1. Quan điểm về rủi ro - Quan điểm của người phương Đông: Rủi ro được xem là điều không may mắn, là những tổn thất mất mát, là điều không lành, không tốt, bất ngờ xảy đến với cuộc sống con người. Sự may rủi thường được con người cho là khách quan nằm ngoài dự kiến khó nắm bắt, vì vậy, họ bị động trước sự tác động của yếu tố này. - Quan điểm ở phương Tây: + Alan H. Willent (1951) : Rủi ro là sự không chắc chắn về tổn thất. + Irving Pfeffer (1956) và John Haynes (1995) : Rủi ro là sự không chắc chắn có thể đo lường được. Có ba tình huống có thể xảy ra với một sự kiện: Không thể xảy ra (xác suất bằng 0) ; chắc chắn xảy ra (xác suất bằng 1) ; không chắc chắn (xác suất nhỏ hơn 1 và lớn hơn 0), có thể đo lường được. Rủi ro là một tình huống mà ở đó các điều xảy ra không được biết một các chắc chắn. Một biến cố rủi ro là một biến cố không thể biết chắc chắn trong tương lai. Những gì xảy ra trong thực tế chủ yếu là bất định. Con người không biết tất cả các khả năng có thể xảy ra cũng như xác suất xuất hiện của các khả năng này. Tuy nhiên, con người có thể chủ động tác động tích cực đến sự vật, hiện tượng, can thiệp vào các hoạt động để tạo ra nhiều biến cố tốt hơn, làm giảm xác suất thiệt hại, còn nếu con người phó mặc cho rủi ro xảy ra thì nhiều khi sẽ chịu những tổn thất lớn mà rủi ro mang lại. - Như vậy, rủi ro là một biến cố không chắc chắn mà nếu xảy ra thì sẽ gây tổn thất cho con người hoặc tổ chức. - Ví dụ về một tình huống rủi ro: Rạng sáng ngày 8 tháng 3 năm 2014, máy bay Boeing 777-200 với số hiệu chuyến bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia cất cánh từ sân bay Kuala Lampua tới Bắc Kinh khi chuẩn bị bay vào không phận do Việt Nam quản lý thì bị mất liên lạc với mặt đất. Trên chuyến bay có 239 người bao gồm cả các hành khách và phi hành đoàn. Ngay lập tức việc tìm kiếm chiếc máy bay được tiến hành với sự tham gia của nhiều nước bằng nhiều phương tiện khác nhau. Sau nhiều tháng trôi qua, việc tìm kiếm vẫn không mang lại kết quả và số phận hay nguyên nhân dẫn đến sự mất tích của chiếc máy bay này vẫn còn là điều bí ẩn. Sau vụ tại nạn bí ẩn thuộc hàng bậc nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới đó hơn 4 tháng, một chiếc máy bay Boeing 777-200 khác mang số hiệu MH 17 của Malaysia Airlines sau 2 tiếng khởi hành từ một sân bay của Hà Lan trên đường bay đến Kuala Lampua thì bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine. Toàn bộ 298 người trên chuyến bay đó đã thiệt mang. Lần này nguyên nhân của tai nạn được xác định là tên lửa bắn, tuy nhiên chưa xác định được ai là người bắn. - Trong thực tế, khi nói đến rủi ro thường nói đến tổn thất. Tổn thất có thể là những thiệt hại, mất mát về tài sản, mất cơ hội có thể được hưởng về tinh thần, thể chất do rủi ro gây ra. - Rủi ro là sự kiện không may mắn của con người nhưng rủi ro không tự thân phản ánh mức độ nghiêm trọng của nó. Để có thể đo lường và phản ánh mức độ nghiêm trọng của rủi ro thì cần phải làm rõ hậu quả của rủi ro qua tổn thất. Trong thực tế, những tổn thất xuất phát từ nguyên nhân chủ đích của con người thường không được quan tâm nhiều và nghiên cức đầy đủ bởi nó thương được coi là đương nhiên. Người ta chủ yếu quan tâm và nghiên cứu nhiều đến những tổn thất không mong đợi có nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan, để từ đó có các biện pháp phòng chống, hạn chế hay giảm thiểu tổn thất một cách tốt nhất. Việc phân biệt tổn thất do chủ ý và tổn thất ngoài sự mong đợi là rất khó khăn. Có những tổn thất là do sự cố ý của người này nhưng lại là ngoài sự mong đợi của người khác, ví dụ như chiến tranh là hành động chủ ý của các thế lực chính trị, nhưng lại là rủi ro gây ra tổn thất cho dân thường.
2. Đặc trưng của rủi ro - Tần suất rủi ro: Đặc trưng nói lên tính phổ biến hay mức độ thương xuyên của một biến cố rủi ro. Tần suất rủi ro biểu hiện số lần xuất hiện rủi ro trong một khoảng thời gian hay tỏng tổng số lần quan sát sự kiện. Tần suất rủi ro được đo bằng đại lượng xác suất của rủi ro. Ví dụ: Bão là hiện tượng tự nhiên - biến cố rủi ro thường xảy ra ở Việt Nam với tần suất khoảng từ 5 đến 10 cơn mỗi năm. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông ngư nghiệp hay lĩnh vực xây dựng cần biết được tần suất rủi ro để có kế hoạch phòng tránh hoặc phục hồi nhanh và hiệu quả. - Biên độ rủi ro: Đặc trưng thể hiện mức độ tổn thất mà rủi ro có thể gây ra nếu nó xảy ra. Biên độ rủi ro có thể thể hiện tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại tác động tới chủ thể. Biên độ rủi ro thể hiện hậu quả hay tổn thất do rủi ro gây ra. Ví dụ: Mức độ thiệt hại mà một cuộc đình công có thể gây ra cho doanh nghiệp về đình đốn sản xuất, không thực hiện được kế hoạch cung ứng sản phẩm.. Hay tổn thất về người và tài sản mà một vụ hỏa hoạn có thể gây ra cho các nhân (bị thương tật, tử vong.) hay cho một doanh nghiệp (không có tài sản phục vụ sản xuất, kinh doanh, phải bỏ thêm tiền để khắc phục.). Biên độ của rủi ro càng lớn thì tính chất nguy hiểm của rủi ro càng cao. Biên độ của rủi ro phụ thuộc vào một số yếu tố sau: + Tổn thất về tài chính, bao gồm những mất mát về tài sản hữu hình, tài sản vô hình. + Tổn thất về nhân lực: Tử vong, bệnh tật, mất hoặc suy giảm khả năng làm việc, giảm về số lượng và chất lượng nhân lực. + Khả năng tài chính của chủ thể rủi ro: Cùng một mức tổn thất nhưng với những tổ chức có tài chính lớn sẽ ít nghiêm trọng hơn so với tổ chức có khả năng tài chính hạn hẹp. + Thái độ của con người: Yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của tổn thất. Nếu là người biết chấp nhận rủi ro, họ bình tĩnh xử lý và tìm các biện pháp kiểm soát thích hợp; ngược lại, họ sẽ thụ động, phụ thuộc vào các tác nhân bên ngoài hỗ trợ khi có rủi ro. + Đối tượng chịu rủi ro: Cùng một tổn thất xảy đến, đối với người này là lớn, nghiêm trọng, nhưng với người khác thì không phải là lớn và không quá nghiêm trọng; hoặc tổn thất sẽ tác động đến mỗi đối tượng là khác nhau. Ví dụ như tai nạn đối với người này làm giảm sức khỏe, đối với người kia là suy sụp tinh thần, nghiêm trọng hơn là tử vong. Các mức độ thiệt hại: - Thiệt hại lớn nhất có thể có: Giá trị thiệt hại lớn nhất có thể xảy ra, có thể nhận thức được. - Thiệt hại lớn nhất có lẽ có: Giá trị thiệt hại lớn nhất nhà quản trị tin là có thể xảy ra. Thiệt hại khó vượt qua tổn thất có lẽ có, và không thể vượt qua tổn thất lớn nhất có thể có.