Ma Xó Nhà Bà Cả Sang Tác giả: Nhất Diệp Y Sương Thể loại: Truyện Ma - Kinh Dị Hồi năm 1935, ông Ngoại tôi khi đó vẫn còn là một đứa trẻ mười hai mười ba tuổi nhưng do nhà bà Cố Ngoại tôi quá nghèo, lại đông con nên từ khi còn bé ông Ngoại tôi đã phải đi làm mướn cho những gia đình giàu có ở trong làng để đổi lấy gạo ăn, và lấy tiền đóng sưu thuế cho Pháp. Trong số những gia đình giàu có ông tôi làm việc thì có gia đình bà Cả Sang, một gia đình giàu có nức tiếng ở trong làng. Nhà bà Cả Sang làm nghề buôn tơ lụa. Ông Cả Sang thường buôn những chuyến lớn lên tỉnh, có khi đi cả tháng mấy, hai tháng mới về một lần vì vậy mà ông thường xuyên không có nhà. Còn hai con bà, Cô Sang và Cậu Trí thì học luôn ở trên tỉnh, chỉ có hè mới về quê ít ngày để thăm mẹ. Cho nên, mọi việc lớn nhỏ trong nhà là một tay bà Cả quán xuyến hết. Lại nói đến bà Cả Sang, tuy bà là người giàu có, sang trọng nhưng bà lại không mang cái tính khí của bọn nhà giàu, thích xa hoa và hay hách dịch. Bà có một đời sống giản dị, tính cách cũng rất hòa nhã, dễ gần. Vì vậy mà mọi người trong làng hầu như ai ai cũng đều dành thiện cảm cho bà. Ông Ngoại tôi thường được Bà Cả Sang mướn đi chăn bò, có khi thì đi cắt cỏ hay là gánh nước. Cứ xong một ngày làm việc thì bà lại trả cho ông tôi hai hào, cho thêm hai đấu gạo và ba quả trứng gà. Kể ra như vậy là nhiều rồi, chứ làm cho những nhà hà khắc hay bủn xỉn thì chẳng được như thế bao giờ. Vì vậy mà ông tôi thích lắm, cứ nghe nói được đến nhà bà Cả Sang làm việc là ông tôi lại nhảy cẳng lên, nhảy chân sáo rồi huých gió đi khắp làng. Nhưng rồi vào một buổi chiều chạng vạng tối, khi bà Cố tôi đang ngồi bện lại cái chổi rơm ở ngoài đầu hè thì thấy ông Ngoại tôi chạy về, mặt mày ông xanh mét, còn tay chân thì cứ run lên bần bật. Bà Cố tôi thấy vậy thì nghĩ ông tôi bị trúng gió nên đâm nước gừng ra cho ông uống. Ai nhè ông tôi lại không chịu uống, lại cứ nắm chặt lấy gấu áo của bà, bảo cách mấy cũng không chịu buông. Bức mình bà Cố lấy tay đét vào mông ông tôi mấy cái. Đến lúc này, ông mới như bừng tỉnh, ông òa lên khóc nức nở rồi sau đó kể lại đầu đuôi sự việc cho bà Cố nghe. Thì ra mọi chuyện là thế này.. Sáng hôm đó ông tôi được bà Cả Sang gọi qua làm cỏ ở cái sân sau nhà bà. Khi đang lúi húi nhổ cỏ thì ông tôi thấy chị Minh từ đằng xa đi tới. (chị Minh là người ở lâu năm của nhà bà Cả. Chị ở cho nhà bà từ khi chị còn bé tí, được gia đình bà rất coi trọng, thường giao cho chị coi sóc kẻ ăn người ở ở trong nhà) trên tay chị cầm theo hai quả gấc chín, chị nhìn ông tôi rồi cười bảo: "Cu cậu thế mà lại có lộc ăn đấy. Hôm nay tôi đồ xôi. Làm cho nhanh, cho sạch rồi lát nữa tôi xắn cho một đĩa đem về" Ông tôi nghe vậy thì mừng vui ra mặt. Bởi quanh năm ông tôi chỉ ăn cơm độn cà cùng với muối trắng, có bao giờ được ăn xôi đâu. Bỗng nhiên hôm nay lại được ăn xôi gấc, làm gì mà không thích cho được. Nên ông tôi cảm ơn chị Minh rối rít rồi sau đó làm việc tỏ ra hăng hái lắm. Đến trưa, ông tôi tìm đến một gốc cây ở gần đó ngồi nghỉ mát, tiện thể ông lấy trong túi áo ra hai củ khoai lang luộc mà bà Cố Ngoại đã phát cho ông hồi sáng để ăn trưa luôn. Nhưng rồi ông lại không ăn. Ông nhìn củ khoai ở trong tay mình và lại nghĩ đến mâm xôi gấc của chị Minh. Không biết ông nghĩ thế nào mà lại nhét hai củ khoai trở lại vào túi rồi sau đó ông rời khỏi gốc cây và lần mò đi vào gian bếp nhà bà Cả Sang. Cái gian bếp nhà bà Cả Sang tương đối rộng, nó được làm tách biệt ra hẳn với nhà chính bằng hai làn của ngăn. Đặc biệt bên trong bếp có hai cái tủ làm bằng gỗ lim. Một cái để đựng chén bát còn một cái thì để đựng những bình rượu quý mà người ta đem tới biếu ông Cả trong những dịp lễ tết hay cậy nhờ chuyện làm ăn. Còn đâu thì bình thường như những gian bếp của các nhà khác. Chỉ có khác ở chỗ là gọn gàng và sạch sẽ hơn nhiều. Nhưng ông Ngoại tôi thì chẳng thèm để ý đến những chuyện đó làm gì. Điều ông quan tâm là cái mâm xôi gấc vừa mới đồ xong của chị Minh còn đang nghi ngút khói để ở trên bàn. Cái mùi xôi gấc cứ bốc lên ngào ngạt như muốn mời gọi ông tôi, làm cho cái đói của một đứa trẻ thiếu thốn, nghèo nàn như ông tôi lại trở nên cồn cào hơn bao giờ hết. Vì vậy mà ông tôi đánh bạo, ngó trước ngó sau rồi thò tay véo một miếng xôi bỏ ngay vào miệng. Còn chưa kịp nhai thì ông đã nghe như có một tiếng nói rất khẽ vọng ra từ cánh cửa đằng sau lưng mình: "Một" Tiếng nói khẽ tới mức ông cứ nghĩ rằng do hồi hợp quá mà ông nghe nhầm. Nhưng khi ông véo một miếng thứ hai bỏ vào trong miệng thì lại nghe thấy tiếng nói ấy vọng ra: "Hai" Ông nhìn dáo dác khắp gian bếp, thực sự là không có ai. Vậy tiếng nói đó từ đâu phát ra? Hay thật sự là ông nghe nhầm, hoặc chăng là.. nhà này có ma. Nghĩ tới ma thì ông tôi sợ lắm. Nhưng bây giờ là giữa trưa mà, trời nắng chang chang thế này thì ma cỏ làm sao ra được. Nghĩ thế rồi ông cũng không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Nhưng rồi cái gan ăn vụng trong ông cũng biến mất tăm. Ông theo đường cũ rời khỏi gian bếp, cũng không nghĩ ngợi gì đến chuyện vừa rồi nữa. Chiều đến, sau khi nhổ xong cỏ và dọn dẹp đâu vào đấy rồi thì ông tôi đi ra nhà trước gặp chị Minh để lãnh tiền công. Chị Minh đang tưới nước cho mấy cây kiểng ở trong vườn, thấy ông tôi đi tới chị cười bảo: "Xong rồi à? Có sạch khômg đấy. Không sạch là tôi không cho ăn xôi đâu" "Sạch mà! Chị cứ đi mà kiểm tra đi. Có qua hai trận mưa nữa thì cũng chẳng nhìn thấy một ngọn cỏ nào nhú lên đâu" Thấy ông tôi cam đoan như thế thì chị Minh tỏ vẻ hài lòng. Rồi chị bảo: "Thôi được rồi! Cậu cứ ngồi đây nghỉ một lát đi. Tôi tưới xong mấy cây kiểng này thì vào lấy xôi cho cậu. Còn công cán ngày hôm nay thì ngày mai cậu sang làm cho tôi một ngày nữa rồi tôi tính luôn cho." Nghe chị Minh nói thế thì ông tôi cũng bằng lòng. Nhưng khi nhìn trời có vẻ không còn sớm nữa. Cho nên ông lại giục: "Tiền công thì mai tính cũng được. Nhưng giờ cũng đã chiều rồi, chị lấy cho tôi luôn đi để tôi về kẻo trễ." "Ối dào! Có gì mà gấp thế. Tôi đã chia sẳn rồi. Chỉ việc đi vào bếp đem ra thôi ấy mà. Có tốn bao nhiêu thời gian đâu." "Vậy chị để ở đâu để tôi đi lấy luôn cũng được." Nghe ông tôi nói thế thì chị Minh liền quay sang, tỏ ý mắng: "Cậu này hay nhờ. Bếp núc nhà người ta ai cho cậu vào, muốn vào là vào à." Thấy chị Minh có vẻ quan trọng quá vấn đề thì ông tôi đâm bực, buộc miệng nói luôn: "Bếp núc thôi chứ có cái gì đâu. Không cho vào thì tôi cũng vào rồi." Nghe tới đây chợt chị Minh bỏ bình tưới xuống, chị chạy lại nắm tay ông tôi rồi kéo đến một góc cột, sau đó chị hỏi khẽ: "Cậu vào bếp rồi à?" Ông tôi lúc này cũng không muốn giấu. Vả chăng cũng chỉ là ăn một miếng, hai miếng xôi gất. Chắc cũng không phải là chuyện gì to tát lắm nên ông cũng khai luôn: "Ừ! Hồi trưa tôi có đi vào bếp. Thấy chị đồ xôi ngon quá nên có véo một hai miếng ăn thử. Tôi lỡ dại. Chị cho tôi xin, đừng có mách với bà" Nghe ông tôi nói xong, đột nhiên chị Minh thở dài thường thượt. Sau đó chị lại hỏi ông tôi: "Thế cậu ăn bao nhiêu miếng? Thế có nghe ai đếm gì không?" "Hình như là có.. có nghe tiếng ai đếm một hai gì đấy.." ông tôi vừa hồi tưởng lại việc lúc trưa, vừa kể lại chi tiết cho chị Minh nghe. Đến lúc này thì chị Minh không hỏi gì nữa. Chị ngồi phịch xuống đất, miệng cứ lẩm bẩm "chết rồi! Thôi chết rồi" làm ông tôi cũng hoảng hồn theo. Suýt nữa thì khóc. Chợt chị quay sang bảo với ông tôi: "Cậu mau cởi áo ngoài ra đưa đây cho tôi. Nếu không.. cậu không sống được tới ngày mai đâu" Nghe thế thì ông tôi sợ quá liền cởi ngay áo đưa qua cho chị. Chị Minh lấy áo của ông Ngoại tôi khoác lên trên mình rồi chị lấy cái nón lá rách của ông tôi đội lên trên đầu. Sau đó chị không nói không rằng liền đi thẳng xuống bếp. Ông tôi thấy vậy thì chạy theo sau lưng chị. Ông nấp vào một góc kẹt, rồi ngó vào trong bếp. Qua cái lỗ nhỏ trên vách, ông thấy chị Minh đi đến mâm xôi, chị véo một miếng xôi rồi bỏ vào miệng. Chợt ông nghe đâu đó lại vọng ra cái tiếng nói mà lúc ban trưa ông đã nghe thấy: "Ba" Bỗng chị Minh quay ngoắc lại nhìn chằm chằm vào cánh cửa bếp, Giọng chị sang sảng: "Ơ cái con này! Đến cả tao mà mày cũng đếm à?" Trong kẹt cửa, cái giọng lúc nãy lại vang lên: "Thế hóa ra là chị à! Em lại tưởng là ai" "Thế mày để nó ở đâu rồi?" "Ở trong tủ chén, giữa hai cái bát úp lại" Nghe thế chị Minh liền đi lại tủ chén, chị lấy hai cái bát úp ở đó đem ra ngoài vườn. Sau đó chị vẫy tay gọi ông tôi lại. Trong bát là ba cục máu còn đỏ tươi, mỗi cục to vừa bằng ngón chân cái. Chị Minh lấy một cục nuốt vào. Còn hai cục đưa cho ông Ngoại tôi. Chị bảo: "Nuốt vào nhanh đi. Cũng may là chỉ có hai cục. Chứ nó mà lấy của cậu đủ bảy cục là cậu toi đời rồi. Thần tiên cũng không cứu được cậu đâu. May phúc cho nhà cậu đấy." Ông tôi nhìn đến hai cục máu đỏ tươi ở trong bát thì mặt đã xanh như tàu lá, làm sao mà nuốt xuống cho được. Thế mà chị Minh ngồi ở bên cạnh thì cứ giục mãi, bảo là nếu không nuốt vào sẽ bị bệnh mà chết. Nên sau một lúc lâu ông Ngoại tôi cũng đành phải nuốt hai cục huyết ấy vào. Cái cảm giác tanh nồng mặn đắng của huyết tươi xộc ngay lên não khiến ông phải bốp chặt miệng lại mới không mửa ra. Nuốt xong hai cục huyết thì ông tôi liền đứng dậy bỏ chạy. Cũng chẳng còn biết chị Minh nói gì ở phía sau nữa. Sau ngày hôm đó ông tôi nhất định là không bao giờ làm mướn cho nhà bà Cả Sang. Có làm công cho những nhà khác thì cũng chỉ cắm đầu cắm cổ vào mà làm chứ chẳng còn dám tọc mạch đi lung tung trong nhà người ta nữa. Đến những năm sau này khi cuộc cải cách ruộng đất nổ ra gia đình bà Cả Sang bị liệt vào hạng địa chủ, gia tài bị đem chia hết còn hai ông bà thì bị giải đi đâu không ai biết, nhưng nghe nói là đều chết cả. Cô Sang, cậu Trí tuy được sống nhưng cũng rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, không nơi nương tựa. Sau này cô Sang về làm vợ thứ cho một ông chủ tiệm may ở đất kinh kỳ, nhưng được hai năm thì hóa điên. Còn cậu Trí thì theo một người quen của gia đình di cư vào Nam sau đó rồi bật vô âm tín. Không ai còn biết tin gì về cậu nữa. Sau những dòng hồi tưởng, ông Ngoại tôi rê một điếu thuốc lá đưa lên miệng, rít một hơi rồi nói tiếp: "Ma cỏ nó cũng như con dao hai lưỡi vậy, mình chơi với nó chỉ được thời gian thôi, nó cho mình nhà cao cửa rộng nhưng nó phản mình thì mình đi cả mạng. Sở dĩ nhà ông Cả trải qua các đời giàu có như thế là bởi vì nuôi ma. Nhưng đến đời ông thì bị phản, thành thử ra tan cửa nát nhà chứ thực tình thì ông bả cũng hiền. Nên con sau này ghi nhớ lời ông có chơi với gì thì chơi chứ đừng chơi với ma mà chết." HẾT