Cuộc sống là chuỗi ngày tháng thăng trầm, buồn vui lẫn lộn từ lúc cất tiếng khóc đầu đời cho đến lúc trưởng thành. Thuở bé, niềm vui và nỗi buồn đến từ những thứ giản dị, vui khi có kẹo ăn, buồn khi thức dậy không thấy mẹ đâu cả. Sau đó, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai, áp lực cuộc sống và công việc bóp nghẹt tâm hồn. "Sống vốn đơn thuần" của Phong Tử Khải cho ta hiểu rằng cuộc sống có thể trở nên đơn thuần. Bằng những dòng tản văn trầm ấm mà không thiếu phần sâu sắc, tác giả đưa bạn đọc đến những gì mộc mạc, tự nhiên nhất trên đời. Vẻ đẹp của cuộc sống qua đôi mắt của Phong Tử Khải càng đẹp đẽ, càng thơ mộng. Phong Tử Khải là nhà tản văn và là họa sĩ. Ông từng tôn đại sư Hoằng Nhất (Lý Thúc Đồng) làm thầy, ông thông hiểu văn hóa Trung Hoa và cả văn hóa phương Tây. Phong cách văn chương của ông là bình dị, nhân hậu, hồn nhiên. "Sống vốn đơn thuần" là sáng tạo của một tâm hồn lương thiện, bác ái. Ông nhìn đời bằng đôi mắt trong sáng nhất, ông không điểm trang cầu kỳ, chỉ là cuộc sống vốn đơn thuần như thế, ông hòa mình vào tự nhiên và cho đó là điều tất yếu. Đã gần một thế kỷ từ khi "Sống vốn đơn thuần" ra mắt, nhưng giá trị mà nó đem lại vẫn chảy xiết theo dòng thời gian, không bị phai nhạt. Ông dùng ba mươi năm cuộc đời để trải nghiệm và kiểm chứng những sự vật, sự việc mà ông viết. Từ những chuyện nhỏ như dạo chơi bên hồ, ăn cua ngày thu, cắn hạt dưa vào những ngày rỗi.. cho đến những ngày Tết, ngày lễ truyền thống, ký ức về tuổi thơ, không khí ấm cúng gia đình.. khoác lên lớp áo gấm hiện hữu mãi. Lời văn tươi đẹp theo chút man mác buồn về một thời đã qua, "Đời người cũng có đông hè, ấu thơ như hạ, trưởng thành như đông; hoặc tuổi trẻ như hạ, già như đông. Tự nhiên cũng thường khiến cảm giác của người ta thay đổi khi chuyển từ hè sang đông trong cuộc đời, mệnh lệnh của nó hết sức hà khắc, nhưng hết sức hoạt kê." Trong cuốn sách của ông, người với người và con người với tự nhiên được kéo gần lại với nhau. Ông thăm thú cảnh đẹp núi non hùng vĩ, tắm nắng ngày đông, trồng hoa thủy tiên ngày hạ. Vào những ngày thu, buổi tối, trước sân, cả gia đình cùng nhau ngắm trăng, ăn cua. Việc ăn cua tưởng chừng đơn giản nhưng được ông viết lại một cách kỹ lưỡng. "Ăn cua là việc tao nhã, người rành mới bóc khéo được. Trước tiên phải bẻ chân cua, sau đó tách mai.. Làm sao ăn được hết thịt ở các khớp chân, làm sao bóc hết thịt ở yếm.. Có thể lấy vuốt nó làm kim mà khêu thịt.. phần càng còn xếp được thành một con bướm rất đẹp..". Cả gia đình cùng nhau ăn cua, trò chuyện, vui vẻ làm sao! Hay như việc cắn hạt dưa, vốn là không có gì để nói, không có gì để kể, ông kể lại rất sinh động, đầy sức sống. Cách ông kể về những kỷ niệm như trân quý, những thứ mà bao người quên lãng, ông mô tả sâu sắc, chất liệu làm nên văn chương của ông là tự nhiên. Ông kể về việc lúc nhỏ, là người trưởng thành nhìn về quá khứ hoài niệm, nhớ nhung, nên văn phong có chút trẻ con. Trẻ con không biết nói dối, luôn sống chân thật, dù cho ngoài kia có đảo điên ra sao, trái tim ấy vẫn trong sáng như hoa lê thuở nào. Trẻ con nhìn nhận mọi việc bằng tâm hồn thuần khiết, không vụ lợi, toan tính. Người lớn thì có quá nhiều thứ để lo nghĩ, cuộc sống đâu dễ dàng, người thật thà là người thiệt thòi, cho nên họ phải học cách mạnh mẽ hơn để tranh đấu với đời. "Giữa trời đất này chỉ trẻ thơ mới có tâm hồn hoàn mỹ nhất, chân tướng sự vật trên đời chỉ trẻ thơ thấu tỏ nhất, nhìn nhận toàn diện nhất. Còn tôi, tâm hồn thực sự đã bị cõi đời này che lấp, bào mòn, nên so với chúng chỉ là một kẻ tàn tật đáng thương mà thôi". Những thứ tự nhiên vốn không thể sống trong thế giới của người trưởng thành. Nhân sinh như mộng, kiếp người là bèo bọt, nên phải sống cho đáng một kiếp. Người ta thường nghĩ cuộc sống đáng giá khi có tiền tài, danh vọng, cái "tôi" ấy quên rằng cuộc sống còn nhiều thứ đáng giá hơn. Những vật chất phù phiếm ấy rồi cũng tan dần, chỉ có tự nhiên mới là mãi mãi, cái gì tự nhiên sinh ra cũng sẽ không tự mất đi. Màu nhiệm xung quanh ta vô số kể, chỉ là trái tim ta cứ ôm "cái tôi" mà không chịu buông bỏ bớt đi để cảm nhận. Chúng ta thử sống đơn thuần hơn. Đơn thuần là tu tâm, tấm lòng chất phác đôn hậu, thuần khiết chuyên chú, sống thật với chính mình; đơn thuần là trí tuệ, hóa phức tạp thành đơn giản, nhìn thấu sự đời, coi nhẹ mọi được mất. Phóng khoáng dạo chơi cõi trần thế, bình thản trải qua cả kiếp người. "Văn và tranh của anh như những bài thơ ngắn, chúng tôi nhấm nháp mãi mùi vị ấy như ăn quả ô liu vậy" – Chu Tự Thanh (Nhà tản văn, nhà thơ, học giả Trung Quốc) từng nhận xét. Ô liu tươi có vị đắng khó ăn, người ta thường chỉ hái độ sắp chín để làm muối. Có lẽ Chu Tự Thanh đọc cuốn sách của Phong Tử Khải, thấu lẽ đời, thấu tấm lòng trẻ thơ giữa cuộc sống bộn bề, sau cùng mới nhận ra giá trị, nên tu tâm, dưỡng tính. "Dưới ngòi bút của ông, từng cánh hoa rơi đều chứa chan tình ý chốn nhân gian." - Du Bình Bá, nhà tản văn, nhà thơ, nhà Hồng học Trung Quốc từng nói. Ngòi bút tài hoa của Phong Tử Khải mang đến sự an yên giữa nhịp sống vội vã. Mỗi câu chữ của ông đều là chiêm nghiệm, là tình ý, phải là người như thế nào mới có thể viết được như thế? Cái tình rung cảm trong tim, một trái tim đầy tình thương ấy cứu vớt biết bao người đã long đong ngoài kia. Hy vọng cuốn sách "Sống vốn đơn thuần" sẽ giúp bạn chữa lành đôi chút. Mong bạn tìm được thú vui của mình, gặp được mối quan hệ làm bạn vui vẻ, mong bạn cuộc đời yên vui, tự tại, bớt âu lo suy nghĩ. Cuộc đời vốn dĩ không cho không hay lấy đi bất cứ thứ gì, là do ta nghĩ quá nhiều thôi, được mất cũng chỉ là quy luật vốn có, có cho đi thì mới nhận lại. Mong bạn bình thản giữa chốn phồn hoa! Review by Ôn An Na.