Kiếm Hiệp Thiên Hạ Hữu Tình Nhân - Triều Nguyễn

Thảo luận trong 'Truyện Drop' bắt đầu bởi TrieuNguyen, 30 Tháng mười 2019.

  1. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Chương X: Thư Sinh Luyện Kiếm

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Văn Tôn cứ theo lộ lớn mà đi, được hơn hai dặm thì tay chân bủn rủn, thở không ra hơi, ngồi xuống một tảng đá bên vệ đường. Tứ phía đồng không mông quạnh, gió thổi hiu hiu, bầu trời tối đen như mực, y vừa mệt vừa sợ, chợt nghĩ: "Nếu đại ca quay lại, không nhìn thấy mình chắc cũng sẽ đợi. Thôi thì cứ thong thả mà đi, dù gì đang đêm đang hôm, huynh ấy không thể rời khỏi Nam Giang khi chưa tìm được mình". Ngồi nghỉ bằng thời gian ăn hết một bữa cơm thì tiếp tục lên đường. Đêm tối tĩnh mịch, vắng vẻ hoang vu, quạ kêu oang oác, chó sủa xa xa, khung cảnh âm u khiến y rùng mình, vội bước thật nhanh về phía trước. Nhưng chấn thương chưa khỏi, sức lực tiêu hao nhanh chóng, chân đi càng lúc càng mỏi nhừ, đành ngồi bệt xuống đất thở hồng hộc, chưa biết phải đi tiếp bằng cách nào.

    Bỗng có tiếng "lộc cộc" từ sau lưng, rồi một người cưỡi ngựa chạy lên, dừng lại bên cạnh Văn Tôn. Là Ô Đình Thiên đang ngồi trên ngựa, chìa tay về phía chàng, nói:

    - Vết thương của ngươi còn chưa khỏi hẳn, cố sức làm gì? Mau lên ngựa, ta sẽ đưa ngươi về Thuận Gia thôn!

    Văn Tôn không muốn nàng vì mình mà nhọc công thêm nữa, định nói "ta nghỉ ngơi một lát sẽ khỏe", nào ngờ chưa kịp mở miệng đã bị nàng túm lấy ngực áo, lôi lên ngồi sau lưng, quất ngựa chạy nhanh về phía trước. Hương thơm thiếu nữ thoang thoảng, mái tóc đen huyền thướt tha, lất phất trong gió làm y ngất ngây điên dại, mơ hồ như người vừa chiêm bao. Bỗng giật mình, nghe nàng nói:

    - Ngươi cứ tựa vào lưng ta mà chợp mắt, nhớ bám cho chặt vào!

    Văn Tôn nghe "bám cho chặt vào" thì mông lung suy nghĩ: "Làm gì có chỗ nào để mà bám? Hay nàng ấy bảo ta bám vào người nàng?" Nghĩ đoạn định vòng tay ôm eo nàng, chợt giật mình nhớ ra: "Thế chẳng phải vô lễ lắm sao?" rồi lại buông xuôi hai tay. Con ngựa cứ phi như điên như dại, khi lách sang trái, khi vòng sang phải, lắm lúc lại nhảy tưng tưng lên, Văn Tôn đánh liều ôm chặt lấy eo nàng, thấy nàng vẫn thản nhiên thì ngã hẳn đầu vào lưng nàng, từ từ nhắm mắt, mơ màng thiếp đi. Nữ nhân ngồi đằng trước khe khẽ mĩm cười, ẩn trong màn đêm là một gương mặt thanh tú, hai gò má hồng hào, mắt long lanh nhìn về hướng Thuận Gia thôn.

    Chưa đầy một canh giờ, hai người đã tới trước nhà của vị đại nương quá cố. Đình Thiên ghì cương, con ngựa hý lên, lúc này Văn Tôn mới giật mình mở mắt, vội buông nàng ra, loay hoay tuột xuống đất. Suốt cả quảng đường, y lúc mê lúc tỉnh, ái tình liên miên, ôm xiết lấy Đình Thiên không buông. Con hắc mã được cột trong chuồng như có linh tính, thấy chủ nhân quay lại liền hý vang mấy tiếng. Hai người sánh vai đi vào, thấy cửa đã mở toang nhưng bên trong không đèn không đuốc, chẳng có một bóng người, ngay cả tiếng trò chuyện cũng không thì cùng thầm kinh ngạc: "Nhà họ đang có tang sự, lẽ ra phải sáng đèn nhang khói, tưởng nhớ mẫu thân, cớ sao lại tối tăm lặng lẽ thế kia?" Văn Tôn bước đến bậu cửa, gọi to:

    - Huynh đài! Là ta đây, ta quay lại thắp cho đại thẩm nén nhang!

    Chẳng ai trả lời, hai người đưa mắt nhìn nhau, thầm hỏi: Không biết phu thê nhà này đã biến đi đâu? Rồi cùng nhau bước vào. Tuy trong bóng tối nhưng họ vẫn lờ mờ nhìn thấy căn nhà trống trải lạ thường, ngay đến một cái bàn, cái ghế cũng không còn, bài vị của cố đại nương kia cũng không biết để đâu. Văn Tôn đứng trơ ra, mồm miệng há hốc, vừa kinh vừa sợ, tưởng mình vừa đi nhầm vào một căn nhà khác. Đình Thiên đưa mắt nhìn quanh, nàng ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

    - Có lẽ họ sợ bọn cường đạo quay lại báo thù nên đã khăn gói bỏ đi nơi khác, cho nên trong nhà mới chẳng còn lại gì!

    Văn Tôn đang đoán già đoán non, nghe nàng nói vậy thì như đại ngộ, gật gật đầu, rồi bất giác thở dài, nói:

    - Là tại ta đã liên lụy đến họ, nếu hôm đó ta không ở lại đây thì đại thẩm đã không bị oan mạng, cả nhà họ cũng không phải lâm vào cảnh loạn lạc, phải bỏ xứ mà đi!

    Thấy y mặt nhăn mày nhó, oán trách bản thân, Đình Thiên nói:

    - Đó chẳng phải lỗi của chàng, nếu chàng không đến đây, chắc gì bọn ác nhân kia đã không vào thôn cướp bóc, giết hại dân lành? Âu cũng là cái số thẩm ấy đoản mệnh, chàng có thương tiếc hay tự trách thì cũng chẳng thay đổi được, chi bằng hãy tìm bọn ác nhân kia mà báo thù cho đại thẩm!

    Lời nói của nàng làm Văn Tôn tỉnh ngộ, phấn chấn trở lại. Nhưng nghĩ sức mình có hạn, dẫu tìm được bọn chúng đi chăng nữa thì làm được gì? Chỉ tổ nạp mạng cho chúng mà thôi! Rồi lại thở dài chán nản, nói:

    - Ta đến trói gà còn không chặt, thử hỏi biết báo thù cho đại thẩm bằng cách nào?

    Đình Thiên mĩm cười, nói:

    - Chàng an tâm! Ta sẽ giúp cho chàng!

    Văn Tôn nghe nàng gọi "chàng" thì bất giác vui mừng, thầm nghĩ: "Nàng ấy gọi ta là chàng, chẳng phải lạ lắm sao? Hay nàng ấy cũng có tình ý với ta?" Đang nghĩ ngợi lung tung, xuất thần ngẫn ngơ thì nghe Đình Thiên nói tiếp:

    - Bọn đạo tặc này thường cướp bóc trên sông Thu Thủy, chắc rằng xào huyệt của chúng chỉ quanh quẩn gần đó, chúng ta cứ thử đến bến đò Phụng Linh thăm dò, biết đâu nghĩa huynh của chàng cũng đang ở đấy!

    Đình Thiên đột nhiên lại nói năng thân mật, lời lẽ ngọt ngào hơn hẳn lúc trước, Văn Tôn càng lúc càng thấy khó hiểu, cứ đứng thẩn thơ nghĩ ngợi, tâm tư rối bời, sau cùng cũng đoán được sáu, bảy phần tâm ý của nàng. Thấy đang lúc trời tối, đi lại bất tiện, nghĩ nên để sáng mai hẵng xuất phát, y nói:

    - Đúng là cao kiến! Đình Thiên cô nương quả nhiên cơ trí hơn người, nhưng giờ trời đã tối, tại hạ cho rằng đêm nay ta cứ tạm thời ở lại, đợi khi trời sáng sẽ lập tức đến bến đò Phụng Linh!

    Đình Thiên vốn cũng có ý đó, biết y thương thế chưa lành, nơm nớp bất an, nhưng nghĩ phận là nữ nhi, mở miệng bảo y ở lại đây với mình thì còn gì là thể diện? Đang băn khoăn, bỗng nghe y đề nghị như vậy thì không khỏi vui mừng, trong lòng tươi như hoa nở nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra bình thản, gật đầu đáp ứng.

    Nguyên người con trai của đại nương kia đã an táng mẫu thân ngay trong đêm đó, sợ bọn cường đạo lại tìm đến trả thù, sáng sớm hôm sau liền cùng nương tử ẵm hài nhi bỏ đi nơi khác. Trong nhà cũng chẳng có gì quý giá, họ chất hết đồ đạc lên xe rồi kéo đi, cho nên nhà cửa mới trống không như vậy. Đêm nay Đình Thiên, Văn Tôn ở lại, chẳng còn giường chiếu, họ lấy ít rơm trước hè trải giữa nhà nằm ngủ. Văn Tôn ra sân, gom mớ củi còn sót lại mang vào trong, dùng bùi nhùi nhóm một đống lửa nhỏ rồi cùng nhau ngồi xuống sưởi ấm. Chiếu rơm chỉ vừa đủ cho hai người nằm, Đình Thiên lưỡng lự, nếu nằm chung với chàng, có khác gì cả hai ôm lấy nhau mà ngủ? Mặc dù lúc chiều nàng đã nằm trong lòng Văn Tôn rồi thiếp đi, nhưng đó chỉ là nhất thời nảy sinh, không thể cưỡng lại, hơn nữa y cũng đã ngủ say nên không cảm thấy xấu hổ; còn lúc này bốn mắt nhìn nhau, tình ý tràn trề nhưng chưa người nào bày tỏ, nàng càng nghĩ lại càng không biết phải làm như thế nào, thành ra cứ ngồi mãi ngoài đất. Văn Tôn thấy nàng im lặng hồi lâu, biết nàng đang khó xử thì nói:

    - Cô nương cứ nằm xuống ngủ trước đi, ta ngồi đây giữ cho lửa cháy, lát sẽ ngủ sau!

    Đình Thiên biết y nhường cho mình chỗ ấm, còn bản thân thì ngủ ngoài đất, vội nói:

    - Thế chàng định thức cả đêm hay sao? Vết thương của chàng chưa lành, hay là nằm xuống nghỉ ngơi trước đi!

    Văn Tôn chỉ cười không đáp, nghĩ xét về võ công thì y thua nàng, nhưng còn khoản chịu đói chịu rét, đại trượng phu há có thể chịu thua, để nàng coi thường? Nghĩ vậy nên cứ ngồi lì ra đó, làm như chẳng nghe thấy lời của Đình Thiên. Đình Thiên thấy y ngồi lù lù trước mặt, đã nghe nàng nói mà chẳng thèm trả lời thì cả giận, rướn chân đá một cái vào chân y một cái, xong ngoảnh mặt đi chỗ khác, "hứ" một tiếng rồi im lìm.

    Một cước rất nhẹ, nàng dụng lực đến con chó, con mèo nếu trúng phải cũng chẳng hề hấn gì, nhưng Văn Tôn lại tỏ ra đau đớn, kêu la thảm thiết, ôm chằm lấy chân mà khóc, rồi ngã ngửa ra sau, lăn lộn. Nàng lo lắng quá, chẳng kịp nghĩ ngợi, vội nhổm tới định xem thử y bị làm sao, nào ngờ Văn Tôn bất ngờ dang tay ôm lấy nàng, khiến nàng cũng ngã nhào xuống, nằm gọn trên người y. Cái ôm không chặt, nhưng chẳng hiểu sao nàng không thể kháng cự, trong lúc ý loạn tình mê, tứ chi rũ rượi, cứ để cho y mặc sức ôm ấp. Một lúc sau thì mới sực tỉnh, mặt mũi nóng bừng, khe khẽ vùng vẫy, hai tay đấm mà như phủi bụi vào ngực chàng, mắng mà như nói yêu vào tai chàng:

    - Tên tiểu tử thối tha! Dám bày trò lừa bổn cô nương, xem ra ngươi chán sống rồi!

    Văn Tôn liền thơm lên trán nàng một cái, như một tia sét chạy dọc khắp thân thể, Đình Thiên chẳng còn giảy nảy được nữa, toàn thân cứng đơ như bị người ta điểm huyệt, sức lực tiêu tan, ngoan ngoãn nằm im trong vòng tay của chàng.

    Văn Tôn ôm nữ nhân xinh đẹp trong lòng, thỏ thẻ vào tai nàng:

    - Chẳng hay cô nương có còn muốn lấy mạng ta nữa không?

    Đình Thiên đột nhiên gỡ tay chàng ra, ngồi dậy, giận dỗi nói:

    - Chàng còn gọi ta là cô nương? Chàng ôm lấy ta lấy hết lần này đến lần khác, chẳng phải người đời sẽ chê cười ta hay sao? Chàng có lương tâm hay không? Trong thâm tâm, chàng coi ta là gì đây?

    Nói rồi quay mặt đi, mi mắt rung rinh.

    Văn Tôn lúc này đã rõ mươi phần tình ý của nàng thì không khỏi vui sướng, liền ngồi dậy, nắm lấy tay nàng, kéo lại gần, cười, nói:

    - Để không bị người đời chê cười, nàng chỉ còn cách là gả cho ta thôi! Vậy ta nên gọi nàng là nương tử chăng?

    Đoạn ôm nàng vào lòng.

    Đình Thiên chớp chớp đôi mắt nhung huyền, bĩu môi nói:

    - Ai thèm làm nương tử của chàng kia chứ?

    Rồi cười tươi, ngã vào lòng Văn Tôn. Chàng thơm lên mái tóc của nàng, hỏi:

    - Vậy từ giờ ta nên gọi nàng là tiểu nương tử? Hay phải gọi là phu nhân?

    Nàng đấm nhè nhẹ vào ngực y, nói dỗi:

    - Ai là phu nhân của chàng kia chứ! Chàng cứ gọi ta là Thiên nhi được rồi!

    Đêm hôm đó, đôi tình lữ đắm trong sông yêu, ngồi tựa lưng vào vách, âu âu yếm yếm, tâm sự luyên thuyên, nhu tình mật ý tràn đầy, mãi đến tận khuya mới thiếp đi.

    Tiếng gà gáy o o, bên ngoài mặt trời vừa ló lên, Văn Tôn thức dậy, đỡ Đình Thiên nằm xuống chiếu rơm rồi đứng dậy, đi ra ngoài. Y nóng lòng muốn tìm Triệu Hùng, nhưng nhìn Đình Thiên ngủ say, không nỡ đánh thức, bèn tản bộ mấy vòng trong sân. Bỗng thấy sau chuồng ngựa có con thỏ đang thập thò gặm cỏ, y mon men lại gần, chảy vồ tóm lấy nó. Nào ngờ con vật hung hăng, tuy đã bị bắt nhưng vẫn nhe răng cắn vào tay y một cái, máu phụt ra ướt đẫm cả vạt áo. Y trở vào trong, hun lại đống lửa giữa nhà, vặt lông mổ bụng, nướng ngay con vật xấu số vừa bắt được.

    Mùi thịt nướng thơm lừng bay đi khắp nhà, Đình Thiên mơ màng thức dậy. Văn Tôn liền ngắt lấy cái đùi của con thỏ đã chín, là phần ngon nhất, đưa cho nàng. Nhìn thấy chàng quần áo lấm lem, loang lỗ vết máu, mặt mũi nhem nhuốc, bàn tay có hai lỗ nhỏ như vết răng cắn, nàng đoán biết là do con vật kia gây ra. Chỉ một con thỏ nhỏ bé đã khiến chàng khổ sở đến vậy, thử hỏi làm sao an tâm để chàng một mình lang bạt khắp nơi? Nàng đưa tay gạt miếng thịt sang một bên, nói:

    - Ta sẽ dạy chàng công phu nhập môn của nghĩa mẫu, tuy không quá cao siêu tinh diệu nhưng lại dễ dàng nắm bắt, mai này cũng có thể bảo vệ bản thân!

    Văn Tôn biết mình đầu óc chậm chạp, nhớ trước quên sau, đừng nói võ công, chỉ mấy trang kinh thư mà chàng học tới học lui cũng chẳng thể nhớ hết, song cũng không muốn làm nàng buồn lòng, đành gật đầu.

    Đình Thiên kéo tay chàng đi ra trước sân, lấy cây ngọc tiêu giắt trong thắt lưng, thi triển cho chàng xem chín lần chín tám mươi mốt chiêu thức của Nguyệt Lão Kiếm Pháp, võ công bình sinh mà Nguyệt Lão Cô đã truyền dạy cho nàng từ lúc mười tuổi. Nàng múa chậm rãi từng chiêu, từng chiêu một cho chàng tận mục sở thị. Cả thẩy tám mươi mốt kiếm chiêu lần lượt được nàng hiển thị trước mắt, rành rọt rõ ràng, nhưng Văn Tôn chỉ nhìn nhìn ngó ngó, được trước mất sau, thấy trước quên sau, hiển nhiên không nhớ được chiêu nào. Nàng múa xong một lộ kiếm pháp thì mồ hôi rươm rướm, hai má ửng đỏ, quay lại nhìn chàng, hỏi:

    - Chàng đã nhớ được bao nhiêu?

    Văn Tôn ậm ừ không dám trả lời, đưa tay áo lên chặm mồ hôi trên trán cho nàng, ánh mắt rụt rè e sợ. Không ngoài dự tính, Đình Thiên biết chàng chẳng nhớ được gì, song thấy vẻ mặt sợ sệt của chàng thì vừa tức giận, vừa tức cười, miệng mém bật thành tiếng nhưng rồi nín lại, nghĩ "nghiêm sư xuất cao đồ", mình không nghiêm khắc e rằng chàng không chịu cố gắng, nên chỉ lườm chàng một cái. Định diễn lại một lần nữa nhưng biết chàng đầu óc chậm chạp, nhất thời khó có thể nhớ hết, nên quyết định sẽ dạy cho chàng từng chiêu, bao giờ học xong chiêu này mới đổi sang chiêu khác, thế là nàng nói:

    - Chàng hãy nhìn cho kỹ, đây là chiêu Nhất Kiếm Bách Ảnh!

    Tay phải chĩa tiêu về phía trước, chân phải khuỵu xuống, chân trái duỗi thẳng ra sau. Cổ tay hơi động, rồi đầu tiêu xoay tít, càng lúc càng nhanh, vẽ thành một vòng tròn trước mặt. Cây tiêu trong tay chuyển động phiêu dật, lúc ẩn lúc hiện, khi trên khi dưới, sang tả sang hữu, tựa hồ có hàng trăm cây tiêu đang hợp lại thành vòng tròn, rồi trong chớp nhoáng, đột ngột đâm tới, vô hướng bất định, đối phương nếu trúng chiêu này thật khó đoán biết vị trí công kích, khó bề chống đỡ.

    Đoạn quay sang nhìn Văn Tôn, hỏi:

    - Chàng đã nhìn rõ chưa?

    Văn Tôn gật đầu, nàng liền nhặt que củi dưới đất đưa cho y, hất hàm một cái, ý bảo hãy ra múa lại chiêu vừa rồi cho mình xem. Y cầm lấy cành cây, lúng ta lúng túng. Thực ra y sợ nàng nổi giận nên mới gật đầu, chứ nhớ thì chưa được phân nửa, lại không biết làm sao thoái thác, đành nhắm mắt quơ đại cho xong. Tay phải xoay xoay cành cây mấy vòng, chân phải khuỵu xuống, chân trái nhấc lên, vừa mới duỗi ra thì đột nhiên mất thăng bằng, ngã nhào tới trước. Đình Thiên thấy chàng tay chân vụng về, vừa diễn đã bại thì hai hàng mày liễu nhíu lại, nghiêm giọng nói:

    - Chàng làm lại một lần nữa cho ta xem, làm không được sẽ bị đòn!

    Văn Tôn thấy nàng nghiêm khắc hơn thì cũng hơi sợ, vội vàng đứng dậy, phủi phủi bụi đất trên người rồi tập trung múa lại một lần nữa. Nhưng vẻ giận dữ của nàng càng làm y luống cuống hơn, tay run chân rét, múa may loạn hết lên, không ra một chiêu một thế nào cả. Đình Thiên ngó thấy bộ dạng đó thì không nhịn được nữa, bật lên cười khúc khích, rồi chuyển giận thành vui, nói:

    - Luyện võ là chuyện cả đời, chàng không được nản lòng, cũng không cần phải vội. Còn trước mắt, chúng mình hãy đến bến đò Phụng Linh.

    Rồi lấy khăn tay lau mồ hôi đang nhễ nhại trên trán của chàng, mĩm cười, nhìn chàng bằng ánh mắt thiết tha quan hoài, tràn đầy tình ý. Lát sau, hai người lên ngựa, rời khỏi Thuận Gia thôn.
     
    Phan Kim TiênChiên Min's thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng một 2020
  2. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Chương XI: Thất Tinh Trận Đồ

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Văn Tôn, Đình Thiên tới bến đò Phụng Linh vào giờ Thìn. Đôi bờ sông Thu Thủy vắng vẻ tiêu điều, sóng gợn gió thoảng, chẳng khác lúc Văn, Triệu hai người đến đây vào mấy hôm trước là bao. Họ ngồi dưới một gốc thùy dương, vừa trò chuyện vừa nhìn ngó xung quanh, đợi có ai ngang qua sẽ dò hỏi hành tung đám cường đạo và Triệu Hùng. Văn Tôn nhìn ra giữa dòng, thấy sóng nước nhấp nhô, dưới ánh mặt trời như muôn vàn con rắn nhỏ uốn lượn, y đưa mấy đầu ngón tay lên đếm, nhẩm ra mình đã phiêu bạt khắp nơi, mới đó cũng hơn hai tháng ròng, bỗng nhớ đến song thân ở quê nhà Long Hạ. Đình Thiên thấy y thần tình ngẩn ngơ, mặt buồn rười rượi, biết y lo lắng cho nghĩa huynh nên cầm lấy tay y, nói những lời chân tình động viên. Mặc dù nàng chỉ đoán đúng nửa bầu tâm sự, nhưng Văn Tôn cũng cảm thấy được an ủi, âu yếm nhìn nàng, ánh nhìn thiết tha trìu mến.

    Bến Phụng Linh từ khi có lũ cường đạo tác quái, thôn dân trong vùng chẳng ai dám lai vãng đến, họ ngồi đó hơn một canh giờ cũng không bắt gặp người nào đi qua để hỏi chuyện. Văn Tôn thấp thỏm, đứng ngồi không yên, liền nhảy lên ngựa chạy một vòng tìm kiếm, nhưng quanh đây thủy chung không một bóng người, thì rầu rĩ quay trở lại. Đình Thiên trông vẻ thất vọng đó, đoán biết phần nào nguyên căn, cứ ngồi lì ở đây chờ đợi, e là cũng không thu thập được gì. Mặt trời đã lên cao quá đầu, nắng mỗi lúc một gắt, nàng nói:

    - Lũ cường đạo đến giờ vẫn mất tăm mất dạng, có khi đã bị nghĩa huynh của chàng giết hết rồi cũng nên. Võ công huynh ấy cao cường như vậy, mười mấy tên tôm tép đó làm sao địch nổi. Chúng mình cứ tìm một chỗ nào đó ăn trưa trước đã, rồi lại tiếp tục thám thính tình hình, chàng thấy như vậy có được chăng?

    Văn Tôn nghe lời nàng nói thật chí phải, nghĩ lại thì Triệu Hùng võ công thuộc vào hàng cao thủ đương thời, một mình một ngựa tung hoành khắp, đám cường đạo kia lại là thủ hạ bại tướng của y, nên cũng bớt âu lo. Vậy là tươi cười trở lại, gật đầu đồng ý.

    Hai người tìm được một thực quán nhỏ, gọi cơm trắng, mấy món ăn nhẹ, tiện thể tránh cái nắng như thiêu như đốt đầu giờ Tỵ. Thực quán vắng khách, bàn ghế cũ kỹ, chỉ có ba hán tử đang ngồi ăn uống ở bàn bên cạnh, tiểu nhị chốc lát đã mang thức ăn ra tới. Họ vừa ăn vừa trò chuyện với nhau, bỗng nghe một trong ba hán tử ở bàn bên cạnh hồ hởi nói:

    - Các ngươi đã hay biết gì chưa? Đêm qua, ngoài bãi tha ma ở Ninh Nhơn thôn xảy ra một trận hỗn chiến, nghe nói một vị đại hiệp nào đó đã đánh nhau ác liệt với đám cường đạo!

    Một người khác tiếp lời:

    - Ta có biết, nghe người ta đồn đại, người đó là Nhất Đao Đoạt Mạng gì gì đấy, còn bọn kia chính là cường đạo Nam Giang, nghe đâu ác đấu dữ dội, đôi bên đều bị thương!

    Vừa nghe bốn chữ "Nhất Đao Đoạt Mạng", Văn Tôn cả mừng, biết chắc người đó chính là Triệu Hùng, nào ngờ lại nghe "đôi bên đều bị thương", vừa vui mừng đã chuyển sang kinh sợ, hoang mang vô tả, liền bước đến bên cạnh ba người thực khách đó, chắp tay, hỏi:

    - Xin hỏi các vị huynh đài, đao khách đó thương tích ra sao? Hiện giờ đang ở đâu?

    Người vừa nói lúc nãy đáp:

    - Tại hạ cũng không rõ, chỉ nghe nói người đó đã chạy về hướng tây!

    Hai người còn lại thấy Văn Tôn thần sắc khác lạ, có vẻ bất an, quan hoài đến người kia như vậy thì định mở miệng nói gì đó, nhưng y đã vội vã cúi chào rồi quay trở về bàn của mình, nên thôi không nói nữa.

    Văn Tôn ngồi xuống với Đình Thiên nhưng không nói câu nào, sắc diện nhợt nhạt, thần trí ngẩn ngơ như người mất hồn. Đình Thiên vừa rồi cũng nghe được lời nói của người kia, biết y đang lo lắng cho Triệu Hùng, liền nói:

    - Từ thôn Ninh Nhơn chạy về hướng tây chính là Thuận Gia thôn, có lẽ nghĩa huynh của chàng đã quay lại căn nhà của đại nương, chúng mình hãy lập tức đến đó!

    Văn Tôn vui mừng không biết để đâu cho hết, như người vừa chết đi sống lại, vội đứng lên, nắm tay nàng chạy đến chỗ hai con ngựa đang cột, quên cả việc trả tiền thức ăn. Tiểu nhị sợ ông chủ trách phạt, í ới chạy theo, luôn miệng đòi ngân lượng nhưng hai người đã cách một đoạn khá xa, sau cùng đành đứng chửi với theo cho thỏa cơn tức, mặc kệ họ có nghe thấy hay không. Văn Tôn ngồi trên lưng con hắc mã, chỉ nghe gió thổi ù ù bên tai, cây cối ven đường vùn vụt trôi qua, sỏi bụi đất đá tung lên mù mịt, mắt nhìn thẳng về hướng Thuận Gia thôn, trong lòng phấn khởi vô cùng.

    Nguyên Triệu Hùng tối hôm đó đuổi theo lũ cường đạo từ nhà của đại nương kia ra khỏi Thuận Gia thôn, vì không thông thạo đường lớn ngõ nhỏ, đến nửa đêm hôm sau mới bắt kịp bọn chúng tại thôn Ninh Nhơn. Nhưng bọn người này vẫn ngoan cường trốn chạy, lộ cái trong thôn lại nhỏ hẹp, chúng vừa chạy vừa hất đổ mọi thứ hai bên mà chúng có thể với tới, tạo thành các chướng ngại trên đường khiến Triệu Hùng càng khó đuổi theo hơn. Đến tận bãi tha ma cuối thôn, ngựa của đôi bên đều chùn chân mỏi vó, chúng mới chịu dừng lại. Biết dẫu có chạy đến chân trời góc bể, y cũng không buông tha, thế là cùng xuống ngựa, quyết một trận sinh tử.

    Hơn mười tên liền chạy thành vòng tròn, dồn Triệu Hùng vào giữa, binh khí tua tủa chĩa ra, miệng hô vang một tiếng "Sát". Mấy con ngựa hoảng sợ, hý vang liên hồi, náo động cả bãi tha ma hoang vắng, rồi tung vó chạy đi, mất hút vào bóng đêm. Tối qua chúng đã tận mắt chứng kiến bản sự của Triệu Hùng, một mình y tả xung hữu đột, khiến thủ lĩnh bàn tay phải đứt lìa, còn bản thân tên nào cũng thụ thương không nhẹ, nên chưa hết kinh sợ, nhất thời không dám manh động, cả đám đứng im, đưa mắt thăm dò đối phương. Triệu Hùng rút đao ra khỏi vỏ, quyết ý sẽ không để một tên nào trong đám hung ác tham tàn này sống xót. Liền dương đao lên, dụng chiêu Long Đao Loạn Trảm. Nào ngờ chiêu thức tinh diệu đó Triệu Hùng đã sử tối qua, chúng vẫn còn nhớ như in, bây giờ thấy y định thi triển một lần nữa, thì không hẹn mà cùng nhảy lùi ra sau năm bước, tránh để y một chiêu đả thương cả bọn.

    Đột nhiên một tên trong đám la to:

    - Bố trận!

    Cả bọn lập tức lại di chuyển theo hình tròn, cước lực tên nào tên nấy nhanh nhẹn dị thường, động tác đồng đều răm rắp, chốc chốc đã chia thành từng đôi đứng ngay ngắn vững vàng. Hôm đó ở sông Thu Thủy, chúng lướt đi trên mặt nước một cách dễ dàng, đủ biết khinh công lợi hại đến mức nào, Triệu Hùng cũng tự nhủ bản thân không sao bì kịp.

    Lúc này, cả thảy là mười bốn tên đã chia thành bảy cặp, mỗi cặp hai người, tạo thành trận thế hình tròn. Triệu Hùng nhận thấy thế trận của chúng có chút kỳ quái, nhưng lại chặt chẽ nghiêm mật. Với cách bố trận như thế này, tả công thì hữu thủ, trước tiến thì sau lùi, tạo thành một vòng vây công thủ toàn diện, không có chỗ hở, xem ra đã được luyện tập nhuần nhuyễn. Trước mắt chỉ còn cách dồn toàn lực chống đỡ, quan sát tình thế, dần dần mới tìm cách hóa giải.

    Bỗng có tiếng quát:

    - Khai trận!

    Hai tên trước mặt Triệu Hùng bất ngờ cùng sấn tới, một tên đơn đao chém ngang sườn trái, tên còn lại trường kiếm đâm thẳng trước ngực. Đọ khinh công, đôi bên coi như chưa biết cao thấp ra sao, nhưng về gia số võ công, căn tu nội lực Triệu Hùng đều hơn hẳn, y nhẹ nhàng vọt người lên cao né tránh. Đơn đao trường kiếm bỗng dưng đâm chém vào khoảng không, khiến hai tên đó theo đà chúi về phía trước, lảo đảo, phải cố giữ vững hạ bộ mới không bị ngã sấp xuống, rồi nhanh chóng lùi lại vị trí ban đầu. Triệu Hùng chân vừa chạm đất, hai tên phía sau lại ào lên tấn công, hai thanh loan đao chém ngang tả hữu, hai đạo bạch quang loang loáng lóe lên trong đêm. Phong âm vừa mới phát ra sau lưng, Triệu Hùng đã biết kẻ địch công kích, liền chống đoản đao xuống đất, hơi khom tới trước, hai lưỡi đao sượt qua lưng trong gang tấc, hai tên này cũng theo đà mà bổ nhào tới trước. Triệu Hùng nhanh như chớp đánh, không đợi cho chúng lấy thăng bằng, tay trái xuất liền hai chưởng, hai tên này lập tức ngã đập mặt xuống đất, nhưng trong chốc lát đã gắng gượng bò dậy, chạy về vị trí cũ. Liền sau đó là hai tên hướng tây nam, tiếp đến là hai tên bên phía đông bắc, rồi cặp ở góc đông nam, tới đôi ở bên tây bắc lần lượt lao vào, tuy nhiên vẫn không cách nào áp đảo được Triệu Hùng. Chúng luân phiên hợp kích, hết cặp này đến cặp khác, đao đâm kiếm chém, trước sau trái phải, khi nhanh khi chậm, lúc tiến lúc thoái, suốt một canh giờ mà vẫn chưa bên nào chiếm được thế thượng phong.

    Triệu Hùng nhìn rõ thế trận của chúng không quá biến ảo, tưởng chừng có thể hóa giải một cách dễ dàng nhưng thực ra lại có chỗ kỳ diệu mà y không sao hiểu được. Mười bốn tên này ít nhiều đều đã thụ thương, nhưng vẫn phối hợp nhuần nhuyễn, công thủ tương trợ lẫn nhau. Lúc hai tên lao vào tấn công, mười hai tên còn lại chỉ tập trung phòng thủ, điều hòa chân khí, sức lực vì thế không tiêu hao là mấy. Còn bản thân y phải liên tục chống đỡ, trước chưởng sau quyền, dẫu nội công có cao đến mấy cũng khó tránh sức tận lực kiệt. Mãnh hổ nan địch quần hồ, cứ tiếp tục như vậy chẳng khác nào y đơn thương độc mã chống chọi với trăm binh ngàn lính, nghĩ kẻ đã lập ra trận pháp này thực chẳng phải hạng tầm thường, Triệu Hùng trong lòng thầm thán phục.

    Bình minh vừa rạng trên bãi tha ma lạnh lẽo, gió bấc thổi từng cơn, giấy tiền vàng mã bay phất phơ, mùi tử thi bốc lên nồng nặc, tiếng binh khí va nhau, tiếng hò hét của mười bốn tên cường đạo vang lên không ngớt, huyên náo cả một góc trời. Đã gần hai canh giờ ác đấu, Triệu Hùng dần dần núng thế, thầm nghĩ: "Nếu ta không tìm ra cách phá trận, chẳng mấy chốc sẽ rơi vào tình thế bất lợi, lúc ấy thì nguy mất!" Nghĩ đoạn liền bật người, nhảy vọt lên cao hơn hai trượng, phóng tầm mắt nhìn quanh. Trong trận pháp hình tròn, y nhận thấy có sáu cặp luôn đứng ở một vị trí nhất định, giữ vững khoảng cách với hai cặp kế bên, sáu cặp này hỗ trợ chặt chẽ cho nhau. Duy chỉ có một cặp là liên tục di chuyển, chợt tới chợt lùi, chợt vào chợt ra, khi đông khi tây, khi nam khi bắc, lúc tấn công thì được bốn tên phía sau yểm trợ nghiêm mật, lúc phòng thủ lại có bốn tên khác xông lên hợp sức, cơ hồ giữ vị trí chủ mệnh. Triệu Hùng chợt nhớ lại, trước đây y từng nghe một vị tiền bối võ lâm nói qua về trận pháp như thế này, gọi là Thất Tinh Trận Đồ. Thất Tinh Trận Đồ gồm có sáu cặp đóng vai trò hộ chủ, lần lượt là: Lục Tự Đại Minh, Chiêu Tài Tấn Bửu, Thăng Quan Tiến Chức, Nhập Hành Cung Phúc, Phúc Thọ Vượng Tăng, Thân Mệnh Tiến Tăng. Hai tên liên tục di chuyển bên trong, giữ vai mệnh chủ, gọi là Tôn Tử Hưng Phát.

    Cặp Tôn Tử Hưng Phát tuy là vị trí chủ chốt, có thể coi là yếu quyết trong Thất Tinh Trận đồ, được sáu cặp kia yểm trợ kì toàn, song thực chất võ công chẳng cao hơn những tên còn lại là bao. Công phu thô thiển, nội lực sơ sài, phải liên tục di chuyển gần hai canh giờ để giữ vững trận pháp, hai tên đó bấy giờ đã thấm mệt, sắc diện đại biến, tinh thần hoảng loạng. Triệu Hùng biết muốn phá vỡ Thất Tinh Trận Đồ thì nhất định phải đánh gục hai tên này trước, nhân lúc chúng đang rối loạn, liền bay người về phía cặp Tôn Tử Hưng Phát, dụng chiêu Tàn Đao Ảo Ảnh. Hai cặp Nhập Hành Cung Phúc và Phúc Thọ Vượng Tăng ở sau, thấy vậy liền đồng loạt nhảy tới, sáu người hợp thành một hàng ngang, đao kiếm đưa ra ứng chiến. Đoản đao của Triệu Hùng đang chém ngang tới cặp Tôn Tử Hưng Phát, sáu tên đều đưa binh khí lên chống đỡ, nào ngờ Triệu Hùng biến chiêu thật nhanh, lưỡi đao đang chém ngang bỗng phạt dọc xuống ngay giữa hai tên Tôn Tử Hưng Phát, hai tên này cả kinh, liền nhảy tránh ra hai bên. Triệu Hùng lại biến chiêu một lần nữa, chém ngang tả hữu, lưỡi đao chém vào tên bên trái, sống đao phát vào tên bên phải, hai tên này không ngờ Triệu Hùng hai lần biến chiêu chóng vánh như vậy, nào kịp chống đỡ, lãnh trọn nhát chém vào be sườn, máu tuôn ra như thác, gục xuống tại chỗ.

    Thất Tinh Trận Đồ thiếu đi hai người, cặp Chiêu Tài Tấn Bửu liền thay vào vị trí Tôn Tử Hưng Phát. Thất Tinh lúc này chỉ còn lại Lục Tinh, tuy vẫn giữ được trận pháp, nhưng sự chặt chẽ không còn, lợi hại đã giảm đi phân nửa. Cả bọn bắt đầu hoảng loạn, di chuyển tứ tán, khi thành trận thế hình vuông, khi lại thành hình ngũ giác, không khác gì đàn ong vỡ tổ, lao nhao lố nhố, mất hết khí thế.

    Triệu Hùng vung đao tấn công hai tên Lục Tự Đại Minh, hai tên Thăng Quang Tiến Chức liền nhào tới yểm trợ, lúc này lý ra cặp Thân Mệnh Tiến Tăng bên cạnh phải hợp lực để tạo thành hàng ngang sáu người, nhưng chúng vẫn chôn chân tại chỗ, bởi nếu nhảy vào yểm trợ cặp Lục Tự Đại Minh thì hai tên Phúc Thọ Vượng Tăng sẽ rơi vào nguy khốn, đối phương mà đánh vào vị trí đó, thế trận lập tức tan vỡ, thật là tiến thoái lưỡng nan. Hai tên Thân Mệnh Tiến Tăng còn mãi do dự thì đao của Triều Hùng đã chém ngang tới bốn tên Lục Tự Đại Minh và Thăng Quan Tiến Chức, chúng sợ y lại biến chiêu như lần trước, không đưa binh khí lên chống đỡ mà nhảy lùi ra sau hai bước tránh đi. Triệu Hùng đột nhiên thi triển thân pháp, cước bộ gia tăng thần tốc, nhanh như sấm chớp, lao tới phía trước, lưỡi đao nhằm thẳng bụng dưới của bốn tên, thế đến như chẻ tre. Bốn tên này thấy đường đao dũng mãnh cường kình, uy lực kinh thiên, không dám dùng khinh công để lùi ra sau né tránh nữa, vội đưa binh khí lên che chắn chỗ hiểm yếu. "Keeng" một tiếng, nhất đao tứ kiếm chạm nhau, lóe lên mấy tia lửa, cả bốn tên đều cảm thấy cánh tay tê dại bì bì, toàn thân chấn động, rồi đột nhiên trước ngực có một luồng kình phong ào tới, tả chưởng của Triệu Hùng nhanh như chớp đã đặt lên ngực. Tay phải chém ngang đoản đao, tay trái xuất chưởng lần lượt lên ngực từng tên, cả thảy năm động tác đều diễn ra trong chớp mắt, bốn tên này chỉ kịp đỡ lấy lộ đao pháp của Triệu Hùng, chưa kịp trông thấy chưởng lực từ tay trái của y thì đã cảm thấy trước ngực nóng ran như lửa đốt, tim gan phèo phổi đều dập nát, văng ra sau cả trượng, miệng hộc ra mấy ngụm máu tươi, chết ngay tức khắc.

    Tám tên còn lại kinh hãi tột độ, đứng chôn chân tại chỗ, Thất Tinh Trận Đồ bấy giờ đã tan vỡ hoàn toàn. Ngay cả trận pháp lợi hại nhất cũng bị Triệu Hùng phá giải, biết phen này thập tử nhất sinh, khó bề trốn thoát, chỉ còn nước thí mạng. Chúng điên cuồng lao vào đâm chém loạn xạ, la hét inh ỏi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng một 2020
  3. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Chương XII: Trở Về Phương Bắc

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Triệu Hùng ban đầu tưởng rằng nắm chắc phần thắng, nào ngờ chúng lại bố trận tinh vi, khiến y phải vất vả chống đỡ suốt hai canh giờ liền. Lúc này trận pháp đã vỡ, chúng đành cố sức hợp kích, nhưng sau một quãng thời gian tham chiến đều mệt lã, thần suy lực kiệt, mọi đòn mọi thế tung ra chỉ là hữu chiêu vô lực. Triệu Hùng bật người lên, đạp vào vai một tên trước mặt, nhảy vù ra sau, mớ binh khí chỉ quơ quào hỗn loạn trong khoảng không. Thấy đối phương đã thoát khỏi tầm công kích, chúng lại hùa nhau chạy về phía y, bủa vây tứ phía, như một bầy sói hung hãn dồn con mồi vào giữa. Tình thế tưởng chừng nguy ngập, thực ra lại nằm trong dự liệu của Triệu Hùng. Tám tên vừa vung binh khí lên, chưa kịp chém xuống, Triệu Hùng đã sử chiêu Long Đao Loạn Trảm, chỉ nghe vài tên hét lên như lợn bị chọc tiết, rồi cả bọn đều lũ lượt ngã rạp xuống đất. Lúc ở Thuận Gia thôn, y muốn chúng thấy sai mà quay đầu, nên hạ thủ lưu tình, chỉ dùng có năm thành công lực, cho nên chúng mới còn mạng mà chạy tới đây; bây giờ đã rõ những kẻ này đến chết vẫn chấp mê bất ngộ, bèn hạ đòn sát thủ, dụng hết mười thành công lực, thử hỏi làm sao có tên nào sống nổi.

    Triệu Hùng nhìn mười bốn tên ác nhân chết ngổn ngang trước mắt, phơi xác chốn hoang sơn, chợt nghĩ đến cái đạo của người học võ, thân mang kỹ nghệ mà chỉ biết làm điều sai quấy, cậy thế hiếp cô, kết cục thật là thảm não. Y thở dài ngao ngán, nhảy lên ngựa, chạy về Thuận Gia thôn.

    Tới một con suối nhỏ, Triệu Hùng gò cương, nhảy xuống ngựa, vục một ngụm nước dưới suối mà uống. Con bạch mã chạy suốt mấy ngày đêm, mỏi chân rã vó, đứng gặm mấy ngọn cỏ non bên vệ đường, bỗng có con bồ câu từ đâu sà xuống, đáp trên lưng nó. Triệu Hùng nhận ra con bồ câu của phái Tiêu Kiếm, bởi trên cánh của nó có một chữ "Tâm" được viết lên bằng mực đỏ. Bình thời, sư phụ Triệu Hùng luôn nhắc nhở chúng đệ tử phải hành thiện hiệp nghĩa, coi ác như thù, tâm trong như nước, thanh tịnh như mây, bởi trăm điều thiện ác trong thiên hạ đều từ chữ tâm mà ra, chúng đệ tử ai ai cũng ghi nhớ điều này.

    Biết sư môn có chuyện khẩn nên mới vạn lý truyền tin, Triệu Hùng vội lấy cái ống nhỏ dưới chân nó, lôi mẩu giấy bên trong ra đọc. Chính là bút tích của Lâm Thiên Sự, trong thư viết: "Môn hộ đại biến, thỉnh cầu đại sư huynh mau chóng quay về". Lâm Thiên Sự tính tình ổn trọng, hành sự chu toàn, mọi việc lớn nhỏ trong phái xưa nay y đều xử trí ổn thỏa, hiếm khi xảy ra sơ sót, bây giờ lại khẩn cấp truyền thư, Triệu Hùng tuy chưa biết là chuyện gì, nhưng nghĩ tất phải cực kỳ quan trọng.

    Về tới trước nhà của vị đại nương hôm nọ, thấy cửa mở toang, song trước sau thủy chung không một bóng người. Triệu Hùng liền chạy vào trong tìm Văn Tôn nhưng nào có thấy ai, hơn nữa những vật dụng thiết yếu như bàn ghế, quần áo cũng không còn, hoàn toàn trống trải, chẳng khác nào một căn nhà hoang thì hết sức kinh hãi. Chợt thấy giữa nhà có đống tro, y lại gần, đặt tay lên thì vẫn còn ấm nên đoán là mọi người chỉ vừa mới ra ngoài, vội chạy đi tìm Văn Tôn.

    Tối đó, sau khi thấy tên đầu lĩnh bị thương, y cứ đinh ninh rằng hắn không thể hại ai được nữa, mới đuổi theo đám lâu la ra khỏi Thuận Gia thôn mà chẳng hề do dự. Cho nên việc đại nương kia bị hắn sát hại, rồi Văn Tôn cũng bị hắn đánh cho sống dở chết dở, người con trai vì sợ thuộc hạ của hắn quay lại báo thù, đã dẫn thê tử và hài nhi bỏ đi nơi khác, tất cả những chuyện đó y đều không hề hay biết. Bây giờ trở lại, thấy nhà cửa trống không cũng lấy làm kinh ngạc, nhưng đang lúc tình thế cấp bách, cho nên không còn đầu óc đâu mà suy nghĩ tới, chỉ đoán là gia cảnh họ khó khăn nên đã bán hết đồ đạc đi.

    Đang định nhảy lên ngựa tìm Văn Tôn, y lại chợt nghĩ: "Nghĩa đệ không biết võ công, nay sư môn xảy ra biến cố gì còn chưa rõ, họa phước khó lường, nếu để nghĩa đệ đi cùng, chẳng may liên lụy, ta biết phải ăn nói với phụ mẫu của đệ ấy như thế nào?" Nghĩ vậy, y liền quay vào trong, nhặt một cục than dưới đất, viết lên vách vài chữ rồi lập tức về Bắc Giang.

    Văn Tôn từ bến Phụng Linh trở về, nghĩ tới huynh đệ tương phùng thì phấn khởi lắm. Ngờ đâu về đến trước cửa vẫn không thấy bóng dáng Triệu Hùng đâu cả, không khỏi không hụt hẫng. Y xuống ngựa, thở dài, nói với Đình Thiên:

    - Vị đại huynh ở thực quán nói nghĩa huynh của ta đêm qua bị thương, đã chạy về hướng tây, chẳng phải là Thuận Gia thôn hay sao? Lý ra giờ này phải ở đây rồi, vậy mà chẳng thấy tăm hơi, xem ra lành ít dữ nhiều.

    Nói rồi lại thở dài não nuột, mặt mày ủ dột.

    Nguyên lai đêm hôm trước Triệu Hùng đuổi bắt đám cường đạo, không ít người dân ở Ninh Nhơn thôn trông thấy, nhưng đến tận bãi tha ma ngoài thôn thì đôi bên mới xuống ngựa giao chiến, hiển nhiên là chẳng ai muốn rước họa vào thân, làm sao dám bám theo để tận mục sở thị. Mãi đến khi trời sáng, có người nhìn thấy Triệu Hùng cưỡi ngựa chạy về hướng tây, biết là hỗn chiến đã tàn, mọi người trong thôn mới kéo nhau ra hiện trường nghe ngóng. Thấy mười bốn tử thi nằm la liệt dưới đất, da thịt nát tươm, mùi tanh tửi bốc lên nồng nặc, mấy con quạ gần đó đang bâu lại rỉa xác. Lại thấy trên binh khí của vài tên còn dính máu, đông thành cục đỏ sẫm, họ mới đoán là người giao đấu với bọn chúng cũng đã bị thương, chứ nào tận mắt chứng kiến. Nguyên do là trước đó đã có bầy sói hoang kéo tới ăn thịt tử thi, tranh giành cắn xé làm cho máu tươi vương vãi khắp nơi, văng lên cả mấy thứ binh khí bên cạnh. Cho nên, lời của mấy tên ở thực quán nói có năm phần là hư, năm phần là thực. Việc Triệu Hùng đánh bại bọn cường đạo rồi chạy về hướng tây là thực, còn việc y bị thương trong lúc giao chiến chỉ là hư. Lúc Triệu Hùng về đến Thuận Gia thôn, Văn Tôn và Đình Thiên còn đang ở bến đò Phụng Linh, giờ hai người trở lại, Triệu Hùng đã đi khỏi hơn một canh giờ. Văn Tôn không thấy nghĩa huynh, tưởng y bị thương chưa thể quay lại, cho nên trong lòng lo lắng vô tả.

    Đình Thiên cũng xuống ngựa, thấy chàng lo lắng, song chưa biết phải dùng lời lẽ gì để trấn an, đành đi vào trong quét dọn. Bất chợt nàng réo lên, gọi Văn Tôn vào, thì ra nàng nhìn thấy dòng chữ mà Triệu Hùng để lại. Văn Tôn lẩm nhẩm mấy chữ ghi trên vách: "Sư môn có biến, tình thế cấp bách, không thể chờ hiền đệ cùng lên đường, đợi ta lo liệu xong mọi việc sẽ gặp nhau ở bến đò Phụng Linh, Triệu Hùng đề bút". Biết nghĩa huynh đã bình an vô sự, tinh thần trấn tĩnh trở lại, song trong dạ còn phân vân, y quay sang hỏi Đình Thiên:

    - Theo nàng thì bây giờ ta phải làm sao? Ta nên đợi ở đây, hay là đến Bắc Giang tìm huynh ấy?

    Đình Thiên nghĩ ngợi một lúc rồi nói:

    - Huynh ấy bảo xong việc sẽ gặp nhau ở bến đò Phụng Linh, chắc hẳn đã suy tính cả rồi, chàng nên đợi ở đây thì hơn, tránh khi huynh ấy quay lại lại không gặp được. Giang hồ cũng có quy củ của giang hồ, nội bộ các môn các phái, người ngoài không thể can thiệp được đâu!

    Văn Tôn nghe nàng nói vậy, chẳng nghĩ ngợi gì thêm, mĩm cười, nói:

    - Trong lúc đợi huynh ấy quay lại, nàng sẽ ở đây cùng ta chứ?

    Đình Thiên bỗng dưng mặt hơi đỏ, ánh mắt đong đưa, hai tay vân vê tóc mai, nói:

    - Người ta lặn lội theo chàng đến tận đây, đã mặc kệ thiên hạ đàm tiếu, lý nào lại bỏ đi vào lúc này!

    Rồi quay đi chỗ khác, gò má ửng hồng, không giấu được vẻ xấu hổ.

    Văn Tôn biết nàng một lòng một dạ đối với mình, nghĩa nặng tình thâm thì trong lòng cảm động lắm, liền kéo nàng lại gần, thơm lên trán nàng. Hai người ngồi xuống, vai kề vai, trò chuyện một hồi lâu.

    Đến khi mặt trời dần lặn xuống, bên ngoài chập choạng tối, Văn Tôn đứng dậy, nói:

    - Để ta ra ngoài kiếm cái gì về ăn, nàng đợi ta nhé!

    Rồi nhanh chân bước đi. Y loanh quanh trong thôn một hồi, nghĩ sáng nay mới bắt được một con thỏ, cũng không khó khăn gì mấy, thể nào chẳng có vài con khác lởn vởn gần đây. Nào ngờ đi mãi mà chẳng tìm được gì, đến gần hết con lộ lớn mới giật mình nhìn quanh. Lúc này trời đã tối mịt, vắng người qua lại, nghe xa xa có tiếng quạ kêu thật thê lương ai oán, y sợ quá, mới tất tả quay đầu đi về. Y vừa kinh hãi vừa buồn bã, nghĩ: "Đến một bữa ăn mà ta cũng không lo được cho nàng, thì mai này biết làm nên trò trống gì? Vậy nàng có chê cười ta chăng?" Càng nghĩ càng thêm chán nản, y mặc kệ mọi thứ xung quanh, chân cứ bước đi vô định cho đến khi về đến trước cửa.

    Bên trong, Đình Thiên đã nhóm lại đống lửa, nghe có mùi thơm tỏa ra, hình như nàng đang nướng thứ gì đó. Văn Tôn bước vào, sững sờ khi thấy trên tay nàng cầm một xâu thịt nướng, thơm nứt cả mũi. Y ra ngoài tìm mỏi cả mắt nhưng không kiếm được gì, trong khi nàng chỉ ngồi đây mà vẫn có được đồ ăn ngon lành, thì trong lòng thán phục lắm, liền hỏi:

    - Ta đi suốt một buổi cũng chẳng tìm thấy con thú nào, nàng lấy đâu ra xâu thịt nướng này vậy?

    Đình Thiên nhìn y, ánh mắt tinh nghịch, mĩm cười nói:

    - Ta nghe sau nhà có tiếng chim, biết Nam Giang khí hậu mát mẻ, chim muôn thường kéo về đây làm tổ, ngày bay đi kiếm ăn, tối lại về tổ ngủ. Quả nhiên, có cả một đàn sẻ đậu lúc nhúc trên ngọn mận ngoài sau, nên đành hóa kiếp cho chúng vậy!

    Rồi vẫy vẫy tay với Văn Tôn, nói tiếp:

    - Chàng lại đây ăn đi, chín hết rồi này!

    Ăn tối xong xuôi, Văn Tôn lấy thêm một ít rơm, trải thành tấm thảm lớn, hai người chia nhau nằm ra hai bên mà ngủ. Mấy hôm nay cứ chạy tới chạy lui khắp nơi, ai nấy cũng đều mệt lã, hai người chỉ nhìn nhau cười rồi chẳng mấy đã chốc chìm vào giấc mộng.

    Sáng hôm sau, Đình Thiên lại gọi Văn Tôn ra trước sân luyện kiếm. Nàng thị phạm một lượt, sau đó Văn Tôn luyện theo, kết quả cũng không khả quan hơn lần trước là mấy. Nhưng nàng hết mực yêu thương y, không lấy đó làm giận, y sai ở đâu, nàng lại tận tâm chỉ bảo ở đấy, từ tư thế ra sao, dụng lực như nào, đến xuất chiêu nhanh chậm, tiến thoái lúc đối địch, nàng đều tỉ mỉ giảng giải từng chút một. Ngày qua ngày, nàng vừa là một người tình lữ, vừa là nhất đấng minh sư, chăm chút cho y từ bữa ăn đến giấc ngủ, từ luyện kiếm đến tập quyền, chẳng mấy chốc mà hai người đã như một đôi uyên ương hồ điệp, luyến ái thâm trọng, quấn quýt như hình với bóng, sớm tối bên nhau, một bước không rời.

    Những ngày đầu đông, trời Nam Giang se lạnh, muôn vàn bông tuyết trắng rơi lả tả bên ngoài. Đến nay đã hơn ba tháng kể từ ngày Triệu Hùng rời đi, Văn Tôn luyện võ cùng Đình Thiên cũng có chút thành tựu. Nguyệt Lão kiếm pháp xem như đã luyện hơn một nửa, tuy còn nhiều chỗ tinh diệu biến hóa mà chàng chưa thể sở ngộ, nhưng cũng đủ để đối phó với một vài tên cường đạo gian ác, hay chí ít cũng giữ được tính mạng. Hôm nay tuyết rơi thật dày, ban đầu chỉ là những bông li ti như hạt cát, lúc sau thì lớn hơn một chút, như những con muỗi vo ve trong không khí, còn bây giờ đã là những bông tuyết trắng buốt, to như hạt lựu. Tuyết rơi nhiều đến mức ngoài trời chỉ là một màu trắng xóa, giống như một bức bạch họa bao trùm lấy cả thôn Thuận Gia. Hai người ngồi trong nhà, nhóm một đống lửa nhỏ sưởi ấm. Thời gian qua, họ ngoài những lúc luyện võ thì lên núi săn bắt chim thú, chặt cây đốn củi, đóng bàn làm ghế, đến giờ trong nhà đã đầy đủ vật dụng sinh hoạt, cuộc sống nhàn hạ thanh bình cũng như bao thôn dân khác. Văn Tôn ngồi trên một chiếc ghế tựa, nắm lấy tay Đình Thiên đang ngồi bên cạnh, đưa mắt nhìn ra màn tuyết trắng, nói:

    - Từ biệt đã hơn ba tháng, nghĩa huynh vẫn bặt vô âm tín, trong lòng ta cứ nóng như lửa đốt, thật chẳng thể bình tâm trở lại!

    Đoạn vòng tay sang vai nàng, để nàng tựa đầu vào vai mình, nói:

    - Ta lên kinh ứng thí ngót đã nửa năm, cha mẹ ở quê không biết sức khỏe thế nào, còn nàng cũng theo ta suốt mấy tháng ròng, nghĩa mẫu chắc là ngày đêm trông ngóng. Hay chúng mình hãy trở về Long Hạ, trước là để vấn an phụ mẫu, sau thưa chuyện chung thân đại sự, rồi mới đến núi Thiên Trúc, xin với nghĩa mẫu của nàng, để hai ta kết thành phu phụ. Tiện đường có thể tới Bắc Giang tìm nghĩa huynh của ta, nàng thấy như vậy được chăng?

    Đình Thiên vốn một lòng một dạ đối với Văn Tôn, nguyện cả đời này đi theo chàng, còn chuyện kết thành phu thê tuy có nghĩ tới nhưng lâu nay vẫn để trong lòng, bởi phận nữ nhi sao có thể mở miệng nhắc đến? Giờ đây, nghe chàng chính miệng nói ra thì không khỏi vui mừng, bồi hồi xúc động, hai hàng nước mắt tự nhiên chảy dài, ngước lên nhìn chàng, thỏ thẻ:

    - Ta cam tâm tình nguyện đi theo chàng, thì chàng bảo sao, ta xin nghe vậy, hà tất còn phải hỏi ý ta thế nào?

    Văn Tôn đưa tay quệt đi nước mắt trên gương mặt trắng như bông tuyết của nàng, thơm vào trán nàng, nói:

    - Đợi sau khi chúng mình thành thân, sẽ cùng nhau du sơn ngoạn thủy, sống những ngày thanh bình thơ mộng, vĩnh bất phân ly. Nếu nàng thấy chán, chúng mình lại về phương bắc, trồng rau nuôi gà, thanh tịnh nhà cư, ở bên nhau cho đến khi răng long đầu bạc, Tiểu Thiên, nàng thấy như vậy có thích hay không?

    Đình Thiên khe khẽ gật đầu, rúc vào ngực chàng mà thút thít. Giờ đây, trong lòng nàng vui sướng biết bao nhiêu, mặc kệ ngoài kia là gió tuyết mưa phùn hay cuồng phong bạo vũ, chỉ cần có người nam nhân này bên cạnh, nàng chẳng màng đến những chuyện khác nữa, nghĩ đến đây bất giác nước mắt lại ứa ra. Nàng ngẩng đầu nhìn Văn Tôn, mục quang như si như dại, nói:

    - Võ công của chàng bây giờ đã tiến bộ, đi lại trên giang hồ cũng bớt phần hung hiểm. Vậy ngày mai, chờ khi tuyết ngưng gió lặn, chúng mình hãy khởi hành về Long Hạ!

    Văn Tôn ôm nàng vào lòng, hướng nhìn xa xăm, mơ màng nghĩ đến phụ mẫu chốn quê nhà.

    Hai ngày sau đó, gió to tuyết lớn, họ đành nán lại Thuận Gia thôn thêm một đêm. Đến sáng ngày thứ ba, gió tuyết đã ngưng hẳn, hai người mới gói gém hành lý lên đường.

    Con hắc mã của Văn Tôn vốn là loại dũng mãnh, chưa đầy một canh giờ đã chạy đến bờ sông Thu Thủy. Tưởng chừng con ngựa còm của Đình Thiên không thể theo kịp, nào ngờ nó lại nhanh nhẹn khác thường, chẳng chịu thua kém con vật kia, cũng chạy tới ngay sau lưng. Nam Giang bấy giờ đã không còn cường đạo hành ác, người dân đều ra sông đánh cá trở lại. Mùa đông nước sông cũng nhiều hơn, dọc bờ có mấy ngư dân đang quăng chài kéo lưới, giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt, họ vẫn luôn miệng ca hát nghêu ngao, ồn ào náo nhiệt ra trò.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng một 2020
  4. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Chương XIII: Thanh Lý Môn Hộ

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hai người lên thuyền qua sông. Vẫn là chiếc thuyền lần trước Văn Tôn đã đi, chỉ có điều lần này thuyền phu là một ông già đã ngoài thất tuần. Ông già nhìn Văn, Ô hai người một hồi, thấy một cặp người ngọc xứng đôi vừa lứa, lấy làm thích thú, nói:

    - Phu thê hai vị trông thật đẹp đôi, nhưng nghe khẩu âm hình như không phải người vùng này, chắc là khách từ phương xa đến đây thưởng ngoạn?

    Đình Thiên nghe lão gọi hai người là phu thê, trong bụng đắc ý, mặt đỏ ửng lên, chỉ mĩm cười khúc khích, gật đầu không đáp.

    Đoạn lại nghe lão nói:

    - Mùa đông Nam Giang tuyết rơi khắp chốn, hoạt cảnh như họa, tôm cá vơi đầy, ẩm thực phong phú, cớ sao lại rời đi sớm như vậy? Chỉ vài hôm nữa nước sông sẽ đóng thành băng, lúc đó hai vị có thể tản bộ qua sông, thực không có gì thích thú cho bằng!

    Văn Tôn đang mãi mê ngắm cảnh, nghe lão hỏi liền nói:

    - Chúng tôi lưu lại nơi này đã lâu, không tiện ở thêm.

    Y thấy chiếc thuyền từ khi rời bến đã không đi thẳng, mà bơi vòng theo hình cánh cung, dường như do lão cố tình bẻ lái, trong bụng thắc mắc, hỏi:

    - Có phải gió lớn khiến con thuyền không thể đi thẳng?

    Ông già cười hà hà, nói:

    - Tại hai vị không biết đấy thôi, vài năm trước, ở đây có một cây cầu lớn do quan phủ dựng lên. Nhưng hai năm gần đây, mùa màng thất bát, kinh phí eo hẹp, cầu hỏng mà không được tu sửa, lâu ngày thì sập hẳn, cho nên mọi người mới dùng thuyền để qua lại. Tuy ván cầu mục nát bị nước cuốn trôi, nhưng chân cầu thì đến nay vẫn còn, khi lái thuyền phải tránh đi kẻo chúng đâm thủng thuyền.

    Văn Tôn "Ồ!" lên một tiếng. Cái hôm bọn cường đạo thi triển thân pháp lướt đi trên mặt nước, hẳn là đã đạp lên những cây cột ấy để mượn lực, chẳng trách họ lại nghĩ khinh công của chúng lợi hại đến thế. Thuyền vừa cập bến, hai người dắt ngựa lên bờ, tiếp tục đi theo con lộ lớn về phương bắc.

    Đường dài mới biết ngựa hay, con ngựa còi của Đình Thiên ban đầu còn bám sát đằng sau, nhưng nó vốn đã già, chạy hơn trăm dặm dường như đã hết sức, dần dần bị bỏ lại một quãng xa, Văn Tôn chốc chốc phải gò cương đi chậm lại để nàng theo kịp. Đến một cánh đồng lớn, họ xuống ngựa nghỉ ngơi, để hai con vật thung thăng gặm cỏ. Cách đó chừng mươi trượng cũng có một đàn ngựa đang uống nước trong cái ao nhỏ, xem chừng là ngựa hoang. Văn Tôn bỗng nảy ra một ý, chàng dắt con ngựa của Đình Thiên tới gần, để nó nhập bọn với mấy con ngựa hoang kia. Chàng thấy nó đã già yếu, chắc cũng không thể đi xa được nữa, chi bằng cứ để cho nó được tự do tự tại, tung vó khắp bình nguyên. Lát sau, hai người cùng ngồi trên lưng con hắc mã, chậm rãi ra khỏi cánh đồng. Nghĩ cũng không vướng sự tình gì cấp bách, họ thong thả vừa đi vừa chuyện trò ngắm cảnh, hưởng thú tiêu dao sơn dã. Mấy con ngựa hoang sau khi ăn uống no nê, kéo nhau chạy về hướng sườn núi, con ngựa già ngoảnh đầu lại nhìn Đình Thiên, hý dài mấy tiếng, sau cùng cũng lục tục rượt theo đàn ngựa hoang, lẫn vào trong những bãi lau đằng xa.

    Hai người ngày đi đêm nghỉ, gặp thôn gia thì xin tá túc ở nhà này nhà nọ một đêm, gặp rừng núi thì leo lên trên cây nằm ngủ. Dọc đường săn chim bắt thú, hái quả dại để ăn, lúc khát cứ tìm sông suối mà uống. Giữa trời đông giá rét, lắm lúc phải chịu cảnh mành trời chiếu đất, song hai người sớm tối chẳng rời nhau nửa bước, tình ái nồng nàn, tâm viên ý mãn, cái lạnh cũng vì thế mà dường như tan biến.

    Một hôm vào giờ Tỵ, hai người dừng chân tại một trấn nhỏ tên là Bàng Lộ. Bàng Lộ trấn thuộc phủ Mộ Phong, nơi đây đất đai chật hẹp, nhà cửa chi chít, tạo thành hai dãy nhà lớn nối dài, nằm đối diện nhau giữa một con lộ lớn. Nào là khách điếm, dược điếm, tửu lâu, thực quán đều ùn ùn kẻ vào người ra, náo nhiệt vô cùng. Bấy giờ tuyết chỉ còn rơi lưa thưa, bông tuyết bé như hạt bụi, người xe tấp nập qua lại, đâu đâu cũng rộn lên tiếng cười nói ồn ã. Họ tấp vào một tửu lâu, cho ngựa ăn cỏ, gọi điểm tâm và hai bình rượu nhỏ. Trong lâu gần như chật kín thực khách, kẻ ăn người uống, nói cười rôm rã, đa phần đều là thương nhân từ khắp nơi đổ về, hai người chọn một góc ở mé trong để ngồi. Văn Tôn rót một chung rượu mời Đình Thiên, nói:

    - Tiểu Thiên, nàng vì ta mà trải qua không ít gian lao vất vả, bao phen giúp ta giữ lại cái mạng hèn này, ân tình hậu ý đó thật chẳng kể sao cho xiết, ta xin kính nàng một chung!

    Đình Thiên nhìn chàng, vẻ hơi bối rối, từ tốn nói:

    - Giữa ta với chàng sao còn nói đến ân nghĩa nặng nhẹ làm chi? Hai ta nghĩa trọng tình thâm, dẫu là phước hay họa cũng cùng nhau đương đầu, đó là ta cam tâm tình nguyện, những chuyện như vậy xin chàng từ rày đừng nhắc tới nữa!

    Văn Tôn nghe những lời lẽ chân tình ấy từ nàng thì bồi hồi xúc động, ly rượu trên tay bất chợt rung rung lên, nghĩ thầm: "Nàng ấy với ta tuy chưa kết thành phu phụ, nhưng cái ân tình nồng hậu đó thật hơn cả trăm ngàn cặp tình lữ ngoài kia, từ nay ta phải toàn tâm toàn ý đối tốt với nàng hơn nữa!" Liền nắm lấy bàn tay thon dài của nàng, trong lòng tràn đầy xúc cảm, nghẹn ngào nói:

    - Gặp được nàng chắc là cái phước lớn mà họ Văn ta tu từ kiếp trước mới có được, ta chẳng cầu mong gì hơn, chỉ cần chúng mình sớm tối bên nhau, đến lúc..

    Lời còn chưa dứt, bỗng nghe tiếng loảng choảng vang lên ở bàn bên cạnh. Hai người quay đầu nhìn sang, thấy chiếc bàn phía bên phải lai láng thức ăn trên mặt, chén đũa thì lăn long lóc, rồi thi nhau rơi lách cách xuống sàn. Tiểu nhị mặt mũi trắng bệch, mồ hôi trên trán toát ra như thác, quỳ rạp xuống đất, rối rít:

    - Xin khách quan tha tội, xin khách quan tha tội!

    Ngồi trên bàn là hai người đàn bà độ chừng bốn mươi bốn, bốn mươi lăm tuổi. Một người thân hình mảnh mai, da dẻ nỏn nà, mặt mũi kiều mị thoát tục, trông như phu nhân của một gia đình quyền quý nào đó; một người nước da hơi ngăm, mặt cau mày có, hai bên tóc mai đã bạc trắng nhưng cũng không kém phần xinh đẹp. Phụ nhân thân có hình mảnh mai, mặc một bộ thanh y trang nhã, trên có đính kim tuyến lấp lánh, đứng lên chỉ mặt tên tiểu nhị, mắng:

    - Tửu lâu của các ngươi có muốn buôn bán nữa hay không? Thức ăn tệ như vậy mà cũng dám đem ra tiếp đãi bọn ta sao?

    Rồi hất nốt đĩa đồ ăn còn lại trên bàn xuống trước đất, vỡ tan tành, sau đó tiếp tục chửi:

    - Mau mang những món ngon nhất ra đây cho ta!

    Tiểu nhị vâng vâng dạ dạ, dọn dẹp mớ chén đĩa vỡ nát dưới sàn, mồ hôi cứ tuông như suối, không dám ngẩng lên nhìn phụ nhân kia một lần, rồi từ từ lùi bước vào gian trong.

    Đình Thiên nhéo tay Văn Tôn, nháy mắt, ý bảo y đừng nhìn nữa, kẻo lại vướng vào rắc rối. Hai người ăn xong lập tức lên đường.

    Ra khỏi trấn Bàng Lộ, hai người một ngựa cứ nhằm thẳng hướng bắc mà đi. Một hôm đi đến chân núi Bạch Mã, người ngựa đều mệt, họ ngồi xuống một gốc cây nghỉ ngơi. Tiết trời càng về phương bắc càng trở nên rét buốt, tuyết rơi mỗi lúc một dày, nhìn chiếc mũ trùm đầu của Đình Thiên phủ đầy tuyết trắng, Văn Tôn bất chợt nghĩ đến Triệu Hùng. Chỉ còn hơn trăm dặm là đến địa phận phủ Bắc Giang, chàng thầm hỏi không biết Triệu Hùng đã xử trí chuyện sư môn đến đâu, sao biền biệt ba tháng vẫn chưa có chút tin tức nào, định bụng sau khi tới Bắc Giang sẽ tìm y một chuyến.

    Nguyên lai Triệu Hùng sau khi để lại mấy dòng chữ trên vách, phi ngựa ngày đêm không nghĩ, hơn nửa tháng sau đã về đến phái Tiêu Kiếm.

    Vừa bước vào cổng, Triệu Hùng đã không khỏi bàng hoàng kinh hãi, bởi trước mắt y là cái thảm cảnh đồng môn tương tàn, sư huynh đệ chém giết lẫn nhau, vài chục người đã nằm la liệt trên sân, máu me bê bết, mấy trăm đệ tử còn lại thì lao vào quần ẩu, đánh đấm hỗn loạn, người đâm kẻ chém, đao quang kiếm ảnh lóe lên rợp trời, tiếng kêu gào la hét vang lên không ngớt, phái Tiêu Kiếm suốt mười mấy năm qua, chưa khi nào lại diễn ra cớ sự như thế. Vừa căm phẫn vừa kinh nghi, y quát to mấy lần: "Mau dừng tay!" nhưng bọn họ nào có chịu dừng.

    Nên biết, các môn các phái trong võ lâm dẫu luyện quyền pháp, kiếm thuật khác nhau, nhưng quy lại đều một điểm chung, đó là môn quy rất nghiêm. Phàm đệ tử đối với sư phụ thường coi trọng như cha, ân nặng như núi, phải hết sức cung kính; còn với những bậc tiền bối, trưởng bối, cũng không được xem nhẹ, đấy là cái đạo tôn sư trong thiên hạ. Đáng lý ra khi nhìn thấy Triệu Hùng, chúng phải quỳ xuống thi lễ, nào ngờ mấy trăm đệ tử kia mãi lo tàn sát lẫn nhau, càng đánh càng hăng, có còn lý gì đến xung quanh; nên mắt nhìn thấy y đi vào mà dường như chẳng thấy, tai nghe tiếng y gọi mà dường như chẳng nghe, chẳng khác gì những con cuồng sư dã thú lao vào nhau thí mạng.

    Triệu Hùng biết rằng chỉ có sư phụ của bọn chúng mới có thể khuyên can, y đưa mắt nhìn quanh một lượt, song không thấy Trương Cơ và Lâm Thiên Sự đâu cả, liền thi triển khinh công, vọt qua đám đệ tử trên sân, nhảy vào trong đại sảnh.

    Ở đây cũng có mấy chục đệ tử khác đang kịch liệt quyết chiến, tên nào tên nấy dẫu mặt xây mày xát, máu loang vạt áo, vẫn hung hăng động thủ, miệng hô hào quát tháo không ngừng, chẳng thèm lý gì đến ai. Lại nghe leng keng lách cách ngoài hậu viện, là tiếng binh khí va nhau, Triệu Hùng mặc cho đám đệ tử chém giết trong đại sảnh, chạy vội ra phía sau.

    Thấy Trương Cơ và Lâm Thiên Sự đang giao đấu ác liệt, xem chừng là một mất một còn. Tay áo bên trái của Trương Cơ bị rách một đường dài, máu chảy ra ướt đẫm, còn Lâm Thiên Sự lúc này mặt mũi đã chan hòa máu tươi, thương tích đầy mình, song đôi bên vẫn cứ điên cuồng lao vào nhau như hai con mãnh thú, mồm la miệng rống, ai cũng muốn lấy mạng của đối phương. Hai kiếm va nhau leng keng, rồi lại loang choang, Triệu Hùng chưa rõ sự tình, chỉ biết nếu cả hai tiếp tục động thủ, e là kẻ toang mạng, người trọng thương. Y liền nhảy vọt tới, quát to: "Dừng tay!" đoản đao đã nhanh chóng gạt phăng hai thanh kiếm đang dính lấy nhau. Trương Cơ bất thình lình bị kẻ thứ ba phá đám, toan mở miệng chửi, nào ngờ nhìn thấy đại sư huynh thì mặt mũi đã tái mét, mấy lời định thốt lên cũng nuốt ngược trở lại, lùi ra sau mấy bước. Lâm Thiên Sự nhìn thấy Triệu Hùng thì vội thu kiếm về, chạy tới nắm lấy hai cánh tay của đại sư huynh, mừng mừng tủi tủi, nức nở nói:

    - Đại sư huynh về thật kịp lúc, nếu không.. nếu không chỉ e..

    Giọng nói nghẹn ngào như chực khóc, pha lẫn ấm ức, rồi chỉ thẳng mặt Trương Cơ, nói:

    - Tên nghịch đồ này dã tâm quá lớn, hắn âm mưu giành lấy chức chưởng môn đã đành, lại còn xúi giục mấy trăm đệ tử chém giết lẫn nhau, khiến máu chảy thành sông!

    Y nhìn Trương Cơ với ánh mắt phẫn uất cực độ.

    Lâm Thiên Sự ngày thường nói năng ổn trọng, dè dặt đoan nghiêm, bỗng dưng hôm nay lại xuất ngôn thất thố, vô lễ bất kính với nhị sư huynh thì quả là quái lạ. Còn Trương Cơ trước giờ hành sự lỗ mãng, tính khí cộc cằn, đáng lẽ vừa nghe tam sư đệ cuồng ngôn loạn ngữ, không phân tôn ti, đã đốp lại vài câu, nào ngờ y vẫn đứng trơ ra như tượng, mặt mày xám ngoét, chẳng đáp trả tiếng nào, thì càng muôn phần quái lạ hơn. Triệu Hùng đồ rằng bên trong nhất định phải có uẩn khúc nào đó mà nhất thời chưa rõ, cần phải tra hỏi đầu đuôi ngọn ngành, chậm rãi nói:

    - Trắng đen phải trái để sau hẵng nói, còn bây giờ hai đệ hãy mau mau ra lệnh cho đám đệ tử ngoài kia dừng tay lại, nếu không đại họa diệt môn này hai ngươi khó mà gánh nổi!

    Trương Cơ và Lâm Thiên Sự không hẹn mà cùng đưa mắt nhìn nhau, mục quang sát khí đằng đằng, nhưng không ai dám manh động, chỉ đành tra kiếm vào bao. Ba người sánh vai đi ra đại sảnh.

    Mấy chục đệ tử trong đại sảnh thấy sư phụ đôi bên cùng đi ra, đều đã dừng đấu. Nhưng mấy trăm đệ tử bên ngoài thì vẫn còn quyết chiến dữ dội, trong chốc lát đã có thêm vài mươi người gục xuống. Triệu Hùng liếc nhìn hai người sư đệ, Trương Cơ Và Lâm Thiên Sự lập tức vận hơi, đồng thanh nói lớn:

    - Các đệ tử, mau dừng tay!

    Tiếng nói của hai người át cả tiếng binh khí va chạm, tiếng la ó ầm ĩ của mấy trăm người trong sân. Tất cả đệ tử đều lập tức thu quyền hồi kiếm, chia làm hai phe, đứng dạt sang hai bên trong sân, bên trái là đệ tử của Lâm Thiên Sự, khoảng hai trăm người; bên phải là đệ tử dưới trướng của Trương Cơ, độ chừng ba trăm. Theo lệnh chưởng môn, những ai lành lặn thì khiêng người bị thương vào hậu sảnh chữa trị, hơn bốn mươi người tử trận cũng được đem đi an táng chu đáo. Triệu Hùng thấy hỗn chiến tuy đã tàn, nhưng chúng đệ tử trên dưới đều thụ thương không nhẹ, ai nấy mặt mũi bơ phờ, mình mẩy lấm lem, hôi tanh mùi máu, trong lòng y vừa bi vừa phẫn, gọi Trương Cơ và Lâm Thiên Sự vào đại sảnh nói chuyện. Ba người chia ra ngồi xuống, Triệu Hùng ngồi ghế chủ tọa ở giữa, Lâm Thiên Sự và Trương Cơ ngồi đối diện nhau bên dưới. Lý ra ghế chủ tọa phải do chưởng môn là Lâm Thiên Sự ngồi, nhưng bây giờ đôi bên đối đầu, Triệu Hùng đứng ra phân xử, ngồi vào vị trí đó cũng là hợp lẽ hợp tình. Lâm Thiên Sự giản dị thanh cao, xưa nay không câu nệ tiểu tiết, huống hồ xét về vai vế, Triệu Hùng còn là sư huynh của y, nên không lấy đó làm buồn phiền. Triệu Hùng còn chưa hỏi, Lâm Thiên Sự đã đứng lên, chắp tay thưa:

    - Đại sư huynh, Trương Cơ mưu đồ đoạt vị, chia rẽ đồng môn, làm biết bao huynh tệ bản phái thương vong, tội này quyết không thể tha!

    Trương Cơ vỗ bàn một cái, đứng dậy, chỉ vào mặt Lâm Thiên Sự, mắng:

    - Hỗn láo! Ta là nhị sư huynh của mi, mi chẳng những nói năng bất kính, lại còn bịa đặt thêu dệt, ta mưu đồ đoạt vị lúc nào? Ta chia rẽ đồng môn lúc nào?

    Trương Cơ vốn bản tính cộc cằn, nói năng thô lỗ đã đành, nhưng Lâm Thiên Sự thì lâu nay vẫn ôn hòa mực thước, bỗng dưng lúc này lại trở nên nóng nảy hung hăng, thành thử hai người vừa mới lời qua tiến lại, đã định nhảy bổ vào nhau. Triệu Hùng đập tay xuống bàn, nói:

    - Mọi chuyện hãy nói rõ ràng, hồi sau trắng đen sẽ rõ. Hai ngươi có còn coi ta là đại sư huynh hay không?

    Đoạn phẩy tay bảo đệ tử dâng trà, nói:

    - Đầu đuôi mọi chuyện ra làm sao, mời Lâm sư đệ nói trước!
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng tám 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...