"Xó bếp" là một trong những bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Duy viết về đề tài quê hương. Bài thơ bộc lộ dòng cảm xúc suy tưởng, chân thành và cảm động của nhà thơ khi nhớ về kí ức nơi quê nhà. Hình tượng xuyên suốt bài thơ là hình ảnh "xó bếp" - gần gũi, quen thuộc với mỗi người dân quê. Điệp ngữ "Nơi ấy" lặp lại nhiều lần, đứng ở đầu các khổ thơ trở thành một điệp khúc nhằm nhấn mạnh giá trị thiêng liêng của nơi ấy - "xó bếp", nơi gắn liền với bao kí ức, hoài niệm thân thương về những người thân yêu của tác giả nơi quê nhà. Bài thơ khiến ta chiêm nghiệm ra nhiều điều: Chúng ta không biết được điều gì đang chờ đợi mình ở tương lai nhưng chắc chắn chúng ta biết cuộc đời mình được bắt đầu từ nơi gần gũi nhất, ý nghĩa nhất – đó là gia đình, là quê hương. Từ bài thơ, chúng ta nhận thức sâu sắc được ý nghĩa của gia đình, quê hương: Đó là nơi ta được sinh ra, là nơi ta bắt đầu cuộc đời, là nơi ta thuộc về. Bài thơ cũng thức tỉnh trong mỗi chúng ta tình yêu, trách nhiệm với gia đình, quê hương.. Bài thơ: Xó bếp Tác giả: Nguyễn Duy Nơi ấy mẹ ta nhễ nhại mồ hôi đàn con lóc nhóc khóc cười buổi nhá nhem len lén mò cơm nguội bảy sắc cầu vồng trong xó xỉnh lọ lem Nơi ấy ta nướng khoai lùi sắn xoa xít hít hà... thơm bùi cháy họng lấm tấm đầy đầu bụi bồ hóng lép bép lửa tàu cau râu tôm nấu với ruột bầu húp suông Nơi ấy vùng ta còn đun rạ đun rơm cơm nếp cứ thơm canh cua cứ ngọt con cá kho dưa quả cà kho tép việc vặt giúp bà ta từng quen tay gạo chiêm ghế ngô gạo mùa độn khoai bà dạy ta chữa khê chữa nhão ngọn lửa giữ qua đêm dài trong trấu âm ỉ lòng ta đến bao giờ Nơi ấy nhá nhem giữa quên và nhớ đỉnh núi hiện lên bóng bà và mẹ mây chiều hôm gánh gạo đưa ta tất tưởi đường xa cầu vồng ráng đỏ Mặt trận dời vào sâu ngày mai ta dừng chân nơi nào khoảng trống phía trước vẫn bỏ ngỏ đâu biết những gì chờ ta đằng kia chỉ biết đời ta khởi đầu từ nơi ấy... Mặt trận đường 9 - Nam Lào, 1971 (Trích Xó bếp, Tập thơ Mẹ và Em, Nguyễn Duy, NXB Thanh Hoá, 1987)