Bài phân tích đến từ Vân Trang - Toiodayviban 七 夕 別 浦 今 朝 暗 , 羅 帷 午 夜 愁, 鵲 辭 穿 線 月, 花 入 曝 衣 樓 . 天 上 分 金 鏡, 人 間 望 玉 鉤, 錢 塘 蘇 小小, 更 值 一 年 秋 . Thất tịch Biệt phố kim triêu ám, La duy ngọ dạ sầu. Thước từ xuyên tuyến nguyệt, Hoa nhập bộc y lâu. Thiên thượng phân kim kính, Nhân gian vọng ngọc câu. Tiền Đường Tô Tiểu Tiểu, Cánh trị nhất niên thu. Dịch nghĩa Sáng hôm nay nơi bến nước chia tay, cảnh trời u ám (Ta ngồi) buốn bã lúc nửa đêm sau tấm rèm Đàn quạ rời ánh trăng đang soi chiếu những sợi tơ đan áo của Chức Nữ Hoa rơi trên lầu phơi áo Trên tời cao, vầng trăng như chiếc gương vàng bị xẻ làm đôi Nhân gian ngóng vọng vầng trăng ngọc hình lưỡi liềm Nàng Tô Tiểu Tiểu ở Tiền Đường (Nhớ thương nàng) thấy mùa thu dài như một năm. * * * Xưa nay khi nói đến thời Đường – giai đoạn thịnh thế của thơ ca Trung quốc, người ta không khỏi cảm khái rằng, thiên cơ thật khéo sắp đặt khi để tứ "trụ cột" được quy tụ mà chắp bút dành đời: Hậu thế chúng ta ngưỡng vọng một tâm hồn thanh cao, ẩn dật như Thi Tiên Lý Bạch; một ngòi bút trần thực, sâu cay như Thi Thánh Đỗ Phủ; rồi một Vương Duy tĩnh tại, điềm nhiên xứng danh Thi Phật; cuối cùng, một danh xưng độc nhất vô nhị đã không còn xa lạ với những tín đồ của thơ Đường, đó là Thi Quỷ Lý Hạ. Đọc thơ ông, người ta khó dứt, bởi một phần lạ lẫm, một phần hoài nghi, đau đáu về thi nhân – tâm hồn luôn nặng nề về cõi âm mờ mịt, những dâu bể vô thường – cảnh tượng kỳ quái, ý thơ lạ lùng, mặc sức cho trí tưởng tượng tung hoành.. Có khi, ta bâng khuâng tự hỏi cái thế giới kì bí kia - thế giới chỉ toàn những âm hồn lãng đãng, phiêu dật, đang vật vờ trong cõi u minh, phải chăng lại phản ảnh một mặt nào đó trong tâm hồn con người? Một trong những tác phẩm hiếm hoi bớt đi vài phần phong vị lạ lùng ấy trong thơ của Lý Hạ, đó là bài thơ "Thất Tịch" - hình tượng thơ thấm đẫm cái bẽ bàng hiu quạnh của một tâm hồn nhớ nhung, khắc khoải người yêu. Ta biết rằng, một người nghệ sĩ khi bén duyên nợ với nghiệp viết, tư tưởng của họ ít nhiều đều không nằm ngoài tiếng nói của thời đại và thân phận mình. Không ngoại lệ, ngòi bút của Lý Hạ cũng chịu sự chi phối rất nhiều bởi chính cuộc đời và số mệnh đầy gập ghềnh, truân chuyên của nhà thơ. Sinh thời Lý Hạ (789 – 816) thuộc dòng dõi tôn thất nhà Đường, nhưng nhánh tộc ông vốn đã suy vi từ sớm, chỉ đứng ở cấp bậc thấp. Lý Hạ tự là Trường Cát. Người ở đất Phước Xương huyện Xương Cốc. Ngay từ khi còn nhỏ, thi sĩ họ Lý đã cực kỳ thông minh và khác người. Song ông bị cấm tham gia khoa cử vì phạm vào tội húy kỵ, ông chỉ giữ chức quan nhỏ "Phụng lễ tang" (trông coi về nghi lễ) trong 3 năm trước khi từ quan về quê nhà. Lý Hạ được miêu tả là một người có ngoại hình rất ốm yếu, thân hình mảnh khảnh, đôi lông mày liền nhau và để móng tay dài. Cuộc đời ông trường kì chìm đắm trong nỗi ưu phiền sầu não, thân phận nổi nênh của kẻ tài cao phận thấp, đã khiến cho "ngôi sao thơ" chưa kịp tỏa rỡ những ánh sáng kì lạ, chói chang thì đã phải tàn rụi, rụng rời khi vừa mới 27 xuân xanh. Như đã nói, tài năng của thi nhân được bộc lộ từ rất sớm, năm lên bảy ông đã biết làm thơ. Tương truyền danh sĩ đương thời là Hàn Dũ nghe tiếng Hạ bèn cùng Hoàng Phủ Thực đến nhà. Hai người bèn bắt Hạ làm thơ để thử tài. Cậu bé Lý đã thản nhiên cầm bút viết ngay bài "Cao Hiên Quá" trình lên, bài thơ có những hình ảnh vô cùng kỳ diễm, thật khiến cho người ta thảng thốt, kinh tâm động phách không thôi: "Điện tiền tác phú thanh ma không Bút bổ tạo hóa thiên vô công" (Trước nhà, làm thơ trình, thanh âm của bài thơ chạm vào bầu trời Ngọn bút bổ sung những chỗ khiếm khuyết bất toàn của tạo hóa một cách dễ dàng, không tốn chút công sức) Quả không sai, khi thói đời "tài hoa bạc mệnh", vì cảnh nhà khốn đốn, lại sống trong thời đại môn phiệt đang thịnh, cho nên dù có tài, ông vẫn phải chịu mọi sự đả kích và rẻ rúng. Ông ra đi, khi tài năng đương nở rộ.. Đoạn, bàn về cái chết kì dị, nhuốm màu huyền thoại của Quỷ Thi, vào canh giờ mà Lý qua đời, có một vị tiên mặc áo lụa đào, cưỡi con cù long màu đỏ ghé thăm; người này nói "Thượng đế đã cho xây xong lầu Bạch Ngọc, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký". Lát sau Lý Hạ mất. Người ta thấy làn khói chờn vờn qua cửa sổ, và tiếng xe đi trong réo rắt, ngân vang. Người đời, ai dám phủ nhận điều đó là hoang đường, vô thực, trong khi cõi đời tự bản chất đã là sắc sắc không không? Nếu chỉ chăm chăm câu nệ vào chữ nghĩa, để rồi chỉ thấy những hư ảo và quái đản, thì hậu thế sẽ chẳng bao giờ biết đến một Lý Hạ "quỷ thi" mà chỉ thấy được một Lý Hạ "quỷ tài" trong cái nhìn hạn hẹp mà thôi. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Như vậy tác phẩm không chỉ đặc sắc bởi niềm đau đáu khôn nguôi trong nội dung phản ánh, mà bài thơ đắt giá bởi cách Lý Hạ phu chữ, cách ông lựa chọn và sử dụng những hình ảnh thơ đầy lạ lẫm, bất ngờ. Mặc dù các bản dịch thơ đều khá sát nghĩa, nhưng vô hình trung lại làm mất đi tính "quỷ" – phần đặc sắc tuyệt bút của thơ ông. Khó trách Quỷ Thi Lý Hạ luôn mang vào trong thơ mình những âm điệu chán chường, u uất, bởi lẽ khi phải chứng kiến bức tranh thời đại suy vi, mục nát, lại thêm những dằn vặt về bệnh tật, về công danh không toại, nỗi niềm bất đắc chí ấy làm sao có thể như "Hạc vàng" cất cánh lên tầng trời bao la được? Làm sao hồn thơ ông không trở nên lạnh lẽo hiu quạnh cho được? Đọc thơ Lý Hạ ta vừa bất giác thấy rùng mình bởi bức tranh ghê sợ, hãi hùng được ông vén lên tấm màn che, lại vừa thấy lòng mình cuộn xoáy kinh động như đang chạm đến được thế giới thâm sâu của phần linh hồn, ác quỷ trong mỗi con người. Với tài năng và những gì Thi Quỷ Lý Hạ để lại cho nền văn học, thi nhân thật xứng đáng cùng xướng danh với những bậc đại tài như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy.. đương thời.