Tên tác phẩm: Thanh âm tuổi trẻ. Tác giả: Marne. "Có lẽ tôi đã dùng hết sự dịu dàng cuộc đời dành cho tôi vào ba năm cấp ba mất rồi.." Nếu như một lần được quay trở lại quá khứ, có lẽ điều đầu tiên tôi làm sẽ là cảm ơn người anh họ đã khuyên tôi nên tận hưởng quãng thời gian ba năm cấp ba, thay vì chỉ chăm chăm vào học mà không vạch ra vài ba mục tiêu nữa, ngoài mục tiêu to lớn nhất đời tôi lúc bấy giờ là đỗ vào một trường đại học danh giá và đảm bảo đầu ra tôi đã tìm hiểu. Mà điều thứ hai, chắc chắn là để tâm đến lời khuyên của anh ấy và thực hiện nó hết sức mình. Hầu hết mọi thứ đi theo những gì tôi viết trong bản kế hoạch khi đó. Tôi có thể tóm gọn quãng thời gian được ví là đẹp nhất tuổi thanh xuân tôi bằng vài câu: Chọn đúng tổ hợp thi, học đúng trọng tâm cần chắt lọc và vào đúng ngôi trường đại học tôi hướng đến. Nghe qua thì bình thường, nhưng rõ ràng nó thiếu chút âm thanh của tuổi trẻ, thứ mà dù dùng bao nhiêu tiền tôi cũng không thể mua lại được nữa. Người thân tôi khi biết tôi trúng tuyển còn vui hơn cả tôi. Đương nhiên là tôi thấy vui, nhưng tôi biết điều này cũng đặt dấu chấm cuối trang sách non nớt đầu đời, vì tôi chuẩn bị lật sang trang tiếp theo, một trang mới mới tinh, mà tôi hiểu rằng mình sẽ phải viết ở một nơi xa lạ tôi chưa từng đặt chân đến, và câu chuyện từ nay về sau cũng chỉ có mình tôi xuất hiện. Cho nên đi kèm với niềm vui, tôi đã khá hụt hẫng, giống như bản thân đã đánh mất điều gì đó. Sau này, tôi phát hiện ra rằng câu chuyện trên trang thứ hai khó viết hơn trang đầu rất nhiều. Quê tôi ở ngoài Bắc, tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thanh bình, nhưng tôi học tại một trường đại học trong Sài Gòn, nơi mà tôi được tiếp xúc với tất cả mọi thứ lần đầu tiên. Tự mình đi chợ, học được cách nhìn xem miếng thịt nào tươi, con cá nào ngon, giá cả chỗ nào hợp lí. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt mà khi trước tôi không cần để tâm, như chai dầu ăn, nước mắm, bịch muối hay kem đánh răng, chai xà phòng, bây giờ tôi phải để ý từng li từng tí, bởi những thứ đó không còn tự đầy lên khi tôi dùng sắp hết nữa. Nhà mình quả là một nơi kì diệu, mẹ mình cũng là một người kì diệu. Tôi thường nhủ thầm như thế mỗi khi nhớ nhà. Tôi cảm thấy những cuộc gọi qua mạng hằng ngày cũng không thể làm vơi bớt nỗi nhớ nhà của tôi, tôi nhớ gia đình, nhớ cảnh vật ở quê, nhớ ngôi trường cấp ba cũ và cả những người bạn chung lớp xưa. Đám bạn tôi đứa nào cũng học giỏi, lại thoải mái tốt tính, nên nhóm tôi dường như được lòng cả thầy cô lẫn bạn bè. Chúng tôi đều chọn cùng khối thi, mà trong đám môn nào cũng có một đứa giỏi nổi bật để những đứa còn lại "nhờ giúp đỡ". Hồi ấy chúng tôi đều có mục tiêu cho riêng mình, đứa nào cũng cố gắng hết sức, tuy không tránh khỏi những khi lo âu sợ sệt, hay chán nản mệt mỏi, nhưng mỗi khi gặp nhau ở trên lớp thì ai cũng cười tươi như không có áp lực gì hết. Mà hồi đó thi thoảng tôi vẫn hay thắc mắc, vì tôi thấy đám bạn mình đứa thì đã hoặc đang yêu, đứa thì tham gia các hoạt động trong trường thường xuyên như cơm bữa, đứa lại trưởng thành sớm đi làm thêm ở gần trường, vậy nhưng thành tích của cả đám vẫn cứ tăng không giảm, trong khi tôi ngoài việc học ra thì chỉ quanh quẩn trong nhà làm đỡ việc cho bố mẹ. Thế nên kí ức về cuộc sống cấp ba ngay khi tôi tốt nghiệp đã trở nên hơi mơ hồ, dường như ngoài học thì tôi chẳng còn kỉ niệm đáng nhớ nào hết. Đến nỗi qua năm đầu tiên sau khi lên đại học, gần Tết về quê tụ họp với nhau, đám bạn tôi không bồi hồi thì cũng vui mừng kể lại những câu chuyện cũ khi còn ngồi chung mái nhà trường, mà tôi thì chỉ có thể tham gia mỗi khi có đứa hỏi về cuộc sống hiện tại và năm đầu xa quê có bỡ ngỡ hay không. Tôi đã tưởng mình đang dần trở nên lạc lõng giữa những người bạn thân thiết, và trong vài ngày sau đó, với cái đầu có phần nhạy cảm của mình, tôi thật sự cho rằng những năm sau về quê sẽ chẳng còn chủ đề nào để nói chuyện tiếp với chúng nó nữa. Đó là lần hụt hẫng thứ hai đời tôi. Khác lần trước, lần này tôi cố gắng tích cực để tìm hướng giải quyết. Tôi nhớ lại những câu chuyện đám bạn kể, về những hôm Chủ nhật học đội tuyển, cả trường chỉ có vài đứa chúng tôi, mấy đứa liền hí hửng rủ nhau đi nhặt lá và hoa phượng ép vào trang sách; những lần sinh nhật bất ngờ mọi người giấu 'nhân vật chính' góp tiền mua quà và đến lớp sớm tổ chức trang trí; hay khi đến phiên một đứa trực nhật, chẳng cần rủ, nguyên một đám cũng sẽ theo cùng để giặt giẻ hay sắp xếp bàn giáo viên.. thật sự là vừa ấu trĩ vừa tri kỉ đến đáng yêu. Càng nhớ, tôi càng hiểu rằng những chuyện tốt đẹp đã từng trải qua vẫn sẽ còn nguyên vẹn trong một ngăn tủ tôi luôn đóng kín, mà bất cứ khi nào tôi cũng có thể mở ra xem chúng như cuốn băng tua chậm, dù là khi bị áp lực cuộc sống đè nén tưởng chừng chẳng thể thở nổi nữa. Từ đó, thi thoảng lại có hai luồng tư tưởng đấu tranh trong tôi: Một suy nghĩ lo toan cho cuộc sống độc lập mới, một hoài niệm về quá khứ thanh xuân có nuối tiếc, chưa trọn vẹn nhưng trong sáng và đẹp xinh. Để rồi hiện tại, chính tôi là người truyền lời khuyên và cảm xúc ấy cho những em học sinh tôi quen, rằng tôi mong các em sống thật tốt, dù các em chọn trải qua ba năm yên bình hay rộn rã, bởi khoảng thời gian ấy chính là toàn bộ sự dịu dàng mà cuộc đời dành tặng cho các em. - Hết.