Tản Văn Vong - Lagan

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lagan, 9 Tháng ba 2022.

  1. Lagan

    Bài viết:
    612
    VONG

    [​IMG]

    Tác giả: Jenny23022006 - Lagan

    Thể loại: Tản văn, hiện đại

    Tình trạng: Hoàn

    Bài dự thi tham gia sự kiện: Event - Chủ Đề 8/3: Em Và.. Những Mộng Mơ

    Văn án:

    Sống với chết, ranh giới thật mong manh. Tử vong đem đến đau thương, mất mát và áy náy.

    Thật may, tất cả mọi thứ vẫn còn kịp.

    Tôi.. còn thời gian.

    * * *

    Ngày 22 tháng 2 năm 2022

    Hôm nay là một ngày như bao ngày, hai ca bệnh đã ra đi, được người nhà đưa đến nhà xác chờ giấy báo tử từ bệnh viện. Sáng hôm ấy, phòng bệnh tôi chịu trách nhiệm lại có thêm một bệnh nhân mới. Một bà cụ 78 tuổi cùng cô con gái trông có vẻ đã 40 đến chăm sóc. Nhìn bệnh án, tôi thấy thương bà, đến với khoa điều trị Covid nặng này thì 90% đã chẳng còn đường trở ra nữa. Bà mắc tiểu đường đã lâu nên dẫn tới cao huyết áp, suy thận, suy gan, đau xương đủ các thể loại. Thật chẳng biết chữa bệnh nào trước nữa.

    Theo lời con gái bà, cô đã cố gắng cho mẹ uống đủ thuốc để hạ huyết áp nhưng không có hiệu quả nên đã cắn răng đưa bà lên viện. Bà chưa tiêm phòng vì có bệnh nền nhưng cũng không đi đâu, không tiếp xúc với ai nên không có khả năng bị lây nhiễm. Ấy thế mà làm kiểm tra PCR trên viện lại là dương tính.

    Tôi cả gan suy đoán, có lẽ bà bị lây chéo với người đến khám, nhưng tôi không nói ra.

    Sắp xếp gường 492 và điền đủ thông tin cho bà, tôi liền đi về phòng trực của mình.

    * * *

    Ngày 23 tháng 2 năm 2022

    Tôi đẩy xe thuốc bước vào phòng, sau khi phát đủ thuốc cho các bệnh nhân khác. Tôi đến gường của bệnh nhân mới đến hôm qua. (Tôi không muốn nhớ tên bệnh nhân. Nhớ làm gì để rồi mấy ngày sau lại phải quên đi)

    Tôi lấy thuốc, cô con gái của bệnh nhân, đến trước mặt tôi nói: "Em để chị tự tiêm cho bà, nói cho chị liều lượng là được."

    Tôi sững sờ, thật hiếm thấy có người bệnh nhân nào lại không muốn để bác sĩ tiêm hộ. Theo ý cô, tôi nói ra một con số "20 chị ạ." Cô con gái gật đầu khẽ mà không nói gì thêm, quay đi lấy thuốc tự mang theo cẩn trọng và nhẹ nhàng hết sức tự tiêm vào da thịt mẹ mình. Những người bị tiểu đường luôn phải chịu cảnh dày vò một ngày mấy lần kim đâm vào thân thể. Người bị tiêm cũng khó chịu mà người tiêm cũng khó chịu.

    Một căn bệnh quái ác và khốn khổ.

    * * *

    Ngày 24 tháng 2 năm 2022

    Chuông báo lại reo lên, đã là lần thứ ba trong ngày. Tôi vội vàng chạy sang phòng bệnh, một người đàn ông trung niên đang lên cơn co dật. Bệnh nhân này có bệnh tim, tôi vội vàng kêu y tá giữ lấy người thân đang gào khóc không biết nên làm gì bên cạnh. Cầm đèn pin kiểm tra nhãn cầu, tôi mở chốt phía chân gường, cùng y ta đẩy bệnh nhân vào phòng cấp cứu vẫn luôn sẵn sàng.

    * * *

    Ba tiếng trôi qua. Bệnh nhân không mất, nhưng cũng không sống. Với một đồng dây dợ chằng chịt của máy móc đâm vào người, tôi nhìn mà cũng chẳng biết làm thế nào. Đây liệu có phải quyết định đúng đắn? Sống mà thoi thóp, chật vật vậy có đáng không? Mấy câu hỏi này đã hàng trăm hàng nghìn lần xoay quanh đầu tôi.

    Trong khoa cấp cứu này, sự sống thật sự rất mong manh.

    * * *

    Ngày 25 tháng 2 năm 2022

    Tôi như mấy hôm trước, cầm tờ giấy khám rồi nói ra một con số cho cô con gái của bà cụ. Bà có vẻ đã yếu đi, nằm mê mang từ qua đến giờ. Tôi có thể nhìn qua lớp khẩu trang thấy cô con gái của bà xanh xao vàng vọt hẳn. Có lẽ, do chăm mẹ ốm, hay có lẽ, do tận mắt chứng kiến từng người, từng người trong phòng tử vong ngay trước mắt mà kinh hãi.

    Tôi không hỏi, cũng không muốn hỏi. Bệnh nhân và người nhà ở đây ai cũng vậy cả. Mỗi người chỉ cần lo tốt cho bản thân mình là đủ rồi.

    Ngày 26 tháng 2 năm 2022

    Gấp gáp đẩy gường bệnh về phía phòng cấp cứu, bệnh nhân không cứu được. Tôi bước ra ngoài, thông báo với người nhà bệnh nhân. Giữa tiếng khóc nức nở đau thương, tôi bước từng bước nặng nề. Tôi là bác sĩ, nhưng cứ ngày qua ngày, nhìn từng bệnh nhân của mình qua đời. Thật sự rất mệt mỏi. Phải chăng tôi đã sai khi chọn nghề này?

    * * *

    Đến gần ban công luôn mở rộng, tôi thấy một thân hình lọt thỏm sau cánh cửa. Cô con gái của bà cụ gường 492.

    Tại sao tôi có thể nhận ra cô ấy ư?

    Vì đôi mắt.

    Đôi mắt tôi không thể nhầm đi đâu được.

    Một đôi mắt u buồn, đau thương nhưng khi nhìn mẹ mình lại trìu mến, đầy săn sóc. Trong đôi mắt ấy chỉ chứa những tình cảm thuần khiết, thiêng liêng được níu giữ bởi sợi dây của tình mẫu tử chứ tuyệt không có lấy chút nào nặng nề, tang tóc như bao người.

    Cô đang lùa cơm vào miệng, cố gắng nuốt xuống vài miếng.

    Không phải vì cô.

    Mà vì mẹ.

    Ngày 27 tháng 2 năm 2022

    Hôm nay là chủ nhật. Tôi được nghỉ ngơi buổi sáng. Covid nên thiếu nhân lực, ai cũng phải gồng mình lên mà chống chọi. Trong tuần, tôi đi làm về muộn. Thường thì hai đứa con gái cùng chồng tôi đã đi ngủ. Chỉ còn mình tôi loay hoay ăn cho xong bữa cơm đã nguội ngắt. Tắm táp qua loa liền lên gường đi ngủ.

    Sáng nay tôi định ngủ bù thêm giấc cho cả tuần, nhưng đồng hồ sinh học không cho tôi được như ý. 5 giờ sáng, mắt tôi đã mở to. Nhìn lên trần nhà. Chẳng biết làm gì, tôi mở cửa ra khỏi nhà.

    Qua chợ mua đồ ăn. 6 rưỡi. Có lẽ mẹ tôi cũng đã dậy. Tôi liền mua thêm chút đồ qua cho bà. Mở cửa gỗ đã cũ, phát ra tiếng kẽo kẹt. Chủ nhật mà chú hai cũng không về, cất đồ trong bếp rồi quen đường quen lối ra vườn rau.

    Quả nhiên mẹ tôi ở đấy. Bà đang cắm cúi bắt sâu trên lá. Tôi đang định lên tiếng. Điện thoại trong túi rung lên. Từ bệnh viện. "Mẹ ơi. Đồ trong bếp nha mẹ." Vừa rống lên tôi vừa tiếp điện thoại rồi hớt hải chạy về.

    Ngày 28 tháng 2 năm 2022

    Sau ca cấp cứu sáng qua, bà cụ gường 492 phải đeo mặt nạ dưỡng khí, truyền dịch dinh dưỡng. Bà chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt, con gái bà luôn túc trực ngồi bên. Cô con gái đã từ chối để bà cắm ống thở, trở thành người thực vật. Với tôi, đây là một quyết định hết sức dũng cảm.

    Bà cụ luôn thều thào nói câu gì đó, tôi không hiểu nhưng cô con gái bà lại nhanh chóng trả lời "Mẹ ráng ở thêm mấy ngày, mẹ khỏe rồi con đưa mẹ về với các cháu."

    * * *

    Ngày 1 tháng 3 năm 2022

    Tôi sắp kết thúc ca trực, chợt nghe tiếng gõ cửa vang lên. "Mời vào."

    Tôi trở lại ghế ngồi, nhìn người khách bất ngờ ghé đến. Cô con gái bệnh nhân gường 492. Cô bước vào, ngồi đối diện tôi. Qua hai lớp khẩu trang dày cộp, cô lên tiếng, giọng đã hơi khàn phần vì thiếu ngủ phần vì tâm trạng u buồn khi biết mẹ mình sắp không qua khỏi.

    "Chào em. Chị có việc muốn nhờ."

    "Vâng chị cứ nói."

    "Mẹ của chị vẫn chưa âm tính Covid đúng không em?" Tôi vẫn nhớ rõ nên nhanh chóng đáp "Vâng ạ."

    "Mẹ chị muốn về nhà. Liệu có cách nào giúp chị không em? Làm giấy để mẹ chị dương tính. Hết bao nhiêu, chị.."

    Chưa để cô nói hết, tôi cắt ngang, tôi hiểu ý chị muốn nói.

    "Chị thông cảm, đây là quy định, bọn em không dám làm trái, đến khi bác âm tính rồi nhà mình mới được về."

    "Em ơi. Tâm nguyện của mẹ chị, chỉ mong được ở bên con cháu trong những ngày cuối đời, mà mẹ chị cũng đã, đã sắp.. tận số. Coi như em làm ơn làm phước giúp mẹ con chị được không em?" Cô con gái vẫn cố nài nỉ.

    "Em muốn giúp, nhưng không thể giúp theo cách này được, bà đang mắc Covid, để bà về nhà vô cùng nguy hiểm, chưa kể y tế xã cũng về kiểm tra, đến lúc ấy, bà sẽ bị bọc nilon mang đi mất. Thà rằng chị để bà ở đây, khỏi hoàn toàn rồi về, có mệnh hệ gì, bà còn có cái lễ chu tất. Chị hiểu ý em không?" Tôi cố gắng giảng giải.

    Người cô con gái lung lay như sắp đổ, tay bấu chắt lấy góc bàn lộ ra khớp xương trắng bệch, biết đã không thể nhờ vả ở tôi, cô chỉ biết lặng lẽ gật đầu xem như một tiếng cảm ơn rồi đi ra ngoài.

    * * *

    Ngày 2 tháng 3 năm 2022

    Bà cụ 492 lại phải cấp cứu, vẫn như lần trước, cô con gái kiên quyết không để mẹ làm người thực vật. Cô chỉ để bà đeo ống thở, để bà nhìn thấy cô và mọi người xung quanh. Chiều hôm ấy, con rể bà, chồng cô con gái lên thăm.

    Sau mấy ngày hầu như mê mang trên gường, chiều hôm ấy bà cụ lại rất khỏe. Khi vào hỏi thăm tình hình, tôi nghe rõ từng chữ bà nói với con gái "Sao con cho mẹ ăn ít thế, phải ăn nhiều mới có sức chứ." Cô con gái thấy mẹ tỉnh táo, lấy làm vui mừng lắm, nhanh chóng đem đồ ăn ra cho mẹ.

    Nhìn cảnh tượng cô gái đút từng thìa từng thìa cháo lỏng cho mẹ, tôi xót từng khúc ruột. Tôi là bác sĩ, tôi biết. Bà chỉ đang trong thời gian "Hồi quang phản chiếu", minh mẫn cuối cùng mà thôi.

    * * *

    Đã mấy tiếng đồng hồ, tôi đi qua, vẫn thấy bà cụ gường 492 vẫy tay với chiếc điện thoại, bà nhờ con gái gọi điện cho người thân, vui vẻ nói chuyện còn dặn dò chu đáo mọi người. Chẳng có lấy chút nào bệnh tật đau ốm. Nhưng tôi lại cho rằng, bà.. có lẽ khó sống nổi đến mai.

    Những người sắp ra đi, thường sẽ vô cùng nhạy cảm với thời gian còn lại của mình, cố gắng hoàn thành mọi ước nguyện chưa thể thực hiện của mình.

    Ngày 3 tháng 3 năm 2022

    Sáng sớm. Tuy không có tiếng chuông báo, nhưng tôi dự cảm thấy điều gì đó. Sải bước đến phòng bệnh, có nhiều bệnh nhân còn đang ngủ, trên gường 492, bà cụ được cô con gái ôm vào lòng, tay bà nắm chặt lấy tay người con rể.

    Đôi mắt bà long lanh, sáng ngời, minh mẫn còn đôi mắt cô con gái đã đỏ hoe vì nín khóc. Môi bà cụ đã trắng bệch.

    Không bao lâu sau, bà nhắm mắt.

    Chìm vào một giấc ngủ dài không bao giờ tỉnh lại.

    Ánh mắt cuối cùng bà cũng dành cho cô con gái, ngoài sự yêu thương, lưu luyến dường như tôi còn thấy một chút hờn trách "Sao con chưa cho mẹ về nhà?"

    Ánh mắt ấy khiến tôi ám ảnh. Tôi vội vã xoay người bước đi trong khi ánh bình minh đang dần phủ lên hai mẹ con vừa phải chia xa ấy.

    Đi đâu.

    Tôi không rõ.

    * * *

    Ngày 4 tháng 3 năm 2022

    Tôi đã chứng kiến nhiều cái chết, nhanh chóng cũng có, vật vã cũng có nhưng chưa một hình ảnh nào khiến tôi bối rối như khi nhìn thấy bà cụ 492 lìa đời.

    Rõ ràng, tôi chẳng có quan hệ gì với bà cụ. Nhưng sao tôi đau đớn thế.

    Tôi nhìn thấy.. bóng hình của.. mẹ tôi.

    Ngày 5 tháng 3 năm 2022

    Đây là một ngày khó quên với tôi.

    Hôm nay tôi đổi ca trực nên đi làm muộn hơn. Tôi đã biết mấy hôm nay trong làng có đám tang, trước đây tôi sẽ vòng đường khác nhưng hôm nay ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại đến gần đấy.

    Đứng bên kia đường nhìn theo dòng người đưa tiễn vong linh. Xuyên qua hàng người, tôi thấy thân ảnh quen thuộc, là cô con gái của bà cụ 492. Cô mặc đồ đen, mặc áo tang, chân đi tất đen. Cùng với hai người phụ nữ khác trông có vẻ lớn tuổi hơn, cô quỳ bên đường, gập người thật sâu trước di ảnh và quách của mẹ.

    Cả ba người đều không hề khóc, cho đến khi đoàn người đã đi xa, vì không hợp tuổi nên họ phải dừng bước. Lúc này, nước mắt họ mới tuôn rơi, từng giọt, từng giọt vừa rời hốc mắt liền bị gạt đi nhanh chóng.

    Họ ngửa đầu lên trời, mặc cho cơn mưa xuân xối lên nhè nhẹ, họ nương tựa vào nhau, đi ngược trở về. Trên gương mặt, chỉ còn là sự nhẹ nhàng, thỏa mãn.

    Tôi chầm chậm cho xe đi đằng sau họ, căn nhà của bà cụ 492 gần ngay trước mặt.

    Tôi là người yếu bóng vía, gần đám tang liền lạnh cả người nhưng tôi lại lấy lá gan cả đời đến gần gia đình ấy.

    Thật ấm áp.

    Đây là điều đầu tiên tôi nghĩ đến. Gia đình ấy đang có tang nhưng tôi chẳng hề cảm thấy lạnh, rất nhiều người ở bên trong.

    Là một bác sĩ, tôi biết tụ tập quá nhiều sẽ nguy hiểm, nhưng khi nhìn kĩ hơn, các bàn chỉ để có 4 ghế, cách nhau thật xa, mỗi bàn còn có một bình nước rửa tay, khử khuẩn. Tôi thầm gật đầu hài lòng. Thật chu đáo!

    "Cháu đến phúng sao?" Một bà lão đến gần tôi hỏi. Tôi lắc đầu. Bà lão tính rời đi liền bị tôi giữ lại. "Bác cho cháu hỏi, bà cụ nhà này như thế nào ạ?"

    "Cháu hỏi để làm gì?"

    "Cháu là bác sĩ điều trị cho bác ấy, nên tò mò chút thôi ạ."

    Bà lão gật đầu, bắt đầu chầm chậm kể "Bà ấy tội nghiệp lắm, mắc bệnh thận từ bé, lớn lên đi lấy chồng sinh được ba đứa con gái, bị nhà ngoại, nhà nội coi khinh, đứa út chưa đầy một tuổi thì bố nó mất. Bà ấy ở vậy nuôi con, mà ngày ấy nuôi thân mình đã khó, vừa đi dạy, vừa làm đồng, vừa đi buôn mới nuôi được ba cô con gái ăn học thành tài như vậy đấy. Đứa nào cũng ngoan, chăm lo tươm tất cả. Chỉ tiếc bà ấy mệnh khổ, chết vì bệnh oái oăm."

    * * *

    Tôi không nhớ mình đã rời khỏi đó như thế nào.

    Cả ngày hôm ấy, thần trí tôi như ở trên mây.

    Nếu như hôm ấy, tôi đồng ý để bà cụ về nhà, phải chăng tâm nguyện cuối cùng của bà cụ có thể hoàn thành.

    Bà muốn trở về nhà, nhưng chính tôi, đã ngăn cản nó.

    Liệu tôi có làm đúng không?

    Chưa bao giờ tôi thấy rối bời như lúc này.

    Cái chết của bà cụ vẫn ám ảnh tôi, tôi cũng làm mẹ, tôi biết tôi cũng có ước mong, mong cho con tôi khôn lớn, khỏe mạnh. Bà cụ ra đi vô cùng thanh thản trong vòng tay của con gái, nhưng ước nguyện chưa thực hiện được vẫn còn là nỗi áy náy, xót xa của tôi và những người thân của bà.

    Rõ ràng, bà chỉ muốn về nhà, một điều đơn giản thế, nhưng lại khó khăn biết nhường nào.

    Chẳng hay từ khi nào, nước mắt tôi đã rơi đầy mặt, tôi ngây ngẩn. Tôi bỗng nhớ tới mẹ tôi. Năm tôi năm tuổi, em trai hai tuổi bố tôi đã ra đi. Mẹ tôi cũng ở vậy nuôi con. Mẹ tôi chịu qua nạn đói năm 1945, mẹ tôi không muốn hai chị em tôi bị đói, ngày ngày thức khuya dậy sớm chăm lo đồng ruộng, kiếm từng đồng từng cắt cho chị em tôi ăn học.


    Kí ức như lũ ùa về, tôi nhớ nhưng hôm ăn cơm độn khoai, nhớ món trứng bã đậu, nhớ ổ rơm ngứa ngáy của mẹ. Nhớ từng lời mẹ tôi dặn dò trước khi tôi rời nhà đi học xa.

    Mẹ tôi khi ấy.

    Thật vui.

    Vui vì mẹ biết, tôi có tương lai tốt hơn mẹ.


    Tôi thấy mình thật vô tâm. Bấy lâu nay Covid ập đến tôi bận rộn chẳng hề để ý đến mẹ già một mình làm bạn với ruộng rau.

    Căn nhà ấy vẫn chẳng hề thay đổi mà lòng người đã nguội từ lâu.

    Tôi nhận ra mẹ đã hy sinh quá nhiều. Tôi muốn mẹ nhận được nhiều hơn thế. Nhưng phải làm sao đây? Tôi nên bắt đầu từ đâu, có quá nhiều lỗ hổng.

    Có lẽ, tôi sẽ đi từ những điều nhỏ nhặt thôi. Một bữa cơm, một chuyến đi thăm chùa bái phật, một ngày bên con cháu, một luống rau xanh mơm mởn do mẹ tự trồng.. đơn giản thế, nhưng tôi không nhận ra.

    Những mộng mơ của mẹ đều là vì con cháu.

    Tôi thật hối hận.

    Tôi ăn năn.

    Nhưng nó liệu có quá muộn màng.

    * * *

    Đôi lời của tác giả:

    Người phụ nữ là những thiên thần bị đày đọa, họ sinh ra đã mang trong mình sự khoan dung, nhẫn nại tuyệt trần.

    Họ luôn mong muốn bản thân và người bên cạnh mình được ấm êm hạnh phúc.

    Nhưng đời đâu như là mơ.

    Thân người phụ nữ như những hạt mưa sa, "hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.". Tuy nhiên, dù có ở trong thân phận nào, hoàn cảnh nào, độ tuổi nào, họ cũng vẫn giữ trọn "tấm lòng son" của mình. Họ có những mộng mơ của tuổi trẻ, mong được sống một cuộc sống đủ đầy, mong được sum vầy bên con cháu.

    Trong ngày 8/3, ngày quốc tế phụ nữ này, ngày dành tặng riêng cho những con người tuyệt vời. Hãy dành tặng cho họ, hãy trao cho họ, hãy giúp họ, hoàn thiện những mộng mơ còn dang dở.

    Đừng để khi họ ra đi mãi mãi, mới thật hối tiếc.


    Hoàn

    Jenny23022006- Lagan
     
    Last edited by a moderator: 11 Tháng ba 2022
  2. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    Cốc cốc.. Chào bạn, mình là đại diện BTC even 8/3. Tối nay mình ghé đây để gửi lại những lời nhận xét chân thành của BGK đến tác phẩm của bạn.

    Gk1: Bài tản văn truyền đạt được bức thông điệp nhân văn. Tuy nhiên chất "tản" chưa đậm.

    Gk2: "- Trình bày dễ đọc, câu văn dễ hiểu.

    Hạn chế:

    - Tiêu đề là viết tản văn nhưng tác giả lại viết kiểu nhật kí. Nó không đúng như tản văn thuần túy.

    - Đã là một bài viết tác giả nói về mẹ thì nên đi cho đúng hướng. Lúc đầu nói vòng vo hết vấn đề này đến vấn đề khác, khúc cuối nói về mẹ. Có vẻ tác giả chưa nắm bắt trọng tâm vấn đề.

    - Cách đặt tiêu đề ngắn ngủn, độc một chữ. Từ" "Vong" "theo Hán Nôm thì có khá nhiều nghĩa: Mất đi, chết, mất.. Tác giả đặt tiêu đề như thế thì mang lại ý nghĩa gì trong Event 8/3?

    Cách đặt nhan đề rất quan trọng, tác giả cần chọn lựa sao cho phù hợp và nổi bật tác phẩm mình hơn. Hình ảnh và nhan đề nặng nề như thế không phải mang đến sự đồng cảm mà ngược lại nó làm câu chuyện trở nên quá nặng nề."

    Gk3: "Nội dung dễ hiểu nhưng còn lan man, chưa dẫn dắt được cảm xúc người đọc.

    Tiêu đề bài viết và ảnh bìa không phù hợp với tính chất event."

    Thân gửi.
     
  3. Lagan

    Bài viết:
    612
    Cảm ơn bạn rất nhiều, mình sẽ cố gắng sửa đổi. Mong nhận được thêm nhiều lời nhận xét của bạn. Iu bạn nhiều!
     
  4. Conmachetoan

    Bài viết:
    71
    Mới đầu đọc tiêu đề thì Ma thấy chữ "Vong" cứ tưởng là truyện ma hay sẽ có ma gì đó nhưng khi đọc nội dung truyện thì Ma thấy nó giống "Tử vong" hơn. Hàm ý về cái chết. Ma thấy đây giống như một câu chuyện giúp nhân vật nữ chính rút ra được bài học. Vì người bệnh ở phòng 492 mà nhân vật chính đã biết quan tâm mẹ mình hơn.

    Truyện cũng đề cao tinh thần hy sinh, thiêng liêng và cao cả của một người mẹ và sự hiếu thảo của người con.

    Bạn đã thêm vào căn bệnh Covid đã tước đi sinh mệnh của bao người. Ma chỉ muốn bạn có thể nêu rõ căn bệnh covid và phê phán nó.

    Còn về phía cốt truyện đã làm tốt phần tâm lý nhân vật. Một vị bác sĩ phải làm tròn trách nhiệm bảo vệ mọi người. Bạn đã biểu đạt được cảm xúc cho người đọc khen ngợi những vị bác sĩ ở ngoài đời chống dịch.

    Ta có thể thấy được rằng, làm bác sĩ cực khổ bao nhiêu. Phải đối chọi với nhiều bệnh nhân bị Covid. Còn phải tận mắt chứng kiến nhiều sinh mệnh phải ra đi mà chẳng làm được gì.

    Truyện rất cảm động.
     
    ThuyTrang, BughamsLagan thích bài này.
  5. Lagan

    Bài viết:
    612
    Cảm ơn bạn đã hiểu được tác phẩm của mình.

    Nói về tác động của Covid, không phải là mình không viết, mà là nó đã quá rõ ràng, rõ đến nỗi mà chỉ cần nghe đến từ Covid -19 thôi là đã hiện ra "cách ly", "bác sĩ" và "tử vong" rồi.

    Bên cạnh đó, tác phẩm được mình lấy cảm hứng từ cái chết của người bà của mình. Trước khi bà mình đến bệnh viện, mình và em trai đã vô tình nhiễm Covid-19 và khi mình vừa khỏi được khoảng 5-6 ngày thì bà mình nhập viện. Trong những ngày đầu khi bà đến viện, được mẹ bảo bà nhiễm Covid, mình đã rất bối rối. Mình ngỡ rằng chính mình và em trai đã khiến bà mắc căn bệnh này. Hơn hết, mình sợ hãi rất nhiều. Vì bạn biết đấy, Covid lúc đó vẫn còn là nỗi sợ và người già thì tỉ lệ tử vong cao hơn rất nhiều, đặc biệt là với người có nhiều bệnh lí nền như bà mình nữa. Khi bà mình mất, mình đã khóc nức nở và bảo "Mẹ ơi! Là lỗi của con, vì con mà bà nhiễm bệnh". Nhưng mẹ mình bảo đó không phải, bà mất là do vô tình nhiễm khi ngày đầu vào viện. Mình không biết mẹ mình đang nói sự thật hay là an ủi mình, nhưng mình biết, nó vẫn còn ám ảnh với mình cho đến tận khi viết lên những dòng tâm sự này và cả mãi về sau.

    Nói một chút về cách triển khai cốt truyện của mình, có lẽ sẽ nhiều bạn cho rằng nó "tản mạn", nó không rõ ràng ngay từ đầu nhưng mục đích của mình vốn dĩ đâu phải là nói thẳng, nói trực tiếp, có lẽ do tính hiếu thắng của thời trẻ trâu mà mình mong rằng tác phẩm có thể đi được một con đường "khác người", nhưng thực tế đã vả cho mình sấp mặt :)) . Trong cuộc sống, có những bài học bạn sẽ được rút ra từ cuộc sống của mình, của người khác, thông qua cái nhìn của bản thân, của mọi người. Mỗi một câu chuyện, sự việc, hành động xuất hiện trong đời dù có vẻ như không liên quan nhưng nếu xét về một bức tranh to lớn hơn lại là một trong những mảnh ghép khó lòng bỏ qua.

    Tản văn này, trông không giống tản văn, nó làm mất đi chất "tản" nhưng với mình, nó không hẳn là nhật kí, cũng không hẳn là tản văn. "Vong" được mình sáng tác trong một đêm duy nhất vào ngày 8-3, để tham gia Event của VNO và khi mình nhận được sự đóng góp ý kiến của mọi người, mình phát hiện ra một sai lầm chí mạng, đó là việc mình tham gia Event đã vô tình làm mờ đi giá trị của một tác phẩm hướng tới người bà quá cố. Bởi lẽ màu sắc chủ đạo của câu chuyện quá tối, đặc biệt là trong dịp Quốc tế Phụ nữ hân hoan và rực rỡ thì "Vong" quả là lạc quẻ! :))

    Nói một chút về cái tên này thì nó chỉ đơn giản là cái chết, là tử vong. Nhưng trong khi mình không biết đặt tên gì cho tác phẩm, mình nhớ tới một câu nói của bà: "Người sống khôn thác thiêng, còn được tưởng nhớ, còn được yêu thương thì sẽ là vong ở bên bảo vệ con người". Vậy nên vong là chết, chết rồi vẫn sẽ sống. Có lẽ không sống ở dạng một linh hồn, nhưng sẽ sống tựa như một thứ gì đó cao quý để làm đẹp cho con người. Giống như người bác sĩ này, với cái chết của bà cụ, bà không ở bên bảo vệ cho cô, nhưng câu chuyện của bà làm nên một bài học quý về người mẹ của chính cô.

    Cuối cùng, đoạn cuối được mình bỏ lửng. Vì mình nhận ra, đằng sau một cái kết đẹp cũng có thể là một bi kịch. Cũng giống như cuộc đời, một mối tình đẹp cùng với một đám cưới không phải là kết thúc, nó chỉ mở ra một hướng đi với nhiều mối quan hệ và sự gắn gó hơn mà thôi. Vậy nên hành động và suy nghĩ của người bác sĩ có thể kéo dài trong bao lâu, thể hiện như thế nào, có ích được như thế nào? Hãy để trí tưởng tượng của bạn bay bổng và để hiện thực cuộc sống trả lời!

    Rất cảm ơn những chia sẻ của bạn dành cho tác phẩm của mình!

    Chúc bạn có một ngày vui vẻ cùng VNO!
     
    ThuyTrang, BughamsConmachetoan thích bài này.
  6. Conmachetoan

    Bài viết:
    71
    Thấy cuộc thi đó có vẻ vui, không biết năm sau có nữa không. Công nhận là ảnh bìa và tên truyện không liên quan gì đến 8/3. Màu sắc của truyện cũng theo hướng u ám hơn. Nếu bạn kể về cảm nghĩ của nhân vật chính về việc đã mất đi người phụ nữ quan trọng trong đời mình thì Ma thấy chất tản sẽ đậm hơn.

    Ma hy vọng sẽ đón chờ những tác phẩm hay từ bạn ^^^
     
    ThuyTrang, BughamsLagan thích bài này.
  7. Lagan

    Bài viết:
    612
    Cảm ơn Ma nhiều nhé! Hiện tại VNO cũng có rất nhiều kế hoạch cho các event sắp tới, hi vọng Ma có thể tích cực đề xuất cũng như tham gia các cuộc thi cùng diễn đàn.

    Mình sẽ thử thay đổi cách kể trong những tản văn sau nhé!

    Mình cũng sẽ luôn đón đọc các tác phẩm hay từ bạn ^^
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...