Bàn về văn chương nghệ thuật, nhà phê bình Hoài Thanh khẳng khái thừa nhận: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có. Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của mỗi cá nhân nhờ văn chương mà trở nên rộng rãi, thâm trầm gấp trăm nghìn lần". Quả thật, từ xưa đến nay, thơ văn luôn là địa hạt của tình yêu, của cái đẹp, là bến đỗ của tâm hồn, là trạm dừng chân của chúng ta sau cánh cửa cuộc sống mệt nhoài, bon chen ngoài kia để tâm hồn ta được lắng lại mà thưởng thức chiêm nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên, con người, cuộc sống. Bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu là một ví dụ. Đọc thi phẩm này, tâm hồn ta thấy rộng rãi vô cùng trước bức tranh thiên nhiên con người Việt Bắc đầy thơ mộng, đẹp đẽ. Đoạn thơ dưới đây sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn điều này. Có ai đó đã từng viết rằng: "Cái quan trọng trong tài năng văn học và tôi nghĩ cũng có thể trong bất kì tài năng nào, là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói của riêng mình". Nhà thơ Tố Hữu đã tạo dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc bởi tiếng nói riêng đó qua suốt quá trình sáng tác của mình. Nhắc đến ông là ta nhớ đến lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, tình cảm cách mạng con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm tính chất dân tộc, truyền thống. Tố Hữu có nhiều tập thơ với nhiều bài thơ giá trị, trong đó đặc sắc nhất là thi phẩm Việt Bắc. Tháng 10 năm 1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Nhân sự kiện lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ không chỉ gây ấn tượng với bạn đọc bởi sự lưu luyến, xúc động của cán bộ kháng chiến và đồng bào Việt Bắc trong buổi chia tay mà còn bởi vẻ đẹp quá đỗi bình dị, thân thương của thiên nhiên và con người nơi núi rừng Việt Bắc. Hình ảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc hiện lên đa dạng với nhiều thời gian, không gian khác nhau nhưng luôn hài hòa, gắn bó với con người: Ta về mình có nhớ ta Ta về ta nhớ những hoa cùng người Hoa và người là những gì đẹp nhất của núi rừng Việt Bắc. "Hoa" là cách nói nghệ thuật tượng trưng cho thiên nhiên và cũng là một bộ phận của thiên nhiên. Trong nỗi nhớ của người về, hoa và người là hai hình ảnh đồng hiện, soi chiếu vào nhau. Hoa là hình ảnh đẹp nhất của thiên nhiên, người lại là kết tinh tuyệt vời nhất của tạo hóa. Vì vậy, khi nhớ người thì hiện lên bông hoa, khi nhớ hoa thì hiện lên bóng người, đây cũng chính là ngụ ý ngợi ca vẻ đẹp của người ở lại. Tám câu thơ tiếp theo là bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc trong nỗi nhớ của người đi. Mở đầu bức tranh tứ bình là cảnh sắc mùa đông qua sự phác họa tinh tế của hình khối, màu sắc và ánh sáng: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng Hai câu thơ tuyệt đẹp với chiều rộng mênh mông của rừng xanh, chiều cao ngút ngàn của đèo núi, chiều cao vời vợi của bầu trời. Trên nền xanh thẳm, hùng vĩ của rừng đại ngàn là sắc đỏ tươi của hoa chuối. Màu đỏ tươi nổi bật trên nền xanh vừa tạo cảm giác chói chang, ấm áp, xua đi cái lạnh lẽo của núi rừng mùa đông, vừa cồn cào như những ánh mắt dõi theo, những bàn tay vẫy gọi đầy lưu luyến níu bước người ra đi. Ánh nắng trên đèo cao càng làm khu rừng sáng và ấm hơn. Sự phối hợp hài hòa của màu sắc và ánh sáng làm bức tranh thiên nhiên trở nên rực rỡ, sự khắc nghiệt của mùa đông được thay thế bằng vẻ đẹp thơ mộng đầy sức níu kéo. Trên nền thiên nhiên khoáng đạt ấy là hình ảnh con người với "dao gài thắt lưng". Sự xuất hiện của con người làm tăng thêm vẻ đẹp ấm áp, thơ mộng cho mùa đông Việt Bắc. Hình ảnh con người Việt Bắc hiện lên ấn tượng thông qua bút pháp chấm phá trong hội họa: Hình ảnh dao gài thắt lưng lại đặt sau cụm từ "nắng ánh" ở trạng thái động đã tạo hình ảnh con người trong tư thế làm chủ thiên nhiên, tỏa sáng từ trên cao. Hình ảnh con người lao động với vóc dáng lồng lộng trên đèo cao đầy nắng đã nâng tầm vóc con người trở nên lớn lao hơn giữa rừng núi hùng vĩ, làm tăng thêm sự cảm phục, ngưỡng mộ trong lòng người ra đi. Việt Bắc khi mùa xuân đến lại tiếp tục hiện ra trong nỗi nhớ của người đi: Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Nếu mùa đông Việt Bắc có những lúc chói chang, ấm áp trong ánh nắng vàng thì thiên nhiên mùa xuân lại được miêu tả trong những gam màu dịu mát, trẻ trung. Phép đảo ngữ "trắng rừng" đem lại ấn tượng về những khu rừng Việt Bắc mênh mông, trắng xóa sắc hoa mơ, động từ "nở" cho thấy sức sống sinh sôi, tràn trề của núi rừng mùa xuân. Màu trắng của hoa mơ không chỉ làm nổi bật linh hồn của mùa xuân mà còn gợi tâm trạng bâng khuâng trong lòng người. Bằng nghệ thuật phối màu tinh tế, nhà thơ Tố Hữu đã vẽ nên bức tranh mùa xuân Việt Bắc với gam màu trắng: Trên nền trắng tinh khiết của hoa mơ là sắc trắng lấp lóa của nón, màu trắng ngà của những sợi giang. Con người Việt Bắc ở bức tranh mùa xuân được miêu tả trong công việc đan nón. Động tác chuốt từng sợi giang cho thấy vẻ đẹp của người lao động cần mẫn, tinh tế và đầy khéo léo. Đó cũng chính là những nét đáng yêu, đáng nhớ của Việt Bắc in đậm trong lòng người ra đi. Tiếp nối mùa xuân, mùa hè của Việt Bắc được tái hiện trong nỗi nhớ tràn đầy cả âm thanh và màu sắc: Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình Khác biệt với mùa đông và mùa xuân, bức tranh mùa hạ được tái hiện bằng cả hai giác quan: Thị giác và thính giác. Có lẽ vì vậy mà đây được đánh giá là bức tranh đặc biệt nhất trong bộ tứ bình ở Việt Bắc. Cùng một lúc, cả âm thanh rộn rã của tiếng ve và sắc vàng rực của rừng cây phách xuất hiện trong câu thơ như có một mối tương giao, tương hợp không thể tách rời. Hình như khi bầy ve cất lên âm thanh đầu tiên báo hiệu mùa hè về thì cả rừng cây phách đã đồng loạt chuyển từ màu xanh non mỡ màng của mùa xuân sang màu vàng rực rồi trút lá. Nhưng cũng có thể là trước sắc vàng xao xuyến của rừng cây phách mà bầy ve không thể cầm lòng đồng loạt tấu lên khúc nhạc gọi hè. Động từ "đổ" trong cụm từ "đổ vàng" đã miêu tả thật chính xác cả một dòng thác sắc màu của nắng như trút từ trên trời cao xuống nhuộm vàng cả một cánh rừng. Trung tâm của bức tranh vẫn là hình ảnh con người lao động trở về trong nỗi nhớ: "Nhớ cô em gái hái măng một mình". Động tác hái măng gợi dáng vẻ cắm cúi, thầm lặng khiến cô gái như càng nhỏ bé hơn giữa mênh mông rừng núi. Hai từ "một mình" đem lại cảm giác cô đơn, trống trải sau lưng người ra đi, cùng với tiếng ve kêu trong rừng nắng, hình ảnh cô em gái hái măng một mình đã đem lại sự hiu hắt, đượm buồn cho cảnh sắc núi rừng. Cảnh phảng phất nỗi buồn nhưng vẫn đẹp - một vẻ đẹp tĩnh lặng và trong sáng. Nếu như đặc trưng của mùa đông là hoa chuối, mùa xuân là hoa mơ, mùa hè là hoa phách vàng, vậy mùa thu Việt Bắc là hoa gì? Mùa thu không có hoa mà mùa thu có con người – loài hoa đẹp nhất. Rừng thu trăng rọi hòa bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung Mùa thu kết thúc đoạn tứ bình cũng là thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến gian nan, là thời điểm chia ly giữa Việt Bắc và những người kháng chiến. Bức tranh mùa thu được phác họa trong gam màu dịu mát của ánh trăng thanh bình. "Trăng rọi" xuống rừng thu làm tỏa sáng cả khu rừng. "Rọi" là động từ nguồn ánh sáng tập trung soi chiếu xuống một điểm hẹp trong không gian, cách dùng từ này không chỉ giúp nhà thơ miêu tả chính xác hình ảnh ánh trăng lọt qua vòm cây, kẽ lá của núi rừng mà còn thể hiện tinh tế những cảm xúc của con người. Trăng sao như thấu hiểu lòng người, trong đêm chia ly như muốn dành riêng cho Việt Bắc, muốn tập trung soi chiếu hình ảnh thiên nhiên và con người trong nỗi nhớ tha thiết của người đi. Mùa thu càng ngọt ngào hơn với tiếng hát ân tình thuỷ chung. Tiếng hát vang lên giữa rừng sâu, dưới ánh trăng thanh càng làm đậm hơn cảm giác tươi vui, thanh bình, sự hồi sinh sau chiến tranh. Có thể thấy được sự thay đổi trong cảm xúc của người ra đi và hình ảnh người ở lại. Nếu như ở ba bức tranh trên, nỗi nhớ hướng tới một đối tượng cụ thể thì đến bức tranh cuối cùng của bộ tứ bình, tính chất phiếm chỉ trong cụm từ "nhớ ai" làm hình ảnh con người trở nên nhạt nhòa, nỗi nhớ càng thêm sâu đậm. Phút chia li gần kề, nỗi nhớ lúc này không còn là một và hình ảnh riêng cụ thể mà là tất cả người dân Việt Bắc trung hậu, sắt son. Tiếng hát vang dưới đêm trăng là tiếng hát của những người ở lại đang trào dâng nỗi nhớ, của những người ra đi da diết niềm luyến lưu. Hòa bình là sự kiện lớn đem lại niềm vui nhưng đây cũng là thời khắc chia ly đầy bâng khuâng, nuối tiếc. Miêu tả tiếng hát gợi ân tình của người ở lại, nhắc nhở sự thủy chung của người ra đi trên nền ánh trăng hòa bình có lẽ là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ giúp cho cặp lục bát kết đoạn tứ bình hàm chứa một tâm nguyện đinh ninh: Những thay đổi trong cuộc sống hòa bình sẽ không bao giờ có thể khiến người đi thay lòng đổi dạ, người về xuôi sẽ không bao giờ lãng quên ánh trăng, tiếng hát, tấm lòng ân tình, thủy chung của mảnh đất và con người Việt Bắc. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem "Thời gian trôi qua kẽ tay Làm khô những chiếc lá Riêng những câu thơ còn xanh Riêng những tiếng hát còn xanh" (Thời gian – Văn Cao) Thật vậy, thời gian thường đi cùng với sự huỷ hoại, lãng quên nhưng có những giá trị thời gian chỉ càng làm cho nó thêm ngời sáng. Thi phẩm "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu là một trong số đó. Bài thơ là một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên, một bản hùng ca về cách mạng và cũng là một khúc tình ca đầy da diết về tình người. Chính vì lẽ đó mà dù được viết từ năm 1954 thế nhưng đến nay, Việt Bắc vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng thật khó quên, vẫn là một tác phẩm nghệ thuật giá trị trường tồn cùng năm tháng. Đọc bài thơ: [Bài Thơ] - Việt Bắc - Tố Hữu