Cảm nhận về hai đoạn văn sau: Con sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân. [..] Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu". Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn, bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm, ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy. (Trích "Người lái đò Sông Đà" (Tùy bút Sông Đà), Nguyễn Tuân) Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: "Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ..". BÀI LÀM THAM KHẢO "Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp" (Pautopxki). Thật vậy, mỗi nhà văn nhà thơ đều hòa mình vào vẻ đẹp của đời sống và con người để đánh thức thiên chức của người cầm bút. Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là những nhà văn một lòng tìm kiếm và giữ gìn cái đẹp của đất nước, non sông. Trong những trang viết của họ, những dòng sông xứ sở hiện lên tuyệt bích đến ngỡ ngàng, đó là con sông Đà hung bạo nhưng cũng rất đỗi trữ tình, đó là con sông Hương mãnh liệt nơi đại ngàn nhưng cũng rất đỗi chí tình với Huế. Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, với phong cách độc đáo, tài hoa, uyên bác, ông được xem là tác giả thành công nhất của thể loại tùy bút. Người lái đò sông Đà là một áng văn trong tập tùy bút Sông Đà (1960) -thành quả nghệ thuật đẹp đẽ của Nguyễn Tuân trong chuyến đi gian khổ hào hùng tới miền Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Mục đích chính của chuyến đi tới Tây Bắc của nhà văn đồng thời cũng là cảm hứng chủ đạo của cả tập bút ký là tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc và nhất là chất vàng mười- "thứ vàng đã được thử lửa" ở tâm hồn những con người lao dộng, chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ, thơ mộng. Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn chuyên về bút kí, có lối hành văn độc đáo: Hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều.. Ai đã đặt tên cho dòng sông? " ra đời ngày 4-1-1981 tại Huế, là bài bút kí xuất săc in trong tập sách cùng tên. Tùy bút và bút kí là thể loại văn học có những đặc trưng rõ nét cả về nội dung và nghệ thuật biểu hiện, đủ sức tồn tại ngang hàng với những thể loại văn xuôi nghệ thuật khác. Đó là một thể loại văn xuôi thực sự tự do, phóng túng, không bị ràng buộc bởi những khuôn khổ quy phạm, cả về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện. Trong tùy bút, cảm thức chủ quan và phong cách nhà văn được coi trọng hơn cả sự chân thực khách quan của sự việc. Nhà văn theo ngọn bút mà suy tưởng, trần thuật, nhưng thực chất là thả người theo dòng liên tưởng và tưởng tượng, phóng bút theo cảm xúc mà tả người, mà kể việc một cách sâu sắc bằng thứ ngôn ngữ gọt giũa tinh tế và tài hoa mang đậm tính cá nhân. Chính điều này có thể lý giải chất riêng, độc đáo của tùy bút" Người lái đò sông Đà "và bút kí" Ai đã đặt tên cho dòng sông? " Trong cảm quan của người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Tuân, sông Đà không chỉ có vẻ đẹp của sự hùng vĩ hung bạo mà còn mang nét trữ tình thơ mộng của" nàng thiếu nữ "Tây Bắc trong làn khói mờ ảo cuồn cuộn đốt nương xuân, tùy bút của Nguyễn Tuân đánh thức cảm xúc của người đọc trước thiên nhiên hùng vĩ dữ dội và khiến chúng ta nhìn nó với đôi mắt hoàn toàn khác. Nguyễn Tuân đã gọi sông Đà là một" cố nhân ", danh từ này gợi biết bao niềm thương nỗi nhớ, sông Đà không còn là con thủy quái với vẻ độc dữ nữa mà đã trở thành người bạn tri kỉ khao khát được hội ngộ. Từ" cố nhân "ấy được sản sinh trong một hoàn cảnh cụ thể, là tiếng gọi được thốt ra bởi cảm giác thèm nhớ cái nắng thoáng sáng và không gian rộng mở của triền bãi sông Đà, đi rừng dài ngày thấy thèm chỗ thoáng, và khi ra được bờ sông Đà, Nguyễn Tuân đã tìm được cảm giác hạnh phúc của việc gặp lại" Cos Nhân ". Đó cũng có thể là cách lý giả của Nguyễn Tuân khi ông đang miêu tả cái nắng đẹp đến ngỡ ngàng của bờ sông Đà. Câu văn vừa tả thực vừa là sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, người đi rừng dài ngày sẽ bít bùng trong những bóng râm, lâu dần khi đổ ra chỗ thoáng sẽ choáng ngợp bởi cái ánh nắng đột ngột mà nói theo cách ví von của Nguyễn Tuân" như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt rồi bỏ chạy ", cách so sánh độc đáo ấy gợi một cái nắng ấm sáp bất ngờ rồi trở thành thứ cảm gicá lưu luyến hoài cổ, được Nguyễn Tuân liên tưởng đến cái nắng Đường thi. Nguyễn Tuân quả thực là bậc thầy ngôn từ, Những câu chữ của ông có sự co duỗi đầy nhịp nhàng, những nét tả của ông đều được liên tưởng tới những hình ảnh bất ngờ nhưng hàm súc, tinh tế. Màu nắng trong sông Đà của Nguyễn Tuân mang đến nét đẹp, hoài cổ độc đáo cho quãng sông thơ mộng này. Hình tượng con sông Đà qua cặp mắt và tâm hồn của một nghệ sĩ tài năng, thiết tha với quê hương, đất nước đã hiện lên những trang văn với những vẻ đẹp vừa quen vừa lạ, vừa hấp dẫn với những hình ảnh so sánh, liên tưởng, táo bạo bất ngờ, với ngôn ngữ phong phú, chuẩn xác, giàu giá trị tạo hình, gợi cảm, câu văn được gọt giũa, ngôn từ biến hóa khôn lường thể hiện vốn trí thức uyên bác về địa lí, lịch sử, văn hóa Còn với Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta không bị hấp dẫn bởi những hình ảnh choáng ngợp như Nguyễn Tuân nhưng lại đọng lại bằng thứ cảm xúc tinh tế, nhẹ nhàng, khó nói ra thành lời. Bằng cảm quan nghệ thuật riêng của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường biến sông Hương thành một sinh thể có hồn, thành một cô gái Huế thủy chung thiết tha trong tình yêu. Từ dòng chảy khó lý giải về mặt địa lí của sông Hương khi chảy qua thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dẫn dắt người đọc" vào sợi dây tình vương mắc "của nàng Kiều và Kim Trọng. Cách tác giả sử dụng hình ảnh" một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu "gợi đêm tình tự đầy thi vị của Thúy Kiều và Kim Trọng, gợi sự nuối tiếc, chưa nói hết thành lời của những trái tim đập nhịp đập bồi hồi như muốn bung tỏa khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến. Người đọc không khỏi cảm thán bởi sự hài hòa của thiên nhiên và lòng người, kì lạ làm sao, nơi sông Hương quay lại để gặp thành phố của nó một lần nữa thì cũng chính nơi thị trấn Bao Vinh xưa cổ ấy là nơi chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Phải có con mắt thơ đến nhường nào mới có thể cảm nhận được dòng chảy của một dòng sông như một dòng nhớ thiết tha? Hình tượng sông Hương được thể hiện qua lối hành văn uyển chuyển, câu văn đậm chất thơ và giàu chất tạo hình, nghệ thuật so sánh, liên tưởng, liệt kê, sử dụng liên tiếp nhiều động từ chuyển động, kiến thức phong phú, đa dạng, quan sát tỉ mỉ, tinh tế. Bằng tình yêu tha thiết đối với sông Hương và thiên nhiên xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện cái nhìn có tính chất khám phá, phát hiện về vẻ đẹp đa dạng của sông Hương, thể hiện niềm tự hào của tác giả đối với con sông quê hương và thiên nhiên xứ sở. Ở hai đoạn trích này, Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều miêu tả vẻ đẹp trữ tình và thơ mộng của dòng sông. Với ngòi bút tài hoa và vốn kiến thức uyên bác về lịch sử, địa lí, văn hóa, cả hai tác giả đã nhân cách hóa dòng sông bằng tình yêu mãnh liệt với quê hương, xứ sở. Với lói viết đậm chất trữ tình, giàu hình ảnh, âm thanh và nhịp điệu. Thế nhưng với cá tính sáng tạo riêng biệt của mình, mỗi tác giả đã mang đến những hình ảnh đa diện, đa sắc của những dòng sông đất nước. Đoạn văn miêu tả con sông Đà của Nguyễn Tuân được chú trọng ở nét gợi cảm của con sông Đà. Tác giả đã nhân cách hóa sông Đà trong tương quan với chính mình. Nguyễn Tuân sử dụng hình ảnh so sánh mới lạ, độc đáo, sử dụng nhuần nhuyễn thi liệu thơ Đường cùng với giọng văn phóng khoáng, cảm xúc nồng nàn.. Đoạn văn miêu tả sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường lại chú trọng" nét rất người"của sông Hương, nhân cách hóa sông Hương trong tương quan với thành phố Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường sử dụng hình ảnh nhân hóa tinh tế; vận dụng linh hoạt thủy trình của sông Hương và các địa danh của Huế cùng với giọng văn sâu lắng, cảm giác gắn với suy tư.. Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi. (Đất Nước-Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm) Mỗi dòng sông đẹp trên đất nước ta không phải chỉ chảy dòng chảy tự nhiên mà tạo hóa ban tặng, nó còn chảy dòng chảy của lịch sử, của cái nôi văn hóa đất Việt. Những dòng sông Đà, sông Hương chảy vào trái tim chúng ta bởi vẻ đẹp tuyệt bích của nó, bởi tính cách rất người và bởi tài năng của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường.