhìn của truyện ngắn Mua nhà

    Câu 2. Truyện ngắn Mua nhà của Nam Cao viết về đề tài gì?

    Câu 3 . Khi đến tháo dỡ ngôi nhà đã mua, nhân vật tôi đã chứng kiến cảnh tượng nhà gia chủ như thế nào?

    Câu 4 . Chỉ ra sự thay đổi trong tâm lý nhân vật tôi trước và sau tiếng khóc hờ mẹ của cô bé bị mất nhà

    Câu 5 . Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong những câu sau:" Nhưng biết làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt đến ai? "

    Câu 6. Phân tích tác dụng của các lời độc thoại nội tâm được sử dụng trong truyện ngắn

    Câu 7 . Anh (chị) có đồng tình với ý kiến của nhân vật tôi trong văn bản:" Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở. "Hay không? Vì sao?

    Câu 8 . Từ những trăn trở trong phần cuối của truyện, em hãy nhận xét điểm tương đồng trong giá trị hiện thực giữa hai truyện ngắn Mua nhà và Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.

    Đáp án tham khảo

    Câu 1:


    - Ngôi kể: Ngôi kể trong truyện là ngôi thứ nhất. Nhân vật" tôi "là người kể chuyện từ chính trải nghiệm và cảm xúc của mình.

    - Điểm nhìn: Điểm nhìn của truyện là điểm nhìn từ trong nội tâm của nhân vật" tôi ". Truyện chủ yếu diễn ra từ góc nhìn của nhân vật" tôi ", thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và tâm trạng của nhân vật này.

    Câu 2:

    Đề tài: Người trí thức tiểu tư sản.

    Câu 3:

    Trong đoạn trích, khi đến tháo gỡ ngôi nhà đã mua, nhân vật" tôi "chứng kiến cảnh tượng nhà gia chủ trống trải, hoang vắng, đồ đạc đã được dọn đi hết, chỉ còn lại những bức tường lạnh lẽo, trống rỗng. Cảnh tượng ấy gợi lên trong lòng nhân vật" tôi "một cảm giác buồn bã, tiếc nuối và day dứt.

    Câu 4:

    Sự thay đổi trong tâm lý nhân vật tôi trước và sau tiếng khóc hờ mẹ của cô bé bị mất nhà

    - Trước tiếng khóc hờ mẹ:

    +Nhân vật" tôi "cảm thấy hạnh phúc và hài lòng vì đã đạt được mục tiêu mua nhà mới. Dù có chút lo lắng về tình trạng của người bán nhà, nhưng" tôi "vẫn tin rằng mình đã thực hiện một quyết định hợp lý và cần thiết.

    - Sau tiếng khóc hờ mẹ:

    +Nhân vật" tôi "cảm thấy sự hối hận và ám ảnh sâu sắc. Tiếng khóc của cô bé làm nhân vật nhận thức rõ ràng về sự tàn nhẫn của hành động mình, dẫn đến cảm giác tội lỗi và sự xót xa.

    +Nhân vật cảm thấy mình thật ác độc khi làm tổn thương người khác để đạt được lợi ích cá nhân.

    Câu 5:

    - Biện pháp tu từ: Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu là câu hỏi tu từ và hoán dụ

    - Câu hỏi tu từ: Những câu hỏi như" Nhưng biết làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy? "Không nhằm mục đích yêu cầu câu trả lời mà để thể hiện tâm trạng bế tắc và sự cam chịu của nhân vật. Điều này làm nổi bật sự bất lực và sự chấp nhận của nhân vật trước hoàn cảnh.

    - Hoán dụ: Hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp" là một hoán dụ, trong đó "cái chăn hẹp" dùng để chỉ sự giới hạn và bất đủ đầy trong hạnh phúc cá nhân, thể hiện rằng hạnh phúc của mỗi người luôn ảnh hưởng đến người khác.

    - Tác dụng: Biện pháp tu từ này giúp thể hiện sự đau khổ và cảm giác bất lực của nhân vật, đồng thời nhấn mạnh sự khắc nghiệt và bất công của cuộc sống, qua đó phản ánh mâu thuẫn và xung đột nội tâm của nhân vật.

    Câu 6:

    - Tác dụng của các lời độc thoại nội tâm:

    - Khắc họa sâu sắc tâm trạng nhân vật: Các lời độc thoại nội tâm giúp người đọc hiểu rõ hơn về tâm trạng, suy nghĩ và sự đấu tranh nội tâm của nhân vật "tôi". Chúng làm nổi bật cảm giác tội lỗi, sự xót xa và hối hận của nhân vật về hành động của mình.

    - Tạo sự đồng cảm với nhân vật: Những lời độc thoại nội tâm giúp người đọc cảm nhận được những cảm xúc và suy nghĩ phức tạp của nhân vật, từ đó tạo ra sự đồng cảm và hiểu rõ hơn về những quyết định và cảm giác của nhân vật trong bối cảnh cụ thể.

    - Tăng cường tính chân thực của nhân vật: Qua các độc thoại, nhân vật "tôi" được thể hiện là một con người có tính cách và cảm xúc đa dạng, làm cho nhân vật trở nên chân thực và gần gũi hơn với người đọc.

    Câu 7:

    - Tôi không hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhân vật "tôi" về việc hạnh phúc chỉ là một cái chăn hẹp, trong đó sự hạnh phúc của người này là sự thiệt thòi của người khác. Quan điểm này có phần bi quan và phản ánh một cái nhìn tiêu cực về sự phân chia hạnh phúc trong xã hội. Có thể hiểu rằng trong bối cảnh xã hội hiện thực, có những lúc sự thành công và hạnh phúc của một người có thể đi kèm với sự bất hạnh của người khác. Điều này phản ánh sự cạnh tranh và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng phải đánh đổi giữa hạnh phúc của người này và sự đau khổ của người khác. Trong một xã hội lý tưởng, hạnh phúc của mỗi cá nhân có thể được xây dựng mà không cần phải gây tổn hại cho người khác. Đề cao lòng nhân ái và công bằng, mọi người có thể cùng chung hưởng hạnh phúc mà không phải đánh đổi sự thịnh vượng của mình với sự đau khổ của người khác.

    Câu 8:

    - Điểm tương đồng trong giá trị hiện thực:

    - Cả hai truyện ngắn "Mua nhà" và "Chí Phèo" của Nam Cao đều phản ánh những mặt trái của xã hội và con người. Cả hai tác phẩm đều thể hiện sự mâu thuẫn và bất công trong cuộc sống, từ đó phê phán xã hội và thể hiện những trăn trở, dằn vặt của nhân vật.

    - Trong "Chí Phèo", nhân vật chính bị xã hội đẩy vào cảnh cùng cực, không còn khả năng làm chủ số phận của mình và bị tha hóa phải sống trong sự tủi nhục và đau khổ. Tương tự, trong "Mua nhà", nhân vật "tôi" phải đối mặt với sự mâu thuẫn nội tâm và cảm giác tội lỗi vì đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác để đạt được lợi ích cá nhân.

    - Cả hai truyện đều thể hiện sự xung đột giữa cái tôi cá nhân và hoàn cảnh xã hội, đồng thời phản ánh hiện thực tàn nhẫn và sự khắc nghiệt trong mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội.
     
    Tiên Nhi thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...