Tầm quan trọng của việc lắng nghe trong cuộc sống

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Mình là Chi, 5 Tháng hai 2023.

  1. Mình là Chi

    Bài viết:
    66
    Tầm quan trọng của việc lắng nghe trong cuộc sống

    Mình đã từng nghe một câu nói nổi tiếng rằng "Nếu bạn muốn hiểu tư duy của một ai đó, hãy lắng nghe lời nói của anh ta". Lời nói của một con người phần nào biểu lộ giá trị của họ, tâm hồn và những điều họ suy nghĩ. Lời nói thoát ra từ cổ họng là kết quả của quá trình tư duy nhất định. Ý có thể xuất phát từ trái tim nhưng lời là sản phẩm của trí tuệ. Nhưng lời nói chắc chắn sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu đi sự lắng nghe. Vì thế hôm nay mình chọn chủ đề này với mục đích truyền tải đến mọi người tầm quan trọng, sự cần thiết của việc lắng nghe.

    Bài viết có ba phần:

    1. Định nghĩa lắng nghe là gì

    2. Tầm quan trọng của việc lắng nghe.


    3. Làm thế nào để lắng nghe một cách hiệu quả?

    Trước hết, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lắng nghe là gì?

    1. Định nghĩa lắng nghe:


    [​IMG]

    (Nguồn ảnh: Internet)

    Nghe là một quá trình thụ động chỉ việc chúng ta tiếp nhận mọi loại âm thanh.

    Lắng nghe là một quá trình chủ động, tập trung và mong muốn thấu hiểu nội dung của người nói. Phân tích những gì họ nói rồi đưa ra lời đối đáp ý nghĩa hoặc chia sẻ, cho lời khuyên với người đối diện.

    Sau khi đã có được cái nhìn nhất định về việc lắng nghe ta sẽ đến với phần cốt lõi của bài viết đó là:

    2. Tầm quan trọng của việc lắng nghe:


    [​IMG]

    (Nguồn ảnh: Internet)

    Có lẽ khi nhắc đến tầm quan trọng của một điều gì đó mọi người thường sẽ nghĩ ngay đến những lợi ích mà việc ấy mang lại nhưng ở đây mình xin phép chia sẻ về hậu quả, bất lợi của việc lắng nghe trước bởi lẽ như ông bà xưa thường nói "khi làm việc gì cũng hãy nghĩ đến đường lui cho mình" và ở đây mình hy vọng khi nhận thấy những hậu quả nghiêm trọng của việc không biết cách lắng nghe bạn sẽ có những sự lựa chọn phù hợp cho chính mình, tránh tình trạng "có không giữ mất đừng tìm".

    2.1. Hậu quả của việc không biết cách lắng nghe.

    - Đối với công việc: Ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội thăng tiến của bản thân. Bởi lẽ người không chịu lắng nghe trong mắt đồng nghiệp và cấp trên sẽ dễ bị biến thành người bảo thủ, không chấp nhận những thay đổi. Từ đó, họ đánh mất đi có hội có được những lời khuyên từ bổ ích từ người khác cũng như cơ hội được tham gia vào những dự án quan trọng vì chẳng ai muốn làm việc với một người phiến diện, một chiều cả. Cơ hội thăng tiến trên con đường sự nghiệp cũng từ đó mà tiêu tan.

    - Đối với cuộc sống: Ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ. Vì không chịu chú ý lắng nghe hay cắt ngang lời người khác nói thường dẫn đến những cuộc nói chuyện hời hợt, vô nghĩa không có kết quả. Cho nên, khi bạn không biết lắng nghe người khác thì bạn sẽ trở thành người vô cảm, thờ ơ, không biết thông cảm cho hoàn cảnh của những người xung quanh mà chỉ biết nghĩ đến mình. Từ đó dẫn đến những mối quan hệ dần đi vào ngõ cụt.

    Sau khi điểm qua những hậu quả tiêu biểu của việc không biết cách lắng nghe thì bây giờ chúng ta sẽ đến nơi có ánh sáng, một thứ ánh sáng rực rỡ đó chính là lợi ích của việc lắng nghe.

    Một vài cuộc khảo sát cho thấy các nhà lãnh đạo trong kinh doanh khi bàn về những kỹ năng mà các doanh nghiệp tìm kiếm ở người mới thì hết 73% xếp kỹ năng nghe thuộc loại "cực kỳ quan trọng". Trong cuộc sống không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc lắng nghe với những lợi ích thiết thực mà nó mang lại:

    2.2 Lợi ích của việc lắng nghe.



    - Có được nhiều cơ hội thăng tiến nhanh chóng hơn trong công việc: Học được kỹ năng lắng nghe sẽ giúp chúng ta tạo dựng được những mối liên kết tốt trong công việc với cấp trên, đồng nghiệp cũng như là khách hàng. Với kỹ năng lắng nghe tốt sẽ giúp chúng ta xây dựng được hình ảnh đẹp và làm bạn nổi bật hơn trong mắt người đối diện. Ngoài ra, việc này còn giúp tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng. Nhờ đó, việc giải quyết vấn đề hoặc đàm phán trở nên thuận lợi hơn.

    - Xây dựng được các mối quan hệ bền chặt: Giao tiếp là điều cơ bản và có vai trò quan trọng trong mọi mối quan hệ. Biết lắng nghe trong giao tiếp một cách chủ động và hiệu quả sẽ là tiền đề tốt đẹp để bạn xây dựng được một mối quan hệ lâu dài hơn. Vì trong giao tiếp, ai cũng muốn được người khác lắng nghe, muốn có nơi để chia sẻ, giãi bày, khi ấy họ mới cảm thấy mình được tôn trọng, thấu hiểu.

    - Cuối cùng, điều quan trọng nhất là Phát triển tối đa bản thân: Một người biết lắng nghe luôn là người vô cùng khôn ngoan vì họ có thể hiểu và chọn lọc thông tin một cách phù hợp. Lắng nghe chăm chú giúp họ tích lũy dần những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích phục vụ cho cuộc sống của chính mình. Đồng thời, sự lắng nghe sẽ cho mỗi người một khoảng lặng của riêng mình, thấu hiểu bản thân để rồi nhận ra những ưu khuyết của chính mình để phát huy và khắc phục theo chiều hướng tốt nhất.

    Sau khi tìm hiểu tầm quan trọng của việc lắng nghe chắc hẳn các bạn đang nóng lòng muốn biết làm thế nào để có thể "thâu tóm" được những lợi ích này đúng không nào? Vậy thì chúng ta sẽ đến với phần cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là:

    3. Làm thế nào để lắng nghe một cách hiệu quả?


    [​IMG]

    (Nguồn ảnh: Internet)

    Khi muốn thay đổi một điều gì đó thì cần phải có thời gian, ở đây cũng vậy, việc lắng nghe là một quá trình học hỏi lâu dài, không nên áp đặt bản thân phải biết cách lắng nghe ngay lập tức. Sau đây là những chiến lược để bạn rèn luyện:

    - Tập trung chú ý vào cuộc giao tiếp:


    Khi bạn dồn hết sự tập trung vào cuộc giao tiếp thì chính là bạn đang lắng nghe. Việc tập trung lắng nghe trong cuộc nói chuyện sẽ chứng tỏ bạn là người tinh tế, biết tôn trọng đối phương. Bởi, giao tiếp chính là tương tác hai chiều, nếu bạn không tập trung lắng nghe người khác nói thì bạn sẽ không thể nào lĩnh hội được những gì đối phương mong muốn truyền đạt. Bên cạnh đó, nếu như trong cuộc nói chuyện mà bạn cứ để ý đến những thứ xung quanh và thiếu sự thích thú thì sẽ gây mất thiện cảm với người khác, khiến họ cảm thấy khó chịu và nghĩ rằng lời mình nói ra không được tôn trọng.

    - Tuyệt đối không được ngắt lời:

    Thực ra trong cuộc nói chuyện giữa hai người hoặc cuộc trò chuyện giữa không ít người sẽ rất dễ có những ý kiến trái chiều, tuy nhiên việc ngắt lời người đang nói được coi như là 1 hành động vô cùng bất lịch sự, nghiêm trọng hơn là cực kì vô duyên. Do đó với kỹ năng lắng nghe tích cực, dù có muốn góp ý thì bạn cũng không nên xen vào lúc người khác đang nói mà hãy để họ nói xong nhé.

    - Tôn trọng và thấu hiểu người nói:

    Tôn trọng người nói, đặt mình vào vị trí của họ là việc rất cần thiết khi tương tác. Khi đó, bạn sẽ hiểu và tránh được những điều không nên như: Sốt ruột, nôn nóng, ngắt lời.. Vì khi đối phương cảm thấy không được tôn trọng hay lắng nghe, họ sẽ không còn muốn chia sẻ nữa. Đôi khi, bạn cần sử dụng tư duy để tìm ra ẩn ý, ý nghĩa của các câu nói, cử chỉ.. Nếu không, cuộc nói chuyện sẽ nhanh chóng rơi vào tình cảnh mỗi người hiểu một ý. Và đương nhiên, câu chuyện khi đó đi xa đến đâu thì bạn có thể tưởng tượng ra rồi.

    - Tổng hợp và xử lý thông tin một cách chọn lọc:

    Trong một cuộc giao tiếp không phải lúc nào cũng có những điều tốt đẹp, bổ ích, vẫn sẽ tồn tại những bất cập, những thông tin sai lệch. Vì vậy để quá trình lắng nghe diễn ra một cách hiệu quả không nên tiếp nhận tất cả mọi thứ một cách mù quáng mà phải kiểm tra, sàng lọc một cách kĩ càng để thông tin nhận được sẽ mang lại những giá trị bổ ích.

    - Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách linh hoạt nhất:


    Nếu bản thân bạn đang cố lắng nghe nhưng lại hành động như bạn khoanh tay trước ngực một cách khó chịu hay cúi gằm mặt xuống bàn không để ý đến đối phương thì có thể sẽ khiến họ hiểu sai ý rằng bạn đang không có hứng thú và không muốn nghe tiếp câu chuyện. Vì thế, khi lắng nghe hãy chú ý đến đối phương hơn, không chỉ qua suy nghĩ mà hãy biểu hiện qua hành động cụ thể.

    Tóm lại, với chủ đề "Tầm quan trọng của việc lắng nghe". Mong rằng những chia sẻ của mình sẽ thật sự có ích với bạn. Hy vọng tất cả chúng ta sẽ luôn luôn là những người biết lắng nghe để xã hội ngày một văn minh, tốt đẹp hơn và để chính bản thân mỗi chúng ta có cơ hội hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Lắng nghe không phải điều đao to búa lớn gì nó hoàn toàn có thể được tích lũy trong từng việc nhỏ diễn ra hằng ngày, ví dụ như việc bạn đang ở đây và "lắng nghe" lời viết của mình. "Phạm vi của kiến thức là để lên tiếng, và quyền lợi của sự sáng suốt là lắng nghe." - Danh ngôn của Oliver Wendell Holmes.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...