Từ Đức cha Sergius của L.N. Tolstoy đến Mặt trời nửa đêm của anh em đạo diễn Taviani

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ma tà, 3 Tháng tám 2022.

  1. ma tà

    Bài viết:
    14
    ĐỜI TU VÀ CÁM DỖ

    [​IMG]

    Lev Nikolayevich Tolstoy (1828- 1910) là một quý tộc, tiểu thuyết gia, nhà triết học, nhà cải cách giáo dục vĩ đại người Nga. Ông là người theo đuổi chủ nghĩa hòa bình, chủ nghĩa vô chính phủ, tín đồ Cơ Đốc giáo và mọi quyết định của ông đều có ảnh hưởng lớn đến từng người trong gia đình. Tolstoy nổi tiếng khắp nơi với kiệt tác Chiến tranh và hòa bìnhAnna Karenina miêu tả sự phóng khoáng và hiện thực cuộc sống Nga. Lúc sinh thời, ngoài việc miêu tả hiện thực cuộc sống Nga ông còn chú trọng đến vấn đề con người và đức tin tôn giáo trong sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, các tiểu luận về tôn giáo. Đức cha Sergius là truyện tiêu biểu được Tolstoy viết trong khoảng thời gian từ 1890 đến 1898 và chỉ được xuất bản sau khi nhà văn qua đời (1911). Đức cha Sergius kể về Stepan Kasatsky chỉ huy kỵ đội ngự lâm của trung đoàn kỵ binh vừa đẹp trai vừa tài giỏi, đầy tham vọng và đặc biệt sùng bái hoàng đế Nhicôlai Páp-lô-vích, con người ông có mọi yếu tố để trở thành một sĩ quan tùy tùng ngự tiền ưu tú nhưng chính tính cách nóng nảy nơi ông đã làm ông không có được thiện cảm của những người xung quanh. Trước khi tổ chức hôn lễ với vị hôn thê xinh đẹp được hoàng hậu đặc biệt ân sủng, Stepan Kasatsky đã cắt đứt mọi quan hệ với vợ chưa cưới, xin từ quan và giao trang ấp nhỏ của mình lại cho em gái khi phát hiện ra mình chỉ là tấm bình phong che đậy cho mối quan hệ bất chính giữa hoàng đế Nhicôlai Páp-lô-vích và vị hôn thê Maria nên đã quyết định cắt tóc đi tu. Dù từ bỏ mọi thứ để đi tu nhưng vị sĩ quan trẻ, bây giờ là cha Sergius vẫn chưa hoàn toàn chút bỏ được những ý muốn tham, sân, si. Cha luôn nhận định rằng kẻ thù của mình là: Sự nghi ngờ về đức tin và dục vọng. Để chiến thắng được kẻ thù, mọi cám dỗ trong đời tu mà ông chọn cách lánh mình ở ẩn, tu đời khổ hạnh, thậm chí là chặt cả ngón tay để thoát khỏi sự mê hoặc của Makốpkina, được tôn sùng như một vị thánh sống khi đã chữa lành cho cậu bé 14 tuổi. Khi đang đứng trên đỉnh quang vinh được mọi người kính ngưỡng, ca ngợi thì cha đã phạm giới với con gái của một người lái buôn. Sau đó ông rời khỏi tu viện và đi tìm Praxkôvia để thú tội cùng cô, và bắt đầu cuộc sống lang thang, xin ăn ở mọi nơi mà ông đi qua, rồi ông bị bắt vì không có giấy thông hành, bị kết án và đày đi Siberia. Ở đó ông làm thuê cho một nông phu giàu có, trồng rau, dạy trẻ học và chăm sóc người ốm.

    Vào năm 1990, hai anh em Paolo và Vittorio Taviani đã cho ra mắt bộ phim Mặt trời nửa đêm (Il sole anche di notte) được phóng tác từ truyện ngắn Đức cha Sergius của Tolstoy.

    [​IMG]

    Bộ phim là sự sáng tạo, sự bứt phá nhiều nhất có thể đối với nguyên tác so với những bộ phim chuyển thể trước đây, làm nên bản sắc riêng của một tác phẩm điện ảnh nhưng vẫn truyền tải được nội dung, thông điệp mà Tolstoy gửi gắm ở nguyên tác truyện ngắn.

    Bộ phim Mặt trời nửa đêm đã chuyển bối cảnh nước Nga dưới chế độ trị vì của hoàng đế Nhicôlai Páp-lô-vích thế kỷ XIX sang xã hội nước Ý thế kỷ XVIII dưới triều đại của vua Charles thuộc xứ Napoli, nhân vật trong bộ phim đã được đổi tên mới chẳng hạn như nhân vật chính Stepan Kasatsky được đổi tên thành Nam tước Giuramondo, hay vị hôn thê của ông là Maria thành Cristina, người em gái rất hiểu tính cách tham vọng của người anh trai đáng kính được đổi thành nhân vật người chị xinh đẹp, rất yêu thương và hiểu tính cách của em trai mình, một số chi tiết cũng được thay đổi hay lược bỏ đi như chi tiết ở cuối truyện Stepan Kasatsky bị đi đày và làm thuê cho một nông phu giàu có, trồng rau, dạy trẻ học và chăm sóc người ốm đã bị bỏ đi trong phim, hay hình ảnh cha Sergius đi tìm Praxkôvia để thú tội bằng hình ảnh người phụ nữ đứng an ủi Sergius bên mộ của hai vợ chồng đồng thời giơ tay ra hiệu cho con mình im lặng. Về cốt truyện trên cơ bản vẫn được giữ nguyên, vấn đề tôn giáo trong truyện vẫn được truyền tải một cách rõ nét, nhưng đạo diễn đã dàn cảnh và thay đổi cảnh vật trong truyện để làm nên tư tưởng, nét riêng của họ.

    Phim mở đầu bằng cảnh quay lúc nhỏ của nhân vật chính với tình yêu sự sùng bái dành cho đức vua và lòng luôn háo danh qua lời nguyền nguyện trung thành với nhà vua, cậu đã lập lời nguyền khi đang ở độ tuổi rất nhỏ, mới 8 tuổi và đã thực hiện nó bằng cách bỏ đá vào giày và mang chúng mặc cho những viên đá đó có thể làm chân cậu bị chảy máu. Đây là một cảnh quan trọng và nó như là một cách để nhấn mạnh khát vọng bước chân vào giới thượng lưu trở thành cận thần quan trọng của đức vua. Để làm được điều đó cậu đã cố gắng rất nhiều từ việc dẫn đầu về các môn khoa học, nhất là toán học, và hơn hết cậu có niềm đam mê đặc biệt với môn đội ngũ và môn cưỡi ngựa. Cậu không uống rượu cũng không chơi bời nhưng vì những cơn giận dữ bất thường như ném một thiếu sinh quân ra ngoài cửa sổ vì cậu ta đã chế giễu bộ sưu tập quặng hay đã quăng cả đĩa thịt băm viên vào quản lí vì ông ta đã nuốt lời và nói dối. Đó là những việc Tolstoy đã nhắc tới trong truyện còn trên phim cậu vẫn là một chàng trai tài giỏi có kỷ luật quân sự cao, đánh bài rất giỏi và còn nhảy rất đẹp nhưng tiếc thay cậu vẫn là người nóng tính khi có lần cậu đã ném viên quản lý ra ngoài cửa sổ vì dám chế nhạo thói quen ăn uống của cậu. Sau này khi lớn lên cậu đã hoàn thành được lời hứa của mình khi đã trở thành sĩ quan tùy tùng ngự tiền ưu tú, có vị hôn thê xinh đẹp thuộc tầng lớp quý tộc qua sự sắp xếp của nhà vua. Trong truyện mối quan hệ này chỉ được giới thiệu ngắn gọn vài dòng về thân phận tình nhân và vài lời thú nhận với vị hôn phu thông qua một cuộc gặp gỡ tình cờ khoảng 2 tuần trước ngày diễn ra đám cưới:

    "- Anh hãy nghe đây. Tôi không thể không thẳng thắn được. Tôi cần phải nói rõ mọi sự. Anh hỏi rằng đó là cái gì ư? Đó là vì tôi đã yêu..

    Cô đưa tay ngăn cử chỉ cầu xin của anh.

    Anh im lặng.

    - Anh muốn biết tôi yêu ai phải không? Tôi yêu Người, hoàng thượng.

    - Tất cả chúng ta đều yêu mến Người, tôi tưởng tượng lúc cô ở học viện..

    - Không, sau này cơ. Đó là một sự say mê, nhưng sau đó nó đã qua đi. Nhưng tôi phải nói rằng..

    - Cái gì mới được chứ?

    - Không, chuyện tôi không đơn giản đâu.

    Cô đưa tay che mặt.

    - Thế nào? Cô đã hiến thân cho ông ta à?

    Cô im lặng.

    - Nhân tình à?" (1)

    Đến phim, độ kịch tính và hấp dẫn của nó được đẩy lên rất nhiều, đạo diễn đã chấp bút cho lời thú nhận đó vào ngay ngày thành hôn của họ, khung cảnh hoành tráng, lời thú tội diễn ra trong cảnh tăm tối khi Cristina không dám nhìn thẳng vào anh, khi lòng cô được nhẹ nhõm, dám đón nhận ánh sáng cũng là lúc anh rời đi, anh chất vấn mẹ cô rằng bà đã biết sao còn lừa anh. Anh chút giận vào người đánh xe, bỏ lại bộ quân phục và rời đi khỏi đám cưới. Chỉ với chi tiết này thôi thì bộ phim cũng đã rất kịch tính và cao trào hơn so với bộ truyện rồi. Đây là chi tiết quan trọng cũng như quyết định con đường sau này mà anh sẽ đi, hơn nữa nó chính là yếu tố quyết định kết thúc lời nguyền nguyện trung thành với đức vua, cũng là yếu tố chủ chốt chấm dứt hoàn toàn tín ngưỡng của mình, đây là một sự đau đớn khôn cùng, cũng phải thôi đây là do chính người mà anh cho là thần đã lừa dối anh cơ mà. Hơn thế nữa, nó càng thể hiện sự háo danh, lòng kiêu hãnh muốn vượt lên trên hết mọi người của anh, khi vì nó mà anh đi tu chỉ vì muốn hơn người khác chứ không phải vì tin vào tín ngưỡng là Chúa. Có một chi tiết làm tôi chú ý và luôn suy nghĩ về chúng, lúc nhỏ anh đứng dưới một cây hoa vươn tay hứng được một cánh hoa, có phải hay không đó là hình ảnh thể hiện nơi anh lúc đó đang có một đức tin, một người mà anh luôn hướng về, một người khiến anh tin tưởng và xem đó như là một tín ngưỡng. Sau này khi bị lừa dối bởi nhà vua, anh trở về nhà cũng đi qua cái cây năm xưa, cũng thực hiện hành động vươn tay ra hứng cánh hoa nhưng đã không có bất kỳ một cánh hoa nào rơi xuống, và nói rằng "chẳng có thể tin ai được" (2). Vả chăng, đức tin nơi anh đã không còn, anh đã không còn một ai, một nơi nào để phó thác.

    Sau khi về nhà một thời gian, anh quyết định bỏ tất cả mọi thứ để theo Chúa trong đời sống tu trì, và đổi tên thành Sergius. Dù sống đời tu nhưng cha vẫn luôn cảm thấy tội lỗi và day dứt bởi hai điều: Sự nghi ngờ và dục vọng và nhận thấy chúng giống như là một cùng xuất hiện và tra tấn cha. Thời gian đầu cha thường hồi tưởng về người yêu cũ, những hồi tưởng đó đôi khi dẫn cha đến trạng thái cô đơn và chán nản nhưng nhờ kiên trì mà cha đã vượt qua những cám dỗ đó và không ngừng sám hối về những lỗi lầm đã phạm trong tâm tưởng. Trước khi đi tu cha là người tài giỏi, là bạch mã hoàng tử trong lòng của biết bao nhiêu là cô gái, khi đã là linh mục, cha vẫn không thể yên với những cô gái thần tượng mình. Những khi cảm thấy siêu lòng cha luôn cầu nguyện, thậm chí còn thú tội với một tu sĩ trẻ tuổi và nhờ ngài ấy giám sát mình. Những biến động và cám dỗ đó đã ảnh hưởng đến cha và người quyết định sống đời ẩn tu. Trong phim đã có những sự thay đổi về không gian và bối cảnh, tu viện nhỏ bé nơi cha được giới thiệu đến được dựng lên ở một không gian mênh mông, bao la, rộng lớn, làm nổi bật lên cái tâm linh, yên tĩnh của người ẩn tu. Còn trong truyện đó là một cánh rừng và tu viện có phần trang nghiêm hơn.

    Cuộc đời cha Sergius trải qua rất nhiều giai đoạn và biến cố nhưng có lẽ giai đoạn quan trọng nhất chính là cuộc sống ẩn dật với những tình huống được đẩy lên cao trào và đặc sắc, đi sâu vào bản ngã, thế giới tâm linh, đặc biệt chính là yếu tố tính dục. Đầu tiên phải kể đến người đàn bà bị lạc đường lúc nửa đêm trong cảnh mưa tầm tã luôn tìm cách mê hoặc cha. Nhưng cha đã từ chối bà ta bằng cách chặt đi một đốt ngón tay, bằng cách đó người đàn bà qua đường đã biến đổi và kỳ tích đã xảy ra, bà đã từ bỏ cuộc sống trước đây và trở thành một tu sĩ. Nhờ đó mà danh cha càng ngày lan xa, cùng với việc đặt tay chữa lành cho một cậu bé mà các tín đồ Cơ Đốc giáo xem cha như một vị thánh. Đang trên đỉnh cao danh vọng, được mọi người tán ngưỡng, họ tìm đến cha để mong được ban phúc và chữa lành, nhưng lúc đó cha cũng đã nhận ra rằng cuộc sống ẩn tu của mình đã biến đổi và thời gian mình dành cho chúa đã ít đi, chú ý đến sinh hoạt và cuộc sống hơn, đặc biệt là khẩu phần ăn có đầy đủ dinh dưỡng hơn. Tối đó, khi chữa trị cho cô con gái xinh đẹp của người lái buôn bị mắc bệnh dâm và sợ ánh sáng, cha đã phạm giới luật với nàng ta. Một chi tiết thú vị xuất hiện cũng có thể đó là dụng ý của đạo diễn đó là hình ảnh cha Sergius ăn chay. Ban đầu, khi bắt đầu cuộc sống khổ tu cha đã tự tay gạt đi bát sữa dê và thả con dê cung cấp sữa mỗi ngày về với đồng cỏ, với tự do, sau đó ngài gạt bỏ đi những hạt ngũ cốc và chỉ uống nước lọc, ăn bánh mì để sống và kỳ tích đã xảy ra cha tránh khỏi sự mê hoặc của người phụ nữ phóng túng nhưng xinh đẹp, thắng được sự cám dỗ nhục dục còn giúp nàng ta nhận ra con đường đúng đắn và quyết định trở thành một nữ tu, lần sau cha đã cứu được cậu bé. Thế nhưng ở đoạn cuối khi có được danh vọng, trước khi phạm giới cha vẫn ăn chay, nhưng không còn ăn kham khổ như trước đây mà sử dụng những món ăn bổ béo hơn và ăn đặc biệt hài lòng, trong phim cha đã ăn thịt heo, và người phụ tá của cha đã nói: "Heo cũng là do Chúa tạo ra, và cha phải ăn đi cha ạ" (2), hình ảnh này như đại diện cho sự hài lòng của cha ở hiện tại, cái hư vinh mà cha đạt được đã dần che mờ đi tất cả, làm cha dần xa rời với hình ảnh và ước vọng của Thiên Chúa và trở nên sa ngã. Sau khi phạm tội cha đã trốn chạy, trốn chạy trong một không gian rộng lớn vô định, hoàn toàn đối lập với sự chật hẹp của tu phòng. Sự đối lập này có phải chăng chính là sự đối lập giữa lòng thương người của Thiên Chúa và sự hiểu biết hạn hẹp cũng như niềm tin ít ỏi mà con người dành cho Chúa. Trong truyện cha Sergius chỉ có ý định muốn tự sát thôi vì cha nhận ra rằng mình biết bơi nên dù có nhảy xuống hồ cũng không chết được, nhưng các nhà làm phim đã dựng thành cảnh cha tự đắm mình xuống hồ toang tự tử nhưng không thành. Đây là hình ảnh ẩn dụ, có tính biểu tượng trả lời được ý nghĩa các vấn đề liên quan tới tôn giáo. Cái chết kề cận cũng là lúc nhân vật đau đớn bơi vào bờ, sau cuộc tự sát không thành nhân vật trở về dường như đã đổi khác, trở thành một con người mới và dần mất đi sự kiêu hãnh háo danh của trước đây và trở về với con người hiền hậu hơn với niềm tin Kitô hữu lớn mạnh hơn. Chi tiết này làm tôi gợi nhớ hình ảnh thánh Gioan làm phép rửa nước cho Chúa Giêsu ở sông Giođan, phép rửa bằng nước này đã gọt rửa đi hoàn toàn tội lỗi của con người làm khai sinh ra con người mới, đây được xem như là một bí tích rửa tội giúp con người ăn năn sám hối nhưng không có tác dụng tha tội như bí tích giải tội.

    Cái kết trong phim cũng có đôi phần khó hiểu như khi người đàn bà ra hiệu cho con mình im lặng và đặt tay lên vai an ủi cha Sergius đang quỳ bên hai ngôi mộ thật ra có ý nghĩa gì. Nó chỉ đơn thuần là bày tỏ lòng thương tiếc, lòng quan tâm đến sự mất mát người thân của cha Sergius, hay đó là sự hiện thân của tình yêu cao cả của Chúa thông qua người đàn bà nghèo khó đến với cha Sergius, bởi Chúa là hiện thân của người nghèo, những người khốn khó, luôn yêu thương mọi vật cho dù chúng có lầm lỗi, hay xúc phạm đến người như thế nào. Hay mong ước của đôi vợ chồng già đã sống với nhau mấy mươi năm và luôn muốn ở với nhau dù cho có chết họ cũng muốn chết cùng lúc, và chôn bên cạnh nhau, hình ảnh đó đã được lặp đi lặp lại từ đầu cho tới cuối truyện, đó có phải chỉ nói đến tình yêu thương thủy chung của cặp vợ chồng già không hay đó là sự thể hiện tình yêu giữa con người và Thiên Chúa luôn luôn chung thủy son sắc không thay đổi. Dù mang hàm ý nào thì không thể phủ nhận cái kết của phim làm tôi cảm thấy thích thú, hoàn thiện và ấn tượng hơn trong truyện. Cách kết của Tolstoy khi giải quyết mọi khúc mắc của cha Sergius bằng nhân vật người phụ nữ Praxkovia Mikhailovna có phần hơi gấp rút bởi chỉ một buổi nói chuyện, thú nhận tội lỗi mà có thể làm cha hoàn toàn thay đổi từ bỏ mọi điều cha đã theo đuổi trước đây. Và cuối cùng sau những chuyến phiêu du từ cuộc rượt đuổi danh lợi chen chân vào giới thượng lưu, sau bao lần khổ tu để theo đuổi ước mơ đứng trên hết mọi người cha quay lại quê cũ, đứng dưới gốc cây đơn độc giữa cánh đồng hoang vu hệt như ngày cha ra đi. Quyết định trở về này biến đổi mọi chặng đường trong cuộc phiêu lưu, mọi mục đích mà cha hướng đến thành một chuyến hành trình đi để trở về. Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh ra đi của nhân vật chính, nhưng chắc rằng chuyến ra đi lần này của cha là theo đúng sở nguyện của cha và vâng theo thánh ý của Chúa. Hình ảnh cuối phim cha sống ở quê một thời gian rồi ra đi hay trong truyện cha đi ở nhà phú nông rồi đi trồng rau, dạy học chăm sóc bệnh nhân trong thầm lặng, cha đã nhận mình là nô lệ của Chúa. Thật vậy khi sống cuộc đời bình lặng, không coi trọng mọi lời bàn tán, cách nhìn nhận của xã hội về mình thì cha càng sống cuộc đời thánh thiện hơn và cảm nhận thấy Chúa mạnh mẽ hơn.

    Dù là truyện hay là phim thì đều thể hiện được khía cạnh tối tăm, mặt trái của đời sống tu trì đằng sau cái danh mà mọi người tung hô. Các cha đi tu không phải là buông bỏ tất cả mà là đối diện, đấu tranh, thoát khỏi những hỷ, nộ, ái, ố của người thường. Hãy gạt bỏ mọi ánh mắt, dư luận từ người khác thì mới sống cuộc sống đúng nghĩa của mình và cảm nhận đức tin mãnh liệt đang đến gần hơn với bản thân ta, tức Chúa đã đến và ngự trong ta. Bộ phim cũng vạch trần xã hội lúc bấy giờ, giai cấp quý tộc luôn được ưu tiên lên hàng đầu, những chức vị quan trọng không bao giờ đến tay những người thường dân dù họ tài giỏi tới đâu, một xã hội nhơ nhuốc mà chỉ cần có địa vị sẽ có được mọi đặc quyền.

    Tài liệu tham khảo

    (1) Lev Nikolayevich Tolstoy, Đức cha Sergius.

    (2) https: //drive. Google.com/file/d/1AoHJOPzWs1PCdqtLrNEf5Gjv6JsIw_y4/view? Fbclid=IwAR2mtjQYQMDYwBlFMtqzfdpc3q5zAxF-Ucw8WV_DTFZjxlwVOoJ55iU6PNE

    (3) http: //khoavanhoc-ngonngu. Edu.vn/nghien-cuu/van-hoc-nuoc-ngoai-va-van-hoc-so-sanh/6860-%C4%91%E1%BB%8Dc-lev-tolstoy-nh%C6%B0-hi%E1%BB%87n-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-sinh-thai-qua-kinh-nghi%E1%BB%87m-c%E1%BB%A7a-%C4%91i%E1%BB%87n-%E1%BA%A3nh-trong-%E2%80%9Cm%E1%BA%B7t-tr%E1%BB%9Di-n%E1%BB%ADa-%C4%91%C3%AAm%E2%80%9D. Html

    (4) https: //watchingcafe. Wordpress.com/2014/04/04/night-sun-1990/

    (5) https: //nhipcautamlinh.com/duc-cha-xecghi/

    (6) https: //vi. Wikipedia.org/wiki/Lev_Nikolayevich_Tolstoy
     
    Last edited by a moderator: 3 Tháng tám 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...