Trong thời đại Tam Quốc duy chỉ có Quách Gia mới xứng tầm là kẻ mưu sâu kế hiểm * * * Trời sinh Quách Phụng Hiếu, Hào kiệt đã nức danh. Bụng chứa đầy kinh sử, Lồng ngực ẩn giáp binh. Ra mưu như Phạm Lãi, Quyết sách tựa Trần Bình. Chẳng may lại mất sớm, Trung Nguyên cột trụ nghiêng. Một khi nhắc đến tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, với lối kể chuyện bẩy thực ba hư cùng với tư tưởng ủng Lưu phản Tào là vậy, nhưng rồi La Quán Trung vẫn phải viết nên những vần thơ đó để dành khen tặng cho Quách Gia, một bậc thiên tài quân sự, một Tư Không Quân Tế Tửu vô cùng quan trọng của nhà Tào Ngụy, thì ắt chúng ta phải biết tài năng quân sự của ông ta xuất chúng, phi thường trác tuyệt biết nhường nào, Quỷ tài Quách Phụng Hiếu, xưng danh như vậy cũng không ngoa. Một vị quân sư bách chiến bách thắng lại càng đúng, Quách Gia bất bại trên chiến trường, chẳng phải vì đối thủ của ông ta quá yếu nhược, mà bởi tài năng và tư duy quân sự của ông đã giỏi tới mức xuất quỷ nhập thần, nhìn thấu được tâm can địch thủ của mình. Từ khi Quách Gia Quách Phụng Hiếu hạ sơn rồi đầu nhập vào thế lực quân chủ Tào Tháo, con đường chinh chiến của ông mới chỉ kéo dài được tới 11 năm, trong suốt quãng thời gian này, Quách Gia khi nào cũng đọc vị được tất cả các đối thủ, cũng chưa khi nào đưa ra một quyết định sai lầm. Do vậy mà thiên hạ lúc bấy giờ luôn mệnh danh ông ta chính là "vua quyết sách". Quách Gia sinh năm 170, mất năm 207 sau công nguyên, người huyện Dương Định, quận Dĩnh Xuyên, Dự Châu, nay thuộc tỉnh Hà Nam Trung Quốc. Khi còn trẻ ông đã là một thiên tài, có chí hướng cao xa, tiên liệu thiên hạ Đại Hán đã sắp mạt vận đại loạn, bèn mai danh ẩn tích lúc 20 tuổi, lại bí mật kết giao với người tuấn kiệt, không hề tiếp xúc với tục nhân, nên người thời ấy đa phần chẳng ai biết đến cái tài của ông. Quách Gia xuống núi năm 27 tuổi, liền theo lên phương Bắc yết kiến Viên Thiệu, một thế lực quân phiệt hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên cũng chỉ một thời gian ngắn, Quách Gia nói với Tần Bình, một trong các mưu sĩ của Thiệu, rồi đồ rằng: "Bậc trí giả khéo ở việc chọn chủ, cho nên trăm lần mưu việc là trăm lần toàn vẹn, khi ấy công danh ắt có thể lập được. Viên Công muốn nhún mình đãi kẻ sĩ mà bắt chước Chu Công, nhưng lại chưa hiểu được mấu chốt của việc dụng người. Mời nhiều nhưng ít thiết yếu, thích mưu mà không quyết, muốn chung sức cứu giúp thiên hạ định nghiệp vương bá thực khó thay". Quách Gia nói xong rồi rời đi ngay. Lại nói về bên phía Tào Tháo, có một mưu sĩ là Hy Trí Tài hay giúp Tháo trù mưu hoạch sách, tuy nhiên người này cũng đã chết sớm. Tào Tháo bấy giờ bèn viết thư hỏi Tuân Úc rằng: Sau khi Trí Tài chết đi, chẳng có người nào giúp ta tính việc, thiên hạ lắm kẻ tài giỏi, vậy ai có thể kế nối được đây. Sau đó thì Tuân Úc liền tiến cử Quách Gia với Tào Tháo, Tào Tháo liền cho triệu Quách Gia nghị luận việc thiên hạ. Tào Tháo sau đó có nói: Khiến ta thành đại nghiệp tất hẳn là người này. Quách Gia trở ra cũng vui mừng thốt rằng: Kẻ này thực đã là chủ của ta vậy. Cũng từ đó, có được tham mưu trợ giúp của Quách Gia, Tào Tháo luôn luôn nhận được tin chiến thắng, rồi nhanh chóng thống nhất toàn bộ miền bắc lãnh thổ. Phải nói rằng, Tào Tháo khi có được Quách Gia đã như cá gặp nước, như nắng hạn lại gặp mưa rào, như rồng gặp mây, như Văn Vương gặp được Lã Vọng. Cũng chỉ ở bên Tào Tháo, ở trong thế lực Tào thì Quách Gia mới có thể phát huy hết tinh hoa nghệ thuật quân sự bá đạo của mình. Chúng ta hãy cùng xem và bàn về "Thập Thành Bại Luận" giữa Viên Thiệu và Tào Tháo mà Quách Gia đã phân tích như thế nào? Tào Tháo hỏi Quách Gia: - Viên Bản Sơ nắm giữ thị chúng Ký Châu, Thanh Châu, Tinh Châu đất rộng binh cường mà nhiều lần có hành vi không cung kính, ta muốn đánh dẹp hắn nhiều lần mà sức chẳng địch nổi, chưa biết phải làm sao? Nghe vậy Quách Gia liền đáp: - Cái hơn kém của Lưu Bang, Hạng Vũ là điều mà chúa công cũng rõ vậy. Khi xưa Hán Cao Tổ chỉ hơn về trí, Hạng Vũ tuy mạnh cường nhưng rút cuộc vẫn bị Lưu Bang bắt. Nay Gia tôi liệu tính rằng, Viên Thiệu có đến mười điều bại còn chúa công lại có đến mười điều thắng, dẫu Thiệu kia có lắm binh cường tướng mạnh cũng chẳng là gì. - Một là: Thiệu thì đa lễ rườm rà, chúa công thuận lẽ tự nhiên, tất thắng về "đạo". - Hai là: Thiệu hành động trái nghịch, chúa công thuận lẽ phải để thống quản thiên hạ, tất thắng về "nghĩa". - Ba là: Thời Hán mạt chính sự trễ nải bởi khoan nhu, Thiệu lấy khoan hòa giúp khoan nhu nên chẳng thể trấn áp được. Trong khi chúa công nắn sửa chính sự, lấy sự nghiêm khắc giàng buộc nên trên dưới biết pháp chế, tất thắng về "trị". - Bốn là: Thiệu ngoài mặt khoan hòa, nhưng trong lòng nghi kị, dùng người lại ngờ vực họ, chỉ tin dùng con em thân thích. Trong khi đó chúa công bề ngoài giản dị dễ dãi, nhưng trong lòng sáng suốt khéo léo, dùng người không hề ngờ vực, chỉ theo tài thích hợp mà dùng chẳng kể thân sơ, tất thắng về "độ". - Năm là: Thiệu nhiều mưu kế mà thiếu quyết đoán, về sau thường mắc sai lầm. Chúa công có kế sách hay là thi hành ngay, ứng biến vô cùng là thắng về "mưu". - Sáu là: Thiệu cậy gia thế nhiều đời, bàn chuyện lễ nghĩa cao siêu để lấy tiếng khen. Chúa công lại lấy sự chí công đãi người, theo lẽ thực mà làm, không vì tiếng khen hão, kẻ sĩ chí trung thực tại đều chịu sự sai khiến là thắng về "đức". - Bảy là: Thiệu thấy người ta đói rét, vẻ thương xót lộ ra nét mặt. Nếu không nhìn thấy thì cũng chẳng cần nghĩ đến, đấy chỉ là lòng nhân của đàn bà mà thôi. Chúa công thì khác, với những việc nhỏ trước mắt thường bỏ qua, đến khi có việc lớn lại giúp khắp bốn bể, ân huệ ban ra vượt xa kỳ vọng, dẫu việc không nhìn thấy vẫn suy tính đầy đủ, không gì không chu toàn là thắng về "nhân". - Tám là: Đại thần bên Thiệu tranh đoạt quyền bính, lời xàm nịnh mê loạn. Trong khi chúa công dùng đạo lý để quản thuộc hạ, những lời rèm pha ton hót không nghe là thắng về "minh". - Chín là: Thiệu chẳng biết phân biệt phải trái, chúa công với việc đúng đắn thì dùng lễ đối đãi, sai trái thì dùng phép để trị là thắng về "văn". - Mười là: Thiệu kia thích phô trương thanh thế, không hiểu điều cốt yếu của binh cơ. Trong khi đó chúa công lấy ít thắng nhiều, dụng binh như thần, quân lính được cậy nhờ địch nhân sợ hãi, là đã thắng về "võ". Lại nói về "Thập Thành Bại Luận" của Quách Gia năm đó, kết quả ra sao chắc hẳn mọi người đều đã biết. Viên Thiệu tham chiến thảm bại, đánh dấu sự suy yếu và đi đến chấm dứt hoàn toàn quyền lực của tập đoàn phong kiến Viên Thiệu, mở đường cho Tào Tháo làm chủ toàn bộ các vùng lãnh thổ Miền Bắc sau này, chiếm thế thượng phong trong cục diện quần hùng khi đó. Đến năm Kiến An thứ ba, tức năm 198 sau công nguyên, Tào Tháo cho Huyện Uyển đi đánh Lữ Bố, đánh liền ba trận đuổi đến Hạ Phì, tức đất Giang Tô ngày nay. Lữ Bố thua luôn phải lui quân vào thành cố thủ. Quân Tào vây đánh mãi vẫn không hạ được thành, giao chiến liên miên sĩ tốt mệt mỏi. Lúc ấy Tào Tháo đã muốn lui quân, thế nhưng Quách Gia lại can rằng: - Lữ Bố tuy có dũng mãnh nhưng lại vô mưu, giao chiến đến ba trận đều thua cả, nhuệ khí của hắn đã suy rồi. Ba quân thường lấy tướng soái làm chủ, chủ suy thì quân tất loạn. Nay là lúc trí của Lũ Bố chưa hồi phục, ta tiến đánh gấp chắc chắn có thể bắt được "Bố" vậy. Tào Tháo nghe thấy có lý liền cho quân lính dẫn nước sông Nghi làm ngập thành Hạ Phì, kết quả thành Hạ Phì vỡ lở đã bắt sống và tiêu diệt được "Bố". Lại nói về trận Tào Tháo đi đánh Viên Thiệu, nhiều người đã can rằng: Tôn Sách sẽ thừa cơ đánh úp Hứa Đô. Nhưng Quách Gia một lần nữa đã dự liệu rằng: Sách kia mới thôn tính được Giang Đông, những kẻ bị Sách giết đều là anh hùng hào kiệt, có thể khiến kẻ khác dốc sức đến chết. Vậy mà Sách lại coi thường không phòng bị, dẫu có trăm vạn bộ chúng nhưng lại chẳng khác một mình đi giữa Trung Nguyên. Giả như có thích khách một mình mai phục, thì là một người đấu với một người vô cùng nguy hiểm, vì thế ta cho rằng, Sách tất sẽ chết bởi một kẻ thất phu. Quả nhiên khi Tôn Sách đến ven biên, còn chưa kịp qua sông liền đã bị môn khách của Hứa Cống giết chết. Lần nữa nói về cuộc đối đãi với Lưu Bị, lại cho chúng ta hiểu thêm về con mắt sắc sảo tinh đời của Quách Gia. Vào đầu năm Kiến An thứ tư, tức năm 199 sau công nguyên, Tào Tháo đánh thắng Lữ Bố liền ban sư hồi triều, Lưu Bị cũng bị ông ta buộc theo về Hứa Đô, theo công ban thưởng cho Bị làm Dự Châu mục. Quách Gia cũng giống như Tào Tháo, đã thấy rõ kẻ này là một anh hùng, Quách Gia liền chủ động tìm Tào Tháo và có ý kiến: Kẻ này không muốn ở dưới người khác, lại chưa đoán được mưu gì. Người xưa nói, một ngày dung địch tất cả đời tai họa, nên sớm xử đi. Khi đó Tào Tháo đang phụng Thiên Tử để lệnh thiên hạ, lấy tín nghĩa chiêu nạp anh hùng, nên không theo ý Quách Gia. Tận khi Lưu Bị công khai phản bội, Tào Tháo mới hận là đã không nghe theo Quách Gia. Vào năm Kiến An thứ mười hai, tức năm 207 sau công nguyên, sau trận chinh phạt Ô Hoàn, Quách Gia về đến Liễu Thành thì ốm nặng rồi chết, lúc ấy ông ta hưởng thọ 38 tuổi. Sau khi Quách Gia qua đời, Tào Tháo buồn thương khôn xiết. Theo Tam Quốc Chí Quách Gia truyện, cùng lời chú thích của Bùi Tùng Chi. Mỗi lần Tào Tháo dâng biểu lên triều đình, viết thư cho Tuân Úc hay trò chuyện cùng người khác vẫn nhiều lần tưởng nhớ Quách Gia và lần nào cũng rơi lệ. Tào Tháo nói: Phụng Hiếu chưa đầy 40 tuổi, thời gian làm việc cùng ta là 11 năm, đó là những ngày gian nan vất vả, tất cả đều do ta và Quách Gia chèo chống. Nhiều lúc đúng là ngàn cân treo sợi tóc, ta đã mất hết chủ ý, may có Quách Gia ra sức chèo lái mới thành công. Thực ra Quách Gia đã biết chuyến đi ấy là nguy hiểm, thể trạng ông ta không được khỏe, miền nam lại nhiều dịch bệnh, nên thường nói chỉ e sông thể sống nổi mà quay lại. Nhưng nhiều lần vẫn cùng ta bàn về kế lớn thiên hạ, lại nói phải bình được Kinh Châu trước, lại xin làm tiên phong liều mạng lập công, tình nghĩa như vậy làm sao ta quên được. Nay ta tuy có luận công ban thưởng cho Quách Gia, nhưng đối với người chết thì chẳng còn tác dụng gì nữa. Tri kỉ trong thiên hạ thực không nhiều, khó lắm mới có một người, lại đã bỏ ta mà đi. Trời xanh hỡi, bảo ta làm gì đây, làm thế nào đây? Nói rồi Tào Tháo viết biểu tâu lên triều đình, xin tặng thêm cho Quách Gia 800 hộ, cộng với cả lúc trước là 1000 hộ, lại ban cho thụy là "Chinh Hầu", cho con của Gia là Quách Dịch kế tự. Chỉ trong một khoảng thời gian không ngắn mà cũng không dài là 11 năm sự nghiệp, Quách Gia đã để lại một cơ nghiệp thực sự đồ sộ, là nền móng vững chắc tạo nên nhà Tào Ngụy hùng cường bá chủ Trung Nguyên. Với tài năng quân sự "Quỷ khóc thần sầu" của mình, Quách Phụng Hiếu đã thực xứng danh là một đệ nhất quân sư trong thời Tam Quốc. * * *HẾT* * * CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ LUÔN THEO DÕI BÀI VIẾT TỪ THẠCH KIM THỬ