Review Tháp Bà Ponagar - Kiến Trúc Chăm Giữa Thành Phố Nha Trang

Thảo luận trong 'Địa Điểm' bắt đầu bởi Huệ Lê Thị, 18 Tháng ba 2022.

  1. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    197
    Tháp Bà Ponagar

    [​IMG]

    Tháp nằm trên một ngọn đồi nhỏ, còn gọi là núi Tháp Bà nơi cửa sông Cái, bên quốc lộ 1A, thuộc phường Vĩnh Phước, phía bắc thành phố Nha Trang.

    Tháp được xây dựng từ khoảng thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 13, vào thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại vương quốc Chăm cổ. Trong tháp thờ nữ thần Mẹ Xứ Sở Po Inư Nagar của người Chăm.


    Truyền thuyết về Tháp Bà:

    Ngày xưa tại núi Đại An (nay là Đại Điển) có hai vợ chồng tiều phu đến cất nhà và làm rẫy trồng dưa nơi triền núi, suốt một thời gian dài, hễ trái dưa nào chín thì đều bị mất. Ông lão đã rình và một hôm bắt gặp một cô bé khoảng 9-10 tuổi hái dưa rồi chơi giỡn dưới trăng, thấy cô bé dễ thương, ông bèn đem về nuôi và thương yêu như con ruột. Hôm đó, trời mưa to gió lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, cô bé lấy đá chất thành ba hòn dã sơn và hái hoa lá cắm vào rồi đứng ngắm làm vui.

    Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, ông tiều lớn tiếng rầy la, không ngờ cô bé là tiên giáng trần buồn nhớ cảnh bồng lai, khi đang buồn lại chợt nhìn thấy một khúc kỳ nam theo nước trôi đến, thiếu nữ bèn hiến thân vào khúc kỳ nam cho sóng đưa đẩy. Lúc này khúc kỳ nam trôi ra biển rồi tấp vào đất Trung Hoa, tỏa ra hương thơm ngào ngạt, nhân dân địa phương lấy làm lạ nên kéo đến xem. Thấy gỗ tốt, họ bèn xúm vào khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không khiêng nổi khúc gỗ này.

    Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn bèn tìm đến xem thực hư ra sao, rồi giơ tay nhấc thử. Lúc này chuyện lạ xảy ra khúc gỗ bỗng trở nên nhẹ như tờ giấy, chàng liền đem về cung và nâng niu như báu vật. Vào một đêm, dưới ánh trăng mờ, thái tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam, nhưng lại gần xem thì tứ bề vắng vẻ, chỉ phảng phất mùi hương từ khúc kỳ nam bay ra, những đêm sau đó, thái tử vẫn tiếp tục theo dõi. Rồi một đêm, chàng thấy từ trong khúc kỳ nam bước ra một giai nhan tuyệt sắc, chàng vụt chạy đến, ôm choàng lấy giai nhân. Không biến kịp vào khúc kỳ nam, giai nhân đành theo thái tử về cung và cho biết lai lịch cũng như danh tính là Thiên Y Ana, thái tử thấy nàng Ana xinh đẹp khác thường bèn tâu phụ hoàng xin cưới làm vợ. Vợ chồng ăn ở với nhau rất tương đắc, sinh được hai con - một trai một gái, dung mạo khôi ngô tuấn tú. Một hôm, nỗi nhớ quê hương thúc giục, Thiên Y bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam trở về làng cũ.

    Núi Đại An còn đó, nhưng vợ chồng ông tiều phu đã về cõi âm. Thiên Y xây đắp mồ mả cho cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để thờ phụng. Thấy nhân dân địa phương còn lạc hậu, bà dạy họ cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra các lễ nghi. Từ đó, ruộng nương luôn tươi tốt, đời sống nhân dân mỗi ngày một thêm phong phú. Đến một ngày, có con chim hạc từ trên mây bay xuống, Thiên Y cùng hai con cưỡi hạc bay về trời.


    [​IMG]

    Sau sự tích hóa thân vào gỗ kỳ nam, người dân Khánh Hòa luôn tin rằng tất cả Trầm Hương đều là do Bà đem đến và ban phát. Bà cho mới được nhận còn không cho thì có tìm cách mấy cũng không tìm ra, dù bạn có đứng cạnh bên cũng không thể nào nhìn thấy.

    Trầm Hương và Kỳ Nam có thể coi là cùng một loại gỗ nhưng theo lời người già kể lại thì giá trị của Kỳ Nam cao gấp nhiều lần Trầm Hương. Truyền thuyết kể rằng nếu ai thấy được Kỳ Nam thì cũng giống như đang thấy Thánh Mẫu, cả cuộc đời người đó sẽ được sung sướng và gặp may mắn nhưng chỉ ai có phước phần, có đức và có duyên thì Bà mới cho thấy Kỳ Nam.

    Theo như tương truyền: Thánh mẫu đã đặt bốn cây Trầm Hương để trấn bốn phương, ở Khánh Hòa, giúp Khánh Hòa lúc nào cũng được thiên thời địa lợi nhân hòa. Ở suối Ngổ trấn phía Đông, Hòn Dữ (Diên khánh) trấn phía Tây, ở Đồng Bò trấn phía Nam và ở Hòn Bà (Ninh Hòa) trấn phía Bắc. Bốn cây mộc thần này không lá nhưng mưa nắng cũng không bị hư hại hay đục khoét. Nếu ai tìm thấy và muốn chiếm làm của riêng thì sẽ bị rắn độc, cọp beo, chim rừng.. tấn công. Do vậy trước khi vào rừng tìm gỗ dân chúng cần phải lập đàn thờ cúng bà với nghi thức long trọng và cẩn thận lời ăn tiếng nói trong khi đi rừng.


    Đôi nét về kiến trúc của Tháp:

    Kiến trúc tháp được chia thành các phần như sau:

    Tầng thấp: Ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.


    [​IMG]

    Tầng giữa: Nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên năm cột có đường kính hơn một mét và cao hơn ba mét. Ở hai bên các dãy cột lớn có mười hai cột nhỏ và thấp hơn, người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn, dẫn lên tầng trên.

    [​IMG]

    Tầng trên cùng: Là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang này từ lâu đã không hề sử dụng được nữa. Bậc thang bằng đá ong thấy hiện nay ở phía nam tháp Bà rộng lớn hơn được xây vào thập niên 1960 do nhu cầu tham quan Nha Trang của du khách đã gia tăng.

    Ở tầng trên, có hai dãy tháp nhưng nay chỉ còn lại ba ngôi ở dãy phía trước và một ngôi ở dãy phía sau. Tất cả các tháp đều được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: Nai, ngỗng vàng, sư tử..

    Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23m, là tháp Po Nagar, mà ta hay gọi là tháp Bà. Tháp chính thờ thần Ponagar, vợ của thần Siva.

    Rải rác quanh di tích còn có một số tượng người, tượng thú.. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi.

    Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như vũ công, người chèo thuyền, xay gạo hay đi săn với cung tên. Bên trong tháp tối và lạnh. Cuối tháp có một bệ thờ bằng đá bên dưới tượng Bà Po Nagar với mười cánh tay, hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu gối, các bàn tay khác thì cầm những vât dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy và cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung và tù và ở bên trái.


    [​IMG]

    Hằng năm cứ đến ngày 20-23 tháng 3 âm lịch, lễ hội Tháp Bà được diễn ra rất long trọng. Người người dân hương, dâng hoa, dâng lễ vật để cầu mong dân chúng Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung được ấm no, hạnh phúc và cầu xin mưa thuận gió hòa.

    Một số lưu ý khi tham quan Tháp Bà:

    Thứ nhất, khi tham quan cần chú ý lời ăn tiếng nói, không đùa giỡn, cười cợt hay ví von xúc phạm đến những hình vẽ trên và trong tháp. Ăn mặc lịch sự khi vào tháp.

    Thứ hai, vì chúng ta phải leo bậc tam cấp, những bậc phía trên có hơi dốc nên bạn hãy chọn một đôi giày vừa chân, thuận tiện cho việc di chuyển, ưu tiên chọn giày đế bằng.

    Thứ ba, chú ý vứt rác đúng nơi quy định để giữ cho không gian quanh tháp được sạch, đẹp!


    [​IMG]

    Dưới đây là link thảo luận và góp ý, các bạn có thể nhấp vào để xem những bài review khác của mình, mời các bạn ghé qua:

    [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Huệ Lê Thị


    Cảm ơn các bạn đã đọc bài review của mình, chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ!

    Huệ Lê Thị.


    Nguồn ảnh: Internet.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...