Phân tích bài thơ Tre Việt Nam - Nguyễn Duy

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ột Éc, 16 Tháng mười 2022.

  1. Ột Éc

    Bài viết:
    2,950
    Phân Tích Bài Thơ Tre Việt Nam Của Nguyễn Duy

    Nguyễn Duy, tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở làng Quảng Xá, nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.

    Một số tác phẩm: Cát trắng (1973), Ánh trăng (1978), Đãi cát tìm vàng (1987), Đường xa (1989), Quà tặng (1990)..

    Tre Việt Nam là một trong những bài thơ đặc sắc, nổi tiếng của ông với thể thơ tự do.

    Tre xanh,

    Xanh tự bao giờ?

    Chuyện ngày xưa.. đã có bờ tre xanh.

    Thân gầy guộc, lá mong manh,

    Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?

    Ở đâu tre cũng xanh tươi,

    Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.

    Có gì đâu, có gì đâu,

    Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều.

    Rễ siêng không ngại đất nghèo,

    Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.

    Vươn mình trong gió tre đu,

    Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành.

    Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh,

    Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.

    Bão bùng thân bọc lấy thân,

    Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.

    Thương nhau tre không ở riêng,

    Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.

    Chẳng may thân gãy cành rơi,

    Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.

    Nòi tre đâu chịu mọc cong,

    Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.

    Lưng trần phơi nắng phơi sương,

    Có manh áo cộc tre nhường cho con.

    Măng non là búp măng non,

    Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.

    Năm qua đi, tháng qua đi,

    Tre già măng mọc có gì lạ đâu.

    Mai sau,

    Mai sau,

    Mai sau..

    Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.​

    Bài thơ được chia làm 3 phần:

    Phần 1. Từ đầu đến "Mà sao nên lũy nên thành tre ơi" : Giới thiệu về cây tre.

    Phần 2. Phần tiếp theo đến "Tre già măng mọc có gì lạ đây" : Phẩm chất của cây tre Việt Nam.

    Phần 3. Phần còn lại: Tre còn mãi với thời gian.

    Sau đây mình sẽ đi phân tích từng phần nhé:

    Phần 1: Tác giả giới thiệu khái quát về cây tre. Tre tuy "gầy guộc, lá mong manh" nhưng có sức sống, ý chí, nghị lực sinh tồn trước điều kiện khắc nghiệt vô cùng dẻo dai, bền bỉ. Tác giả mượn hình ảnh cây tre để nói lên sức mạnh nội tại của con người sẽ giúp họ vượt qua tất cả trong hoàn cảnh, điều kiện bất lợi, những điều bất như ý.

    Hình ảnh cây tre quá quen thuộc, không còn xa lạ với người Việt Nam. Tre có từ lâu đời tượng trưng con người, dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước mọi khó khăn, gian nan, thử thách. Đặc điểm, đặc tính của tre tượng trưng cho tính cách, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam.

    Phần 2: Hình ảnh: "Tre" được tác giả miêu tả giúp người có cái nhìn chân thực về cây tre cũng như ý chí, kiên cường của người nông dân Việt Nam không ngại khó khăn, gian khó. Sức sống mãnh liệt, bền bỉ, dẻo dai không phải tự nhiên hội tụ, mà phải trải qua cả một quá trình dài rèn giũa.

    Xông pha, quyết liệt, mạnh mẽ, kiên cường chứ không hề né tránh, hay sợ sệt, lo lắng. Ngẩn cao đầu hiên ngang, đứng ngay thẳng nói lên phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Rồi đây tre già măng mọc cứ một thế hiện nữa tiếp nối thừa hưởng những đức tính cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó. Có nguồn có gốc chẳng lo sợ điều chi cho dù mai này thân tre có gãy cũng không sao vì vẫn còn gốc. Tre tượng trưng cho sức mạnh, ý chí của con người, dân tộc, đất nước.

    Đứng trước muôn vàn khó khăn, dù hy sinh cả tánh mạng cũng giữ gìn đức tính, phẩm chất cao quý để thế hệ mai sau biết rằng ông cha ta đã hy sinh như thế nào. Những bài học, những câu chuyện về tấm lòng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, yêu thương, nhân ái, vị tha được tác giả thể hiện thông qua hình tượng cây tre.

    Bài thơ: "Tre Việt Nam" chứa đựng tầm vóc, tư tưởng lớn, tình yêu thương bao la của tác giả dành cho người nông dân, dân tộc Việt Nam. Tác giả củng cố tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu nước dành cho thế hệ trẻ, nhất là thiếu nhi. Thông điệp này thật ý nghĩa và mang tính nhân văn, triết lý sâu sắc.

    Phần 3: Tác giả khẳng định sức mạnh nội tại, ý chí, kiên cường sẽ luôn sống mãi với thời gian. Truyền thống sẽ luôn còn mãi. Thế hệ mai sau lại tiếp tục tiếp nối truyền thống, những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của những người đi trước.

    Tóm lại:

    Đọc bài thơ mình rất xúc động, nghẹn ngào trước tấm lòng yêu thương của tác giả dành cho người nông dân nghèo khổ nhưng luôn giữ vững ý chí, nghị lực, sự cần cù, chăm chỉ thật đáng quý, trân trọng. Bài thơ còn là lời động viên, cổ vũ mọi người đừng đánh mất niềm tin, hy vọng, đừng bi quan, chán nản, bỏ cuộc mà hãy phấn đấu, không ngừng cố gắng trước hoàn cảnh không thuận lợi, sóng gió luôn phủ đầy. Vì chỉ có thế, ta mới lớn khôn, trưởng thành.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...