Phân tích bài thơ Vợ chồng quê - Phan Hạnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ột Éc, 26 Tháng mười 2022.

  1. Ột Éc

    Bài viết:
    2,947
    Bài thơ: "Vợ chồng quê" của tác giả Phan Hạnh nói về tình yêu quê hương, tình nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung. Nội dung bài thơ xoay quanh khung cảnh quê hương giản dị, tình cảm mộc mạc, chân chất, yêu thương của 2 vợ chồng.

    [​IMG]

    Bài thơ: "Vợ chồng quê" gồm 10 khổ thơ:

    Nè em, chuyến nầy thăm Ba Má

    Thấy em mừng như lá uống sương

    Như me chấm với nước đường

    Như con cá lóc dưới mương ăn mồi.

    Đố em trái me kia mấy mắt?

    Chùm me kia xanh ngắt chờ ai?

    Răng em mà cắn me nầy,

    Cả Ba với Má không rầy cũng la.

    Con đường nầy em qua mấy bận?

    Cây mắc cở còn giận em không?

    Guốc vông mang đẹp gót hồng,

    Cũng vì cưng vợ nên chồng đạp gai.

    Bên bờ mương có cây trái mắm

    Chim chìa vôi ngộ lắm em ơi

    Thòi lòi nhảy lội loi choi

    Phùng mang hát bội em coi mắc cười.

    Rau càng cua không chua không ngọt

    Cá bãi trầu phun bọt dưới mương

    Thấy em con nít, anh thương

    Bên chồng quấn quít như tương với cà.

    Giây tóc tiên quấn giàn bông giấy

    Đọt xoài non em lấy nấu canh

    Tép bò, cá trắng xào hành

    Khoai lang bí đỏ vài khoanh nấu dừa.

    Mấy bữa trước trời mưa mây tía

    Cá trê lên luống mía ăn trùng

    Nước lên lấp xấp vồng gừng

    Em đi cầu ván ngập ngừng quíu chân.

    Nắng tròm trèm ếch thèm bông mướp

    Bầy lòng tong tươm tướp sát bờ

    Cắm câu, quăng vó, đặt lờ

    Anh lo công chuyện, em chờ dọn cơm.

    Bông sua đũa trắng phau sân trước

    Sào anh quơ một lượt đầy bao

    Em ngồi giặt áo bờ ao

    Vài con bướm nhỏ lao xao khóm lài.

    Tới Tết này mình đầy năm cưới

    Em đòi về xóm dưới thăm Ba

    Má khen em rất mặn mà

    Ba khen anh tánh thật thà siêng năng.

    Khổ thơ đầu:

    "Nè em, chuyến nầy thăm Ba Má

    Thấy em mừng như lá uống sương

    Như me chấm với nước đường

    Như con cá lóc dưới mương ăn mồi."

    Tác giả gọi người yêu mình bằng "em" đầy trìu mến, ngọt ngào, yêu thường. "Nè em" tiếng gọi thân thương, dễ mến, gần gũi giúp người nghe cảm thấy dễ chịu. Lời nói của chàng trai nói với người yêu, chuyến này về thăm ba má dưới quê. Chàng trai nói "ba má" là ba má của anh và sau này là ba má của em, tức là ba má của chung hai người chứ không phải ba má của riêng ai. Chàng trai quan sát những nét mặt, cử chỉ, hành động của cô người yêu. Chàng trai ví von sự vui mừng của cô gái như: Lá uống sương, me chấm với nước đường, con cá lóc dưới mương ăn mồi. Chàng trai liên tưởng, phóng đại thật phong phú, những hình ảnh liên tưởng đó giúp đọc cảm thấy thú vị, cuốn hút và hấp dẫn. Những hình ảnh đó làm gia tăng cảm xúc vui mừng của cô gái, đậm sắc thái tình cảm dành cho tình yêu quê hương, sự thủy chung, son sắt, mặn nồng. Lá uống sương, me chấm với nước đường, con cá lóc dưới mương ăn mồi toàn là cảnh vật quê hương đầy ắp yêu thương chứng tỏ là chàng trai phải có yêu thương quê hương lắm mới diễn tả những hình ảnh chân thực, sinh động, tinh tế đến như vậy.

    Khổ 2:

    "Đố em trái me kia mấy mắt?

    Chùm me kia xanh ngắt chờ ai?

    Răng em mà cắn me nầy,

    Cả Ba với Má không rầy cũng la."

    Thú vị, ấn tượng nhất ở khổ thơ này là hình ảnh trái me có vị chua. Tác giả đặt câu đố siêu hài hước là đố em trái me kia mấy mắt? Câu đố không để trả lời mà chỉ làm cho câu thơ thêm đậm đà ý vị, màu sắc hơn. Tác giả đặt ra câu hỏi, chùm me xanh ngắt chờ ai? Để ý nói về tình yêu là sự đợi chờ, nhung nhớ tránh nói thẳng thừ, quặc toẹt thì thật ngại. Chưa dừng lại ở đó tác giả tiếp tục với với 2 câu thơ:

    "Răng em mà cắn me nầy,

    Cả Ba với Má không rầy cũng la" để nói lên độ chua lè chua lét của trái me cũng như sự khó khăn, vất vả, trở ngại trong cuộc sống chỉ giúp cuộc sống muôn màu muôn vẻ, có thêm gia vị giúp cuộc sống thêm ý nghĩa mà thôi.

    Khổ 3:

    Con đường nầy em qua mấy bận?

    Cây mắc cở còn giận em không?

    Guốc vông mang đẹp gót hồng,

    Cũng vì cưng vợ nên chồng đạp gai.

    Ở khổ thơ 3 này tác giả tiếp tục đặt ra câu hỏi: Con đường này em qua mấy bận? Nhằm thắc mắc nhân vật em đã đi qua con đường thân quen này bao nhiêu lần rồi. Hình ảnh: Cây mắc cở hay còn gọi là cây trinh nữ. Tên gọi cây mắc cở đậm chất miền tây chân chất, thật thà, gần gũi với biết bao người. Tác giả hỏi cây mắc cở còn giận em không vì em đã đi qua giẫm đập lên. Câu hỏi dễ thương được đặt ra không nhằm để hỏi mà chỉ giúp câu thơ thêm hay, hấp dẫn hơn.

    "Guốc vông mang đẹp gót hồng,

    Cũng vì cưng vợ nên chồng đạp gai"

    Nhân vật em mang guốc đi qua vùng cây mắc cở nhưng vì sợ gai cây mắc cở làm đau gót hồng của vợ nên anh chồng đã quyết xông pha chịu gai đâm vào chân mình thay cho vợ. Đó là hình ảnh hết sức đẹp về tình cảm đôi lứa không quản ngại chông gai, gian khó, nhọc nhằn, luôn hy sinh vì nhau, dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất.

    Khổ 4:

    "Bên bờ mương có cây trái mắm

    Chim chìa vôi ngộ lắm em ơi

    Thòi lòi nhảy lội loi choi

    Phùng mang hát bội em coi mắc cười."

    Những hình ảnh hiện lên trong câu thơ thật sinh động như trái mắm, chim chìa vôi, thòi lòi đậm chất miền quê yên ả, bình dị, thân thương. Khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra giúp ta có nhìn chân thực về quê hương. Bao nhiêu cảnh vật kì thú chốn quê đã bao lâu ta vô tình quên lãng, không để ý đến. Mãi đến hôm nay đồng hành với người yêu trên con đường quê, ta thấy khung cảnh vui tươi, hạnh phúc khôn nguôi.

    Khổ 5:

    "Rau càng cua không chua không ngọt

    Cá bãi trầu phun bọt dưới mương

    Thấy em con nít, anh thương

    Bên chồng quấn quít như tương với cà."

    Hình ảnh quê hương tiếp tục được tác giả tái hiện thông qua câu thơ hết sức mộc mạc, chân tình. Rau càng cua, cá bãi trầu, tương với cà. Cảnh vật đó giúp người đọc cảm thấy bình yên. Quê hương là nơi thiên nhiên, cảnh vật vô cùng phong phú, đa dạng khiến ai một lần đến lại không muốn về.

    "Thấy em con nít, anh thương"

    Chàng trai bày tỏ tình cảm yêu thương đối với người yêu. Trong mắt chàng trai người yêu của mình trẻ con, ngây ngô, đáng yêu biết nhường nào. Câu thơ khiến đọc cảm nhận được tình cảm của chàng trai đối với cô gái thật dễ thương.

    "Bên chồng quấn quít như tương với cà."

    Tác giả dùng hình tương với cà để nói lên tình yêu của đôi trai gái nên duyên vợ chồng. Tương với cà luôn đi đôi với nhau giống như chồng với vợ luôn quấn quít, gắn bó mặn nồng.

    4 khổ thơ tiếp theo:

    "Giây tóc tiên quấn giàn bông giấy

    Đọt xoài non em lấy nấu canh

    Tép bò, cá trắng xào hành

    Khoai lang bí đỏ vài khoanh nấu dừa.

    Mấy bữa trước trời mưa mây tía

    Cá trê lên luống mía ăn trùng

    Nước lên lấp xấp vồng gừng

    Em đi cầu ván ngập ngừng quíu chân.

    Nắng tròm trèm ếch thèm bông mướp

    Bầy lòng tong tươm tướp sát bờ

    Cắm câu, quăng vó, đặt lờ

    Anh lo công chuyện, em chờ dọn cơm.

    Bông sua đũa trắng phau sân trước

    Sào anh quơ một lượt đầy bao

    Em ngồi giặt áo bờ ao

    Vài con bướm nhỏ lao xao khóm lài."

    Khung cảnh chốn quê hiện ra với tình cảm chan chứa của chàng trai và cô gái. Không xa hoa, náo nhiệt, ồn ào như Sài thành, mà bình yên với thiên nhiên, cảnh vật đậm tình quê hương. Nhân vật em và anh xông pha, bắt tay làm những công việc sinh hoạt bình thường như những cặp vợ chồng khác ở quê. Cảnh chồng lặn lội ngoài đồng, vợ ở nhà chuẩn bị bữa cơm thật ấm cúng, yên vui, hạnh phúc. Dù mệt mỏi, vất vả, nhọc nhằn mấy thì người chồng biết ở nhà có người vợ đợi chờ mình về chính là động lực lớn giúp người chồng cố gắng, phấn đấu cho cuộc sống, tương lai tươi đẹp. Trở về nhà bao áp lực đều được xoa dịu và xua tan khi thấy người vợ hiền cười tươi, chuẩn bị bữa cơm. Hình ảnh trong 4 khổ thơ này gồm có: Giây tóc tiên, bông giấy, đọt xoài non, tép bò, cá trắng, khoai lang, bí đỏ, dừa, cá trê, gừng, bông mướp, lòng tong, bông sua đũa.. Tất cả những hình ảnh được tác giả miêu tả cụ thể đầy tình yêu thương dành có quê hương, tình nghĩa vợ chồng. Đọc câu thơ, ta cảm nhận được mọi cảnh sắc thiên nhiên, quê hương, cuộc sống đang diễn ra tuyệt đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc và đôi vợ chồng bên nhau hạnh phúc ăn bữa cơm đầm ấm.

    Khổ cuối bài thơ:

    "Tới Tết này mình đầy năm cưới

    Em đòi về xóm dưới thăm Ba

    Má khen em rất mặn mà

    Ba khen anh tánh thật thà siêng năng."

    Đầy là khổ thơ thể hiện trọn vẹn tình cảm, tấm lòng, ước mơ, hy vọng về tương lai kết duyên vợ chồng. Lời hứa hẹn chân thành: "Tới tết này mình đầy năm cưới" để nói lên cái kết đẹp cho tình yêu đôi lứa. Nhân vật em muốn về chốn quê thăm ba má. Má của chàng trai dành lời khen nàng dâu đẹp mặn mà. Đó là lời khen, sự đồng tình, ủng hộ cho đôi trai gái nên duyên thành đôi. Còn ba thì khen chàng trai thật thà, siêng năng, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Sự tán dương của ba má là động lực giúp cả hai cùng nhau xây dựng hạnh phúc, tổ ấm gia đình.

    Đọc bài thơ ta nhận ra, tình cảm chân thực nhất chỉ có ở chốn quê hương thanh bình. Đó là nơi gắn liền với kí ức tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, gắn liền với câu hẹn hò, đợi chờ, hứa hẹn về một tình yêu trọn vẹn. Thông qua bài thơ, tác giả gửi gắm thông điệp ý nghĩa, giàu tính triết lý, sâu sắc đến với người đọc, hãy sống bằng tất cả tình yêu thương, trân quý dành quê hương, hãy yêu nhau chân thành, đối xử tử tế, luôn sát cánh bên nhau xây dựng nên ngôi nhà hạnh phúc một túp lều tranh, hai quả tim vàng nhé!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...