Đọc hiểu: Tương tư - Nguyễn Bính: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 30 Tháng chín 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Đọc văn bản:

    Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
    Một người chín nhớ mười mong một người.
    Gió mưa là bệnh của giời,
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
    Hai thôn chung lại một làng,
    Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
    Ngày qua ngày lại qua ngày,
    Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
    Bảo rằng cách trở đò giang,
    Không sang là chẳng đường sang đã đành.
    Nhưng đây cách một đầu đình,
    Có xa xôi mấy cho tình xa xôi...
    Tương tư thức mấy đêm rồi,
    Biết cho ai, hỏi ai người biết cho.
    Bao giờ bến mới gặp đò,
    Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
    Nhà anh có một giàn giầu,
    Nhà em có một hàng cau liên phòng.
    Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
    Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

    (Tương tư, Tuyển tập Nguyễn Bính – NXB văn học, Hà Nội, 1986)

    * Nguyễn Bính là nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại.

    [​IMG]

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.

    Câu 2: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.

    Câu 3: Nhân vật trữ tình trong bài thơ này là ai?

    Câu 4: Em hiểu như thế nào về nội dung của 2 câu thơ sau:

    Gió mưa là bệnh của giời

    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.


    Câu 5: Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ hoán dụ trong 2 câu thơ sau:

    Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

    Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

    Câu 6: Nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ?

    Câu 7: Khái quát nội dung bài thơ trên.

    Câu 8: bài thơ có nhứng nét đặc sắc gì về nghệ thuật?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1: Thể thơ: Lục bát

    Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Biểu cảm

    Câu 3: Nhân vật trữ tình là: Chàng trai thôn Đoài (người trực tiếp bộc lộ cảm xúc tương tư trong bài thơ)

    Câu 4:

    Hiểu về nội dung 2 câu thơ: Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

    - Gió mưa là hiện tượng tự nhiên của trời, hiển nhiên, cố hữu, con người khó có thể tác động được.

    - > tương tư là cái tự nhiên của tình yêu, ai yêu cũng mang trạng thái này, "anh" cũng vậy. Chàng trai mượn chuyện tự nhiên của trời đất để giãi bày nỗi tương tư trogn lòng mình một cách khéo léo.

    Câu 5:

    Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

    Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

    + Biện pháp hoán dụ: Thôn Đoài, thôn Đông - chỉ người thôn Đoài và người thôn Đông (lấy vật chứa để chỉ vật được chứa/ lấy cái tổng thể để chỉ thành phần).

    + Tác dụng:

    - Thể hiện cách nói khéo léo, hóm hỉnh; diễn tả nỗi nhớ mãnh liệt, da diết của nhân vật trữ tình đối với người mình yêu.

    - Tăng tính gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

    Câu 6:

    Nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình: Chàng trai trong bài thơ trên là chàng trai chân thành, mộc mạc, tinh tế. Chân thành bộc bạch trạng thái tương tư cũng như tình yêu mãnh liệt dành cho cô gái thôn Đông. Cách biểu đạt tình cảm của chàng trai không phô trương mà hết sức mộc mạc, tinh tế, mượn hình ảnh thiên nhiên, sự vật.. để giãi bày nỗi nhớ và tình yêu.

    Câu 7: Nội dung: Bài thơ thể hiện những cung bậc khác nhau trong tâm trạng tương tư của nhân vật trữ tình: Từ nhớ, mong đến băn khoăn, than thở, rồi dỗi hờn trách móc, cuối cùng là khao khát, hi vọng nên duyên đôi lứa.

    Câu 8: Bài thơ thể hiện những nét đặc sắc về nghệ thuật: Thể thơ lục bát quen thuộc của ca dao, ngôn từ mộc mạc giản dị nhưng giàu tính biểu cảm, những từ ngữ hình ảnh gần gũi với ca dao dân ca và làng quê Việt Nam, sử dụng tối đa hiệu quả nghệ thuật của phép ẩn dụ, hoán dụ, câu hỏi tu từ..
     
    Ái Nhẫn, lacvuphongcaLieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...