Vận dụng kiến thức lí luận văn học viết đoạn văn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 12 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    VẬN DỤNG KIẾN THỨC LÍ LUẬN VĂN HỌC VIẾT ĐOẠN VĂN

    Sử dụng những câu lí luận văn học trong quá trình thực hành viết văn sẽ giúp bài văn nghị luận trở nên đặc sắc hơn, sinh động hơn, thể hiện được sự sáng tạo và những cách tân của người viết. Vận dụng các nhận định, các kiến thức lí luận văn học tạo hiệu quả bất ngờ bởi lối viết không bị rập khuôn mà thay vào đó là lối dẫn dắt thú vị, thu hút độc giả ngay từ lần đọc đầu tiên.

    Lý luận văn học được hiểu là một bộ môn nghiên cứu văn học trên bình diện lý thuyết khái quát cao. Trong đó có sự nghiên cứu bản chất về quá trình sáng tác văn học, tiếp nhận văn học, các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ của văn học, đặc trưng của các thể loại văn học, phong cách nhà văn.. Nhìn chung, kiến thức về lí luận văn học khá đa dạng và mang tính khái quát, trừu tượng cao.

    Khi thực hành viết văn, các em có thể sử dụng kiến thức lí luận văn học, những nhận định mang tính chất lí luận văn học để tạo ấn tượng cho bài viết. Tuy nhiên, để sử dụng hợp lí em cần đọc nhiều, cần có những hiểu biết cơ bản nhất về lí luận văn học.

    Dưới đây là một số đoạn văn tham khảo có vận dụng lí luận văn học – dưới hình thức một nhận định, ý kiến.


    [​IMG]

    MỞ BÀI CÓ SỬ DỤNG LÍ LUẬN VĂN HỌC

    1. Mở bài về thơ ca

    Đề 1: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:

    "Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!

    [..]

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"


    Hướng dẫn Mở bài:

    Mở bài 1:

    "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy" - nhận định của nhà thơ Tố Hữu đã đề cập đến một trong những đặc trưng của thơ: Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. "Tây Tiến" (Quang Dũng) trở thành một hiện tượng đặc biệt và có sức sống lâu bền trước hết phải kể đến yếu tố cảm xúc của bài thơ. Chính những nhịp rung mãnh liệt trong tâm hồn chàng thi sĩ trẻ khi hồi tưởng về một thời từng sống, chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến đã làm nên mạch cảm xúc thi vị và hào hùng của bài thơ, thành nhịp đập trái tim của thi phẩm và đem đến rung cảm thẩm mĩ sâu sắc trong lòng người đọc. Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên, nhớ đồng đội, nhớ nhớ kỉ niệm ấm áp tình đồng bào.. Mười bốn câu thơ:


    "Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!

    [..]

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"


    là dòng cảm xúc bồi hồi nhung nhớ của Quang Dũng về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội cùng những cuộc hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến. Xúc cảm chân thành, mãnh liệt ấy đã "chưng cất" lên những vần thơ thật đẹp.

    Mở bài 2: "Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ" - nhận định của André Chénien cho ta hiểu rằng: "Nghệ thuật" và "trái tim" là những nhân tố quan trọng để hình thành một tác phẩm thơ ca nổi tiếng và một nhà thơ vĩ đại. "Tây Tiến" của Quang Dũng là thi phẩm hội tụ cả hai vầng sáng lung linh ấy. Đó là một bài thơ vừa đậm chất thơ, vừa đậm chất tình, vừa giàu tính nghệ thuật, vừa mang tấm lòng sâu nặng của nhà thơ dành cho thiên nhiên, con người Tây Bắc, cho đoàn binh Tây Tiến mà ông từng một thời gắn bó. Mười bốn câu thơ đầu:

    "Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!

    [..]

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

    Là vùng kí ức không thể nào quên của Quang Dũng về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và những cuộc hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến. Đoạn thơ thấm đẫm những kỷ niệm của một đời chiến binh được cất lên từ trái tim "chơi vơi" trong nỗi nhớ.


    Đề 2: Phân tích đoạn thơ:

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    * * *

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"


    Mở bài:

    Nói về quá trình sáng tác bài thơ "Tây Tiến", Quang Dũng chia sẻ: ".. . Tôi làm bài thơ này rất nhanh. Làm xong, đọc trước đại hội được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Hồi đó tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy. Tôi chả chút lí luận gì về thơ cả..". Qua những chia sẻ ấy, ta có thể thấy, bài thơ được viết lên từ những rung động mãnh liệt của nhà thơ về một thời từng sống và chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến. Dù không trau chuốt, cầu kì, không có cả những hiểu biết sâu sắc về "lí luận" thơ.. bài thơ vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, trở thành đóa hoa đặc biệt giữa rừng thơ kháng chiến đang khoe sắc tỏa hương và đánh dấu nốt son chói lọi trong đời thơ Quang Dũng. Bài thơ là nơi để Quang Dũng gửi gắm trái tim, tâm hồn cùng nỗi nhớ da diết của mình về những tháng ngày kháng chiến gian khổ mà hào hùng của Quang Dũng trong binh đoàn Tây Tiến, nổi bật hơn hết là những kỉ niệm ấm áp tình quân dân những đêm liên hoan lửa trại và khung cảnh thơ mộng của thiên nhiên Châu Mộc buổi chiều sương:

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    * * *

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"


    2. Mở bài văn xuôi

    Đề 1: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong bữa cơm ngày đói (truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân)

    Mở bài:

    Nói về sức sống của một tác phẩm văn học, tôi chợt nhớ đến ý thơ: "Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu". C ó những tác phẩm chẳng thể hấp dẫn ta đọc đến trang cuối cùng, nhưng có những tác phẩm đọc đến trang cuối cùng vẫn còn đọng lại biết bao dư âm sâu lắng, ám ảnh khôn nguôi. Dư âm ấy khi như men say, mật ngọt khiến ta cảm nhận từng dòng chảy hân hoan, hạnh phúc trong tâm hồn, khi lại như móng vuốt sắc nhọn của một con vật nào đó chạm nhẹ trái tim ta, khiến ta thổn thức, nhói đau. Sức truyền cảm của một tác phẩm thực sự, bao giờ cũng lắng sâu như thế. "Vợ nhặt" của Kim Lân là một tác phẩm mang đến nhiều dư âm trong lòng người đọc. Đúng như Hà Minh Đức trong Nhà văn nói về tác phẩm đã viết: "Kim Lân là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Kim Lân đã tạo được cách viết độc đáo. Phải nói rằng Kim Lân viết không nhiều, nhưng sáng tác của ông đã gây ấn tượng với bạn đọc". Cả tác phẩm "Vợ nhặt" nói chung và đoạn kết truyện với hình ảnh bà mẹ già bên nồi cháo cám thực sự để lại những ấn tượng khó quên:

    ".. Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo [..] Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy".

    Đề 2: Phân tích vẻ đẹp sông Đà trong đoạn văn: "Hùng vĩ của sông Đà không chỉ có thác.. cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn"((Trích "Người lái đò sông Đà" - Nguyễn Tuân )

    Mở bài:

    Nhắc đến Nguyễn Tuân, ta nhớ ngay đến một nghệ sĩ tài hoa uyên bác, người luôn luôn kiếm tìm, khám phá và thể hiện cái đẹp với một niềm say mê kì lạ. Niềm say mê cái đẹp ấy đã khiến nhà văn tạo ra cho mình một cái nhìn nghệ thuật riêng: Khám phá và thể hiện thiên nhiên, con người từ góc độ văn hóa, thẩm mĩ. Đặc sắc phong cách đó của Nguyễn Tuân thể hiện rõ nét qua tác phẩm "Người lái đò sông Đà" (in trong tập tùy bút "Sông Đà" – kết quả của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của Nguyễn Tuân năm 1958). Với kiệt tác này, Nguyễn Tuân đã đặc biệt thành công trong việc biến vùng sông nước ấy thành nghệ thuật, thành một niềm gợi cảm mênh mông. Sông Đà qua ngòi bút tài hoa độc đáo của Nguyễn Tuân, không còn là thực thể vô tri vô giác mà như một cá thể có tính cách riêng, vừa hung bạo, dữ dằn, vừa trữ tình, đằm thắm. Đoạn văn: "Hùng vĩ của sông Đà không chỉ có thác.. cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn" vừa dựng lên bức tranh hùng vĩ, tráng lệ về Đà giang khúc thượng nguồn vừa thể hiện những nét độc đáo trong quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân.


    THAM KHẢO ĐOẠN THÂN BÀI CÓ SỬ DỤNG LÍ LUẬN VĂN HỌC

    1. "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật". Ý kiến của Bêlinxki thật xúc động và đầy giá trị! Đến với thơ nghĩa là ta đến với cuộc đời qua lăng kính nghệ thuật của nhà thơ. Thơ ca khơi dậy trong lòng ta lớp lớp những đợt sóng cuộn trào và muôn vàn cung bậc tình cảm: Yêu thương, căm giận xót xa, nghẹn ngào, xao xuyến, bâng khuâng.. bởi thơ là đời, thơ là hoa nảy nở từ mảnh đất cuộc đời dào dạt nhựa sống. Những vần thơ trong "Tây Tiến" đã được viết ra từ chính những trải nghiệm rất đời như thế:

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ"

    2. Có thể nói tình cảm của người viết chính là khâu đầu tiên của quá trình xây dựng tác phẩm nghệ thuật. Điều này có căn nguyên sâu xa từ đặc trưng của văn học. Văn học là tiếng nói tâm hồn, tình cảm của cá nhân người nghệ sĩ trước cuộc đời. Làm sao nhà văn có thể viết nên tác phẩm – sản phẩm của thế giới tinh thần của mình – nếu như tâm hồn trơ như đá trước cuộc đời? Nhà văn chỉ có thể sáng tạo nên tác phẩm khi cảm thấy bức xúc trước cuộc sống con người, cảm thấy tiếng nói thôi thúc mãnh liệt con tim. Không phải vô cớ mà Lê Quý Đôn cho rằng: "Thơ khởi phát tự trong lòng người ta". Và những câu thơ đầu tiên của "Tây Tiến" cũng bật ra từ nỗi nhớ đồng đội trào dâng mãnh liệt:

    "Tây Tiến xa rồi sông Mã ơi!

    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi"

    3. Là "phát minh về hình thức" nhưng đồng thời cũng phải là sự "khám phá về nội dung". Người đọc đến với văn học không chỉ để giải trí mà trước hết để tâm hồn thêm phong phú, giàu có. Những "khám phá về nội dung" của mỗi tác giả khác nhau đem đến cho độc giả những cảm nhận khác nhau. Những "khám phá về nội dung" ấy không phải là những gì xa lạ, phù phiếm ở một thế giới xa vời mà ở ngay chính cuộc đời trần thế. Những đề tài trong cuộc sống là có hạn, nhưng lại trở thành vô hạn trong sự tìm tòi vô hạn của người nghệ sĩ. Nhà văn phải "khơi những nguồn chưa ai khơi" – nguồn ấy là nguồn đời, nguồn tình không bao giờ vơi cạn. Để có được những "khám phá về nội dung" ấy, nhà văn phải có cách nhìn riêng mới mẻ. "Cái đẹp không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở đôi mắt của kẻ si tình".. Nếu các nhà thơ cùng thời chán đời trần thế, tìm đến cõi Thiên thai, hay đi về nước Chàm xa xưa, thì Xuân Diệu yêu đời, khát khao giao cảm với đời. Với vẻ đẹp trần thế. Tất cả cuộc sống hiện lên thật đẹp qua ánh mắt xanh non của nhà thơ:

    "Của ong bướm này đây tuần tháng mật

    Này đây hoa của đồng nội xanh rì"

    4. Có một nhà văn từng nhận ra rằng "Nghệ thuật nằm ngoài định luật băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết". Thi phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng là một trong những tác phẩm nghệ thuật trường tồn như vậy. Bài thơ được sáng tác cuối năm 1948, khi nhà thơ đã chuyển sang đơn vị khác. Tại hội nghị toàn quân ở Cù Lao Chanh tác giả bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm kháng chiến cùng đồng đội ở đơn vị cũ trong những tháng năm ở miền biên cương Tây Bắc. Những ngày tháng gian khổi mà hào hùng ấy đã rung lên các dây tơ xúc cảm trong tâm hồn để nhà thơ viết nên bài thơ "Tây Tiến".

    5. "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật". Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông bất tận của những tâm hồn nghệ sĩ. Thơ ca cũng như văn chương và các loại hình nghệ thuật khác, nếu không bám rễ vào cuộc đời, nếu không hút nguồn nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ mãi mãi là một cây non èo uột, không mang trên mình những cành cây săn chắc, những phiến lá xanh tươi phơi phới dưới ánh nắng mặt trời. Là nhà thơ, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực cuộc đời thì thơ anh mới tươi màu neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng thức. Có thể nói cuộc đời là mạch sữa ngọt ngào tuôn chảy không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác để nuôi dưỡng thi ca.


    THAM KHẢO ĐOẠN KẾT BÀI CÓ SỬ DỤNG LÍ LUẬN VĂN HỌC

    1. "Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp" (Sóng Hồng). Quả đúng như vậy, Tây Tiến đã mang đến cho người đọc "con người và thời đại" của một thời chống Pháp oanh liệt hào hùng. Qua đó ta thấy được tinh thần Tây Tiến bất tử, một thời đại bất tử. Cảm ơn nhà thơ Quang Dũng – người đã tạc vào tháng năm lịch sử một tượng đài bi tráng, thiêng liêng về những con người "chẳng tiếc đời xanh" đã hiến dâng thanh xuân của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Xin được mượn mấy lời thơ của Giang Nam thay cho lời kết:

    "Tây Tiến biên cương mờ lửa khói

    Quân đi lớp lớp động cây rừng

    Và bài thơ ấy, con người ấy

    Vẫn sống muôn đời với núi sông".

    2. "Nhà văn phải đau cái đau của nhân vật, phải buồn cái buồn của nhân vật, vui cái vui của cuộc sống, của con người, khi ấy tác phẩm của anh mới có" sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại "(Hoài Thanh). Cảm xúc trơ lì, sáo mòn; tình cảm nông cạn, hời hợt, giả dối; tác phẩm chỉ là những con chữ vô hồn, xác ép khô không gây xúc động nơi người đọc. Chỉ những gì xuất phát từ trái tim mới đi đến những trái tim. Với ý nghĩa ấy, tác phẩm" Vợ nhặt"của Kim Lân đã bắc nhịp cầu linh diệu nối liền trái tim nghệ sĩ với tâm hồn độc giả bởi những gì nhà văn đau đớn cho nhân vật, buồn vui, hi vọng cùng nhân vật của mình.
    Chính tấm lòng nhân đạo sâu sắc của ngòi bút Kim Lân đã đem lại sức sống lâu bền cho tác phẩm.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười một 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    Văn chương không chỉ đơn giản là thú vui bình sinh lúc an nhàn mà còn là "điểm tựa" cho con người mỗi phút giây yếu lòng. Nó đem lại cho ta niềm tin yêu cuộc sống và vững tin vào chính mình để thay đổi. Trong sáng tác văn chương "nhà văn có thể viết về bóng tối nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sáng". Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà "Vợ chồng A Phủ" đã được Tô Hoài viết lên để gửi gắm những giá trị nhân văn cao cả. Tác phẩm là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu áp bức và vùng lên phản kháng, tìm cuộc sống tự do. Sự "đổi đời" của các nhân vật trong tác phẩm không phải nhờ có phép màu của ông Bụt, bà Tiên mà từ chính sức mạnh, tiềm lực bên trong của họ. Tác phẩm từ đầu đến cuổi đều thể hiện tiếng nói thương yêu, ca ngợi, tin tưởng con người. Đó chính là lí do khiến "Truyện Tây Bắc" đạt giải nhất truyện ngắn – giải thưởng do Hội nghệ sĩ Việt Nam trao tặng năm 1954 – 1955.

    Ai ma tôp từng khẳng định "Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp". Nhà văn Tô Hoài quả thực đã làm được điều đó khi thể hiện sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Những tưởng Mị sẽ cam chịu, chấp nhận kiếp sống ấy cho đến chết nhưng bằng một trái tim đầy yêu thương nhà văn Tô Hoài đã khám phá phát hiện ra đằng sau sự cam chịu, chấp nhận ấy của Mị là sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Và chính sức sống tiềm ẩn bên trong một khi sống dậy thì rất mãnh liệt ấy đã giúp Mị từng bước tháo cũi sổ lồng, tìm được hạnh phúc cho cuộc đời mình.

    "Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp". (Ai ma tôp). Nhà văn Tô Hoài quả thực đã làm được điều đó khi thể hiện sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Những tưởng Mị sẽ cam chịu, chấp nhận kiếp sống ấy cho đến chết nhưng bằng một trái tim đầy yêu thương nhà văn Tô Hoài đã khám phá phát hiện ra đằng sau sự cam chịu, chấp nhận ấy của Mị là sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Và chính sức sống tiềm ẩn bên trong một khi sống dậy thì rất mãnh liệt ấy đã giúp Mị từng bước tháo cũi sổ lồng, tìm được hạnh phúc cho cuộc đời mình.

     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng mười một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...