Những Bài Thơ Hay Về Nhà Giáo Ngày 20 Tháng 11

Discussion in 'Thơ Ca' started by Thanh Trắc Nguyễn Văn, Nov 4, 2022.

  1. 45. Về Thầy

    Về Thầy!
    Người ta thường bảo:
    "Có những niên học trôi qua
    như một chuyến đò.
    Đời Thầy giáo quạnh hiu
    với nổi niềm cây đa bến nước.
    Những người lái đò còn có đưa có rước,
    Trò qua đời Thầy như một chuyến đò đưa"

    Nhưng...
    Có ai biết chăng!
    Những đêm quạnh hiu bên khung cửa gió lùa
    Bên trang giáo án hằng đêm Thầy thao thức.
    Cho ngày mai những bông hoa tươi đẹp nhất.
    Nở giữa vườn xuân đất Việt kính yêu.
    Dù mai này ngôi trường có xanh rêu
    Dù gốc phượng có già theo năm tháng
    Thầy vẫn ở lại với niềm tin sáng lạng
    Vẫn dắt dìu từng thế hệ chúng em.
    Cho mỗi cuộc đời ngày một xanh thêm.
    Cho mái tóc nhuộm thêm màu phấn trắng.
    Cho niềm vui nở trên cuộc đời thầm lặng
    Không như người lái đò đưa rước chiều hôm

    Hoàng Vũ

    Lời người sưu tập: Tác giả Hoàng Vũ tên đầy đủ là Trần Hoàng Vũ, sinh ngày 18.08.1963, quê tại Gò Công Đông, Tiền Giang. Ông làm nghề ruộng, hiện ở tại xã Tân Tây, Gò Công Đông, Tiền Giang.
     
    Last edited: Nov 14, 2022
  2. 46. Bụi Phấn Xa Rồi

    Ngẩn ngơ chiều khi nắng vàng phai
    Thương nhớ ngày xưa chất ngất hồn
    Một mình thơ thẩn đi tìm lại
    Một thoáng hương xưa dưới mái trường

    Cho dẫu xa rồi vẫn nhớ thương,
    Nầy bàn ghế cũ, nầy hàng me
    Bảng đen nằm nhớ người bạn trẻ
    Bụi phấn xa rồi... gửi chút hương!

    Bạn cũ bây giờ xa tôi lắm
    Mỗi đứa một nơi cách biệt rồi!
    Cuộc đời cũng tựa như trang sách
    Thư viện mênh mông, nhớ mặt trời!!!

    Nước mắt bây giờ để nhớ ai???
    Buồn cho năm tháng hững hờ xa
    Tìm đâu hình bóng còn vương lại?
    Tôi nhớ thầy tôi, nhớ... xót xa!

    Như còn đâu đây tiếng giảng bài
    Từng trang giáo án vẫn còn nguyên
    Cuộc đời cho dẫu về muôn nẻo
    Vẫn nhớ thầy ơi! Chẳng thể quên!!!

    Thái Mộng Trinh
     
  3. 47. Bài Ca Viên Phấn

    Rồi một ngày
    Viên phấn bỗng đi xa
    Trên bảng đen chợt âm thầm biến mất
    Các em nhìn lên
    Vẫn còn đó những dòng công thức
    Và lời chào
    Là bụi phấn bay bay...

    Viên phấn đã dắt ta qua những năm ánh sáng thật dài
    Thuở vụ nổ Big Bang
    Thuở phôi thai vũ trụ
    Có tiếng gầm thét khủng long
    Có bước chân người tiền sử
    Viên phấn cùng ta ngụp lặn giữa biển bờ kiến thức
    Tranh luận nguồn gốc con người
    Quanh học thuyết Darwin.

    Viên phấn vẽ thật nhiều
    Đất nước hình chữ S thân thương
    Có bóng dáng Lạc Long Quân
    Có Mẹ Âu Cơ dẫn đàn con trăm trứng phá rừng mở đất
    Viên phấn đưa ta đi
    Múc nước sông Hồng
    Vo gạo nếp An Giang
    Chụm củi Trường Sơn
    Cùng nấu chung một nồi bánh chưng hương Việt
    Cùng nghe sóng Bạch Đằng
    Cùng vỗ nhịp
    Cùng hát
    Nhớ Trường Sa...

    Vệt phấn bám đầy trên các trang sách giáo khoa
    Vọng tiếng đàn Kiều mười lăm năm lưu lạc
    Âm vang bài thơ thần thuở ông cha phá giặc
    "Nam quốc sơn hà..."
    Lừng lẫy những chiến công
    Vệt phấn nằm nghiêng
    Thao thức
    Phập phồng
    Phảng phất bóng Mendeleev, Pythagore, Newton... bạc đầu trăn trở
    Vò nát những phương trình
    Tìm định luật, định lý tương lai.

    Viên phấn viết
    Xoá
    Bôi
    Rồi lại vẽ miệt mài
    Mơ ước với ta
    Một robot đa năng
    Một con tàu vượt ánh sáng
    Không ai thấy
    Ngoài sân hạ về ngập nắng...
    Viên phấn mòn dần
    Mòn dần
    Hóa bụi mênh mông...

    Bụi phấn lại bay trên những cành phượng hồng
    Đọng xuống ngọt ngào cánh sữa
    Trên trang giáo án
    Sợi tóc thầy rơi bạc thêm một nửa
    Một nửa giăng theo mưa
    Trắng mát trưa hè
    Bụi phấn vẫn bay trên con thuyền giấy chở cọng lá me
    Trên dòng lưu bút
    Trên những chùm bóng xinh xinh
    Mừng ngày niên học kết thúc
    Và trên những cánh diều
    Thả những ước mơ xanh.

    Rồi một ngày
    Chợt nhớ
    Nhìn lên...
    Các em đừng bật khóc
    Viên phấn đi
    Viên phấn đã đi rồi...

    2010
    (Tập thơ Huyền Thoại Người Lái Đò - NXB Hội Nhà Văn năm 2013)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn

    [​IMG]


    Lời người sưu tập: Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn tên thật là Nguyễn Văn Tạo. Ông sinh năm 1962 tại Nam Định, còn có các bút danh khác là Hà Thanh Chương, Nguyễn Thuận Thảo.


    Hiện nay ông là giáo viên môn vật lí tại trường Phổ thông trung học Võ Thị Sáu ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

    (Trang văn học Thica.net)


    Thật ra Thanh Trắc Nguyễn Văn quê ở Nam Định, còn nơi sinh là tại Sài Gòn. Tấm ảnh trên có khi Thanh Trắc Nguyễn Văn còn là sinh viên Đại học Sư phạm lý, có lẽ trang văn học Thica.net đã lấy ảnh đăng kèm thơ trên báo Tuổi Trẻ của những năm của thập niên 1980 - 1990. Trong ảnh Thanh Trắc Nguyễn Văn rất gầy. Những năm đó cả nước do vừa mới chấm dứt chiến tranh nên toàn dân bị thiếu ăn, phải ăn cơm độn với mì, khoai và cao lương (bo bo).
     
  4. 48. Nhớ Cô Giáo Trường Làng Cũ

    Bao năm lên phố, xa làng
    Nhớ con bướm trắng hoa vàng lối quê
    Nhớ bài tập đọc a ê
    Thương cô giáo cũ mơ về tuổi thơ

    Xiêu nghiêng nét chữ dại khờ
    Tay cô cầm ấm đến giờ lòng em.
    Vở ngày thơ ấu lần xem
    Tình cô như mẹ biết đem sánh gì.

    Tờ i nguệch ngoạc bút chì
    Thấm màu mực đỏ điểm ghi bên lề
    Thương trường cũ, nhớ làng quê
    Mơ sao được một ngày về thăm Cô!

    Nguyễn Văn Nhiên
     
  5. 49. Hoa Và Ngày 20-11

    Nụ hoa hồng ngày xưa ấy
    Còn rung rinh sắc thắm tươi
    20-11 ngày năm ấy
    Thầy tôi tuổi vừa đôi mươi.

    Cô tôi mặc áo dài trắng
    Tóc xanh cài một nụ hồng
    Ngỡ mùa xuân sang quá
    Học trò ngơ ngẩn chờ trông...

    Nụ hoa hồng ngày xưa ấy...
    Xuân sang, thầy đã bốn mươi
    Mái tóc chuyển màu bụi phấn
    Nhành hoa cô có còn cài?

    Nụ hoa hồng ngày xưa ấy...
    Tà áo dài trắng nơi nao,
    Thầy cô - những mùa quả ngọt
    Em bỗng thành hoa lúc nào.

    Phan Thị Thanh Nhàn

    [​IMG]


    Lời người sưu tập: Phan Thị Thanh Nhàn là một nhà thơ nữ nổi tiếng, bà sinh ngày 9.8.1943 tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phan Thị Thanh Nhàn viết nhiều thơ tình, theo năm tháng, những bài thơ tình của bà từ nhẹ nhàng, tươi tắn chuyển sang giàu trải nghiệm, trăn trở nhưng độ lượng hơn. Nhưng dù thế nào, những bài thơ của bà vẫn rất chân thành, gần gũi và vì thế chiếm được chỗ trong lòng người đọc. Bài thơ Hương thầm của bà đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc năm 1984 và cũng trở nên nổi tiếng, cái Hương thầm ấy vẫn sẽ còn lan toả:

    Cửa sổ hai nhà cuối phố
    Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ
    Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
    Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
    Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
    Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm...
     
  6. 50. Phấn Trắng

    Hôm nay đi vào lớp
    Nhìn xuống chỗ em ngồi
    Bỗng thấy mình muốn khóc
    Đâu bóng hình em tôi

    Hôm nay đi vào lớp
    Màu tường vôi tràn lan
    Thẫn thờ qua bục gỗ
    Phấn phủ đầy màu tang

    Hôm nay đi vào lớp
    Hoa phượng nở ngoài song
    Bên hàng dương gió lộng
    Chừng như sóng bên sông

    Em về đâu mỗi nơi
    Hôm nay mưa đầy trời
    Một mình tôi đứng lại
    Không biết buồn hay vui.

    Sài Gòn 1974

    Nguyễn Kim Ngân

    [​IMG]

    Lời người sưu tập: Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân sinh ngày 13-7-1946 tại Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cử nhân Triết phương Tây tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Từ năm 1960 đến 1972, ông tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định, năm 1972 bị chế độ Sài Gòn bắt giam. Sau giải phóng, Nguyễn Kim Ngân về dạy học tại Phú Yên. Hiện ông ngụ tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
     
  7. 51. Phấn Trắng Bảng Đen

    Đời hát về chúng tôi
    Về chính mình chúng tôi tự hát
    Rồi cũng phải tạm ngưng tiếng nhạc lời ca
    Rồi cũng phải héo tàn dẫu triệu đoá hoa
    Và còn lại là bảng đen phấn trắng

    Đường đến trường nắng mưa thầm lặng
    Sao mỗi ngày bỗng thấy xa hơn
    Khẩu hiệu trên tường dần tróc nét sơn
    Người giáo viên tự soi mình mỗi khi đến lớp

    Lấn chen chợ đời đôi khi vai áo nhớp
    Giữa bùn nhơ cố giữ sạch lòng sen
    Dẫu một đời phấn trắng bảng đen
    Cố nuôi lửa hồng trong tim, trời xanh trong mắt

    Hiện thực – ước mơ: dòng sông sâu chia cắt
    Dẫu nứa tre ta cũng cố bắc cầu
    Càng yêu nghề lại càng thấy thương nhau
    Càng yêu nghề lại càng thấy tim đau...


    Nguyễn Vân Thiên

    [​IMG]


    Lời người sưu tập: Nhà thơ Nguyễn Vân Thiên sinh năm 1954 quê ở Quảng Nam, hiện sống và viết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông có thơ đăng trên nhiều báo, tạp chí, tuyển tập.
     
  8. 52. Giờ Văn

    Có một giờ văn như thế
    Lớp em im phắc lặng nghe
    Bài "Mẹ vắng nhà ngày bão"
    Cô giảng miệt mài say mê.

    Ai cũng nghĩ đến mẹ mình
    Dịu dàng, đảm đang, tần tảo
    Ai cũng thương thương bố mình
    Vụng về chăm con ngày bão.

    Bỗng nhiên Thu Hằng bật khóc
    Thì ra mẹ bạn mất rồi
    Lớp em lòng như giông bão
    Buồn thương thổi suốt giờ chơi.

    Nguyễn Thị Mai

    [​IMG]


    Lời người sưu tập: Bài thơ này nằm trong chùm thơ đoạt giải thưởng Cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ em do Hội Nhà văn Việt Nam và Uỷ ban tiếu niên nhi đồng Việt Nam tổ chức, 1992.
     
    Last edited: Nov 16, 2022
  9. 53. Trường Học Làng Tôi

    Trường học làng tôi ở cạnh đình
    Một trường ba lớp vẻ xinh xinh
    Trước trường có mấy cây đào lớn
    Thường quyến lòng tôi những cảm tình.

    Trường tôi mặt trước ngó ra sông
    Còn mặt đằng sau ngó cánh đồng
    Phía ấy thầy tôi thường hỏi hướng
    Tôi vòng tay đáp: Dạ, phương Đông.

    Thầy tôi tầm thước mảnh và cao
    Cặp mắt long lanh má nhuốm đào
    Mái tóc hơi quăn, cằm hơi nhọn
    Nụ cười thường lẫn tiếng khao khao.

    Sau ba năm học ở trường làng
    Tôi thấy trong lòng đã mở mang
    Tôi biết con bò: loài nhai lại
    Và tin trời đất rộng thênh thang.

    Năm nay thôi học ở trường quê
    Nhớ lại lòng tôi cảm nặng nề
    Những buổi thu sương buồn ảm đạm
    Trống trường vang dội phía sau đê.

    Huế, 1928

    Thanh Tịnh

    [​IMG]

    Lời người sưu tập: Nhà thơ Thanh Tịnh (12.12.1911 - 17.7.1988) tên thật là Trần Văn Ninh, sinh tại Huế, mất tại Hà Nội, hiện phần mộ đặt tại núi Thiên Thai phía tây thành phố Huế. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957)
     
Trả lời qua Facebook
Loading...