Phân tích bài ca dao về nỗi buồn của sự lỡ dở trong tình duyên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nguyễn Thị Linh, 6 Tháng tư 2022.

  1. Nguyễn Thị Linh

    Bài viết:
    337
    Đề bài: Phân tích bài ca dao sau:

    "Ngày đi trúc chửa mọc măng

    Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre

    Ngày đi lúa chửa chia vè

    Ngày về lúa đã vàng hoe cả đồng

    Ngày đi em chửa có chồng

    Ngày về em đã con bồng con mang"

    Bài làm

    Các ca dao nói về đôi trai gái xa nhau, chàng trai đi xa, người yêu đợi chờ mòn mỏi đã lỡ thì, quá lứa, không chờ đợi được nên đi lấy chồng. Bài ca dao là nỗi niềm nuối tiếc của một chàng trai gửi gắm khi đi xa trở về thì người con gái anh ta yêu đã đi lấy chồng. Sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại được tạo ra thường để thể hiện nỗi ngậm ngùi, xa xót, nuối tiếc, đau thương của nhân vật trữ tình về những sự đổi thay trong tình yêu, trong cuộc sống. Cấu trúc "ngày đi – ngày về" cứ lặp đi lặp lại để đối chiếu, so sánh sự biến đổi của cảnh vật và con người qua thời gian. Trúc chưa mọc măng ngày xưa giờ đã cao bằng ngọn tre. Lúa chưa chia vè giờ đã chín khắp cánh đồng. Âu đó cũng là quy luật tất yếu của tự nhiên. Cảnh vật qua thời gian đều biến đổi, khác xưa, và đăc biệt là biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Trước sự đổi thay ấy, con người cũng thay đổi. Người con gái chưa chồng ngày nào bây giờ thành phụ nữ có chồng và có một đàn con. Đó cũng là quy luật, quy luật của cuộc đời, bởi "đến duyên em thì em phải lấy chồng", cũng như hoa đến thì phải nở, đò đầy phải sang sông. Dẫu nhận thức được sự thay đổi ấy là thuận theo quy luật nhưng chàng trai vẫn nuối tiếc. Sự muộn màng làm cho con người phải đau mãi như chàng trai trong "Trèo lên cây bưởi hái hoa" hay chàng trai trong bài ca dao "Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở.." Điều đặc biệt ở bài ca dao này là tâm trạng của nhân vật trữ tình không được miêu tả trực tiếp mà ẩn giấu trong sự miêu tả khách quan, vui trước sư đổi thay của cảnh vật quê hương bao nhiêu thì lại xót xa khi người mình yêu đã lấy chồng bấy nhiêu. Một dị bản khác của câu cuối: "Ngày về em đã con dắt, con díu, con bồng, con mang", hiện thực càng được tô đậm và nỗi đau của con người như càng đau đớn hơn. Bài ca dao giản dị, dễ hiểu như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân (chửa – chưa) để nói về một nỗi buồn đời thường, nỗi buồn của sự lỡ dở trong tình duyên. Ca dao vẫn luôn như vậy, gần gũi và giản đơn nhưng ẩn sâu trong đó là những tâm sự thầm kín của người xưa.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...