Từ Một Cây Bút Anh Tôi Mang Về - Phạm Hổ

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi tbngc, 27 Tháng tám 2022.

  1. tbngc

    Bài viết:
    49
    Truyện: Từ một cây bút anh tôi mang về

    Tác giả: Phạm Hổ

    Bố tôi làm một cái nghề rất ít người làm: Nghề chữa bút máy. Thật ra, bố tôi còn làm công tác ở khu phố nữa. Nhưng cái nghề nuôi sống gia đình vẫn là cái nghề chữa bút.

    Hình như từ lúc tôi sinh ra, bố tôi đã ngồi đấy với những cây bút bị hỏng, cây màu xanh, cây màu nâu, cây nắp vàng, cây nắp bạc và có cả những cây không còn nắp nữa..

    Tôi nhớ một lần anh Tân tôi đã hỏi:

    - Bố ơi! Thế ngày xưa ông có làm cái nghề này của bố không?

    Bố tôi lắc đầu:

    - Không! Ông các con ngày xưa làm thợ nhà đèn..

    - Thế sao bố không làm thợ nhà đèn

    - Bố bị yếu một cái chân ngay từ lúc bé, đi lại hơi khó khăn nên bố mới chọn cái nghề này đấy chứ..

    [​IMG]

    Cửa hàng bố tôi nhìn thật giản dị. Một cái tủ kính con đặt lồng ngay vào trong bức tường, ở đó bố tôi treo đứng những cây bút đã được chữa xong. Một cái bàn nhỏ, trên có cái hộp vuông dùng để dựng các đồ nghề của bố tôi: Một cái kìm con, một cái búa bé tẹo, những mảnh thép mỏng dính, mấy đoạn dây thép còn bé hơn cả sợi tóc.. Tất cả những thứ ấy khi nằm im thì thường thôi, nhưng lúc vào trong tay bố tôi thì trở nên lanh lợi và thông minh đến lạ lùng. Nhờ vậy mà hầu hết những cây bút mang đến đây đều được chữa lại tốt và những người chủ đón về với một niềm yêu quý mới.

    Khách hàng của bố tôi khá đông và gồm đủ các thành phần: Cán bộ, bộ đội, thầy cô giáo, nhà báo, nhà văn.. Có người chỉ ghé chữa một lần, có người thường ghé lại luôn và trở thành những khách quen thuộc Trong những người khách này có mấy người cả nhà tôi ai cũng biết, ai cũng nhớ mặt.. Trước hết là một bác hay làm thơ đả kích, tính hay nói to và hay cười. Bố tôi và anh tôi thường đọc thấy thơ của bác đăng trên các báo hàng tuần, bài này đánh Mĩ, bài kia đánh Ngụy. Người thứ hai là một bà, cũng viết báo, viết văn; bà này thường đến chữa bút cho mình và chữa hộ cho những người quen nữa. Vì vậy có lẽ bà ta là người hay đến nhà tôi nhất. Tôi quý bác nhà thơ đả kích bao nhiêu thì tôi không thích cái bà nhà báo này bấy nhiêu. Bà ta hay cau có, ăn nói lúc nào cũng làm ra vẻ quan trọng và khinh người. Nghe bà ta hoạch họe bố tôi, tôi tức không chịu được. Cả anh Tân tôi nữa. Anh tôi có lần đã nói:

    - Bố ạ! Con thấy bố đừng chữa bút cho bà ấy nữa!

    Bố tôi chỉ cười rồi đáp:

    - Làm nghề này như làm dâu trăm họ. Con bực là phải, nhưng mình cần có khách! Hơi sức đâu mà phiền muộn hả con!

    Chính vì có bà ấy mà thú thật - tôi hơi ngại giới nhà văn, nhà báo..

    Cho đến một ngày kia..

    Hôm ấy, anh Tân tôi bỗng mang ở đâu về một cây bút tuy đã cũ nhưng nhìn thoáng cũng biết ngay đấy là cây bút quý. Một cây Oa-téc-man ngòi vàng! Anh Tân tôi đưa cây bút cho bố tôi rồi nói:

    - Bố ơi! Con có đứa bạn, con của một nhà văn. Nó lỡ tay đánh hỏng mất ngòi bút của bố nó nên nó nhờ con nói hộ với bố chữa ngay cho, kéo bố nó đêm nào cũng viết mà không có bút thì bố nó sẽ mắng..

    Bố tôi chiều anh tôi, hí hoáy chữa ngay. Được cái ngòi bút chỉ mới bị cắn lại một chút chứ không bị hỏng nặng lắm. Tuy vậy, bố tôi cũng chữa đi chữa lại, hết gõ lại nắn, hết nắn lại mài, làm rất kĩ lưỡng. Một lúc sau, đưa cây bút cho anh tôi, bố tôi nói:

    - Xong rồi đây! Nếu bố nó mà không tinh ý thì có thể xem như cây bút chưa hề bị rơi, bị hỏng!

    Anh Tân tôi mừng quá, cảm ơn bố tôi rối rít. Bố tôi lại nói thêm:

    - Đây là bố chữa giúp, đừng lấy tiền của nó làm gì.. Nhưng bố nó là một nhà văn, vậy có quen với bác nhà thơ đả kích hay đến chữa bút nhà mình không?

    - Con cũng không biết! Nhưng bố bạn con viết văn hay lắm bố ạ. Chúng con đã được đọc mấy tập của bác viết rồi.

    Khi anh tôi nói rõ tên bác nhà văn, tôi suýt kêu lên. Tôi cũng đã được đọc bác ấy, ít nhất là ba tập. Tập nào cũng hay, đọc thật xúc động.

    Bố tôi liền nói:

    - Vậy thì càng không nên lấy tiền của ông ấy làm gì!

    Câu chuyện tưởng đến đây là thôi. Không ngờ vài hôm sau, vào một buổi chiều khi bố tôi đang loay hoay chữa một cây bút của cái bà nhà báo mà tôi không thích thì có một bác, người cũng đã khá tuổi, bước vào nhà, chào bố tôi, chào cả tôi rồi hỏi:

    - Thưa bác, đây có phải là nhà của cháu Tân không ạ?

    - Vâng! Đúng rồi! Mời ông vào chơi!

    Ông khách bấy giờ mới cười tủm tỉm, bước đến gần chỗ bố tôi đang ngồi và tự giới thiệu:

    - Thưa bác! Tôi là bố châu Thắng, bạn của cháu Tân đây mà!

    Bố tôi và cả tôi đều ngạc nhiên và mừng rỡ. Bố tôi tháo ngay cái kính trong phóng đại đang ấn chặt vào một bên mắt, rồi đứng ngay dậy:

    - Quý hóa quá! Mời ông ngồi xơi nước ạ!

    Tôi nhìn trộm bác nhà văn và thấy bác rất là hiền! Không hiểu sao, tôi bỗng nghĩ ngay đến cái bà nhà báo kia (có lẽ vì lúc đó bố tôi đang chữa cây bút cho bà ta và bà ta cũng vừa mới đến đây lúc sáng). Khuôn mặt bà ta lại hiện lên với đôi mắt sâu, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, đôi môi cong tớn, son đánh đỏ chót.

    Bác nhà văn cảm ơn bố tôi đã chữa giúp cho cây bút, hỏi thăm chuyện gia đình, kể chuyện anh Tân tôi hay đến nhà bác chơi với anh Thắng - con của bác. Bác khen anh Tân:

    - Cháu Tân nhà bác ham đọc sách lắm. Điều ấy thật đáng quý. Chẳng bù với cháu Thắng nhà tôi, cháu chỉ thích học toán, và có thể ngồi làm toán suốt đêm.

    Tôi lấy nước mời bác xơi, rồi đứng vào một góc phòng nhìn ra, nghe bố tôi và bác nói chuyện. Càng nhìn bác, tôi càng lạ lùng. Ở trường, mỗi lần làm văn, tôi chỉ viết mấy dòng là đã hết cả ý, và bối rối không biết viết gì thêm nữa. Vậy mà sao bác lại có thể viết hết tập sách này đến tập sách kia mà tập nào cũng hay. Bác viết về hai em bé thì hai em bé cứ như sống thật. Bác tả cảnh ngày xưa trong truyện lịch sử thì cánh ngày xưa như hiện ra trước mắt mọi người.. Đọc truyện của bác, lòng tôi lúc nào cũng như thấy tràn đầy những tình cảm yêu thương.

    Giọng bác trầm trầm. Bác nói chậm rãi. Thỉnh thoảng lại cười tủm tỉm và nhìn ra xa..

    Bỗng bố tôi hỏi bác xem có quen biết với bác nhà thơ đã kích và bà nhà báo kia không. Bác khẽ gật đầu:

    - Ông ấy thì tôi có quen! Còn bà kia thì tôi chỉ mới biết chứ chưa quen!

    Tôi nghe nói, thấy nhẹ cả người.

    Tôi không muốn những người tốt và hiền như bác lại quen thân với những bà đáng ghét như bà kia.

    Trước khi ra về, bác lại tươi cười bắt tay bố tôi, cảm ơn một lần nữa rồi nói:

    - Được làm quen với gia đình, tôi rất mừng. Lẽ ra hai cháu nó chơi thân với nhau từ lâu, thì chúng ta cũng quen thân với nhau từ lâu mới phải.

    Chiều hôm ấy, đi học về, nghe chuyện bác nhà văn đến thăm nhà, anh Tân tôi thích lắm. Anh tôi lại khoe với tôi cái điều mà lẽ ra anh đã phải khoe với tôi từ lâu:

    - Bác quý anh lắm nhé! Bác xem anh không khác gì thằng Thắng đâu nhé. Theo anh, bác đúng là nhà văn một trăm phần trăm đấy!

    Tôi chưa hiểu được hết ý anh tôi muốn nói gì, nhưng tôi rất đồng tình với anh tôi. Tết năm ấy, bác nhà văn lại đưa anh Thắng đến chúc Tết nhà tôi. Để đáp lễ, bố tôi lại đưa hai chúng tôi đến mừng năm mới nhà bác.

    Tôi nghe anh Tân tôi tả cảnh nhà bác đã nhiều lần nên mới đến lần đầu mà tôi thấy như đã quen thuộc. Tuy vậy tôi vẫn ngạc nhiên vì cách ăn ở quá giản dị của nhà bác. Nhất là nơi bác làm việc thì thật hết mức đơn sơ. Một cái buồng con, có cánh cửa sổ màu sơn xanh đã cũ, mở ra đường. Một cái bàn gỗ thường, một cây đèn có chao bằng bìa, một cái kệ sách trên có nhiều chồng sách và báo. Hôm ấy, cô cành đào ngày Tết đặt trên bàn nên gian buồng cũng có vui hơn. Chứ ngày thường thì chắc là vắng lặng lắm. Tôi bồi hồi nhìn quanh. Chả nhẽ đây là nơi ra đời của những tập sách đã làm cho chúng tôi say mê và xúc động, và nhớ mãi trong suốt đời mình?

    Từ đấy, hai gia đình thỉnh thoảng lại đến thăm nhau. Nhất là những ngày lễ, những ngày vui.

    Còn anh Tân tôi, thì khỏi phải nói. Hầu như một vài ngày, anh lại đến nhà bác một lần. Mà lần nào cũng ở chơi với anh Thắng rất lâu. Và mỗi khi về, anh lại kế cho tôi nghe những câu chuyện anh đã nghe ở nhà bác. Chuyện Bác Hồ ở Việt Bắc. Chuyện bộ đội mình đánh Pháp. Chuyện ngày xưa: Yết Kiêu, Dã Tượng.. Anh tôi còn cho biết thêm: Tính bác vốn ít nói, nhưng khi đã kể chuyện nhất là chuyện lịch sử thì bác kế say sưa quên cả uống nước, quên cả bữa cơm. Mà sao bác lại thuộc sử của nước mình đến như vậy! Cứ nghe ai nói không đúng là bác nói lại cho đúng, rồi từ đó là bắt đầu kể tiếp, kể mãi.. Anh Tân tôi còn nói: Đi chơi với bác, đến đầu bác cũng có chuyện để kể, đúng như cái câu bác thường nói "ở mỗi bước ta đi qua, lịch sử đều lên tiếng".

    Một buổi tối, tôi bỗng thấy anh tôi có vẻ gì hơi khang khác ngày thường. Mọi người đã đi ngủ, anh tôi vẫn ngồi lì ở bàn học. Nghe mẹ tôi bảo không nên thức khuya, anh tôi liền đáp: "Con chưa làm xong bài mẹ ạ!". Tôi giả vờ ngủ để xem anh tôi làm gì. Hết viết lại xóa, hết xóa lại viết, anh tôi như quên cả lời mẹ vừa giục, quên cả chuyện ngày mai anh phải dậy sớm để đi thăm cô tôi đang ốm. Tôi đoán là anh tôi đang tập viết. Cần đây, những bài bích báo của anh, các thầy cô ở trường đều khen là viết hay.. Tôi giả vờ ngủ được một lúc rồi đ đâm ra ngủ thật. Sáng ra, nghe tôi vặn hỏi, anh tôi liền chối lia lịa: "Bậy nào, tạo thức làm bài tập, rồi viết thư cho thằng Long đấy chứ!"

    Năm sau, lên lớp mười, anh tôi xung phong đi bộ đội. Cả anh Thắng, con bác nhà văn cũng xin đi. Mặc áo lính được mấy tháng thì hai anh cũng vào Nam. Năm ấy miền Nam đang sống những năm tháng ác liệt, sau cái tết Mậu Thân.

    Hôm tiến hai anh lên đường, cả hai gia đình cũng đều đến nơi tập trung. Bố tôi bị mệt nên chỉ có mẹ tôi đi. Trước khi lên xe, anh Thắng và anh Tân tôi cứ ôm lấy bác nhà văn, cố không khóc. Bác dặn cá hai anh:

    - Vào đến trong đó rồi thì nhớ viết thư ra ngay nhé!

    Hai anh cùng vâng dạ. Anh tôi còn hứa với bác:

    - Cháu sẽ gắng làm đúng lời bác khuyên. Cháu sẽ ghi chép thật đều, rồi viết được gì cháu sẽ gửi ra nhờ bác xem giúp và chỉ bảo cho cháu.

    Bác gật đầu và nói:

    - Cháu yên tâm. Bác sẽ đọc và sẽ trả lời kĩ lưỡng

    Từ hôm ấy, thỉnh thoảng bố tôi lại báo tôi đến thăm bác. Trước đó, tôi rất ít muốn đến nhà ai, vậy mà khi bố tôi bảo, tôi đi ngay.. Sau đó thì có khi không ai bảo, tôi cũng xin phép bố mẹ tôi đến thăm bác và chuyện trò với em gái anh Thắng, cái Thu, học sau tôi một lớp.

    Mỗi lần đến nhà, tôi lại được nghe thêm tin tức về anh Tân tôi và anh Thắng, nhất là anh Tân. Vì anh ấy viết thư cho bác rất đều. Bác kể cho tôi nghe chuyện anh Tân đang muốn tập viết văn và những điều bác đã khuyên nhủ anh.. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ câu này của bác: "Bác có dặn Tân là trước khi muốn viết cho hay, phải biết sống cho thật tốt. Vì cái khó nhất của người cầm bút là có cái gì ở trong đầu, ở trong bụng để viết ra giấy không - Không sống cho tốt khó có cái gì để viết lắm". Tôi không hiểu hết ý nghĩa những câu này, thế mà tôi vẫn cứ nhớ rất rõ và tôi chắc là tôi không nhớ sai.

    Một hôm đến nhà bác, bác liền bảo tôi: "Cháu ạ, Tân vừa rồi có viết được một đoạn văn rất cảm động. Bác thích nhất câu này của Tấn, khi nghĩ đến một đồng chỉ phụ trách mình đã hi sinh hết sức anh dũng:" Bác ơi! Có lúc cháu cứ nghĩ, sao những người đẹp như vậy mà lại chết đi, còn cháu thì lại vẫn sống! Bởi vì cháu nghĩ, không bao giờ cháu có thể trở thành được như vậy! ". Bác nói thêm:" Một người đã biết nghĩ như vậy thì sẽ biết sống xứng đáng và đẹp đẽ, và sẽ trở thành những con người mà họ ước mơ và ca ngợi, và tưởng không bao giờ mình có thể trở nên như họ ".

    Lần khác, vui hơn, bác đưa cho tôi một tờ báo và nói:" Cháu đọc kĩ bài ghi chép của anh cháu đi! Bác rất vui mừng khi đọc bài viết của anh cháu đăng trên báo Cũng giống giống như ngày xưa khi đọc bài đầu tiên của bác được ra mắt bạn đọc.. ". Tôi vừa đọc, vừa nghĩ đến anh Tân tôi, đến giây phút anh ấy được cầm tờ báo này, đọc chính bài của mình..

    Nhưng một chuyện không vui đã xảy ra.

    Chiều hôm ấy, tôi đến thăm bác thì thấy bác đang đắp chăn nằm quay mặt vào tường. Em anh Thắng, cái Thu cho biết là bác vừa ở đằng nhà xuất bản về. Tôi quên nói là dạo ấy bác đang làm giám đốc một nhà xuất bản. Bác đang làm việc thì thấy mệt nên phải về ngay nhà.

    Tôi đang nói chuyện với cái Thu thì có tiếng gõ cửa, chúng tôi chưa kịp mở thì cánh cửa đã hé ra. Một khuôn mặt quen biết thò vào..

    - Bố cháu vừa ở cơ quan về phải không

    - Thưa bác, bố cháu đang bị mệt ạ!

    - Được rồi! Bác chỉ xin gặp bố một lúc thôi.

    Vừa nói, bà ta - vâng, đúng là cái bà mà tôi vốn không thích ấy - đã bước luôn vào nhà, đi sang phòng bác nhà văn đang nằm và nói to:

    - Ông bị mệt hay sao vậy? Tôi vừa đến nhà xuất bán thì được biết là ông vừa ở đấy về đây!

    Bác nhà văn quay lại, hơi ngạc nhiên một chút, nhưng rồi rất lịch sự, bác từ từ ngồi dậy:

    - Vâng, tôi bị mệt! Mời bà ngồi chơi.

    Cái Thu chạy lên, nhắc một cái ghế mời bà khách hơi thiếu tế nhị ấy ngồi.

    Bà ta vừa ngồi xuống đã nói ngay:

    - Thưa ông, tôi vừa nghe tin là tập sách của tôi không được đưa in nữa, có đúng không ạ?

    Bác nhà văn điềm tĩnh trả lời:

    - Vâng! Đúng đấy.

    - Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao?

    - Chúng tôi đã trao đổi lại kĩ và thấy là tập truyện của bà cứ in đúng như vậy thì e các cháu đọc không có lợi..

    - Không có lợi là không có lợi chỗ nào?

    Bác nhà văn hơi khó chịu một chút, nhưng vẫn ôn tồn trả lời:

    Bà để cho lúc khác thì tốt hơn. Tôi đang bị mệt.

    - Vâng, tôi thật có lỗi với ông! Nhưng mong ông thông cảm cho tôi, cũng là người cầm bút như ông. Khi một tập sách không được in, thì đó là cả một vấn đề..

    - Vâng, tôi rất hiểu..

    - Vậy thì ít nhất tôi cũng mong ông cho tôi được biết qua một câu thôi, nguyên nhân chính thôi, vì sao tập sách của tôi lại không được in nữa?

    Tôi và Thu ngồi ở đằng này nghe mà tức sôi cả lên. Sao lại có con người bất lịch sự đến như vậy. Người ta ốm, mệt, mà cũng không cho người ta được nghỉ.

    Ở trên kia, bác nhà văn lại thong thả trả lời:

    - Nói tóm lại là tập truyện của bà có những chỗ nếu đọc và phân tích kĩ thì thấy không đúng..

    Bà ta bỗng giật nấy lên:

    - Ôi! Nói thế thì thật là nguy hiểm!

    - Bà cứ bình tĩnh và đừng nói nặng lời. Chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể hơn và kĩ hơn, để bà sửa lại..

    - Tôi sẽ không sửa gì hết! Các ông phải tôn trọng quyền của người viết!

    Đến lúc này thì hình như bác nhà văn đã không giữ được bình tĩnh nữa. Tôi nghe bác nói, giọng đanh hẳn lại:

    - Vâng! Nếu bà không sửa thì chúng tôi cũng khó mà in được! Thưa bà chỉ có vậy! Bây giờ thì tôi mệt quá, xin bà cho tôi được nằm nghỉ một lúc.

    Bà ta lặng người đi một giây rồi bỗng vùng vằng đứng dậy, giọng dọa nạt:

    - Các ông đừng tưởng dễ mà ức hiếp chúng tôi, chúng tôi sẽ còn khối chỗ để kiện cho đến nơi đến chốn..

    Bà hầm hầm bỏ đi ra.

    Tôi theo cái Thu chạy đến bên giường của bác.

    Bác vẫn ngồi im, về mặt còn nguyên nỗi bực dọc.

    - Bác a, bác nằm xuống nghỉ cho đỡ mệt.

    - Đúng đấy bố ạ. Bố đừng bực tức làm gì! Mặc kệ bà ta!

    Bác nhìn chúng tôi như để cảm ơn rồi từ từ nằm xuống.

    Tôi về nhà kể lại hết cho bố tôi nghe.

    Cái điều anh Tân tôi đã đề nghị với bố tôi trước kia bây giờ đến lượt tôi nhắc lại. Và lần này bố tôi đồng ý, sau một phút suy nghĩ: - Được! Từ rày bố sẽ không nhận chữa bút cho bà ta nữa!

    Tôi thích lắm, viết thư báo tin cho anh Tân ngay. Tôi bỗng sửng sốt hơn khi nghe tin, một vài tháng sau đó, bà ta đã bị bắt vì can vào một cái tội gì đấy.. Nghe tôi kể chuyện, bố tôi ngẩn người ra một hồi lâu rồi nói:

    - Bây giờ bố mới rõ ra: Cũng là cầm bút, nhưng có người thật tốt, mà cũng có người không tốt. Lâu nay bố chữa bút mà đâu có chú ý đến chuyện này!

    Bác nhà văn ốm mất mấy ngày rồi khỏe lại.

    Bác lại đi làm việc. Và dạo đó cái Thu cho biết, bác đang lo viết cho xong một tập truyện lịch sử. Đêm nào bác cũng viết, viết say sưa đến quên cả ngủ. Cái Thu còn kể tỉ mí cho tôi nghe:" Mẹ em đêm nào cũng ra tắt đèn, giục bố em đi ngủ. Vậy mà ngủ được một lúc, mở mắt ra mẹ em đã lại thấy bố em đang ngồi viết.. Khi thấy mẹ em đến bên cạnh, bố lại tủm tỉm cười xin lỗi, rồi năn nỉ: Nhất định tôi chỉ xin viết thêm một trang nữa là đi ngủ ngay thôi mà! Viết đang thú quá không dừng lại được! "

    Vừa chấm hết tập truyện thì bác ngã xuống ốm to.

    Lần này một chiếc xe cấp cứu đến đón bác đi. Bác vào bệnh viện và từ đấy không bao giờ còn trở về nhà nữa.

    Cả nhà tôi đi đưa đám ma bác. Đám ma rất to. Có nhiều bạn đọc quàng khăn đó đưa tiễn bác đến tận nghĩa trang. Tôi và cái Thu đều khóc sưng cả mắt. Chúng tôi cứ vừa khóc vừa nghĩ đến anh Thắng, anh Tân ở trong kia. Tôi cứ lo là anh Thắng sẽ không chịu nổi khi nghe tin này và sẽ ngã xuống ốm mất. Mà lúc này thì hai anh lại không còn ở chung đơn vị nữa. Anh Thắng vẫn ở trinh sát pháo binh, còn anh Tân tôi thì chuyển qua làm" lính thông tin "..

    Một tháng sau, anh Tân tôi viết thư về. Anh tôi nhờ tôi hãy đến nhà bác, xin cái Thu cho anh ấy một vật gì của bác để làm kỉ niệm. Và gửi ngay vào Nam cho anh ấy.. Tôi đọc thư, nghĩ mãi, để tìm ra được cái gì gợi ý với Thu. Một cây bút cũ, một quyển số tay? Không được! Làm sao gửi được vào chiến trường? Một cái ngài bút? - Một trang nhật kí? May ra được đấy!

    Tôi đến nhà cái Thu, đưa bức thư cho nó đọc. Nó ngồi im giây lát rồi bóng cầm tay tôi và nói:" Em có cái này là lắm. Nhất là đối với anh Tân.. "

    Thu nói xong liền đứng dậy đi tìm một quyển số tay đã cũ của bác nhà văn rồi lật ra ở trang cuối cùng. Nghĩ sao, Thu bỗng lấy tay che lại rồi nói:" Chị có còn nhớ cái chuyện anh Thắng đánh rơi, làm hỏng mất bút của bố em rồi sợ quá, mới mang nhờ anh Tân chữa giúp cho không? Đấy, tối hôm ấy anh Thắng em thì cố giấu bố em, nhưng em đã kể hết đầu đuôi cho bố em nghe. Thế là bố em lấy bút ra thứ và vừa thử vừa viết mấy câu này.. Cái Thu nhấc tay lên và tôi đọc thấy hai dòng chữ sau đây: "Cám ơn bé Tân đã chữa hộ bút cho Bác. Bút viết tốt, tốt lắm.." và bên cạnh đó là những đường vòng lên, vòng xuống để thứ bút thêm..

    Tôi đoán biết ngay ý cái Thu muốn gửi tặng anh Tân tôi trang số tay có mấy dòng chữ này. Ôi, anh Tân mà đọc chắc là cảm động lắm. Lời bác viết tuy đã lâu mà thấy như mới đây thôi..

    Cái Thu lại bỗng nói thêm: "Em lại còn cái này nữa! Nhưng mà..". Nó dừng lại nhìn tôi, vẻ ngần ngừ. Tôi hỏi dồn ngay: "Nhưng mà làm sao? Thu nói đi chứ!" Thu đành nói tiếp:

    - Chị ạ, có một buổi sáng, vừa mới sáng thôi, ra chỗ bàn làm việc của bố em, em bỗng thấy có một sợi tóc bạc rơi nằm ngay giữa trang bản thảo. Đúng là sợi tóc của bố em. Em thương bố em quá, mới nhặt lên và mang đi cất, định để giữ làm kỉ niệm về sau này.. Bây giờ nếu anh Tân muốn, và chị thấy được, thì em xin biếu chị, biếu anh Tân luôn..

    Cái Thu vừa nói xong thì một giọt nước mắt cũng vừa hiện ra ở khóe mắt và từ từ lăn xuống má. Tôi cũng không kịp ngăn được và cũng khóc theo cái Thu.

    Mảnh giấy nhỏ cắt từ trong trang sổ tay và sợi tóc rất quí ấy, tôi đã bọc vào một tờ giấy đẹp và gửi vào chiến trường cho anh tôi. Thư gửi đi rồi mà tôi và cái Thu cứ lo bị mất, bị lạc. Thời gian bom đạn, ai mà bảo đảm được mọi việc đều suôn sẻ. May quá, chỉ hơn một tháng sau, anh Tân tôi đã nhận được và viết thư ra, trong đó có một đoạn không bao giờ tôi quên được: "Mai ơi, Mai có biết mảnh giấy có nét chữ của bác và sợi tóc ấy đã làm cho đơn vị anh xúc động đến mức nào không? Ai cũng chuyền tay nhau đọc và ai cũng đặt sợi tóc ấy vào lòng tay mình để nhìn cho thật rõ, để nhớ lại những trang sách, những câu chuyện bác đã viết mà tất cả các anh đều đã đọc, và đã hiểu rõ vì sao một sợi tóc đã bạc đi..".

    Đọc thư anh tôi, tôi và cái Thu càng thấy thương nhớ bác. Riêng tôi, thực ra tôi đã được hiểu gì nhiều lắm về bác đâu. Thế mà không hiểu sao tôi thấy yêu và nhớ bác vô cùng.

    Và bây giờ mỗi lần học về lí luận văn học - vâng, hiện nay tôi đang học ở một trường sư phạm, khoa văn - về thế giới quan của nhà văn, về quan hệ giữa cuộc sống của nhà văn và tác phẩm, tôi như không phải bản khoản và suy nghĩ gì nhiều lắm. Cuộc đời của bác bao nhiêu câu chuyện diễn ra quanh bác như đã giúp tôi hiểu được một phần nào những vấn đề ấy từ lâu; trong đó có lẽ dĩ nhiên có câu chuyện về mảnh giấy cắt ở trang sổ tay và sợi tóc bạc của bác mà anh Tân tôi vẫn đang cất kĩ như một kỉ niệm cần phải gìn giữ suốt đời mình.

    9/1979-9/1980​
     
    Thùy Minhchiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng tám 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...