Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn - Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Tuithichmuitramhuong, 19 Tháng năm 2022.

  1. Tuithichmuitramhuong

    Bài viết:
    65
    Người xưa có dạy: 'Ở hiền gặp lành', 'cây ngay không sợ chết đứng'. Người chính trực ngay thẳng sẽ luôn có những điều tốt đẹp. Cái lẽ ấy đã ngấm vào nhân dân ta bao đời, và tiếp thu tinh thân ấy, với ngòi bút kể chuyện điêu luyện, cùng với trí tưởng tượng phong phú màu sắc, Nguyễn Dữ đã tạo ra một 'Truyền kì mạn lục'với sự kì ảo lôi cuốn.'Truyền kì mạn lục' đã mang đến cho nền văn học văn xuôi Việt Nam như được thổi vào một làn gió mới rất đáng tự hào. Cốt truyện lôi cuốn và kì bí, mang lại sự bí ẩn hấp dẫn, 'Chuyện chức phán sự đền Tản Viên' là một trong những câu chuyện hay nhất trong bộ truyền kì xứng danh thiên cổ kì bút. Trong đó, thông qua việc nhìn nhận, phân tích nhân vật chính Ngô Tử Văn để thấy được cái hay cái đẹp của hình tượng nhân vật cũng như nghệ thuật kể chuyện tài tình của Nguyễn Dữ.

    Nguyễn Dữ là tác giả nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam. Ông là người con đất Hải Dương, xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Ông cha Nguyễn Dữ đỗ tiến sĩ, bản thân ông cũng làm quan nhưng sau lại về ở ẩn. Ông để cho đời tác phẩm 'Truyền kì mạn lục' được người đời tung hô là thiên cổ kì bút.'Truyền kì mạn lục'thuộc thể loại truyền kì là sự ghi chép tản mạn về chuyện kì lạ lưu truyền dân gian, sách gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, cuối truyện đều có lời bình của tác giả. Dưới sự sáng tạo của Nguyễn Dữ, những câu chuyện sống động mang chất hư cấu hiện rõ dưới mắt người đọc những số phận bi thảm, thiệt thòi như chuyện Người con gái Nam Xương, hay thể hiện tình yêu dân tộc, hay nổi bật như trong 'Chuyện chức phán sự đền Tản Viên', lại đề cập tới lòng khẳng khái, cương trực, dám đấu tranh chống cái ác. Bối cảnh của truyện là vào thời kì sau giặc Minh xâm chiếm nước ta, nhưng tác giả viết lại chuyện vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVI, khi chế độ phong kiến suy thoái nặng nề. Nhân dân bất bình, kẻ sĩ cũng hụt hẫng tiếc nuối cho thời đại hoàng kim đã qua. Nguyễn Dữ cũng vì lẽ ấy mà cáo quan sáng tác truyện, cũng nhằm bộc lộ quan điểm, tấm lòng của ông với đời.

    "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" kể về nhân vật Ngô Tử Văn. Trong làng ấy bấy giờ có một ngôi đền thiêng. Một viên tướng giặc tử trận đã hóa thành yêu ma chiếm lấy ngôi đền và phá phách dân làng. Tử Văn hay việc ấy đã căm tức đốt đền, mặc cho mọi người sợ rằng sẽ có chuyện xảy ra cho người dám chống lại tên yêu quái. Xong việc, Tử Văn bị yêu ma ám hại phải xuống âm phủ chịu phạt nhưng vì tính cách mạnh mẽ, chàng đã quyết làm ra lẽ và bắt tên ma quỷ phải chịu tội. Chàng được tiến cử chức phán sự đền Tản Viên vì có công trừ hại, không lâu sau thì không bệnh mà mất. Ngay từ đầu câu chuyên, Nguyễn Dữ đã cho ta biết thông tin về nhân vật đặc biệt là tính cách nóng nảy, thấy sự tà gian thì không chịu được của Ngô Tử Văn. Ông giới thiệu trực tiếp: Ngô Tử Văn vốn tên là Soạn quê ở huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, tiếng vang xa cả vùng đất Bắc. Cách giới thiệu trực tiếp và hướng truyền thống cũng phần nào giúp ta hiểu được tính cách nhân vật. Lời giới thiệu mang giọng ngợi khen, có tác dụng định hướng cho người đọc về hành động kiên quyết của nhân vật. Ở làng của Tử Văn sống trước có một ngôi đền linh ứng nhưng giờ đã thành ngôi đền có hồn của tên giặc xâm lược tử trận gần đó làm yêu quái trong dân gian. Ngôi đền đã bị uế tạp bởi sự xâm chiếm của linh hồn kẻ ác và rồi, sức mạnh tà ác ấy đã bao trùm ngôi làng, quấy nhiễu nhân dân không sao yên ổn. Đứng trước tình thế ấy, Tử Văn là người duy nhất dám làm việc mà mọi người đều 'lắc đầu lè lưỡi' kinh sợ. Sự cứng cỏi của chàng được chứng minh rất rõ ở việc chàng dám 'tả xung hữu đột'với hồn ma tên tướng giặc. Việc bất chấp nguy hiểm mà giúp đỡ người khác khiến ta liên tưởng đến hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên, cũng dấn thân vào nguy hiểm để cứu giúp người yếu thế. Khác với nhân vật Trương Phi trong 'Hồi trống cổ thành', cả hai nhân vật đều đại diện cho mẫu người nóng nảy, khẳng khái. Tuy nhiên, Tử Văn là người cẩn trọng hơn so với sự nóng nảy đôi lúc mất đi tự chủ của Trương Phi. Tử Văn cương quyết, đường hoàng mà tắm rửa, khấn trời rồi đốt ngôi đền để yên dân làng. Hành động của Tử Văn đại diện cho hành động đẹp của kẻ sĩ, khẳng khái, mạnh mẽ. Sự tức giận của Tử Văn không phải là sự tức giận cho riêng mình mà là sự tức giận cho mọi người dân đang bị yêu quái quấy nhiễu, là người nghĩ cho cảnh chung, nghĩ cho mọi người. Sau khi đốt ngôi đền, tên ác vong cay cú lắm! Khi sống là kẻ xâm lược nước ta, tàn sát nhân dân, nay chết rồi vẫn quen thói cũ, cướp nơi ở của thổ thần nước Việt, còn bày trò đút lót hại người. Đã ăn cắp lại còn la làng, hắn bị Tử Văn trừng trị thì hiện nguyên hình, như thể hắn mới là người bị hại rồi dùng tà phép là chàng đầu lảo đảo, sốt run sốt rét. Thế nhưng sự cương trực của chàng lại càng nổi bật khi đối mặt tên yêu ma. Hắn buông lời mắng mỏ, dọa dẫm còn Tử Văn vẫn cứ điềm nhiên như không, coi thường phỉ nhổ hắn. Với bản tính rất kiên cường, chàng không sợ những lời đe dọa, chàng luôn tự tin vào việc mình làm là chính nghĩa. Trước tên tướng giặc ỷ mạnh hiếp yếu, tung hoành tàn phá làng xóm, hắn còn làm chàng phát bệnh đến nỗi hồn phải xuống Âm phủ, vấn đáp với Diêm Vương. Tử Văn là người trần mắt thịt, chẳng lẽ lại không sợ? Một ông già áo vải mũ đen phong độ nhàn nhã tính khiêm tốn đã đến khiến Ngô Tử Văn ngạc nhiên "sao nhiều thần quá vậy". Khi kể rõ sự tình thì chàng mới vỡ lẽ ông là thổ công, lại muốn kiện Diêm Vương. Tử Văn cẩn trọng trò chuyện. Chàng hỏi thổ thần rằng: 'Hắn có phải thực sự là tay hung hãn, có thể gieo vạ cho tôi không? Chi tiết ấy thể hiện kẻ anh hùng không phải không có nỗi sợ, mà điểm nhấn là dù lo lắng vẫn sẽ đứng lên bảo vệ chính nghĩa. Chính chi tiết nhỏ này mà ta nhận ra rằng thực tế chàng chẳng phải thần thánh cao siêu gì, mà chàng tin vào chân lí mà bản thân theo đuổi. Có thế mới đối diện được sức mạnh vô hình của tên bại tướng. Cái ác được ví như mạng nhện không lối thoát giằng ra cho Tử Văn. Đến như thổ thần còn phải bất bình buông xuôi bất lực. Tuy là vậy, khi chàng biết rằng có chứng cứ tố tội tên quỷ thần, chàng càng vững tin vào mục tiêu và con đường chân chính đã chọn. Khi Thổ công nói sẽ giúp đỡ, cung cấp sự thật, chứng cớ thì Tử Văn càng quyết tâm làm việc nghĩa tới cùng. Không quên biết ơn thần đã giúp đỡ mình, chàng cảm tạ thổ thần rồi dấn thân vào chốn xét xử nơi âm ti địa ngục rùng rợn.

    Chẳng làm gì mà lại mắc oan tội tày đình, ngay từ khi bị áp giải vào Âm phủ, chàng đã bị sỉ vả, mắng đủ điều, thậm chí là bị vu cáo "tên này bướng bỉnh, ngoan cố". Diêm Vương cũng có cái nhìn không tốt về Ngô Tử Văn, cho rằng chính chàng là người làm trái đạo nghĩa, dám có hành động hỗn láo. Mối đe dọa lớn nhất chính là ' người bị hại' - tên bại tướng họ Thôi. Hắn có mặt trước để đặt điều vu cáo chàng. Người bình thường mà trong tình cảnh này ắt cũng sợ vỡ mật. Nơi âm ti địa ngục, quỷ mặt xanh mặt đỏ xung quanh, lại còn bị vu oan sắp phải chịu tội. Ấy thế mà chàng Tử Văn vẫn cứ ngang nhiên, bình tĩnh hô to để Diêm Vương chú ý xét xử. Chàng đòi hỏi lẽ phải cần được thực thi. Ác linh thấy chàng cứng cỏi, đổ vạ không được thì giả nhân giả nghĩa như hắn tha thứ cho tội của chàng. Ngô Tử Văn quyết làm cho ra lẽ. Đối diện với Diêm Vương- người phán quyết thực hiện công lí, chàng đanh thép nói ra bằng chứng không thể chối cãi về tội trạng tên tướng giặc. Chàng đối diện với lẽ phải, bất chấp sự nguy kịch của tính mạng. Không chịu khuất phục trước quyền uy, kiên quyết đấu tranh cho chính nghĩa và sự thật. Kết quả chàng đã bảo toàn được mạng sống của mình, trừng trị được tên bại tướng. Một cú đảo ngược khiến cho người đọc hả hê: Tử Văn đảo thế từ kẻ có tội thành có công, tình thế giờ đây đã lật lại và trả lại công bằng cho chàng.

    Truyện gây ấn tượng từ cốt truyện thú vị. Có những chi tiết hiện thực như tên tuổi quê quán, song song là những yếu tố mang tính kì ảo như yêu ma, thần thánh. Tác phẩm có sự đối đầu của hai phía thiện ác, lối kể hấp dẫn khiến cho người đọc bị cuốn vào mạch truyện hồi hộp, khiến ta mong chờ khoảnh khắc sự thật được trình ra ánh sáng. Nguyễn Dữ đã xây dựng những nút thắt, càng ngày càng kịch tính và gỡ được nút thắt thỏa mãn lòng người. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật Ngô Tử Văn cương trực, thẳng thắn, là hình ảnh của kẻ sĩ nước Việt bất khuất, chính trực, khéo léo lồng vào niềm tin vào công lí, chính nghĩa thắng gian tà, thiện thắng ác.

    Truyện thông qua hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn để ca ngợi tính cách khẳng khái cương trực, đề cao lẽ phải và chính nghĩa. Đi cùng những điều trên là sự vạch trần đầy rẫy việc xấu xa như đút lót làm hại người lương thiện, công lí bị che mắt. Ngô Tử Văn là một nhân vật đại diện cho chính nghĩa, là kết tinh vẻ đẹp của kẻ sĩ cương trực, yêu nước, thương dân. Ta hiểu vì sao "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" nói riêng và "Truyền kì mạn lục" nói chung được xem là "thiên cổ kì bút" của cả dân tộc.


    MILKTEA
     
    Mèo A Mao Huỳnh Maichiqudoll thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...