Tiểu Thuyết là gì? Đặc Trưng của Tiểu Thuyết

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Ột Éc, 14 Tháng mười 2022.

  1. Ột Éc

    Bài viết:
    2,950
    Vài Nét Cơ Bản Về Tiểu Thuyết

    1. Khái niệm

    Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi hư cấu, có hình thức tự sự cỡ lớn được tác giả hư cấu để tái hiện bức tranh đời sống đa dạng, phức tạp thông qua hệ thống nhân vật, không gian, thời gian, hoàn cảnh, phong tục tập quán.

    [​IMG]

    2. Đặc trưng của tiểu thuyết

    2.1. Đặc trưng về nội dung

    Thứ nhất,
    tiểu thuyết miêu tả, phản ánh toàn vẹn cuộc sống trên cơ sở kinh nghiệm của cá nhân. Nếu đối tượng của sử thi là những nhân vật quá khứ thì đối tượng của tiểu thuyết là con người của hiện tại. Trong sử thi luôn tồn tại khoảng cách giữa người kể và nhân vật sử thi là vì họ ở hai thời đại khác nhau. Còn trong tiểu thuyết, sự xóa bỏ khoảng cách giữa người kể và nhân vật trong cảm nhận và miêu tả con người hiện tại cho phép nhà văn dùng kinh nghiệm cá nhân để lý giải nhân vật, nhìn ngắm nhân vật một cách gần gũi, suồng sã.

    Đặc trưng thứ hai, làm cho tiểu thuyết khác với truyện thơ, trường ca, thơ trường thiên và sử thi là chất văn xuôi, tức là tái hiện cuộc sống giống y như thật, không thi vị hóa, lãng mạn, lý tưởng hóa. Miêu tả cuộc sống giống như thực tại cùng thời đang sinh thành, tiểu thuyết có khả năng miêu tả cuộc sống một cách chi tiết như thật. Các thể loại: Truyện thơ, trường ca, thơ trường thiên, sử thi không thể dung nạp chất văn xuôi như một đặc trưng của nội dung thể loại, mặc dù các thể loại ấy có thể bị tiểu thuyết hóa và dung nạp ít nhiều chất văn xuôi. Tiểu thuyết của Thanh Tâm tài nhân, Truyện Kiều của Nguyễn Du ít chất tiểu thuyết hơn, dù nhà thơ gạt bỏ chất văn xuôi tự nhiên chủ nghĩa của nguyên tác để tái tạo nàng Kiều trong chất văn xuôi trong sáng hơn. Mặc khác, để trở thành nhân vật của truyện thơ cổ điển, Kiều đã được lý tưởng hóa, thi vị hóa nhiều hơn. Chất văn xuôi như vậy thể hiện rất đậm trong tiểu thuyết của Balzac, Stendhal, Cervantes, Flaubert, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan.. Chất văn xuôi đã mở ra, vùng tiếp xúc tối đa với thời hiện tại đang sinh thành làm cho tiểu thuyết không bị giới hạn trong nội dung phản ánh. Trong Chuyện cũ viết lại, để biến những huyền thoại, truyền thuyết cổ xưa thành tiểu thuyết, Lỗ Tấn đã viết lại qua lăng kính thế giới đời tư của nhân vật và đặt nó vào thế giới văn xuôi hoàn toàn xa lạ với truyền thuyết, huyền thoại.

    Thứ ba, nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải. Nhân vật tiểu thuyết xuất hiện như là con người nếm trải, cảm nhận, tư duy, chịu khổ đau dằn vặt của đời. Tiểu thuyết miêu tả nhân vật như một con người đang trưởng thành, biến đổi và do đời dạy bảo. Khi hành động, nhân vật tiểu thuyết lãnh đủ mọi tác động của đời. Miêu tả thế giới bên trong, phân tích tâm lý là một phương diện rất đặc trưng cho tiểu thuyết.

    Thứ tư, tiểu thuyết chứa yếu tố thừa so với truyện ngắn và truyện vừa. Những suy nghĩ của Thứ về nghề, về đồng nghiệp, về ước mơ, về cái đói, về bản thân. Những chi tiết về San, về Mô, về Oanh, về ông Học, về u em, về đôi vợ chồng nhà lá, về bữa ăn đều không thiết thực cho một cốt truyện nào, nhưng nó phơi bày toàn bộ, đầy đặn của sự tồn tại như một trạng thái và quá trình.

    Thứ năm, xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và nội dung trần thuật như một khoảng cách về giá trị dẫn đến lý tưởng hóa của anh hùng ca, tiểu thuyết hướng về miêu tả hiện thực như cái hiện tại đương thời của người trần thuật. Tiểu thuyết cho phép người trần thuật tiếp xúc, nhìn nhận các nhân vật gần gũi như người bình thường bằng kinh nghiệm của mình. Người viết tiểu thuyết có thể nhìn hiện tượng từ nhiều chiều, nhiều điểm nhìn, đa chủ thể, sử dụng nhiều giọng nói. Tiểu thuyết tiếp thu mọi lời nói khác nhau của đời sống, san bằng ngăn cách lời trong văn học và ngoài văn học, tạo nên sự đối thoại giữa các giọng khác nhau. Cuộc sống trong tiểu thuyết là một cái gì đó chưa xong xuôi. Chẳng hạn như lời văn của Nam Cao trong Sống mòn xây dựng theo nguyên tắc chồng chéo, lặp lại, có biến đổi những chi tiết cùng loại hay nhóm từ đồng nghĩa. Điều đó không có nghĩa nhà văn thiếu khả năng miêu tả đối tượng qua một định ngữ hay tính từ duy nhất phù hợp, mà thực chất là sự chồng chất có tác dụng tái hiện dòng ý nghĩ đang mở ra, đang là quá trình. Có nhiều lối văn diễn tả quá trình, chẳng hạn loại văn miêu tả pha phân tích của L. Tolstoi, văn dùng nhiều: Bỗng nhiên.. nhưng của Dostoevski.. Kết cấu của tiểu thuyết cũng thường để ngỏ.

    Sau cùng, tiểu thuyết là thể loại văn học có khả năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng nghệ thuật của loại văn học khác. Chẳng hạn tiểu thuyết thế sự - trữ tình của Gorki, tiểu thuyết sử thi - tâm lý của L. Tolstoi.. Ngoài ra, còn phải kể đến tiểu thuyết tư liệu, chính luận. Về mặt nào đó, các thể loại khác ở thời hiện đại vẫn đang hình thành và chưa xong xuôi. Tuy nhiên, tiểu thuyết có khả năng tổng hợp và năng động lớn hơn. Tóm lại, tiểu thuyết là thể loại tự sự dân chủ, năng động và giàu khả năng phản ánh đời sống nhiều mặt bậc nhất trong các thể loại văn học.

    [​IMG]

    2.2. Đặc trưng về hình thức

    Tiểu thuyết là một hình thức tự sự cỡ lớn, miêu tả cuộc sống trong quá trình phát triển với một cấu trúc phức tạp (nhiều cốt truyện - chủ đề - nhân vật) với nhiều tính cách, số phận đan xen.

    Theo quan niệm truyền thống, nhân vật tiểu thuyết được miêu tả nhiều mặt, tinh tế, chi tiết như con người sống. Thuộc tính của nhân vật được miêu tả trong quá trình tổng hợp mọi bình diện từ ý thức đến vô thức, từ tư tưởng đến bản năng. Điểm nổi bật của nhân vật tiểu thuyết là có tính cách, cá tính, tính chỉnh thể và có quá trình phát triển. Tiểu thuyết không chỉ viết về một số người, mà còn viết về cả gia tộc, thế hệ. Số lượng nhân vật trong tác phẩm có thể tới 500 - 600 người như tromg Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi.

    Nhân vật có thể là người khách thể đầy đặc, có thể là dòng nội tâm, cũng có thể là một tượng trưng, kí hiệu. Hoàn cảnh trong tiểu thuyết được khắc họa, phân tích rất chi tiết như hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh chiến tranh..

    [​IMG]

    Cốt truyện của tiểu thuyết phức tạp, có thể đơn tuyến hay đa tuyến. Cốt truyện tiểu thuyết hiện đại tự do, linh hoạt trong điểm mở đầu và điểm kết thúc

    Kết cấu trong tiểu thuyết là tổ chức điểm nhìn và trật tự sự kiện để đưa người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, là xác lập quan hệ giữa người kể chuyện với nhân vật và với người đọc. Kết cấu phải tuân thủ những yêu cầu và đảm bảo tối đa về vấn đề mà nội dung tác phẩm thể hiện.

    Ngôn từ trong tiểu thuyết rất phong phú. Lời trần thuật mang tính chất đối thoại với nhiều hình thức đa giọng, đa thanh như lời mỉa mai, lời nửa trực tiếp..

    Không gian, thời gian có mối quan hệ khắng khít với nhau, không thể tách rời. Thời gian, không gian trong tiểu thuyết không giới hạn và có thể thay đổi linh hoạt. Thường là thời gian đa tuyến và không gian đa tuyến.

    Tiểu thuyết hiện đại dường như quan tâm đến nhân tính hơn là nhân tình. Nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống được tác giả quan sát, miêu tả tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Còn bây giờ, nhân vật được nhà văn miêu tả sơ xài, đơn điệu. Bù lại đời sống nội tâm, tâm hồn của nhân vật được chú trọng, khám phá và đề cao hơn. Đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại giảm việc miêu tả phong cảnh thiên nhiên, bởi người ta đã mất đi tình cảm sùng kính với thiên nhiên như trong văn học truyền thống.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...