Tiểu Thuyết Thế thân - Cỏ

Discussion in 'Truyện Drop' started by Mình là cỏ, May 31, 2023.

  1. Mình là cỏ Cỏ

    Messages:
    24
    Chương 10: Cung Bạch Liên

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sớm nay trở dậy, cây cối vẫn khoác một lớp áo sương dày lẫn trong đêm tối đen đặc. Bây giờ vẫn còn sớm quá, nhìn trời Ái Hân đoán là giữa canh năm [1] . Nàng tỉnh giấc nhưng cũng không muốn ngủ lại nữa, đành bước ra khỏi phòng. Tiết trời thu rất giá, tảng sáng đến khi mặt trời lên thời tiết lạnh lẽo vô cùng nhưng đến trưa lại nắng gắt, nóng bức bối.

    Binh lính vẫn ngủ say, nhìn cánh cửa phòng thái úy còn đóng im ỉm, nàng khẽ gác tay lên cái lan can gỗ đã mòn, khom người dựa cằm, nhìn chăm chú, cứ như thế dễ vài đến gần một khắc [2] . Bất chợt cánh cửa phòng bật mở, thái úy bước ra nửa thân trên còn cởi trần, cơ thể vạm vỡ nhưng in hằn những vết sẹo lớn, có cả vết loang ra như vết bỏng. Ái Hân hơi bối rối, vội quay đi vờ như chỉ vừa mới tới. Trong lòng tự nhiên như có kiến lửa, nàng tự cười tủm tỉm một mình. Nam Ân thấy nàng hơi sửng sốt, viên võ tướng quay lại phòng, khoác áo chỉnh tề rồi đi ra. Ái Hân cười, nói rào trước chữa cho không khí đỡ ngượng ngập:

    – Thái úy sớm như vậy đã tỉnh giấc ư?

    – Thói quen thôi, còn cô ái Hân sao dậy sớm như vậy?

    – Tiểu nữ chỉ là không ngủ được.

    – Vậy chúng ta xuống lầu ăn bữa sáng trước, hôm nay sẽ là một ngày rất dài.

    – Được.

    Hai người xuống lầu, chọn một bàn trong góc yên tĩnh. Thái úy vẫy tay ra hiệu, gọi một người hầu bàn. Anh ta đang bê khệ nệ nồi nước dùng, mặt cau có, ngái ngủ, nói như quát:

    – Chưa có đồ ăn đâu, đợi tí.

    Thái úy quay lại, ngồi xuống đối diện với Ái Hân:

    – Chúng ta đợi một lát vậy.

    Không khí chợt trở nên im lặng. Ái Hân nhìn bâng quơ, viên thái úy ho vài tiếng hắng giọng, nói tiếp:

    – Hay chúng ta ra ngoài một lát hít thở, còn sớm cũng chưa có người.

    Ái Hân chỉ gật đầu. Hai người bước ra ngoài, trời tang tảng sáng, nhìn xung quanh phố xá vẫn đóng cửa im ỉm, chỉ có một vài nhà có việc sớm mới mở, cảnh vật lờ mờ, nhìn chưa rõ mặt người. Đường sá tối om, thưa thớt, không người. Một nam, một nữ vừa quen biết cùng nhau đi dạo dưới không khí này có phần không được thích hợp. Ái Hân thấy thái úy phân vân, nàng đành thoái lui trước, coi như cứu tình thế:

    – Hay chúng ta quay vào, đợi một lát vậy, thưa thái úy.

    – Không sao, ta chinh chiến không ít, trong màn sương này vẫn quan sát được.

    Ái Hân chợt thấy trong lòng đầy thú vị. Viên võ tướng này vốn chỉ rành rẽ chuyện chinh chiến, đối với những chuyện khác đúng là chịu thua các công tử phồn hoa điệu bộ. Nhưng không hiểu sao nàng lại thấy những công tử kia so với người nam nhân trước mặt vốn không thể sánh bằng. Thái úy bước đi trước, nàng cũng thuận chân mà đi theo. Hai người cứ thế im lặng bước đi. Kì thực nàng không nhìn ngắm gì được, sương dày quá mà nàng còn bận chăm chú nhìn đường cho khỏi ngã. Nền gạch chỉ gồ ghề mang đậm dấu ấn thời gian đã mòn cả, có chỗ lại bấp bênh nổi mụn như lưng con cóc cụ. Không cẩn thận là cắm mặt xuống đất như chơi. Ngược lại với nàng, viên thái úy bước đi rất thư thả. Đến gần hết con đường, thái úy mới bảo:

    – Chúng ta quay lại thôi, đi cũng khá xa rồi.

    – Được, thưa thái úy. – Nàng đáp lại.

    Trời đã sáng hơn, nhìn cũng đã rõ người. Mấy người phu xe đánh xe tới đón khách trong các quán trọ cũng chạy nhộn nhịp. Ái Hân vừa đi thỉnh thoảng lại liếc vội gương mặt của thái úy. Làn da sạm nắng, gương mặt góc cạnh. Đằng sau bỗng có tiếng quát lớn:

    – Làm ơn tránh đường, tránh đường.

    Chiếc xe ngựa từ xa chạy rầm rập, vội vã, người phu xe vừa thúc ngựa vừa thét lớn. Ái Hân đang mải nghĩ ngợi chưa kịp phản ứng đã thấy đôi tay rắn chắc của viên võ tướng nắm lấy bả vai đẩy nhẹ về phía trong, sáp sát gần tấm ngực chắc. Ái Hân mường tượng như nghe rõ tiếng tim đập, không biết tiếng tim mình hay thái úy.

    – Ái Hân không sao chứ?

    Tiếng thái úy phá vỡ những suy nghĩ mông lung trong đầu nàng. Nàng mỉm cười trả lời.

    – Không sao, thưa thái úy.

    Hai người trở về quán trọ. Chủ trọ đã sẵn bữa sáng phục vụ khách nghỉ chân. Hai bát phở nóng hổi được bưng ra. Bánh phở trắng ngà, thơm nức mùi hành lá, rau thơm. Nước phở nổi sáo sâm sấp trên mấy miếng móng giò và thịt lợn thái mỏng nổi vân hoa. Chỉ nhìn thôi đã thấy ngon mắt. Bữa sáng ăn xong binh lính cũng đã trở dậy, ai nấy ăn vội rồi chuẩn bị lên đường.

    Xe ngựa đã chuẩn bị, Ái Hân leo lên ngồi thu mình trong góc xe. Viên võ tướng thấy vậy đưa cho nàng tấm áo choàng, dù Ái Hân ngại ngần từ chối, Nam Ân vẫn đặt nó trên xe. Chiếc xe chuyển bánh, lại bắt đầu một chuyến đi không hẹn.

    Ái Hân kéo tấm áo đặt phía trước cửa xe ngựa phủ lên người. Nàng hé rèm nhìn phía trước. Thái úy cưỡi ngựa, thân hình săn chắc, tóc được cột cao, bộ giáp nặng tì lên người cũng không che được sức sống ở người con trai này. Thái úy thúc ngựa, thỉnh thoảng lại nhìn lại quan sát phía sau. Ái Hân chưa dám nhìn trực diện gương mặt ấy bao giờ, vẻ bụi bặm, yên tĩnh lại có phần sắc lạnh tỏa ra từ người nam nhân này làm nàng chỉ dám lướt qua. Nhưng đôi mắt sâu thẳm thì nàng ấn tượng lắm. Đôi mắt đen lấp lánh như sao nàng nhìn thấy một lần khi ở chợ.

    Đến quá trưa chiếc xe lọc cọc bắt đầu đi chậm dần lại, rồi dừng hẳn. Ái Hân ghé mắt qua tấm rèm xem thử. Thái úy xuống ngựa đưa thẻ bài, đám binh lính đẩy chiếc cổng lớn. Cái cổng sắt nặng nề vừa kêu kẽo kẹt vừa từ từ há mồm. Người phu xe thúc ngựa đi qua, cái cổng từ từ đóng lại như muốn nuốt chửng cả đoàn người bé nhỏ vừa mới bước qua nó. Ái Hân trong lòng có chút sợ hãi, vậy là từ nay cô sẽ không thể ra khỏi cánh cổng sắt này ư? Trong đầu bỗng tự nhiên thốt lên "Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/Chim vào lồng biết thuở nào ra" [3]

    Chiếc xe ngựa đi vòng quanh hết mấy lần tường, lại qua tòa nhà này đến tòa nhà khác. Ái Hân he hé quan sát xung quanh nhưng nhìn đâu cũng như nhau cả, tường gạch chỉ đỏ san sát nhau. Một lúc chiếc xe ngựa dừng lại, thái úy vén rèm bảo nàng xuống xe. Người phu xe thúc ngựa đi ra. Nàng ôm lỉnh kỉnh những đồ, thái úy ra lệnh cho người tới mang giúp, rồi dẫn nàng đi vòng vèo mấy quãng nữa. Đến một dãy nhà, bên trên có tấm biển ghi dòng chữ Cung Bạch Liên. Thái úy chỉ cho Ái Hân vào trong đó nghỉ ngơi.

    – Cô Ái Hân vào trong đi, còn lại ta sẽ sắp xếp.

    – Đa tạ thái úy.

    Ái Hân đi từng bước cẩn trọng vào trong, binh lính đặt mấy tay nải đồ xuống. Nàng đi một vòng quanh gian phòng. Trong phòng có sẵn một chiếc giường, rèm màn chỉ có hai gam màu đỏ hồng và xanh lục, Ái Hân nhìn chúng thấy hơi lóa mắt. Ở giữa có một cái bàn tròn, bên trên đặt một cái lọ hoa trống. Cạnh giường có một cái kệ sách nhỏ bằng gỗ, trên mặt có một lớp bụi mỏng nham nhở. Mùi ẩm mốc vẫn còn phảng phất. Nhìn khung cảnh này, Ái Hân đoán rằng gian phòng đã lâu không có người ở, chỉ mới được dọn dẹp qua loa. Nhìn cái lọ hoa như nhặt bừa ở đâu đó xếp vội vào không hài hòa gì với khung cảnh. Rèm màn cũng như cất tạm lên không chú ý gì cả. Ái Hân cũng không quan tâm nhiều, dù sao có chỗ trú chân là tốt rồi. Nghĩ thế nàng bèn ngả lưng xuống giường nghỉ một lát. Nhưng vừa nằm xuống đã nghe tiếng gõ cửa.

    – Thưa tiểu thư, chúng em là cung nữ, tiểu thư cần gì cứ cho gọi ạ.

    Ái Hân mở cửa, có đến hai thị nữ và binh lính đứng hai bên. Binh lính này vẫn là người đi cùng cô suốt dọc đường vừa rồi. Cô gật đầu chào hỏi rồi trở lại phòng. Một lát có người thị nữ cầm theo sợi thước vải đến đo cơ thể Ái Hân rồi cũng đi ngay. Suốt cả ngày hôm đó Ái Hân không được bước ra khỏi cửa. Đến bữa lại có người bưng đồ ăn tới. Mấy món ăn được đựng trong mâm bạc, bát đĩa đều bằng ngọc và gốm hạng nhất, chạm khắc tô vẽ rất kì công. Nhưng không hiểu sao Ái Hân vẫn cảm thấy nhàn nhạt trong miệng.

    Trời tối dần, Ái Hân ngồi trong gian nhà trống, lòng nặng trĩu, có lẽ vì cô đơn. Từ lúc vào đây, thái úy Lý Nam Ân cũng không thấy xuất hiện nữa. Một mình nàng đi đi lại lại làm lay động mấy ngọn nến trên cái đèn sở. Có tiếng gõ cửa, một người phụ nữ trung tuổi mang tới cho Ái Hân một bộ quốc phục màu đỏ hồng, thêu rồng phượng bằng chỉ vàng, có lớp lót lụa bên trong rất đẹp. Người đó dặn dò:

    – Tiểu thư hãy chuẩn bị sớm mai vào cung yết kiến thái hậu.

    Nói rồi người phụ nữ cúi đầu chào rồi bước đi. Ái Hân nhận đồ, dò hỏi người thị nữ đứng bên.

    – Người phụ nữ đó là ai vậy?

    – Dạ, đó là trưởng ban Hương Cẩm [4] bên cung Mẫu Thiên ạ. – Người thị nữ trả lời.

    – Cung Mẫu Thiên?

    – Dạ là tên cung nơi thái hậu ở ạ.

    Ái Hân ôm bộ quần áo vào phòng, ngẫm nghĩ trong đầu. Mẫu Thiên phải chăng chính là ý ngồi trên thiên hạ, là mẹ của muôn dân. Nhưng rõ ràng nàng vào cung theo lệnh vua, đúng lý ra cần yết kiến vua trước. Có gì khuất tất ở đây chăng? Mà thôi đằng nào chẳng là danh phận con nuôi, gặp thái hậu chắc cũng là hợp nhẽ. Nàng nằm xuống giường, chiếc giường êm ái vô cùng nhưng không tài nào ngủ được. Dường như thời gian đang dừng lại giữa những tiếng vạc [5] kêu quàng quạc trong đêm, vì thế mà trở nên dài đằng đẵng. Tiếng trống cầm canh cứ thong thả mà cất lên từng tiếng một vọng ra xa, xa mãi. Đêm đầu tiên rời nhà, ngủ trong căn nhà trọ đơn sơ đối với Ái Hân cũng không dài như thế này.

    Sáng sớm hôm sau, thị nữ gọi Ái Hân dậy từ sớm ăn bữa sáng vội vàng. Sau đó giúp nàng điểm trang phấn sáp và mặc quốc phục. Bộ quần áo khá vừa vặn với người nàng. Xong xuôi nàng được kiệu rước vào cung. Ái Hân xin được đi bộ vì nàng ngồi kiệu không quen nhưng binh lính không cho. Nàng miễn cưỡng bước lên, binh lính kéo lớp rèm dày phủ kín mít. Ái Hân ngồi bên trong chẳng thấy nổi đường, tấm rèm đỏ làm nàng hoa mắt. Nàng nhắm mắt tưởng tượng, có vẻ lối đi khá rắc rối, nhiều đoạn rẽ vòng vèo.

    Bỗng nhiên, kiệu dừng lại, rồi từ từ hạ xuống. Thị nữ vén rèm cho Ái Hân bước ra. Ánh mặt trời le lói chiếu vào mắt làm Ái Hân hơi nhăn mặt. Nhưng nàng nhanh chóng lấy lại phong thái ngay. Trước khi đi mẹ cũng đã dặn dò, vào cung rồi gương mặt phải tĩnh lặng như mặt hồ, buồn không ai biết, vui không ai hay, đó chính là điều tốt nhất. Nàng nghe lời, đi theo người thị nữ tới trước cung Mẫu Thiên.

    Người lính gác cửa báo cho thị nữ, người thị nữ chạy vào bẩm báo, lát sau đi ra bảo nàng đi theo. Vào trong, một người phụ nữ trung tuổi ngồi trên ghế vàng được trạm khắc cầu kì. Đầu cài trâm hoa, áo gấm màu hoàng yến [6] trên thêu rồng vàng. Ái Hân đoán người đó ắt là thái hậu nên vội vái một vái hành lễ. Thái hậu cất giọng nói chậm rãi từng tiếng một:

    – Lại đây nào, ngẩng mặt lên ta xem.

    Ái Hân ngẩng mặt, đôi mắt sáng gương mặt tươi tỉnh nhìn thái hậu. Thái hậu vẫy tay ra hiệu cho Ái Hân lại gần. Nàng bước lên bậc, bộ quốc phục làm cho Ái Hân trở nên lộng lẫy hơn ngày thường. Thái hậu ban cho nàng được ngồi ghế tiếp chuyện. Người hỏi:

    – Đây chính là tiểu thư nhà họ Trác nức tiếng sao?

    – Bẩm thái hậu, tiểu nữ chỉ là một dân nữ tầm thường, được thái hậu biết đến chính là phúc phận.

    Thái hậu cười giòn:

    – Nói hay lắm. – Người nhấp một ngụm trà, nói tiếp. – Ta nghe nói từ nhỏ con đã nối nghiệp mẹ có thiên phú võ nghệ, lại học hành chữ nghĩa chẳng kém nam nhân, văn thơ rất khá.

    – Bẩm thái hậu, tiểu nữ cũng học được đôi điều, chỉ là biết chút ít, không dám nhận tinh thông.

    – Quả là một thiếu nữ biết khiêm tốn, vậy tiện đây ta ra câu đối, con đối thử xem sao.

    – Dạ tiểu nữ không dám.

    – Có gì mà không dám, trước sau đều thành người nhà cả.

    Nói rồi thái hậu đưa tay lên đầu chỉnh lại trâm cài một chút, thong thả:

    – Một bước hóa rồng lạ thành thân/ Bước chân thiếu nữ có quý nhân.

    Ái Hân ngẫm nghĩ một lát rõ ràng ý thái hậu muốn nói mình một bước hóa rồng, từ thân phân thấp hèn được chú ý tới, quý nhân ở đây ắt là chỉ thái hậu rồi. Nàng cũng từ tốn đáp lại:

    – Cá chép hóa rồng ắt tự thân/ Quý nhân phù trợ tạ ân nhân.

    Thái hậu cười lớn, vỗ tay ba cái nói:

    – Hay lắm, một nữ nhân khác người, cả vế đối, ý đối, vần đối đều rất được. Vừa khẳng định mình, vừa có thái độ biết ơn, hiếu kính. Được, được lắm, ban thưởng.

    – Dạ, tiểu nữ tạ ơn thái hậu đã ưu ái.

    Thái hậu ban cho Ái Hân một hộp gỗ sơn đỏ, bên trong là một chiếc vòng ngọc xanh biếc rất đẹp. Ái Hân không dám từ chối. Rồi người nói với người thị vệ báo cho thánh thượng chuẩn bị lễ phong tước công chúa trong buổi chầu sớm. Việc này thái hậu đã có dự tính.

    Người cũng dặn dò người thị nữ bên cạnh đưa Ái Hân trở lại cung Bạch Liên, hướng dẫn lễ nghi cần thiết cho nàng để chuẩn bị cho buổi sắc phong công chúa diễn ra vào ngày hai ngày nữa.

    Người nữ nhân xưa nay không kiếm tìm danh lợi, nay phú quý như con thiêu thân lao tới ào ào. Thực lòng không biết làm sao cho phải, trời xanh chỉ lối chỉ mong yên ổn tấm thân.

    Chú thích

    [1] Giữa canh năm: Khoảng 4 giờ sáng.

    [2] Theo học giả Hoàng Xuân Hãn cho rằng: Khắc là 1/100 của một ngày, tức là 1 khắc tương đương 14 phút 24 giây đồng hồ của Tây.

    [3] Một câu ca dao dân gian chỉ người con gái đi lấy chồng mất đi tự do, ở đây ý chỉ sự giam hãm.

    [4] Tên một ban cung nữ phục vụ cho hoàng cung, tham khảo tư liệu về triều Nguyễn, theo Wikipedia.

    [5] Một loài chim thường kiếm ăn đêm.

    [6] Trang phục của vua chúa trong cung chia các cấp bậc theo màu chỉ có vua mới được mặc màu vàng thổ (chính hoàng), thái hậu mặc màu hoàng yến (màu lông chim yến), vàng lửa (vàng cam, da cam) cho trưởng công chúa, thái tử, thân vương. (Theo Internet trang phục cung đình Việt Nam).
     
    Last edited by a moderator: Jun 4, 2023
  2. Mình là cỏ Cỏ

    Messages:
    24
    Chương 11: Một mối tơ vò

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ái Hân trở về cung, trong lòng thấp thỏm không yên nhưng vẫn tự nhủ trong lòng biết đâu lại là chuyện tái ông thất mã [1] . Cung cấm nhìn bề ngoài chỉ thấy ngồi trên vạn người, nữ nhân được vào cung như hạt mưa sa vào đài các. Nhưng có lẽ chẳng ai thấu được nỗi cô đơn đau đáu trong lòng. Thời gian cứ đằng đẵng trôi, mỗi giờ mỗi khắc đều cảm nhận được sự đơn độc rợn ngợp cả không gian. Không được đi lại, không người bầu bạn đối với Ái Hân mà nói không khác gì cầm tù.

    Nàng kéo ghế ngồi cạnh cửa sổ đóng kín, chỉ hở một khe nhỏ do tấm ván gỗ đóng kênh. Nhìn ra bên ngoài, cả khoảng sân rộng trước mặt đều vắng lặng không người. Nắng xiên lạnh lùng trên nền gạch chỉ, đến cái lá rơi cũng không thấy mặt. Con nghê đá ngay lối đi cũng ngồi im thin thít. Kể nó mà cử động biết đâu lại náo loạn cả cung vua. Ái Hân tự nghĩ ngợi vu vơ rồi tự cười một mình.

    Lúc còn ở nhà không có ngày nào nàng ngồi không cả, không ngâm thơ đọc sách thì trồng rau, nuôi cá, thả gà rút rơm, nấu cơm đi chợ. Nay cứ ăn không ngồi rồi, giam mình trong phòng kín như thế này sợ rằng sẽ sinh bệnh mất. Nghĩ thế nàng tự kiếm việc gì đó để làm cho khuây khỏa.

    Trước tiên nàng kê lại lại kệ sách, đặt nó ngay ngắn vào góc phòng. Bình hoa nhỏ được đặt lên kệ. Một ngày nào đó nàng sẽ cắm vào đấy mấy đóa sen thơm. Xong xuôi nàng mang mấy cái tay nải ra sắp xếp lại đồ bên trong ấy. Chiếc trâm cài mẹ cho nàng ngày xưa là kỉ vật bà ngoại tặng khi mẹ lấy cha. Cây trâm bằng vàng đầu trạm hoa sen. Mang theo nó coi như thấy gia đình. Còn chiếc vòng ngọc của Ái Mộc tặng, nàng đeo nó lên tay tưởng như được tiếp tình thân mà sống những ngày tháng cô liêu này.

    Buổi tối ở trong cung mới thấy nỗi cô đơn thấm thía. Tầm này ở nhà, cả nhà nàng sẽ quây quần ngắm trăng, đọc sách hoặc chỉ đơn giản là bàn mấy chuyện đồng áng vẩn vơ. Chuyện con cua, con cá, cái bèo cái nơm nhưng lúc nào cũng rộn ràng vui vẻ. Nhưng thôi, nghĩ tới lại thêm đau lòng cho hiện tại, chi bằng cứ tạm quên đi. Nàng thắp thêm đèn, mở tay nải lấy mấy cuốn vở Đặng Phan tặng, đọc từng trang một. Phần còn trống nàng lấy bút phác lên vài câu thơ như trút bầu tâm sự:

    "Một đóa bạch liên giữa đêm trường

    Giữa dòng thế sự những nhiễu nhương

    Biết thân giữ trọn câu danh tiết

    Dũng khí can trường trước gió sương"

    Viết xong đôi câu, nàng thở dài gác bút rồi đứng lên. Ngoài trời gió thu vi vu thổi, tiếng gió nghe như tiếng thở dài. Cuộc đời nữ nhân trong thiện hạ cũng như cơn gió thổi này. Nếu may mắn được làm cơn gió tự do sẽ được thỏa thích bay qua núi đồi, thảo nguyên, đồng cỏ. Nếu chỉ là một cơn gió lạc loài trong những tòa thành lộng lẫy sẽ chỉ có thể an phận nép mình sau bức tường thành mà thôi. Cũng như nàng, số phận đưa đẩy đến chốn này. Ái Hân nghĩ lại, lúc rời nhà nàng đã tự nhủ phải tìm hiểu ngọn ngành về Lỗ Chí Hào. Nhưng từ ngày vào đây chưa có cơ may nào cho nàng tìm hiểu sự tình. Một nữ nhân như nàng giữa chốn xô bồ này liệu còn có thể làm được điều gì nữa?

    Nàng mở cửa sổ khe khẽ, ngước nhìn bầu trời đêm, một chùm sao thần nông [2] cúi rạp người, những ngôi sao lấp lánh chói sáng như những viên pha lê nhỏ tí. Ái Hân nhớ đến những ngày không trăng ở nhà, hai chị em vẫn ra trước thềm nhìn lên bầu trời nối những ngôi sao mà vẽ đủ thứ hình thù. Nghĩ thế nàng lấy tay vẽ vẽ trên không trung, nối ngôi sao này với ngôi sao kia, này hình cái đĩa, này hình bông hoa, lại hình con gà, con chó. Một hồi cơn buồn ngủ cũng kéo đến, nàng đành trở vào.

    Sáng hôm sau, trưởng thị nữ ban Hương Cẩm hôm trước lại mang cho Ái Hân một bộ quốc phục nữa, màu đỏ hồng thêu hoa lộng lẫy. Cái khăn xếp nặng, bên trên có đính phượng bằng vàng. Thị nữ đi theo giúp nàng mặc đồ, trưởng ban đứng bên nói với nàng như giới thiệu mà cũng như ra lệnh.

    – Ta là Phượng Xuyên, trưởng ban Hương Cẩm, thái hậu giao cho ta phụ trách dạy tiểu thư nghi lễ trong cung.

    – Nhờ trưởng cẩm giúp cho.

    Bà ta gật đầu, tỏ vẻ bề trên, bảo Ái Hân đi theo. Nàng được dẫn đến một cái sân rộng gần phía hậu cung. Phượng Xuyên chỉ cho nàng cách đi đứng vái lạy. Đi phải thẳng lưng, tay để ngang bụng, mắt nhìn phía trước, dáng đi uyển chuyển không được vồ vập. Gương mặt tươi tỉnh, chỉ cười khóe miệng. Không được vui vẻ sỗ sàng nhưng cũng không được buồn đau thê thảm. Vái lạy bề trên một lạy uy nghiêm, cúi người khom lưng. Lạy vua thượng triều, lạy đủ năm lạy. Năm lạy này tượng trưng cho ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ. Vua là thổ đứng ngay chính giữa. Tất cả các quy tắc này nàng phải thuộc nằm lòng.

    Dặn dò xong xuôi đâu đây Phượng Xuyên dẫn nàng đến tiếp một cung khác. Bên trên ghi biển Tàng thư lâu. Người thị nữ đưa một tấm thẻ bài cho người ngồi trong rồi dẫn Ái Hân vào. Bên trong có rất nhiều sách. Viên quan ngồi trực Tàng thư lâu lấy ba quyển dâng cho Ái Hân. Phượng Xuyên chỉ vào sách nói:

    – Đây là những điều cấm kị, tên húy cần tránh. Còn cuốn kia là những việc nên làm. Cuốn cuối cùng là quy tắc của công chúa trong cung. Tiểu thư đọc cho kĩ, đem sinh mạng ra lấy động lực mà học hành.

    Ái Hân vâng lời nhận sách. Phượng Xuyên lại nói tiếp:

    – Bây giờ tiểu thư phải học kĩ những nghi lễ cho buổi sắc phong, ta sẽ đích thân chỉ dạy.

    Mấy ngày này, Ái Hân quay cuồng trong mớ nghi lễ rối như bòng bong. Dù xuất thân từ gia đình vốn dòng dõi quan lại nhưng nàng cũng không tưởng tượng được cung cấm lại rắc rối đến như thế. Riêng chỉ chuyện đi đứng vái lạy cũng học đến mấy ngày. Nàng nằm dài trên giường, úp cuốn sách lên bụng.

    Từ ngày vào cung, nàng chỉ biết đến cung Bạch Liên này. Hoàng thượng mặt mũi ra sao cũng chưa được diện kiến. Lý Nam Ân cũng biệt tăm biệt tích. Cũng phải, một viên thái úy biết bao việc phải làm đâu thể quanh quẩn bên một nữ nhân như mình được. Huống hồ mình cũng chỉ là một nữ tử qua đường đối với ngài ấy mà thôi. Ái Hân nghĩ ngợi rồi tự mình thở dài.

    Mấy ngày này nàng lại cảm tưởng thời gian trôi qua rất nhanh, lúc nào cũng tất bật. Chẳng mấy đã đến ngày sắc phong. Ái Hân được đánh thức từ đầu canh năm, gương mặt vẫn còn hơi ngái ngủ. Người thị nữ bưng đến cho nàng một chậu nước ấm rửa mặt. So với nó nàng thích thứ nước mát được múc lên từ giếng khơi hơn. Thứ nước mát lạnh dễ chịu, khiến người ta tỉnh táo.

    Thị nữ giúp nàng mặc quốc phục cho ngày lễ. Một bộ quốc phục lộng lẫy hơn cả, màu vàng lửa, thêu rồng phượng. Khăn xếp cùng màu, có đính rồng phượng chân trâu. Giày thêu hoa cũng màu vàng lửa. Vòng, xuyến, khuyên tai trang sức đều bằng vàng cả. Nàng ngồi trước gương để thị nữ vấn tóc, điểm trang. Phấn sáp càng làm nổi bật vẻ đẹp của đóa hoa chớm nở này. Đôi mắt đen lánh trong veo như làn nước mặt hồ mùa thu, nằm gọn dưới hàng mi cong cong như đuôi con chim công, cùng đôi lông mày dài rất sắc. Đôi môi mọng đỏ, gò má ửng hồng được mơn trớn bằng vài sợi tóc mai buông nơi từ trên trán, lọt qua khăn xếp. Bộ quốc phục càng làm nổi bật làn da trắng hồng nõn nà của Ái Hân.

    Nàng ngồi trên kiệu, rước đến điện Thái Bình [3], đến nơi vua quan đều đã hội tụ cả. Xếp theo thứ bậc từ lớn đến nhỏ, từ gần đến xa vua, từ trong điện đến ngoài sân. Giữa sân ngay ngoài điện đặt một cái đỉnh đồng lớn. Ái Hân đứng lại, nhận hương vái lễ rồi cắm vào giữa.

    Xong xuôi nàng đặt hai lòng bàn tay úp nhau trở lại, để ngang bụng, lưng thẳng bước từng bước tới điện. Quan quân đứng hai bên nhìn mắt không rời. Vào tới điện nàng nhận ra ngay thái úy Lý Nam Ân. Hôm nay ngài mặc quốc phục màu xanh lục, đứng ngay bên dưới bậc bên hữu [4] nơi hoàng thượng ngồi. Vẫn gương mặt sắc lạnh, nhưng không hiểu sao nhìn thấy thái úy, Ái Hân lại cảm thấy an lòng.

    Bên trong điện nhà vua ngồi trên ghế rồng, mình khoác long bào. Nàng lạy năm lạy mới dám ngẩng lên, không dám nhìn thẳng chỉ dám lướt qua. Ngược với những gì Ái Hân tưởng tượng, nhà vua trẻ tuổi dáng điệu thư sinh nho nhã, gương mặt hiền hòa ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế lớn. Thái hậu cũng ngồi ghế bên, uy nghi trễm trệ. Nhà vua gật đầu, người thị vệ đứng bên cầm chiếu chỉ đọc lệnh sắc phong của vua:

    "Ngày mười lăm tháng chín, năm Thuận Thiên thứ mười tám.

    Thái hậu ít con, mong mỏi ngày đêm có người bầu bạn. Nay thấy thiếu nữ họ Trác tư chất thông minh, tính tình chân thật. Chính thức ban chiếu nhận làm con nuôi. Phong tước công chúa, lấy hiệu là Chiêu An. Từ nay được hưởng mọi đặc quyền của công chúa. Bố cáo quần thần được biết.

    Chiêu An nhận chỉ"

    Ái Hân cúi đầu nhận lấy. Bên dưới đám quần thần có vài tiếng xì xào bàn tán. Hoàng thượng đứng lên ban cho Ái Hân được an tọa ngay ghế dưới rồi nói.

    – Buổi i chầu sáng nay, trẫm ban bố đã xong, việc phong tước hệ trọng các khanh cũng đã nghe. Sau này công chúa Chiêu An đã là người hoàng tộc. Quan lại quần thần phải một lòng trung thành, phụng sự như ý. Không bàn tán nhiều lời.

    – Vâng lệnh hoàng thượng. – Quần thần bên dưới cùng đồng thanh.

    Buổi chầu kết thúc, Ái Hân bước ra. Một vài người nhìn nàng với ánh mắt như tò mò nhiều hơn là kính nể. Trong số đó nàng ấn tượng với người áo rộng, râu dài đứng đối diện thái úy phía bên tả thánh thượng. Hình như ông ta là thừa tướng, tên là Nghiêm Vịnh. Hắn cũng là một nhân vật không tầm thường. Nhưng đối một nữ nhân như nàng hắn cần gì phải để tâm đến? E là vẫn phải đề phòng. Một vài tên quan khác khúm núm chạy tới xưng tên tuổi, ban bệ, hỏi han chúc mừng. Ái Hân chỉ gật đầu cười mỉm, đáp lại vài câu cho phải phép. Nàng đã được Phượng Xuyên căn dặn từ trước. Không niềm nở, không đáp lễ, không kiêu kì.

    Trên đường ra khỏi điện, Ái Hân cố ý đi chậm để được nhìn thấy thái úy nhưng mặc nhiên không thấy Nam Ân xuất hiện. Ái Hân hơi thất vọng. Chính bản thân nàng cũng không hiểu tại sao mình lại có tâm trạng như thế.

    Người thiếu nữ đương tuổi xuân xanh, tâm tư rối bời mong được đáp lại nhưng tuyệt nhiên người nam tử không biết đến. Than ôi, một mối tơ vò biết gỡ làm sao cho đặng.

    Chú thích:

    [1] Câu chuyện về ông lão mất ngựa, ý nói trong họa có phúc.

    [2] Người Việt xưa căn cứ vào sao Thần Nông để xác định mùa vụ. Sao Thần Nông nằm bên cạnh dải Ngân Hà giống như người nông dân đang gieo trồng bên cạnh dòng sông Ngân và lấy nước sông Ngân tưới cho cây cối. Dựa vào tư thế của sao Thần Nông vào lúc mặt trời lặn hoặc ngay trước khi mặt trời mọc mà nhà nông có thể xác định một cách tương đối các tiết khí và thời điểm gieo trồng các loại cây. Hình ảnh sao Thần Nông đứng lom khom, cúi đầu vào đầu xuân hoặc đầu mùa vụ gieo hạt rồi lần lượt cúi đầu thấp dần, cúi rạp người vào vụ gặt mùa thu

    [3] Điện: Nơi vua chầu, cử hành những nghi thức quan trọng.

    [4] Hữu: Bên phải
     
  3. Mình là cỏ Cỏ

    Messages:
    24
    Chương 12: Quân vương

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ái Hân từ điện bước ra, trong lòng hơi thất vọng. Nàng đã hi vọng có thể gặp được thái úy trong chốc lát nhưng rốt cuộc chỉ có thể nhìn thoáng qua, đến một câu cũng không nói được. Thâm tâm tự thấy hụt hẫng và chạnh lòng, rốt cuộc nàng được điểm trang xinh đẹp như thế nhưng có người vẫn chẳng hề bận tâm. Nàng buồn bã ngồi trong kiệu thở dài.

    Có điều Ái Hân không biết rằng, trong góc khuất phía xa có một ánh mắt đã dõi theo nàng suốt từ khi nàng bước vào trong điện cho đến khi nàng lên kiệu và rời đi.

    Ái Hân được đưa về cung Bạch Liên, đám thị vệ, thị nữ hộ tống từ điện đều xin phép cáo lui cả. Ở cung đã có ba cô thị nữ và bốn thị vệ lạ mặt đứng ra hành lễ với nàng. Tất cả đều là người mới. Ái Hân ngơ ngác hỏi:

    – Những người cũ đâu cả rồi.

    Một cô gái nhanh nhẹn chạy lên trước trả lời:

    – Bẩm công chúa lúc chúng em được đưa đến đã không có ai.

    Ái Hân tuy còn lấn cấn đôi chút nhưng cũng không hỏi nhiều nữa. Trong cung tò mò không phải là đức tính hay ho. Hơn nữa nàng vừa mới được sắc phong. Thân phận này còn chưa rõ mục đích. Cẩn trọng chính là thượng sách. Cô thị nữ ban nãy đi theo Ái Hân vào phòng giúp nàng thay lễ phục. Cái khăn xếp đính vàng nặng cùng với việc phải đứng thẳng hàng canh giờ khiến nàng mỏi cổ. Nàng xoay người qua lại cho giãn gân cốt. Xem ra khoác lụa là gấm vóc, vàng bạc trang sức lên người cũng không dễ dàng gì.

    Người thị nữ mới rất nhanh nhẹn, vừa dọn đồ đạc vừa mang nước uống tới bàn cho Ái Hân. Nàng ngồi vào bàn gỗ trên đặt tấm gương mờ, vừa xóa bớt phấn sáp vừa nhìn hỏi người thị nữ.

    – Em tên gì thế?

    – Dạ, bẩm công chúa, em tên Dần ạ.

    Rồi nàng xoay người lại, chống một tay lên cằm như đỡ lấy cái cổ đang kêu cọt kẹt và muốn rời ra, đưa mắt ngước nhìn gương mặt cô gái, mỉm cười. Trước mặt Ái Hân mà một khuôn mặt bầu bĩnh trông thật hiền lành, đôi mắt một mí nhỏ tí ti, cái miệng chúm chím như con chim sẻ. Ái Hân đoán chừng người thị nữ vẫn còn trẻ, nàng cất tiếng hỏi:

    – Em bao nhiêu tuổi rồi?

    – Bẩm công chúa, em mười lăm ạ.

    – Vậy là em kém ta một tuổi.

    Cô bé cũng chạc tuổi Ái Mộc. Nếu như trước đây, Ái Hân đã bảo cô cứ gọi mình là chị. Nhưng giờ thân phận đã khác, cung cấm có quy, thân phận nô tì phải một dạ hai thưa không thể làm khác được. Từ nay có người bầu bạn cũng đỡ tủi. Ái Hân hỏi thêm cho chắc chắn:

    – Từ nay em sẽ làm việc ở đây chứ?

    – Bẩm công chúa vâng ạ.

    – Quê em ở đâu? Cha mẹ ra sao?

    – Em ở trấn Nghệ, cha mẹ đều mất cả rồi, từ lúc em sáu tuổi đã theo đoàn mãi võ kiếm tiền trên phố, sau đoàn giải tán người ta bán em vào cung đấy.

    Ái Hân chợt thấy cảm thương cho Dần. Tuổi nhỏ như vậy mà đã chịu bao cảnh nhọc nhằn như thế. Nhưng nó không vì vậy mà ủ rũ buồn phiền, mặt mũi lúc nào cũng tươi tỉnh vui vẻ, làm việc rất hoạt bát nhanh nhẹn. Nhìn thế Ái Hân như được tiếp thêm sức mạnh. Ít ra nàng cũng đã may mắn được ấm êm suốt quãng đời thơ ấu. Có Dần nàng như được an ủi phần nào. Nỗi cô đơn mong rằng sẽ theo gió trời mà vơi bớt.

    Từ ngày chính thức sắc phong Ái Hân không phải giam lỏng trong cung nữa. Nàng được phép đi lại đây đó quanh quẩn, nhưng không được đi xa. Mỗi bước đi đều có người theo hầu. Cung cấm lắt léo nhiều đường nhiều lối, Ái Hân cũng không rành. Nàng đi loanh quanh, thong thả nhìn ngắm cung cấm xa hoa.

    Hoàng cung rất rộng, sân lát gạch chỉ, mái ngói đỏ, cột cao vài thước đều được sơn son thếp vàng. Những cây cột chính to lớn như cột đình, một người vòng tay ôm còn không xuể. Dọc lối đi, cứ một quãng lại có một gác nhỏ nghỉ chân. Nàng men theo hành lang, bước nhát một xuống bậc đá. Phía xa là vượn Ngự uyển [1]

    Vườn ngự rất rộng, trăm hoa đua nở, nhiều loài cây cối hoa cỏ rất lạ Ái Hân mới được nhìn thấy lần đầu. Có những bông hoa bé li ti nhiều màu, lại có cả những bông hoa lớn bằng cái bát, màu xanh rất đẹp. Nàng tò mò hỏi người chăm vườn tên những loài hoa ấy. Họ chỉ cho nàng:

    – Bẩm công chúa kia là hoa cẩm tú cầu, kia là hoa trâm ổi, còn kia nữa là dạ yên thảo.

    Ái Hân rất thích thú, đây là lần đầu nàng được nghe đến tên và biết đến những loài hoa này, mùi hương của chúng cũng rất dễ chịu. Lũ ong bướm cũng tinh, chúng bay là là trên những cánh hoa trêu ghẹo nhau rất vui vẻ. Thỉnh thoảng chúng lại sà xuống một đóa hoa đang nở, đưa cái vòi dài hút nhụy ngọt đọng trên những cánh hoa thơm.

    Ái Hân bước xuống sát mấy luống hoa dạ yên thảo, những con bướm đang đậu vội xòe cánh bay lên. Nàng thích thú xòe tay những mong nó đậu lại tay mình, nhưng không, chúng khinh bỉ mà xòe cánh bay đi mất. Nàng lại đi tiếp sâu trong vườn, ở giữa vườn có một hòn non bộ được đắp bằng đất và đá, lại có cả dòng nước chảy ở giữa. Phía dưới dòng chảy có một cái hồ thu nhỏ trồng đầy hoa sen, hoa súng. Những bông hoa sen cuối hạ còn sót lại vươn trên mặt bùn, đang bung nở khoe hương trong những ngày cuối cùng.

    Ái Hân rất hứng thú, nàng tiện tay mà cầm gáo nước của người thị nữ chăm vườn tưới tắm cho mấy khóm hoa trâm ổi. Nhìn lũ ong bướm lả lơi con bay con đậu, nàng vui vẻ đọc đôi câu ca dao:

    – Bần thần không biết thương ai

    Thương đào liễu giận, thương mai trúc hờn

    Chàng ràng chi lắm bướm ơi

    Đậu mô thì đậu một nơi cho thành. [2]

    Từ xa, có bóng người bước lại, dáng điệu thư sinh nho nhã. Người đứng yên lặng một lúc, khóe miệng mỉm cười. Rồi cất tiếng:

    – Thiếu nữ trồng hoa, hoa xen hoa. (Ví thiếu nữ như hoa, thiếu nữ trong vườn hoa cũng là một bông hoa trong vườn hoa)

    Ái Hân buông gáo nước ngoảnh lại, nhà vua đã ghé tự lúc nào. Nàng vội vàng vái lạy hành lễ. Vua ban miễn rồi bảo nàng đáp lại thử xem, nhìn dáng điệu nho nhã này, Ái Hân vui vẻ đáp:

    – Quân vương tựa núi, núi trên núi. (Quân vương: Cả hai từ tách ra đều có nghĩa là vua, gộp lại cũng chỉ vua. Ví vua vững trãi như núi. Vua đứng cạnh núi non bộ là núi trên núi, đề cao vua )

    Vua cười lớn rồi nói

    – Được lắm, nữ nhân khéo léo.

    – Thánh thượng quá khen, tiểu nữ chỉ là mạo muội học được đôi điều, xin người chỉ dạy thêm.

    Vua cười hiền nói:

    – Công chúa Chiêu An quả nhiên tư chất hơn người. Nữ nhân đương thời khó bề sánh kịp.

    – Đa tạ thánh thượng đã chiếu cố.

    Tử Vương gật đầu nói tiếp:

    – Công chúa thấy vườn thượng uyển thế nào?

    – Rất đẹp thưa thánh thượng, muôn hoa khoe sắc, ong bướm sum vầy, cảnh tượng thần tiên hiếm có.

    – Quả nhiên, ong bướm cũng bị hương sắc kia dụ mà tới. Tiếc là.. đã đắm chìm vào hoa thơm mật ngọt thì khó lòng mà ra chốn đồng hoang cỏ dại được nữa.

    – Thưa thánh thượng, hoa thơm đủ loại, ong bướm đủ loài. Có loại thích đồng hoang, có loại nhất định phải ở nơi đài các. Âu cũng là số kiếp, người động lòng thương cho chúng quả là đáng quý nhưng chúng ắt hẳn cũng vui vẻ với số kiếp của mình. – Nàng đưa tay chỉ một con bướm đang đậu trên bông hoa dạ yên thảo nói tiếp – Người nhìn xem như con bươm bướm này, nó thích nghi rất nhanh, đối với nó chỉ cần một đóa hoa coi như đã hạnh phúc rồi.

    – Nàng quả là hiếm thấy, một người nữ nhân dám đối đáp với trẫm như Chiêu An không nhiều.

    – Xin người thứ tội.

    – Không sao, dù sao bàn luận chính văn mãi cũng nhàm, thơ phú thi ca, hoa thơm bướm lượn ta cũng rất hứng thú. Có điều giờ ta phải đi rồi. Có dịp cùng khác sẽ cùng Chiêu An bàn luận.

    – Cảm tạ thánh thượng.

    Nhà vua gật đầu rồi quay lưng bước đi. Đám tùy tùng đi sau lưng cách vài bước chân. Ái Hân nhìn dáng vẻ người thư sinh trước mặt, trong giấy lát cảm tưởng như người cũng là một trong vô số những chàng thư sinh bình thường. Dáng vẻ của thiên tử bị lẩn khuất sau gương mặt nho nhã, cử chỉ nhẹ nhàng. Tử Vương lớn hơn nàng không bao nhiêu, nếu ở nhân gian biết đâu họ đã là chỗ bạn bè cả. Họ sẽ cùng đàm đạo thi ca, bàn luận chuyện trên trời dưới bể, chẳng phải thú vị biết bao nhiêu. Bóng nhà vua từng khuất dần vào bóng chiều. Bỗng nhiên nàng cảm thấy một nỗi niềm cô đơn phảng phất đang len lỏi từng ngóc ngách nơi cung cấm này. Đứng trên vạn người liệu rằng có sung sướng như người ta vẫn tưởng tượng.

    Trời đã xẩm tối, Ái Hân cũng trở về cung, bỗng nhiên bắt gặp một dáng hình quen thuộc đang đứng trước của cung Bạch Liên. Nàng chợt thốt lên không giấu được sự vui vẻ:

    – Thái úy!

    Viên thái úy quay lại hành lễ với Ái Hân, rồi nói:

    – Đợi công chúa đã lâu, mời người vào trong, thần có việc cần báo.

    Ái Hân cho người đứng bên ngoài, chỉ có Dần được theo vào trong. Nàng mời thái úy ngồi xuống, sai người bưng trà. Nhưng viên võ tướng nhất quyết đứng để bẩm trình:

    – Bẩm công chúa, từ nay, thần sẽ người phụ trách dạy công chúa võ nghệ.

    – Võ nghệ ư? Một công chúa rốt cuộc học võ nghệ để làm gì?

    – Đây là ý lệnh, sau này người sẽ hiểu, cũng đừng thắc mắc nhiều, cung cấm không nên.

    – Vậy khi nào ta bắt đầu?

    – Thưa công chúa, từ sáng mai.

    – Được, vậy từ ngày mai nhờ cả vào võ tướng.

    Viên võ tướng không nói gì thêm mà cáo lui. Gương mặt rạng rỡ của Ái Hân muốn giấu cũng không thể nào giấu được. Đôi gò má nàng ửng hồng như quả đào vừa chín, mọng ngọt thơm tho. Xem ra những ngày tháng nơi cung cấm của nàng có lẽ cũng được vui vẻ phần nào.

    Chú thích:

    [1] Vườn hoa nằm trong cung của vua chúa, còn gọi là cung uyển, ngự viên, vườn ngự, cứ liệu này đã đọc tham khảo trong bài viết "Vườn cung đình Việt Nam hiện trạng và vấn đề nghiên cứu phục hồi" của tác giả Phan Thanh Hải.

    [2] Ca dao dân gian Việt Nam.
     
    LieuDuong, Dương2301 and chiqudoll like this.
  4. Mình là cỏ Cỏ

    Messages:
    24
    Chương 13: Sen đá biết nói

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Buổi tối dùng bữa xong, cái Dần lúi húi trải chăn màn cho Ái Hân. Nàng thấy thế bèn bảo:

    - Em nghỉ ngơi được rồi, việc này tự ta làm được.

    - Công chúa lá ngọc cành vàng, mấy việc này sao để người làm được chứ.

    Ái Hân đang ngồi gỡ tóc, nghe cái Dần nói nàng dừng lược không trải nữa. Trầm ngâm một lát, nàng hỏi lại nó:

    - Em vào cung lâu chưa?

    - Từ lúc bảy tuổi em đã ở trong cung, giờ cuộc sống bên ngoài như thế nào em cũng quên rồi.

    Ái Hân kéo một cái ghế con lại gần mình, vỗ xuống ghế bảo Dần:

    - Em ngồi xuống đây đi.

    Cái Dần buông tay, chạy lại, ngồi sát bên nàng, Ái Hân lại hỏi:

    - Trước đây em làm gì trong cung?

    Dần ngập ngừng đáp:

    - Em ở ban Thụy Nhật, chủ yếu làm làm việc linh tinh chạy vặt trong cung. Rồi trưởng ban Hương Cẩm tới, chọn em đưa sang đây hầu hạ công chúa.

    Ái Hân đặt tay lên tay Dần:

    - Vậy từ giờ em chính là người bạn của ta. Giờ em về nghỉ ngơi đi.

    - Nhưng chăn em vẫn chưa trải xong.

    - Không sao, ta làm được, em đi nghỉ đi.

    Cái Dần đi khỏi, Ái Hân đứng tựa bên cửa sổ nhìn theo bóng dáng nhỏ bé của nó khuất dần trong hành lang mập mờ loang loáng ánh trăng. Cái chấm đèn nhỏ mờ dần mờ dần chỉ còn lại một chấm sáng như con đom đóm. Nàng nhìn ra ngoài rồi lại nhìn căn phòng mình đang đứng. Cánh cửa gỗ hơi hé một khoảng, vừa đủ cho vệt sáng của ánh trăng yếu ớt bên ngoài chiếu vào. Ánh trăng len qua khe cửa, kẻ một vệt thẳng tắp bé xíu trên nền nhà. Hôm nay đã quá rằm, vẫng trăng không còn tròn đầy như mấy hôm trước, nhìn mảnh trăng vắt trên bầu trời đêm như một cái lưỡi liềm, Ái Hân khẽ thở dài.

    Sớm hôm sau, Ái Hân mặc võ phục. Thị vệ đưa nàng tới sân lớn cách vườn uyển một quãng. Cái Dần ngái ngủ lẽo đẽo theo sau, vừa đi vừa ngáp. Đến nơi, thái úy đã ở đó từ bao giờ, thị vệ xếp thành hàng luyện tập theo khẩu lệnh dõng dạc của viên võ tướng. Thấy công chúa, thái úy cho binh lính lui bớt, chỉ giữ lại vài người.

    Giữa bao nhiêu con người Nam Ân quả thật nổi bật. Vóc dáng cao lớn, săn chắc nhưng không quá thô thiển. Bộ võ phục cùng cái đai thắt đỏ trên trán khiến gương mặt rám nắng của chàng càng trở thành điểm chú ý của người khác. Đám thị nữ ngồi chờ ở cái gác nhỏ nhìn ra thì thầm to nhỏ cười tít cả mắt. Ái Hân cũng thận trọng giấu ánh mắt đang hướng về phía thái úy.

    Thái úy đưa nàng đến trước một cái bàn lớn. Trên bàn bày la liệt các loại vũ khí. Trên bàn Ái Hân gọi tên được từ tả sang hữu [1] lần lượt là nỏ, cung, giáo, đao, kiếm, câu liêm [2] . Thái úy nhìn rất chăm chú vào từng loại rồi cầm thử, ước lượng sức nặng trên tay, đoạn nói với nàng:

    - Công chúa cần ít nhất thành thạo một loại vũ khí. Những loại còn lại cũng nên biết.

    Ái Hân xem xét một hồi, nàng sẽ học dần dần nhưng để học thành thạo nàng sẽ chọn dùng nỏ. Hồi còn ở nhà Ái Hân đã theo mẹ học hành không ít, vì thế bây giờ võ nghệ đao kiếm cũng không làm khó nàng được. Nàng rất chăm chỉ học hỏi. Vì là buổi đầu nên nửa canh giờ nàng lại được nghỉ ngơi một lúc.

    Thấy nàng được nghỉ, cái Dần lại vội vàng bưng nước hầu trà, lau tay rửa mặt. Ái Hân bảo với nó:

    - Nhà binh không cần rườm ra như vậy. Em bảo thị nữ mang nước tới cho mọi người đằng kia đi.

    Cái Dần rất nhanh nhẹn, nó chỉ việc cho thị nữ rất nhanh rồi lấy một cốc đưa cho Ái Hân, vẫn không quên hỏi thêm:

    - Công chúa, người đã từng học qua võ nghệ sao, em thấy người học nhanh quá.

    - Hồi còn ở nhà ta có được mẹ dạy qua đôi chút.

    - Thảo nào.. à công chúa, võ tướng đúng thật khí chất hơn người, nhìn dáng vẻ ngài ấy, cung nữ trong cung đều mê như điếu đổ. – Nó vừa nói vừa cười hi hi. Vẻ mặt rất thỏa mãn.

    Ái Hân cốc nhẹ nó một cái bảo:

    - Xem ra em cũng đến tuổi gả chồng rồi.

    Nó thẹn thùng vẩy tay nguây nguẩy:

    - Đâu mà, em không lấy chồng, em ở với công chúa đến già thì thôi.

    Ái Hân ngồi trong gác nhỏ, nghỉ ngơi. Nhìn ra ngoài sân, viên võ tướng đi đi lại lại sắp xếp chỉn chu các loại vũ khí. Viên võ tướng trong bộ giáp khác hẳn với Lý Nam Ân trong bộ quốc phục quan võ. Một người nghiêm khắc dữ dằn, một người trầm lặng khí chất. Cứ như hai người khác nhau vậy, Ái Hân nghĩ. Bất chợt, Nam Ân quay người nhìn về phía nàng, ánh mặt trời chiếu thẳng vào mắt, làm viên võ tướng phải nheo lại. Nàng bất ngờ vội giấu ánh mắt của mình đi nơi khác.

    Từ đó trở đi, buổi sáng Ái Hân được học võ nghệ, đao kiếm, bắn nỏ, buổi chiều lại đọc thêm sách. Đến tối nàng cũng thấm mệt, cũng không còn thời gian nghĩ ngợi nhiều. Hơn thế có cái Dần làm bạn cũng đỡ cô đơn phần nào.

    Thời gian thấm thoắt thoi đưa, những chiếc lá cuối cùng của mùa thu cũng đã trút xuống. Thời tiết bắt đầu lạnh, đông đã chớm đến cùng những đợt gió thốc liên hồi vào mái hiên. Sáng nay Ái Hân được học cách dùng kiếm và khiên. Thái úy chỉ nàng cách cầm kiếm, dao cho đúng, cách tấn công và né vũ khí của đối thủ khi ở gần. Cái kiếm gỗ trong tay Ái Hân di chuyển rất linh hoạt, không hổ danh dòng dõi con nhà võ. Thoắt cái nàng đã thành thạo.

    Trước khi chuyển sang dùng kiếm thực, nàng bước vào trận đấu thử với binh lính. Trận đấu mở đầu khá nhẹ nhàng, người lính có phần nhường nhịn nàng nhiều hơn. Thấy thế thái úy phải an ủi anh ta hãy dùng hết sức mình dù gì kiếm gỗ cũng sẽ không gây sát thương. Người lính vâng lời, động tác rất nhanh nhẹn, Ái Hân cũng không kém bao nhiêu. Nàng tránh được những đòn tấn công về phía mình, chớp thời cơ luồn cây kiếm gỗ vào cánh tay người lính, một phút sơ xảy cây kiếm gỗ trong tay anh ta bị hất văng lên đập vào chiếc bàn đặt vũ khí, một cây giáo bị đập trúng rơi xuống không may rơi trúng vào chân Ái Hân, làm chân nàng xước một vệt dài rớm máu.

    Bị thương bất ngờ, nàng ngồi ngay xuống. Viên võ tướng rất nhanh chạy lại, tháo miếng vải buộc trên trán buộc tạm lại rồi dìu Ái Hân ngồi lên bậc. Cái Dần cũng hốt hoảng chạy tới, nó xuýt xoa:

    - Công chúa có đau không, người không sao chứ?

    Không để nàng kịp trả lời, thái úy đáp:

    - Thần xem qua rồi, vết thương không sâu, công chúa nghỉ ngơi vài ngày sẽ ổn cả. Tạm thời người nghỉ ngơi vài hôm đi.

    Nói rồi thái úy sai cái Dần gọi kiệu đưa nàng trở về. Còn mình cho người gọi một viên ngự y tới xem xét tình hình vết thương. Thế là nàng lại tiếp tục những ngày nhàn rỗi.

    Một tuần rồi hai tuần trôi qua, những ngày bận rộn, nỗi nhớ nhà của Ái Hân cũng tạm gác sang bên nhưng những ngày nghỉ này nỗi nhớ cha mẹ, nhớ em lại ùa về da diết. Rời nhà cũng đã lâu, không biết tình hình ở nhà thế nào. Nàng chợt nghĩ hay là đánh bạo tới điện Mẫu Thiên xin với thái hậu được về thăm cha mẹ một chuyến. Nghĩ vậy nàng liền vẫy cái Dần lại bảo nó chuẩn bị y phục để nàng tới thăm thái hậu.

    Chân chưa khỏi hẳn nên nàng phải ngồi kiệu. Nàng nhìn qua rèm, bốn bề đều là tường kín như bưng, trong lòng bất chợt lo lắng. Đến nơi thấy thái hậu đang tưới nước cho một chậu sen đá, Ái Hân vội hành lễ. Thấy nàng diện kiến, thái hậu dừng tay chậm rãi từng bước tới đỡ tay nàng, nhẹ nhàng bảo:

    - Nghe nói con bị thương lúc tập luyện.

    - Thưa mẫu hậu chỉ là vết thương nhỏ, không đáng để tâm.

    - Ấy chớ, không được coi thường như thế, phải cẩn trọng mới được. Nào, lại đây, ngồi đây nào.

    Ái Hân bước lại, ngồi sát bên người rồi ngập ngừng bày tỏ ý nguyện:

    - Thưa mẫu hậu, bấy lâu nay con vào cung sống trong nhung lụa là phúc phần của con, nhưng phận làm con chưa ngày nào báo hiếu. Nay đã đi lâu như vậy mong một lần được trở lại thăm cha mẹ ở quê nhà.

    Thái hậu nhấp một ngụm trà, nói:

    - Con hiếu đạo là tốt, nhưng nay đường xá xa xôi, đi lại không tiện. Hơn nữa con còn đang bị thương sao có thể đi được.

    - Bẩm mẫu hậu, vết thương đã lành miệng, chỉ còn chút ít không kể, con vốn xuất thân dân dã mấy ngày đường có xá gì.

    Thái hậu đứng lên tiến lại chậu sen đá lúc nãy, rồi vẫy Ái Hân lại:

    - Con nhìn xem, mấy chậu sen đá bé nhỏ này, bình thường rất kiên cường, chỉ cần tưới nước là xanh tốt nhưng nhổ nó ra khỏi chậu lại rất khó sống. Con nói xem là nhờ nó hay nhờ ta chăm tốt.

    - Dạ là nhờ thái hậu chăm tốt.

    Thái hậu lại cười, nụ cười rất giòn nhưng khiến Ái Hân đầy hoài nghi:

    - Thôi, con về cung nghỉ ngơi đi. Hãy viết một bức thư, ta sẽ cho người đưa về, nội ba ngày sẽ có thư nhà hồi đáp cho con. Như vậy con đã nguyện ý?

    - Cảm tạ thái hậu ban ân.

    Ái Hân về cung, nàng vội lấy giấy viết một bức thư. Đại ý trong thư nàng nói mình sống rất sung sướng có người hầu kẻ hạ. Kể cho Ái Mộc nghe những chuyện kì thú trong cung. Mong một ngày được đón em vào thăm thú. Hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và gia đình mọi chuyện trên dưới. Nàng viết vừa xong, người của thái hậu cũng đã chờ sẵn, mang đi. Ái Hân nhìn theo người vệ binh mong mỏi biết bao hồi âm.

    Cũng đêm hôm ấy, đề đốc Bạch Đường Quang chinh chiến biên ải đã lâu, nay đã trở về. Đường Quang vốn tính tình chính trực, không kết bè phái. Đối với cái chết của thái thượng hoàng ông vẫn một lòng hồ nghi. Vừa về kinh thành hay tin cháu gái vào cung làm con nuôi thái hậu, trong lòng bất an. Đợi một mai vào cung sẽ liệu tính. Bên này, thái hậu sai người lấy bức thư đọc qua một lượt thấy không có gì khả nghi mới cho người mang đi. Đêm hôm khuya khoắt, tiếng vạc lại cất lên thê thiết lọt thỏm giữa đêm. Thân người thiếu nữ lạc lõng giữa khoảng không sâu thẳm của đêm trường.


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đêm nay cánh vạc về đâu

    Khói sương chưa dễ phai màu thời gian [3]

    Chú thích:

    [1] Trái sang phải

    [2] Các loại vũ khí từng được sử dụng ở thời Trần, theo trang hinhanhvietnam.

    [3] Một bài ca dao dân gian
     
    LieuDuong, chiqudoll and Dương2301 like this.
Trả lời qua Facebook
Loading...