Đọc hiểu đoạn trích vũ như tô - Cuộc trò chuyện với vua lê tương dực về việc xây cửu trùng đài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 17 Tháng mười hai 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    Đọc văn bản sau:

    CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI VUA LÊ TƯƠNG DỰC VỀ VIỆC XÂY CỬU TRÙNG ĐÀI

    (Trích Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng)

    LÊ TƯƠNG DỰC :(Cười gằn) Vũ Như Tô, mi không sợ chết sao?

    VŨ NHƯ TÔ: Tâu Hoàng thượng tiện nhân không sợ chết.

    LÊ TƯƠNG DỰC: Người ta ai không tham sinh quý tử: Mi nói không sợ chết hóa ra vọng ngôn sao! Sao trẫm triệu vào kinh, mi lại trốn?

    VŨ NHƯ TÔ: Tâu Hoàng thượng tiện nhân trốn đi để tránh cho triều đình một tội ác.

    LÊ TƯƠNG DỰC: Trẫm sai cắt lưỡi mi đi bây giờ!

    VŨ NHƯ TÔ: Lời thẳng thì hay trái tai. Xin Hoàng thượng cho phép tiện nhân được nói. Tiện nhân có bị cực hình cũng không oán hận.

    LÊ TƯƠNG DỰC: Trẫm đã khoan thử cho mi nhiều lắm rồi.

    VŨ NHƯ TÔ: Tâu Hoàng thượng, tiện nhân có tội gì mà Hoàng thượng phải khoan thứ? Tiện nhân không trộm cướp, không tham nhũng, không giết người, tiện nhân chỉ biết phụng dưỡng mẹ già, nuôi vợ, nuôi con. Đang yên ổn, bỗng dưng tiện nhân bị bắt, bị đóng gông tra xiềng rồi bị giải đi, ăn không được ăn, uống không được uống, nghỉ ở đâu cũng bị đem giam vào lao như những quân trọng phạm. Hỏi tiện nhân có tội gì?

    LÊ TƯƠNG DỰC: Vua cần đến thì thần nhân phải xả thân làm việc kỳ đến chết thì thôi.

    VŨ NHƯ TÔ: Nhưng xử đãi thế thì ai muốn trau dổi nghề nghiệp? Kính sĩ mới đắc sĩ..

    LÊ TƯƠNG DỰC: Kính sĩ đắc sĩ, mi là sĩ đấy ư: Mi dám tự phụ là sĩ thảo nào mi không sợ chết.

    VŨ NHƯ TÔ: Sĩ mà không có chân tài thì tiện nhân không bàn. Anh em tiện nhân còn có những nguyện vọng sâu xa hơn đối với nước. Hoàng thượng quá nhầm về chữ sĩ. Một ông quan trị dân, với một người thợ giỏi, xây những lâu đài tráng quan, điểm xuyết cho đất nước, tiện nhân chưa biết người nào mới đáng gọi là sĩ.

    LÊ TƯƠNG DỰC: Trẫm rộng lượng nên mi mới được ăn nói rỗng càn. Chẳng qua là trầm mến tài, người khác thì đã mất đâu.

    VŨ NHƯ TÔ: Thân này tiện nhân đã cầm chắc là không được toàn. Nhưng trước khi chết tiện nhân cũng cố hết sức biện bạch mong Hoàng thượng đừng coi rẻ anh em tiện nhân, ngõ hầu con em theo gót sau này được mở mày mở mặt. Những ân huệ ấy tiện nhân không xin cho mình tiện nhân xin chịu chết mà xin cho lũ hậu tiến. Được biệt đãi, có địa vị thì những kẻ tài hoa mới xuất hiện, tranh nhau tô điểm nước non.

    LÊ TƯƠNG DỰC: Đó là công việc của trẫm và các đại thần. Mi là một tên thợ không biết gì. Hãy nghe trẫm hỏi chuyện Cửu Trùng đài. Một năm nay không xây được, trẫm lấy làm phiền lắm. Đài phải có trăm nóc, cao mười trượn dài năm trăm trượng, mi có đủ tài xây được không?

    VŨ NHƯ TÔ: Tiện nhân không thấy cái khó ở đâu cả. Tiện nhân tự xét, thực thừa sức xây Cửu trùng đài.

    LÊ TƯƠNG DỰC: Mi định xây ra làm sao.

    VŨ NHƯ TÔ: Điều tiện nhân xin lúc này, Hoàng thượng hãy chuẩn y cho đã.

    LÊ TƯƠNG DỰC: Mi định bắt ép ta sao? Đầu mi chỉ một lệnh truyền là không còn trên cổ.

    VŨ NHƯ TÔ: Tiện nhân đã coi rẻ đầu này. Nó rơi lúc nào là xong một kiếp. Tiện nhân nhắc đi nhắc lại nhiều lần như thế, Hoàng thượng đã quên rồi sao? Chỉ vì tiền đồ nước ta mà tiện nhân xin Hoàng thượng trọng đãi thợ. Hoàng thượng không được khinh rẻ họ, không được ức hiếp họ. (Mắt sáng lên, nét mặt quả quyết) Được thế thì tiện nhân mới chịu làm, mà xin Hoàng thượng biết cho, đài Cửu trùng, phi Vũ Như Tô này, không ai làm nổi.

    LÊ TƯƠNG DỰC :(Lòng tự tin của Vũ làm cho vua kinh ngạc) Sợ mi chỉ là một kẻ đại ngôn.

    (Lược: Lê Tương Dực ép Vũ Như Tô đưa bản vẽ và khống chế để lấy bản vẽ Cửu Trùng đài từ tay Vũ Như Tô)

    LÊ TƯƠNG DỰC :(Dịu giọng nhìn bản đồ say sưa)

    - Mi định không giúp trẫm sao?

    VŨ NHƯ TÔ: Tiện nhân dám đâu tiếc sức? Cũng mong giúp Hoàng thượng xây cho nước ta một tòa lâu đài nguy nga, cùng với vũ trụ trường tồn. Chỉ xin Hoàng thượng hai điều: Thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một ly nào. Thứ hai: Hoàng thượng và triều đình phải trọng đãi công ngang sĩ. Sách Trung dung có dạy "Lai bách công giã". Hoàng thượng chắc còn nhớ đấy. Nước phú dân cường là nhờ ở đó. Hai điều đó không được, tiện nhân đành phí thân này.

    (Lược: Vũ Như Tô yêu cầu ra điều kiện với vua Lê Tương Dực)

    LÊ TƯƠNG DỰC :(Trầm ngâm) Sao mi cứ băn khoăn?

    VŨ NHƯ TÔ: Không băn khoăn sao được? Khi anh em tiện nhân, chỉ vì có chút tài năng, mà phải cực nhục như quân có tội, thì kẻ này không thể nào ăn ngon ngủ yên được. Chính tiện nhân đây, cổ đeo gông, tay mang xiềng xích, nhục quá trâu ngựa, Hoàng thượng xử đãi như thế mà không biết ngượng sao?

    LÊ TƯƠNG DỰC: Được, hai điều mi xin, trẫm cho cả. Trẫm chịu mi vậy. Nhưng mi phải đem hết sức ra xây Cửu trùng đài cho trẫm.

    VŨ NHƯ TÔ: Được, Hoàng thượng cho hai điều ấy, tiện nhân dám đâu không hết sức. Huống chi xây Cửu trùng đài, vì Hoàng thượng thì ít, mà vì tiện nhân thì nhiều. Đã làm xin cúc cung tận tuy. Hoàng thượng tuyển cho năm vạn thợ và phải giao cho tiện nhân toàn quyền làm việc, kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu. Có thế thì đài mới xong được.

    LÊ TƯƠNG DỰC: Bao giờ xong?

    VŨ NHƯ TÔ: Độ năm năm. Hoàng thượng liệu có thể theo cho đến buổi hoàn thành không?

    LÊ TƯƠNG DỰC: Sao lại không? Ngay bây giờ, trẫm sai ban hành đạo chiếu. Và ngày mai bắt đầu làm việc.

    VŨ NHƯ TÔ: Xin phụng mệnh. Nhưng gông và xiềng xích này Hoàng thượng còn bắt tiện nhân đeo đến bao giờ?

    LÊ TƯƠNG DỰC :(Ngần ngại) Tháo cho mi, nhưng mi đừng phụ lòng trẫm

    VŨ NHƯ TÔ :(Nói to) Hoàng thượng coi tiện nhân là người thế nào? Đại trượng phu một nhời đã hứa, dẫu nhảy vào đống lửa cũng không từ.

    LÊ TƯƠNG DỰC: Mi nên thành tâm giúp trẫm. Được, mi theo trẫm vào đây.

    (Trích Vũ Như Tô, NXB Sân khấu Hà Nội, 2006)​

    * Chú thích:

    Tóm tắt vở kịch: Vũ Như Tô, một kiến trúc sư thiên tài, bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ. Vốn là một nghệ sĩ chân chính, gắn bó với nhân dân, cho nên mặc dù bị Lê Tương Dực dọa giết, Vũ Như Tô vẫn ngang nhiên chửi mắng tên hôn quân và kiên quyết từ chối xây Cửu Trùng Đài – (hồi I).

    Đan Thiềm, một cung nữ đã thuyết phục Vũ Như Tô chấp nhận yêu cầu của Lê Tương Dực, lợi dụng quyền thế và tiền bạc của hắn, trổ hết tài năng để xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại "bền như trăng sao", có thể "tranh tinh xảo với hóa công" để cho dân ta nghìn thu còn hãnh diện. Theo lời khuyên, Vũ Như Tô đã thay đổi thái độ, chấp nhận xây Cửu Trùng Đài. Từ đó, ông dồn hết tâm trí và bằng mọi giá xây dựng tòa đài sao cho thật hùng vĩ, tráng lệ.

    Ông đã vô tình gây biết bao tai họa cho nhân dân: Để xây dựng Cửu Trùng Đài, triều đình ra lệnh tăng thêm sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối. Dân căm phẫn vua làm cho dân cùng, nước kiệt; thợ oán Vũ Như Tô bởi nhiều người chết vì tai nạn, vì ông cho chém những kẻ chạy trốn. Công cuộc xây dựng càng gần kề thành công thì mâu thuẫn giữa tập đoàn thống trị sống xa hoa, trụy lạc với tầng lớp nhân dân nghèo khổ, giữa Vũ Như Tô với những người thợ lành nghề và người dân lao động mà ông hằng yêu mến càng căng thẳng, gay gắt (hồi II, III, IV). Lợi dụng tình hình rối ren và mâu thuẫn ấy, Quận công Trịnh Duy Sản – kẻ cầm đầu phe đối lập trong triều đình – đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ làm phản, giết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm. Cửu Trùng Đài bị chính những người thợ nổi loạn đập phá, thiêu hủy (hồi V).

    Đoạn trích: Nằm ở hồi I, Vũ Như Tô đã chấp nhận yêu cầu của Lê Tương Dực và đưa ra điều kiện với nhà vua.

    * Nguyễn Huy Tưởng:

    [​IMG]

    - Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) sinh ra trong một gia đình nho giáo ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là người rất ý thức về vai trò của nhà văn đối với đất nước, dân tộc: "Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi" (Nhật ký ngày 19 - 2 - 1930). Sống qua hai chế độ, hài hòa trong phẩm chất nghệ sĩ và ý thức công dân, nhà văn thống nhất về phong cách sáng tác với đề tài lịch sử, trên nhiều thể loại, tiểu thuyết, kịch, ký, truyện phim, truyện lịch sử dành cho thiếu nhi. Ông rất xứng đáng khi được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.

    - Là thành viên đầu tiên của hội Văn hóa cứu Quốc, Nguyễn Huy Tưởng được cử đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, được bầu vào Quốc hội khóa I, trên cương vị lãnh đạo Hội Văn Nghệ Việt Nam, nhà văn đem hết tài năng và nhiệt tình xây dựng nền văn học mới đang còn rất non trẻ. Nguyễn Huy Tưởng còn đóng góp cho nền văn nghệ cách mạng những tác phẩm có giá trị về nhiều mặt, nhưng xét về phương diện đổi mới và phát triển thể loại cho lịch sử văn học thì nhất thiết phải nói tới thể loại kịch.

    * Lựa chọn đáp án đúng:

    Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại

    A. Bi kịch

    B. Hài kịch

    C. Chính kịch

    D. Sân khấu dân gian

    Câu 2. Xác định mâu thuẫn kịch trong trích đoạn trên

    A. Mâu thuẫn giữa vua Lê Tương Dực và Vũ Như Tô trong việc quyết định bản thiết kế Cửu Trùng đài

    B. Mâu thuẫn giữa vua Lê Tương Dực và Vũ Như Tô trong việc mong muốn xây Cửu Trùng Đài của nhà vua và lợi ích của người thợ khi xây dựng đài mà Vũ Như Tô đặt ra

    C. Mâu thuẫn giữa vua Lê Tương Dực và Vũ Như Tô trong việc kinh phí xây Cửu Trùng Đài và công sức bỏ ra khi xây dựng Cửu Trùng Đài

    D. Mâu thuẫn giữa vua Lê Tương Dực và Vũ Như Tô trong việc công sức bỏ ra khi xây dựng Cửu Trùng đài và sự phản đối của nhân dân khi xây dựng.

    Câu 3. Mâu thuẫn đó đã được giải quyết trong đoạn trích trên chưa? Bằng chứng việc giải quyết mâu thuẫn đó là gì?

    A. Mâu thuẫn chưa được giải quyết do vua Lê Tương Dực chưa đồng ý với yêu cầu của Vũ Như Tô

    B. Mâu thuẫn chưa được giải quyết do vua Lê Tương Dực đã dùng quyền thế để ép Vũ Như Tô nhận lời xây Cửu Trùng đài

    C. Mâu thuẫn đã được giải quyết vì vua Lê Tương Dực đã đồng ý với hai điều kiện của Vũ Như Tô và Vũ Như Tô đã đồng ý xây Cửu Trùng đài theo mong muốn của nhà vua

    D. Mâu thuẫn đã được giải quyết vì vua Lê Tương Dực đã đồng ý với hai điều kiện của Vũ Như Tô

    Câu 4. Lời thoại của Vũ Như Tô trong đoạn trích cho thấy ông là người như thế nào?

    A. Là người trọng kẻ sĩ (người có năng lực, có học), nhất quán trong mục đích và nguyện vọng của bản thân

    B. Là người cố chấp, quyết tâm với những ước muốn cá nhân của bản thân

    C. Là người dũng cảm, dám phản kháng nhà vua dù có phải chịu cái chết

    D. Là người nhu nhược, không có chính kiến và bị chi phối bởi quyền lực

    Câu 5. Lời thoại của vua Lê Tương Dực trong đoạn trích cho thấy nhà vua là người như thế nào?

    A. Là người trọng kẻ sĩ (người có tài, có học)

    B. Là người với mong muốn hưởng lạc, quyết tâm xây dựng nơi chốn đẹp nhất mà mình từng mong muốn để hưởng thụ

    C. Là người dễ dàng dụ dỗ

    D. Là người tàn bạo, bảo thủ và luôn hà khắc ép buộc người dưới quyền của mình

    Câu 6. Hai điều kiện mà Vũ Như Tô đưa ra với vua Lê Tương Dực là gì?

    A. Thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một ly nào. Thứ hai, Vũ Như Tô có toàn quyền quyết định trong việc phân công thợ thuyền xây dựng Cửu Trùng đài

    B. Thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một ly nào. Thứ hai, Hoàng thượng và triều đình phải trọng đãi Vũ Như Tô ngang công một bậc đại quan.

    C. Thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một ly nào. Thứ hai, Hoàng thượng và triều đình phải trọng đãi công ngang sĩ

    D. Thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một ly nào. Thứ hai, Vũ Như Tô được yêu cầu kinh phí xây dựng Cửu Trùng đài

    Câu 7. Qua hai điều kiện của Vũ Như Tô, có thể thấy được mong muốn lớn nhất của ông là gì?

    A. Xây được một công trình kiến trúc tô điểm đất nước đúng mơ ước của mình

    B. Coi trọng quyền lợi và lợi ích của những người đồng hành khi xây Cửu Trùng đài

    C. Xây dựng được một công trình kiến trúc bậc nhất có thể sánh vai với cường quốc năm châu

    D. Xây dựng được công trình kiến trúc tô điểm đất nước và coi trọng lợi ích của những người thợ đồng hành với mình.

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 8. Phân tích lời thoại của vua Lê Tương Dực để cho thấy được sự thay đổi trong thái độ của nhà vua trước những lí lẽ và mong muốn mà Vũ Như Tô đưa ra.

    Câu 9. Em hiểu thế nào về lời của Vũ Như Tô "kính sĩ mới đắc sĩ", theo em câu nói này của Vũ Như Tô có giá trị gì trong việc thuyết phục vua Lê Tương Dực chấp nhận mong muốn của mình.

    Câu 10. Qua đoạn văn, em hãy viết đoạn văn khoảng 7 – 10 câu trình bày quan điểm của mình về ý kiến: Kẻ sĩ (người có học) mà không có chân tài (Tài năng thực sự) thì cũng chỉ là kẻ vô dụng.

    Câu 10: Viết bài văn khoảng 2/3 trang giấy phân tích đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật theo đặc trưng thể loại bi kịch đoạn trích trên.

    * Đáp án

    Câu 1: A

    Câu 2: B

    Câu 3: C

    Câu 4: A

    Câu 5: B

    Câu 6: C

    Câu 7 :D

    Câu 8: Phân tích lời thoại của vua Lê Tương Dực để cho thấy được sự thay đổi trong thái độ của nhà vua trước những lí lẽ và mong muốn mà Vũ Như Tô đưa ra.

    * Ban đầu:

    - Lời lẽ của nhà vua

    + Trẫm sai cắt lưỡi mi đi bây giờ!

    + Kính sĩ đắc sĩ, mi là sĩ đấy ư: Mi dám tự phụ là sĩ thảo nào mi không sợ chết.

    + Mi định bắt ép ta sao? Đầu mi chỉ một lệnh truyền là không còn trên cổ.


    - Thái độ: Cường quyền, chèn ép bắt buộc Vũ Như Tô làm theo yêu cầu xây Cửu Trùng đài của mình.

    * Lúc sau:

    - Lời lẽ của nhà vua:

    + Mi định không giúp trẫm sao?

    + Được, hai điều mi xin, trẫm cho cả. Trẫm chịu mi vậy. Nhưng mi phải đem hết sức ra xây Cửu trùng đài cho trẫm.

    + Sao lại không? Ngay bây giờ, trẫm sai ban hành đạo chiếu. Và ngày mai bắt đầu làm việc.


    - Thái độ: Dịu giọng, chấp thuận với những lí lẽ và yêu cầu của Vũ Như Tô

    Câu 9:

    - Kính sĩ mới đắc sĩ: Trọng dụng người có học, có tài thì mới được lòng người có học có tài, từ đó mới có thể hỗ trợ người cầm quyền làm việc lớn

    - Vũ Như Tô nói với nhà vua như vậy để nhà vua hiểu có trọng dụng lợi ích của những người tài thì mới đạt được mong muốn xây Cửu Trùng đài của nhà vua.

    Câu 10:

    "Kẻ sĩ mà không có chân tài cũng trở thành kẻ vô dụng".

    + Kẻ sĩ: Người có học nói chung

    + Chân tài: Tài năng thực sự, người có năng khiếu thiên bẩm hoặc qua luyện tập

    - Khẳng định: Nhiều người có học nhưng vẫn chỉ là người bình thường, kẻ có học phải có tài năng thực sự mới làm nên chuyện lớn

    - Mở rộng: Tài năng đó còn phải được sử dụng vào việc có ích, mang lại thành quả cụ thể mới được công nhận là "nhân tài".

    Câu 11:

    1. Giới thiệu khái quát về tác phẩm và yếu tố bi kịch được thể hiện trong tác phẩm

    2. Phân tích, đánh giá phương diện nội dung và nghệ thuật (Cần lưu ý việc chỉ rõ các yếu tố của thể loại trên các phương diện)

    Về nội dung

    * Cốt truyện bi kịch: Sự giằng xé nội tâm giữa một bên là lợi ích của nhân dân và khát vọng cống hiến vì nghệ thuật của người nghệ sĩ

    * Mâu thuẫn kịch: Tập trung phân tích mâu thuẫn giữa vua Lê Tương Dực và Vũ Như Tô khi cả hai bên đồng thuận xây dựng Cửu Trùng Đài

    * Nhân vật bi kịch: Mang những phẩm chất cao đẹp, tình cảnh lại éo le, phân tích Vũ Như Tô qua đoạn trích:

    - Là một người vì lợi ích của đồng đội, lo lắng cho những mâu thuẫn của nhà nước với nhân dân (Lời thoại thể hiện sự kiên định của Vũ Như Tô)

    - Là một người nghệ sĩ khát khao xây dựng được một cơ đồ nghệ thuật (Lời thoại thể hiện ước mong xây dựng Cửu Trùng đài của Vũ Như Tô đúng như bản thiết kế ban đầu)

    Về nghệ thuật

    * Ngôn ngữ kịch: Ngôn ngữ văn học, những đoạn đối thoại, độc thoại giàu chất trữ tình, bộc lộ sâu sắc cảm xúc của các nhân vật

    3. Hiệu ứng thanh lọc (Ý nghĩa của vở kịch nói chung và đoạn trích kịch nói riêng) Khát vọng cống hiến của người nghệ sĩ và những lo lắng cho lợi ích của những kẻ sĩ, người thợ thuyền góp công xây dựng Cửu Trùng đài
     
    AdminLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...