Tiếng việt tình nghĩa trong từng thành ngữ,tục ngữ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thư Viện Ngôn Từ, 22 Tháng mười hai 2023.

  1. TIẾNG VIỆT TÌNH NGHĨA​

    "Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam". Có bao giờ bạn tự hỏi đã hiểu hết về tiếng Việt chưa? Có bao giờ bạn đã biết hết các thành ngữ, tục ngữ, từ ngữ tiếng mẹ đẻ chưa? Có bao giờ bạn nghĩ sẽ đi tìm ý nghĩa đằng sau mỗi lời nói, câu nói hằng ngày của người đối diện chưa? Nếu chưa hãy thử một lần đào sâu tìm tòi, biết đâu bạn sẽ phát hiện một vùng đất mới mà đến chính bạn còn không nhận ra.

    Chúng ta hay nói "Ăn như mỏ khoét" : Câu này thường dùng để chê người hay ăn quà vặt, ăn luôn mồm. Nhưng mỏ khoét là gì? Có sách giải thích mỏ khoét (mỏ nhác) là cái mỏ khoan, khoét gỗ lem lém. Có người lại giải thích mỏ khoét là một loài chim, chuyên tìm các trái chín như ổi, chuối để khoét.

    Hay "Ăn như hùm hổ đói" : Hùm (hổ) là một giống vật rất khôn, khi không kiếm được mồi, hùm thường mò đến chỗ nước chảy, ở đây người dân thường dùng đó để đơm cá. Khi tìm thấy đó cá, hùm không bắt riêng từng con để ăn mà dốc ngược đó để trút toàn bộ cá vào miệng. Nếu người nào đó, không gắp từng miếng mà bưng cả bát trút vào miệng thì người dân hay dùng thành ngữ này để ám chỉ. Hiểu rộng ra, thành ngữ này dùng để chỉ cách ăn uống thô tục, thiếu văn hóa.

    Hay "Ăn quà như lái quét" : Lái quét là người chuyên quét rác ở chợ. Trước buổi họp chợ và sau khi tan chợ, người lái quét để khu chợ được phong quang, sạch đẹp. Các người bán hàng ở chợ, sau mỗi buổi chợ, thường cho lái vài đồng tiền. Những người bán quà bánh thường cho bánh thay tiền. Vì vậy, lái quét có rất nhiều loại quà: Bánh đa, bánh đúc, bánh rán, hoa quả.. ăn luôn miệng không hết. Ngày nay, những ai hay ăn quà vặt, ăn luôn miệng thường được gán bằng thành ngữ này.

    Hay "Ăn trên ngồi trốc" : Trốc là từ cổ có nghĩa là "đầu". Thành ngữ này để chỉ những người có quyền thế. Ngày nay, từ trốc nhiều nơi vẫn dùng. Ta có thể gặp từ này trong trốc giường (đầu giường), bạc trốc (bạc đầu), trốc cún (đầu gối). Ở vùng Nghệ Tĩnh có nơi còn gọi con chim trốc mào, tức con chào mào, vì trên đầu nó có túm lông nhọn như cài mào. Có lẽ từ trốc mào đã biến âm thành chào mào chăng?

    Hay "bán chỗ nằm, mua chỗ ngồi" : Câu này cũng gần nghĩa với câu "Bán gia tài mua danh phận". Ngày trước, ở nông thôn, người ta chuộng chỗ ngồi ở chốn đình trung khi họp làng, Nhiều người bỏ tiền mua một chức Nhiêu, chức Xã để có một chỗ ngồi, rồi lại phải khao vọng tốn kém. Vì thế có người phải bán cả nhà, đất để có một danh vị hão. Chỗ nằm tức là nơi nhà ở, chỗ ngồi tức là góc chiếu nơi đình trung.

    Hay "Bạn tri âm" : Tri âm nghĩa là hiểu được tiếng đàn, nghĩa rộng ra là hiểu được lòng mình. Trong truyện "Kim cổ kỳ quan" của Trung Quốc có ghi lại một tình bạn hiếm có giữa Bá Nha và Chung Tử kỳ. Bá Nha làm quan, một lần đi thuyền về quê, ghé đậu vào một bến sông. Trong đêm trăng, Bá Nha đem đàn gảy. Vừa lúc đó, Tử Kỳ đi qua, nghe tiếng đàn liền dừng lại. Thấy có người mải mê nghe tiếng đàn, Bá Nha liền mời xuống thuyền. Tử Kỳ là người sành nghe đàn. Khi Bá Nha nghĩ đến núi cao, Tử Kỳ khen: "Cao vòi vọi như núi thái Sơn". Khi Bá Nha nghĩ đến sông nước thì Tử Kỳ khen "Mênh mông như trường Giang, Hoàng Hà". Thấy có người hiểu sâu được tiếng đàn của mình, Bá Nha liền kết làm anh em và hỏi về gia đình. Tử Kỳ thưa còn có mẹ già nên hàng ngày phải đi kiếm củi để bán lấy tiền nuôi mẹ. Bá Nha từ biệt Tử Kỳ để xuôi thuyền về quê và hẹn một tháng sau, khi trở lại nhiệm sở sẽ ghé thăm. Đến hẹn, Bá Nha tìm đến thì Tử Kỳ qua đời, chỉ còn mẹ già. Bá Nha mời mẹ Tử Kỳ về ở với gia đình mình và phụng dưỡng rất chu đáo. Từ ngày Tử Kỳ mất, Ba Nha treo đàn vì mất bạn tri âm. Thành ngữ của ta còn có các câu nói về tình bạn như "bạn cố tri" (bạn hiểu nhau từ lâu), "bạn nối khố" (bạn từ thuở hàn vi chia nhau cả cái khố vải).

    Hay "bé cái lầm" : Thành ngữ này còn nói là "bé cái nhầm". Đây là câu nói hàm ý mỉa mai. Bé ở đây phải hiểu là lớn, to. Bé cái lầm là lầm to. Thành ngữ này đã được Hồ Xuân Hương sử dụng trong câu thơ châm biếm sư bị ong đốt: "Đầu sư nào phải vì bà vãi (bà cốt) /Bá ngọ con ong bé cái lầm".

    Hay "bóc ngắn cắn dài" : Đây là một câu phê phán. Nhân dân ta vốn có truyền thống cần kiệm và lo xa. Nếu nguồn thu ít (bóc ngắn) mà lại chi nhiều (cắn dài) thì cuộc đời chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Cuộc sống ngày trước và ngày nay vẫn thế, ai cũng có lúc khó khăn. Vì vậy, "làm khi lành và để dành khi đau", "được mùa chứo phụ ngô khoai;đến khi thất bát lấy ai bạn cùng" là những lời khuyên quý giá. Một nhà tư sản đã khuyên con: "Nếu có một xu, con chỉ nên tiêu nửa xu. Như vậy là biết lo xa, biết nhìn về tương lai và chắc chắn sẽ ít gặp khó khăn".

    Hay "Ba máu sáu cơn/Tam bành lục tặc" : Từ điển Tiếng việt (Viện ngôn ngữ học) giải thích thành ngữ ba máu sáu cơn: Tả cơn giận giữ không gì kìm nổi, thường của phụ nữ. Có người giải thích thành ngữ này liên quan từ Tam bành lục tặc. Tam bành là ba vị thần hay xúi giục người ta làm bậy, đó là Bành Cứ, Bành Chất, bành Kiều. Ba vị thần này trấn giữ ở ba vị trí: Đầu, tim, bụng. (Đào Duy Anh- Từ điển Truyện Kiều)


    Mụ nghe nàng nói hay tình,

    Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên .

    (Truyện Kiều, câu 961-962)

    Lục tặc là sáu tên giặc ở cuối đời Bắc Tống: Thái Kinh, Chu diến, Vương Phủ, Lí Nhan, Đồng quán, Lương Sư Thành. Sáu tên này khét tiếng tham nhũng và gian ác (theo từ điển Từ Hải ở Trung Quốc). Nhân đây cũng xin nói thêm về tứ hung của ta. Thời Pháp thuộc, ta có 4 tên công sứ vô cùng gian ác mà nhân dân ta đã ghi lại trong tục ngữ: Nhất Ếch, nhì đa, tam La, Tứ Bích.

    Hay "cà cuống chết đến đít còn cay" : Câu tục ngữ này dùng để chỉ những kẻ ương bướng, đến chết vẫn giữ nguyên bản chất xấu. Cà cuống là một giống bọ có cánh, dáng hình gần giống con ve, sống ở nước cạn. Ở ngực con đực có túi chưa một loại tinh dầu mùi thơm, có vị cay, hòa với nước mắm để chấm rất ngon, nhất là khi chấm bánh cuốn. Cách đây vài chục năm, người dân ngoại thành còn đem hàng rổ cà cuống ngồi bán vỉa hè trước chợ Đông xuân -Hà Nội. Từ khi ta dùng thuốc trừ sâu, cà cuống đã bị chết dần. Lê quý Đôn trong cuốn Vân dài loại ngữ có ghi một mẫu chuyện lý thú như sau: "Con này có tên chữ Hán là" đà cuống"(Cuống có nghĩa là nói dối). Trong sách Hán thư có ghi Triệu Đà đem cống vua Hán một thứ sâu ăn ngon và thơm, nói là sâu cây quế. Sau có người biết rõ là không đúng sự thực, không phải sâu cây quế mà Triệu Đà nói dối nên đặt tên con ấy là đà cuống. Đời sau đọc sai đà cuống thành cà cuống.

    Trên đây là tổng hợp một số ít câu thành ngữ, tục ngữ mà chúng ta hay dùng. Nếu các bạn biết thêm câu nào thì đừng ngần ngại sẻ chia!
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...