Review Sách Philosophy For Life - Triết Học Của Cuộc Sống - Jules Evans

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Nguyen Van Cao, 14 Tháng ba 2023.

  1. Nguyen Van Cao

    Bài viết:
    18

    Xin chào các bạn, hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn cuốn sách "Philosophy for Life" của Jules Evans, mình tạm dịch là "Triết học của cuộc sống". Mình tin chắc, nhắc tới hai chữ "triết học", nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một thứ gì đó thật cao xa, không dễ tiếp cận, không có ích với thực tiễn cuộc sống. Những người bình thường như chúng ta, đã có quá nhiều thứ bận rộn trong cuộc sống hàng ngày, thì làm sao có thể có thì giờ tìm hiểu những thứ sâu xa như vậy. Hay là nhớ lại hồi đi học, môn triết thực sự là một điều gì đó ác mộng với rất nhiều người. Ngay cả mình cũng như vậy, khi đó học môn này mình chỉ là để đối phó cho qua kỳ thi. Nhưng mà giờ nhìn lại, quả thực là do bản thân mình lúc đó chưa có nền tảng kiến thức, cũng như cái nhìn toàn vẹn, chính xác về ý nghĩa của triết học. Trên thực tế, triết học không phải là một kiến thức xa vời, mà nó là một chân lý sâu sắc, nó đang hoạt động và gần gũi hiện diện ngay chính trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Khi bạn cảm thấy mơ hồ cho tương lai, bạn không biết làm gì cho hiện tại thì Socrates sẽ nói với bạn rằng "Cuộc sống thiếu thử thách thì không đáng sống". Khi bạn muốn bỏ cuộc, muốn chạy trốn khỏi thực tại, Nietzsche sẽ nhắc nhở bạn "Người có một lý do để sống có thể chịu đựng bất cứ điều gì". Và khi bạn lạc lối trong hạnh phúc, không tìm thấy niềm vui, Aristotle sẽ nói với bạn rằng "Hạnh phúc là đặt tâm hồn vào vị trí thích hợp nhất". Khi nói đến đây, mình thật sự có một rung cảm, xúc động trước triết học. Bởi vì mình nghĩ rằng, khoa học ngày nay rất đa dạng và phát triển. Trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu người máy mỗi ngày, công nghệ hàng không vũ trụ thì nhắm tới các vì sao, hay là công nghệ sinh học cũng tập trung vào các mô hình thu nhỏ. Chỉ có "triết học", bộ môn này vẫn nghĩ tới và quan tâm đến nội tại của con người. Triết học vẫn luôn cố gắng giúp tất cả mỗi người chúng ta làm thế nào để sống tốt cuộc đời chỉ có một lần này. Chúng ta sinh ra trong thời đại vội vã, cuộc sống này có quá nhiều thứ rối rắm. Khi đối mặt với cơm áo gạo tiền, chúng ta không biết làm thế nào để có thể giải quyết được áp lực chi phí sinh hoạt cao. Đối mặt với một xã hội hiện đại, chúng ta cũng không biết làm thế nào trước sự lạnh lùng, thờ ơ từ những người xung quanh. Hay đối mặt với những khó khăn, đau khổ, thất bại, chúng ta đã nhiều lần cảm thấy bất lực. Thời đại này, nó đã dạy cho chúng ta cách kiếm tiền, cách để tiến bộ. Nhưng nó không hề dạy cho chúng ta cách để hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta vẫn thấy một thực trạng rằng, người trẻ sẽ có nỗi buồn của người trẻ, người trung niên sẽ có khủng hoảng của người trung niên, còn người già cũng có nỗi đau của người già. Mọi người trong thời đại này dường như đều có những rắc rối riêng. Và đây cũng chính là những điều mà cuốn sách "Triết học của cuộc sống" muốn truyền tải tới tất cả chúng ta.

    Tác giả của cuốn sách, Jules Evans là một nghiên cứu viên danh dự tại trung tâm lịch sử cảm xúc, đại học Queen Mary ở London. Evans đã có thời gian dài viết bài cho các phương tiện truyền thông chính thống của Châu Âu và Châu Mỹ. Đồng thời anh đã thực hiện một số lượng lớn các bài giảng về triết lý sống. Năm 2013, anh cũng được giới truyền thông của nước Anh bình chọn là một trong những nhà tư tưởng thế hệ mới. Như một điều đáng chú ý ở đây, Evans là một người từng mắc chứng bệnh trầm cảm rất nặng. Anh đã có thời gian sống vô cùng đau đớn. Trong lúc đau khổ tột cùng ấy, anh đã tiếp xúc với triết học. Albert Ellis và Aaron T. Beck, hai người phát minh ra liệu pháp nhận thức, trong đó điển hình là nguyên tắc ABC. Chính liệu pháp nhận thức này đã giúp Evans thoát khỏi căn bệnh trầm cảm. Đây là liệu pháp vốn được truyền cảm hứng từ các nhà khắc kỳ cổ đại nổi tiếng. Nó cũng chịu ảnh hưởng bởi triết gia Epictetus. Epictetus đã từng nói "Con người không bị phiền não bởi bản thân sự vật, mà là từ chính ý kiến đối với sự vật ấy". Đây là triết lý của một người sinh năm 55 ở La mã cổ đại. Nhưng đến nay nó vẫn có thể áp dụng được vào cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó, nó cũng trở thành tiền đề châm ngòi, mở ra liệu pháp nhận thức và cứu giúp được rất nhiều con người. Trong mô hình ABC, A là sự kiện, B là cảm giác của bạn về sự kiện này, C là tình huống căng thẳng xảy ra với bạn. Nếu bạn muốn thay đổi một tình huống làm bạn phiền não, bạn không thể nào bắt đầu từ A được. Bởi vì dù bạn có thay đổi A như thế nào đi chăng nữa, nếu quan điểm của bạn về vấn đề này không thay đổi, bạn vẫn sẽ có một kết quả đau khổ là C. Vì vậy, cách duy nhất để làm giảm căng thẳng là thay đổi nhận thức ở bạn. Trường phái khắc kỷ của Epictetus chính là nơi khởi nguồn cho liệu pháp nhận thức. Và liệu pháp này đã cứu đỗi tác giả Jules Evans, từ đó giúp anh có một tư tưởng cũng như là một cuộc sống tuyệt vời sau này. Triết học có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tinh thần và thể chất ở một người. Nhưng vấn đề ở nhiều người không nhận ra rằng họ đã được cha mẹ dạy dỗ, bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa ở nơi họ sinh ra và lớn lên. Thậm chí họ đang bị đồng hóa, ảnh hưởng rất nhiều bởi những người xung quanh. Mọi người không biết rằng, cảm xúc của họ thực sự có thể được kiểm soát thông qua việc học tập trí tuệ từ triết học. Sức mạnh của trí thức đến từ triết học, nó thực sự rất mạnh mẽ và kỳ diệu. Nó có thể giúp cho chúng ta củng cố sức mạnh của nội tâm. Bạn thấy đó, con người hiện đại bây giờ dường như rất dễ bị tổn thương. Cho dù chúng ta có bao nhiêu tiền, cho dù là cơ thể khỏe mạnh đến đâu, nhưng nếu tâm trí của chúng ta mong manh, thì rất có thể chúng ta sẽ bị đánh gục chỉ trong chốc lát. Chính vì điều này, mà Evans đã giới thiệu và tích hợp những tư tưởng của những nhà hiền triết cổ đại vào trong cuốn sách này. Với mong muốn mang ánh sáng của những ngọn nến đến với nhiều người hơn nữa. Anh ấy cũng hy vọng, chúng ta có thể quay trở lại với những tư tưởng triết học cổ xưa, để kết nối với cuộc sống hiện đại, tìm ra những phương pháp tư duy đáng để học hỏi và mang lại sức mạnh cho nội tâm của chúng ta trong cuộc sống thực tế bây giờ. Tiếp theo đây mình sẽ chia sẻ với các bạn, một số những trường phái tư tưởng cổ điển, để trí tuệ triết học và ánh nến khai minh từ những tư tưởng của các nhà hiền triết, có thể lan tỏa trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Từ đó, nó có thể giúp bạn giải quyết những khó khăn trong thực tiễn của chính mình.


    1. Chủ nghĩa khắc kỷ - Mạnh mẽ như "tảng đá", kiên cường đèo lái cuộc đời của chính mình

    Trước khi nói về chủ nghĩa khắc kỷ, mình sẽ kể cho các bạn một câu chuyện. Năm 1991, trong cuộc chiến tranh Iraq, có một người phụ nữ là một nhân viên quân y phục vụ trên trực thăng. Một ngày nọ, chiếc trực thăng của cô đang bay đột ngột bị rơi, khiến cánh tay, xương sườn của cô bị gãy. Chân của cô và hầu như toàn thân đều bị thương rất nghiêm trọng. Nhưng sự việc nó không dừng lại ở đây. Một điều không may mắn hơn nữa, đó là cô bất ngờ bị lính địa phương bắt giữ. Bọn lính áp giải cô lên một chiếc xe tải vũ trang. Trên chiếc xe tải gập ghềnh ấy, tên lính Iraq đã cưỡng hiếp cô. Người đồng nghiệp nam bị trói bên cạnh chỉ biết bất lực mà nhìn. Nhưng trong quá trình này, cô không đau đớn vì bị làm nhục, mà mỗi cử động mạnh trên cơ thể khiến chỗ xương gãy của cô đau đớn tột cùng. Sau khi bị ném xuống từ xe tải, người đồng nghiệp nam đã đi đến bên cô và nói rằng "chắc hẳn là cô rất đau đớn, tôi nghĩ cô thật mạnh mẽ". Cô ấy đã đáp lại rằng "Vậy anh nghĩ sao, tôi nên làm gì đây? Tôi nên khóc sao?". Đối với cô lúc này, khóc chỉ là một chuyện vô ích. Sau đó, cô bị giam trong trại tù binh. Đây mới thực sự là một khoảng thời gian khủng khiếp nhất cuộc đời cô. Bởi vì cô đột nhiên bị tước đi tất cả tự do, mọi thứ trong cuộc sống đều bị người khác định đoạt và bất cứ lúc nào cái chết cũng rình rập bên cô. Nhưng cuối cùng, may mắn thay, cô đã được cứu thoát. Và cuộc sống sau này, cô không vì đã từng bị làm nhục mà ám ảnh cả đời, không vì quãng thời gian kinh hoàng mà khó hòa nhập lại với cuộc sống. Ngược lại, cô đã trở thành giảng viên các khóa học sức khỏe toàn diện dành cho lính mỹ. Khi tâm sự với người khác về quá khứ bị lính Iraq hãm hiếp trên xe tải, cô thường nói rằng "Bị cướng hiếp không phải là điều lớn nhất trong cuộc đời tôi". Để nói ra được câu này, chắc hẳn cô phải có một triết lý sống vô cùng mạnh mẽ. Đúng như vậy, cô cũng đã từng chia sẻ rằng "Vào thời điểm đó, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của tôi đó là, tôi sẽ chỉ thay đổi những gì có thể thay đổi và sẽ không phàn nàn về những gì mình không thể thay đổi". Điều này rất giống với vòng tròn ảnh hưởng và vòng tròn quan tâm mà chúng ta đã nói trong cuốn sách "Bảy thói quen để thành đạt" đúng không? Những gì tôi cần làm trong cuộc sống này, nên là những việc trong vòng ảnh hưởng của tôi. Tôi sẽ không mất thời gian hay là tập trung cho những việc ngoài vòng ảnh hưởng của mình. Và đây cũng chính là một triết lý trung tâm của chủ nghĩa khắc kỷ. Chính triết lý này, đã giúp cho cô tạo ra một tấm áo giáp bảo vệ mình khỏi những kẻ thù bên ngoài. Để cô có thể chiến thắng được tất cả các khốn khó, đau đớn từ những gì mà mình phải trải qua bằng chính nội tâm vô cùng mạnh mẽ của mình. Trong số các nhà khắc kỷ, một trong những triết gia nổi tiếng nhất phải nhắc đến, đó là Epictetus. Về cuộc đời của ông, ông vốn là một nô lệ. Mà một nô lệ ở thời cổ đại thì sẽ tương đương như là một tài sản của chủ nhân. Họ không có tự do cá nhân, không được tự nắm giữ quyền được sống của mình. Epictetus đã bị bán từ khi còn nhỏ, người chủ đầu tiên của ông đã đánh gãy chân ông. May mắn thay, khi bán đến người chủ thứ hai, ông được người chủ có hiểu biết này phát hiện ra tài năng triết học và cho phép ông xuống phố để học hỏi từ các nhà khắc kỷ. Sau đó, ông dần dần trở thành một nhà triết học, và từng là thư ký của hoàng đế la mã Nero. Sau này, ông được khôi phục tự do và thành lập một trường học để dạy triết học. Nhiều tầng lớp quý tộc bao gồm có cả một hoàng đế la mã khác nữa cũng trở thành học trò của ông. Nói đến đây thì bạn sẽ nghĩ rằng, Epictetus thực sự là một người chiến thắng cuộc đời. Từ một nô lệ, ông ấy có thể lội ngược dòng trở thành một triết gia vĩ đại, hiệu trưởng của một ngôi trường nổi tiếng, và là thầy giáo của hoàng đế. Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng, ông ta phải vô cùng giàu có đúng không? Nhưng mà sự thực thì lại không phải như vậy. Epictetus quả thực rất nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn đến hậu thế. Tuy nhiên, ông lại nghèo cả đời. Ông chỉ sống trong một túp lều, có một cái giường, một cái chiếu, một chiếc đèn và cửa không bao giờ khóa. Hoàng đế la mã sau này cho rằng, chủ nghĩa khắc kỷ không có lợi cho quốc gia, nên đã trục xuất ông ra khỏi đất nước. Khi ở nơi tha hương, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp giáo dục triết học của mình. Dần dần người ta sẽ mở rộng nghĩa của từ khắc kỷ như là một sự kiên cường. Giống như là Epictetus, cho dù môi trường có tồi tệ đến đâu, những khó khăn không thể đối mặt như là cơm không đủ no, áo không đủ ấm, không có tiền tiêu, nó đều là chuyện bình thường, và ông coi đây là cuộc sống hàng ngày của mình. Nhưng làm thế nào để ông có thể kiên cường đến như vậy? Bởi vì trong ông luôn có một tư tưởng trọng tâm làm đèo lái cho cuộc đời mình. Ông đã phân loại thế giới ra làm hai, một là những gì chúng ta có thể kiểm soát, và hai là những gì chúng ta không thể kiểm soát. Bạn sẽ thấy rằng, trong cuộc sống có quá nhiều thứ chúng ta không thể kiểm soát được. Chúng ta không thể nào kiểm soát tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta sẽ không biết khi nào mình sẽ chết. Chúng ta khó có thể kiểm soát sức khỏe và của cải, môi trường xung quanh của chúng ta, chính phủ nơi chúng ta sống, hàng xóm của chúng ta, con cái chúng ta học hành ra sao, hay mối quan hệ với sếp, với bạn bè, người thân và chính với người bạn đời của mình? Tất cả những điều này đều là những thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được. Thậm chí, chúng ta còn phải đối mặt với tiếng gọi của tử thần bất cứ lúc nào. Giống như người Tây Tạng đã nói "Chúng ta sẽ không bao giờ biết cái nào sẽ đến trước, ngày mai hay kiếp sau". Nhưng điều duy nhất chúng ta có thể kiểm soát là gì? Epictetus nói với chúng ta rằng "đó chính là niềm tin". Niềm tin là thứ duy nhất chúng ta có thể kiểm soát. Ông ấy cũng nói, phần lớn đau khổ của chúng ta bắt nguồn từ hai sai lầm. Sai lầm đầu tiên, chúng ta cố gắng khẳng định chủ quyền hoàn toàn đối với một thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Tức là, cố gắng kiểm soát những gì bạn không thể kiểm soát. Và sau đó, khi không thể kiểm soát được, chúng ta sẽ cảm thấy bất lực, tức giận, tội lỗi, lo lắng hay là dẫn tới trầm cảm. Sai lầm thứ hai, chúng ta chưa đủ nỗ lực cho những thứ có thể kiểm soát. Và chúng ta đã không chịu trách nhiệm cho những hành động, suy nghĩ, niềm tin trong những thứ có thể kiểm soát ấy. Thay vào đó sẽ là biểu hiện đổ lỗi cho thế giới bên ngoài. Đổ lỗi cho cha mẹ, bạn bè, người yêu, ông chủ, đổ lỗi cho nền kinh tế, cho môi trường, thứ bậc xã hội hay hoàn cảnh của chúng ta. Rồi cuối cùng, chúng ta vẫn sẽ nhận về đau khổ, bất lực. Chúng ta oán trách cuộc đời thật quá bất công với mình. Mọi rối loạn của cảm xúc và đau khổ, nó đều bắt nguồn từ hai lỗi lầm chết người này. Vậy ở đây chúng ta nên làm như thế nào? Epictetus đã đưa ra cho chúng ta hai lời khuyên. Lời khuyên đầu tiên "đừng đổ lỗi cho bản thân vì những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn". Như cô gái bị hãm hiếp trong xe tải, đó không phải là lỗi của cô ấy, cô ấy không có gì đáng trách. Chuyện này xảy ra là nằm ngoài tầm kiểm soát. Lời khuyên thứ hai "không sử dụng người khác như là một cái cớ". Các nhà khắc kỷ cho rằng "mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống luôn là một cơ hội để rèn luyện bản thân". Ví dụ, Epictetus sinh ra với thân phận nô lệ, bị đánh gãy chân, hay cô gái không may bị làm nhục, tước đoạt đi quyền tự do. Tất cả đều là cơ hội để họ có thể tôi luyện chính mình. Và tất cả đều là những bài học để họ được học trong đời sống này. Vì vậy, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, chúng ta luôn có khả năng chịu trách nhiệm. Ngay cả khi có ít thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn, thì vẫn luôn có một khoảng cách giữa các kích thích bên ngoài và phản ứng của chính bạn. Không gian đó nó được gọi là niềm tin. Và bên trong đó nó còn chứa đựng sự tự do và sức mạnh của chúng ta.

    2. Chủ nghĩa khoái lạc - Có được hạnh phúc đơn giản hơn những gì ta nghĩ

    Có một triết gia cho rằng "Hạnh phúc là toàn bộ cuộc sống". Ông chính là một nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử triết học, Epicurus. Vào khoảng 400 năm TCN, khi các nhà khắc kỷ đang lên, Epicurus và những người bạn đã hùn nhau mua một ngôi nhà ở ngoại ô và đặt tên là khu vườn triết gia. Ông ấy rất ít ra ngoài, thường xuyên chỉ sống ở trong khu vườn của mình. Cuộc sống gần như là cách biệt với thế giới. Với ông, có được niềm vui thực sự rất đơn giản, đó là để bản thân đạt được trạng thái tĩnh lặng, không bị quấy rầy, sau đó học cách tận hưởng. Trên lối vào khu vườn có đặt một tấm biển "Người lạ ơi, bạn sẽ sống một cuộc sống thoải mái ở đây, và tận hưởng chính mình là điều tuyệt vời nhất". Epicurus tin rằng, tận hưởng là một điều rất quan trọng trong cuộc đời. Tuy nhiên, cái tận hưởng mà Epicurus nói đến khác với những gì mà chúng ta biết ở ngày nay. Ăn chơi ngủ nghỉ, nó rất thú vị nhưng đó là một kiểu sung sướng do xã hội áp đặt. Thực chất chúng mới là dấu hiệu của việc không thể tận hưởng cuộc sống. Khi một người không thể tận hưởng, anh ta luôn mong đợi, mong cầu có được nhiều điều kiện vật chất ngày càng dồi dào hơn. Dường như anh ta nghĩ rằng, chỉ khi đáp ứng được những điều kiện vật chất hơn người khác mới có thể có được nhiều hạnh phúc hơn. Đây thực sự không phải là một trạng thái hạnh phúc. Nguồn gốc của hạnh phúc đơn giản là trải nghiệm vẻ đẹp của cuộc sống. Cho nên, ông chủ trương rằng, mọi người không nên làm những công việc kiểu như là làm nhiều, hưởng nhiều. Vì như thế, nó sẽ nuôi dưỡng lòng tham mà hạnh phúc của Epicurus đề cao. Quan trọng hơn, sống một cuộc sống đơn giản, tiêu dùng những thứ giản dị, chấp nhận sức lao động cần thiết, từ đó giữ gìn sức khỏe. Mọi người nghĩ thử xem, chúng ta sẽ ra sao khi cho bản thân có thể sống một cuộc sống không bị chú ý? Mỗi ngày uống một chút trà, tán gẫu với vài người bạn, tìm một công viên, hay một con suối nào đó nằm dài đọc sách và sống một cuộc sống đơn giản. Chúng ta có nhất thiết phải bận rộn cả ngày với những công việc của công ty, việc nhà, việc con cái mà quên mất đi bản thân mình hay không? Chúng ta mỗi ngày có thực sự phải ăn sơn hào hải vị hay không? Chúng ta có nhất thiết phải sống trong một ngôi nhà sang trọng, con cái được vào trường danh giá? Phải như thế này thì chúng ta mới có được hạnh phúc? Câu trả lời là không nhất thiết. Ảnh hưởng lớn nhất của Epicurus đối với cuộc sống hiện đại, đó là nằm ở phong trào hạnh phúc. Hiện nay, rất nhiều người ở phương tây ủng hộ phong trào này. Thậm chí có người đã xuất bản một tạp chí với tên gọi "người lười" để dạy bạn cách sống hạnh phúc. Khi bạn ra nước ngoài, bạn sẽ thấy có rất nhiều cửa hàng được gọi là $1. Tức là những thứ được bán trong cửa hàng đó rất rẻ. Bạn không cần phải kiếm nhiều tiền mà vẫn có thể sống. Nhưng mà ở đây, cũng có một cuộc tranh cãi kéo dài về Epicurus. Một số người nghĩ rằng, họ quá ích kỷ khi mà làm như vậy. Nếu bạn chủ trương đủ để sống và chỉ quan tâm đến việc sống tốt cho bản thân, thì liệu xã hội có phát triển hay không? Đây là một câu hỏi, và câu trả lời mình nghĩ rằng nó phụ thuộc vào cách bạn nghĩ về hạnh phúc như thế nào. Để mình sẽ chỉ ra một ví dụ khác. Có một người phụ nữ tên là Harry. Khi phải sống với những cơn đau, những lần hóa trị và sự đe dọa của cái chết mỗi ngày, cô ấy đã sử dụng triết học vào cuộc sống. Cô ấy nói rằng "Tôi biết tương lai của mình đã bị lấy đi, nhưng tôi vẫn có thể tìm thấy niềm vui trong bệnh tật của mình. Chỉ khi biết sử dụng triết lý của Epicurus để sống cho hiện tại, tôi cố gắng tận hưởng bất cứ điều gì tôi đang làm. Chẳng hạn như tập yoga hoặc đi dạo nói chuyện với chồng. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng, hạnh phúc nó thực sự rất đơn giản, đó là tận hưởng những khoảnh khắc". Bạn thấy đó, mình đã luôn nhấn mạnh trong nhiều các bài viết, chúng ta hãy học cách sống cho hiện tại. Nhưng đáng buồn bạn đang quên mất điều đó và mãi mãi mắc kẹt trong những chuyện vặt vãnh. Chúng ta thường bị cuốn vào những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và không thể nào cảm nhận kết nối với niềm hạnh phúc. Đây mới chính là điều quan trọng mà chủ nghĩa khoái lạc nhắc nhở chúng ta "Hãy luôn chú ý đến những điều hạnh phúc trong cuộc sống, rồi nỗ lực tạo ra nhiều niềm vui nhỏ từ những việc đơn giản cho bản thân để cuộc sống của bạn thú vị hơn". Chúng ta sẽ không cần nhất thiết phải sống biệt lập như là Epicurus. Nhưng cũng có thể duy trì một khoảng cách với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt. Thỉnh thoảng hãy trở về với thiên nhiên, tìm một chút cảm giác thân thuộc trong cuộc sống nhàn nhã, bình yên. Murakami Haruki có thể là một người chịu ảnh hưởng rất lớn bởi chủ nghĩa khoái lạc. Ông ấy chủ trương rằng, chúng ta nên làm việc chăm chỉ để có thể có được vận may nhỏ. Cái gọi là hạnh phúc, thực ra nó không phức tạp như những gì chúng ta tưởng tượng, mấu chốt nằm ở cách chúng ta tìm kiếm hạnh phúc như thế nào.

    3. Aristotle: "Hạnh phúc bắt nguồn từ đức tính tốt"

    Và cuối cùng, mình sẽ xin nói về Aristotle, một trong những triết gia, nhà khoa học, nhà giáo dục học vĩ đại của lịch sử cổ đại thế giới. Aristotle nổi tiếng không chỉ vì triết lý của mình, mà bởi vì ông còn là một nhà tự nhiên học. Một trong những thành tựu to lớn nhất của ông, đó là dạy học cho Alexander Đại đế nổi tiếng. Aristotle chủ trương rằng "Hạnh phúc chính là sự lương thiện lớn nhất và tốt nhất". Chính vì thế, để có được cuộc sống hạnh phúc, con người nên cần phải lựa chọn cuộc sống lương thiện. Nói một cách khác, hạnh phúc đến từ đức tính tốt. Vậy làm thế nào để chúng ta có được những đức tính tốt? Ông ấy đã chỉ ra cách để con người rèn luyện đức tính tốt, đó là luôn không ngừng tìm ra cho mình điểm cắt vàng. Vậy điểm cát vàng ở đây là gì? Ví dụ, dũng cảm cũng là một đức tính tốt, và dũng cảm là ranh giới vàng giữa liều lĩnh quá mức và hèn nhát quá mức. Hài hước cũng là một đức tính tốt, vì nó là điềm cát vàng giữa việc quá nghiêm túc và việc quá hài hước. Triết lý điểm cát vàng này nó gần giống với thuyết "Trung dung" của Khổng Tử. Trung là không ngả về một thái cực nào, dung là dung hòa, thích hợp với hoàn cảnh. Tức là làm bất cứ việc gì thái quá sẽ không tốt, mà nên tìm ra điểm phù hợp nhất trong ý nghĩ và việc làm của mình. Aristotle cũng nói về hạnh phúc, ông cho rằng "Hạnh phúc là hoạt động của tâm hồn hòa hợp với đức hạnh, và thậm chí chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc khi hy sinh mạng sống của mình cho những mục đích cao cả". Ví dụ như hy sinh cho Tổ quốc, đồng bào. Tất nhiên, những người theo chủ nghĩa của Epicurus sẽ nghĩ rằng, hạnh phúc không phải là điều siêu phàm như vậy, mà nó đến từ những điều nhỏ nhặt đơn giản trong cuộc sống. Vậy rốt cuộc như thế nào mới là hạnh phúc? Tư tưởng triết lý nào mới phù hợp với bạn? Trên thực tế thì câu hỏi này sẽ không có một đáp án chuẩn. Mấu chốt nó sẽ nằm ở chỗ, bạn cần gì? Nếu một người đang lạc lối, không có mục đích, ý chí yếu đuối thì sẽ cần đến chủ nghĩa khắc kỷ để anh ta có thể vững vàng, kiên cường hơn. Còn một người đang sống quá vội vã, bận rộn, nóng nảy, sống thực dụng và tham lam, thì sẽ cần sử dụng triết lý hạnh phúc của Epicurus, để có thể tìm ra sợi dây kết nối với con người bên trong. Tâm thanh tịnh thì mới có thể tìm thấy niềm vui thực sự. Mình giới thiệu cuốn sách này không nhằm mục đích để bạn tin vào, hay trở thành một tín đồ của một tư tưởng triết học nào đó, rồi rập khuôn làm theo. Mà bạn nhớ rằng, cuộc sống là của bạn và chỉ có bạn mới hiểu rõ bạn. Vào thời điểm nào trong đời, vào lúc nào, ở đâu, bạn có thể vận dụng triết lý nào cho chính bạn? Đối với mình, chủ nghĩa khắc kỷ giống như là một tảng đá sừng sững. Nó nhắc nhở mình cần phải sống có kỷ luật và kiên cường, nghị lực trong mọi khó khăn. Đương nhiên, lối sống mình chọn nó có phần ảnh hưởng bởi Epicurus, đơn giản, tĩnh lặng và gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó, trong hầu hết các tình huống ứng xử, đối đãi trong cuộc sống, mình sẽ lại nhớ đến Aristotle. Luôn để chữ Đức lên đầu và luôn giữ được một cái độ thích hợp, ăn có độ, ngủ có độ, làm có độ, nói có độ, thể thao có độ. Mình cũng luôn nhắc nhở bản thân, hãy giữ cho mình ý nghĩ và việc làm của mình luôn được ở điểm cắt vàng, không nên đi về cực đoan hay thái quá. Và dưới đây là một bảng biểu đức tính tốt được Aristotle tổng hợp. Mình đã luôn lưu giữ nó ở sổ ghi chép, và hôm nay thì mình sẽ chia sẻ tới mọi người.

    [​IMG]

    Điều cuối cùng mình muốn nói rằng "Khi bạn cảm thấy có quá nhiều áp lực từ thế giới bên ngoài, khi bị thực tại trói buộc, và bạn cảm thấy không tìm ra được niềm vui, thì khi ấy bạn hãy bình tĩnh nhìn lại chính trái tim của mình". Bạn sẽ thấy rằng, mọi bất lực của chúng ta đối với thế giới bên ngoài kia, nó thông thường đều bắt nguồn từ sự bất lực ở chính trái tim bạn. Triết học là một loại tri thức truyền năng lượng vào lòng người. Nó không yêu cầu chúng ta cần phải tin vào bất cứ điều gì. Nó chỉ muốn chúng ta hãy suy ngẫm, hãy tìm ra cách giải quyết vấn đề. Khi vấn đề trong lòng được giải quyết, thì vấn đề trong cuộc sống của bạn cũng sẽ được giải quyết. Cuối cùng, trở lại với tiêu đề của cuốn sách này "Triết học của cuộc sống", thực chất nó không nói đến việc khuyên bạn phải chọn cho mình một triết lý nào làm kim chỉ nam cho cuộc sống của bạn. Mà chúng ta nên sử dụng triết học như là một công cụ, và sử dụng tư tưởng của các nhà hiền triết cổ đại làm phương tiện để mở ra một con đường giúp bạn sống hạnh phúc hơn trong hiện tại của mình. Thay vì chúng ta bị cuộc sống đồng hóa trong vô thức ngày này qua ngày khác. Hãy thường xuyên nói chuyện với chính mình, suy ngẫm nhiều hơn, chú ý đến trải nghiệm, phản hồi thường xuyên những suy nghĩ, cảm xúc của chính bạn. Tìm ra những suy nghĩ, việc làm mà có thể khiến bạn cảm thấy thực sự hạnh phúc. Những gì mình giới thiệu trong ngày hôm nay, nó chỉ là một phần nhỏ của cuốn sách. Toàn bộ cuốn sách này, không chỉ kể đến ba triết gia vĩ đại nói trên, mà tất cả mang đến cho chúng ta mười hai người thầy. Hy vọng rằng, cuốn sách ngày hôm nay sẽ mở ra cho bạn một cửa sổ mới, để bạn có thể nhìn thấy tác động của triết học phương tây đối với chính bạn. Và để xem những khái niệm triết học này có tác động đến bạn hay không. Bạn có thể sử dụng triết lý đó vào trong cuộc sống của bạn như thế nào? Đây mới là câu hỏi rất quan trọng khi đọc cuốn sách này. Mình hy vọng, mọi người sẽ yêu thích và tìm hiểu triết học nhiều hơn. Sau này, nếu mà có cơ hội, chúng ta sẽ cùng nhau bàn luận, chia sẻ thêm về các nhà triết học hiện đại. Trên đây là tất cả những điều mình muốn chia sẻ về cuốn sách này, mình kết thúc bài viết ngày hôm nay tại đây. Cảm ơn các bạn đã theo dõi, nếu bạn cảm thấy bài viết này có ích, hãy chia sẻ tới những người cần nó. Một lần nữa, chân thành cảm ơn các bạn, hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.
     
  2. Canhcutnho cánh cụt mặt moè

    Bài viết:
    32
    Mình từng đọc một cuốn sách về chủ nghĩa khắc kỷ của Stephen Hanselman và xem các chủ đề về các trường phái triết học phương Tây trên mạng nhưng chưa nắm được cốt lõi, bài viết của bạn rất dễ hiểu. Mình thích cách bạn trình bày chủ đề, cảm ơn bạn vì bài viết.

    Mình thích đọc về triết học phương Đông, có lẽ bởi vì nó gần với mình hơn.

    Đối với mình thì triết học cuộc sống là một lifestyle, nó đại diện cho con người mình nên không thể giống ai được. Mình thích quan điểm vô vi của Lão Tử, không lo về tương lai, không nghĩ về quá khứ, "một mai một cuốc một cần câu" là đủ hạnh phúc rồi, "gặp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma" chính là nếu vấn đề đến gì đối mặt, không chấp nhất vào thứ gì cả, Thành Trụ Hoại Diệt là quy luật rồi, cảm nhận được từng cái kim giây đi qua cũng là một bản lĩnh. Triết học về hạnh phúc thì có nhiều trường phái từ Đông sang Tây, nhưng mình nghĩ nó chỉ gói gọn vào việc "sống ở hiện tại" thôi, bởi Eva và Adam đã ăn phải trái Lý trí nên con người mới phải đi tìm học hạnh phúc kaka
     
    chiqudoll, Nguyen Van CaoLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...