Phân tích tác động của toàn cầu hóa đến hoạt động kinh doanh quốc tế * Toàn cầu hóa: Toàn cầu hóa là thuật ngữ được sử dụng để mô tả về quá trình quốc tế hóa thị trường hàng hóa và dịch vụ, các phương tiện sản xuất, hệ thống tài chính.. Đây cũng là quá trình thúc đẩy dòng lưu chuyển của vốn, quá trình đổi mới công nghệ trở nên nhanh hơn và làm tăng tính phụ thuộc, làm nhất thể hóa thị trường các quốc gia. Theo nghĩa rộng, toàn cầu hóa là một hiện tượng, một quá trình, một xu thế liên kết trong quan hệ quốc tế làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt của đời sống xã hồi (từ kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa đến môi trường) giữa các quốc gia. Theo nghĩa hẹp, toàn cầu hóa là một khái niệm kinh tế chỉ quá trình hình thành thị trương toàn cầu làm tăng sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế quốc gia. * Kinh doanh quốc tế: Kinh doanh quốc tế được hiểu là việc các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thương mại, đầu tư qua biên giới của quốc gia, mà thực chất đó là việc thực hiện các giao dịch qua biên giới nhằm mục đích sinh lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của chính các doanh nghiệp. * Tác động của toàn cầu hóa đến hoạt động kinh doanh quốc tế: - Tác động tích cực: + Các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận, thị phần. Đặc biệt, khi các quốc gia là thành viên của các liên kết khu vực, ở đó quan hệ thương mại giữa các thành viên là các thỏa thuận thương mại tự do. Toàn cầu hóa các thị trường đề cập tới việc gắn kết các thị trường quốc gia vốn riêng rẽ và tách biệt thành một thị trường rộng lớn mang tính toàn cầu. Việc hạ thấp các hàng rào đối với hoạt động thương mại giữa các nước giúp cho việc bán hàng hóa trên phạm vi toàn quốc trở nên dễ dàng hơn (đồ uống Coca-Cola, bánh humberger McDonald's, cà phê Starbucks) + Toàn cầu hóa giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng được các nguồn lực một cách tối ưu. Toàn cầu hóa hoạt động sản xuất đề cập đến việc sử dụng các nguồn lực về hàng hóa và dịch vụ từ các địa điểm khác nhau ở khắp nơi trên thế giới nhằm khai thác những lợi ích do sự khác biệt giữa những quốc gia về chi phí và chất lượng của các yếu tố phục vụ sản xuất như lao động, năng lượng, đất đai, vốn.. + Toàn cầu hóa giúp doanh nghiệp có cơ hội củng cố, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Toàn cầu hóa đòi hỏi cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Các xí nghiệp phải có mặt hàng rẻ, bền, đẹp mới cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Nhưng sản phẩm sản xuất ra lại có một thị trường rộng lớn ở khắp toàn cầu, giúp tăng lợi nhuận, làm đầu tàu kinh tế kéo theo các lĩnh vực khác. + Thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển giao vốn kỹ năng quản lý, qua đó mở rộng địa bàn đầu tư cho các nước phát triển đồng thời giúp các nước tiếp nhận đầu tư có cơ hội phát triển. - Thách thức của toàn cầu hóa đối với hoạt động kinh doanh quốc tế: + Sự không bình đẳng: Nhờ toàn cầu hóa, nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh chưa từng có nhưng sự bất bình đẳng cũng ngày càng sâu sắc. Người giàu thì ngày càng giàu hơn và người nghèo lại càng nghèo hơn, phụ nữ cũng chịu vất vả hơn nam giới trong mọi tầng lớp xã hội. + Nguy cơ tụt hậu của một số quốc gia: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, về phương diện kinh tế, đây là một cuộc cạnh tranh hết sức cam go giữa các nước trong bối cảnh các thế lực tư bản độc quyền gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối toàn cầu hóa. Việc này gây ra những thách thức rất lớn về kinh tế đối với nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, là nguy cơ mất độc lập tự chủ về kinh tế và nguy cơ tụt hậu. + Thách thức về sự đồng hóa văn hóa: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự giao lưu về văn hóa của các quốc gia là một điều tất yếu, nhưng vì thế mà nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, bị đồng hóa ngày càng lớn. Tất cả các nước trên thế giới đều đang phải cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, để "hòa nhập nhưng không hòa tan". + Mất ổn định + Vai trò chính phủ yếu đi: Toàn cầu hóa đồng nghĩa với việc các nguồn đầu tư từ nước ngoài vào trong nước ngày càng nhiều, vai trò của chính phủ sẽ không mạnh như trước nữa. Đây là một thách thức lớn đối với việc giám sát và quản lý nền kinh tế nước nhà. + Vấn đề môi trường: Toàn cầu hóa đồng thời cũng gây ra nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường. Các khu công nghiệp tư nhân được xây dựng trên nhiều quốc gia đã khiến cho ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, khai thác bừa bãi.. ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Phải làm sao để bảo vệ môi trường hiện vẫn đang là thách thức lớn đối với toàn thế giới.