Vô thường là từ dùng để chỉ sự biến động và thay đổi không ngừng của mọi sự vật, hiện tượng vật lý và tâm lý trong vũ trụ. Vô thường nghĩa là không thường, là không ở yên trong một trạng thái cố định, luôn luôn thay đổi, thay đổi liên tục. Vô thường có nghĩa là gì? Vô thường là một trong những giáo lý cơ bản của Phật giáo. Theo quan điểm của Phật giáo, mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới đều được tạo ra trong sự hài hòa nhất thời, không có tính trường tồn và vĩnh cửu, chúng đều trải qua bốn chu kỳ: Thành, trụ, hoại, không (Sinh, trụ, dị, diệt). Heralitus, nhà duy vật nổi tiếng của triết học phương Tây cổ đại và cũng được coi là cha đẻ của phép biện chứng đã nói một câu rất hay: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Trên cùng một dòng sông, nước hôm nay có thể trông không khác nước hôm qua, nhưng thực chất nước hôm nay là nước mới từ nguồn chảy ra, còn nước hôm qua giờ đã không còn ở đó, có thể đã ra đại dương. Heralitus cho rằng, các sự vật, hiện tượng luôn biến động, không bao giờ tĩnh, bất động. Đó là sự thừa nhận sớm nhất về thế giới quan đang thay đổi trong triết học phương Tây. Theo quan điểm của Phật giáo và quan điểm của Heralitus, chúng ta thấy rằng chân lý vô thường không bị giới hạn bởi các quan điểm tôn giáo và địa lý. Vì đó là quy luật của vũ trụ. Vì vậy chúng ta phải hiểu rằng trong cuộc sống này, mọi sự vật hiện tượng, từ con người trở xuống đều tuân theo quy luật vô thường. Mọi thứ trong vũ trụ bao gồm từ những vi sinh vật nhỏ bé, như một hạt cát, đến những vật thể rất lớn như núi, biển, trái đất, mặt trăng và các vì sao đều phải đi theo con đường đó - con đường thay đổi của vô thường. Khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, nó sẽ lặn tự nhiên, hay như mặt trăng khi khuyết khi tròn, thủy triều lúc lên lúc xuống, đây là lẽ thường của vũ trụ. Cuộc sống là vậy, và con người cũng vậy. Sống và chết, đoàn tụ và chia ly; hạnh phúc thoáng qua và nỗi đau bất chợt. Những chuyển động và biến động liên tục đó không có quy luật, và không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra ngay lập tức. Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Có lẽ ai đã đọc 4 câu thơ đầu của Truyện Kiều sẽ sớm nghĩ đến cuộc đời và những biến chuyển thân phận của Kiều theo chiều hướng đau thương và bất hạnh. Cuộc đời ấy đổi thay, mang đậm nét vô thường. Câu chuyện cuộc đời của Đạm Tiên cũng là hình ảnh đầu tiên rõ nét nhất về sự vô thường trong Truyện Kiều: Kiếp hồng nhan có mong manh, Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương. Một cô gái trẻ xinh đẹp nổi tiếng, được lòng nhiều người, chẳng mấy chốc đã trở thành "nấm mồ vô chủ". Thân phận của Đạm Tiên vừa là lời cảnh báo cho cuộc đời Kiều, vừa là lời cảnh báo chung cho tất cả: Trên đời này không có gì là vĩnh cửu. Chỉ trong mười lăm năm, cuộc sống của Kiều đã trải qua rất nhiều thay đổi: Vừa ấm áp trong cuộc sống hồn nhiên, vô tư giữa một gia đình đàng hoàng, "Tường đông ong bướm đi về mặc ai", bỗng tai họa ập tới, rơi vào nỗi đau vô tận. Đau lòng tử biệt sinh ly, Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên ... Khi sao phong gấm rủ là, Giờ sao tan tác như hoa giữa đường. Sau đó, hạnh phúc với Thúc Sinh chưa trọn vẹn thì Kiều bị Hoạn Thư bắt và bị tra tấn; vừa gặp được Giác Duyên, chưa kịp yên ổn, Kiều đã rơi vào tay của Bạc Bà, Bạc Hạnh; được Từ Hải cứu về và chỉ tạm thời nguôi ngoai đau khổ, được làm vợ Từ Hải chẳng bao lâu, Kiều lại phải để tang chồng và hầu rượu chính kẻ đã mưu hại Từ Hải chồng nàng (tên Hồ Tôn Hiến) ; thậm chí Kiều muốn tự vẫn ở sông Tiền Đường và kết thúc cuộc đời cũng không xong: Đời người đến thế thì thôi, Trong cơn âm cực dương hồi ai hay. Trong hơn 3000 câu thơ, Nguyễn Du không hề dùng từ vô thường, nhưng sự biểu đạt của nó hiện ra trong từng câu chữ liên tục, bao trùm toàn bộ câu chuyện trong tác phẩm. Những độc giả đồng cảm với số phận của Kiều ít nhiều sẽ nhận ra điều này.
Sức sống của Truyện Kiều Giống như chân lý vô thường càng hiểu càng thấm, sức sống của Truyện Kiều cũng càng lan càng mạnh. Không chỉ quen thuộc với người Việt hết thế hệ này sang thế hệ khác, Truyện Kiều còn được dịch sang tiếng nước ngoài và được thế giới biết đến. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị An, với Truyện Kiều, chúng ta chứng kiến một hành trình đặc biệt từ không gian hẹp của đời sống văn hóa cao cấp (thi phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thi nhân tiêu biểu quốc gia, quan lại triều đình, nhà văn hóa tầm quốc tế) đến một không gian rộng hơn của đời sống bình dân (đông đảo người dân lao động, những người không được học hành). Nhiều người dân Việt dù không biết chữ vẫn thuộc lòng nhiều câu Kiều để vận dụng trong đời thường. Có thể nói, Truyện Kiều đã ngấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt, như học giả Phạm Quỳnh từng khẳng định: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn." Sức sống của Truyện Kiều đã vượt qua biên giới đất nước, trở thành tấm căn cước văn hóa của người Việt đi khắp năm châu. Qua thời gian, Truyện Kiều đã được dịch ra 20 ngôn ngữ với khoảng 75 bản dịch. Truyện Kiều được giới thiệu rộng rãi ở nước ngoài, và nhiều chính trị gia khi làm việc với các phái đoàn Việt Nam cũng đã trích dẫn nội dung Truyện Kiều trong bài diễn văn phát biểu của mình, bởi cho rằng "muốn tìm hiểu con người Việt Nam thì hãy tìm hiểu Truyện Kiều".