Sông Hương chảy trong lòng thành phố

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tructam2301, 18 Tháng ba 2023.

  1. tructam2301

    Bài viết:
    9
    "Sao thèm hát một điệu gì xưa lắm

    Thèm đọc một đoạn văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

    Có ai đó rót chiều vào chén ngọc

    Huế dịu dàng xây bằng khói và sương."

    ( "Vọng Huế" – Nguyễn Trọng Tạo)

    Những câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo khiến người đọc không khỏi nhớ đến một Huế đầy mộng mơ, yên bình và dịu dàng phản chiếu qua dòng sông Hương trong văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Một Hương giang đầy mãnh liệt và phóng khoáng nơi thượng nguồn, lại tình tứ lãng mạn nơi ngoại vi thành phố Huế. Chính những nét đẹp ấy đi sâu vào tâm trí ta, khắc ghi ấn tượng mạnh mẽ, khó phai nhất để rồi nhắc đến "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là ta ngay lập tức nghĩ đến Hương giang. Con sông ấy đã chứng kiến bao đổi thay của lịch sử, sự thăng trầm của cuộc sống. Có lẽ cũng vì điều đó mà sông Hương cũng đã đi vào thơ ca, nhạc họa rất trữ tình và sâu lắng. Nếu tên tuổi Văn Cao gắn liền với sông Lô hùng tráng; Hoàng Cầm là nỗi nhớ của ta khi ngang qua "Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh"; Hoài Vũ mãi là nhà thơ của con sông Vàm Cỏ đêm ngày thao thiết chở phù sa, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã song hành cùng sông Hương đi vào trái tim người đọc với "Ai đã đặt tên cho dòng sông?"..

    HPNT là một trong những nhà văn chuyên về bút kí cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức sâu rộng về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí.. Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội súc tích, mê đắm và tài hoa trong bút kí: "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" – được sáng tác năm 1981. Dành hơn nửa đời người gắn bó với vùng đất trầm mặc Huế, nhà văn xem cố đô như cả bầu trời yêu thương, Huế là cội nguồn, là máu thịt, là nỗi nhớ nhung mà nhà văn đã mang theo rất sâu đậm trong từng trang văn. Sông Hương là đối tượng để bộc lộ tâm tình, là khách thể của trang viết trong sự thể hiện cái tôi của nhà văn. Sông Hương chính là đối tượng để khảo cứu, làm nên vẻ đẹp của xứ Huế. Chính vì vậy, sông Hương đã được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, từ góc độ địa lí đến lịch sử và qua góc nhìn của văn hóa, thơ ca.

    Ở đoạn trích trước đó, qua góc nhìn từ góc độ địa lý, lịch sử, nhà văn đã làm hiện lên vẻ đẹp của SH đầy sức sống như một bản trường ca phong phú giai điệu tiết tấu khi hùng tráng, dữ dội và cũng thật trữ tình say đắm. Dòng sông "như cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại". Ra khỏi rừng, SH như một nàng công chúa được đánh thức khỏi giấc ngủ ngàn năm giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại để rồi dòng sông mải miết đổi lưu tốc của dòng chảy trên hành trình về Huế.

    Ở đoạn này, tác giả tiếp tục sử dụng nghệ thuật nhân hóa và kiến thức ở các lĩnh vực hội họa, vũ đạo, triết học, thi ca để khám phá vẻ đẹp của màu sắc và dáng vẻ của dòng sông khi về Huế qua lăng kính tình yêu. Dưới góc nhìn địa lý và hội họa, dòng sông được tiếng chuông chùa Thiên Mụ đánh thức, dòng chảy xanh thẳm trong dáng vẻ trầm mặc như cổ thi, triết lý đột nhiên trở nên tươi tắn, lung linh rạng rỡ khi chảy qua những biền bãi xanh biếc của ngoại ô Kim Long. Hai từ "vui tươi" là sự kết hợp của màu sắc, ánh sáng và tâm trạng. Con sông như nở nụ cười tươi tắn rạng rỡ sau hành trình gian truân về gặp tình yêu.

    Nhà phê bình văn học lê Ngọc trà nhận định: "Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư", Đến với vẻ đẹp của sông Hương, ta tất thấy những tâm tư tình cảm của nhà văn. Trải qua cuộc hành trình vạn dặm, sông Hương đắm mình trong Huế thật lâu, quấn quýt hòa quyện vào nhau Như thỏa nỗi mong đợi. Kinh thành Huế chính là "người tình mong đợi" của sông Hương - đó là nơi mà nàng muốn đến một cách nhanh nhất và đắm chìm ở đó lâu nhất. Sông Hương trong lòng thành phố như có sự tương đồng trong lòng hoàng phủ. Bởi cuộc sống ông, dù đi xa đến mấy, phiêu bạt, chiêm nghiệm không biết bao nhiêu dòng sông. Nhưng sông Hương trong lòng ông vẫn mãi là một chốn riêng tư để thương để nhớ. Như chính nhà văn đã chia sẻ: "Đất nước có nhiều dòng sông, nhưng chỉ có một dòng sông để thương để nhớ, như cuộc đời có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mang theo". Tạm biệt vùng ngoại ô kim long, nàng Hương "như đã tìm đúng đường về", nàng "kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam Đông Bắc". Từ đây sông Hương rạng rỡ như nắng mới, nàng "vui tươi hẳn lên". Chạm mặt thành phố, con sông nhìn thấy "chiếc cầu trắng in ngần lên nền trời nhỏ nhắn như những vành trăng non". Cầu Tràng Tiền qua nghệ thuật so sánh như nét mày, như vành trăng non "mày ai trăng mới in ngần" (Nguyễn Du) vừa có sắc trong sáng, vừa mang dáng vẻ mềm mại. Bởi thế dòng chảy của dòng sông trở nên "thẳng thực yên tâm", cụm từ ấy diễn tả một dòng tâm trạng. Hương giang như có hồn người, tình người, trong dòng chảy có cảm xúc náo nức, rạo rực, nôn nao, khao khát thể hiện một tình yêu thật trong sáng, mãnh liệt.

    Trước đó, dòng sông mang niềm háo hức về với tình yêu thì ở đoạn này, sông Hương lại mang nét đẹp điệu đà, duyên dáng, ý nhị: "Giáp thành phố ở cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến; đường cong ấy làm dòng sông như mềm hẳn đi, như một tiếng" vâng "không nói ra của tình yêu". Quả đúng là "tình yêu là những lý lẽ riêng thuộc về con tim", dẫu là một dòng sông cá tính thì khi đắm mình trong tình yêu, sông Hương cũng mang vẻ đẹp ý nhị riêng! Câu văn miêu tả vẻ đẹp của sông Hương khi mới về tới thành phố Huế nghe thật nhẹ nhàng, thật lãng mạn, tình tứ. Cách so sánh độc đáo gợi nên vẻ e thẹn, ngượng ngùng của con sông. Qua cảm nhận tinh tế của nhà văn, SH hiện lên như một thiếu nữ. Trong niềm hân hoan của cuộc hội ngộ mà phải đến "hàng ngàn thế kỷ qua đi" mới được gặp người mình yêu, vẫn không đánh mất vẻ dịu dàng, e thẹn, kín đáo trong biểu lộ cảm xúc. Những đường nét mềm mại, mê đắm của nàng khiến cho tất cả những ai khi đọc thiên tùy bút cũng đều cảm thấy sửng sốt, ngỡ ngàng, và muốn đắm say trong tình yêu để một lần được nghe "tiếng vâng" kia ngọt ngào đến mức nào! Càng yêu thì người ta lại càng có xu hướng và quyện vào nhau lâu hơn, như thấu hiểu điều đó: Sông Hương trong lòng thành phố không chạy nhanh như sông Neva mà nàng "chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn có còn là một mặt hồ yên tĩnh" như một điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế vậy. Sông Hương là tất cả những gì người dân xứ Huế có, họ yêu mến dòng sông đã gắn bó suốt bao đời. Cũng chính vì yêu mến dòng sông, Muốn nàng ở lại bên mình thật lâu cùng có mặt trong các hoạt động thường ngày nên họ đã đào những "nhánh sông mang nước Hương giang tỏa đi khắp phố thị" từ đầu đến cuối kinh đô.

    "Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ

    Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ"

    Nếu đến với Huế, đến với sông Hương mà chỉ biết đắm say nhìn tốc độ dòng chảy thì sẽ không bao giờ là người sành về xứ Huế. Người dân Huế rất tự hào về màu nước đa sắc của sông Hương như chính người đẻ ra đứa con tinh thần này khẳng định: Dưới kinh nghiệm của một đời cầm bút, tôi đã không ngần ngại gửi tâm hồn mình vào tác phẩm, vẽ lại đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc và yên bình như một lẽ vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô, nó biến sắc nhanh chóng "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" như những luồng sáng chiếu bóng kinh thành thêm đẹp, thêm lung linh hơn, và đặc biệt, nó muốn khắc sâu vào tâm trí những người một lần đặt chân đến đây, mà yêu màu sắc nước, mê say ngàn đời. Dân tộc Việt Nam tự hào vì có loài hoa, dù trong bùn lầy vẫn đẹp vẫn tỏa ngát hương thơm, như người dân xứ Huế tự hào về dòng Hương Giang được sánh ngang các dòng sông nổi tiếng trên thế giới. Sông xen của Paris quả thơ mộng, sông Danis của Budapest Cũng không kém cạnh với sự lặng lẽ vốn có, hay sông Nevada ở Nga, một dòng sông mang ý nghĩa lớn trong lịch sử của châu âu. Các dòng sông này, cùng là nhịp cầu thổn thức của các thành phố, tuy đều chạy trong lòng thành phố. Nhưng trải qua bao thăng trầm của đất nước cùng những thay đổi của nhân loại, nàng Hương vẫn ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh, bởi "trong tổng thể nàng vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, chạy dọc hai bờ sông" mà không một Dòng sông nào có được. So sánh để tự hào về dòng sông "nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình" không chỉ là người tà nữ xinh đẹp mà còn thủy chung, chung tình với Huế..

    Với cái nhìn lãng mạn, đắm say, nhà văn đã khám phá phần hồn sâu lắng của con sông giữa lòng thành phố, SH tỏa Sông Hương phải trải qua một hành trình gian lao mới gặp được người tình mong đợi nên qua Huế, dòng chảy chùng hẳn xuống "như vấn vương của một nỗi lòng". Đảo Cồn Hến đã làm giảm lưu tốc của dòng sông và tạo cho khuôn mặt dòng sông như một mặt hồ yên tĩnh. Nhà văn đã quan sát tinh tế thấy thần thái, không khí, linh hồn cố đô: Sâu lắng, kín đáo, suy tư. Trong sự liên tưởng tưởng tới dòng chảy của sông Neva "cuốn trôi những đám băng lô xô", nhà văn đưa trở lại sông Hương trong nỗi nhớ da diết, cháy bỏng: "Tôi lại nhớ con sông Hương của tôi". Kiến thức văn hóa sâu rộng và tình yêu dòng sông quê hương giúp nhà văn khẳng định chẳng có dòng sông nào đẹp bằng dòng sông quê hương mình. Dòng chạy thật chậm của con sông là điệu slow tình cảm dành cho Huế. Đó là vũ điệu của một tình yêu nồng nàn, vấn vít đắm say.

    Vũ điệu ấy còn gợi đến điệu hồn lối sống Huế, dịu dàng đắm say, tâm hồn và trí tuệ, nó gắn với đời sống văn hóa tâm linh Huế trừu tượng và cũng thật cụ thể: "Có thể cảm nhận bằng thị giác qua trăm ngàn ánh hoa đăng bồng bềnh từ những đêm hội trăng rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng".

    "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là một bút ký xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hành văn súc tích, giàu chất thơ. Nét đặc sắc làm nên sức hấp dẫn của đoạn trích là cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lý và văn chương cùng một văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa. Thành công của đoạn trích nói riêng và bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông" nói chung chính là nhờ vào một số yếu tố nghệ thuật đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo: Ngôn ngữ trong sáng, phong phú, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu chất thơ. Sử dụng nhiều phép tu từ như: So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ. Giọng văn nhẹ nhàng pha lẫn hoài niệm làm bài ký toát lên nỗi niềm thương nhớ bâng khuâng. Tất cả đã hòa quyện lại dưới ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường và chắp cánh, nâng đỡ cho ngòi bút tài hoa ấy thăng hoa cùng tác phẩm.

    Gấp lại trang văn "Ai đã đặ tên cho dòng sông", dường như trong lòng mỗi người đọc còn vấn vương mãi hình bóng dòng nước mênh mang trầm mặc nơi miền đất cố đô xinh đẹp, dịu dàng. HPNT đã dùng ngòi bút phác họa hình dung hình bóng nàng thơ ấy bằng ngôn từ trên trang giấy, thể hiện trọn vẹn một nét bút tài hoa, uyên bác về khả năng quan sát, thấu thị đa chiều của mình trên từng dòng chảy Hương giang. Bao nhiêu năm trôi qua, thiên bút kí vẫn ở đó, vẹn nguyên cả về ý nghĩa và tinh thần, mãi là nhịp phách tiền tuyệt mỹ nhất ru người đọc về dải đất Huế mộng, Huế thương.
     
    chiqudoll, Bao To, Chu Kim Oanh1 người nữa thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...