Những vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Trọng Khiêm, 8 Tháng tám 2023.

  1. Trọng Khiêm

    Bài viết:
    4
    Việt Nam có bề dày lịch sử hàng ngàn năm và đã từng trải qua chế độ phong kiến với biết bao thăng trầm. Với những biến động của lịch sử, bên cạnh nhiều vị vua của nước ta có thời gian trị vì ngắn ngủi thì cũng có những vị vua Việt Nam có thời gian trị vì lâu dài chứng kiến sự thịnh trị của đất nước hoặc có giai đoạn trị vì đầy biến động. Sau đây là 5 vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.

    1. Lý Nhân Tông (56 năm)

    Lý Nhân Tông (1066-1128) tên thật là Lý Càn Đức, là vị hoàng đế thứ tư của nhà Lý. Ông trị vì từ năm 1072 đến năm 1128, tổng cộng gần 56 năm, ông là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

    [​IMG]

    Ông là con trai trưởng của vua Lý Thánh Tông. Ông lên ngôi sau khi vua cha qua đời năm 1072, khi chỉ mới 6 tuổi, chủ yếu được Linh Nhân thái hậu và thái úy Lý Thường Kiệt phụ chính trong giai đoạn đầu trị vì. Dưới thời trị vì của Nhân Tông, nước Việt phồn vinh, nông nghiệp phát triển. Về giáo dục, nhà vua cho tổ chức khoa thi đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vào năm 1075 và cho xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1076). Phật giáo giai đoạn này cũng rất phát triển, bản thân nhà vua là một phật tử mộ đạo.

    Về đối ngoại, trước sự dòm ngó của nhà Tống với nước ta, năm 1075, Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đi đánh, phá tan quân Tống ở châu Ung, Khâm, Liêm ngay trên đất Tống và đánh bại quân Tống tại sông Như Nguyệt năm 1077. Các nước Chiêm Thành, Chân Lạp thì thần phục Đại Việt và gửi sứ sang cống. Thời đại của Lý Nhân Tông cùng với Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông được gọi là Bách niên Thịnh thế.


    2. Lê Hiển Tông (46 năm)

    Lê Hiển Tông (1717-1786) tên thật là Lê Duy Diêu, là vị hoàng đế áp chót của nhà Lê trung hưng và là vị hoàng đế thứ 26 của nhà Hậu Lê. Ông trị vì từ năm 1740 đến năm 1786, tổng cộng 46 năm, ông là vị vua trị vì lâu nhất của nhà Hậu Lê.

    [​IMG]

    Ông là con trưởng của vua Lê Thuần Tông. Lê Hiển Tông lên ngôi năm 1740 sau khi vua Lê Ý Tông bị chúa Trịnh Doanh ép nhường ngôi cho ông, còn vua Lê Ý Tông lên làm thái thượng hoàng. Trong suốt thời gian ở ngôi, vua Lê Hiển Tông chỉ là vị vua bù nhìn, mọi việc chính sự đều do các đời chúa Trịnh xử lý. Thời kì của Lê Hiển Tông chứng kiến sự suy yếu và sụp đổ của chính quyền chúa Trịnh.


    3. Lê Thánh Tông (37 năm)

    Lê Thánh Tông (1442-1497) tên thật là Lê Tư Thành, là vị hoàng đế thứ năm của nhà Lê sơ. Ông trị vì từ năm 1460 đến năm 1497, tổng cộng 37 năm, ông là vị vua trị vì lâu nhất của nhà Lê sơ và lâu thứ hai của nhà Hậu Lê.

    [​IMG]

    Ông là con út của vua Lê Thái Tông. Ông lên ngôi sau khi cuộc chính biến lật đổ Lê Nghi Dân (người anh cùng cha khác mẹ đã binh biến lật đổ vua Lê Nhân Tông năm 1459) thành công năm 1460.

    Lê Thánh Tông được coi là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong 37 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông ban hành nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, kinh tế, giáo dục, luật pháp, áp dụng Tân Nho giáo vào việc trị an, xây dựng nước Đại Việt trở thành một quốc gia ổn định và văn minh.

    Nhà vua còn chú trọng phát triển giáo dục và văn hóa, chăm lo phát triển nông nghiệp và khuyến khích đẩy mạnh nội thương. Quân đội đặc biệt được cải tổ, huấn luyện và giành được nhiều thắng lợi trong các cuộc chinh phạt như xâm chiếm Chiêm Thành (1471), Lão Qua và Bồn Man (1479). Những thành tựu rực rỡ ấy đã đưa Đại Việt trở thành cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Thời kì trị vì của ông được gọi là Hồng Đức thịnh trị.


    4. Lý Anh Tông (37 năm)

    Lý Anh Tông (1136-1175) tên thật là Lý Thiên Tộ, là vị hoàng đế thứ sáu của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1138 đến năm 1175, tổng cộng 37 năm.

    [​IMG]

    Ông là con thứ của vua Lý Thần Tông. Năm 1138, vua Lý Thần Tông qua đời, vua Anh Tông lên nối ngôi khi mới 3 tuổi. Trong giai đoạn đầu Lý Anh Tông trị vì chứng kiến sự khuynh đảo triều chính của thái úy Đỗ Anh Vũ đến năm 1158 khi Đỗ Anh Vũ mất, nhà vua mới được trao trả quyền hành. Sau đó Lý Anh Tông lập Tô Hiến Thành làm thái úy, Tô Hiến Thành giúp nhà vua bình định Chiêm Thành, Ngưu Hống, ngăn Ai Lao xâm nhập biên cương phía tây, giữ cho nước được yên, chọn những người tài giỏi làm tướng, coi quân trị dân, quan tâm phát triển Nho học trong nước. Bản thân nhà vua đích thân vi hành khắp các xứ biết được sự đau khổ của dân gian và đường đi xa gần. Nhờ vậy nước Đại Việt duy trì được sự thịnh vượng và hùng mạnh kế thừa từ các thời trước.


    5. Tự Đức (36 năm)

    Tự Đức (1829-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn. Ông trị vì từ năm 1847 đến năm 1883, tổng cộng 36 năm, ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn.

    [​IMG]

    Ông là con thứ của vua Thiệu Trị. Năm 1847, vua Thiệu Trị qua đời, vua Tự Đức lên nối ngôi. Triều đại của vua Tự Đức đánh dấu sự suy yếu của nhà Nguyễn và nhiều sự kiện xấu đối với vận mệnh Đại Nam. Nhiều cuộc nội loạn diễn ra trong nước, quân đội suy yếu, kinh tế trì trệ, bên ngoài thì bị thực dân Pháp xâm lược. Trong chiến sự với Pháp, nhà vua tỏ ra nhu nhược, triều đình nhà Nguyễn trở nên bất lực trước sự tấn công của quân địch, chỉ mong cắt đất để cầu hòa, kí các hiệp ước bất bình đẳng, khi đưa ra vấn đề cải cách đất nước thì triều đình không thống nhất, nhà vua cũng không đưa ra được quyết sách dứt khoát. Sau khi vua Tự Đức qua đời năm 1883, Pháp tấn công vào kinh đô và ép buộc nhà Nguyễn công nhận sự "bảo hộ" của Pháp trên toàn Đại Nam. Sau thời vua Tự Đức, các vua nhà Nguyễn chỉ là bù nhìn, đất nước mất vào tay Pháp.

    Đó là những vị vua Việt Nam trị vì lâu nhất được lịch sử ghi lại, không bao gồm các vị chúa và các vị vua chưa xác thực được thời gian trị vì.

    Bài viết được tham khảo từ wikipedia.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng tám 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...