Chắc hẳn ai cũng từng trải qua thời học sinh và không may mắc phải những thói quen xấu làm ảnh hưởng kết quả học tập. Mình xin chia sẻ trước những thói xấu mà mình đã và đang sửa từng ngày nhé. 1. Nước ngập đầu vẫn ung dung Bấm để xem Có giai đoạn, mình như chỉ học để thi. Đến giờ kiểm tra, nghe ngóng được nội dung kiến thức sẽ thi thì mới về nhà ôn tập. Mà không có thói quen học bài trước ở nhà hay ôn lại bài cũ ngay sau khi học đâu, cứ toàn học trên lớp rồi để đó, nhiều môn nên cứ tích nhiều bài mới ôn một lần. Mình luôn nhẩm trong đầu là "Ôn gì sớm tầm này, tí lại quên sạch. Tối, tối về hẵng ôn" rồi "Èo ngủ đã, còn sáng mai cơ mà". Tiết 3 kiểm tra thì tiết 2 mới lấy sách ra đọc ngấu nghiến rồi bấu víu vào mấy khứa bạn học chuyên. Hậu quả: Thi xong thì quên sạch. Gốc rễ lung lay, không hiểu bản chất kiến thức. Vì ôn lệch, ôn lan man, râu ông nọ cắm cằm bà kia.. kết quả trả bài điểm toàn lẹt đẹt. Khắc phục: Số lượng thời gian bỏ ra cho những lần ôn nhồi nhét đó mà được chia đều một cách khoa học, ôn theo phương pháp Spaced Repetition thì chắc chắn sẽ thu được kết quả cao và lâu bền hơn rất nhiều. Sau này mình đã bỏ được thói quen đó. Mỗi ngày mình dành thời gian rảnh hoặc ở lại cuối giờ để hoàn thành bài tập về nhà ngay trên lớp, không hiểu thì hỏi thầy cô bạn bè luôn. Về nhà sẽ dành 1 tiếng làm BTVN đó để làm thêm bài nâng cao. Trước hôm học bài mới sẽ bỏ ra 15p xem lại lý thuyết/ phương pháp giải/ kiến thức cần nhớ/ kiến thức liên hệ/ từ vựng, ngữ pháp của bài cũ, đồng thời đọc qua bài mới, lên lớp học cho chủ động. Nghe có vẻ lý tưởng và khó thực hiện, nhưng đúng là khó và dễ bỏ thật. Nhưng nếu có kỷ luật và gặt hái được quả ngọt mà kỷ luật mang lại thì mình nghĩ nhiều người sẽ duy trì được thôi. 2. "Nhất bên trọng, nhất bên khinh" Bấm để xem Mình hay có kiểu ngồi trong giờ các môn Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ, Giáo dục công dân là không nghe giảng, không thực hành tí nào, chăm chăm làm bài môn khác, hoặc thỉnh thoảng ăn vụng, ngủ gật, tán phét, cà khịa.. Thú thật cái tật này gần như mình không sửa nổi. Điểm thấp vẫn cứ nhơn nhơn. Riêng có môn Thể dục là mình sửa được thôi. Học thì học chứ rèn luyện thể chất, oánh cầu lông, chạy bộ là vẫn cần thiết nha. Nhiều khi vắt óc không nghĩ được một hướng giải, nhưng xuống sân chạy vã mồ hôi lên học lại thông được. Nó kỳ diệu vậy á. Chứ ngồi mãi đến lúc cần đứng lại không đứng được đâu :) 3. "Đua đòi" Bấm để xem Mình có một cái tật tai hại đấy là cứ thấy sách gì hay hay, tài liệu gì nổi nổi là lại mua về, download về. Chật cứng cả ổ máy, xếp đống cả giá sách mà đầu vẫn rỗng tuếch. Nó là nỗ lực ảo á mọi người. Lúc thấy bạn bè có sách hay là thích lắm, cứ "mày mày tao mượn đi photo cái", bạn bè lại toàn đứa hào phóng, có đứa học nản quá tặng luôn. Mình vẫn mua lại, được mấy ngày đầu dính nhau như keo ch, sau lại người một nơi sách một nơi. Đến giờ nhìn lại cả một gia tài sách, toàn chuyên đề cuốn, có dạng vào đề luôn ấy. Cơ mà đi thi không làm được cũng không có quyền cay, người ta làm rồi người ta quên còn chưa kêu, mình thì tự trách bản thân thôi :) Tật này thì thi mấy lần xong là mình chừa rồi. Ôn thủng một quyển sách đi đã, rồi mới mò đến những quyển khác ha. 4. Đặt mục tiêu "không vừa sức", không kiên trì Bấm để xem Mình hay tự đặt mục tiêu một ngày làm xx bài, giải x đề. Nhưng sau đấy lên thấy mấy đứa bạn túm tụm vào giải một đề mới ra lò, hay một dạng bài khoai, thế là lại chụm đầu lại giải cùng. Hoặc vì một số việc đột xuất, hay vì thời tiết, vì tâm trạng, vì não dở chứng dở thói nhớ nhớ quên quên.. mà đâm ra chỉ hoàn thành được 30-50% lượng bài. Sau đó buồn rầu, tự vấn bản thân, nghĩ mình ngu các kiểu.. ảnh hưởng cả ngày hôm sau, tuần sau, tháng sau. Có một giai đoạn luyện đề 1 tháng trước thi, mình nhẩm sẽ làm khoảng 50 đề, nhưng kết quả là có 5 đề thôi, còn lại cứ đu bạn đu bè, ôn đề trường khác. Kết quả bài khá tệ, chừa luôn ấy. Nhưng cũng do mình kỷ luật bản thân lỏng lẻo, hay để cảm xúc chi phối nên mới ôn không có chiến lược như vậy. Giờ mình đã học được cách lên mục tiêu từng ngày theo những gì mình "làm được, trong tầm tay", chứ không phải "mong làm được, phải làm xong"; và theo sát "quá trình", không phải để ý "kết quả". Nếu tiến bộ, mục tiêu sẽ cao hơn, nhỉ. 5. Quan niệm tiếng Anh không quan trọng, học đối phó. Bấm để xem Cái này mình hiểu là mình sửa ngay này, xưa mình lạc hậu ghê. Ở trên lớp mình chỉ học ngữ pháp và từ vựng, về nhà luyện đề, không rèn kỹ năng nghe viết gì, thành ra điểm số ổn nhưng lại gần như mù tịt, không có kỹ năng giao tiếp luôn. Học tiếng anh chục năm còn không bằng đứa em họ 12 tuổi nói như gió. 6. Chạy số lượng bài thay vì chất lượng Bấm để xem Có một đợt, mình cày khá nhiều bài tập. Nhưng đó cũng chỉ là nỗ lực ảo để giúp bạn thân tạm quên đi cảm giác lo lắng thôi. Vì trong lúc làm bài, mình không bao giờ nghĩ lời giải quá 2 tiếng, nếu vắt óc không ra, thay vì đổi gió đổi hướng, mình tra đáp án luôn. Đọc đáp án, hiểu rồi, nhưng đến lúc viết vào vở lại cứ phải nhìn từng bước một trong đáp án. Một thời gian là quên hẳn cách giải dạng bài đó luôn. Vì làm nhiều nên thấy bài nào cũng quen quen, nhưng cách giải thì cứ mơ hồ, không chắc chắn. Rồi tham làm mà không chú trọng cách trình bày, cứ viết tắt bước, ẩu, gạch xóa, đi thi bị trừ điểm nặng kinh. Xong có kiểu là bài khó làm được, bài dễ làm sai, hoặc bài dễ làm mãi không ra, làm loằng ngoằng dài dòng, y rằng bị gọi lên bảng. Cũng may cô giáo của mình đã sửa cho mình những thói quen này rất nhiều. 7. Học "Tập làm văn" nhưng không học "Luyện từ và câu" Bấm để xem Mình hay có kiểu làm đề văn nhiều, nhưng không chú trọng phần đọc hiểu, và nhất là kiến thức tiếng Việt, ví dụ như phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu; hay phân biệt thán từ, tình thái từ, trợ từ; đặt câu hỏi tu từ, câu cảm thán sao cho an toàn, không gượng ép, không vô duyên. Những cái này tưởng là nhỏ nhưng quan trọng không tưởng á, nếu chú ý chút là bài lên hương liền, không thì rơi rớt hết sạch điểm. 8. Nháp bừa bộn Bấm để xem Hồi bé mình thi mấy cuộc thi giải toán qua mạng, trên bàn lúc nào cũng toàn giấy ô-li thừa, nháp xong thì nhóm nồi. Học lên lớp lớn cũng lại có kiểu bừa đâu nháp đấy, thoảng lại nháp luôn bút chì vào vở, vào đề, vào giấy thi, sau lại tẩy, mất thời gian vvvvvv. Có những đợt mình lười ấy, thấy đề là vẽ hình vào nháp, xong làm luôn trong nháp, không trình bày cẩn thận vào vở, đến lúc nháp mọc chân chạy là mình quên luôn mình đã nghĩ được gì những gì, cay cực á. Sau này mình nháp luôn vào một quyển vở mới tinh, có gì hay chép luôn vào đấy cũng được. Làm vậy không bị tốn giấy đâu, khi nào stress lại ngựa ngựa tẩy những phần mình đã nháp đi để có chỗ nháp cái mới, hoặc nháp đè màu mực khác. Ngày xưa mình nháp vào giấy vụn còn tốn và bừa bộn hơn ấy. 9. Động lực ảo Bấm để xem Đến giờ, nhiều lúc mình vẫn buông thả bản thân, cho phép ngồi vào bàn cái là mở máy tính xem một tập phim, lướt một vòng facebook, check tin nhắn hoặc nghe một bài nhạc sôi động hay sắp xếp bàn học, pha nước thưởng trà, ghẹo chị trêu em, độc thoại nội tâm các kiểu hiêu vượn.. rồi mới bắt đầu làm việc/ học tập/ chạy deadline. Thế là mình đã vô tình rút cạn năng lượng của mình khi nó đang ở mức độ cao nhất, nhiệt huyết quyết tâm sáng tạo nhất. Sau đó ngồi được một tí là mất tập trung, hoặc buồn ngủ, hoặc chán.. là y rằng không làm nên chuyện gì. Cái này mình phải ép bản thân sửa bằng cách chủ động trong mọi công việc ngay từ khi ngủ dậy đến lúc ngồi vào bàn học buổi tối, rửa mặt sạch sẽ, chuẩn bị nước lọc từ trước cho tỉnh táo và quẳng mọi thứ gây xao nhãng đi thì mới cải thiện tình hình chút. 10. Có nhạc mới học yên được Cái này mình không sửa đượccccccc. 11. Lạm dụng chất kích thích để đối phó với thời gian bất hợp lí. Bấm để xem Này là tai hại nhất này. Có một giai đoạn ôn thi, đêm nào mình cũng uống cà phê của mẹ và trà xanh chôm từ chỗ ông ngoại. Có kết quả nha, 3 tháng đầu thức như cú, sáng dậy tỉnh bơ tràn đầy năng lượng. Sau dần dần mình lúc nào cũng phờ phạc, buồn ngủ, mất tập trung, hay quên, dễ cáu gắt, kém minh mẫn.. Èo nguy hiểm thật sự. Trước đó mình còn có kiểu dở hơi thế này: Ăn xong, thu dọn nhà cửa tắm rửa hết rồi là lên giường đi ngủ luôn. Mình ngủ từ 9h tối, 2h sáng dậy, yên tĩnh trong lành, xuống bếp mò mẫm như tên trộm, pha cà phê thức đêm, học liền đến 7h vác cặp đi học. Mình dại dột tàn phá cơ thể thế đó. Có những hôm buồn ngủ thì lướt mạng đến khi tỉnh là lại học tiếp. Nhưng cách sắp xếp thời gian không khoa học như này đương nhiên không kéo dài được lâu. Lúc mình nhận ra hậu quả nó mang đến vượt qua tầm kiểm soát của mình là mình phải sửa ngay lập tức. Mình nghĩ ngủ sớm, dậy sớm, ngủ đủ vẫn là ưu tiên hàng đầu với não bộ ấy. Nợ tiền nợ tình có thể trả, nhưng nợ giấc ngủ là sức khỏe không kham đâu, sẽ chồng chất lên khéo là trả bằng tính mạng đó. Mình cố để bản thân tỉnh táo học đến 11h, rồi còn gì thì mai 5h dậy giải quyết nốt. Cai mọi cà phê. Ban đầu dậy sớm đau đầu ghê á, nhưng cứ mỗi hôm đặt báo thức sớm hơn 10p so với hôm trước, dần dần đến con số 4h50p, kỷ luật trong 1 tháng, là vào nếp được. Với mình thì nó khó, nhưng khá vui :) 12. Luôn nghĩ bản thân vô dụng, dốt đặc Bấm để xem Cái này thú thật mình chưa sửa được triệt để, đặc biệt là với những môn nào mình học kém hoặc mất gốc. Mình sẽ nhìn bạn xung quanh giơ tay ầm ầm, rồi chui chui cúi cúi để giáo viên không nhìn thấy, hoặc nghĩ ra mà không dám giơ tay, luôn nghĩ mình "học làm gì có khá lên đâu", không có tinh thần học hỏi, cầu tiến. Học đối phó, qua loa, giấu dốt. Vẫn nhủ bản thân phải sửa này. 13. Hướng nội part-time Bình thường ở nhà gáy ghê lắm, đi thi ngay cả xin giám thị giấy, nháp hay đi vệ sinh cũng đắn đo, sợ hãi, trì hoãn, ngại ngùng. Cái này lần nào thi mình cũng dở thói vậy. 14. Thi thử cho biết, thi xong lại tiếc Bấm để xem Có mất lần mình đăng ký mấy kỳ thi ngoài, nhưng toàn gặp cái kiểu "còn vài bước là xong mà tự dưng không nghĩ ra", "làm ra nháp hết rồi, không kịp trình bày vào bài thi", "nghĩ ra hướng, nhưng ngại không viết vào bài", "câu dễ sai, câu khó không làm được".. có kết quả thi là hoang mang mất tuần trời. 15. Giữ đồ dùng không cẩn thận. Bấm để xem Hồi bé, mình ngồi học là hay có cái kiểu gẩy gẩy cái agrap ở bút bi cho đến khi nó gãy rời khỏi vỏ bút mới thôi. Hay tẩy là chọc chọc cho nó rỗ như tổ ong bầu mới chịu. Rồi tẩy mới mua là khoe cho cả bàn biết, được mười phút là mất dạng (sau này những cái tẩy dài là mình phải cắt đôi cắt ba ra dùng lần lượt á, mất cả cục xót chết). Hộp bút hay cặp sách là quăng quật như cái dép luôn. Tiện tay lại nháp ra bàn học. May giờ mình cũng chỉn chu hơn chút rồi, dù đôi lúc vẫn phải tìm đồ dùng um nhà lên. 16. Mất dần thói quen đọc sách Bấm để xem Mình nhận ra là lâu lắm rồi mình không đọc trọn vẹn được một cuốn sách nào. Cầm lên là buồn ngủ díu mắt. Những cuốn sách kỹ năng ngày xưa nghiền mãi bây giờ lại thấy nản đọc. Tiếp xúc một thời gian dài với các truyện teen, truyện ăn liền trên mạng cũng khiến tiêu chuẩn đọc, "khẩu vị" đọc của mình kém một cách tệ hại. Hên là mình cai được truyện rồi, nhưng lại không tập trung lâu được với sách. 17. "Hót" lắm Bấm để xem Mình để ý là cái mồm của mình nhiều khi ngoác ra rộng thật, gặp được khứa nào chung tần số là cứ rúc rích suốt ngày. Nhìn học bá nhà người ta tĩnh lặng thông tuệ thế kia, lúc cần thảo luận vẫn thảo luận sôi nổi, lúc giáo viên gọi phát biểu vẫn trả lời đầy đủ súc tích trọng tâm, đằng này mồm miệng chả được cái nết gì. Dùng không đúng chỗ, "nước bọt hiện tại sẽ là nước mắt của ngày mai" thôi. (Mình lấy câu nói trên tường Thư viện Đại học Harvard) 18. Làm việc nhóm, chỉ nghĩ đến việc Bấm để xem Có nhiều lần giáo viên giao việc làm nhóm, mình thi thoảng là nhóm trưởng nhóm phó, chịu trách nhiệm chia việc cho các thành viên, nhưng nếu ai đó làm chưa đạt hoặc ỷ lại, mình không góp ý mà lại chắt lọc bài của bạn ấy rồi làm hẳn một cái mới, ôm hết vào người, đến lúc thuyết trình, điểm của từng cá nhân sẽ chi phối điểm nhóm, nên có những phân đoạn, bạn kia không phải người làm nên thể hiện sai ý, hoặc chưa hết ý, thành ra bài nhóm nhìn chung khá tệ. Sau vài lần, mình đã rút được kinh nghiệm, nếu có cơ hội làm trưởng nhóm phó nhóm, phải cố gắng phát huy được hết khả năng, trí sáng tạo, quan điểm ý kiến của từng bạn một, dung hòa và chọn lọc nó vào bài nhóm, chứ không chăm chăm làm một mình, vừa mệt vừa kém hiệu quả. Và đôi khi, không phải kết quả, mà quá trình tương tác nhóm mới là thứ quan trọng. 19. Sai đâu mặc kệ Bấm để xem Từ bé mình đã có thói quen xấu là biết điểm xong sẽ không xem lại bài làm của mình. Mình không rà lại những câu mình sai và làm lại lại nó, không quan tâm mình sai ở đâu, không kiểm tra lại những câu mình chọn bừa. Không học lại từ chính cái sai của mình sẽ kìm hãm sự phát triển của bản thân. Nhưng may lớn lên mình sửa được rồi. 20. Cổ hủ Bấm để xem Mình không có óc sáng tạo cho lắm, nhưng mình biết điều đó không có nghĩa với việc mình không chịu học hỏi và đổi mới phương pháp học tân tiến hơn. Mình đã từng luôn áp dụng các cách học, nghe giảng, ghi chép, phân bổ thời gian theo kiểu truyền thống. Đó là một trong những sai lầm lớn của mình, và mình vẫn cần phải cải thiện từng ngày. Trên đây là ý kiến cá nhân, ý kiến cá nhân của mình thôi nhé :) Nhìn lại quá trình ôn thi bao năm nay, mình thấy những thói quen xấu trên đây hầu như xuất phát từ thói ì ạch, lười chảy mỡ, trì hoãn và thiếu kỷ luật của mình. May là có những cái mình đã sửa được. Các bạn có thể xem bài chia sẻ của mình là một chút xíu kinh nghiệm cho năm học sắp tới mượt mà và suôn sẻ hơn nhé. Còn các bạn thì sao? Có ai có thói xấu nào khác không :) ? Để mình tham khảo và thử cảm giác "nhột nhột" là thế nào :). Mọi người có thể bổ sung xem có giống mình ở đâu không nha. Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây ạ.