Phân tích chức năng nhân vật ông Sáu trong văn bản Chiếc lược ngà

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 15 Tháng mười một 2023.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Có ý kiến cho rằng: "Chức năng của nhân vật là khái quát quy luật của cuộc sống và con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kỳ vọng về đời sống". Qua nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

    [​IMG]

    Đại văn hào người Nga Macxim Gorki từng nói: "Văn học là nhân học." Quả thật, văn học chân chính luôn hướng đến con người, nuôi dưỡng tâm hồn người, gửi gắm những tư tưởng, tình cảm cao đẹp. Sâu sắc ở chỗ, văn học không phô trương bởi những trực ngôn thẳng thừng mà nằm ngay ngắn ở những biểu hiện mang tính hình tượng. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những bức tranh thiên nhiên, những lời bình luận.. đều góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho tác phẩm, nhưng cái quyết định chất lượng tác phẩm văn học lại nằm ở việc xây dựng nhân vật. Ðọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện. Vì vậy, có ý kiến cho rằng: "Chức năng của nhân vật là khái quát quy luật của cuộc sống và con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kỳ vọng về đời sống". Soi chiếu vào nhân vật ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ta thấy được rõ nét ý nghĩa của quan điểm trên.

    Trước hết, nhận định trên đúc kết nhiệm vụ và khả năng của một chủ thể nghệ thuật là "nhân vật". Trong tác phẩm văn học, nhân vật là đối tượng được tác giả dày công sáng tạo, nhằm phản ánh chân thực hình ảnh của con người. Sản phẩm tinh thần đó sẽ đóng vai trò là nơi neo đậu cho cốt truyện phát triển, là "tiêu điểm để bộc lộ chủ đề" và "tập trung giá trị nghệ thuật tư tưởng của tác phẩm". Ý kiến cho rằng nhân vật khái quát nên những quy luật - những hiện tượng có tính logic, trật tự, xảy ra luân hồi, lặp đi lặp lại trong cuộc sống hằng ngày. Chúng thống nhất và đấu tranh các mặt đối lập để cho biết nguồn gốc của sự vận động và phát triển. Đối với cuộc sống, quy luật xuất phát từ những sự kiện có mở đầu và kết thúc nhất định, còn với con người, quy luật nằm ở các hoạt động thực tiễn, các thành tựu nghiên cứu, mang theo những nhìn nhận, đánh giá, tư duy được nghiền ngẫm trong một thời gian dài. Trong vai trò của một "người thư ký trung thành của thời đại", nhân vật không chỉ trở thành một phương thức tái hiện đời sống, mà còn là phương tiện kết nối tác giả với người tiếp nhận. Nhân vật mang bóng dáng của người nghệ sĩ, chuyên chở những kiến thức, hiểu biết, ước mơ, kì vọng của tác giả về những điều đã có, đang có, và cả những điều sẽ có, nên có. Vì vậy, ý kiến đã cho đã góp phần đưa ra cái nhìn toàn diện, đúng đắn và sâu sắc về vấn đề "sáng tạo" của văn học.

    Chiếc lược ngà là truyện ngắn vận dụng thành công nghệ thuật xây dựng nhân vật để làm nổi bật chức năng của công việc sáng tạo đầy tâm huyết và tài hoa. Truyện được viết năm 1966, giữa lúc nhân dân Nam Bộ đang anh dũng đánh đuổi giặc Mỹ, bảo vệ nước nhà. Chiếc lược ngà là một trong những tác phẩm tiêu biểu ghi đậm phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng - "lối viết đơn giản như kể chuyện, thật tình, đượm chất Nam Bộ. Nhân vật gần gũi, giản dị, sống phóng khoáng, rất anh hùng mà cũng rất đời thường." (Phan Đông Thức). Đặc biệt, nhân vật chính ông Sáu là một sáng tạo đặc sắc của nhà văn.

    "Chức năng của nhân vật là khái quát quy luật của cuộc sống". Thứ nhất, nhân vật này thể hiện được quy luật tất yếu: Chiến tranh đem lại những mất mát, tổn thương, bất hạnh khó có thể bù đắp cho con người. Ông Sáu là một người con yêu nước, nên khi tỉnh nhà bị chiếm, ông nhanh chóng "thoát li đi kháng chiến." Tác giả đã rất khéo léo khi sử dụng điểm nhìn trần thuật đặt ở người đồng đội thân thiết với ông - bác Ba để tái hiện chân thực đầy đủ câu chuyện. Éo le thay ông Sáu, "Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh - và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi." Chiến tranh không chỉ khiến hai vợ chồng ông Sáu xa cách, "Suốt mấy năm kháng chiến, chị Sáu có đến thăm anh mấy lần.. Nhưng cái cảnh đi thăm chồng ở chiến trường miền Đông không đơn giản.", mà còn khiến ông chia xa con gái tám năm ròng. Trong khoảng thời gian chiến đấu gian khổ, không phút nào ông Sáu nguôi nỗi nhớ gia đình hay ngừng thương đứa con bé bỏng, nhưng nhớ nhung đến mấy, ông cũng "chỉ được thấy con qua tấm ảnh nhỏ thôi." Cảnh ngộ trắc trở của ông Sáu cũng làm ta nhớ tới bao cuộc chia ly khác, điển hình như câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ trong bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ:

    "Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

    Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

    Chồng của cô sắp sửa đi xa

    Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

    Chiếc áo đỏ rực như than lửa

    Cháy không nguôi trước cảnh chia ly

    Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia

    Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.

    Không che được nước mắt cô đã chảy

    Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời."

    [​IMG]

    Không dừng lại ở đó, chiến tranh còn để lại một thương tổn đau đớn về mặt thể xác trên khuôn mặt người lính cụ Hồ: "Vết thẹo dài bên má phải lại ửng đỏ lên, giần giật, trông rất dễ sợ". Người lính chiến đấu trực tiếp trên mặt trận, sao có thể tránh khỏi việc bị thương? Nhưng ngờ đâu, vết sẹo chứng tỏ lòng yêu nước và sự dũng cảm đó lại khiến ông Sáu phải hy sinh nhiều hơn thế, kéo theo cả những mất mát về mặt tinh thần. Có lẽ đã quen với vết thẹo trên mặt, ông Sáu có biết đâu nó lại khiến con gái khiếp đảm và ngờ vực, sợ hãi chạy đi trong tiếng thét ngay trong lần gặp mặt đầu tiên sau 8 năm ròng. Vì vết thẹo dữ dằn ấy, bé Thu thấy "Ba không giống cái hình ba chụp với má" nên không nhận ra ông Sáu là cha. Chiến tranh đã vô tình cướp đi thiên chức làm cha của người lính tội nghiệp. Trong suốt ba ngày nghỉ phép ngắn ngủi, ông Sáu luôn khát khao con gọi mình một tiếng "ba" nhưng đều ngóng chờ trong vô vọng và phải chịu sự hắt hủi, xa lánh từ con. Những diễn biến của tình huống một xoay quanh nhân vật ông Sáu đã giúp tác giả tố cáo chiến tranh hủy hoại hạnh phúc con người.

    Cái kết đau lòng với nhân vật ông Sáu cũng giúp tô đậm giá trị hiện thực cho toàn tác phẩm. Trở lại chiến khu, ông Sáu nỗ lực làm chiếc lược ngà cho con, nhưng chưa trao đến tận tay bé Thu thì ông hy sinh. Trong một trận càn lớn của quân Mỹ - ngụy, "anh bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực". Sự việc thương tâm ấy có sức khái quát cho biết bao tình cảnh của những người lính không may mắn hy sinh nơi chiến trường, bỏ lại cảnh nhà, cảnh đời, bỏ lại bao ước mơ, khát vọng. Từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hoàng Lộc đã có bài thơ rất cảm động với những chi tiết cụ thể về sự hy sinh của đồng đội: "Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ..". Giống như nhân vật vô danh trong bài thơ "Viếng bạn" ấy, ông Sáu cũng mang ý nghĩa phản ánh sự lạnh lẽo, vô tình, khát máu của chiến tranh. Vậy là dưới hình tượng là một người lính, nhân vật ông Sáu chính là chiếc chìa khóa giúp tác giả mở cánh cửa bước vào hiện thực khốc liệt, tái hiện quy luật cuộc sống dưới thời chiến - tấn bi kịch khó tránh khỏi: Bi kịch của người chồng xa vợ, người bố xa con, người lính đánh đổi thanh xuân, hạnh phúc, sinh mệnh góp vào sức mạnh dân tộc.

    "Chức năng của nhân vật là khái quát quy luật của con người". Thứ hai, trên phương diện giá trị nhân đạo của tác phẩm, nhân vật ông Sáu đã góp phần khẳng định một quy luật: Không bom đạn, thế lực nào có thể hủy diệt những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp. Quả thật, càng khắc họa tình cảnh khắc nghiệt, éo le của ông Sáu, nhà văn càng làm nồng nàn hơn, mãnh liệt hơn tình phụ tử trong ông. Tám năm xa con, ông Sáu phải tạm cất tình yêu con vào một góc trong tim. Trải qua sự thử thách của thời gian, thứ tình cảm ấy vẫn ấm nóng "Đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh". Thế nên "xuồng vào bến, thấy một đứa trẻ trạc độ tám tuổi cắt tóc ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà", ông đã đoán biết ngay đấy là con mình. Phải chăng đó là sức mạnh diệu kỳ của tình máu mủ, nên linh cảm ruột thịt đó mới chuẩn xác đến vậy?

    [​IMG]

    Tác giả đã tinh tế xây dựng tình huống cao trào ở phân đoạn ông Sáu lỡ tay đánh con, khiến bé Thu giận dỗi bỏ sang nhà bà ngoại, từ đó hóa giải hiểu lầm và gỡ nút cho câu chuyện. Ta cứ ngỡ tình phụ tử giữa hai con người ấy sẽ không thể tạo dựng được, nhưng đúng như đúc kết của tác giả Paulo Coelho trong cuốn sách Nhà giả kim "Chỉ khi bạn có một khao khát, một ước mơ mãnh liệt cũng như cố gắng hết sức để đạt được ước mơ đó, thì vũ trụ sẽ đáp lại mong muốn sâu thẳm trong tâm hồn bạn", vào giây phút chuẩn bị tiếp tục lên đường chiến đấu, ông Sáu đã có quả ngọt xứng đáng cho những thiệt thòi, tủi cực mà ông phải chịu. "Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó..

    - Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.

    Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

    – Ba.. a.. a.. ba!"

    Bằng giọng kể chân thực, cảm động, chắc hẳn bạn đọc ai cũng có thể hình dung được tâm trạng hạnh phúc và xúc động tột cùng của ông Sáu lúc này. Để từ đó, ta hiểu hơn về quy luật về đời sống mà tác giả Teresa Medeiros chiêm nghiệm "Hạnh phúc không tự nhiên mà đến, phải tranh đấu, đánh đổi, thậm chí là hy sinh mới có thể được chạm tay vào hạnh phúc."

    Cũng như một thứ quy luật tiếp diễn không ngừng nghỉ, hai cha con ông Sáu tiếp tục bị chia cắt, nhưng tình phụ tử của họ vẫn không bị phai mờ. Trong phút ông Sáu lâm chung, nhân vật bác Ba - hiện thân của nhà văn Nguyễn Quang Sáng - đã khẳng định một điều đúng với mọi thời đại "hình như có tình cha con là không thể chết được". Quả thật, tình phụ tử giữa ông Sáu và bé Thu đã vượt qua giới hạn của thế gian, đời người, vượt lên cả điều mà Voltaire quan niệm: "Chân lý cuối cùng trên cõi đời này vẫn chỉ là yêu. Yêu là sống và còn sống là còn yêu". Ông Sáu hi sinh, để lại một tình yêu vĩnh hằng và bất diệt cho con gái. Nhà văn Lep Tônxtôi đã từng nói "Mục đích chính của nghệ thuật là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên được những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được". Chỉ bằng chi tiết ánh mắt "nhìn một hồi lâu" của ông Sáu trước lúc hi sinh, tác giả đã khắc họa tinh tế nội tâm phức tạp và sâu sắc của nhân vật. Ánh mắt ấy thiêng liêng hơn bất kỳ lời di chúc nào, bởi đó là một sự ủy thác, là ước nguyện cao cả của tình phụ tử.

    "Chức năng của nhân vật là thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kỳ vọng về đời sống". Quả thật, qua hình tượng ông Sáu, bạn đọc không chỉ ngưỡng mộ tài hoa kể chuyện tài tình của nhà văn kỳ cực Nguyễn Quang Sáng, mà còn thấy được sự quan tâm, am hiểu tường tận về cuộc sống chiến đấu cao quý của người dân Nam Bộ. Phải là người gắn bó máu thịt với qh, với những con người thuần hậu, tình nghĩa mà anh dũng, kiên cường, nhà văn mới tái hiện chân thực, dung dị đến vậy. Là một nhà văn mang áo lính, có một thời gian dài gắn bó với hoạt động Cách Mạng, trải nghiệm và lăn lộn; những nỗi khổ đau, những hy sinh của nhân vật, những điều mà tác giả tin tưởng có lẽ là những gì mà ông thấm thía hơn bao giờ hết. Đáng quý hơn khi đọc toàn bộ tác phẩm, ta nhận ra được giọng điệu trân trọng, xót thương, kính trọng của tác giả đối với nhân vật ông Sáu nói riêng. Chi tiết bác Ba gặp lại được bé Thu để trao tận tay em chiếc lược ngà không chỉ là lời hứa Nguyễn Quang Sáng thực hiện giúp ông Sáu, mà còn hoàn chỉnh ước vọng của tác giả về một cuộc sống hòa bình và sự bất diệt của những tình cảm cao đẹp.

    [​IMG]

    Nhà phê bình người Nga Bêlinxki có viết: "Hình tượng văn học là sự tổng hợp những tư tưởng và say mê, là kết quả của một tấm lòng đầy thiết tha". Nhà văn đã khóc cùng nhân vật, cười cùng nhân vật; nâng niu nhân vật lên bằng ngòi bút tràn đầy tinh thần nhân văn nhân đạo. Tư tưởng của nhà văn đã soi sáng bạn đọc qua tấm gương phản chiếu hình tượng nhân vật. Không nhằm xây dựng nhân vật để tỏ sự bi lụy, bất lực, tiếc thương, Nguyễn Quang Sáng tạo nên ông Sáu để hướng tới những giá trị đích thực của văn chương và cuộc sống. Câu chuyện về cuộc đời của ông Sáu khiến ta ấm lòng hơn, tin yêu và trân trọng hơn thứ tình cảm thầm lặng ẩn sau bóng dáng người cha vất vả, bận rộn, sau nhịp sống hối hả vội vàng.

    Tuy nhân vật đều có chức năng chung là "khái quát quy luật của cuộc sống và con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kỳ vọng về đời sống", nhưng tạo hình nhân vật đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới không ngừng, không nhân vật nào được trùng khít, nhòe lẫn lên nhau. Nhà văn nếu nỗ lực tìm tòi, trau dồi ngòi bút, mở mang vốn sống sẽ càng tạo nên những nhân vật có chiều sâu và sức sống lâu bền. Nguyễn Quang Sáng đã làm được điều đó, khi ngay trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, các nhân vật đều mang số phận riêng, vẻ đẹp riêng, có sức hút khác nhau với từng bạn đọc. Nhưng bên cạnh tầng ý nghĩa của hình tượng, sức ảnh hưởng của một tác phẩm nghệ thuật cũng được đong đo bởi tầng thẩm thấu của người tiếp nhận. Ý kiến về "chức năng của nhân vật" cũng thầm nhắn nhủ bạn đọc cần đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật, có nhận thức đúng đắn để tiếp cận được với bản chất của đối tượng, hiểu được những quy luật cuộc sống, con người mà tác phẩm phản ánh, và những mơ ước, kỳ vọng mà tác giả gửi gắm ở một nhân vật có tính đại diện cao.

    Có thể thấy, nhân vật ông Sáu đã góp phần giúp tác phẩm trở thành thứ "vũ khí sắc bén, đắc lực", "vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn" (Thạch Lam). Nhân vật nói về quy luật của cuộc đời, nhưng đồng thời cũng thay lời tác giả nói về quy luật của cái đẹp - quy luật của tình cảm, tâm hồn. Câu chuyện của ông Sáu nói riêng và của nhân dân Nam Bộ thời kháng chiến chống Mỹ nói chung đã cho bạn đọc một cái nhìn sâu sắc về một tác phẩm chân chính. Đó sẽ là tác phẩm hướng con người tới cái đẹp bằng chính tình cảm, ước vọng của nhà văn. Là nơi ký thác tâm tư nguyện vọng của tác giả, nhân vật ông Sáu đã mang đến cho bạn đọc một Nguyễn Quang Sáng tràn đầy tình yêu con người, yêu cuộc sống, luôn trân trọng những tình cảm thiêng liêng và thiết tha dùng tài năng, tâm huyết, trái tim của mình để phát biểu những quy luật cuộc đời qua con chữ. Soi chiếu qua câu chuyện của ông Sáu, ý kiến "Chức năng của nhân vật là khái quát quy luật của cuộc sống và con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kỳ vọng về đời sống" lại thêm sáng, thêm thấu đáo, chắc nịch. Nguyễn Quang Sáng đã truyền tải hiểu biết, trải nghiệm, ước nguyện của minh bằng nhân vật một cách sống động và chân thành, như Đại thi hào dân tộc Ba Lan Adam Mickiewicz từng nhắc nhở bạn đọc mọi thời bằng những áng thơ:

    "Ngài thấy cả thế gian trong hạt bụi gió đưa

    Trong ánh sáng của vì sao nhỏ

    Nhưng ngài không thể nào biết rõ

    Những quy luật của chân lý sâu xa

    Vì phải nhìn bằng trái tim mình

    Nhìn tận đáy những trái tim mới thấy."

    [​IMG]
     
    Nghiên DiLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...