Vận dụng kiến thức văn học mà mình tiếp nhận vào bài viết sao cho hiệu quả?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 19 Tháng mười 2022.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Vận dụng kiến thức văn học mà mình tiếp nhận vào bài viết sao cho hiệu quả?

    Bạn băn khoăn không biết nên vận dụng một đoạn văn hay nào đó mà bản thân đã đọc, học được vào bài văn của mình?

    Bạn muốn biến tấu, vận dụng một cách sáng tạo nguồn tư liệu đó, chứ không muốn copy, sao chép một cách máy móc?

    Bạn muốn làm sáng bài viết bằng giọng văn của bản thân?

    Vậy thì đừng bỏ lỡ bài viết này nhé, bởi vì nó là dành cho bạn đó!

    1. Hãy mở rộng suy nghĩ để đón nhận những ý tưởng sáng tạo.

    Chúng ta vẫn thường bó hẹp tư duy của mình trong giới hạn nào đó, thậm chí là tự tạo ra xiềng xích trói buộc sự sáng tạo vì lo sợ rằng ý tưởng đó không hay và cách vận dụng của mình chưa thật hoàn hảo. Nhưng, bạn biết chăng, trí sáng tạo của chúng ta cũng cần được tôi luyện hàng ngày để đạt được "độ chín" nào đó. Hãy cứ bung tỏa những ý tưởng sáng tạo của bạn và đừng quên ghi chép lại bằng một cuốn sổ nhỏ xinh xinh!

    2. Đọc - ghi chép, vận dụng sáng tạo bằng việc viết lại đoạn văn, đoạn tư liệu đó theo cách tư duy, giọng văn của mình (nói dễ hiểu hơn là bạn hãy áp nó vào một tác phẩm nhất định và suy nghĩ xem có thể vận dụng được vào phần nào).

    Mình ví dụ nhé:

    Hôm nay mình có đọc được một đoạn văn sau rất hay trên web thichvanhoc: "Huê Minh Uê, nhà văn Mĩ 2 lần nhận giải Nobel Văn chương, ông cũng từng đứng trước nhiều lựa chọn như thế: Trở thành một nhà văn – cây bút đi theo xu hướng cách tân, lạ hóa của văn học đương thời hay" bỏ bút đi "? Bởi là nhà văn của một" thế hệ mất mát ", ông hiểu văn chương có hoa mĩ, ngôn từ có trang trọng đến đâu cũng không thấm được máu và nước mắt, lau khô được những bi kịch, băng bó được những vết thương mà chiến tranh gây ra cho con người. Ông tìm về với chính mình sau bao đêm trằn trọc, về với lối viết giản đơn, chân thực, về với" tảng băng trôi "– một gợn mà trăm suy. Chính điều ấy đã giúp ông có được thành công, nổi lên như một hiện tượng của văn học Mỹ hiện đại."

    Và rồi, mình đã liên tưởng đến Tô Hoài - cha đẻ của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", xét theo một khía cạnh nào đó, mình thấy hai tác giả này có một số điểm tương đồng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật và mình đã vận dụng linh hoạt bằng việc viết lại đoạn văn đó như sau:

    "Tây Bắc - miền đất hứa của thi ca nghệ thuật đã thổi hồn cho biết bao trang văn vần thơ. Đã từng có một thời, các nhà văn nhà thơ soi chiếu cuộc sống nơi đây bằng cái nhìn thơ mộng, thi vị, bao phủ nó bằng lớp sương mờ của sự lãng mạn, của chất mộng và chất thơ. Nhưng, khi Tô Hoài cầm bút, là" một người thư kí trung thành của thời đại ", ông ý thức được rằng văn chương có hoa mĩ, ngôn từ có trang trọng đến đâu cũng không thấm được máu và nước mắt, lau khô được những bi kịch, băng bó được những vết thương mà hiện thực tàn khốc gây ra cho con người. Ông đã cất cao tiếng nói của bản thân bằng lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động, bằng cách sử dụng đắc địa vốn từ vựng giàu có nhiều khi bình dị, thông tục. Hơn cả là ông đã nhận ra rằng:" Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật ". Phải chăng, đó chính là lí do vì sao mà trang viết của Tô Hoài luôn phập phồng hơi thở của cuộc sống bộn bề, luôn chan chứa tình cảm thắm thiết của chính nhà văn? Có lẽ, vì lẽ đó mà" Vợ chồng A Phủ "được coi là một tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

    Hay, trong một lần lướt facebook chơi chơi, mình đã tình cờ bắt gặp hai câu thơ rất hay và rồi mình đã áp dụng nó vào bài phân tích" Tướng về hưu "của Nguyễn Huy Thiệp (mình đã thấy đâu đó điểm chung, nét tương đồng giữa câu thơ và nhân vật tướng Thuấn).

    " Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,

    Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu ".


    Hai câu thơ này của Triệu Diễm Tuyết đã làm nức lòng bao kẻ tri âm. Người đẹp xưa nay cũng như danh tướng, chẳng bao giờ hẹn được bạc đầu với nhân gian. Mỹ nhân thì bạc phận, danh tướng vùi sa trường. Thơ ca khóc cho người đẹp xưa nay thật nhiều. Kẻ than cho mỹ nhân, nhưng liệu ai thấu lòng danh tướng? (Tầm chương trích cú)

    Và mình đã sử dụng ngữ liệu trên làm phần mở đầu dẫn vào phân tích nhân vật tướng Thuấn trong bài thi văn học sinh giỏi lớp 11 và lớp 12 (hai lần thi mình đều đạt giải ba tỉnh theo chương trình Chuyên).

    Mình dẫn vào như sau:

    " Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,

    Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu ".

    Hai câu thơ này của Triệu Diễm Tuyết đã làm nức lòng bao kẻ tri âm. Người đẹp xưa nay cũng như danh tướng, chẳng bao giờ hẹn được bạc đầu với nhân gian. Mỹ nhân thì bạc phận, danh tướng vùi sa trường. Thơ ca khóc cho người đẹp xưa nay thật nhiều. Kẻ than cho mỹ nhân, nhưng liệu ai thấu lòng danh tướng?

    Nguyễn Huy Thiệp bằng ngòi bút sắc sảo của mình với cách viết rạch ròi, trần trụi cùng lối kể thâm trầm, sâu sắc đã thấu cảm được" mảnh tình riêng "của vị danh tướng về hưu nặng lòng mối u hoài khi cảm thấy lạc loài trong chính ngôi nhà của mình. Bình lặng trở lại cuộc sống đời thường ở cái tuổi" cổ lai hy "khi" việc lớn trong đời đã làm xong rồi! ", tướng Thuấn không mang về ánh hào quang của người lính suốt cả đời chinh chiến, không dằn vặt, hoài niệm về chiến tranh như Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh hay nỗi đau dằn xé của Lực trong Cỏ Lau của Nguyễn Minh Châu khi ngày trở về thì người vợ thân yêu đã có chồng khác. Ông trở về sống bên người những người thân của mình. Thế nhưng tại trong ngôi nhà của mình, ông cảm thấy lạc loài, không hòa nhập được.

    Mọi người cũng có thể liên hệ nhân vật này với một vài câu thơ trong bài " Một vị tướng về hưu "của Nguyễn Đức Mậu :(những câu mình bôi đen sẽ dễ liên hệ hơn nha)

    Thôi, đã dứt đường binh nghiệp

    Tuổi hưu rồi bác ở quê

    Chạnh nhớ bạn bè thuở trước

    Cùng đi có đứa không về

    Người vợ tuổi già như bác

    Miếng trầu nhai dập chiều mưa

    Hồi son trẻ xa nhau mãi

    Giờ thương biết mấy cho vừa

    Huân chương xếp vào góc tủ

    Nay hàm tướng tá mà chi

    Tuổi già công danh xem nhẹ

    Cuộc đời như nước trôi đi

    Thuở trước bạn cùng súng đạn

    Nay khuây hàng xóm bạn già

    Bao dốc bao rừng đã vượt

    Lối mòn quanh quẩn vào ra

    Ngày đi khuất bóng mẹ cha

    Ngày về sửa sang mộ cũ

    Âm thầm một tấc đất sâu

    Hương khói tỏ mờ mầu cỏ

    Ngôi nhà nắng mưa vẫn đó

    Ðàn con mỗi đứa một nơi

    Nếu không có trẻ hàng xóm

    Tuổi già hẳn nhiều đơn côi

    Những đêm gió thổi buốt trời

    Vết thương cũ còn đau nhức

    Ôi sư đoàn xưa giờ đâu

    Người cũ, ai còn, ai mất?

    Về hưu giờ thôi quyền chức

    Ai người nhớ bác lại chơi

    Ai kẻ xa lòng, tránh mặt

    Niềm riêng một mảnh trăng trời..

    Mình còn vận dụng kiến thức học sinh giỏi vào bài viết ôn thi THPT quốc gia nữa, chẳng hạn, mình đã dùng trích dẫn sau khi phân tích phát hiện về hiện thực đời sống nghiệt ngã ngay sau khoảnh khắc Phùng xúc động vì chụp được cảnh đắt trời cho .

    " Văn chương là vùng đất cổ tích đối với những người nhìn nó từ xa, nhưng giống như tất cả các cảnh quan khác, sự quyến rũ mờ dần khi lại gần hơn, gai nhọn và cây hồng hoang trở nên hữu hình "(Washington Irving). Phải chăng, vì thấu hiểu được điều ấy nên Nguyễn Minh Châu đã ngậm ngùi vẩy vào" bức tranh đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh "những vết chì xám xịt? Đắng cay thay, bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy lại là cảnh tượng đầy ngang trái, xót xa.

    Vận dụng vào " Vợ chồng A Phủ ": Nguyễn Huy Thiệp từng chiêm nghiệm:" Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát vào lòng người viết ra nó mười lần. "Phải chăng giọt nước mắt của A Phủ chính là" chút muối rắc đâu đó trên trang viết "? Nó khơi dậy niềm đồng cảm trong Mị, hồi sinh tâm hồn cằn cỗi tưởng chừng như đã chết lặng..

    3. Viết, viết, viết và viết.

    Thực hành là con đường tốt nhất nâng tầm tư duy và lối viết của bạn, bạn sẽ nhận ra sự thay đổi rõ rệt của mình khi thực hành những gì mình tiếp thu được vào bài viết và liên tục rèn luyện để câu văn mượt mà hơn.

    Mình sẽ đưa ra một vài đoạn viết mẫu để bạn tham khảo và có động lực chinh phục môn văn hơn nha:

    (1) " Tôi muốn nói với họ những gì tôi nhận ra trong cuộc sống này. Tôi không bao giờ chấp nhận vai trò của một thẩm phán, tôi không phải là biên niên sử lạnh lùng. Trái tim tôi luôn ở đó. "(Svetlana Alechxevich) Nhận định quả thật đúng với Thạch Lam –nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá văn xuôi. Không ồn ào, sôi nổi; không mạnh mẽ, táo bạo, Thạch Lam là con người tinh tế và nhạy cảm trước mọi biến động tinh vi và nhỏ nhặt của cuộc sống. Có thể nói, Thạch Lam xuất hiện trên văn đàn như một sự" hòa giải giữa thơ và văn xuôi', giữa lãng mạn và hiện thực. Thạch Lam có khả năng diễn tả những biến thái tinh vi nhất trong lòng con người và sự vật. Đến với văn Thạch Lam, bạn đọc đã quen đến với một thứ truyện ít có cốt truyện, không có những tình tiết ngặt ngoèo mà có lúc chỉ là diễn tả trạng thái con người trong một phút giây, một khoảnh khắc ngắn ngủi. Thạch Lam trân trọng cuộc sống, trân trọng những vẻ đẹp bình dị trên cõi đời này. Bình dị mà sâu sắc, chứa chan tình nhân ái, Thạch Lam hướng người đọc tới sự thanh cao của cái đẹp, cái thiện.

    (2) "Nhà văn không phải là diễn viên trên sàn diễn. Nhà văn không phải là loài có cánh. Nhà văn phải đứng bằng hai chân giữa mặt đất đầy hiểm họa, giữa thập loại chúng sinh." (Nguyễn Minh Châu) Văn chương sẽ còn giá trị gì khi nhà văn bẻ cong ngòi bút của mình theo những thứ mơ mộng hão huyền để lấy lòng công chúng? Văn chương sẽ là gì khi nhà văn chỉ toàn phản ánh những điều giả dối, cố tráng lên một lớp "men" trữ tình quá dày để che lấp đi hiện thực cuộc sống? Nhà văn, suy cho cùng, phải là người lặn ngụp sâu vào hiện thực để thấy bề sâu, bề xa, bề rộng của cuộc đời. Nhà văn phải là "người thư kí trung thành của thời đại", kịp thời phản ánh hơi thở và nhịp đập của muôn kiếp nhân sinh.

    (3) "Nghệ thuật mà không gắn với đời sống thì nó chỉ là một bông hoa ác mà thôi" (Nguyễn Huy Tưởng) . Trong cuộc sống, cái đẹp và cái thiện luôn song hành với nhau, nhưng sẽ ra sao khi cái đẹp và cái thiện lại xung đột với nhau quyết liệt? Bi kịch của Vũ Như Tô trong "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài" nhắc nhở chúng ta về mối họa lớn của sự tách rời và đối nghịch hóa giữa các giá trị. Nó chứng minh đầy sức thuyết phục rằng: Cái đẹp tự sát khi nó nhảy múa trên thân thể quằn quại của cái thiện nhưng giết chết cái đẹp vì cái thiện cũng là giết luôn cả cái thiện.

    Những Trích Dẫn Lí Luận Văn Học Độc - Lạ Giúp Nâng Tầm Bài Viết Và Cách Vận Dụng

    Chúc các bạn học tập tốt!
     
    06thuynhung, Ột Éc, Yu901117 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười một 2022
  2. Ngoc Pig

    Bài viết:
    8
    Cảm ơn bạn thật nhiều vì những chia sẻ hữu ích
     
    Yu9011, Lagan, Tiên Nhi3 người khác thích bài này.
  3. Ngoc Pig

    Bài viết:
    8
    Chia sẻ chân thực, hữu ích và rất sáng tạo ạ, mong chị tiếp tục ra bài về chủ đề này*qobe 74**qobe 97*
     
    Lagan, Tiên Nhi, LieuDuong3 người khác thích bài này.
  4. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn thật nhiều, mong bạn tiếp tục theo dõi bài viết tiếp theo của mình
     
    Lagan, Tiên Nhi, LieuDuong4 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...