ĐỀ: PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH TÂY TIẾN TRONG KHỔ THƠ THỨ BA CỦA BÀI THƠ "TÂY TIẾN" CỦA QUANG DŨNG. TỪ ĐÓ, NHẬN XÉT NGẮN GỌN VỀ BÚT PHÁP LÃNG MẠN CỦA QUANG DŨNG. Khi nói đến thái độ sẵn sàng chấp nhận cái chết của những người lính, ta có thể liên tưởng đến những vần thơ của Thanh Thảo trong "Khúc bảy" : "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi Thì còn chi Tổ quốc" Trong văn học kháng chiến, đặc biệt là giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đã có biết bao tác phẩm lấy cảm hứng từ hình ảnh người lính can trường, dũng cảm. Chính những tình cảm và khát khao bảo vệ tổ quốc đã hình thành nên nhân cách sáng ngời trong cha anh chúng ta. Mảnh đất bom đạn và hình ảnh chiến sĩ chiến đấu cũng chính là nguồn cảm hứng dồi dào để các tác phẩm văn học ra đời. Với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, Quang Dũng cũng đã cho ra đời tác phẩm "Tây Tiến" với bao xúc động khi bắt gặp miền kí ức và nổi bật lên đó là hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp bất diệt qua khổ thơ thứ ba. Từ đó, ta cảm nhận được rõ nét về bút pháp lãng mạn trong thơ Quang Dũng. Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành. (Quang Dũng) Nhà thơ Quang Dũng có tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, Quê quán ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Tây (nay thuộc là huyện Đan Phượng, thủ đô Hà Nội). Sinh năm 1921 mất 13 tháng 10 năm 1988. Thời học sinh, nhà thơ Quang Dũng đi học tại ban Trung học ở trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, ông làm thầy giáo dạy học tư ở Sơn Tây. Sau năm 1945, ông tham gia nhập ngũ, gia nhập vào Quân đội Nhân dân Việt Nam đồng thời trở thành phóng viên tiền phương của tờ báo Chiến đấu. Năm 1947, ông được cơ quan cử đi học bổ túc tại Trường trung cấp quân sự tại Sơn Tây. Sau khi hoàn thành khóa học ông được bầu làm Đại đội trưởng tại tiểu đoàn 212 Trung đoàn 52 Tây Tiến. Quang Dũng được xem là nhà thơ có ngòi bút sắc trong màu áo lính thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là người hiền từ, sống rất đạm bạc, không thích khoa trương tự cao hoặc nói về mình và tác phẩm của mình. Đầu năm 1947, một đơn vị quân đội có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào, đánh tiêu hao quân địch, được thành lập mang tên Tây Tiến. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên tri thức Hà Nội với tâm hồn lãng mạn, hào hoa đã xếp bút nghiêng lên đường chiến đấu. Nhà thơ Quang Dũng là đại đội trưởng của bình đoàn Tây Tiến từ đầu - cuối năm 1948 thì chuyển sang đơn vị mới. Như Tố Hữu viết: "Mỗi khi có gì chất chứa trong lòng, không nói ra, không chịu được thì lại cần thấy làm thơ", khi nỗi nhớ về đơn vị cũ trào dâng trong lòng, Quang Dũng sáng tác nên bài thơ Tây Tiến tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây). Nếu như ở hai khổ thơ đầu, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên trên nền thiên nhiên Tây Tiến khắc nghiệt và đêm liên quan quân dân sâu nặng thì đến khổ thơ thứ ba, hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp bi tráng, hào hùng. "Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn. Nhưng đã được tác giả thổi vào hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bi luỵ não nùng" (Vũ Thu Hương). Có rất nhiều tác phẩm viết về gương mặt đất nước trong thi ca nhưng chân dung người lính kháng chiến chống Pháp trong thơ Quang Dũng hiện lên thật đẹp và khác biệt, đứng riêng trên một ốc đảo của riêng mình. Đó là hình ảnh người lính hiện lên với dũng khí dữ dội trong gian khổ cùng cực: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm." Trên cái nền thiên nhiên hiểm trở của vùng núi Tây Bắc, người lính hiện lên tuyệt đẹp như một tượng đài bất tử dựng giữa trời xanh. Thi sĩ đã thành công trong việc thổi hồn, xây nên một hình tượng bất diệt khiến người đọc không thể quên khi nhắc đến chân dung người lính trong thơ Quang Dũng. Ngôn ngữ thi ca mà nhà thơ sử dụng giàu sức gợi làm nảy sinh nhiều biểu tượng về thị giác và xúc giác như chỉ qua hai câu thơ ta đã hình dung được một đoàn vệ quốc quân với diện mạo đặc biệt "không mọc tóc", "xanh màu lá". Các chi tiết đó phản ánh một cách thi vị hiện thực gian khổ, thiếu thốn đầy bệnh tật nơi chiến trường. Cái hay của nhà thơ là đưa được vào tác phẩm những chi tiết thấm đẫm chất hiện tượng. Quang Dũng không hề né tránh những khó khăn mà người lính gặp phải trong buổi đầu chống Pháp, đó chính là căn bệnh sốt rét hiểm nghèo "sốt run người vầng trán ướt mồ hôi" đã biến những chàng trai Hà Nội ngày nào thành những anh "trọc", có ngoại hình tiều tuỵ, xanh xao. Nhưng đó lại là "xanh màu lá dữ oai hùm", Quang Dũng viết về cái bi nhưng không hề luỵ, đối lập với vẻ ngoài ốm yếu lag một sức mạnh ghê gớm, mạnh mẽ và dũng cảm tựa hổ báo "oai hùm". Đó là kết quả của lòng yêu nước, căm thù giặc mãnh liệt. Bức chân dung người lính còn hiện lên với một tâm hồn hào hoa, lãng mạn: "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm." Thành phần tham gia trung đoàn 52 đa số là những thanh niên trí thức tiểu tư sản còn đầy tuổi trẻ và khát vọng. Khi ra đi còn ngồi trên ghế nhà trường, ấp ủ bao mộng đẹp về cuộc sống, những chiến sĩ vệ quốc quân không chỉ chiến đấu anh dũng phi thường mà còn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn một cách nhân bản: Nhớ về những điều bình dị, riêng tư mà rất thiêng liêng. Nếu như những người lính trong "Đồng chí" của Chính Hữu nhớ về "giếng nước gốc đa" thì ở đây, những người chiến sĩ đêm "mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Đó cũng chính là lí do, là động lực để người lính chiến đấu bảo vệ những người mình yêu thương. "Mắt trừng" thể hiện nên một ý chí quyết tâm sống, chiến đấu, hoàn thành trách nhiệm bảo vệ biên cương; căm thù tột độ, là ánh mắt giận dữ, căm hờn, ngày đêm hướng về biên giới, về kẻ thù. Quang Dũng rất tài năng khi tạo ra hai từ cùng trường nghĩa nhưng khác nhau: "Mộng" và "mơ". Nếu "mộng" thể hiện một tinh thần sức mạnh, ý chí quyết tâm bảo vệ non sông thì "mơ" lại tạo ra một bầu trời rất lãng mạn. Vất vả gian lao nhưng luôn mơ về quê nhà, nhớ về Hà Nội với những giấc mơ hào hoa lãng mạn. Trong "Đất Nước", Nguyễn Đình Thi có câu: "Những đêm dài hành quân nung nấu Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu." Ta có thể thấy lúc này tình yêu đôi lứa không còn là cảm xúc riêng tư, cá nhân nữa mà lúc này tình cảm đôi lứa, tình cảm gia đình đã hòa quyện trong tình yêu đất nước. Hai câu thơ "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" sử dụng bút pháp đối lập: Nếu những hình ảnh ban ngày giàu lòng yêu nước cháy bỏng phẫn uất thì hình ảnh người lính ban đêm lại lãng mạn, hào hoa cũng như thiên nhiên Tây Bắc sau những nét cứng cáp, mạnh mẽ lại là vẻ mềm mại. Quang Dũng là một người từng tham gia vào đoàn quân Tây Tiến nên ông hiểu sâu sắc những mất mát mà đồng đội phải chịu. Ra chiến trường đồng nghĩa với việc sẽ có hy sinh, nhưng những mất mát, hy sinh ấy lại chính là những cái chết bi tráng, hào hùng nhất mà ta từng biết: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành." Ở câu thơ đầu tiên sử dụng rất nhiều từ Hán Việt "biên cương", "viễn xứ" làm cho câu thơ trở nên trang trọng, tôn nghiêm. Người lính Tây Tiến khi hy sinh trải dài theo từng bước hành quân do bệnh tật, bom đạn đã gợi nên sự oai hùng nhưng cũng không kém phần bi thương, bi ai của câu thơ - không chỉ vì cái chết mà còn vì "mồ viễn xứ" : Họ phải ra đi, nằm sâu trên những mảnh đất xa lạ, không phải quê hương mình; thân xác họ không được người thân hương khói cho thấy sự lạnh lẽo vô cùng nhưng điều này là tất yếu vì họ là những người lính. Tuy nhiên nhà thơ không sa vào sự bi luỵ thường tình mà ông thổi vào đó sự bay bổng lãng mạn khi viết những câu thơ tiếp theo. Sau những đau thương, mất mát thì đột ngột những câu thơ sau chuyển giọng, cách ngắt nhịp thay đổi, âm vang trở nên mạnh mẽ để phản ánh một lí tưởng cao đẹp: Vì đất nước quên mình sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho đất nước, hiến dâng "đời xanh" cho Tổ quốc. Đó cũng chính là tinh thần chung của thanh niên lúc bấy giờ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Hiện thực khốc liệt đã nhường chỗ cho tiếng lòng hào hùng bay cao. "Chẳng tiếc" như một lời khẳng định hùng hồn, phảng phất tinh thần ý chí của tráng sĩ anh hùng xưa: Không tính toán của người trai thời loạn, khát vọng của bao người chiến sĩ buổi đầu chống Pháp: "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình Tuổi hai mươi thì làm sao không tiếc Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ Quốc." (Thanh Thảo) Khi viết những dòng chan chứa nước mắt ấy, người viết không chỉ đau xót mà còn tự hào, trân trọng đồng đội mình. Họ ra đi rất thầm lặng và đơn sơ: "Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành." Hình ảnh "áo bào" gợi lên rất nhiều cách hiểu: Cách nói trang trọng, uy nghiêm cho biểu tượng của người chiến sĩ ra trận ngày xưa hay tác giả muốn nói đến việc người lính hy sinh không có gì ngoài những mảnh áo đồng đội đắp lên người để thể hiện sự tôn trọng trước cái chết cao cả của đồng đội. Cái chết của họ được lãng mạn hóa thành hình ảnh "áo bào thay chiếu anh về đất". Chiếc áo lính phong sương mà người lính đang mặc được thăng hoa thành "áo bào". Chất bi như vơi đi khi người đọc liên tưởng đến hình ảnh người chiến sĩ hào hùng ngã xuống với chiếc bào đẫm máu quân thù. Quang dũng dã sử dụng bút pháp tả thực và lãng mạn một cách tinh tế gợi nên vẻ đẹp cổ kính, trang trọng cho cái chết của người lính Tây Tiến. Những đứa con ưu tú của đất nước, những người anh hùng thời đại vừa hoàn thành xong nhiệm vụ thì các anh trở về với vòng tay của đất mẹ hiền hòa, trong tiếng sông Mã gầm vang đưa tiễn: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành." Nó như một khúc hát tiễn biệt, một chiêu hồn tử sĩ! Cái chết bi tráng của người lính Tây Tiến đau đến mức thiên nhiên cũng phải than khóc, tiễn biệt vì mất bạn hay nói như Nguyễn Quang Trung: "Một cái chết lớn cần một sự tiễn đưa lớn như thế." Ở đoạn thơ trên, bút pháp tả thực và lãng mạn được Quang Dũng vận dụng một cách tài tình khi miêu tả người lính Tây Tiến: Bên trong hình hài tiều tuỵ là sức mạnh phi thường chói ngời vẻ đẹp lí tưởng vừa hào hùng dữ dội vừa lãng mạn hào hoa. Hai nét bi tráng liên tục đan xen nhau, nhà thơ đã đề cập nét bi để nổi bật lên nét tráng để từ đó chất bi thương được giảm nhẹ và tạo niềm tiếc thương, tự hào vô hạn. Giữa Tây Tiến hùng vĩ, bức tượng đài người lính bất tử với hào khí ngất trời trong chiến đấu, kháng chiến chống Pháp được dựng lên một cách tráng lệ, vững chắc. "Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn. Nhưng đã được tác giả thổi vào hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bi luỵ não nùng" (Vũ Thu Hương). Quả thật vậy, với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sĩ còn sức hấp dẫn bền lâu với người đọc. Bút pháp lãng mạn là thủ pháp được thể hiện rõ nét trong thơ Quang Dũng, bút pháp lãng mạn hay cảm hứng lãng mạn trong văn học được hiểu là xu thế vươn lên, vượt lên trên thực tại khách quan bằng cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ, thể hiện những khát vọng mạnh mẽ hướng về những vẻ đẹp khác lạ trong thế giới của mơ ước, tưởng tượng, ở tương lai hay quá khứ bằng các phương pháp sử dụng ngôn ngữ. Tác giả đã phát huy cao độ trí tưởng tượng bay bổng và lãng mạn của mình bằng cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh ấn tượng nhằm tô đậm vẻ đẹp độc đáo khác thường, lí tưởng cao cả của người lính. Nhờ bút pháp lãng mạn, cảnh khó khăn, gian khổ được được làm dịu đi đồng thời làm nổi bật chất kiêu hùng, hào hoa của người lính. Leonardo da Vinci đã từng viết: "Sự khác biệt giữa tranh và thơ: Tranh là thơ của người mù, thơ là tranh của người mù" hay "Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì ngắm". Quả thật vậy, ở Quang Dũng độc giả cảm nhận được một hồn thơ vừa tinh tế, vừa mang vẻ đẹp hào hoa lãng mạn của những chàng trai Hà Thành. Khi viết về Quang Dũng và tác phẩm "Tây Tiến", nhà thơ Vân Long nhận xét: "Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trên trời, cá dưới nước mà thành độc đáo. Bài thơ" Tây Tiến "hội tụ được cả cái bi, cái tráng của thời đại. Cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu tri thức do biết mình được đón nhận một chân lí lớn nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn." Chính những nét độc đáo, tài hoa lãng mạn trong phong cách đã khiến cho Quang Dũng và những đứa con tinh thần của ông "nằm ngoài những định luật của băng hoại". "Tây Tiến" là một bức họa sống động cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ hoang sơ. Ở nơi đó, một tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến được dựng lên một cách hào hùng, bi tráng lại không kém phần lãng mạn. Qua đoạn thơ trên, bút pháp lãng mạn đã góp phần thể hiện cái tôi hào hoa, phóng khoáng, hồn hậu và lãng mạn của nhà thơ. "Tây Tiến là nơi mà con người Tây Tiến, chiến sĩ Tây Tiến, núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi chúng" (Đinh Minh Hằng). Bằng bút pháp lãng mạn kết hợp với những độc đáo về hình ảnh, ngôn ngữ và giọng thơ vừa hào hùng vừa bay bổng, Quang Dũng đac khắc họa được hình tượng người lính anh dũng chiến đấu hết mình vì tổ quốc thiêng liêng mà vẫn giữ được những phút giây thơ mộng trong tâm hồn. Những vần thơ ấy cứ nhẹ nhàng đi vào lòng độc giả bao năm tháng qua!