Phân tích đoạn 1 bài thơ Nói với con của Y Phương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Trương Minh Anh, 24 Tháng ba 2022.

  1. Trương Minh Anh

    Bài viết:
    4
    Nói với con - Y Phương

    Phân tích đoạn 1

    ***

    Tình cảm gia đình, tình yêu thương của mẹ cha với con cái từ lâu đã trở thành một đề tài quen thuộc của thơ ca. Có bao nhiêu bài thơ hay, bao lời ca đẹp khi viết về tình cảm thiêng liêng đáng quý ấy. Chúng ta sẽ nhớ mãi không quên một 'Bếp lửa' của Bằng Việt, một khúc hát ru ngọt ngào của bà mẹ Tà-ôi trong 'Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ'. Và Y Phương - nhà thơ của mảnh đất Cao Bằng thân thương đã góp phần mình vào thơ ca Việt Nam với tác phẩm hết sức sâu lắng: 'Nói với con'. Với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị cùng lời thơ sâu lắng, bài thơ đã giúp chúng ta cảm nhận được tình cảm cha con thiêng liêng thắm thiết cùng lời nhắn nhủ tới con về cội nguồn sinh dưỡng:

    "Chân phải bước tới cha

    Chân trái bước tới mẹ

    Một bước chạm tiếng nói



    Hai bước tới tiếng cười



    Người đồng mình yêu lắm con ơi



    Đan lờ cài nan hoa



    Vách nhà ken câu hát



    Rừng cho hoa



    Con đường cho những tấm lòng



    Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới



    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời."

    Bằng lời thơ tâm tình, thủ thỉ, Y Phương nói với con về cội nguồn sinh dưỡng, về quê hương, đất nước, về nơi mà con sinh ra, lớn lên. Trước hết, Y Phương nói với con về cội nguồn gần gũi, thân thương nhất, nơi nuôi dưỡng con đầu tiên. Đó là gia đình:

    "Chân phải bước tới cha

    Chân trái bước tới mẹ

    Một bước chạm tiếng nói

    Hai bước tới tiếng cười"

    [​IMG]

    Đoạn thơ đã gợi ra khung cảnh của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Ở nơi ấy, con được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, được cảm nhận sự ấm áp và êm đềm nhất. Ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên, từ những tiếng bi bô tập nói, con đã có bàn tay cha mẹ nâng đỡ, chở che. Bên phải của con là vòng tay yêu thương ấm áp của mẹ, bên trái của con là bờ vãi vững chai của cha, lúc nào cũng ở đó, sẵn sàng đồng hành cùng con trên bước đường đời. Cách diễn đạt của nhà thơ thật độc đáo, giàu hình ảnh. Ông đã khéo léo dùng những hình ảnh hoán dụ: 'chân phải', 'chân trái' để chỉ người con. Phép điệp cấu trúc ngữ pháp, điệp ngữ cùng nhịp thơ 2/3, đặc biệt là biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác qua hình ảnh "chạm tiếng nói", "tới tiếng cười" đầy sức gợi. Tiếng nói, tiếng cười vốn là những vật thể vô hình, nhưng trong cảm nhận của Y Phương, nó được cảm nhận bằng xúc giác. Cũng bởi vì thế, tiếng nói, tiếng cười trở nên hữu hình, ngập tràn trong căn nhà nhỏ bé. Hạnh phúc gia đình tràn ngập, hiện hữu trong ánh mắt trẻ thơ. Đó hẳn là những cảm xúc thật tuyệt vời. Một chút ấm áp, một chút ngọt ngào, và cả tình yêu thương hòa quyện với nhau, đọng lại trong cảm nhận của trẻ thơ. Những câu thơ đầu không chỉ khiến chúng ta có thể hình dung về không khí gia đình ấm áp mà còn làm cho chúng ta thêm trân quý gia đình- cái nôi sinh dưỡng đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người. Chỉ ở nơi ấy, chúng ta mới tìm được sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn, được sống trong hạnh phúc nhỏ nhoi bình dị mà rất đỗi thiêng liêng, ấm áp. Nhà thơ Y Phương đã nhắn nhủ với con rằng: Hãy biết trân trọng niềm hạnh phúc bình dị, ngọt ngào và rất thiêng liêng ấy.

    Con không chỉ được sống trong tình yêu thương của gia đình mà con còn được bao bọc trong ân tình của quê hương- nơi chôn rau cắt rốn của chúng ta:


    "Người đồng mình yêu lắm con ơi

    Đan lờ cài nan hoa

    Vách nhà ken câu hát

    Rừng cho hoa

    Con đường cho những tấm lòng



    Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới



    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời."

    Câu cảm thán "Người đồng mình yêu lắm con ơi" gửi gắm trong đó bao tình cảm và sự xúc động tự hào. Cách gọi "người đồng mình" thật độc đáo, chỉ người cùng miền mình, vùng mình. Đó là cách gọi của những con người cùng sống trong một quê hương, một dân tộc. Cách nói về con người quê hương ấy gửi gắm biết bao tình cảm ấm áp, chứa chan ý nghĩa. Các từ "ken", "cài", "đan" không chỉ gợi lên cuộc sống lao động cụ thể của ngươi đồng mình mà còn nói lên sự đoàn kết, gắn bó của con người quê hương trong cuộc sống làm ăn, lao động. Họ "đan lờ" - đan những dụng cụ đánh bắt cá mà như đang làm ra những bông hoa tươi thắm rực rỡ để tô điểm cho cuộc đời. Tất cả những thứ dụng cụ bình dị, đơn giản đều được họ làm ra bởi bàn tay khéo léo, bởi sự cần mẫn, biết tiếp thu sáng tạo. Vách nhà của những con người quê hương không chỉ được ken bằng tấm nứa, tấm tre mà còn được ken bằng cả những lời ca tiếng hát. Đó là tiếng hát của lòng yêu đời, của tinh thần lạc quan, luôn có ý thức vượt lên trên mọi khó khăn gian khổ của mình. Tiếng hát lao động của người đồng mình đã làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, một cái gì đó rất riêng của chính họ tạo ra. Bên canh đó, sống ở quê hương, con còn được sống trong vẻ đẹp của thiên nhiên mơ mộng, hữu tình. Mà ở đó con được thiên nhiên bao bọc, chở che:

    "Rừng cho hoa

    Con đường cho những tấm lòng"

    Hai câu thơ đã mở ra trước mắt chúng ta khung cảnh của khu rừng tràn ngập những bông hoa tươi thắm, rực rỡ, ngạt ngào hương thơm cùng với hình ảnh "con đường cho những tấm lòng" giàu sức gợi. Nó gợi ra cái sự bao dung, ân tình độ lượng của quê hương với những con người sinh ra và lớn lên ở nơi ấy. Ở đó, trên những "con đường" rộng lớn để con bước chân đi thì luôn có những "tấm lòng" rộng mở chào đón con trở về. Và như thế, quê hương không chỉ nuôi dưỡng con người về thể chất mà nó còn bồi đắp cho con về tâm hồn, lẽ sống. Nơi ấy đã nuôi dưỡng trong con những tình cảm đẹp đẽ nhất, để con vững bước đi trên chặng đường đời đầy rẫy những gai nhọn chờ sẵn. Quê hương yêu dấu còn cho cha mẹ được vui vẻ va có niềm hạnh phúc khi sum họp một nhà:

    "Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời"

    Ngày đó là ngày bắt đầu cho một cuộc sống mới, bắt đầu một mối tình hôn nhân thật đẹp đẽ. Đó là ngày mà cha cảm nhận được tình yêu, cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được yêu một người và cùng đồng hành cùng người đó trên suốt chặng đường còn lại. Và kể từ đó là ngày mà cha mẹ luôn chờ đợi sự xuất hiện của con, chờ con ra đời, đợi con khôn lớn để kể cho con nghe về mối tình thuở ấy, về tương lai con sẽ có một tình yêu của đời mình. Có thể nói, Y Phương tâm tình với con mà như truyền cho con cả tình yêu với quê hương nguồn cội, đồng thời khơi gợi trong con cả niềm tự hào. Từ đó, nhà thơ đã nhắn nhủ với con hãy biết trân trọng gia đình, quê hương bởi đó là nguồn cội, là những ngày tháng con được sống trong ấm êm, hạnh phúc để sau này khôn lớn trưởng thành.

    Chỉ với một đoạn thơ ngắn, tác giả Y Phương đã thể hiện sự tài hoa của mình về phương diện nghệ thuật. Trước hết, nhà thơ đã sử dụng thể thơ tự do kết hợp với những từ ngữ, hình ảnh giàu cảm súc gợi cảm, giọng điệu thiết tha trìu mến, nhịp điệu lúc nhanh, lúc lại sâu lắng, thấm thía rất thành công, đặc sắc. Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc như: Hoán dụ, ẩn dụ, điệp cấu trúc.. tạo nên lời thơ, ý thơ không chỉ tự nhiên, mà còn mang cảm giác gần gũi của lời tâm tình thủ thỉ, giúp người đọc cảm nhận được tình cha con thiêng liêng sâu sắc và lời nhắn nhủ của tác giả với con về cội nguồn sinh dưỡng đầy ý nghĩa. Đó là tình cảm đáng trân trọng, đáng giữ gìn và nó trở thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam. Qua đó tác giả bày tỏ sự trân quý, ca ngợi những hạnh phúc nhỏ bé, bình dị, mà tuyệt vời nhất ở nơi gia đình ấm áp, ở chốn quê nhà đầy tình thương. Đoạn thơ trên còn thể hiện thật sâu sắc tấm lòng yêu thương con bao la, rộng lớn của người cha, giúp ta hình dung được niềm vui bao la của nhà thơ khi lần đầu được làm cha. Từ đó, tác giả Y Phương muốn nhắn nhủ đến người đọc cần phải biết trân trọng những điều bình dị, quen thuộc của trong chính ngôi nhà, quê hương của mình, bởi đó sẽ là hành trang đi theo con người trong suốt quãng đường sau này.


    [​IMG]

    Chỉ với đoạn thơ ngắn, tác giả Y Phương đã gửi gắm lời nhắn nhủ, dặn dò của mình với đứa con về nguồn cội, mong sao con có một tương lai đẹp nhất, có thêm động lực để góp phần xây dựng quê hương đất nước. Đó là tình phụ tử thiêng liêng- thứ tình cảm không mua được, không thể mất đi va cũng chẳng bao giờ phản bội lại con người. Tình cảm ấy sẽ mãi luôn ở đó, cha vẫn sẽ dõi theo từng bước chân con lớn lên và trưởng thành, không bao giờ thay đổi. Đoạn thơ đã bồi đắp trong tâm hồn chúng ta sự tự hào, lòng nhiệt huyến được xây dựng quê hương, nuôi dưỡng trong ta những tình cảm thật đẹp đẽ. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung sẽ mãi còn đọng lại dư âm, sống mãi trong lòng độc giả hôm nay và mãi mãi về sau với biết bao giá trị thật đẹp, thật ý nghĩa.
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...