Phân tích bài thơ Qua Đèo Ngang - Huyện Thanh Quan

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi banhnepnho, 1 Tháng năm 2022.

  1. banhnepnho

    Bài viết:
    1
    Trong nền văn học Trung đại Việt Nam có lẽ sẽ chẳng ai quên được hai nữ sĩ tài năng: Hồ Xuân Hương và bà huyện Thanh Quan. Nếu ở bà chúa thơ Nôm ta thấy nét bứt phá, hơi nổi loạn thì ta lại tìm thấy những xúc cảm trầm buồn nhẹ nhàng ở bà huyện Thanh Quan. Một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của bà là bài "Qua Đèo Ngang".

    Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,

    Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

    Lom khom dưới núi tiều vài chú,

    Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

    Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc,

    Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.

    Dừng chân đứng lại: Trời, non, nước,

    Một mảnh tình riêng, ta với ta.

    Qua Đèo Ngang là một bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Với phong cách trang nhã, bài thơ cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước thương nhà, nỗi buồn thầm lặng cô đơn của tác giả. Mở đầu là hai câu đề:

    Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,

    Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

    Cách mở đầu khá tự nhiên không hề có chút gượng ép, tác giả khép léo sử dụng động từ "bước tới" làm cho người đọc cảm thấy như tác giả đến đây rồi tức cảnh sinh tình mà làm bài thơ này, chỉ với hai câu đầu cũng đủ để thấy được sự điêu luyện trong việc sử dụng chọn từ ngữ phong phú và đặc sắc của bà. Chỉ với hai câu thôi cũng mà Bà Huyện Thanh Quan đã khái quát được toàn bộ hoàn cảnh, khung cảnh lẫn thời gian bà qua đây. Hình ảnh "bóng xế tà" là một hình ảnh phù hợp với tâm trạng của tác giả lúc này: Một tâm trạng cô đơn, buồn bã, gợi cho người đọc nhiều cảm xúc lẫn tâm trạng khác nhau. Đặc biệt trong ánh chiều tà buồn man mác ấy, tác giả chú ý tới hình ảnh đặc trưng của thiên nhiên nơi đây: "Cỏ cây chen đá, lá chen hoa". Với việc nhân hóa thực vật bằng động từ "chen" phần nào cho ta thấy được nét sống động nơi Đèo Ngang hoang sơ này. Cỏ cây cùng với những viên đá nhiều hình khối khác nhau, lá đua với hoa cùng vươn lên đầy sức sống, đầy năng lượng. Dường như những sinh vật nhỏ bé, giản dị, tường chùng như vô nghĩa ấy lại chứa đựng sức sống mãnh liệt biết nhường nào. Đồng thời việc sử dụng từ "chen" một cách khéo léo ấy cũng nhấn mạnh trạng thái mọc rậm rạp của thiên nhiên mà không có sự chăm sóc tận tình, chu đáo của con người, phần nào phản ánh được một chút tâm trạng cô đơn của tác giả.

    Trong buổi chiều tà đẹp mà phảng phất nỗi buồn man mác, bắt gặp cảnh thiên nhiên trong bức tranh rộng lớn, đã khiến chúng ta có nhiều suy nghĩ, và đôi chút đồng cảm và thấu hiểu được tâm trạng, nỗi lòng của tác giả. Vậy hình ảnh cuộc sống con người có thể thay đổi được sự cô đơn ấy không khi tác giả đã phóng mắt ra xa, xa hơn những cây cỏ, dưới những chân núi cao để tìm kiếm sự sống? Hai câu thực sẽ cho ta biết rõ

    Lom khom dưới núi tiều vài chú,

    Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

    Nhà thơ đã dùng nghệ thuật đảo ngữ để nhấn mạnh đặc trưng của cảnh vật và con người ở đèo Ngang. Dáng vẻ lom khom của mấy chú tiều đốn củi sườn non khiến cho con người càng thêm nhỏ bé trước thiên nhiên cao rộng. Chợ vốn là nơi biểu hiện đời sống của một cộng đồng làng xã nên thường tấp nập đông vui, nhưng ở đây nó chỉ là mấy túp lều xơ xác bên sông.. Như vậy cảnh và người đều ít ỏi, nhỏ bé giữa không gian hoang vắng, heo hút nơi con đèo hoang sơ lúc bóng xế tà.. Cái lạnh lẽo, trống trải bao trùm lên cảnh vật, gieo một nỗi buồn thấm thía trong lòng người

    Nỗi buồn được khắc họa rõ nét hơn khi đọc hai câu luận trong âm thanh thê lương:

    Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc,

    Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.

    Giữa không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối ấy, vẳng lên tiếng chim cuốc khắc khoải, tiếng chim gia gia não ruột. Đó là những âm thanh có thật mà cũng có thể là tiếng vọng từ tâm trạng chất chứa nỗi buồn thời cuộc của nhà thơ. Bà đã mượn bút pháp ước lệ và nghệ thuật chơi chữ (từ đồng âm khác nghĩa) để nói lên lòng mình trước cảnh vật. Tiếng chim kêu không làm cảnh vật vui lên thêm chút nào mà lại làm tăng phần hiu quạnh, cô liêu. Tiếng chim cuốc nhớ nước, tiếng chim đa đa thương nhà phải chăng cũng chính là tiếng lòng thiết tha, da diết của kẻ đang mang nặng tâm trạng u buồn, hoài vọng, nhớ nước, thương nhà? Hồn cảnh, hồn người như có nét tương đồng, cho dù về hình thức hoàn toàn tương phản. Cái bao la, vô tận của non nước tô đậm cái cô đơn, chơ vơ của con người và ngược lại. Vì vậy nên nỗi buồn càng lắng đọng:

    Dừng chân đứng lại: Trời, non, nước,

    Một mảnh tình riêng, ta với ta.

    Chao ôi, khung cảnh ĐN thật hùng vĩ, nên thơ khiến tác giả phải dừng chân lại đây. Bốn chữ "Dừng chân đứng lại" thể hiện niềm xúc động đến bồn chồn của tác giả. Tác giả nhìn xa, nhìn gần, nhìn bốn phía thấy vô cùng buồn đau. Đứng trước không gian bao la, mênh mông, tác giả cảm thấy mình nhỏ bé, cô đơn biết bao! "Một mảnh tình riêng ta với ta". Quả là một nỗi buồn khó san sẻ, giãi bày. Nó như kết thành hình, thành khối, thành mảnh tình riêng khiến nhà thơ phải thốt lên chua xót: ta với ta . Chỉ có ta hiểu tâm sự của ta mà thôi! Vì thế nên nỗi cô đơn càng tăng lên gấp bội. Dường như khung cảnh càng kỳ vĩ, to lớn bao nhiêu thì sự tuyệt vọng cô đơn của tác giả lại lớn và rõ nét bấy nhiêu. Âm hưởng nhịp điệu câu thơ như một tiếng thở dài đầy nuối tiếc. Tác giả đã lấy cái bao la vô tận của vũ trụ tương phản với cái nhỏ bé để diễn tả nỗi buồn cô đơn xa vắng của người lữ khách trên đỉnh Đèo Ngang lúc chiều tà. Nỗi cô đơn của nhân vật trữ tình đáng cảm thông và trân trọng.

    Bài thơ "Qua đèo Ngang" tuy ra đời cách đây gần hai thế kỉ nhưng nó vẫn giữ nguyên giá trị trước thử thách của thời gian. Bao người yêu thơ thuộc lòng bài thơ này và khâm phục tài năng của tác giả. Thể thơ Đường luật kiểu cách, sang trọng đã trở nên gần gũi, dễ hiểu bởi ngôn ngũ giản dị, trong sáng và những hình ảnh dân dã quen thuộc. "Qua Đèo Ngang" thể hiện tâm trạng cô đơn thầm lặng, niềm hoài cổ của tác giả trước cảnh vật nơi Đèo Ngang. Qua đó, chúng ta thêm yêu giang sơn gấm vóc và càng thêm trân trọng những tấm lòng ưu ái non sông đất nước.

    "Qua đèo Ngang" là lời nhắn gửi tâm sự của nỗi lòng tác giả đến người đọc. Bài thơ không chỉ là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đượm nét buồn mà còn là những tiếc nuối, một tấm lòng yêu nước thương dân. Phải thật giàu cảm xúc, thật yêu thiên nhiên cùng con người, Bà Huyện Thanh Quan mới có thể để lại những vần thơ tuyệt tác như vậy. Bài thơ là tiếng nói của một người mà trở thành khúc tâm tình của muôn triệu người, nó là bài thơ một thời và mãi mãi!
     
    khongcogiphaibuon thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...