Suy nghĩ của em về bệnh thành tích sau khi học văn bản: Đổi tên cho xã - Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 8

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 3 Tháng sáu 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Suy nghĩ của em về bệnh thành tích sau khi học văn bản: Đổi tên cho xã - Lưu quang Vũ

    Gợi ý:

    Những thành tựu bền vững được sinh ra từ sự hy sinh lớn lao. Ngược lại, những thành tựu ngỡ lớn lao được sinh ra từ bệnh thành tích sẽ chẳng bao giờ lâu bền. Bệnh thành tích thậm chí còn để lại nhiều hệ lụy hơn thế.

    Chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ với vở kịch Đổi tên cho xã của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm kể về việc chính quyền địa phương tổ chức một cuộc họp để bàn chuyện đổi tên xã. Tuy nhiên, thay vì chú ý đến đời sống thực tế và những khó khăn của người dân, họ chỉ quan tâm đến hình thức và cách đổi tên sao cho kêu và nổi bật. Qua đó, tác giả phê phán bệnh thành tích, sự xa rời thực tế và quan liêu của một bộ phận lãnh đạo, đồng thời đề cao giá trị thực sự của việc lắng nghe và giải quyết những vấn đề cơ bản của nhân dân. Vở kịch thể hiện phong cách châm biếm và phê phán xã hội đặc trưng của Lưu Quang Vũ, đồng thời khắc họa rõ nét tình hình xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới.

    Vở kịch đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm về căn bệnh thành tích trong xã hội hiện nay. Bệnh thành tích là hiện tượng chú trọng đến việc đạt được thành tích bề ngoài thay vì hiệu quả thực sự, đặc biệt phổ biến trong giáo dục, chính trị, và công việc. Đây thực sự là một vấn nạn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước.

    Vậy vì sao có sự tồn tại, lây lan căn bệnh nguy hiểm, độc hại này? Trước hết phải kể đến nguyên nhân khách quan - áp lực từ cấp trên. Các cá nhân hoặc tổ chức bị gây áp lực phải báo cáo thành tích tốt lên cấp trên, dù thành tích đó không phản ánh đúng thực chất. Mặt khác, không ít người còn tồn tại tư tưởng "cá nhân xuất sắc" : Mong muốn được công nhận, khen thưởng, hoặc thăng tiến nhanh chóng, nên tìm cách làm đẹp kết quả. Một yếu tố khác không thể bỏ qua là thiếu đánh giá khách quan của cấp trên. Việc thiếu các tiêu chí đánh giá trung thực và khách quan dẫn đến việc các cá nhân hoặc tổ chức dễ bị lôi cuốn vào việc đạt thành tích giả tạo. Hoặc áp lực thi đua trong các phong trào, việc chỉ chú trọng đến những con số thành tích sẽ khiến nhiều người chọn cách gian lận hoặc làm việc hời hợt.

    [​IMG]

    Bệnh thành tích sẽ gây nên những tổn hại nghiêm trọng cho chính bản thân và tập thể, xã hội. Bản thân theo đuổi bệnh thành tích sẽ đánh mất nhân phẩm, trở thành kẻ "hữu danh vô thực", sùng bái và mải miết chạy đua với vòng danh lợi để thỏa mãn tham vọng quyền lực của bản thân. Để có được thành tích, tạo ra "hư danh" bằng mọi cách, con người có thể sử dụng đồng tiền để mua bằng cấp giả, thành tích giả, hoặc báo cáo giả. Đặc biệt, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc con người bất chấp mọi thủ đoạn, lạm dụng chức quyền để trục lợi cá nhân, thậm chí tước đoạt những lợi ích chính đáng của người khác. Vụ án lừa đảo của Địa ốc Alibaba với con số khổng lồ về số tiền mà các nạn nhân bị chiếm đoạt chính là minh chứng tiêu biểu cho điều này. Ngoài ra, bệnh thành tích, thói hám danh hám lợi còn gây lãng phí nguồn lực. Những báo cáo không đúng thực chất sẽ khiến các quyết định quản lý hoặc phân bổ nguồn lực sai lệch, dẫn đến lãng phí. Bệnh thành tích khiến chất lượng công việc giảm sút, bởi căn bệnh này che giấu các vấn đề thực sự tồn tại, khiến cho tổ chức không thể phát hiện và khắc phục sớm những yếu kém. Khi chỉ tập trung vào thành tích bề nổi, công việc hoặc học tập thường bị làm qua loa, kém chất lượng. Đây là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của một xã hội công bằng - dân chủ - văn minh.

    Đời cũng chỉ phù du cát bụi

    Hư danh kia tàn lụi một ngày

    Cuộc đời này có trả có vay

    Sân si mù quáng hao gầy tấm thân!


    Đúng vậy, cuộc đời chỉ như cát bụi, hư danh nào cũng lụi tàn, chỉ có những giá trị đích thực là còn mãi. Cần phải loại bỏ bệnh thành tích để phát triển giá trị thực. Vậy làm thế nào để khắc phục căn bệnh này? Thiết nghĩ, tập thể, người lãnh đạo phải xây dựng hệ thống đánh giá minh bạch, khách quan với các tiêu chí đánh giá kết quả dựa trên chất lượng thay vì số lượng; khuyến khích tính trung thực: Tạo ra môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích nhân viên và học sinh báo cáo trung thực về tình hình công việc và học tập; thay đổi quan điểm quản lý: Các lãnh đạo cần thay đổi tư duy, tập trung vào hiệu quả thực sự thay vì chỉ chú trọng vào thành tích bề nổi; đào tạo, nâng cao nhận thức: Tổ chức các buổi đào tạo và nâng cao nhận thức về tác hại của bệnh thành tích cho cả giáo viên, học sinh, và cán bộ; giảm áp lực thi đua cũng là biện pháp hiệu quả. Thay vì chạy đua thành tích, cần tạo điều kiện để các cá nhân và tổ chức có thể phát triển bền vững, dài hạn. Việc loại bỏ bệnh thành tích là một quá trình dài và đòi hỏi sự thay đổi từ cả hệ thống lẫn nhận thức của cá nhân.

    Bằng thực lực để đạt được kết quả là thành công, không dựa vào thực lực mà cố đạt kết quả gọi là bệnh thành tích. Cách thức nào, con đường nào được trân trọng, hẳn ai cũng biết. Bởi vậy, chúng ta hãy nhận thức rõ căn bênh nguy hiểm này, tránh xa nó, tập trung vào phát triển bản thân. Khi nỗ lực không ngừng, nhất định, bạn sẽ đạt được thành tựu đáng giá, đáng trân trọng - "đủ nắng hoa sẽ nở".
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng mười 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...