Bài thơ: Sức cỏ Tác giả: Phan Xuân Hạt Trong các nhà thơ kháng chiến, Phan Xuân Hạt là một "kho" tư liệu văn học. Phan Xuân Hạt tâm sự: "Âm hưởng chủ đạo của thơ tôi hòa nhập vào những vui buồn của tôi, của xã hội, của đất nước trước những năm tháng lịch sử đầy biến động..". Ông từng dạy trung học ở Liên khu 4 thời kỳ chống Pháp, công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 4, nhận giải thưởng thơ (1952) của Ty Văn hóa Nghệ An. Thơ Phan Xuân Hạt thường thông qua hiện thực mà gửi gắm những triết lý suy ngẫm về con người, cuộc đời. Thơ ông thủ thỉ, tâm tình, dung dị, dễ hiểu. Thơ ông là ngôi chùa để anh chiêm ngưỡng trong tất cả vẻ thánh thiện. Anh tìm mình trong sức cỏ, trong sức sống nguyên sơ mà bền vững, trong mỏng manh mà tốt tươi. Bài thơ "Sức cỏ" là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ đậm chất suy tư, triết lí của Phan Xuân Hạt. Từ hình ảnh cỏ sống ở các môi trường khác nhau: Công viên, vệ đường, ven đê, tác giả khẳng định sức sống mãnh liệt của cỏ vượt lên khó khăn thử thách. Cỏ còn là ẩn dụ cho con người: Mạnh mẽ, kiên cường. Bài thơ gửi đến thông điệp cho người đọc: Hãy có sức sống mãnh liệt, sống hết mình, sống cống hiến, sống tỏa sáng, có ý chí nghị lực vượt qua thử thách, khó khăn để khẳng định giá trị của mình. Văn bản: Cỏ sống ở công viên Ngày ngày, người chăm chút Cỏ sống ở vệ đường Mặc cho người giẫm đạp! Cỏ sống ở ven đê Gồng sức lên chống lụt! Cũng là cỏ đấy thôi Sống mỗi nơi mỗi khác. Cỏ công viên tươi tốt Có khi bị cắt bằng Và nhổ đào tận gốc Khi cỏ đã úa vàng! Trọn đời cỏ không tiếc Sức non tơ mỡ màu Sống hết mình xanh biếc Dẫu thế nào, nơi đâu!