Khổng Tử - Người sáng lập ra Nho giáo. Nhắc đến vị hiền triết người Trung Quốc này là biết bao lời răn dạy đáng suy ngẫm được truyền mãi qua bao thế hệ tới ngày nay. Và có một lời dạy còn được xem là chuẩn mực đạo đức, lối sống chính trị trong thời đại lúc bấy giờ, đó chính là "Tam cương, ngũ thường". Có lẽ bạn đã từng nghe qua đâu đó trên phim hoặc được nhắc nhở từ những người học cao hiểu rộng có am hiểu triết lý, nhưng bạn đã thật sự hiểu hết ý nghĩa của câu nói này chưa? Nếu chưa hãy theo dõi bài viết này nhé. 1. "Tam cương" là gì? - Tam nghĩa là 3 - Cương (nghĩa đen) nghĩa là sợi dây ở mép của lưới đánh cá, giúp lưới liên kết chắc chắn hơn. Ý nghĩa của "Tam cương" là ba mối quan hệ chủ yếu trong đời sống con người. Cụ thể đối với một người đàn ông cần phải khắc cốt ghi tâm rằng: Với vua là phải "Trung", với cha là phải "Hiếu" và với vợ phải "Nghĩa tình". Đối với các vị vua trong triều đại phong kiến khi này, "Tam cương" chính là ba mối quan hệ họ lập ra để tạo dựng sự trung thành bền vững của dân chúng, bao gồm: - Quân thần cương: Đã là vua nếu không thể cai quản và điều động được quân thần trong triều thì làm sao nhà vua ấy có thể làm nên việc lớn. Quân thần là cánh tay đắc lực của vua. Theo những luật lệ được đưa ra có phần cực đoan lúc bấy giờ, thần tử phải nhất nhất tuân lệnh vua, một mực trung thành và mặc định một điều rằng vua luôn đúng, luôn công minh. Nếu trái lệnh chỉ có đường chết. Tuy vậy, vẫn không ít những câu chuyện về những tên gian thần, bán nước, mang dã tâm thao túng đất nước hoặc rước lợi lộc về cá nhân. Ví dụ như Thái giám, Thừa tướng Triệu Cao; Thừa tướng Tần Cối; Thái giám Ngụy Trung Hiền.. - Phụ cương: Đây là mối quan hệ cha con. Không chỉ riêng nhà vua mà bất kỳ một ai đều cần trân trọng mối quan hệ thiêng liêng này. Đối với bạn, định nghĩa của sự hiếu thảo là gì? Không phải là chỉ cần đi làm kiếm thật nhiều tiền gửi cho cha mẹ hay phụng dưỡng tuổi già đâu, mà chữ "hiếu" khi này còn đòi hỏi sự hy sinh cao cả hơn cơ. Có câu "Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu". Khi cần, con phải chết vì cha, nếu không thể làm điều đó tức là con bất hiếu. Có lẽ ở hiện tại bạn không cần phải hy sinh mạng sống để cứu cha như câu nói trên, nên vì vậy hãy báo hiếu cho cha mẹ từ những việc nhỏ nhặt nhất mà mình có thể nhé. - Phu thê: Muốn giữ vững được một đất nước rộng lớn cho thần dân, trước tiên nhà vua phải giữ cho mình một quan hệ vợ chồng êm ấm, đồng lòng, hạnh phúc, không bất hòa hay lục đục. Và trong chế độ nam quyền khi ấy, người vợ trong gia đình phải một mực nghe lời chồng, một lòng vun vén cho tổ ấm, chăm chút vẹn toàn mọi chuyện trong nhà để chồng an tâm lo việc lớn. Thật ra, để giữ gìn không cho "sóng gió gia tộc" nổi dậy khi mà mỗi nhà vua được quyền "năm thê bảy thiếp" là điều không đơn giản, nếu bạn thường xuyên theo dõi các bộ phim cung đấu sẽ hiểu được sự đáng sợ của cuộc đua tranh giành sự sủng ái và ngai vàng cho các hoàng tử. 2. Ngũ thường là gì? - Ngũ nghĩa là 5 - Thường nghĩa là thường thường. "Ngũ thường" mang hàm ý chỉ năm điều thường xuất hiện trong đời sống mà nam nhân (hoặc rộng hơn là tất cả chúng ta) cần tuân thủ theo chuẩn mực, phép tắc của năm điều đó. Cụ thể đó là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Mỗi một đức tính, nhân phẩm trong số năm điều kể trên đều có sự gắn kết với một yếu tố tự nhiên: Nhân - Mộc, Lễ - Hỏa, Nghĩa - Kim, Trí - Thủy, Tín - Thổ. Điều đó cũng có nghĩa khi ta tuân theo "Ngũ thường" tức là ta đang hòa thuận với đất trời, đi theo đúng hướng với vòng luân chuyển tự nhiên. Một khi con người hòa hợp với tự nhiên cũng là lúc thân thể và tâm hồn được bình an, tự tại, thanh thản nhất. Vậy Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, tín là như thế nào? - Nhân: Nhân ở đây có nghĩa là nhân ái, nhân từ, nhân hậu. Đã là con người thì phải có nhân tính. Tấm lòng luôn tràn ngập tình yêu thương, sẵn sàng hy sinh giúp đỡ, mở rộng một trái tim biết bao dung và đồng cảm đến với tất cả mọi người. Nếu thật sự có luân hồi chuyển kiếp thì thật không dễ dàng để ta có thể đầu thai vào kiếp con người và càng khó khăn hơn trong việc ta phải sống thế nào để đáng một kiếp người đó. - Lễ: "Tiên học lễ, hậu học văn". Bạn có thể không xinh đẹp, không giỏi giang nhưng khi bạn có sự lễ độ, cư xử đúng phép tắc tức là bạn đã ghi điểm trong mắt người đối phương. Đừng bao giờ quên đi việc cần phải kính trên nhường dưới, giữ cho mình một thái độ chừng mực, sống một cách hòa nhã, biết trước biết sau. Bởi tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình. Sẽ chẳng ai đề cao một người tài năng xuất chúng mà lại hành động thô lỗ, thái độ "méo mó", nói năng không ý tứ cả. - Nghĩa: Đây vừa là nghĩa trong "chính nghĩa", vừa là nghĩa trong "tình nghĩa". Ý nói khi bạn đưa ra quyết định một điều gì, đặc biệt là khi điều đó có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh thì cần cân nhắc cẩn trọng, sao cho thật công tâm và hợp tình hợp lý, anh minh, chính trực. Đừng trở thành một kẻ tiểu nhân cũng đừng làm một vị thượng quan cứng nhắc. - Trí: Đừng nghĩ rằng ta sống không thẹn với lòng và chăm chỉ "cày KPI" là đủ. Trí tuệ cũng là một cảnh giới thực thụ mà con người ta cần đạt được. Trau dồi trí tuệ là một sự việc mà nó diễn ra không ngừng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Bạn muốn giúp người nhưng không có sự hiểu biết sẽ trở thành gây họa. Bạn siêng năng và cậy vào việc mình có sức khỏe rồi nai lưng ra điên cuồng trong công việc nhưng đầu óc không nhanh nhạy thì cũng chỉ là "hữu dũng vô mưu" mà thôi. - Tín: "Một lần bất tín, vạn lần bất tin". Sự tín nhiệm và tin tưởng của mọi người dành cho chúng ta là hết sức quan trọng. Bạn có thể tự mình làm một điều gì đó mà không cần người khác tin tưởng như câu chuyện về "con tàu Noah", nhưng thử nghĩ khi bạn cần một sự hỗ trợ hoặc những lúc bạn chùn chân, nếu bất kỳ ai cũng quay lưng với bạn, nếu bạn không có một điểm tựa hoặc nơi để bám víu liệu bạn có thể bước tiếp? Hoặc đối với những mối quan hệ hai chiều như người bán hàng - khách hàng, giám đốc - nhân viên.. Nếu đối phương không trao niềm tin cho bạn liệu giá trị bản thân của bạn có thể phát huy? Đừng thất hứa, vụ lợi, gây thất vọng cho người khác bởi gây dựng lòng tin cậy không bao giờ là thừa đâu.