Phân tích đoạn trích: Thị lẳng lặng... thành vợ thành chồng, Vợ nhặt - Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 22 Tháng sáu 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề 1: Cảm nhận về đoạn trích sau. Từ đó nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm "Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại.. hắn cũng tầm phơ tầm phào đâu có hai bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng".

    Bài làm

    Như Tố Hữu từng nói "Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học". Đời sống văn học phức tạp, nhiều người đi lao vào ca ngợi những tình cảm ủy mị, tâng bốc những của cải nhỏ giọt của bọn địa chủ tân thời giàu tiền lắm của, rởm đời. Hiện thực xã hội cứ bày ra trước đó, đầy những ma cô, những mụ buôn người, những tên quan phụ mẫu của dân nhơ nhớp.. nhưng khi soi vào văn học, người đọc chỉ thấy những giấc mơ hồng trong tưởng tượng. Là nhà văn, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực cuộc đời thì văn chương của anh mới luôn tươi màu, neo chặt vào bến tâm hồn người thường thức. Hiểu được điều đó, nhà văn Kim Lân đã chắp bút viết ra truyện ngắn "Vợ nhặt" để người đọc thấy rõ được khung cảnh bi thảm cùng với những con người trong nạn đói năm 1945 dù cận kề cái chết nhưng bọn họ vẫn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Thông qua việc miêu tả tâm trạng của Tràng và thị khi Tràng dẫn thị về nhà "Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại.. hắn cũng tầm phơ tầm phào đâu có hai bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng". Từ đó, đoạn trích đã góp phần tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

    Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn về người nông dân và làng quê Việt Nam – mảng hiện thực mà từ lâu ông đã có sự hiểu biết sâu sắc. Ông viết về cuộc sống và con người nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của dồng ruộng. Thế giới nghệ thuật của ông chỉ tập trung trong khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Qua tác phẩm, ông đã thể hiện không khí nông thôn Việt Nam và đời sống nhân dân, tuy còn nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, tài hoa, tha thiết gắn bó với quê hương cách mạng. Nguyên Hồng nhận xét: Kim Lân là nhà văn "một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy".

    Tác phẩm được viết vào năm 1945 theo "đơn đặt hàng" của Báo Văn nhân dịp kỉ niệm 10 năm cách mạng tháng Tám thành công. Tác giả đã dựa vào cốt truyện "Xóm ngụ cư" để viết thành "Vợ nhặt". Truyện được bắt nguồn từ nạn đói năm 1945 và chủ yếu là những con người trong nạn đói ấy. Thông qua truyện, Kim Lân muốn khẳng định: "Trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm để mà vui, mà hi vọng". Khi nói chuyện về tác phẩm của mình Kim Lân có chia sẻ: "Tôi muốn phân tích tâm trạng và thân phận của con người trong hoàn cảnh cùng đường ấy, nơi cuộc sống dường như không có lối thoát. Tôi muốn hướng họ vào sự sống, sự thương yêu nhau, không phải là sự giành giật nhau (). Nhưng các nhân vật của truyện thì đứng ở ngưỡng cửa của cái đói. Nơi ngưỡng cửa khốn khổ đó, họ sẽ chứng tỏ số phận và tính cách của mình, đồng thời ở nơi đó họ sẽ bắt đầu một niềm tin mới, một niềm hạnh phúc mới, dù là rất mong manh".

    Truyện kể về nạn đói năm 1945, một anh tên là Tràng nhà nghèo, dân ngụ cư, không lấy được vợ. Một lần, anh kéo xe thóc lên tỉnh, một người phụ nữ đã theo anh về nhà và họ đã trở thành vợ chồng – anh "nhặt" được vợ một cách dễ dàng chỉ với vài câu nói đùa và bốn bát bánh đúc. Anh đưa vợ về ra mắt người mẹ già trong sự ngạc nhiên của mọi người vì thêm một miệng ăn trong cảnh đói khát, người chết khắp nơi.

    Ngay từ nhan đề Vợ nhặt đã thu hút sự chú ý của người đọc ngay từ đầu, bởi cái giá của một người phụ nữ ít nhất cũng là

    "Ba trăm một mụ đàn bà

    Mua về mà trải, chiếu hoa cho ngồi"

    Ở đây, lại là vợ theo không về, "đại hạ giá" xuống còn bốn bát bánh đúc, hai hào dầu, một cái thúng con.. Thị nào có biết Tràng là ai, tốt xấu như thế nào, quê quán, gốc tích ra sao? Chỉ một câu hò bâng quơ và mấy bát bánh đúc là thị đã theo về làm vợ anh. Phải chăng thị theo Tràng là vì miếng ăn? Thật ra đó là hành động xuất phát từ lòng khao khát được sống, bởi nếu không có những câu nói bông đùa ấy thì có khi thị lại trở thành thây ma giữa nạn đói khủng khiếp. Nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, gia cảnh nhà Tràng, tác giả đã quan sát từ ngoài vào trong, từ bao quát đến cụ thể "cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại", "tấm phiên rách", "những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất", khung cảnh hoang tàn mà vắng lạnh đã cho thấy hình ảnh một căn nhà thật méo mó, thảm hại, đơn sơ, lạnh lẽo, rúm ró. Căn nhà ấy, mảnh vườn ấy như mách bảo với thị rằng cái đói đã có sẵn ở đây rồi, đang chầm chậm đẩy Tràng và bà mẹ đến thế cùng như thị chỉ trong nay mai mà thôi. Thông thường, căn nhà đón nàng dâu mới dù giàu nghèo cũng phải có sự chuẩn bị tươm tất nhưng ngôi nhà Tràng lại thiếu sức sống, bàn tay chăm lo của con người. Tuy nhiên, khung cảnh ấy không hề xa lạ với tình cảnh "cái đói và cái chết đang cận kề, người chết như ngả rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma". Bức tranh cảnh vật ấy in đậm dấu vết của nạn đói 1945. Và cũng qua chi tiết này, tác giả như đang nói lên một sự thật hiển nhiên là trong cái đói nghèo, sự chết chóc có thể đến bất cứ lúc nào, con người ta không còn nghĩ đến cái đẹp, không còn trân trọng ngôi nhà của mình, cứ mặc cho nó bừa bộn, bẩn thỉu. Cái ám ảnh nhất trong đầu họ lúc này là làm sao được sống, làm sao để được tồn tại, làm sao để thoát khỏi nạn đói này. Đoạn văn miêu tả gia cảnh khốn khổ của nhà bà cụ Tứ tạo ra một tình huống rất nghịch lý, éo le. Đấy chính là phông nền, là thước đo để đánh giá cách ứng xử của các nhân vật, đặc biệt là người vợ nhặt.

    Trước giang sơn nhà Tràng như vậy thị "đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài", "nhếch mép cười nhạt nhẽo". Đó là điệu cười của một con người rơi vào hoàn cảnh đầy trớ trêu, cười cho cái số kiếp đen đủi của mình khi cái đói cứ bám riết lấy thị, không buông tha, thị chạy đến đâu thì cái đói cũng chạy theo. Ngay cả khi hạ thấp bản thân để mang tiếng theo không Tràng trở thành "vợ nhặt", đau đớn, chua xót, thế mà cái đói không tha cho thị. Tuy nhiên, dù vô cùng chán nản, chua chát nhưng thị vẫn vô vùng tế nhị khi "nén tiếng thở dài", nghĩa là thở ra từ từ không thành tiếng để người khác không nghe thấy, làm như vậy, vì sợ Tràng buồn, sợ Tràng hiểu lầm thị trách phận. Qua đây, ta thấy rằng thị cũng là người đàn bà ý tứ, tế nhị, biết điều, khác với vẻ chao chát, cong cớn, chỏng lỏn ban đầu, thị bây giờ là nàng dâu mới với đầy đủ sự ý tứ, cung kính, mực thước. Thị ngồi xuống mép giường sau lời mời của Tràng, ngồi mớm vì mất tự nhiên. Tự nhiên sao được khi về nhà chồng với những cái không: Không tấm áo lành lặn, không họ hàng đưa tiễn, không một chút hiểu biết về gia cảnh nhà chồng, không cưới hỏi.. Biệt tài của Kim Lân là không miêu tả tâm trạng thị mà để hành động nói lên tâm trạng. Sau cái ngượng nghịu của cả hai, "Thị vẫn ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng mặt bần thần". Mặc dù Tràng đon đả thanh minh: "không có người đàn bà nhà cửa thế đấy", "ngồi đây.. ngồi xuống đây, tự nhiên!" thế nhưng thị chỉ dám ngồi "mớm" ở mép giường. Ai dám bảo thị trơ trẽn nữa, ai dám bảo thị đánh rơi mất lòng tự trọng nữa, mà lúc này con người thật của thị đã trỗi dậy trong sự tủi nhục, ngậm ngùi, chua chát. Thị ngồi mớm ở mép giường trông nó chông chênh như chính cuộc đời của Thị vậy. Liệu chỗ ngồi này có phải là chỗ của chị không? Mái nhà này có phải là nơi để chị dung thân không? Chị bần thần vì ngỡ như mọi chuyện vừa xảy ra không phải là thực. Làm vợ, làm dâu mà đến thế này ư? Lấy chồng, cái hạnh phúc lớn nhất của đời con gái ấy, chị có được hưởng chút nào đâu? Buồn lắm! Tủi lắm! Trăm mối ngổn ngang. Ý thức về hoàn cảnh của bản thân, buồn cho số kiếp đen đủi của mình, thân phận hẩm hiu của cuộc đời "tha hương cầu thực" :

    "Cuộc đời cơm vãi cơm rơi

    Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi"

    Thị theo tràng mang niềm hi vọng có miếng ăn, thoát khỏi cảnh đói khát, thị tự tin tìm kiếm cho mình cơ hội để giải thoát khỏi cái chết cận kề. Tuy nhiên, càng hi vọng bao nhiêu thì thị lại càng thất vọng bấy nhiêu, khiến cho bản thân phải đứng trước hai sự lựa chọn. Nếu bỏ đi, thị vẫn phải đối diện với cái đói, cái chết cận kề, cô vẫn phải sống "cuộc đời đầu đường xó chợ/ tối đâu là nhà, ngã đâu là giường", cuộc đời lang thang, nếu chẳng may ông trời bắt chết thì không có ai lo lắng, không có ai chôn cất, sẽ chỉ là thêm một cái thây "nằm còng queo bên đường". Còn nếu ở lại, thị vẫn phải đối diện với cái đói, nhưng có thể sẽ có một mái ấm gia đình, may ra thị được hưởng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Như vậy, thị chọn ở lại là cách lựa chọn khôn ngoan, thể hiện sự suy nghĩ rất chín chắn, sâu sắc, nghĩa tình. Nếu như thị theo Tràng là vì miếng ăn, thì động cơ thị ở lại vì niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình.

    Khi đem thị về nhà, Tràng mới thực sự lo lắng, tâm trạng thiếu tự tin, giống như một đứa trẻ. Bắt đầu là "xăm xăm bước vào nhà", dọn dẹp sơ qua, thanh minh về cảnh nhà bừa bộn vì thiếu tay đàn bà. Sau đó, Tràng thấy "ngượng ngiụ" rồi cứ thế "đứng tây ngây ra giữa nhàm chợt hắn thấy sờ sợ". Trong lòng anh ngổn ngang trăm thứ cảm xúc, hắn thấy "sợ" bởi hắn lo rằng người vợ sẽ bỏ đi vì gia cảnh của hắn, hạnh phúc sẽ tuột khỏi tầm tay, chính vì điều này khiến hắn càng sốt ruột chờ mong bà cụ Tứ về để thưa chuyện "hắn lấm lét bước vội mấy bước ra sân gắt lên", "Hắn loanh quanh hết chạy ra ngõ đứng ngóng, lại chạy vào sân nhìn trộm vào trong nhà" vì trong cảnh đói khổ vẫn phải nghĩ đến quyết định của mẹ. Tràng nhìn Thị ngồi ngay giữa nhà mà chợt nghĩ hóa ra mình đã có vợ rồi và chàng không hiểu vì sao Thị lại buồn như thế trĩu "Quái, sao nó lại buồn thế nhỉ? Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ..". Người đời thường nói:

    "Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,

    Trong ba việc ấy thật là khó thay"

    Ấy thế mà việc có vợ đối với Tràng dễ như trở bàn tay, như nhặt rơm nhặt rác ở ngoài đường. Sinh ra cũng là kiếp người mà sao Thị tội nghiệp đến vậy, nhìn Thị mà nỗi buồn thêm nặng trĩu. Sau đó, hắn ngờ nghệch "nhổ vu vơ một bãi nước bọt, tủm tỉm cười một mình", nụ cười của anh như xua tan đi những lo lắng tủn mủn, cái đói khát cùng cực của cuộc đời. Nụ cười như một nốt nhạc an yên giữa những sự ngột ngạt, tù túng, khi mà "cái đói" đang ngập tràn cả xóm ngụ cư. Đó là nụ cười cho niềm hạnh phúc, sự bất ngờ khi mình bỗng dưng có vợ, hắn thương thị biết bao, phải chăng chỉ có tình thương, sự cưu mang của những con người dành cho nhau mới mang lại niềm vui chân chính? Tràng "ngờ ngợ như không phải thế", trạng thái không dám tin vào sự thật, nửa tin nửa ngờ, anh không dám tin rằng "ra là hắn có vợ rồi đấy ư", lại còn trong nạn đói khủng khiếp như vậy. Anh không dám tin, bởi trước đây anh không nghĩ đến việc dựng vợ gả chồng, hoặc có nghĩ thì cũng chẳng dám tin mình sẽ có vợ "hắn cũng chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận" với ý trêu đùa, không nghiêm túc "ấy thế mà thành vợ thành chồng..". Rồi cái ngỡ ngàng trước hạnh phúc kia cũng nhanh chóng đẩy thành niềm vui hữu hình cụ thể. Đó là niềm vui về hạnh phúc gia đình, nỗi sợ hãi của Tràng bắt nguồn từ niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình, khát vọng càng bỏng cháy bao nhiêu thì nỗi sợ lại càng lớn bây nhiêu.

    Đoạn văn ngắn, khá đặc sắc, đã diễn tả tinh tế diễn biến tâm trạng của Tràng và thị trong tình huống éo le, trớ trêu. Trong đoạn văn, đã ánh lên niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình của Tràng và thị. Từ đây, đoan trích đã góp phần làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của truyện: Thông qua số phận con người trong nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân khẳng định trong cái đói, cái khát, cái chết cận kề con người ta vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, vẫn hướng đến sự sống khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình.

    Nét đặc sắc trong đoạn trích là việc tác giả đã miêu tả cách ứng xử của những con người đói bên bờ vực cái chết rất tinh tế, sâu sắc. Mặc dù, bị dồn vào đường cùng, bị đẩy vào tình huống éo le, nhưng họ vẫn tìm cho mình một cách ứng xử rất phù hợp, sâu sắc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, những con người trong nạn đói cũng không từ bỏ khát vọng sống, vẫn luôn tìm được lí do để vươn lên cái đói, cái khát, cái thảm đạm để mà vui, mà hi vọng. Đây là điểm sáng trong cách tiếp cận những người dân trong nạn đói của nhà văn Kim Lân. Chính điều này tạo nên điểm sáng nhân văn, thứ ánh sáng đủ sức nâng giấc cho những con người đang cùng đường tuyệt lộ,

    Để tạo nên thành công của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung, tác giả đã tạo nên một tình huống truyện độc đáo, éo le, xây dựng đối thoại sinh động, hấp dẫn, ngôn ngữ quê kiểng nhưng sử dụng rất đắc địa, đặc biệt là miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo. Điều đặc sắc nhất của đoạn trích là tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế bằng sự hiểu biết của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng, bằng tấm lòng của một nhà văn "một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy".

    Nhà văn Sê – khốp từng khẳng định: Nhà văn chân chính là phải nhân đạo từ trong cốt tủy. Quả đúng như vậy, văn là người, cho nên con người như thế nào thì văn chương cũng vậy. Nhà văn chân chính phải đứng trong lao khổ để đón những vang vọng cuộc đời. Chính vì thế, văn học phải hướng tới cuộc sống, phải khơi gợi được những tình cảm, nhân văn cao đẹp, đánh thức được lòng trắc ẩn đang ngủ sâu trong trái tim mỗi người đọc. Từ những điều trên, ta có thể khẳng định nhà văn Kim Lân đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà văn chân chính khi tạo ra những trang viết chan chứa giá trị nhân đạo.

    Giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản của tác phẩm chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với những nỗi đau của con người và cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, đồng thời thể hiện sự nâng niu trân trọng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn và niềm tin vào khả năng vươn dậy của con người. Thể hiện ở tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận của con người trong nạn đói. Lên án, tố cáo thực dân Pháp và phát xít Nhậtn đã đẩy con người vào nạn đói thảm khốc. Trân trọng, trân trọng và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân đang đứng bên bờ vực cái chết. Nhà văn đã hé mở con đường đổi đời tươi sáng, tích cực cho người dân khốn cùng. Đó là giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, góp phần làm nên thành công cho tác phẩm. Qua đó, ta thấy được tấm lòng đôn hậu, yêu thương con người sâu sắc của tác giả. Đúng như báo online Tuổi trẻ đã khẳng định: "Từ trong bóng tối của hoàn cảnh, Kim Lân muốn tỏa sáng một chất thơ đặc biệt của hồn người. Mảng tối của bức tranh hiện thực buồn đau là một phép đòn bẩy cho mảng sáng của tình người tỏa ra ánh hào quang đặc biệt của một chủ nghĩa nhân văn thiết tha, cảm động" ( Báo online Tuổi trẻ - chuyên đề 4 Văn xuôi kháng chiến). Chính giá trị nhân đạo mới mẻ, sâu sắc và cao cả đã tạo nên sức sống mãnh liệt của truyện ngắn Vợ nhặt, tác phẩm đã chạm đến trái tim bạn đọc nhiều thế hệ, đã làm hồi sinh những tâm hồn chai sạn trước sương gió cuộc đời,

    Đoạn văn đã cho chúng ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Tràng và thị, những nạn nhân xấu số của nạn đói năm 1945: Ngay trên bờ vực cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau như Kim Lân đã tâm sự: "Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống". Nội dung nhân đạo sâu sắc và cảm động đó được thể hiện qua một tình huống truyện độc đáo, cách kể truyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí khá tinh tếm dựng đối thoại sinh động. Từ cách ứng xử của thị trước bước đường cùng đã đặt ra cho bạn đọc nhiều vấn đề khiến mọi người phải suy nghĩ.
     
    AdminLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...