Trăng Trên Thung Lũng Jerusalem 1 - Shmuel Yosed Agnon (Nobel 1966)

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Phungtrinh195, 15 Tháng sáu 2024.

  1. Phungtrinh195

    Bài viết:
    9
    Hai người bạn quí của tôi, là Gerhard Greifenbach và vợ ông ta, sắp sửa ra nước ngoài để du lịch và để thăm bà con. Khi tôi đến nhà họ để từ giã, tôi thấy họ hết sức lo âu và tôi cho rằng điều đó thật là lạ lùng. Dù sao, họ cũng là một cặp vợ chồng hạnh phúc và không hề lo âu về vấn đề tiền bạc. Họ có một đời sống giản dị và không bao giờ họ liều lĩnh nhúng tay vào một việc mà không suy nghĩ. Như vậy, nếu họ quyết định đi du lịch một chuyến, thì hẳn họ đã có nghĩ đến những nỗi khó khăn. Tại sao, từ lúc quyết định đi, họ lại có vẻ quá buồn rầu, quá lo lắng?

    Ngồi trước chén trà, chúng tôi nói về những nơi mà hai người muốn đến. Một số trong những nơi đó không được nhắc đến. Từ khi có chiến tranh, thế giới khép kín và ít có nơi nào chịu mở cửa đón tiếp du khách. Và ngay cả những nơi ta có thể đến được cũng không tỏ ra hiếu khách. Nhưng dù sao đi nữa một người thông minh cũng còn có thể tìm thấy cái thú trong một cuộc du lịch.

    Vợ chồng Greifenbach tỏ vẻ lo âu suốt khoảng thời gian tôi đến thăm họ. Tôi cố đoán đủ cách để tìm nguyên nhân của sự lo âu đó, nhưng tôi chẳng nghĩ ra được một lời giải thích nào thỏa đáng cả. Điều này làm tôi lo ngại. Những người này, tôi tự bảo, là bạn của tôi và họ coi tôi như là người trong nhà. Sau những cuộc bạo động năm 1929, trong lúc nhà tôi bị những người Ả-rập tàn phá, tôi không có nơi trú ngụ, vợ chồng Greifenbach đã cho tôi ở trọ. Trong thời kỳ người Anh đột ngột ra lệnh giới nghiêm tại Jérusalem, có thể khiến cho tôi không trở về nhà được, nhiều đêm tôi đã ngủ lại nhà họ. Và giờ đây, trông thấy họ lo lắng thế đó, tôi muốn hỏi họ nguyên nhân, nhưng tôi thấy khó hỏi quá.

    Bà Greifenbach cứ đăm đăm nhìn chung quanh bà, không khác nào người ta nhìn một vật gì quí báu mà người ta muốn giữ lại trong trí nhớ để sau này có thể nhận ra lại được. "Ra đi kể cũng khó nhọc như lúc trở về," bà bảo, như nói với chính mình, và bà nói thêm: "Tôi hy vọng rằng lúc chúng tôi trở về, chúng tôi sẽ không thấy cửa đóng kín trước mặt và chúng tôi sẽ không phải kiện tụng với bọn xâm lăng."

    "Thời buổi gì thật lạ lùng!" ông Greifenbach nói. "Đến nỗi chúng ta không thể chắc lúc nào cũng có được một mái nhà trên đầu mình. Cứ mở báo ra đọc, người ta sẽ biết được là có nhiều nhà bị chiếm. Mỗi khi ra chợ, người ta biết được là bọn xâm lăng đã chiếm nhà của một người nào đó rồi. Người ta không dám đi ra ngoài vì sợ rằng khi vắng mặt người khác sẽ đến chiếm nhà của mình. Chúng tôi, chúng tôi có một lý do đặc biệt để lo âu, vì nhà chúng tôi cách biệt với những nhà khác và lại nằm rất xa thành phố. Quả thật chúng tôi có để một căn phòng cho Giáo sư Guinath ở đây, nhưng điều đó cũng chẳng được ích lợi gì cho chúng tôi, bởi vì gần như lúc nào ông ta cũng vắng nhà. Khi chúng tôi đi rồi, sẽ chẳng có ai giữ nhà cả."

    Những điều tôi vừa nghe được làm tôi xúc động: Họ vừa nói đến Giáo sư Guinath như nói đến một người có thật vậy. Từ khi ông này nổi tiếng thì người ta chỉ nhắc đến tên ông khi nói về những tác phẩm của ông. Không một người nào quen riêng ông cả, thế mà bây giờ tôi lại biết được là ông chiếm một căn phòng trong ngôi nhà mà tôi vẫn thường lui tới!

    Guinath đã làm cho các nhà ngữ học chú ý khi ông cho đăng bài đầu tiên về "99 chữ trong ngôn ngữ Ido" và, sau đó, khi ông cho xuất bản quyển văn phạm Ido, các nhà bác học đều quan tâm đến công trình của ông. Chín mươi chín chữ của một thứ ngôn ngữ cho đến bây giờ chưa ai được biết, đó cũng đã là một việc làm đẹp rồi, thế nhưng soạn một quyển văn phạm của một thứ ngôn ngữ xa lạ đến như vậy thì thật là một khai phá còn đáng chú ý hơn nữa. Tuy nhiên cái danh tiếng vinh hiển nhất của Guinath chính là việc khám phá ra những bài ca Eynam, những bài ca để lộ những sự vật huyền bí, giấu kín, đã biến mất, rất quan trọng và rất đẹp. Cái lợi ích mà những bài thánh ca đó đem lại cho những giới bác học không có gì lạ cả. Ngay những người, lúc ban đầu, tỏ ra nghi ngờ về sự có thật của những bài thánh ca đó cũng đã bắt đầu viết những bài bình giảng về nó. Ở đây có một cái gì làm cho tôi băn khoăn. Tất cả những người đã sưu tầm về Eynam đều cho rằng những thần linh và những tu sĩ của nó đều là đàn ông. Làm sao trong những bài ca đó họ lại không thấy được tiếng hát ngọt ngào của một người đàn bà? Dù sao, tôi cũng có thể nhầm, bởi vì tôi vốn không phải là một học giả, mà chỉ là một độc giả thích đọc tất cả những gì tôi thấy hay.

    Bà Greifenbach cảm thấy được là tôi xúc động, nhưng bà không biết tại sao. Bà rót cho tôi một tách trà thứ nhì và bắt đầu lặp lại tất cả những gì bà đã nói. Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.

    Cố che giấu cơn bối rối bên trong, tôi hỏi: "Ông ta có đây không?" Nhưng liền khi đó câu hỏi làm tôi ngỡ ngàng, bởi vì tôi chưa bao giờ ở trong một ngôi nhà mà bốn bức tường có thể trông thấy được bóng dáng Guinath.

    "Không ông ta không có đây," bà Greifenbach trả lời. Chắc chắn như vậy, tôi nghĩ, ông ta không có đây. Nhưng họ đã cho ông Guinath thuê lại một căn phòng, thì chắc chắn họ có trông thấy mặt ông ta hoặc có thể nói chuyện với ông ta nữa chứ. Trong trường hợp ấy, họ sẽ có thể cho tôi biết một cái gì về ông ta, dù có ít chăng nữa. Chỉ cho biết một tí thôi về một vĩ nhân, một vĩ nhân chuyên trốn tránh quảng cáo và không bao giờ nói về mình, cũng sẽ là một khám phá lạ lùng.

    "Tôi van anh chị, xin anh chị kể cho tôi nghe tất cả những gì anh chị biết về ông Guinath đi," tôi nói với vợ chồng Greifenbach. "Tất cà những gì chúng tôi biết về ông ấy à?" Greifenbach trả lời, "chúng tôi chỉ biết rất ít, biết còn ít hơn là không biết gì cả nữa." "Ông ấy đến đây bằng cách nào?" tôi hỏi. "Thật là giản dị," ông Greifenbach trả lời, "ông ta thuê căn phòng rồi đến ở." Tôi lặp lại câu hỏi của tôi: "Ngọn gió nào đã đưa ông ta lạc bước vào nhà anh chị vậy?" "Được rồi," ông Greifenbach thốt, "nếu anh muốn nghe câu chuyện từ đầu, thì tôi sẽ kể cho anh nghe, mặc dù tôi không có gì để kể cả." "Thế còn?", tôi nói. Greifenbach kể: "Vậy thì đây, một buổi chiều mùa hè, chúng tôi đang ngồi uống trà trên sân thượng. Một người đàn ông đi qua. Ông ta cầm trên tay một cây gậy và trên tay kia một cái túi đi đường. Ông ta hỏi chúng tôi có phòng nào cho thuê được không. Chúng tôi không có thói quen cho thuê lại phòng trong nhà và ông ta lại cũng không có vẻ gì quyến rũ lắm để tôi phải làm một việc ngoại lệ đối với ông. Tuy nhiên, mặt khác, tôi tự bảo: Trong nhà có một căn phòng trống từ mấy năm nay mà chúng tôi không dùng đến. Có cả phòng tắm và lối đi riêng. Dù sao cũng nên cho thuê lại, không phải để lấy tiền, mà chỉ để giúp một người, một người hiển nhiên là đang đi tìm yên tĩnh ở một nơi thanh tịnh như ở nhà chúng tôi.'Tôi có thể hứa với ông bà, ' người lạ bảo, 'là tôi sẽ không làm phiền ông bà. Tôi đi du lịch nhiều lắm. Tôi chỉ trở về thành để nghỉ ít lâu giữa hai chuyến đi và không bao giờ tôi đem ai theo về nhà cả.'Tôi nhìn ông ta một lần nữa và tôi kết luận là nhường căn phòng cho ông, nhưng không phải vì những lý do ông nêu ra, mà chỉ vì ông ta đã biết làm tôi cảm động. Tôi ngạc nhiên đã không thấy được ngay lúc đầu là mình đang nói chuyện với hạng người nào. Tôi nhìn Gerda và tôi thấy vợ tôi cũng đồng ý với tôi để nhận một người ở trọ.'Được rồi, ' tôi bảo ông ta, 'tôi nhường căn phòng cho ông, với điều kiện là chúng tôi không phải bận tâm vì nó nữa. Chúng tôi sẽ để vào đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cây đèn, nhưng chỉ có thế thôi.'Khi tôi cho ông ta biết giá tiền thuê, ông trả trước cho tôi một năm. Cho đến ngày nay ông vẫn giữ lời hứa và chưa bao giờ ông đòi hỏi ở chúng tôi điều gì cả. Đó là tất cả những gì tôi biết về ông ta, ngoài những thứ tôi đọc được trong các phụ trương văn chương, mà có lẽ chính anh cũng đã đọc thấy được. Chắc hẳn anh cũng đã có đọc mấy bài thánh ca."

    "Một vài bài, vâng, rải rác chỗ này chỗ nọ, nhưng tôi chưa hiểu được vì đâu mà những bài ca đó lại quan trọng đến như vậy. Tôi không quen cho ý kiến về những vấn đề nằm ngoài phạm vi hiểu biết của tôi, nhưng tôi nghĩ có thể nói mà không sợ nhầm rằng mỗi thế hệ có một khám phá được coi như vô cùng quan trọng, một khám phá mà rốt cục cũng bị bỏ quên vì đã có những khám phá mới khác. Chắc hẳn đó sẽ là số phận những khám phá của Giáo sư Guinath."

    Tôi không để ý đến lời phê bình của Greifenbach, và tôi trở lại vấn đề làm tôi chú tâm nhất, đó là chuyện Giáo sư Guinath. "Tôi đoán có lẽ Gerda biết nhiều hơn," tôi bảo.

    Bà Greifenbach nhìn tôi rất đỗi ngạc nhiên vì thấy tôi cho rằng bà biết những điều mà chính bà không biết. Bà lưỡng lự, hơi suy nghĩ, rồi bà bảo: "Tôi cũng không biết gì hơn Gerhard. Phòng có lối đi riêng – không người làm – Gracia, chị ở của chúng tôi, như anh đã biết, rất sốt sắng, nhưng lại không thích làm việc thêm. Từ khi tôi trao chìa khóa phòng lại cho Guinath, tôi không hề đặt chân vào phòng đó và tôi cũng không gặp ông ta lại, bởi vì sau khi ngủ lại một đêm trong phòng ông, ông đã đi du lịch và nhiều tháng sau mới trở về."

    Bà Greifenbach lại bắt vào câu chuyện du lịch của bà. "Anh có vẻ như rất say mê ông mướn phòng của chúng tôi," bà phàn nàn, "đến nỗi anh không nghe chúng tôi nói nữa." "Có lẽ thế," tôi bảo. "Anh đừng nói có lẽ, khi anh biết là đúng như vậy rồi." "Tôi không muốn nói khác ý chị," tôi bảo. "Chị nói chuyện Guinath cho tôi nghe nữa đi, tôi van chị đấy." "Chứ không phải là tôi đã nói với anh là ông ta chỉ ngủ trong phòng của ông có một đêm thôi và sáng hôm sau đã bỏ đi sao?" "Phải rồi, nhưng chị chưa cho tôi biết ông ta đã làm gì khi ông trở về." "Ông ta đã làm gì à? Ông ta đóng cửa lại và tự giam mình trong đó. Hoặc ông ta vẽ những hình tháp theo kích thước của chúng hoặc ông ta viết một bản thứ ba của vở kịch Faust. Thật tôi không biết mà." Tôi nhìn bà một lúc; bà cười và nói: "Chắc anh muốn biến tôi thành một thám tử hay sao?"

    "Ý tôi không phải vậy," tôi trả lời. "Tôi chỉ muốn biết một cái gì về Guinath thôi." "Tôi đã bảo với anh là tôi không có nói chuyện với ông ta từ cái ngày mà tôi trao chìa khóa cho ông." "Thế thì ông ta đã làm gì khi ông ta trở về lại?" "Khi ông ta trở về, có lẽ ông đã làm một trong hai việc mà tôi vừa nói đến. Việc nào? Tôi đâu có tìm cách để biết."

    "Gerda không có cái tật xấu chung của đàn bà," Greinfenbach nói, "bà ấy không hề biết tò mò."

    Gerda lướt nhẹ những ngón tay dịu dàng của bà trên những sợi lông nơi cánh tay Gerhard và nói: "Còn anh thì anh tò mò gấp đôi em, vậy anh tiếp tục kể đi!" "Anh ấy à," Greifenbach trả lời, sửng sốt, "anh cũng thế, anh không thể nói đến những chuyện không có thực!" "Bộ anh mong em tiếp tục câu chuyện chắc?" bà Greifenbach nói. "Không phải anh đã bảo với em là Bác sĩ Guinath có tạo ra một người con gái cho ông ta đó sao?" Greifenbach phá ra cười và quay về phía tôi. Ông nói: "Anh có biết Gerda muốn ám chỉ gì không? Ám chỉ huyền thoại của chàng thi sĩ cô đơn – hiện giờ tôi không nhớ tên chàng ta – chàng thi sĩ, theo lời người ta kể, đã tạo ra một người đàn bà để phục vụ cho mình. Anh có biết huyền thoại đó không?" "Đó là một huyền thoại của Rabbi Chlomo Ibn Gabirol," tôi trả lời. "Anh muốn biết kết cuộc ra sao không? Như thế này đây: Câu chuyện được truyền đi từ miệng người này qua miệng người khác và đến tai vua; vua ra lệnh dẫn người đàn bà ấy lại. Khi vua gặp người đàn bà, vua mê nàng ngay. Nhưng vì nàng không để ý gì đến vua, vua cho gọi Rabbi Chlomo Ibn Gabirol đến, chàng thi sĩ cho vua biết nàng không phải là người thật, mà được làm bằng nhiều miếng gỗ ráp lại. Nhưng có liên hệ nào giữa huyền thoại ấy với Bác sĩ Guinath?"

    "Một buổi tối khi Gerhard và tôi đang ngồi bên nhau đọc Goethe," bà Greifenbach bảo, "chúng tôi nghe một tiếng nói vọng ra từ căn phòng của Guinath. Chúng tôi nghĩ là Guinath đi du lịch đã trở về và ông đang đọc sách. Chúng tôi vẫn tiếp tục đọc và chúng tôi lại nghe tiếng nói đó nữa. Gerhard để sách xuống và nói:" Đây là giọng nói đàn bà! "Chúng tôi ngạc nhiên thấy Guinath đem một người đàn bà về phòng ông và lấy làm kinh ngạc khi nghe một thứ tiếng lạ lùng chưa bao giờ chúng tôi được nghe." Nhất định là Guinath đã tạo ra một người con gái và nàng đang trò chuyện với ông bằng thứ ngôn ngữ của nàng, "Gerhard nói nhỏ với tôi." Đấy là tất cả những gì tôi có thể cho anh biết về Guinath. Này anh, nếu anh muốn biết hơn nữa, thì anh cứ hỏi Gerhard. Anh ấy thích thêu dệt những giả thuyết và trình bày nó như là chuyện có thật đấy. "

    Greifenbach, theo ý thích của mình, vốn chú tâm đến nguồn gốc các ngôn ngữ, bắt đầu nói về cái huyền bí của các thứ tiếng và của những khám phá mới nhất trong lĩnh vực này. Cùng với những phát biểu của ông tôi góp thêm vài ý kiến rút trong những chủ thuyết Cabbale 12 là thuyết, về những vấn đề này, đã đi trước những nhà bác học của các dân tộc khác trên thế giới.

    " Người đàn bà này, "Gerda ngắt lời," cũng đã hát bằng thứ tiếng quái dị mà chúng tôi không biết đó. Xét qua giọng hát của nàng, chắc hẳn nàng là con người có bản chất buồn. "Nói với chồng bà, bà bảo:" Gerhard, anh đem giấu cái quà mà người thuê phòng tặng anh hôm buổi lễ kỷ niệm đâu rồi? "Và, quay sang tôi:" Này anh, anh không dự buổi tiệc đó thật là uổng. Hôn lễ của chúng tôi đã không được cử hành công khai, nhưng vào dịp kỷ niệm mười năm đám cưới, chúng tôi có dọn một bữa ăn tối. Gerhard, anh đừng lười quá như vậy, đứng dậy và đi lấy món quà của Guinath ra xem đi. "

    Greifenbach đứng dậy, mở cái tủ sắt nhỏ và lấy ra hai chiếc lá cũ màu nâu giống như lá thuốc. Ông đưa ra cho tôi xem, có vẻ bằng lòng và nhìn tôi, chờ đợi tôi phát biểu sự vui mừng mà đáng lý ra tôi phải có khi được thấy một vật đẹp đến như vậy. Tôi nhìn kỹ mấy chiếc lá." Cái gì thế này? "Tôi hỏi." Anh cứ nhìn rồi sẽ thấy, "Greifenbach trả lời. Tôi quan sát mấy chiếc lá một lần nữa và tôi không thấy gì trong đó cả trừ vài đường nét và hình vẽ dị thường. Với một ít thiện chí, người ta có thể thấy được trong đó những nét chữ của một thứ văn tự huyền bí nào đó." Cái gì thế này? "Tôi hỏi." Tôi chỉ biết được những gì Guinath cho tôi biết về mấy chiếc lá đó thôi, "Greifenbach trả lời." Ông ta nói với tôi đó là những lá bùa, nhưng ông không cho biết quyền lực của chúng như thế nào. Ông ta bảo với tôi ông có cả một số bùa sưu tập và mấy chiếc lá đó được hái ở tận một xứ thật xa. Chúng không có cái quyền lực chống lại những cuộc xâm phạm gia cư kể thật là đáng tiếc. "Gerda nói:" Có thể trong số bùa sưu tập của ông có những lá bùa có cái quyền lực đó chứ. "

    Greifenbach đốt thuốc trong một cái ống nhỏ và trở nên suy tư, như một kẻ bị những ý nghĩ của mình thu hút. Một lát sau, ông đổ tàn thuốc trong ống vố ra và lấy một điếu thuốc lá hút. Ông nói:" Anh thấy không, trong mọi câu chuyện lúc nào chúng tôi cũng nói lên một mối lo âu về vấn đề nhà cửa. Về những kẻ xâm nhập gia cư, thì hành động của họ có thể giải thích được. Một thanh niên đánh giặc trở về đi tìm một mái nhà và không tìm ra. Anh ta phải làm gi? Anh ta phải chiếm bừa nhà của một người khác. Có một lần, vào một buổi tối thứ bảy, tôi đang đứng gần bên một chiếc xe buýt chật cứng cả người, chung quanh là cả một đám người xô đẩy nhau. Người tài xế nhận còi và cho xe chạy, làm những người khác phải chờ chuyến xe sau đến chậm. Ở Jérusalem thường vẫn xảy ra những chuyện như vậy đấy: Hành khách thì tăng thêm, còn xe cộ thì giảm đi. Tôi để ý đến một cặp vợ chồng trẻ. Người vợ nhìn chồng mình một cách tình tứ và nói: 'Gunther, chúng ta lấy nhau hơn một năm rồi mà chưa bao giờ được ở chung với nhau một đêm cả!'Chàng thanh niên siết chặt tay vợ mình, cắn môi và không nói một lời nào. Gunther và vợ chàng ta không tìm ra được nhà để có thể sống chung với nhau. Họ vẫn còn phải ở chỗ mà họ từng ở trước khi lấy nhau và những người chủ nhà của họ làm tội làm tình họ, ngược đãi họ và không cho họ đến chỗ ở của nhau cốt để bắt buộc họ phải dọn đi nơi khác; số người tìm thuê phòng đã tăng lên quá nhiều và người ta có thể tự ý tăng tiền thuê. Cặp vợ chồng son ấy bắt buộc phải gặp nhau tại quán nước và những nơi giải trí khác; rồi sau đó họ chia tay nhau và mỗi người trở về phòng mình, người đầu phố kẻ cuối phố – và phải chịu như vậy bởi vì họ không có nhà riêng. Bây giờ anh đã hiểu tại sao chúng tôi lo lắng quá nhiều về căn nhà của chúng tôi rồi chứ? Mối lo của chúng tôi lên đến độ một đêm nọ Gerda đã đánh thức tôi dậy vì bà ấy nghe như có ai đi trên mái nhà. "

    " Lúc nào anh cũng đem chuyện em ra mà kể, "bà Greifenbach nói." Thế tại sao anh không kể lại những gì chính anh, anh đã nói về chuyện đó?" "Vậy chứ anh đã nói gì?" Greifenbach hỏi. "Anh có nhớ là anh đã nói gì đâu kìa." "Anh có muốn em nhắc lại không?" bà Greifenbach hỏi. Greifenbach bật cười dòn và nói: "Dù anh không muốn, thì em cũng cứ nhắc cơ mà." "Nếu câu chuyện không buồn cười đến thế này, thì tôi sẽ không kể đâu," bà Greifenbach nói với tôi. "Anh có biết cái ông chồng duy lý của tôi đã nói với tôi những gì không? Ông ấy nói: Chắc chắn là cô gái mà Guinath tạo ra đang đi trên mái nhà đấy."

    Ông Greifenbach đặt điếu thuốc xuống và lại cầm ống vố lên. "Anh tin thật là tôi đã nói như vậy sao?" ông hỏi tôi. Tôi bảo: "Người ta có thể nghi ngờ những lời nói của một cô gái dễ thương như Gerda sao?" "Một cô gái dễ thương, thật à," bà Greifenbach vừa nói vừa cười.. "một cô gái đã mang nặng trên đầu một cái ách hôn nhân lâu đến mười năm nay rồi!" "Đám cưới anh chị thế mà cách đây đã được đến mười năm rồi sao?" tôi bảo. "Những chiếc lá mà Guinath tặng Gerhard," Gerda nói, "là một món quà nhân ngày kỷ niệm đám cưới năm thứ mười đó. Nếu những chiếc lá đó rơi vào tay một kẻ phàm tục thì họ đã đem nhồi vào ống vố mà không biết được quyền lực của nó. Thật ra chính chúng tôi cũng không biết nó có thể có hiệu lực gì. Nhưng Guinath đã nói cho chúng tôi biết lá đó có một quyền lực mầu nhiệm và chúng tôi tin như vậy, vì ông ta là một người không biết xảo quyệt. Dù sao chăng nữa, ngày mai chúng tôi cũng đi và tôi không biết chúng tôi phải vui hay phải buồn về chuyện đó nữa."

    Không suy nghĩ nhiều, tôi bảo Gerda: "Không có lý do gì phải buồn cả. Tôi sẽ lãnh phần trông coi nhà cửa cho anh chị và, nếu cần, tôi sẽ ngủ lại hai hoặc ba đêm." Vợ chồng Greifenbach chấp nhận lời tình nguyện của tôi một cách vui vẻ. "Và giờ đây, chúng tôi có thể ra đi yên tâm hơn," họ bảo. "Anh chị đừng nghĩ phải cám ơn tôi" tôi nói. "Trái lại, chính tôi mang ơn anh chị, vì, ở lại nhiều đêm giới nghiêm tại nhà anh chị, tôi biết tôi sẽ được ngủ yên giấc."

    Giới nghiêm nhắc chúng tôi nhớ lại những đêm khó khăn mà một người rời nhà mình để ra phố có thể không trở về nhà được. Chính quyền đại diện ra lệnh giới nghiêm đột ngột và người nào bị bắt gặp ngoài đường phố ở ngoại ô thành Jérusalem có thể bị dẫn về bót ngủ; trong khi đó, gia đình họ, lo lắng, không biết họ biến mất nơi nào. Và điều này nhắc chúng tôi nhớ đến những hình phạt nặng nề khác của chính quyền đại diện, mà nếu không có những hình phạt đó xứ này chắc chắn sẽ không tồn tại, như hồi đó chúng tôi đã nghĩ. Chúng tôi lại bắt đầu nói chuyện về những đêm giới nghiêm. Những đêm đó cũng có cái hay ở chỗ là đàn ông bắt buộc phải ở nhà và tỏ ra chăm sóc đến vợ con hơn, việc mà họ không hề quen làm, vì họ thường dành những buổi tối của họ để đến tham gia những cuộc nhóm họp, những hội đồng, những buổi hội nghị và những bận rộn tương tự thường chiếm hết trí óc họ và làm họ quên cả chính mình và lại càng quên gia đình họ hơn nữa. Người ta còn có thể nói là giới nghiêm có một điều lợi: Những kẻ độc thân bị bắt buộc phải ở nhà dan díu với các cô con gái của chủ nhà và rốt cuộc họ kết hôn với những cô đó.

    Vợ chồng Greifenbach và tôi, chúng tôi nói chuyện với nhau như thế, cho đến lúc tôi tuyên bố là đã đến giờ tôi phải ra về. Greifenbach trao chìa khóa nhà cho tôi và chỉ cho tôi biết tất cả các lối ra. Vài phút sau tôi từ giã họ và ra về. 1Giáo lý thần bí của Do thái về Thánh Kinh.. (còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng sáu 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...