Trì hoãn là gì? Tác hại của thói quen trì hoãn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 2 Tháng sáu 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Có câu "Sự chần chừ là kẻ trộm thời gian". Chần chừ là một biểu hiện của thói trì hoãn. Trì hoãn không chỉ đánh mất thời gian quý báu mà còn khiến ta mất đi nhiều thứ quan trọng khác. Vậy trì hoãn là gì? Trì hoãn ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của con người ra sao?

    Trì hoãn là gì? Tác hại của thói quen trì hoãn
    Trì hoãn là gì? Thói quen trì hoãn là gì?

    Theo nghĩa Hán – Việt, "trì" là vững chãi, kiên cố, giữ vững không muốn thay đổi (thành trì, trì trệ...); "hoãn" là kéo dài ra về mặt thời gian, không muốn thực hiện ngay (hòa hoãn, hoãn binh, tạm hoãn, hoãn lại...)

    Trì hoãn là thái độ, hành vi của con người trước sự việc nào đó: không muốn thực hiện ngay, không muốn thay đổi mà có xu hướng tạm gác lại để sau làm hoặc tìm cách kéo dài thời gian thực hiện.

    Trì hoãn lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen trì hoãn.

    [​IMG]

    Biểu hiện của thói quen trì hoãn

    Người có xu hướng trì hoãn thường tìm cách kéo dài thời gian để thực hiện công việc, nhiệm vụ. Trước nhiệm vụ được giao, họ có suy nghĩ "thời gian còn nhiều, để sau đi". Hoặc khi không còn nhiều thời gian nữa, họ xin gia hạn "Cho tôi thêm thời gian!"; "Ngày mai tôi sẽ hoàn thành"...

    Người có xu hướng trì hoãn trước một công việc gì đó thường "nước đến chân mới nhảy", thường xuyên phải "chạy deadline". Ban đầu họ dành thời gian cho việc khác, hoặc làm việc không tận tâm, tận lực; đến khi sắp hết hạn mới "vắt chân lên cổ" cố hoàn thành cho xong.

    Người có xu hướng trì hoãn thường không có thời gian biểu rõ ràng, không có thói quen bắt tay vào việc ngay. Họ có thể để báo thức tắt đi, bật lại nhiều lần mới dậy được và chỉ bắt tay làm việc khi thấy không còn thời gian nữa, hoặc khi bị người khác thúc giục.

    Người thường xuyên trì hoãn cũng thường trễ hẹn hoặc không hoàn thành công việc đúng thời điểm cần thiết. Đi học trễ, vào họp trễ, hẹn hò đến trễ... là do trì hoãn. Công việc dồn đến ngày cuối mới làm có thể sẽ không thể hoàn thành.

    Người có thói quen trì hoãn thường làm việc một cách cẩu thả, không tỉ mỉ, cẩn thận, ít hiệu quả. Điều này là do có quá ít thời gian mà ra.


    Nguyên nhân dẫn đến thói quen trì hoãn là gì?

    Nguyên nhân chủ quan là do bạn đánh giá chưa đúng mức tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ, coi nó là việc dễ dàng, lúc nào cũng có thể làm xong; cũng có thể cho đó là việc khó, mình chưa thể thực hiện ngay được.

    Thói quen trì hoàn xuất phát từ suy nghĩ chưa muốn thực hiện công việc, nhiệm vụ; từ ý nghĩ thời gian còn nhiều; từ ý muốn ưu tiên công việc khác trước hoặc từ cảm giác không thích thú với công việc và trước hết là do sự lười biếng của cá nhân.

    Nguyên nhân khách quan có thể là do tính chất công việc thực sự khó, khiến người thực hiện cảm thấy nản; do người thực hiện có quá nhiều công việc một lúc, nên làm không xuể; hoặc do lí do sức khỏe, điều kiện làm việc không tốt...

    Tác hại của thói quen trì hoãn

    Thói quen trì hoãn khiến bạn đánh mất cơ hội của bản thân. Có những cơ hội chỉ đến một lần, hoặc chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định, nếu trì hoãn, không thực hiện ngay thì cơ hội sẽ về tay người khác.

    Thói quen trì hoãn tạo nên tác phong làm việc không khoa học, không chuyên nghiệp khiến hiệu quả công việc không cao, thậm chí thất bại. Khi thường xuyên làm việc trong trạng thái chạy hạn chót, bạn không còn có nhiều thời gian cho việc làm, nên không thể làm nó với điều kiện tốt nhất, sự trau chuốt, tỉ mỉ, chỉn chu nhất, nên kết quả khó có thể tốt được. Một bản báo cáo được viết trong một ngày sẽ trau chuốt, đầy đủ, hoàn chỉnh hơn viết trong một giờ đồng hồ là chuyện dễ hiểu. Vì vậy, người có thói quen này khó có được thành công lớn lao.

    Thói quen trì hoãn khiến bạn luôn phải chịu áp lực vì chạy hạn chót. Thói quen trì hoãn sẽ khiến bạn lúc gấp rút có khi phải thức trắng đêm, phải căng não để hoàn thành công việc. Điều này gây nên sự căng thẳng, thậm chí ảnh hưởng cả đến sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần.

    Người có thói quen trì hoãn còn khiến người khác nghi ngờ năng lực, thiếu tin tưởng để đề bạt những nhiệm vụ, vị trí quan trọng, khó có cơ hội thăng tiến.

    Cách khắc phục sự trì hoãn

    [​IMG]

    Mỗi người cần nhận thức được tác hại của thói quen trì hoãn, từ đó khắc phục điểm yếu này bằng cách:

    Lập tức bắt tay vào làm việc ngay khi được giao phó. Cần phải luôn động viên bản thân vượt "lười"; luôn tâm niệm "Việc hôm nay chớ để ngày mai"; "Trước sau gì mình cũng phải làm nó"...

    Cần đặt ra mục tiêu, kế hoạch, thời gian biểu rõ ràng và thực hiện tất cả bằng tinh thần quyết tâm cao độ. Khi đặt mục tiêu, nên chia nhỏ mục tiêu đó thành các công việc nhỏ hơn hoặc các giai đoạn thực hiện ngắn hạn, dài hạn. Điều này giúp bạn không bị "nản" bởi công việc quá nặng, mục tiêu quá lớn. Sau khi chia nhỏ, bạn nên đặt ra giới hạn thời gian cho công việc. Đồng thời, mỗi ngày nên nhìn nhận lại xem mình đã làm được những gì, những gì chưa hoàn thành tốt.

    Cần nghiêm khắc với bản thân, đặt bản thân trong những giới hạn cần thiết; không dễ dãi thỏa hiệp với thói lười biếng; tự kiểm điểm bản thân mỗi ngày...

    Tạo thói quen tốt cho chính mình: thói quen chuyên nghiệp trong công việc, thói quen không "để sau", thói quen lập kế hoạch... Khi đã tạo được thói quen, bạn cũng đã đồng thời "trị" được bệnh trì hoãn.

    Nghị luận về thói quen trì hoãn

    Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về tác hại của thói quen trì hoãn trong công việc.

    Dàn ý: tác hại của thói quen trì hoãn trong công việc

    Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: Thói quen trì hoãn có tác hại không hề nhỏ đối với mỗi người và đối với tập thể,

    Thân đoạn:

    Giải thích ngắn gọn: thói quen trì hoãn trong công việc là thường xuyên kéo dài thời gian, không muốn bắt tay vào làm việc một cách tức thời.

    Phân tích tác hại:

    - Đỗi với bản thân: tạo phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp; khiến hiệu quả công việc không cao; khó tạo được sự tin tưởng từ người khác; đánh mất cơ hội và sự thành công; đặt bản thân vào những strees không đáng có

    - Đối với tập thể: làm ảnh hưởng đến tập thể, khiến hiệu suất công việc chung bị giảm sút; thậm chí có thể gây hại nghiêm trọng cho cơ quan...

    Lấy dẫn chứng chứng minh: Dẫn chứng về trì hoãn công việc gây hậu quả - như việc trì hoãn hoàn thành bản báo cáo công việc sẽ khiến bản báo cáo đó làm không được trọn vẹn, đầy đủ.

    Phản biện: chỉ khi ta từ bỏ được thói quen trì hoãn, ta mới có được những thành quả mong đợi.

    Kết đoạn: nêu bài học nhận thức và hành động: cần nhận thức được tác hại của thói xấu này và bắt tay vào làm việc ngay tức khắc.

    Đoạn văn 200 chữ: tác hại của thói quen trì hoãn

    Trong công việc, bạn có thường xuyên có suy nghĩ "để sau" không? Nếu thường xuyên, xin chia buồn rằng bạn đã tự tạo cho mình thói quen trì hoãn. Nếu bạn không từ bỏ thói quen này, thì nó sẽ gây cho bạn không ít phiền toái đâu. Làm việc mà hết "để sau" lại "để mai" thì công việc của bạn sao có thể hoàn thành sớm nhất và tốt nhất? Chưa kể đến tình huống công việc bị dồn vào hạn chót sẽ khiến quỹ thời gian hạn hẹp, bạn phải thức đêm, phải căng não để hoàn thành – chẳng phải bạn đang tự tạo stress cho mình đó sao? Công việc mà được làm trong quỹ thời gian đó sẽ không thể tỉ mỉ, cẩn thận được, có khi bạn phải đối mặt với thất bại vì lí do này. Nếu quen trì hoãn, bạn rất khó để có được thiện cảm của những người xung quanh, khó có thể khiến cấp trên tin tưởng giao phó những nhiệm vụ quan trọng. Vậy là bạn tự đánh mất cơ hội phát triển bản thân rồi đó. Cơ hội đôi khi chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định mà không đến lần thứ hai. Bạn chần chừ, trì hoãn thì cơ hội sẽ đến tay người khác. Sự trì hoãn là kẻ đánh cắp thời gian và cơ hội. Vậy nên có câu "Cơ hội giống như bình minh. Nếu bạn chờ quá lâu, bạn sẽ bỏ lỡ nó." (William Arthur Ward). Trong tập thể mà bạn giữ thói quen trì hoãn thì cũng để lại hậu quả rất tệ. Mỗi người là một mắt xích của bộ máy làm việc chung, mắt xích của bạn bị kẹt thì công việc chung cũng chậm theo. Một diễn viên đến muộn thì cả ê kíp làm phim phải chờ đợi. Nên dù dưới góc độ cá nhân hay tập thể, thì bệnh trì hoãn thật đáng trách. Bản thân chỉ tiến bộ khi loại bỏ được thói quen trì hoãn. Vì vậy, đừng chần chừ nừa, hãy bắt tay vào việc ngay lập tức nhé, "việc hôm nay chớ để ngày mai" bạn ạ.

    Danh ngôn về sự trì hoãn – những câu nói hay về sự trì hoãn

    (Dẫn theo Tudiendanhngon)

    Đôi khi để sau sẽ trở thành không bao giờ. Hãy bắt tay làm ngay lập tức. (Khuyết danh)

    Nếu bạn trì hoãn mọi việc cho tới khi bạn chắc chắn nó sẽ thành, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì. (Norman Vincent Peale)

    Anh có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (Benjamin Franklin)

    [​IMG]

    Sự chần chừ là kẻ trộm thời gian. (Edward Young)

    Cơ hội giống như bình minh. Nếu bạn chờ quá lâu, bạn sẽ bỏ lỡ nó. (William Arthur Ward)

    Thay đổi sẽ không đến nếu chúng ta đợi ai đó khác, hoặc nếu chúng ta đợi tới một lúc nào đó khác. Chúng ta là người mà mình đang đợi. Chúng ta là thay đổi mà mình đang tìm kiếm. (Barack Obama)

    Cuộc sống không dài lâu, và không nên tiêu tốn nó quá nhiều ngồi không mà suy tính nên sống thế nào. (Samuel Johnson)

    Một trong những điều bi thảm nhất mà tôi biết về bản tính con người là tất cả chúng ta có khuynh hướng trì hoãn cuộc sống. Chúng ta đều mơ mộng về vườn hồng màu nhiệm nào đó ở phía chân trời thay vì tận hưởng những đóa hồng lúc này nở rộ bên ngoài ô cửa sổ của mình. (Dale Carnegie)

    Như vậy, trì hoãn là một thói quen xấu. Mỗi người cần phải thay đổi thói quen này, hình thành phong cách sống và làm việc khoa học để có thể hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...