ƯỚC MƠ CỦA MẸ LÀ GÌ? Tác giả: Vô danh 98 Thể loại: Hiện đại, tình cảm gia đình. Văn án: Có bao giờ bạn tự hỏi: Ước mơ của mẹ là gì? Hay: Mẹ có điều gì muốn, rất muốn một lần được trải nghiệm không? Chắc nhiều người chẳng nghĩ tới, cũng nhiều người nghĩ tới mà chẳng bận tâm bởi chính mẹ cũng thế: Ước mơ á, có ăn được không? Mơ với chả ước! Tôi là tôi chỉ mong anh chị sống tốt, công việc thuận lợi, gia đình yên vui là được rồi. Hóa ra ước mơ của mẹ đơn giản lại là các con. ***
Chương 1: Bài tập làm văn Bấm để xem Nó bật dậy khỏi chiếc giường đơn với cái đầu bù xù chẳng kém gì tổ quạ, lao vào phòng vệ sinh đánh răng rửa mặt với tốc độ ánh sáng rồi thay đồ, với lấy cặp sách trên bàn học mà lao xuống nhà. - Sao mẹ không gọi con dậy, con sắp muộn học rồi này. - Nó càu nhàu, vội với lấy chiếc bánh mỳ trên đĩa nhét vào miệng, đeo balo lên vai lao ra khỏi nhà với chiếc xe đạp mà không kịp nghe thấy mấy lời mẹ nó nói. Trên con đường quê quen thuộc với hai hàng cây đang chuyển sang sắc vàng, gió thu mát dịu nhè nhẹ thôi qua tán lá, cảnh sắc trời thu đẹp đấy, sáng mùa thu dễ chịu đấy, mà nó vội nên chẳng thấy cũng như chẳng thấy bữa sáng đủ đầy trên bàn mẹ nó dành cho nó. Lao trên con xe xanh lá nó phóng vèo vèo tới trường vừa kịp tiếng trống vào lớp, nó chạy tới chỗ ngồi, vứt balo lên ghế mà thở hồng hộc, đưa tay lau mồ hôi trên trán, nó nhìn sang cô bạn thân cùng bàn mà hổn hển: - Vừa kịp.. mày thấy tao có phi thường không? 10 phút.. gần 3 cây số. Ôi trời! Cô bạn liếc mắt nhìn, lấy cuốn tập làm quạt, phe phẩy quạt cho nó rồi tiếp lời: - Mày lại thức đêm cày truyện chứ gì, rồi ngủ mơ thấy hoàng tử hay gì mà không dậy đúng giờ được? Có biết chậm xíu nữa là mày đứng ngoài không? Không nhớ tiết đầu của cô chủ nhiệm à? - Đâu, tại mẹ tao không chịu gọi tao dậy đấy chứ. Tao có khùng cách mấy cũng không dám đi trễ tiết cô chủ nhiệm đâu. - Nó nhanh nhảy đáp lời. - Vậy mà.. Cô bạn chưa nói hết câu thì cô chủ nhiệm bước vào lớp. - Cả lớp nghiêm! Chào! - lớp trưởng dõng dạc hô. - Chúng em chào cô ạ! Cô nhẹ gật đầu đáp lời, cho cả lớp ngồi và đi về phía bục giảng. - Cả lớp tập trung ôn bài đi! Tất cả cúi đầu tìm sách vở, không nhốn nháo, không ồn ào, mọi người đều cúi đầu nhìn vào trang sách. Nó quay sang thì thầm: - Cho tao mượn vở bài tập chép cái coi. - Không. Mày lười vừa vừa thôi. Cô mà phát hiện là ngồi sổ đầu bài đấy. Nó lè lưỡi làm mặt quỷ rồi nhanh tay chộp lấy cuốn vở bài tập của nhỏ bạn, cắm đầu vào chép. Bài tập nó được giao là viết về ước mơ của chính mình. Ước mơ á, nó có cả một đống, nào là thi đỗ đại học để tận hưởng cuộc sống sinh viên xa nhà chẳng ai quản thúc, nào là kiếm nhiều tiền để bay đi du lịch trời Âu ngắm nhìn thế giới.. nhiều lắm, nhưng trong ước mơ của nó hiện giờ lại không thấy gia đình. 15 phút truy bài qua đi, tiếng trống vào tiết một vang lên, cô chủ nhiệm hỏi lại sỹ số lớp và bắt đầu kiểm tra đầu giờ. - Có bạn nào xung phong trả bài không? Đứng tại chỗ đọc bài văn của mình nói về ước mơ của các em. - Cô chủ nhiệm cất tiếng hỏi, cả lớp im lặng, nó cảm giác như mình nghe được cả tiếng đứa bàn cuối đang vội vàng chép bài nốt vậy. Cúi đầu, chẳng mấy đứa dám nhìn giáo viên lúc đầu giờ như này đâu, chỉ có vài thành phần được cả lớp cho là siêu nhân mới dám tự tin mà thẳng cái sống lưng vào giờ phút này. Nó cũng vậy, cúi cho thật thấp mong cô chẳng thấy mình, hay là có ai đó giơ tay đi, chỉ cần 1 cánh tay là bao sinh mạng được cứu rồi, mấy thành phần đội sổ môn văn như nó lúc nào cũng chờ đợi điều ấy. - Không có bạn nào à? Vậy cô chỉ định nha. Ừm, hôm nay là thứ 2 ngày 18, mời bạn Trà My sinh ngày 18 tháng 2 nào. Rồi xong, sao mà nó xui tận mạng vậy, sáng thì dậy trễ chút xíu là đi học muộn, giờ lại được gọi tên trả bài ngay tiết đầu, nó khóc chẳng ra nước mắt nữa rồi. Nó đứng dậy, ấp úng nói với cô: - Thưa cô! Em mới viết được một nửa ạ. Cô giáo chẳng mấy ngạc nhiên vì đã quá quen với cái tình trạng lười biếng này của nó, nó thích các môn tự nhiên, khô khan với những công thức luôn luôn đúng chứ chẳng phải cái mộng mơ, bay bổng hay cái ấm áp yêu thương mà nhà văn, nhà thơ nào đó thể hiện qua ngòi bút. Cô kêu nó đọc nửa bài đã viết, nó lại ấp úng: - Em viết linh tinh lắm ạ. Cô ơi, em xin mai nộp lại được không ạ? Cái trò xin xỏ của nó vẫn luôn có tác dụng bởi lẽ cô chủ nhiệm rất hiền nhưng mai mà không nộp thì sẽ trừ điểm bài kiểm tra nên lần nào khất nợ với cô là nó đều đau hết cả đầu mà cày cuốc trả bài. Cô lại cho nó qua, tới lần này, có một cánh tay rụt rè đưa lên, cô liền tuyên dương tinh thần xung phong và nói: - Cô rất vui vì có bạn chịu làm bài đầy đủ và xung phong trả bài, nếu có thể cô mong cả lớp học được tinh thần này từ bạn Quang. Nào, Quang đọc bài của em lên để cả lớp cùng tham khảo. "Ui, xịn thật, lại là Quang, thanh niên hướng nội nhất lớp nhưng có cây bút thần." - Nó vụng trộm suy nghĩ. Quang rụt rè đứng dậy, gãi đầu rồi lí nhí nói xin phép cô, em đọc bài. Giọng nói trầm, hơi có chút khàn vì tới tuổi dậy thì của Quang cất lên: "Ước mơ, với nhiều người có lẽ ước mơ lớn lắm nhưng dễ thực hiện lắm bởi nó trong tầm tay. Ước mơ là điều gì đó sẽ thành hiện thực trong tương lai nếu con người ta chịu vì nó mà tiến bước. Còn với tôi, ước mơ là được gặp mẹ." Nghe đến đây cả lớp lại rơi vào im lặng bởi ai cũng biết, Quang - cậu học sinh chuyên văn đạt giải nhì cuộc thi cấp huyện, giải khuyến khích cuộc thi cấp tỉnh hai năm liên tiếp không còn mẹ nữa. Ngày sinh nhật của cậu bạn ấy cũng là ngày cậu nhóc ấy chẳng còn mẹ. Giọng của Quang hơi nghẹn lại rồi tiếp tục đọc bài văn của mình, giọng đọc trầm thấp của cậu nhóc 15 tuổi vang lên trong không gian, chẳng còn tiếng động nào ngoài giọng nói ấy, chẳng ai cười đùa hay làm việc riêng nữa, tất cả lặng yên nghe ước mơ không thể nào thực hiện được của Quang. Người ta bảo, ước mơ cứ kiên trì theo đuổi rồi sẽ có ngày hái được quả ngọt. Ấy thế mà, cậu bạn cùng lớp của nó lại mơ một giấc mơ không thấy kết quả. Quang lặng lẽ đọc từng con chữ: "Mẹ ơi, mẹ có ước mơ không? - Tôi ngây ngô hỏi mẹ của mình. Mẹ mỉm cười xoa đầu tôi mà nói:" Mẹ có chứ, ước mơ của mẹ là Quang lớn lên học thật giỏi, trở thành một người ưu tú để mẹ được tự hào. "Tôi híp mắt cười hì hì:" Sau này lớn lên, con sẽ trở thành phi công, con sẽ lái máy bay bay trên bầu trời, con sẽ đưa mẹ đi du lịch khắp nơi, mẹ nha! "Mẹ tôi cười, nhìn tôi, ánh mắt đầy yêu thương trìu mến." Quang, Quang, dậy đi con, sao lại ngủ gục trên bàn thế hả? Muộn rồi, làm xong bài chưa thì lên giường ngủ đi, gục đấy cho muỗi đốt à? "- bố tôi lay tôi dậy, vậy hóa ra.. Giọng Quang vẫn đều đều như thế, nhưng sao nó thấy nặng nề đến lạ, không phải chỉ là một bài văn thôi à, cái bộ môn mà nó chúa ghét vì phức tạp lại đòi hỏi tính nghệ thuật, nó còn chả phân biệt được đâu là biểu cảm, đâu là nghị luận, ấy thế mà, nó thấy nặng nề với ước mơ của 1 người bạn. Quang dừng lại, kết thúc bài văn của mình, cả lớp không một tiếng động, cô giáo nhẹ nhàng chỉ ra những điểm chưa thỏa đáng trong bố cục, và không quên cho Quang một điểm 9 vì tinh thần tự giác cộng lối hành văn rất tốt, lập luận logic và chặt chẽ nhưng cũng không hề thiếu đi cảm xúc dẫn lối người đọc. Cả lớp bắt đầu lật sách bắt đầu bài học mới, còn nó lại miên man trong suy nghĩ của riêng mình. Nó cũng có ước mơ, không giống Quang và cũng chẳng thể giống bắt cứ ai khác đâu nhỉ vì làm gì có ai trùng ước mơ với một người xa lạ. Ước mơ của nó có thể thực hiện, ước mơ của nhiều người khác cũng thế, nhưng cũng có ước mơ như của cậu bạn ấy, chẳng bao giờ thực hiện được." Ơ, thế có khi nào, có ai đó cũng có ước mơ, nhưng lại dần quên đi ước mơ ấy vì một điều gì khác không nhỉ? "- nó tự hỏi. Cứ thế miên man trong suy nghĩ của mình, nó ghi bài mà chẳng hiểu cô nói gì, trông bộ thì chăm chú lắm nhưng đầu nó vẫn là câu hỏi kia" có ai có ước mơ mà lại bỏ qua ước mơ của mình vì một điều gì khác không nhỉ? " Trống báo hết tiết vang lên, không khí lớp học thay đổi hẳn, náo nhiệt hơn, ồn ào hơn, lũ con trai kéo nhau ra sân đá cầu, tụi con gái thì chia nhóm ngồi nói chuyện với nhau, nó quay xuống, Quang vẫn ngồi nguyên, lưng thẳng, mắt chăm chú nhìn vào cuốn sách ngữ văn trên bàn. Nó không ít lần nhìn thấy cậu bạn ấy như thế, một mình một thế giới, lặng yên chẳng muốn ồn ào, tự tách mình khỏi tụi con trai mồ hôi nhễ nhại ngoài kia. Bài văn của Quang vẫn còn quanh quẩn trong đầu nó, nó tò mò sao cậu làm được, nhưng chẳng bao giờ nó hỏi. Cứ thế, bài tập về nhà hôm nay của nó vẫn như các bạn chỉ là có thêm bài văn dang dở xin nợ lại với cô chủ nhiệm. Nó đeo balo, ùa vào bầy chim vỡ tổ mà phi về nhà trong cái nắng thu nhè nhẹ, nó vẫn băn khoăn làm sao viết được bài như Quang, mà thôi giờ chỉ cần viết được một góc người ta để trả bài cho cô là tốt lắm rồi. Chẳng mấy chốc nó về tới nhà, ngôi nhà thân thuộc với nó mà có lúc nó thoáng nghĩ" lớn nhanh, rời khỏi đây, để khỏi nghe mẹ càm ràm ". Nó cất xe, vào nhà, nhìn ngó xung quanh để tìm mẹ" mẹ ơi, con đi học mới về "rồi nhanh nhảu vặt mấy quả nho cho vào miệng. Mẹ nó từ trong bếp đi ra:" Tay con chưa rửa đâu cô nương ạ. "Nó cười xuề, đi thay đồ rồi xuống phụ mẹ cơm nước. Trong phòng bếp nho nhỏ ấy, nó tay nhặt cọng rau cải, đầu thì vẫn băn khoăn điều gì mà bản thân nó cũng không rõ nữa. Nó hình như có nghĩ về nhà sẽ hỏi mẹ nó điều gì ấy, mà quên mất rồi." Con định nhặt rau hay vò rau thế hả?"- mẹ nó quay ra hỏi. Nó nhìn xuống, đám rau nó nhặt hơi nát rồi, nó hậu đậu thế đấy, đến rau nhặt cũng không nên hồn, không có mẹ, nó lấy cái gì mà ăn nhỉ? Nó thoáng nghĩ, rồi lại cho qua, bây giờ đi chợ họ nhặt sẵn rồi, đem về rửa là nấu được, cua cá hay thịt họ cũng làm theo yêu cầu hết, cứ có tiền, gì chả làm được, cần gì phải biết làm. Nó chống đối lại mẹ trong suy nghĩ non nớt của mình. Không phải nó được chiều sinh hư, chỉ là tuổi dậy thì đứa nào chả cho rằng mình là người lớn, mà người lớn có ai thích bị áp đặt đủ điều đâu. Nó cũng vậy, nó thấy nó lớn rồi, đâu phải con nít mà suốt ngày mẹ nó chăm như em bé. Thế rồi điều muốn hỏi mà chưa kịp nhớ ra ấy, nó quên luôn rồi.
Chương 2: Nhập viện Cứ thế thời gian chầm chậm trôi, trời chuyển sang đông, cái lạnh giờ chẳng còn tê tái như ngày trước nhưng vẫn khiến nó không muốn chui ra khỏi ổ chăn để đến trường. Từ ngày bài viết về ước mơ của Quang vang lên trong lớp học đến nay cũng đã 2 tháng rồi, nó cũng vứt sau đầu tất cả nghi hoặc muốn được biết mà quên câu hỏi dành cho mẹ. Vò đầu vứt tai rời khỏi chiếc giường thân yêu trong tiếng gọi rõ to của mẹ và tiếng đồng hồ báo thức vang lên lần thứ 3 trong buổi sớm, nó cáu gắt bước vào nhà tắm đánh răng, thay đồ, xuống nhà ăn sáng. Ngồi vào bàn mà nó còn ngái ngủ, nhai miếng bánh bao nóng hổi mẹ đi chợ sớm mua về, uống ngụm nước đậu ấm thơm lừng mà nó còn chưa chịu tỉnh ngủ. Mẹ nó nạt: "Ăn uống cho tử tế, mắt còn nhắm thế kia rồi lại cho bánh lên mũi đấy". Nó chẳng đáp, tiếp tục vừa ăn vừa ngủ thêm một tí. Trong đầu nó lúc nào cũng nghĩ: "Giá mà mẹ nó hiền hơn, ít càm ràm nó hơn thì tốt biết mấy". Nó đeo balo lên, ỉu xìu chào mẹ rồi đi học. Ngoài đường gió đông táp vào mặt khiến nó tỉnh táo hơn, nó tự nhiên thấy nhớ bố với anh trai đang đi làm xa nhà, nó ước nó lớn nhanh hơn nữa để cũng được như anh nó, đi làm cả năm mới về, nên mỗi lần anh nó về là mẹ vui lắm, cái gì cũng để dành cho anh, anh có ngủ nướng cũng không bị mẹ gọi dậy cằn nhằn khiến nó thấy mình như được nhặt về nuôi ấy, chẳng phải con ruột cơ. Nó bĩu môi, ngửa mặt nhìn bầu trời xám xịt, bao giờ mới tới ngày ấy nhỉ? Đến trường, vào lớp học, nay nó đến sớm thứ hai của lớp sau Quang, nó chầm chậm đi lau bảng, vừa lau vừa nghêu ngao bài hát nào ấy chẳng nhớ tên. Quang lặng yên đọc sách của cậu ấy, hai đứa hai thế công việc, chẳng ai nói chuyện với ai. Rồi nó chợt khựng lại, chạy về chỗ ngồi lôi balo ra tìm kiếm, nó để quên bài văn cô giao ở nhà rồi, hôm qua rõ ràng đã để trên cùng rồi cất vào.. nó ôm đầu, "sao lại cất vào ngăn bàn học chứ, phải cất vào cặp cơ mà. Ôi trời ơi, cái đầu này để trưng bày cho xinh đẹp à?" Nó loay hoay rồi nhìn đồng hồ, về nhà lấy thì không kịp được, viết bài mới - tiết văn cuối cùng - nhưng nó không đủ khả năng. Làm sao bây giờ? Nó vò đầu bứt tai không biết làm sao cho ổn, bài cô giao viết ra giấy nộp lại, đi chép thì cô biết ngay, không chép được. Đang lúc nó khóc chẳng ra nước mắt, tự trách cái tính hậu đậu của bản thân thì Quang lên tiếng hỏi nó làm sao, nó giật cả mình, tròn mắt nhìn cậu bạn học giỏi văn nhất lớp, đầu nó lướt qua một tia sáng. Nó chạy lại chỗ Quang, thành khẩn nói: - Tớ quên bài làm văn ở nhà rồi cậu có thể cứu giúp kẻ tội nghiệp này, chỉ tớ viết một bài khác không? Tớ không phải hỏi chép bài cậu đâu, cậu chỉ tớ dàn bài để viết bài mới ấy, chứ giờ về không kịp được. Nó chớp mắt thành khẩn mong chờ, sau lưng các bạn học khác bắt đầu vào lớp. Quang ngập ngừng rồi cũng đồng ý, nó phi về chỗ lấy giấy bút đưa cho cậu bạn để lập dàn bài, rồi đi quét lớp tiếp. Xong xuôi nó quay lại chỗ Quang, ánh mắt mong chờ nhìn vào trang giấy, nó ngạc nhiên lắm, mới có gần 5 phút đồng hồ, thế mà con nhà người ta trong truyền thuyết đã dựng cho nó 1 dàn bài chi tiết đến vậy, nó rối rít cảm ơn, cầm giấy về chỗ mình bắt tay vào việc. Có dàn bài chi tiết rồi, nó chẳng còn thấy quá khó để lôi câu từ ra nữa, nó vùi đầu vào viết mặc kệ xung quanh có ồn ào, mặc kệ cả cô bạn thân đang tròn mắt kinh ngạc với tài viết văn hôm nay của nó. Trống hết truy bài đầu giờ vang lên, giáo viên lịch sử vào lớp, nó cũng đành kệ, làm bài môn khác trông giờ của các môn nó không thích đã thành quen rồi, nó vẫn miệt mài, thỉnh thoảng bí câu từ, nó lại lén lút mở vở ghi văn ra xem, qua 2 tiết học đầu, cuối cùng nó cũng đến đoạn kết bài rồi, thở phào nhẹ nhõm quá. Nó chú tâm làm bài mà chẳng hay biết, có một ánh nhìn thỉnh thoảng lại lướt qua nó, chỉ là lướt qua thôi. Nó hoàn thành rồi, đến tiết cô chủ nhiệm nó cũng như bao đứa khác, vui vẻ nộp bài, như chưa hề có chuyện để quên bài tập ở nhà. Nó hí hửng đến tận cuối giờ, lúc ra về nó chạy lại chỗ Quang, cảm ơn ríu rít một hồi rồi hứa sẽ mời Quang ăn kem vào ngày mai, ờ thì, lạnh ăn kem mới ngon đó - nó thích như thế và ra về cùng cô bạn. Sáng hôm sau, trước khi ra khỏi nhà, nó nhét thêm tờ 50 ngàn vào balo vì lời hứa mời kem cảm ơn ngày hôm qua với bạn. Nó vui vẻ đi học, vẫn chào mẹ như mọi ngày mà không nhận ra mẹ nó hôm nay hơi khác. Nó tới trường, học bài, nô đùa với các bạn, ra chơi thì nhảy dây đá cầu, vào lớp thì nghe giảng rồi cả làm việc riêng nữa, vẫn như bao ngày nó đến lớp. Tiết cuối, nó lướt qua chỗ Quang để lại một mảnh giấy nho nhỏ "hết giờ mời cậu đi ăn kem, đừng về trước đấy nhá." Trống tan học vang lên, nó kéo tay cô bạn thân lại, kêu đợi xíu rồi quay lại nhìn Quang vẫy vẫy tay chỉ ra ngoài cửa. Ba đứa lấy xe dắt ra cổng trường, rồi cùng nhau đi đến trước cửa hàng tạp hóa ngay đối diện, nó chạy vào nhanh nhẹn mua ba cây kem chanh và 3 cây ốc quế đem ra. Nó đưa cho Quang và cô bạn, rồi toe toét bóc một cây cho mình. Nó bảo: - Mùa đông mà ăn kem là nhất đó. - Ừ, ăn như này ngon thật, nhưng sao tự nhiên nay đứa bủn xỉn như mày lại mời tao ăn kem, cả Quang nữa là sao? - cô bạn thân cắn một miếng, nghi hoặc hỏi nó. - Tao kể mày rồi đó, hôm qua tao quên bài ở nhà, nhờ cậu ấy dựng dàn bài hộ để làm bù cho kịp nộp còn gì. Đây là quà cảm ơn, mày chỉ được ăn ké thôi. - nó đáp lại. Chỉ có Quang là lặng lẽ ăn kem và nghe hai đứa nó chí choé, cậu thực ra không muốn nhận quà cảm ơn này nhưng nó cứ ép, với lại cậu muốn hỏi nó một vài cách để học tốt môn Hóa, chứ môn đó cậu kém quá đâm ra điểm tổng kết bị ảnh hưởng nhiều. Và cậu cũng muốn hỏi một người hoạt náo năng động như nó lấy đâu ra nhiều năng lượng tích cực thế. Giải quyết quà cảm ơn xong, ba đứa chia tay đi về, đến lúc này nó mới biết, nó với Quang về cùng đường, hai đứa liền trò chuyện thêm, nó thì nhiều chuyện lắm, nói luôn mồm có chịu dừng đâu, còn Quang thì lắng nghe nó suốt cả đoạn đường về. Đến khi tới nhà, nó vẫy tay tạm biệt cậu bạn, dừng xe mở cổng vào trong sân nhưng có gì đó lạ lắm, sao cổng lại khóa nhỉ, giờ này mẹ nó còn đi đâu. Mẹ nó là thợ may, ai đặt may đo gì thì toàn tới tận nhà đâu cần đi ra ngoài, mà có đi đâu đó quá giờ mẹ nó đều dặn nó từ hôm trước mà, hôm qua rõ ràng mẹ không nói gì cả. Nó băn khoăn nhưng vẫn lấy khóa dự phòng mẹ chuẩn bị cho mở cổng vào nhà, vừa mở được cái cổng, bác Xuân hàng xóm thấy động liền ngó sang: - Trà My về đấy à, cháu chạy lên viện với mẹ đi, sáng nay mẹ cháu ngất xỉu, bác với bác trai đưa mẹ cháu đi viện rồi, giờ có bà ngoại cháu ở đấy nên bác mới về. Nó giật mình, hốt hoảng hỏi: - Mẹ cháu đi viện ấy ạ? Mẹ cháu có sao không bác? Ở viện huyện hay viện tư gần đấy á? Cháu đi ngay đây. Nó chẳng kịp cảm ơn bác hàng xóm, ba chân bốn cẳng quay xe khóa cổng mà phóng đi sau khi nghe được câu trả lời của bác Xuân. Nó lần đầu thấy hoảng hốt như thế, mẹ nó - người nó làm nó nhiều khi chẳng muốn về nhà, người nó cho rằng chẳng bao giờ đau ốm hay mệt mỏi, thế mà, mẹ nó bệnh rồi, mẹ nó phải đi bệnh viện rồi. Đến cổng viện nó mới sực nhớ ra nó không có biết mẹ nó nằm ở đâu, tìm thế nào bây giờ, vào chỗ cấp cứu xem sao. Nó đi nhanh trên hành lang đến chỗ cái bảng hiệu màu đỏ đề cấp cứu, ngó vào qua cửa sổ, không thấy mẹ đâu, cũng không thấy bà ngoại, ở đâu được nhỉ. Đang lúc nó rối rắm không biết làm sao vì không có điện thoại mà gọi thì nó chợt nghĩ ra, đi gọi nhờ, nó nhìn quanh, toàn người xa lạ, ai cũng một mặt mệt mỏi vì đau bệnh vì thiếu ngủ, nó đánh bạo lại gần một bác trai ngồi ăn cơm trên ghế dài ở hành lang. - Bác ơi, mẹ con nhập viện mà con không biết mẹ đang ở phòng nào, bác có thể cho con xin gọi nhờ một cuộc điện thoại được không ạ? Nó ngập ngừng khẩn khoản trông chờ, bác trai nhìn nó, rồi móc túi áo trước ngực lấy ra cái điện thoại Nokia đưa cho nó: "Cháu gọi đi". Nó đưa hai tay nhận lấy, cúi đầu nói cảm ơn rồi đứng tại chỗ bấm một dãy số quen thuộc, tiếng tút dài nhàm chán vang lên, một tiếng lại nối một tiếng mà đầu bên kia không có người nhấc máy. Đang lúc nó cuống cả lên thì có tiếng alo vâng lên đầu dây bên kia - Mẹ ơi, mẹ ở đâu đấy? - My hả? Bà đây, mẹ con đang ở phòng 205 trên trầng 2 nhá, bà cầm điện thoại của mẹ con đi mua cơm chưa về, con chạy lên với mẹ đi. - Vâng, con lên liền. Nó đáp lại, rồi tắt máy trả lại cho bác trai, cúi chào và cảm ơn bác một lần nữa xong mới chạy lên tầng hai. Nó vừa đi vừa nhìn mấy tấm biển đề số phòng, 218, 216, 202 đây rồi, nó ngó đầu ở cửa nhìn vào trong, mẹ nó nằm ở tận trong góc, vội chạy vào, nó mếu máo khi thấy mẹ - Mẹ bị sao đấy, sao lại phải đi viện? Lúc này nó mới thấy, mẹ nó, người nó nghĩ chả ốm đau bao giờ trông tiều tuỵ quá, da xanh xao, đôi mắt nhìn thấy rõ sự mệt mỏi, tay trái đang cắm kim truyền dịch, tay phải lại có một miếng urgo dán đè lên miếng bông đã thấm máu. Nó vừa lo vừa sợ, lần đầu nó thấy sợ như thế này. Mẹ nó nhìn nó, hơi gượng cười - Mẹ không sao, hơi chóng mặt nên không cẩn thận bị ngã, bác Xuân thấy thế nên đưa đi viện luôn, chứ ở nhà một lúc là đỡ ấy mà, vào đây các bác sỹ lại bắt truyền nước đây này. Nó ngồi xuống cái ghế đẩu bên cạnh giường, bỏ balo xuống đất, rồi lại chăm chăm nhìn mẹ, nó không khóc, từ trước đến giờ nó không hay khóc nhè, nó thích cười hơn nhưng giờ này nó không cười được, trong lòng nó có gì đó lạ lắm, bồn chồn hơn cả lúc nghe mẹ nó đi viện. Nó không đuổi theo cái cảm giác đấy bởi mẹ nó liên tục trấn an nói không sao, hai hôm là bác sỹ cho về. Nó cũng tin, ngồi cùng mẹ chờ bà mua cơm về. Cơm nước xong, mẹ nó kêu về còn đi học, nhưng nó lo, muốn xin nghỉ, nó biết bản thân ở đây chỉ vướng tay vướng chân bà với mẹ nhưng nó không muốn về, linh cảm bảo nó ở đây, ở cùng mẹ càng nhiều càng tốt. Chỉ là dưới sự thúc giục của bà và mẹ, nó vẫn phải về, nó còn nhận nhiệm vụ chiều tan học đem quần áo sạch vào cho bà với mẹ nữa thế nên nó đi về. Còn tiếp.
Chương 3: Mẹ mắc bệnh nặng rồi! Cả chiều hôm ấy, nó học không vào đầu chữ gì cả, nó lo lắm, cứ lạ lạ sao ấy. Hết giờ nó vội về nhà tắm rửa, lấy những gì cần thiết cho mẹ rồi sang nhà bà lấy đồ cho bà nữa, nó lại chạy lên viện, đến nơi nó thấy bố đã ở trong phòng, nó vui lắm, tíu tít chạy lại chỗ bố mẹ rồi bắt đầu luyên thuyên đủ chuyện cho bố nghe. Mẹ cũng cười nhìn theo nó, tối bố đưa nó về nhà rồi quay lại viện với mẹ, nó yên tâm phần nào mà đi ngủ một giấc từ sớm. Sáng dậy, không có mẹ đánh thức, nó thấy hơi không quen, tự mình ăn sáng rồi tới lớp, nó mong nhanh hết giờ để còn qua thăm mẹ. 11: 30 trống tan trường vang lên, nó phi ra khỏi lớp đầu tiên, chạy như bay đi lấy xe rồi đạp tới bệnh viện, lên đến phòng bệnh của mẹ nó thấy bố đứng ngoài cửa như đang chờ nó, nó chạy lại: - Sao bố đứng ngoài này, mẹ ăn cơm chưa bố? - Mẹ con chuyển phòng, bố chờ để dẫn con sang chỗ mẹ. - Sao lại chuyển ạ? Mẹ bảo hai hôm là được về mà, chuyển phòng mất công quá. Bố nó ngập ngừng: - Chắc mẹ sẽ ở bệnh viện một thời gian, con nhất định phải ngoan đấy. - Con lúc nào chả ngoan, mẹ chuyển đi đâu thế ạ? Bố dẫn nó qua khu hành lang dài, bầu trời hôm nay lại xám xịt, chắc có lẽ sắp mưa rồi. Nó theo bố, nhìn từng biển đề tên các khoa đã đi qua: Nội tiêu hóa, tim mạch, khoa ngoại, khoa ung bướu.. Nó sững lại, sao mẹ lại chuyển vào đây, khoa này.. nó chạy lên hai bước, túm lấy tay bố nó: - Bố, sao lại chuyển mẹ vào khoa này? Mẹ bảo chỉ chóng mặt nên bị ngã thôi cơ mà. Nó chăm chăm nhìn vào bố, giờ nó mới để ý, đôi mắt hằn lên tia máu đầy mệt mỏi, cằm bố nó hình như râu dài ra mà quên không cạo, bố nó không ngủ đêm qua rồi. Nó không muốn biết câu trả lời của bố nữa, nó không còn nhỏ, đã 15 tuổi rồi, nó biết sự mệt mỏi ấy cùng tấm biển kia thể hiện điều gì. Nhưng nó không muốn tin điều nó đang nghĩ tới. Nó xoay lưng một mạch chạy về phía cầu thang đi thẳng về nhà. Về tới nhà, nó vứt balo xuống, nhào lên giường mà bật khóc thành tiếng, nó không mạnh mẽ nổi nữa, không cười được nữa, mẹ của nó bệnh thật rồi. Nó cứ khóc mãi đến tận lúc chuông báo thức vang lên, nó xuống nhà, gọi điện thoại cho bố nhờ bố xin cho nó nghỉ chiều nay, không chờ bố đồng ý nó cúp máy, chạy lại lên phòng trùm kín chăn tiếp tục khóc. Đến 3: 00 chiều, dưới nhà vang lên tiếng mở cổng, anh trai nó kéo vali bước vào sân rồi nhẹ nhàng lên tầng tìm cô em nhỏ. Nó khóc mệt rồi lăn ra ngủ, anh nó kéo chăn trùm trên đầu nó xuống, vuốt đám tóc tán loạn trên mặt nó cho gọn gàng, nó tỉnh giấc, bật dậy ôm chầm lấy anh mà khóc tiếp, bao nhiêu tủi hờn như được trút ra cả. Anh nó yên lặng để nó khóc, hồi lâu sau mới lên tiếng: - Đi rửa mặt thay đồ rồi vào viện thăm mẹ nhá. Nó lầm lũi gật đầu, đứng lên đi rửa mặt rồi cùng anh trai vào viện thăm mẹ. Cảnh vật hai bên đường vẫn thế, bầu trời cũng vẫn xám xịt với vài ba cơn gió lạnh tái tê. Nó ngồi sau lưng anh trai trên chiếc xe máy mẹ vẫn thường dùng đi chợ. Đã lâu rồi trong nó không có cái cảm giác khó tả này, hình như từ ngày ông nội mất thì phải, ông nội là cựu chiến binh, là người chiều chuộng nó nhất nhà, ông mất khi nó mới lên lớp bốn. Năm năm trôi qua, lại lần nữa nó thấy trống rỗng như thế, hụt hẫng như thế, nó không nghĩ đến nó đau lòng, đúng hơn là nó không muốn nghĩ đến bởi nó sợ, nếu bảo bản thân trống rỗng hụt hẫng có khi còn bù đắp được. Nó vẫn hi vọng mẹ không sao, chỉ là nhầm lẫn của bác sỹ, chỉ có như thế nó mới an ủi được phần nào trái tim mềm yếu của chính mình. Anh hai chở nó tới bệnh viện, cả quãng đường nó đều cúi đầu trầm mặc, nó biết anh cũng lo lắm, giờ mà khóc nữa chắc anh càng mệt mỏi thêm, nó không khóc. Mỗi bước đi của hai anh em như vừa muốn thật nhanh chạy tới chỗ mẹ nhưng cũng lại giống như chẳng muốn bước đi, vừa nặng nề vừa gấp gáp. Còn tiếp.