MỞ ĐẦU Khi nhắc đến Lưu Quang Vũ, ta sẽ lại nhớ đến một nhà soạn kịch tài ba trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Trong mỗi một lĩnh vực sáng tác, ông đều để lại ấn tượng sâu sắc.. Vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là tác phẩm kịch nổi tiếng của ông, đã được biểu diễn cả trong và ngoài nước. Ở tác phẩm này, ta sẽ bắt gặp sự đối lập giữa linh hồn và thể xác. Theo lẽ đương nhiên thì linh hồn và thể xác luôn dung hòa làm một. Nhưng trong vở kịch này lại dẫn đến những bi kịch éo le nhất. Từ đó, là thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt đến người đọc: Con người chỉ sống có ý nghĩa khi sống là chính mình; có sự hòa hợp- gắn kết mật thiết giữa linh hồn và thể xác; đấu tranh vì lý tưởng sống của mình;.. Cuộc xung đột diễn ra rõ ràng trong cảnh VII và đoạn kết vở kịch. Lưu Quang Vũ đã đưa người đọc đến hết cuộc xung đột này đến cuộc xung đột khác giữa các nhân vật; từ tuyệt vọng đến vô cùng tuyệt vọng khiến bản thân phải lên tiếng. Vậy các cuộc xung đột đó diễn ra như thế nào, triết lý nhân sinh nào được đề cập; trong phạm vi bài viết này sẽ làm rõ điều đó. NỘI DUNG 1. Khái quát 1.1Tác giả Lưu Quang Vũ và những đóng góp cho nền văn học Việt Nam Tác giả Lưu Quang Vũ (1948-1988), sinh tại xã Thiệu Cơ - Hạ Hòa - Phú Thọ nhưng quê gốc của ông ở Thành phố Đà Nẵng. Ông là con trai của của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Thạch và bà Vũ Thị Khánh. Từ nhỏ, gia đình sống tại Phú Thọ; năm 1954 cả gia đình chuyển về sống tại Hà Nội. Từ nhỏ năng khiếu và khả năng cảm thụ nghệ thuật đã chảy trong dòng máu ông. Từ 1965- 1970 đây là thời kỳ thơ ca của ông bắt đầu nở rộ. Từ năm 1970 -1978, ông làm mọi nghề để nuôi sống bản thân, công việc nào ông cũng có thể làm: Vẽ pano-áp phích, chấm công ở đội cầu đường.. Từ 1978 - 1988 tác giả làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu. Và lúc này vở kịch nói "Sống mãi tuổi 17" dựa theo kịch bản của Vũ Duy Kì được ra đời. Cuộc đời ông trải qua hai lần kết hôn. Nhưng cả hai cuộc hôn nhân đều không được viên mãn. Hôn nhân thứ nhất tan vỡ do ông ngoại tình. Cuộc hôn nhân thứ hai tưởng rằng êm ấm thì cả gia đình mới của ông đều bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn vào năm 1988. Và cuộc đời ông chấm hết từ đây. Mỗi một sáng tác của ông dù trong thơ ca, truyện hay viết kịch đều rất giàu tình cảm, mang bao nỗi niềm trăn trở nhưng vẫn khát khao được bay bổng. Vào những năm 80, khi đất nước còn chiến tranh, ông đã có những tác phẩm riêng của mình. Suốt 10 năm miệt mài sáng tác, ông đã cho ra đời gần 50 vở kịch và vở kịch nào cũng nổi tiếng, đê lại ấn tượng vô cùng sâu sắc. Nổi bật nhất trong suốt những năm tháng cầm bút của ông là vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Một số tác phẩm tiêu biểu khác như: "Chiếc ô Công lý"; "Người kép đóng hổ"; "Một vùng mặt trận";.. Nhân sinh quan sâu sắc, chất nghệ thuật ăn sâu vào máu đã làm nên một Lưu Quang Vũ đa tài. 1.2Vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" Được viết vào năm 1981, ra mắt công chúng 1984. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã dựa vào và viết lại theo lối hiện đại hơn, đặt ra nhiều vấn đề, có tư tưởng, triết lý nhân sinh. Đoạn trích là thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch. 1.2. 1Tóm tắt tác phẩm Trương Ba là một người giỏi đánh cờ; nhân hậu; chăm làm vườn; được mọi người trong gia đình hết mực yêu thương. Nhưng chẳng may Nam Tào đã gạch nhầm tên ông trong sổ Trời, vì vậy Nam Tào đã đẻ cho Đế Thích nhập hồn ông vào xác anh hàng thịt vừa mới mất. Từ đây, bi kịch bắt đầu xảy ra. Vợ anh hàng thịt thì đòi chồng. Gia đình Trương Ba thì đòi lại một Trương Ba như lúc trước; chú không thể chấp nhận một con người thô lỗ, nhiễm nhiều cái xấu, đang thay đổi lớn như vậy.. Hồn Trương Ba không thể chịu nổi cảnh sống này, không thể chấp nhận kiểu sống như không sống; sống đi nhờ thân xác kẻ khác, không được là chính mình. Nên hồn Trương Ba đã thắp hương để kêu gọi gặp Đế Thích. Dù Đế Thích có khuyên nhủ ra sao, hồn Trương Ba cũng không chấp nhận cảnh sống này. Đúng lúc đó, cái Gái khóc chạy lại nói rằng cu Tị con của chị Lụa đã chết. Và Đế Thích cững được Nam Tào báo tin rằng đã tha cho hắn tội nhập hồn Trương Ba vào xác anh hàng thịt. Nhưng hồn Trương Ba vẫn nhất quyết từ chối; ông xin chết để cu Tị được sống lại. Sau đó, ông dặn dò vợ con rồi nhắm mắt qua đời. 1.3Khái niệm Kịch Kịch là một môn nghệ thuật sân khấu, là một trong ba phương thức phản ánh hiện thực văn học (tự sự, trữ tình, kịch). Kịch được xây dựng dựa trên cở sở giữa các xung đột. Được thể hiện có cốt truyện chặt chẽ; có yếu tố của kịch; chứa đựng rất nhiều kịch tính, tạo ra vô số tình huống bất ngờ cho nhân vật. Các xung đột kịch được diễn đạt bằng lời nói nhân vật, cử chỉ, hành động.. Từ đó thể hiện được tư tưởng và chủ đề tác phẩm. Trích đoạn "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (cảnh VII) là cuộc xung đột mang tính giả tưởng: Giữa hồn với thể xác, hồn với người xung quanh; đều nhằm tới việc truyền đạt triết lý, nhân sinh. 2. Xung đột trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" Nguyên nhân xảy ra cuộc xung đột là từ khi Trương Ba bị Nam Tào gạch tên nhầm, để chuộc lại lỗi lầm Đế Thích đã cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt, dẫn đến các cuộc bất đồng, phiền toái, bản thân Trương Ba cũng thấy ngột ngạt và dẫn đến mâu thuẫn bên trong. 2.1Xung đột giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt Cuộc xung đột giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt là cuộc xung đột chính của tác phẩm. Cuộc xung đột này là nền tảng, bước đệm đầu tiên dẫn đến những suy nghĩ nội tâm của hồn Trương Ba và xảy ra các cuộc xung đột sau này lên tới đỉnh điểm. Điều quan trọng của một con người duy trì sự sống đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa hồn và xác. Khi xác anh hàng thịt và hồn Trương Ba đối thoại với nhau đã thấy rõ sự đối lập. Giọng của hồn Trương Ba luôn đứt gãy, không liền mạch; thưởng sử dụng câu cảm thán. Giọng của cái xác thì hùng hồn mạnh mẽ. Cuộc xung đột này, hồn Trương Ba đã bị đẩy vào đuối lý, đứng dưới thế xác anh hàng thịt. Xác anh hàng thịt luôn mạnh mẽ đưa ra lý lẽ của mình chúng tỏ sức ảnh hưởng ghê gớm của cái xác: "Lắm khi lấn át cả linh hồn cao khiết". Còn hồn Trương Ba cho rằng bản thân mình "vẫn có một đòi sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn". Dù không phải ở trong hoàn cảnh sống mong muốn, nhưng hồn Trương Ba vẫn muốn khẳng định nhân cách cao khiết, trong sạch của mình. Khi xác anh hàng thịt nói rằng, khi nhìn thấy vẻ đẹp mơn mởn của vợ hắn, hồn Trương Ba cũng thèm muốn cơ mà. Nhưng hồn đã mạnh mẽ đáp trả rằng: "Đấy là mày chứ, chân tay của mày, hơi thở của mày"; cái thứ đó chỉ là bản năng hoang dã của cơ thể, chứ suy nghĩ bên trong nội tâm hồn không có. Cái xác vẫn luôn mạnh mẽ đàn áp, khiến cho hồn Trương Ba từ câu phủ định được nói ra quyết liệt đến đuối lý, lúng túng nói không ra câu: "Ta.. ta.. bảo mày im đi"; "nhưng.. nhưng..";.. Dưới sự đàn áp lời nói, suy nghĩ của xác anh hàng thịt; hồn Trương Ba lúc đầu còn dõng dạc đáp trả, rồi dần dần lúng túng, nói không ra câu, đến tuyệt vọng. Đó là lúc khi hồn Trương Ba thẫn thờ ra, xưng hô với xác anh hàng thịt là anh-tôi. Đây chính là sự kết thúc, thua cuộc của hồn Trương Ba. Xác anh hàng thịt được thế oai phong, cứ dồn dập hỏi; có sự mỉa mai, giễu cợt; lúc lại như an ủi, lúc lại thách thức.. Tất cả những việc này đã thách thức giới hạn của hồn Trương Ba. Sống mà không có sự hòa hợp thể xác- tâm hồn. Cái xác đã chứng tỏ được uy thế của nó, thao túng mọi suy nghĩ của hồn. Qua màn đối thoại của hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt đã thấy sự méo mó giữa hồn và xác. Đế Thích trả lại cuộc sống cho Trương Ba, nhưng liệu đây có là cuộc sống hay là bi kịch? Đây là cuộc xung đột thứ nhất, và xác đã thắng. Qua cuộc xung đột này, tác giả muốn cảnh báo tới tất cả mọi người rằng, con người khi sống với những cái tầm thường, dung tục; mà sức mạnh làm chủ suy nghĩ của mình không có thì sớm muộn gì cũng bị cái xấu thao túng; cái đẹp bị tàn phá. 2.2Xung đột giữa hồn Trương Ba và gia đình Xung đột kịch vẫn tiếp tục tiếp diễn. Lúc này là cuộc xung đột giữa hồn Trương Ba và người thân trong gia đình. Đây là cuộc xung đột cũng là nỗi bi kịch. Khi hồn Trương Ba đối thoại với người vợ, cái Gái, cô con dâu thì mọi tuyệt vọng đã xảy ra. Người vợ nhận thấy rằng ông không còn như trước nữa. Trương Ba của lúc trước nhân hậu, yêu thích làm vườn, luôn đối tốt với hàng xóm xung quanh thì nay là một Trương Ba hoàn toàn khác. Khiến người vợ phải tức giận, tuyệt vọng mà để ông lại cho vợ anh hàng thịt mà ngậm ngùi bỏ về. Bà nói với ông rằng "Ông đâu còn là ông, đâu còn là Trương Ba làm vườn ngày xưa". Ông có thể hiểu được tâm trạng vợ mình lúc này, hiểu được ẩn ý lời bà nói có bao nhiêu u buồn; nhưng ông biết làm gì bây giờ, chỉ có thể ôm đầu, bất lực. Còn gì đau hơn khi người vợ của mình cũng không thể chấp nhận mình sống dưới thân xác này, có những hành động của bản năng hoang dại. Đến cái Gái, đứa cháu mà ông quý nhất; và đối với cái Gái, ông là ông nội mà nó yêu thương, trân trọng nhất. Nhưng lúc này, khi nhìn thấy "đôi bàn tay giết lợn"; "bàn chân to xòe như cái xẻng"; thân hình thì thô lỗ, giẫm nát hết cây sâm quý mới ươm, bẻ gãy trồi non.. Cái Gái phản ứng vô cùng quyết liệt, nó không chấp nhận người ông hiền từ mình yêu quý trong thân xác thô lỗ của anh hàng thịt. Nó cũng nhận ra Trương Ba đã thay đổi, trở nên thô lỗ, phũ phàng khác xa với hình ảnh người ông lúc trước. Nó nhất quyết chối bỏ mối quan hệ này "Tôi không phải là cháu ông, ông nội tôi chết rồi". Đến cái Gái còn nhận ra rằng tâm hồn phải đồng nhất vói thể xác; nên nó không thể chấp nhận điều vô lý vô cùng trái ngược này. Rồi nó còn khóc lên trách Trương Ba làm hỏng cái diều của cu Tị. Trẻ con tưởng chừng ngây thơ, nhưng chúng nhận thwusc mọi điều rất rõ ràng. Nó xua đuổi Trương Ba "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể cút đi!". Có lẽ Trương Ba cũng đã cố hết sức mình mà khéo léo, là người ông nhẹ nhàng, nhân hậu của cái Gái, nhưng sống dưới thân xác xấu xí này, mọi cố gắng như trở nên vô nghĩa. Cô con dâu thì khác với người vợ và cái Gái. Cô luôn chia sẻ, giúp đỡ, thông cảm cho ông nhưng khi gặp hoàn cảnh éo le này nhưng cô cũng đâu chịu được "Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con thấy đau đớn, thấy.. mỗi ngày thầy một khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, có lúc đến con cũng không nhận ra thầy nữa..". Vậy là tất cả người thân của Trương Ba đều chối bỏ ông sống dưới thân xác này, bởi ông thay đổi quá. Vợ, cái Gái, con dâu đều xa cách dần vì hồn của ông đâu được hiện hữu rõ ràng; chỉ còn lại cái xác lù lù đó, đã gây ra biết bao phiền toái, hệ lụy. Oử xung đột kịch này, chắc chắn rằng Trương Ba đã bị đẩy vào bước đường cùng. Ông phải đau đớn mà thốt lên rằng "Mày đã thắng rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ". Cuộc xung đột bị đẩy lên cao trào; Trương Ba không thể chấp nhận cuộc sống như này. Hồn và thân xác trái ngược nhau, sống như không sống. Lúc này, ông phải lựa chọn giữa còn- mất. Cuối cùng, hồn Trương Ba thách thức gay gắt với xác hàng thịt "Không cần cái đời sống do mày mang lại, không cần!". Đâu ai có thể dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh này, nên bị kịch xảy ra là điều tất yếu. 2.3Xung đột giữa hồn Trương Ba và Đế Thích Trong màn đối thoại này, Trương Ba đã đưa ra phương án cuối cùng quyết định dập tắt hết mọi bi kịch. Trương Ba nhận ra rằng ông không phù hợp với cái thân xác này, nên đã thắp hương mong muốn được gặp Đế Thích. Đế Thích nói rằng sẽ cho ông nhập vào xác thằng cu Tị, nhưng Đế Thích càng đưa ra phương án khác thì càng thêm sai. Một ông già nhập vào một cái xác thô lỗ, khỏe mạnh nhưng anh hàng thịt đã là không hợp lý; đây lại nhập vô một đứa trẻ, liệu đó là được khi tâm hồn một ông già sống dưới thân xác non nớt? Ông nói với Đế Thích rằng "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được". Ông còn chỉ ra cái sai quá sai của Đế Thích "Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là không nên, đằng này cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết". Đúng là như vậy, việc cho Trương Ba sống nhưng nhập vào thể xác của người khác đây như là hành động bù đắp tội lỗi của Đế Thích vậy. Trương Ba đã một mực từ chối mọi phương án, sự giúp đỡ của Đế Thích; bởi chính bản thân Trương Ba mới là người đang gánh chịu mọi sự đau khổ này, mọi bi kịch oái ăm này. Ông lúc này khao khát được sống là chính mình; tựu do trong thể xác và tâm hồn mình. Sống mà không phải là chính mình, sống như không sống, sống gửi, sống bù đắp thì đó không phải là sống. Ông nguyện chết để trả lại sự sống cho cu Tị. Mọi bi kịch nên được chấm dứt rồi. Cuộc xung đột này cũng chính là màn kết của vở kịch. Thông điệp mà tác giả nói tới với tất cả mọi người: Cái đẹp- cái thiện luôn luôn tồn tại và chiến thắng cái xấu; khẳng định quyền tự do sống của con người; và sống- có ý nghĩa là điều vô vùng, vô cùng quan trọng. 2.4Tổng kết Cách miêu tả, độc thoại nội tâm; tình huống xảy ra của các nhân vật; tình huống truyện đẩy lên cao trào nhất mang lại sự kích thích, kịch tính cho người đọc. Cái kết của vở kịch, của mọi xung đột là Trương Ba lựa chọn cái chết. Nhưng cái chết của Trương Ba không phải là kết thúc. Cái chết đó chỉ chấm dứt chuỗi ngày bi kịch khi phải sống gửi, sống chắp vá. Đây là sự lựa chọn thể hiện lòng nhân ái, lòng tự trọng, sống ngay thẳng, trong sạch. Khát vọng và Trương Ba mong muốn là vươn tới cái đẹp hoàn hảo, tính chân thực trọn vẹn; nên cái chết này là cánh cửa giải thoát tốt nhất, thanh thản tâm hồn. Lựa chọn cái chết của Trương Ba- hay là quan điểm của tác giả: Sống là "trọn vẹn nhân cách; trọn vẹn giá trị nhân sinh". KẾT LUẬN Vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" đã chứng tỏ được tài năng sáng tác và quan điểm nhân sinh của tác giả. Đoạn trích đã gửi trọn thông điệp đến người đọc: Chúng ta chỉ đáng sống khi là chính mình; sống có ý nghĩa khi được là chính mình; và điều quan trọng để sống đúng- ý nghĩa là sự gắn kết về thể xác lẫn tâm hồn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoàng Bách, Phân tích xung đột kịch trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, taimienphi.vn. 2. Tài liệu ôn thi THPTQG (2019), Phân tích những xung đột trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ), Hoc360.net. 3. Văn học Việt Nam (2013), Phân tích xung đột kịch của Hồn Trương Ba, da hàng thịt, vanhocvn.com.