Phân tích đoạn trích Việt Bắc: Mình đi có nhớ những ngày... Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tâmniên, 3 Tháng hai 2023.

  1. tâmniên

    Bài viết:
    98
    Mình đi, có nhớ những ngày

    Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

    Mình về, có nhớ chiến khu

    Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

    Mình về, rừng núi nhớ ai

    Trám bùi để rụng, măng mai để già

    Mình đi, có nhớ những nhà

    Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

    Mình về, còn nhớ núi non

    Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

    Mình đi, mình có nhớ mình

    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

    Nhà văn người Nga Lép tôn xtôi đã từng tâm đắc: "Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu." Thật vậy, nghệ thuật, thơ ca bao đời nay đều kết tinh từ tình yêu nồng nàn, cháy bỏng mà mỗi người nghệ sĩ dành cho cuộc sống, thiên nhiên, con người. Thi phẩm Việt Bắc của nhà văn Tố Hữu là một tình yêu quá đỗi mà ông dành cho đồng bào Việt Bắc và công việc kháng chiến của quân dân ta. Đọc tác phẩm này, làm sao chúng ta có thể quên được khúc nhạc lòng thiết tha của người đi người ở được thể hiện xúc động trong đoạn trích:

    "Mình đi, có nhớ những ngày

    * * * Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa."

    Nói về văn chương, nhà văn Nam Cao từng viết: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một kiểu mẫu người ta đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có". Hiểu được yêu cầu đó của văn học, suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhà thơ Tố Hữu luôn để lại trong mỗi tác phẩm một dấu ấn riêng không trộn lẫn của mình. Nhắc đến ông là ta nhớ đến một nhà thơ lớn của dân tộc, là cánh chim đầu đàn cho nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông như một cuốn biên niên sử lớn, mang chất trữ tình, chính trị sâu sắc lại đậm đà tính dân tộc. Bài thơ Việt Bắc là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ được viết năm 1954 – khi chiến dịch Điện Biên Phủ vừa giành thắng lợi, cán bộ kháng chiến và Đảng rời chiến khu Việt Bắc, trở về thủ đô Hà Nội. Tác phẩm là khúc hùng ca cũng chính là tình ca về cách mạng và cuộc kháng chiến của dân tộc.

    Đoạn trích mà ta sắp phân tích dưới đây thuộc phần đầu của tác phẩm, là những câu hỏi của người ở lại dành cho người ra đi để gợi nhắc về những kỉ niệm suốt 15 năm gắn bó, từ đó thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ kháng chiến. Sau những câu hỏi là biết bao những ki niệm ùa về theo cảm xúc của người ở lại với những cung bậc khác nhau. Kỉ niệm thứ nhất được gợi về là những tháng ngày chiến đấu gian lao. Trong lời nhắc nhở da diết của người ở lại với người ra đi, những khắc nghiệt của Việt Bắc được miêu tả lại thật đậm nét. Còn gì khắc nghiệt hơn là những cơn mưa rừng xối xả, những trận lũ cuốn dữ dội, kinh hoàng vẫn còn ám ảnh trong kí ức. Nhắc về kỉ niệm thiên nhiên núi rừng nơi đây, người ở lại không quên gợi nhớ tới hình ảnh đã từng rất quen thuộc không chỉ trong Việt Bắc mà còn trong rất nhiều bài thơ viết về nơi đây: Đó là những mây cùng mù. Có khi là thứ sương rừng mỏng manh nơi đầu cành cây ngọn cỏ cũng có thể là thứ sương lấp vùi cả một đoàn quân điệp trùng.

    Trong lời nhắc nhở của người dân Việt Bắc còn gơi lại cuộc sống gian khổ và thiếu thốn trong những ngày đầu kháng chiến:

    Mình về có nhớ chiến khu

    Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai?


    Những ngày đầu của cuộc kháng chiến, cuộc sống còn nhiều gian khó, họ chia nhau từng miếng ăn, từng chút hơi ấm, từng tấm chăn mỏng manh. Họ đã cùng sẻ chia từ những gian lao, thiếu thốn khi nhường nhau "miếng cơm chấm muối" đến những tâm tư nỗi niềm khi chung nhau "mối thù nặng vai". Như vậy, sợi dây kết nối người dân Việt Bắc với cách mạng không chỉ là sự sẻ chia mà còn là lòng căm thù với thực dân cướp nước. Bằng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, mối thù trở nên nặng trĩu ở trên vai, trở thành động lực thôi thúc họ không ngừng chiến đấu.

    Người ở và người đi họ sát cánh bên nhau suốt bao năm tháng gian lao mà hào hùng. Tình cảm của họ đã trở nên sâu sắc, mặn nồng có lẽ vì thế mà người ra đi đã để lại trong tâm tưởng của nhân dân Việt Bắc một nỗi nuối tiếc đến ngẩn ngơ.

    Mình về rừng núi nhớ ai

    Trám bùi để rụng, măng mai để già


    Trám bùi, măng mai vốn là những sản vật mà người dân Việt Bắc vẫn nuôi cán bộ cách mạng trong suốt 15 năm qua, ấy thế mà giờ đây đành để rụng để già. Phép điệp cấu trúc trong câu thơ "Trám bùi để rụng, măng mai để già" nhấn mạnh bức tranh rừng núi dường như trở nên hoang phế, cuộc sống trở nên đình trệ sau bước chân của người ra đi. Câu thơ mang một nỗi ngậm ngùi, một sự hụt hẫng đến khó tả. Rừng núi nhớ hay chính nỗi nhớ của người ở lại dành cho người đi đã thấm đẫm vào trong cảnh vật. Một nỗi nhớ đến trống trải, ngẩn ngơ như mới chia tay một người yêu thương:

    "Người đi một nửa hồn tôi mất

    Một nửa hồn tôi hóa dại khờ"

    (Hàn mặc Tử)

    Nỗi nhớ nhung, tấm lòng của người dân Việt Bắc dành cho cách mạng lại được tô đậm thêm trong câu hỏi tiếp theo từ người ở lại:

    Mình đi có nhớ những nhà

    Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son


    Sự gắn bó khăng khít suốt ngần ấy năm kháng chiến đã khiến họ thêm hiểu nhau, thêm thương cảm và trân trọng. Nếu nghệ thuật đảo trong vế câu "hắt hiu lau xám" như chạm khắc vào không gian và thời gian một cảnh tượng nhạt nhòa nơi rừng núi sau bước chân của người ra đi thì nghệ thuật tương phản trong câu thơ giữa hai hình ảnh "lau xám" và "lòng son" lại càng làm nổi bật thêm tấm lòng trung hậu với Đảng của nhân dân Việt Bắc. Câu thơ như một lời nhắc nhở với những người về xuôi rằng: Đừng bao giờ lãng quên một Việt Bắc nghèo khổ nhưng thuỷ chung, son sắt, một lòng với cách mạng.

    Trong lời nhắc nhở da diết dành cho người đi, người ở lại còn nhắc về những sự kiện lịch sử, những địa danh cách mạng gắn liền suốt 15 năm kháng chiến:

    Mình về còn nhớ núi non

    Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

    Mình đi mình có nhớ mình

    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?


    Những ngày đầu kháng chiến đầy vất vả, gian lao song lại khắc ghi những ân nghĩa khó phai mờ, ấy là "khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh". Nhà thơ Tố Hữu đã thật tài tình khi sử dụng chữ "mình" trong câu thơ "Mình đi mình có nhớ mình" với những cách hiểu khác nhau, gợi tình cảm gắn bó, xóa nhòa những khoảng cách giữa người đi và kẻ ở. Nếu "mình" là người ở lại, khi ấy câu thơ như một lời ướm hỏi cũng là một lời nhắc đầy chân tình: Mình về mình có nhớ đến ta, mình về mình không được quên những kỉ niệm suốt 15 gian khó nhưng thấm đẫm tình người. Còn nếu "mình" là chính người ra đi thì khi ấy câu thơ là lời nhắc nhở nghiêm khắc và sâu sa: Mình đi mình có nhớ chính con người mình trong quá khứ, con người son sắt, thủy chung, về với thành thị mình cũng đừng lãng quên Việt Bắc - quá khứ nghĩa tình.

    Sau câu hỏi "Mình đi mình có nhớ mình", câu thơ cuối đoạn một lần nữa khẳng định tấm lòng gắn bó sắt son của Việt Bắc với cách mạng, giải mã lí do của tình yêu, nỗi nhớ và đạo lí thủy chung trong lòng người đi:

    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa

    Tân Trào, Hồng Thái là những địa danh lịch sử gắn liền với những sự kiện quan trọng của dân tộc và kháng chiến. Mái đình, cây đa lại là những hình ảnh vô cùng bình dị, quen thuộc - biểu tượng của làng quê nơi chôn nhau, cắt rốn, nơi khắc ghi bao kỉ niệm trong cuộc đời mỗi con người. Câu thơ chia thành hai vế cũng là hai không gian khác nhau. Nếu Tân Trào, Hồng Thái là miền ngược thì mái đình, cây đa là không gian sống hiện tại của người miền xuôi, và như thế, câu thơ trở thành lời nhắc nhở tha thiết với người trở về: Hãy luôn nhớ tới Việt Bắc, khắc ghi hình ảnh Tân Trào, Hồng Thái trong trái tim mình như khắc ghi mái đình, cây đa.

    "Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung" - Leonit Leonop. Làm nên thành công vang dội của Việt Bắc không thể không nhắc tới một phát minh vĩ đại về mặt nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu. Ông đã rất tài tình trong việc sử dụng thể thơ lục bát đậm tính dân tộc; ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị mà giàu hình ảnh; lối xưng hô "mình"... "

    Ta" và cấu trúc đối đáp của ca dao được nhà thơ đưa vào một cách tự nhiên kết hợp giọng thơ tâm tình, ngọt ngào đã làm mềm hóa một sự kiện chính trị thành cuộc tiễn đưa của tình yêu đôi lứa.

    Thời gian có thể phủ bụi mờ lên mọi thứ, vạn vật đều có thể tồn tại rồi biến mất nhưng những tác phẩm văn học có giá trị thì vẫn mãi trường tồn. Bài thơ Việt Bắc có thể xem là một tác phẩm như vậy. Đoạn thơ trên nói riêng và bài thơ nói chung đã thể hiện tình cảm gắn bó giữa cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc trong suốt những năm tháng chiến đấu gian khổ, nghĩa tình qua những câu thơ giản dị mà đầy cảm xúc. Với những giá trị đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức như thế, "Việt Bắc" sẽ vượt qua sự băng hoại của thời gian, sống mãi trong lòng độc giả bao thế hệ như nhà văn Nga Aimatôp từng nói: "Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối.."

     
    TKLINHLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...